NHẬT TIẾN - Nhận Thư Con

14 Tháng Chín 20203:57 CH(Xem: 3326)
NHẬT TIẾN - Nhận Thư Con


Bà cụ Tám quẹt đến que diêm thứ ba rồi mà vẫn chưa châm được mồi lửa. Diêm quốc doanh hồi này tồi tệ quá, đầu que chỉ dính chút xíu thuốc mồi, lại mềm xèo, quẹt vô vỏ bao chỉ bở toẹt ra và bốc khói lên thôi. Cơn bực bội của cụ như có thêm được lý do để nổ bùng. Cụ ném văng hột quẹt xuống vệ đường và la lối:

NhatTien
Nhà văn Nhật Tiến



– Tổ cha nhà nó, diêm quẹt thế nầy cũng bán cho người ta.

Rồi cụ lật thúng, lật rổ đùng đùng như thể kiếm xem trong gánh hàng của cụ còn sót lại bao diêm cũ kỹ nào không. Ngồi ngay bên cạnh, chị Bảy bán xôi bắp thấy sốt ruột phải kêu lên:

– Thôi đi ngoại ơi, vía van ở đâu ra mà đốt hoài! Từ sáng ngoại đốt đã hai lần rồi, cũng đến vậy thôi.

Bà cụ quay sang sẵng giọng:

– Có đốt có hơn, có kiêng có lành chớ. Mới mở mắt ra đã mấy đứa tới ám quẻ, làm gì không xui.

Chị Bẩy bật lên cười:

– Ai mà ám quẻ ngoại làm chi. Khoai của ngoại sùng, người ta mất tiền mua, người ta phải kêu nài chứ. Tội là tội mấy thằng trong ban điều hành Hợp tác xã kia kìa. Chúng nó ăn tay với bọn đi thu mua, đem về toàn đồ dỏm rồi bắt bà con tiêu thụ. Ngoại ham rẻ buôn lại mấy thứ nợ đó rồi có ngày hết vốn!


Lời phân giải của chị Bảy chẳng làm nguôi ngoai được bà cụ chút nào mà trái lại còn khiến bà cụ tức tối thêm. Cụ với tay chụp lấy cái vỉ đập ruồi khua loạn xạ lên mấy cái mẹt trước mặt khiến cho những con nhặng xanh, những con ruồi đen kịt đang bu trên mớ khoai lổn nhổn vụt bay lên tán loạn.


Một lát sau, cơn tức giận của cụ dịu xuống. Cụ bắt đầu chú ý nhìn ra chung quanh. Con hẻm chật chội lõng bõng bùn nước vì cơn mưa đêm qua, vào lúc này đã tấp nập người qua lại. Mấy đứa nhỏ còn có cơ hội đi học đang cắp sách đến trường, trên cổ đeo những chiếc khăn quàng màu đỏ chói mắt. Vài người trong xóm tay xách những chiếc bao tải, những cái giỏ không, bên nách kẹp cuốn sổ hộ khẩu và sổ thực phẩm đang đi đến trụ sở của Hợp tác xã Thương nghiệp. Ở trước căn nhà nhỏ được dùng làm trụ sở của Chi đoàn Thanh niên, một đám thanh niêm nam nữ đang tụ tập mỗi lúc một đông. Không biết hôm nay có công chuyện gì mà thấy lển nghển đủ thứ cờ quạt, khẩu hiệu và biểu ngữ. Xế cửa bên mé đó là trụ sở của một tổ hợp may cắt, vào lúc này cánh cửa cũng đã mở toang, bên trong thấy lố nhố nhiều người. Một cái xe vận tải nhỏ đậu chình ình ở đó ngay từ sáng sớm hiện đang bốc dỡ những xúc vải lớn để khuân ùn ùn vào bên trong nhà tổ hợp. Hồi này cách làm ăn bên đó có vẻ trúng mối. Nhà nước gởi tới may loạt sơ mi dài tay bằng vải trắng có chạy những đường kẻ sọc màu xanh hay nâu. Một lần bà cụ Tám đi ngang qua đó vào buổi chiều, có tiếng của Hảo, con gái ông Đông bên hàng xóm, gọi véo von:

– Ngoại ơi! Coi nè!

Bà cụ đứng khựng lại, ngó vô. Bà thấy cái Hảo đang xoè rộng cái áo sơ mi vừa được nó may xong và giơ lên cho cụ thấy. Ôi chao là dị kỳ. Nó dài, nó to, nó rộng, chỉ nội cái thân đã nuốt thòm lỏm hết cả từ đầu con bé xuống đến quá đầu gối rồi. Bà cụ kêu lên:

– Áo sơ mi nầy may lớn thế thì bán cho ai?

Cái Hảo vừa cười ngặt nghẽo vừa trả lời:

– Đâu có bán cho ai. Cái này nhà nước xuất khẩu đi Liên Xô!

À ra thế. Hèn chi mà vải vóc cứ chở đến ùn ùn, công nhân ra vô tấp nập, đèn đóm ở đó sáng choang từ sáng đến tối. Hôm đó vui chân bà cụ Tám tạt ngay vô nhà và xoè tay bốc cái vạt áo sơ mi lên để xem cho tận mắt cái vải “xuất khẩu đi Liên Xô” nó ra làm sao. Bà cụ không tin ở mắt mình. Bà vê đi vê lại cái mặt vải trên mấy ngón tay. Rồi bà kêu lên:

– Cái này vải bông xí òm, giặt đi một nước thì nó nhão nhoẹt ra rồi nhăn túm lại chớ gì.

Cái Hảo mỉm cười:

– Thì thế! Hồi trước mình đâu có xài mấy thứ nầy để may áo sơ mi. Giỏi lắm thì cũng đến chỉ để may áo gối thôi.

Cụ Tám càng ngạc nhiên:

– Vậy chớ sao đem xuất khẩu đi Liên Xô?

Cái Hảo phá lên cười:

– Ngoại đi mà hỏi mấy ông nhà Nước chớ cháu làm sao mà biết đường trả lời. Mà “Xô” thì “Xô” chớ cũng nghèo chết ra ấy chớ, có cái mà mặc cũng quí rồi.

Thế chẳng cần “đi hỏi mấy ông nhà Nước”, Cụ Tám cũng đã hài lòng về cách giải thích của cái Hảo rồi. Cụ cười khà lên một tiếng rồi đi ra. Trong bụng cụ nghĩ vừa ấm ức, vừa tức cười. Tổ cha mấy thằng liếu láu bên ban Thông tin Văn hóa Phường. Lúc nào cũng dẻo cái mồm “Liên Xô vĩ đại, Liên xô vĩ đại”, làm như chỉ cần nói cho lấy được, bất kể trắng đen. Tuy nhiên bà cụ Tám cũng chả bận tâm gì nhiều đến chuyện đó. Chúng nó nói gì thì nói. Nói riết rồi đâm nhàm, chả ai thèm để ý. Mối lo âu duy nhất của mọi người bây giờ là làm sao chạy ra cái ăn. Sự thiếu thốn cứ thế mỗi ngày một hiện ra rõ ràng trước mắt. Mặt ai cũng xanh xám, gò má vêu vao, mắt như đục đi, răng miệng như hô ra, nụ cười cứ mỗi lúc trở nên héo hắt.

Riêng cụ thì từ ngày thằng Quang đi học tập, cụ bám riết lấy mớ thúng mủng hàng ngày ra ngồi ở đầu hè. Hàng họ bầy bán ngày một sa sút đi. Trước đó còn có đôi quả xoài, dăm nải chuối, vài trái thơm và linh tinh bánh kẹo đủ thứ. Nay thì chỉ còn phần lớn là những củ khoai lang, khoai mì và mấy trái cóc, trái ổi đèn đẹt. So với những dãy hàng rong ngồi la liệt ở khu hẻm nầy, gánh hàng cụ Tám thiểu não nhất.

Ngay bên cạnh cụ, chị Bảy cũng còn có gánh xôi khá tươm tất. Một bên là cái thúng lớn, trong chia nhiều ngăn được được ủ kín bằng những tàu lá chuối có cả xôi bắp, xôi vò, xôi đậu xanh, đậu đen. Bên kia quang gánh là linh tinh bát đũa đủ thứ. Ai mua mang về được gói trong một mảnh giấy to bằng bàn tay được lót một mẩu lá rong. Ai ăn tại chỗ thì có bát đũa tươm tất. Tính chị Bảy vừa đàng hoàng, vừa rộng rãi. Chả bao giờ chị nỡ từ chối một bác xích lô xin thêm ít mỡ hành, hay một thằng nhỏ năn nỉ đòi thêm một thìa đường chẳng phải loại đường như trước mà là thứ đường cục mầu nâu được nghiền nát thành bột. Chị Bẩy may mắn hơn nhiều người là chồng chị không phải học tập cải tạo. Những ngày đầu có lệnh của Uỷ ban Quân quản bắt các cựu sĩ quan phải đi tập trung, hễ có ai hỏi thăm về trường hợp của anh Bảy, chị cười sung sướng, khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên:

– Ảnh mới có hạ sĩ thôi à! Hạ sĩ chỉ học có ba ngày rồi nhà nước cho “dìa”.

Chả bù với ngày xưa thấy bạn bè có chồng con nên chức nên phận, những lúc giận nhau với ảnh chị vẫn đay nghiến:

– Anh thì làm nên cái cơm cháo gì. Hơn mười năm ở lính vẫn lẹt đẹt cái “hạ sĩ”.

Nào ngờ, sau một cuộc đổi đời, lại có lúc chị nhắc nhở đến chức tước của anh như một thành tích vẻ vang, trong khi đó mấy đứa bạn cũ hồi còn đi học nay lấy chồng sĩ quan, đứa nào đứa nấy khóc sưng đỏ vù cả con mắt.

Sau ba ngày học tập ngay địa phương, anh Bẩy được trả quyền “công dân”. Thỉnh thoảng anh vẫn lầu bầu:

– Mẹ kiếp, công dân ở cái xứ nào không biết, chứ trong cái xã hội chủ nghĩa này thì số phận lúc nào cũng đen như mõm chó.

Chị Bẩy phải lừ mắt nhìn anh để nạt nộ và có lúc chị phải nói:

– Muốn học tập mút mùa hay sao mà cứ ngứa mồm nói năng ẩu tả. Nói cho anh hay, tụi nó bắt đầu thắc mắc cái nghề lái xe ôm của anh rồi đó.

Anh Bẩy nhìn chị tức tối:

– Lái xe ôm thì sao. Tui đâu có nhờ vả trông cậy gì được của tụi nó tí chút nhu yếu phẩm nào đâu.

– Mà điều anh không có lao động sản xuất. Thời buổi này không lao động sản xuất là ăn bám xã hội anh hiểu chưa.


Anh Bẩy kêu lên:

– Ái cha, cô đi sinh hoạt học lóm được đôi ba chữ chính trị bây giờ đem về dạy dỗ cả tui nữa há.

Chị Bẩy không tức vì anh không đồng quan điểm với mình, nhưng tức là vì anh đã gán cho chị hai chữ “học lóm”. Chị mà thèm học lóm đứa nào. Mấy cái tư tưởng lao động đó chúng nó ra rả tối ngày trong cái loa bên ban Thông tin Văn hoá Phường ai cũng nghe, ai cũng rõ chứ chị đâu thèm học lóm. Thế là hai người cãi nhau. Anh Bẩy tức tối xách cái xe máy ra đường đi biệt từ sáng tới tối. Lúc trở về, hỏi tiền kiếm được không thấy đưa ra, lại mang thêm bộ mặt đỏ ké, mồm miệng sặc sụa hơi rượu. Cuộc cãi nhau về đêm sau đó còn to hơn nữa.

Tuy nhiên những chuyện lỉnh kỉnh như vậy không xảy ra thường xuyên. Đời sống khó khăn, thiếu thốn đã khiến cho vợ chồng gần gũi thương yêu nhau hơn. Chỉ phú quý mới sinh lễ nghĩa mà, các cụ ngày xưa đã dạy thế. Cũng nhờ vậy, anh Bẩy đỡ đần chị khá nhiều khi mỗi ngày anh chịu xách xe ra cổng, đầu đội mũ tùm hụp, móc một bên túi áo trên ra lọ thuốc muỗi chứa đầy xăng mồi mồi một chút xíu cho cái máy rồi đạp cần số cho máy nổ. Cái xe máy chạy bằng dầu hôi nổ rầm rầm như cái xe hủ lô và tuôn khói mù mịt. Chị Bẩy cảm thấy khoan khoái khi được ngửi cái mùi khói quen thuộc ấy. Nó đem lại cho chị cái cảm giác dễ chịu đồng nghĩa với sự dễ chịu khi nghĩ tới buổi tối anh trở về là có tiền mua thêm chai nước mắm, hay vài bó củi, hay nửa kí đường hoặc những cái linh tinh vặt vãnh nào đó vừa hết soẳn ở trong nhà.

Còn chị thì vẫn cố thủ với gánh xôi. Chị cũng kiếm được đồng ra đồng vào nhưng thủ kỹ chẳng bao giờ nói ra với anh Bẩy là chị có lưng vốn bao nhiêu, mỗi ngày lời lãi bao nhiêu. Điều rõ nhất mà anh biết là hai đứa nhỏ nhà anh chưa đến nỗi nhịn đói, còn chị Bẩy thì tuy có sa sút nhưng cũng còn mát mẻ, phong độ lắm.

Mỗi buổi sáng vào giờ này, như sáng nay, là chị cũng đã tự bán cho mình một gói xôi nóng hổi rưới cả mỡ lẫn đường nhiều gấp đôi, gấp ba các khách hàng khác. Mùi xôi mỡ thơm phức bay sang lỗ mũi bà cụ Tám bên cạnh cứ mỗi lúc một làm cho cụ nôn nao. Cơn tức tối vì chuyện mấy đứa ám quẻ kêu nài khoai sùng, khoai thối đã nguôi ngoai trong lòng cụ. Bây giờ cụ chỉ thấy cơn đói đang râm ran chạy khắp cơ thể làm cho cụ cảm thấy hết sức khó chịu. Cái đầu cứ chòng chành. Cặp mắt nhìn đâu cũng thấy như mờ đi. Chân tay của cụ run rẩy. Trong ruột thì cái trống rỗng cứ mỗi lúc một làm cụ thấy buốt xót như có ai đang bào nạo. Đói. Đói từ chiều hôm qua. Cụ nhớ đến hũ gạo vét vơ đến hạt cuối cùng từ bốn năm ngày trước. Ngày hôm kia ra chợ định đong ít lon về nấu độn nhưng nó đòi mười đồng một ký gạo. Trong khi ấy thằng Quang hồi mấy tháng trước viết thư về chỉ xin một gói muối mè rang mè, một lọ dầu gió và mấy thẻ đường bổi. Hôm nhờ người ta đọc thư của nó lên cho bà cụ nghe, bà cụ ôm mặt khóc:

– Nó biết tôi nghèo, tội nghiệp, nó chẳng dám xin gì.

Với nhu cầu thiếu thốn của nó như thế đời nào cụ dám bỏ ra tới mười đồng để đong một ký gạo. Thế là cụ chọn giải pháp ăn bậy bạ cái gì cho qua cũng được. Cụ quyết tâm dành dụm để lo phần quà chu đáo cho thằng Quang trong lần thăm nuôi tới.

Tuy nhiên mùi hành mỡ quái ác từ mẹt xôi của chị Bẩy đưa sang cứ làm tất cả các tế bào khứu giác của cụ nhất loạt đứng hết cả dậy. Mới đầu thì cụ tránh để không nghĩ tới nó. Nhưng càng cố tránh mùi thơm càng đưa lên ngào ngạt. Nó bắt buộc cụ phải quay đầu lại phía những mẹt xôi và để cho hai lỗ phập phồng đón tiếp tự do cái mùi vị mà cả hai tháng nay cụ chưa hề thưởng thức tới. Rồi cụ sững người ra nhìn chị Bẫy nhai nhóp nhép tự lúc nào mà cụ không ý thức được, không kiểm soát được. Đã có lúc cụ định xuất ra đồng bạc để mua cho mình một gói xôi. Nhưng ý nghĩ dại dột ấy lập tức bị dập tắt ngay bởi hình ảnh gầy đét, ốm yếu xanh xao như một bộ xương khô của thằng con trai cụ. Cụ cố níu lấy cái hình ảnh đó để chống trả với những cuộc tấn công của mùi hành ngập mùi mỡ béo và cả mùi thơm phức của những hạt xôi dẻo quạch. Về một ý nghĩa nào đó, quả thực cụ cũng đang bị trải qua một cuộc tra tấn bằng cân não, đánh vào cái bao tử cồn cào, đánh vào hai lỗ mũi đầy thần kinh khứu giác, đánh cả vào bộ não bồng bềnh, phiêu dạt bởi những cảm giác đói run cứ diễn ra trong đầu óc.

Cuối cùng thì cụ đành phải đầu hàng cái cuộc tra tấn ấy bằng cách lượm lên một củ khoai. Củ khoai đẹt nhất, có nhiều dấu loang lổ xanh bầm của vết sùng, vết thối nhất. Cụ run rẩy bóc vỏ bằng mấy ngón tay. Rồi cụ cắt một khoanh nhỏ đưa lên miệng. Vị bùi của khoai không lấn át vị đắng nghét của vết sùng làm cho mặt cụ nhăn lại. Bây giờ thì cụ cảm thấy mấy đứa ám quẻ mua khoai rồi đem trả lại là có lý. Khoai hư thối thế này ai mà nuốt nổi. Cắt toang một củ ra, để chỉ có một phần ăn được, còn tới bốn phần hư. Thế thì trăm tội đổ lên đầu mấy thằng bên Hợp tác xã Thương nghiệp là đúng rồi. Cụ chém cái sống dao xuống mép một cái thúng rồi bật kêu lên:

– Tổ cha nó! Khoai thế này cũng bán cho người ta.

Chị Bẩy ngồi bên chợt rích lên cười:

– Thì Con đã biểu rồi mà. Ngoại ham rẻ buôn mấy thứ đó có ngày hết vốn.

Bà cụ định nói một câu gì đó nhưng miếng khoai chẹn trong cổ làm cụ nghẹn lại. Vị đắng nghét đứng sững ở đó, thấm vô nước miếng rồi loang ra. Bà cụ thấy rõ cái cảm giác khó chịu đó chui xuống tận bên trong cổ họng. Còn đang lúng búng với miếng khoai và những ý nghĩ rã rời, bỗng bà cụ Tám chợt giật nẩy người lên khi nghe từ đằng xa có ai réo gọi tên mình. Quả nhiên chỉ trong một thoáng sau đó mấy đứa nhỏ đã lốc nhốc chạy lại từ phía đầu hẻm, vừa chạy vừa la chói lói:

– Cụ Tám có thư! Cụ Tám có thư!

Những tiếng la có tác dụng làm cho người cụ chết sững lại. Cụ quên cả đói. Quên vị khoai đắng nghét còn chứa đầy trong miệng. Quên luôn cả sự hờn giận mấy đứa làm ăn bê bối bên Hợp tác xã Thương nghiệp. Trong đầu óc cụ bây giờ chỉ còn lùng bùng mấy tiếng “Cụ Tám có Thư. Cụ Tám có thư.” Cụ muốn nhỏm dậy nhưng toàn thân đã tê điếng. Củ khoai nham nhở còn nằm nguyên vẹn trong mấy ngón tay nhưng bây giờ ngó như tất cả đều đang run bắn lên. Cụ cũng cố cất lên một lời đáp lại tiếng la của lũ nhỏ nhưng giọng nói của cụ cũng như bị tắc lại. Cụ chỉ còn biết giương to cặp mắt nhìn về phía đầu ngõ. Mọi người ở đó đông đảo quá nên cụ chưa phân biệt được gì. Duy có một điều cụ biết chắc mình đang được thụ hưởng một biến cố. Cái biến cố ấy cụ chờ đợi đã từ lâu, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, đêm nào trước khi nhắm mắt đi ngủ cụ cũng hình dung ra thân hình xanh xao, còm cõi của thằng con với một sự băn khoăn tức tủi “đến hôm nay rồi sao nó chưa có thư?”.

Bây giờ thì cái thư ấy đã tới. Nó tới một cách bất ngờ, đột ngột. Tới trong một buổi sáng mà cụ không đợi chờ, không hy vọng, một buổi sáng mà cụ cho là xui xẻo nhất vì cụ đã phải đốt vía mấy lần để xua đuổi cái xui do mấy kẻ mua hàng đem lại. Chợt có tiếng của chị Bẩy nói to làm cụ choàng tỉnh cơn sững sờ của mình:

– Vậy là có thư của cậu Quang rồi.

Chị vừa nói dứt lời thì lũ nhỏ cũng đã chạy tới. Chúng nó bu lại quanh mẹt khoai của bà cụ. Đứa này nói, đứa kia nói. Vừa nói vừa thở, quang cảnh ồn ào, náo nhiệt hẳn lên. Sự nồng nhiệt của chúng nó làm cụ cảm động. Cụ thấy rõ tất cả mọi người, kể cả lũ trẻ lam lũ, vô tội này cũng đều chia sẻ với cụ nỗi lòng của người có thân nhân đi học tập cải tạo. Nếu chúng nó không quá đông, nếu những củ khoai của cụ không quá nhiều vết sùng, và nếu cụ đã cầm chắc được cái thư của thằng Quang trên tay rồi thì cụ dám hứng chí đưa cả mẹt khoai cho lũ trẻ phân phối với nhau. Nhưng ít ra cụ cũng còn đủ sáng suốt để nhớ lại cái vốn gần chục bạc bỏ ra buôn khoai chưa thu lại được một phần tư. Cụ cũng nhớ đến ước vọng của thằng Quang viết trong những thư trước: “Con biết mẹ già yếu chẳng làm ăn buôn bán được gì. Nếu xoay xỏa được, xin mẹ gửi cho con một gói muối mè rang mặn…” 

Chỉ mới nghĩ được đến thế thì nước mắt của cụ bà đã tuôn trào. Cụ khóc vì thương nó cũng có và vì mừng rỡ hôm nay được tin của nó cũng có.

Lúc này thì người phát thư cũng đã đi tới. Vai ông ta  đeo một túi vải đựng đầy nhóc những lá thư. Một tay ông giắt chiếc xe đạp bằng cách cầm ở một bên tay lái, còn tay kia thì ông giơ cao một bao bì màu trắng loại giấy được nấu lại nên đã ngả màu úa ngà. Vừa đi ông ta vừa nói to:

– Nguyễn Thị Dần là ai?

Bà cụ la lên, tưởng như không hét to thì ông ta không nghe thấy:


– Tô… Dạ tôi đây!

Người phát thư ngừng lại ở ngay trước mặt cụ và hỏi tiếp:

– Cụ có thân nhân nào tên Võ Ngọc Quang không?

Bà cụ đột nhiên bị cơn xúc động làm cho miệng trở nên sệu mệu:

– Dạ, đó là con tôi. Nó đang học tập cải tạo…

Nói chưa dứt câu thì cụ oà lên khóc. Cơn khóc kéo đến quá bất ngờ, mau chóng như thể là kết tinh lại ở đầu bao nhiêu là nỗi niềm tủi nhục, oán hờn, bao nhiêu là đêm thao thức, trằng trọc, chờ đợi mong thư.

Thấy cụ khóc lên một cách quá dễ dàng, người phát thư hơi sững sờ một chút nhưng ông ta cất lên lời khuyên nhủ ngay:

– Thôi không sao đâu. Nó đi rồi nó lại về mà. Học tập cải tạo chớ có phải tù tội gì đâu.

Lời nói của ông lọt vào tai chị Bẩy làm chị thảng thốt. Chị quay phắt sang nhìn vào tận mặt bác đưa thư, và cơn giận bỗng ùa đến thật mau. Chị nói như phủi vào mặt:

– Giam con nhà người ta mấy năm liền mà nói có tù tội gì đâu. Ăn gì mà ngu quá vậy.

Người đàn ông tức tối vì bị dùng hai chữ “ăn gì”, lại nữa câu nói ấy lại được sử dụng ở ngay giữa đám đông, nếu không có lời cãi lại thì mất mặt quá. Cho nên bác ta đã quay lại phía chị Bẩy sừng sộ:

– Chị nói ai “ăn” gì?

– Tôi nói cái đứa nào ngu mà biểu học tập cải tạo chứ đâu phải đi tù, giỏi có ngon thì vô đó học đi!

Bác phát thư bật lên một tiếng cười khẩy:

– Hơ! Tôi việc gì mà phải vô đó nhỉ? Tôi đâu có nợ máu. Tôi đâu có phản cách mạng. Coi chừng những quân phản động ăn nói mất lập trường mới phải vô đó thôi nghe.

Chị Bẩy đang ngồi bỗng đứng phắt ngay dậy. Chị gạt cái mẹt đang vướng víu ở chân qua một bên rồi sấn xuống lòng đường. Lần này giọng của chị tác xác hơn:

– A! Ra bác chụp mũ tôi là phản động phải không. Tôi nói sự thật như thế đó mà kêu là phản động phải không. Đi mà trình báo đi. Con này cùi rồi đâu có sợ lở .


Màn đấu khẩu không đâu vào đâu thế mà trong khoảnh khắc có vẻ trở nên trầm trọng. Bà cụ Tám hốt hoảng nhất vì sợ mất lòng người đưa thư, lần này đã vậy, lần sau nó vất vô sọt rác thì kêu ai, cho nên bà cụ vội níu ngay lấy cánh tay của chị Bẩy kéo lại và nói:

– Thôi đi mà. Chuyện có gì đâu mà xé ra to.

Chị Bẩy phân bua:

– Thì có ngoại ở đây từ đầu ngoại thấy đó. Con có nói gì đâu, vậy mà bác ấy kêu cháu phản động. Con hỏi ngoại chớ thằng Quang đi cải tạo có phải là đi tù không? Ngoại nói thật đi.

Bà cụ nài nỉ:

– Thôi mà, nhắc làm chi tới những chuyện đó. Tù hay cải tạo hay học tập gì cũng được tuốt. Chữ nghĩa mà ăn nhằm gì.

Chị Bẩy được lời nói của bà Tám nên reo lên:

– Đó! Thấy không? Hiền lành như bà cụ đây cũng thấy rõ chữ nghĩa mà ăn nhằm gì. Có xảo ngôn cách mấy thì tù vẫn là tù thôi, đâu có khác được.


Bà cụ tưởng mình ngỏ lời dàn hoà cho vui vẻ cả hai bên, đâu có ngờ chỉ mới thốt lên một câu đã khiến cho mọi người hiểu lầm và chị Bẩy túm được lấy nó xài xể thêm bác đưa thư. Điều đó khiến cho cụ mặt ngẩn ra và không biết phải sửa chữa lại cách nào.

Đã thế một thằng nhỏ, đứng ở ngoài bỗng ngứa mồm la lên:

– Để bác ấy vô rồi bác ấy biết…

Bác phát thư đang đuối lý, cũng chưa bết phản ứng cách nào, bỗng túm được thằng nhỏ cà chớn ở đâu xía mồm vào, bác liền trút ngay cơn giận dữ của mình lên đầu nó. Bác liền quay phắt người lại và chỉ vào mặt nó gằn giọng:

– Này, ranh con biết gì. Mày không câm mồm tao “goắn” chết mẹ mày!

Thằng nhỏ chột dạ về thái độ quyết liệt của bác ta, vội vã lùi lại ra phía ngoài đám đông, rồi chợt nó vùng lên chạy, vừa chạy nó vừa la to:

– Goắn đi! Goắn đi!… Người lớn bắt nạt con nít.

Mấy đứa bạn của nó cũng a dua ùa lên chạy theo. Một đứa buột mồm kêu: “Ế! Ế!…”. Chị Bẩy được cả lũ hỗ trợ nên vẻ hài lòng hiện rõ trên nét mặt. Chị cảm thấy cuộc đấu khẩu coi như đã ngã ngũ và phần thắng đã ngả về phe chị. Do đó chị không cưỡng lại cử chỉ của bà cụ kéo chị trở về chỗ ngồi của mình.

Bác phát thư thấy cũng chẳng còn lý do để mà gây thêm phiền nhiễu ở cái con hẻm đầy dẫy những thành phần phức tạp này nên cũng vội vã ấn vào bàn tay của bà cụ phong thư màu vàng úa và vội vã leo lên xe đạp đạp đi. Bà cụ không còn bụng dạ nào để tâm tới bác ta nữa. Bà vồ lấy phong thư như một kẻ đi trong sa mạc  nóng bỏng nhiều ngày bỗng vớ được một ly nước lạnh. Nhưng bỗng nhiên chân tay của bà mềm nhũn hẳn ra. Bà cầm phong thư trước mặt mà không tin cặp mắt của mình. Đúng nó là phong thư được gửi đi từ trại cải tạo. Đúng nó là phong thư đề đích danh tên người nhận chính là bà.

Nhưng nó không phải là phong thư do tay thằng Quang đã viết bằng nét chữ quen thuộc của nó. Đấy chính là lá thư của ban Quản trại. Mà một khi Ban Quản trại đã gửi thư đến nhà cho những thân nhân thì kể như tất cả mọi trường hợp đã từng xảy ra, nó chỉ mang đến cho mọi người một sự thật kinh hoàng. Sự thật ấy bây giờ choáng ngợp trong đầu óc của bà cụ. Nó làm cho bà đang đứng ở giữa phố mà chết sững như trời trồng. Chung quanh bà có một vũ trụ đang chan hoà ánh sáng bỗng nhiên như tối sầm lại và đổ sụp xuống. Mọi người ở gần đó chỉ được nghe tiếng ở miệng bà bỗng bật ra một tiếng la “ới con ơi!” não nùng, thảm thiết, tuy ngắn ngủi nhưng chất chứa biết bao nhiêu nỗi oán hờn, tủi nhục trước khi trông thấy bà đổ khuỵ xuống kéo theo những củ khoai đèo đẹt văn vương vãi trên mặt đường…

(Nguồn: Hồn Việt)



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 232)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 183)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 128)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 498)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 388)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 539)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 455)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 330)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 463)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
20 Tháng Mười Hai 20239:28 SA(Xem: 365)
Ở nhà quê không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, của cải, ruộng cả ao liền...
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16699)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11968)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18743)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8938)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8006)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 416)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 754)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22281)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13821)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19046)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7735)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8633)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8340)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10884)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30527)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20705)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25299)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22777)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21554)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19609)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17919)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19108)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16787)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15985)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24311)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31731)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34784)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,