DUY THANH - Giấc Ngủ

26 Tháng Mười Một 201911:02 SA(Xem: 5035)
DUY THANH - Giấc Ngủ

À mày lại còn chối hả? im miệng hả? Thằng nào nó ngủ với mày thì phải khai ra, cái bụng mày nó chương phềnh ra thế kia thì còn giấu vào đâu hở con mụ ranh. Mày định làm xấu mặt cả làng này hay sao? Nói ngay để tao bỏ tù nó. Phép tắc luân lý ở đây đâu có đốn mạt như thế bao giờ? Mày làm bêu mặt chúng tao. Rồi mai đây báo chí đăng rầm cái tin khốn nạn này thì thể thống làng này còn ra cái gì hở… hở?

Y hồng hộc chỉ vào mặt tôi mà mắng như tát nước. Phải, tôi chửa hoang. Con mụ Tư thọt này chửa hoang đây, đứa nào àm gì thì làm, tôi hét to trong bụng tôi như vậy. Nếu tôi mà đứng được dậy thì thách y chửi tôi đấy. Tôi sẽ chồm lên mà xé tan cái mặt y ra, chứ tôi sợ gì cái mặt thịt ngồng ngộng bộ râu cá trê đáng ghét.

Y quay ra như phân vua với mọi người: Tiên nhân nó chứ, cái mặt nó cứ lầm lì như thế kia thì làm sao mà khảo được. Cái thá mày thì gọi là cho lên máy chém. Y lại xổ vào tôi mà thét: Gan, gan hở? ông thời bóp chết như ngóe. Tôi giơ tay chùi những tia nước bọt phì cả vào mặt. Nơi tay áo vải nâu đã bạc phếch, sờn ra và có mùi khăn khẳn. Ánh nắng chói làm tôi bật hắt hơi. Tức thì y lùi lại dang tay tát tôi đánh bốp kèm theo một câu chửi thật bẩn. Mấy mụ đàn bà ở bên ngoài cười rộ vì thấy tôi hực lên rồi vật đầu vào vách. Nhưng họ lại im ngay. Một không khí lo ngại trùm trong căn nhà họp của xóm.

Trong đám đông có người nói to:

- Thôi đi ông Xã, nó đã không khai thì khảo mãi cũng vô ích, nhất là chị ta cũng đương bụng mang dạ chửa.

Một giọng khác phản đối:

- Sao lại không, phải bắt nó khai chứ còn thế nào. Cứ đánh bỏ mẹ thì thế nào nó cũng phải nói. Thế mà mấy tháng nay cứ tưởng chị chàng bị báng hay bệnh gì. Đến bây giờ nó chềnh ềnh như cái trống mới thấy nhé.


Lão Xã trưởng được thể quay lại dọa tôi:

- Mày mà không khai thì còn là khổ, con ạ.

Giọng y ngọt hơn: Ờ thì cứ nói xem thằng nào, rồi tao bắt nó phải lấy mày. Chứ không biết ai thì cứ gọi là tức hộc máu.


Y hoa tay một vòng rồi nói với đám người xung quanh:

- Tôi nói thế có phải không các ông các bà?

- Kể cũng tức thật đấy, nhưng chị ta cứ không chịu nói là ai thì làm thế nào. Hay là cứ để cho chị ấy đẻ đi đã rồi trông đứa bé nó giống ai thì nó sờ sờ ra chứ còn gì nữa.

Một giọng nữa tiếp:

- Ấy chết không được, sợ cứ trông rồi đoán tầm bậy thì lại khốn khổ nhiều anh.

Mấy cô gái làng thấy câu nói lý thú bấm nhau cười cung cúc.

Tôi trông thấy chúng nó mà ghét tệ. Chúng nó đẹp, chúng nó xinh, chúng nó có chồng con, có nhân tình nhân ngãi. Còn tôi thì sống lết lê, chẳng ai thèm để ý. Hai chân tôi nó quặt đi nhỏ bằng cái ống sậy. Tôi đi bằng tay lê la như một con chó. Con chó còn sướng hơn bởi nó có bốn chân nó chạy. Còn tôi từ xó nhà ra đầu ngõ, rồi từ ngõ vào đến vườn là hết. Từ xưa chưa hề có ai để ý đến tôi cả, họ nhìn tôi như một con vật. Với ai tôi cũng phải ngửa đầu nhìn lên. Cho đến bây giờ tôi có chửa họ mới vụt nhận ra tôi cũng là người như họ. Tôi có chửa. Con mụ Tư thọt có chửa thì còn trời đất nào. Với ai? Có lẽ họ muốn biết để thỏa tính tò mò, tôi còn lạ gì. Lão Xã trưởng nó hứa hẹn với tôi rằng khai ra thì gả kẻ đó cho tôi, lúc thì y lại bảo khai ra để y bỏ tù người ấy. Dễ tôi mới đẻ hôm qua chắc. Năm nay tôi ba mươi hai tuổi đầu và chưa hề nằm ngủ với người đàn ông nào trong đời, trừ một lần cách đây năm tháng.

Cái bào thai trong bụng này là của anh ta. Nhưng đừng có hòng tôi nói ra… Tôi giữ cái kỷ niệm, cái hình ảnh ấy cho mình tôi. Tôi cho là đẹp, tôi ôm ấp cái hình ảnh ấy mặc cho họ rủa sả. Tôi chắc anh ta còn hối hận về phút cuồng dâm bữa ấy. Với tôi thì không. Tôi yêu. Tôi chắc anh ta sẽ tự tử nếu tôi khai tên anh ta ra. Mà sao tôi lại nói? Tôi thì mong lấy gì ai? Tôi lê đi dưới đất như một con chó. Tôi với cái bướu trên lưng. Tôi với hình người chẳng ra người.

Ai cười thì cười. Đứa trẻ nào trông thấy tôi cũng chế nhạo. Lũ người lớn thì coi tôi như không có trên thế gian này. Mỗi lần nhìn tôi sao họ có vẻ hợm hĩnh thế. Tôi thù họ. Cho đến ngày nay thì tôi trả được cái thù này. Tôi có chửa với một người của họ. Một gã đàn ông. Tôi sướng khoái với cảm giác thấy họ bị dằn vặt đau khổ. Thì ra lần đầu tôi được chú ý tới. Tôi là cái mốc cho họ bàn tán, ghen ghét. Lần đầu tiên họ nhận thấy có tôi trên cõi đời.


Mẹ tôi mang một nắm lạt tre để xuống bên cạnh tôi. Tôi vẫn tiếp tục đan thành hình một cái giỏ. Thấy người thở dài, tôi chỉ bảo:

- Bầm khỏi phải lo, chẳng ai làm gì được mẹ con ta cả. Còn người ấy thì nhất định con không nói ra đâu. Anh ta chẳng có tội gì hết. Con cũng không, con sẽ đẻ. Và sẽ nuôi đứa trẻ này.

Mẹ tôi nắm lấy tay tôi, tôi nhìn xuống bàn tay gầy guộc đầy gân xám to bằng con giun. Bàn tay tôi cũng sần lên như một bàn chân. Chưa ai ở làng này xấu bằng tôi. Thế mà tôi sắp có con với anh ta, với đứa con giai có vợ sắp cưới là cái Gái ở xóm dưới. Con bé vào loại nhất nhì trong làng. Tiếng mẹ tôi run run khàn khàn trong cái tĩnh mịch của chiều xuống. Tiếng lạt tre cọ vào nhau dưới ngón tay tôi đưa đẩy.

- Buổi chiều ông Xã có bảo với bầm rằng phải về dỗ ngon dỗ ngọt cho mày nói tên người ấy ra, không thì ông ấy đuổi ra khỏi làng. Bây giờ bầm già rồi, chỉ muốn yên phận. Vậy tùy mày xử trí thế nào thì xử. Đời bầm đã khổ nhiều từ ngày lấy bố mày.


Mẹ tôi không nói hết câu, cái hình ảnh cuối cùng là người bố chìm và tan trong một tiếng nấc. Buổi chiều lạnh và mênh mông như một cánh rừng: chơ vơ, lạc hướng. Tôi hình dung lại hình dáng người cha từ thuở nào xa lắm, cái hơi nồng của men rượu, những câu rủa tục tằn lúc nào cũng đeo trên đôi môi dày thâm sịt. Tôi biết mẹ tôi khổ nhiều, kể cả vì tôi. Không hiểu sao những kiếp người như chúng tôi lại cứ có trên cuộc đời. Đã thế lại còn bám vào cái sống không chịu buông. Ngày bố tôi chết vì say rượu trượt chân ngã xuống ao thì cả làng như bớt một gánh nặng. Chính tôi cũng không cảm thấy thương tiếc. Chúng tôi vẫn sống cái kiếp sống của con người vật, dài và buồn nản.


Tôi sờ tay lên gò má còn hằn ngón tay của lão xã, chưa bao giờ tôi thù y đến như thế. Y lại còn muốn làm khổ mẹ tôi. Với tôi như thế chưa đủ hay sao?

Đã thế tôi sẽ làm cho y điên đảo. Tôi sẽ khai quách cho cháu y rồi muốn ra sao thì ra. Tôi nhớ lại cái gã đàn ông nặng nề và chậm chạp thỉnh thoảng qua ngõ nhà tôi. Đã có lần tôi ước ao ngủ với hắn và được hít cái mùi hoi hoi của chính người hắn đang vương trong không khí.


Cúi đầu xuống, tôi lại nghĩ đến cái thằng người con ngoi ngóp trong ấy. Nó đương ngọ nguậy, nhè nhẹ nhè nhẹ, nhưng nhiều khi nó cũng làm tôi đau nghiến. Tôi kéo bàn tay mẹ tôi để lên bụng:

- Bầm sắp có cháu bế.

Mẹ tôi yên lặng một lúc rồi bỗng nhiên nói:

- Mày đã định đặt tên nó là gì chưa?

- Chưa, bầm ạ.

Ba chúng tôi cùng ngồi yên, cùng nghĩ tới nhau, chưa bao giờ tôi thấy yêu mẹ tôi, yêu con tôi và yêu anh ta đến thế. tại sao tôi không đối phó để giữ những gì tôi ấp ủ?

- Bầm ạ, tôi thấy nóng mặt vì sắp nói dối mẹ tôi. Anh Ba đấy.

- Ba nào? Tiếng mẹ tôi lo âu.

- Ba, cháu ông Xã ấy mà.


Mẹ tôi chậm rãi đứng dậy chép miệng thở dài. Tôi biết người lo ngại viên xã trưởng. Tôi thì chẳng sợ gì. Y là một thứ vũ phu, y khảo tôi vì tò mò mà cũng để sĩ diện với làng xóm là mình có uy quyền. Đời nào y dám đuổi mẹ con tôi ra khỏi làng này.

- Thôi tao đi nằm đã, rồi cũng liệu mà đóng cửa Tư ạ, xẩm tối rồi.

Mẹ tôi quờ quạng tìm chiếc đèn dầu mắc ở xó nhà, châm lửa. Ánh đỏ chập chờn hoa lên trong chạng vạng của bóng tối vừa xuống. Tôi nói:

- Để con cố đan nốt chiếc giỏ này đã bầm ạ, gần xong rồi.

- Liệu mà nghỉ sớm cho khoẻ.

Mảnh trăng thượng tuần nhô lên sau đám mây dầy, lạnh lùng, đơn độc.

Tôi nhớ lại cái đêm tôi gặp anh ta, trăng cũng như thế này nhưng vào khuya hơn chút nữa. Lần đầu tôi biết một người đàn ông. Từ đó đêm nào tôi cũng nghĩ đến anh ta, cái hình ảnh ấy đến với tôi như một ám ảnh vĩnh viễn. Tôi mê cái ám ảnh đó mỗi buổi chiều tắt đi.


- Đừng anh, đừng ở đây.

Tiếng người con gái van vỉ. Giọng người đàn ông như lạc đi:

- Không, để yên nào.

- Nhưng anh vừa uống rượu với lại…

Câu nói bị đứt quãng bởi một bàn tay giật mạnh. Người con gái kêu lên một tiếng nhỏ rồi giằng ra. Tiếng xoạt của vải rách kèm theo một tiếng rủa ngắn.

Tiếng chân chạy xa và gã đàn ông rên lên. Hắn loạng choạng bíu vào cành tre lả gần mặt. Tôi nghe thấy tiếng thở hừng hực. Lúc hắn đi quành ra đằng sau cậy rơm để ngồi xuống thì hắn há miệng vì ngạc nhiên. Một hình thù ngồi đấy tự bao giờ. Đó là tôi, một con vật giống cái. Thỉnh thoảng tôi vẫn bò ra ngồi chỗ này hóng mát, vì nó ở ngay phía sau nhà tôi, cạnh con đường ven làng. Lần này tôi đã thiu thiu chợp được một giấc khá dài. Trăng lấp sau bụi tre và bóng người đàn ông chỉ còn là một khối đen lớn trên nền sẩm của lá.


Anh ta chập choạng đi đến phía tôi rồi quỳ thụp xuống nhìn vào tận mặt. Hơi rượu cay cay làm tôi muốn bật ho. Một con muỗi bay bên lỗ tai vo vo, anh ta giơ tay đập cái đét rồi ôm choàng lấy tôi.


Tôi không kêu nhưng cố đẩy anh ta ra kịch liệt. Mà tại sao tôi lại chống cự cơ chứ? Tôi thường mơ ước được ngửi hơi thở một người đàn ông và lần này tôi đã được. Anh ta ở ngay trên tôi. Anh ta với những bắp thịt rắn đanh. Tay tôi ghì lấy lưng áo sâm sấp mồ hôi hay vì sương xuống tôi không biết. Ánh trăng rất mờ, đám mây xám đảo trên trời như bão hay bão ở lòng tôi, tôi cũng không hay.


Rồi anh ta buông tôi và bỏ đi giữa lúc tôi nằm yên trên cỏ. Mùi rơm hăng và thơm như lúa mới, nhưng không làm tôi quên cái mùi người anh ta, và tiếng chân bỏ xa trên đất cũng không làm tôi trở mình. Tôi nằm đấy suốt đêm với con trăng ướt lạnh, với những vòng hào quang thần thánh quay cuồng không gian.


Quả nhiên sự báo thù của tôi lại công hiệu. Viên xã trưởng thấy mẹ tôi nói là cháu hắn ta thì tái người. Y cũng không dám đánh tôi vì có người nói tôi mà trụy thai thì y không khéo mất chức mà lại khốn khổ. Mẹ tôi chỉ luôn miệng van xin. Người này, người nọ mỗi người hỏi một câu, chêm vào một chuyện.

Lúc tôi trông thấy cái mặt tái xám của anh Ba thì lại không cầm lòng thương. Tôi bèn đổ đại cho một chàng khác. Rồi lại một tên nữa bay ra, khiến cả làng hoang mang. Họ càng tra hỏi thì lại càng lúng túng bởi những câu trả lời của tôi. Tôi dám chắc rằng cả đời chưa bao giờ tôi lại nguy hiểm đến như thế. Tôi không còn là một con chó thường nữa mà là một con chó dại khiến mọi người sợ điên lên. Tôi thú vị vì trả thù được những đứa con gái hợm hĩnh có tình nhân hoặc chồng bị ghép ngủ với tôi. Bao nhiêu chàng ê chề, nhục nhã và ngượng đến phát sốt rét vì bị mang cái tiếng tăm đó. Thế ra tôi đã ngủ hết với họ theo tưởng tượng của mọi người. Tôi trở thành một thần tượng cho mọi người sợ và ghét.


Chỉ vì mày đấy con ạ, ôi cái hòn máu bé nhỏ là con của mẹ. Mẹ ước ao rằng sinh ra con hoàn toàn là một người chứ không phải là con vật nữa. Mẹ mang con trong bụng mẹ và lê con trên mặt đất. Mỗi một thước dài là mẹ lại cảm thấy sự có mặt của con và nỗi yêu đương của mẹ.


Tôi thấy nó cười trong tôi, tê tái như sau đêm anh ta đến, và tự nhiên tôi thấy yêu cả cuộc đời. Lão xã trưởng với bộ râu trê ngồng ngộng không còn đáng ghét nữa, y có thể tát tôi dăm bảy cái liền. Tôi cũng không còn ghét những đứa con giai, con gái làng lầm lì nhìn tôi một cách hằn học. Bởi vì tôi đã báo được thù, tôi đã cho họ nhận thấy là tôi ngang hàng với họ, những kẻ có hai cẳng đứng hẳn hòi. Ý tưởng đó làm tôi suýt bật cười thành tiếng. Một người đàn bà sấn đến cạnh tôi vừa chửi vừa định đánh. May mà có một người khác giữ lại:

- Tiên sư nó chứ, chồng bà đâu có ngủ lang với cái thứ mày hởi con giời đánh kia. Bà chỉ cho mấy thanh củi là mày chết bỏ đời.

- Thôi thì bác chấp làm gì. Chị ta dở hơi đấy mà. Đánh chửi lắm nó lại càng khai tầm bậy. Với lại cái mã ấy cũng chẳng sống được đâu. Người như thế làm sao mà đẻ với đái được.

Câu nói đâm vào phổi tôi buốt như một cây kim nhọn.

Tôi nghĩ đến thằng người con trong bụng. Không! Nó còn sống, nó đang sống, nó phải sống. Nó đang ngọ nguậy trong tôi, làm sao nó lại chết được. Tôi bằng lòng chết cho nó sống. Tôi bằng lòng chết mà không cần oán hờn gì ai hết, kể cả anh ta. Mà tôi phải biết ơn mới đúng chứ. Anh ta đã cho tôi dư vị của sự sống. Sự sống tràn trề bùng lên như lửa.

- Không, tôi không chết, các người đi đi.

Tôi hét lên, và mọi người lầm lũi tản ra.Họ vẫn sợ tôi như một con chó dại.

Thế rồi câu chuyện cũng hơi nguôi mặc dầu bụng tôi ngày mỗi lớn. Tôi không lê được nữa. Tôi ở nhà. Mẹ tôi cũng lo ngại bảo với tôi:

- Bầm hỏi bà mụ ở làng thì bà ấy bảo phải đem mày ra tỉnh mới đủ thuốc.

Người lại chép miệng: Thì người ta cũng sợ không làm nổi, nhỡ có sao lại khốn cả hai mẹ con.

Tôi phải đi vì tôi muốn con tôi sống, nó sống để làm người. Mà tôi còn tiếc gì cái làng này khi người ta nhìn đến tôi như một con người vật.


Chúng tôi thu xếp lên tỉnh.

Lần đi này, tôi có cảm giác sẽ không bao giờ trở về nữa. Giã từ tất cả, căn nhà, bụi tre, đống rạ sau nhà. Tôi chỉ mang đi toàn hình ảnh. Những hình ảnh se thắt lại trong những cơn đau dữ dội từng hồi.


Vị bác sĩ khám cho tôi xong quay lại bảo nhỏ với cô nữ y tá tay cầm bút ghi chép. Mẹ tôi thì lo âu nhìn hai người.

- Sản phụ phải ở đây tĩnh dưỡng cho đến ngày sinh nở. Vị bác sĩ nói. Trường hợp này phải mổ để lấy đứa bé ra mới hy vọng cứu cả hai mẹ con. Nhưng tình trạng của sản phụ nguy hơn. Dù sao chúng tôi cũng cố gắng.

Không, nó sẽ sống, tôi kêu thầm như vậy. Tôi bằng lòng hy sinh để nó sống.


Nằm trên giường sắt trắng, tôi như chói mắt vì sắc trắng của trần nhà và buồn nôn vì cái không khí của nhà thương. Những sản phụ khác cũng nhìn tôi bằng con mắt tọc mạch. Chắc họ cũng tự hỏi làm sao một người như tôi lại có chửa như họ được. Và loáng thoáng tôi cũng nghe thấy những tiếng xầm xì từ giường này qua giường khác. Nhưng tôi thì cần gì nghĩ đến họ. Tôi nghĩ đến đứa con tôi, đến cái đêm mà trời như đổ xuống. Da tôi tê đi, ràn rạn như có sự cọ sát của những sợi râu thưa đâm vào má. Mẹ tôi nói:

- Tao lo cho mày, Tư ạ… nhỡ làm sao.

Tôi ngắt lời khe khẽ:

- Bầm khỏi lo, rồi bầm có cháu bế mà. Còn con thì…

Tôi cũng không nói hết câu nhưng mẹ tôi cũng thừa hiểu.

- Có gì bầm nuôi nó.

Giọng nói của tôi nghẹn trong cuống họng, chúng tôi im lặng mỗi người một ý nghĩ. Đêm ấy tôi mơ thấy tôi đi về làng như một người thường. Bằng hai chân. Ai nấy đều chào hỏi tôi như chính tôi cảm thấy từ trước mình vẫn là người thường. Đến nhà thì có một thằng nhỏ ra đón với mẹ tôi. Trông tôi thằng bé chỉ cười. Mẹ tôi dắt nó đến và bảo: Sao không chào mẹ mày đi. Tôi giơ tay bế nó hôn, rồi hai mẹ con dong chơi trong vườn. Giữa lúc đang đùa với con và đang sống tràn trề hạnh phúc thì tôi hãi hùng chợt thấy cảnh vật như lớn lên và tôi nhỏ dần, nhỏ dần lại. Một cảm giác ớn lạnh suốt sống lưng và tôi chợt thức dậy. Bấy giờ còn là đêm. Đầu phòng một ngọn đèn còn le lói và qua khung kính nhỏ trời sao lấp lánh. Căn phòng lặng lẽ như một chiếc quan tài.


Tôi đặt tay lên bụng mỉm cười nghĩ đến nó rồi lại ngủ thiếp đi.


Duy Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 247)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 313)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 322)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 533)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 516)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 375)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 799)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 660)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 785)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 699)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17028)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12247)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18971)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9162)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8319)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 600)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 971)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1155)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13983)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19171)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7885)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8805)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8495)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11052)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30704)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20812)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25500)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21723)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19778)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18048)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19247)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16109)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24492)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31943)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34929)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,