QUỲNH GIAO - Nhạc trong văn Doãn Quốc Sỹ

12 Tháng Mười Hai 201810:34 SA(Xem: 5442)
QUỲNH GIAO - Nhạc trong văn Doãn Quốc Sỹ

Tôi đọc Doãn Quốc Sỹ từ khi còn ở Trung học, bắt đầu bằng “Dòng Sông Định Mệnh”. Tôi bị lôi cuốn ngay bởi giọng văn trong sáng, lãng mạn, bởi câu chuyện tình thơ mộng và thánh thiện đó.

Đa số bạn tôi lúc bấy giờ đang hâm mộ “Yêu” của Chu Tử, và “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng.

Ngày nào cũng vậy, vào giờ ra chơi, chúng nó bàn về mối tình chú Đạt – cháu Diễm, về chuyện tình cô giáo và cậu học trò… như một vấn đề thời sự nóng bỏng vậy. Thường thường thì tôi im lặng vì chẳng biết bàn bạc gì.

Có hôm, một đứa hỏi:

- Bồ thích đọc ai?

Tôi lúng túng:

- Doãn Quốc Sỹ!

Cả bọn nhìn tôi ngạc nhiên. Rồi một đứa buông ngay lời phê bình:

- Cổ lỗ sĩ!

Cũng nhà phê bình đó, đặt câu hỏi:

- Tại sao?

Tôi bị lúng túng. Ở cái tuổi mười bẩy, mình chỉ cảm nhận được ý thích của mình, mà không giải thích được. Nhất là với lũ bạn gái Gia Long tinh quái và nghịch ngợm ấy. Rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi với lấy cái phao – như một ánh chớp – lóe trong đầu tôi ngay lúc đó, tôi bật lời:

- Tại vì ông ấy hay viết về nhạc.

***

Câu chuyện năm xưa trở về trong ký ức tôi hôm nay. Tôi không ngờ, hai mươi mấy năm sau, khi đọc lại ông qua bao nhiêu tác phẩm, câu trả lời chớp nhoáng, bất ngờ và thảng thốt đó chính là sự thật.

Nói như thế không có nghĩa là tôi yêu mến văn Doãn Quốc Sỹ chỉ vì ông hay viết về nhạc. Trước hết, phải nói là tôi yêu mến văn tài của ông, và yêu cả cái đạo đức, cùng phong cách một nhà giáo ở ông.

Sự nghiệp lẫy lừng của ông qua các tác phẩm giá trị đã đưa ông đến ngôi vị ưu tú nhất văn đàn Việt Nam. Theo thiển ý của tôi, thì Doãn Quốc Sỹ và Võ Phiến là hai nhà văn hàng đầu về tư tưởng và triết lý sống kể từ 1954. Cõi văn của Doãn Quốc Sỹ luôn luôn có đủ hai khía cạnh: Văn chương và tư tưởng. Đọc Doãn Quốc Sỹ không phải để giải trí, càng không phải để mộng mơ xa rời thực tế, hoặc chán chường cuộc đời. Đọc Doãn Quốc Sỹ xong, càng thấy suy nghĩ, cảm thấu, càng thấm nhuần lòng nhân bản, yêu đời, yêu người, dù trong dạ có xót xa, đau đớn. Luôn luôn tôi tìm thấy ở tác phẩm của ông một bài học về tình thương. Từ những cuốn viết từ khi ông còn trẻ (Dòng Sông Định Mệnh, Gìn Vàng Giữ Ngọc) cho đến lúc tuổi đã xế (Sầu Mây, Đi) cho chúng ta nhận rõ con người trong sáng, đôn hậu và bình dị của ông. Cách thế chống Cộng chân phương và hiền lành ở Doãn Quốc Sỹ, có hiệu lực gấp vạn lần những biểu ngữ, truyền đơn đao to búa lớn.

Viết về ông quả là điều khó, ngay cả đối với những người cầm bút thực sự. Bởi vì kích thước quá lớn của ông, người ta không thể viết bằng một bài tạp bút được. Trong ý nghĩ đó, tôi chỉ xin được viết về một khía cạnh nhỏ, nhưng rất sâu đậm trong những tác phẩm của ông, đối với riêng tôi: Lòng yêu nhạc của Doãn Quốc Sỹ.

Doãn Quốc Sỹ hay viết về nhạc. Nhạc mà ông nói đến không phải để làm dáng. Cũng không phải để làm tăng cái tính chất thơ mộng cho không khí của câu chuyện như một loại musique de fond. Ông nói về nhạc như một người hiểu biết, sành sõi, nói lên sự rung động chân thành của mình về bài nhạc, về người viết nhạc, và đôi khi cả về xuất xứ của bản nhạc. Ông đặc biệt yêu nhạc classique. Đọc những đoạn viết về nhạc của ông, tôi có cảm tưởng ông đã hé cửa cho chúng ta thấy cái tính chất ủy mị, lãng mạn mà cao quý đằng sau bề mặt uy nghi dũng cảm.

Có lẽ tôi khó lòng ghi lại hết tất cả cảm tưởng của mình qua hầu hết những đoạn văn viết về nhạc của ông, bởi lẽ ông viết đến nhạc nhiều quá, hầu như cứ vài đoạn lại thoáng thấy có nhạc, như những nét nuances của một bài nhạc vậy.

“Dòng Sông Định Mệnh” là tác phẩm đầu tiên tôi đọc của Doãn Quốc Sỹ. Nó gây một ấn tượng rất mạnh trong đầu tôi. Tôi yêu mối tình của Thiệu và Yến. Yêu đến nỗi (lúc bấy giờ) tôi mơ ước sau này khi lớn lên, sẽ có người yêu tôi như Thiệu yêu Yến. Mối tình ấy trong sáng quá. Đó là một thứ tình yêu thánh hóa rồi. Yêu nhau đằm thắm mà không một lần dám trao hôn. Thanh khiết đến thế là cùng. Và vì thế mà họ hẹn nhau (trong ý tưởng):

“Kiếp sau em làm vợ anh, tình chúng ta chân thành, nhất định kiếp sau em là vợ anh”.

Và đây, đoạn nhạc đánh dấu sự hội ngộ của Thiệu và Yến, sau bao nhiêu đổi thay, từ mối tình trong sáng tự thở ấu thơ cho đến lúc di cư vào Nam, Yến đã góa chồng và có hai con!

“Nhiều lúc Thiệu cất tiếng hát khe khẽ, tiếng hát thoát ra tự cõi vô thức vì chính Thiệu, Thiệu không ngờ rằng mình hát. Giọng chàng âm thầm lắm thì phải, chàng hát bản “Tình Ca Không Lời” (Romance Sans Parole, của Mendelssohn)…

Có ai đã từng yêu và trải qua trạng thái này mà không “thông cảm” với Thiệu! Khi yêu, người ta điên rồ lắm, và làm nhiều chuyện bất ngờ. Hát vang lên mà không ngờ mình hát, Thiệu đáng yêu quá trong sự ngông cuồng đó.

Vào giữa truyện, Thiệu được học bổng đi du học về mỹ thuật. Tạo bạn thân nhất của Thiệu, đã đàn bản “Marche Funèbre” của Beethoven tặng Thiệu trước khi Thiệu lên đường với ý tưởng: “Nghe khúc này, người ta có cảm tưởng như cùng đám tang đi vào mầu hồng rực. Tôi nghĩ rằng cậu đương đi vào tương lai màu hồng của sự nghiệp, nhưng mang theo một cái tang trong lòng (xa Yến)”

Doãn Quốc Sỹ đã viết như vậy, để phân biệt với “Marche Funèbre” của Chopin có nét ảm đạm, và màu xám thê lương của cái chết.

Về sau, Thiệu kết hôn cùng Suzanne, một giáo sư dương cầm. Thiệu yêu Suzanne vì nàng mang hình ảnh của Yến, nhất là mái tóc.

Đây là đoạn nhạc của giây phút tỏ tình giữa Thiệu và Suzanne, sau khi Thiệu hoàn tất những croquis vẽ tiếng đàn của Suzanne:

- “Zizi có thấy không… lúc đó nàng chơi bản Valse le Désir của Beethoven. Chàng họa sĩ nhắm mắt lại nghe tiếng đàn thoạt nhỏ rồi lớn dần lên, để sau cùng tới một tiếng kêu thất thanh, như người con gái trong đôi tay tình nhân thoạt mơn man rồi điên dại. Chàng họa sĩ đâu có vẽ kỳ quặc, người con gái đâu có mất thăng bằng. Nàng nằm trong tay người tình nhân vô hình!”

Đọc đoạn này, tôi có cảm tưởng ông bị ảnh hưởng của “Sonate à Kreutzer” của Tolstoi.

Trường thiên tiểu thuyết “Khu Rừng Lau” của Doãn Quốc Sỹ là tác phẩm tôi yêu thích nhất. Theo tôi, nó có cái không khí của “La Guerre et la Paix” của Leon Tolstoi. Tất cả những thảm kịch của cuộc đời, của chiến tranh và những diễn biến của nó được Doãn Quốc Sỹ lồng vào khéo léo trong bối cảnh lịch sử. Trong truyện chúng ta bắt gặp và chứng kiến những tình mẫu tử thiêng liêng, tình vợ chồng bền chặt, tình bạn cao quý, tình anh em đằm thắm, cùng với những hận thù chất ngấy, những căm hờn ngùn ngụt, những đê tiện, xấu xa, lừa bịp của cái gọi là chủ nghĩa…

Mối tình của Kha và Miên khác với Thiệu và Yến. Miên là một thiếu nữ thùy mị, trong trắng. Kha là một thanh niên từng trải, đã trải qua một mối tình tan vỡ. Kha yêu Miên dịu dàng, độ lượng như yêu một người em gái. Mẫu đàn ông trong truyện của Doãn Quốc Sỹ luôn luôn độ lượng và cao thượng.

Có hai lần, trong tập I (Ba Sinh Hương Lửa) Doãn Quốc Sỹ đem nhạc vào truyện để làm tăng cái cảm xúc đến tột độ cho độc giả. Nhạc ở đoạn này không là nhạc cổ điển Tây phương, mà là những bài hát đại chúng thôi.

Đoạn thứ nhất, như sau:

“Liệt, một thanh niên rất xấu trai: đầu trọc tếu một cách khôi hài, khuôn mặt dài rất nhiều trứng cá, nước da mai mái hơi ngả sang vàng khè của những người bị sốt rét kinh niên, cặp môi dầy… Thế mà khi Liệt hát, giọng hát Liệt rất trầm, ấm dịu nên đã gợi được hết tình ý buồn thảm của lời ca, hơn nữa Liệt hát với tất cả sự say mê của một nghệ sĩ phụng sự nghệ thuật, vẻ hề của Liệt biến hẳn, không để lại một vết tích nhỏ, dưới ánh điện yếu ớt của toa tầu, khuôn mặt Liệt như co rúm lại trong một niềm thống khổ trang nghiêm. Bài hát Liệt trình bày là “Nguyễn Thái Học” một bài ca buồn thảm, do một nhạc sĩ vô danh sáng tác.

Liệt còn hát bài này, một lần nữa, vào nửa đêm thanh vắng, sau khi trong ngày đã chứng kiến vụ bức tử của một chiến sĩ quốc gia.

Lần thứ hai, Doãn Quốc Sỹ dùng một bài hát để gợi kỷ niệm thương đau của đôi bạn nhỏ Đồng và Uy, nạn nhân của một sự lừa bịp tàn khốc. Khi Đồng tự sát mở màn cho cả một chiến dịch tự sát sau này, Uy ngồi nhớ bạn. Đoạn ấy như sau:

“Uy ngồi dưới bàn viết với ánh đèn leo lét. Có tiếng hát từ xa vọng lại.

Bà… Bà mẹ ơi!

Bà đến cho đời thêm tươi…

Một kỷ niệm âm thanh đã gợi lên những kỷ niệm của hình bóng. Uy khẽ nói: “bài hát của Đồng” rồi gục mặt xuống bàn.

Đồng không bao giờ thuộc hết một bài hát nào. Trong những buổi sinh hoạt, mỗi khi đồng ca, Uy thường mỉm cười nhìn miệng Đồng “a…a”. Nhưng đặc biệt bài “Mẹ Nuôi Chiến Sĩ” thì Đồng thuộc cả điệu lẫn lời từ đầu đến cuối và hát nghe thật nhẹ nhàng, thanh thoát, lột hết được sự rung động thành kính. Uy hiểu rằng âm điệu và ý nghĩa bài đó gợi lên mối tình mẫu tử xa xôi, chính là những điều mà Đồng hằng khao khát trong tiềm thức.

Tác động mãnh liệt của nhạc đối với những kỷ niệm của Uy (hay chính là đối với tác giả) đem đến sự xúc cảm đến nghẹn ngào cho độc giả.

Cuốn “Sầu Mây” Doãn Quốc Sỹ viết vào năm 1970 sau khi đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, lần này nói đến nhạc và Thiền. Cũng năm 1970, giữa những tao loạn cùng cực của chiến tranh, tư tưởng về đạo Thiền đã được phổ biến ở Saigon, Doãn Quốc Sỹ đã viết “Vào Thiền” một tùy bút có thể không được phổ biến bằng những tác phẩm khác mà ông đã viết trước và sau đó, nhưng con người thánh thiện và đầy dũng cảm này đã thực sự vào Thiền.

“Sầu Mây” là một tác phẩm viết về đời sống và tâm tư của một thanh niên Việt Nam ở Hoa Kỳ. Trong truyện, Huy, chàng thanh niên Việt, cảm mến và yêu Crys, một thiếu nữ Mỹ học nhạc, yêu nhạc và yêu dân tộc Việt Nam. Ở tác phẩm này, Doãn Quốc Sỹ không chỉ nhắc tên bài nhạc, ông còn phân tích tỉ mỉ, cảm tưởng của mình nữa.

Đây là một đoạn phân tích:

“Beethoven chỉ cho mình nghe thòm thèm rồi lập tức để nó chạy trốn vào đám âm thanh tít mù. Đôi khi mình có bắt gặp chúng thấp thoáng ẩn hiện ở một vài bè khác như một bóng ma đương tự dẫn lối mà đi để hoàn tất lấy giai điệu khao khát trong tâm tưởng. Thực khác hẳn với Handel chẳng hạn, giai điệu tròn trĩnh như những luống cầy có đầu có cuối vuông vắn, hay với Mozart giai điệu vừa tròn trĩnh lại vừa uyển chuyển như én liệng ngày xuân.”

Và sau đây là Nhạc và Thiền, trong một đoạn Crys viết cho Huy:

“Anh biết không, tuần vừa rồi em có phần trình diễn đọc tấu trên sân khấu. Thưởng thức nghệ thuật là vươn lên với Thượng Đế, sáng tác nghệ thuật là đồng hóa với Thượng Đế.”

Huy cũng có lần nói:

“Tôi vẫn yêu tiếng Cello, thoạt yêu vĩ cầm, nhưng rồi nhiều khi buồn nản về cõi thế, về tình hình đất nước, tôi nghiêng dần thương mến về Cello. Tiếng đàn trầm đó nhiều khi như thủ thỉ ngỏ lời tâm tình, nhiều khi như dìu tư tưởng tôi đi vào chiều sâu của tâm tư.

Gần đây nhất, tôi đọc “Đi” của Hồ Khanh, mà theo giới hiểu biết là biệt hiệu khác của ông. Vẫn với giọng văn đôn hậu, nhân ái, và đôi lúc dí dỏm, cả câu truyện cho thấy tình yêu thương vợ con đằm thắm của ông. Tôi đặc biệt yêu nhân vật Bích ở trong truyện, cháu gái của ông, được mô tả là một thiếu nữ hồn nhiên, “gà tồ”, và có ngón đàn rất hứa hẹn. Bích “tồ” đã đàn được Sonate pathétique của Beethoven rất vững, khi bác trai xoa đầu mà rằng “Bác nghe đĩa Arthur Rubinstein chơi bản này cũng chẳng hơn cháu là bao!”

Tôi yêu Bích tồ vì tôi liên tưởng đến một số học trò nhỏ của tôi. Những đứa trẻ càng hồn nhiên, thơ ngây và thẳng thắn thì càng có khiếu về nhạc. Dường như bản chất thơ ngây đó khiến trực giác và sự cảm nhận bén nhậy hơn. Từ sự tự nhiên, hồn hậu, ý nhạc được diễn tả chân thật mà trở nên có hồn. Trẻ khôn ngoan quá, đôi khi làm “lố” điều cần thiết, sự truyền đạt (interpretation) trở nên giả tạo.

Tập truyện ngắn “Gìn Vàng Giữ Ngọc” của Doãn Quốc Sỹ không viết về nhạc, nhưng tôi rất thích thú vì những tư tưởng nhân ái về cuộc đời ở ông. Nhất là hai truyện ngắn “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” và “Gìn Vàng Giữ Ngọc”. Tôi không quên câu nói:

“Ở thế giới thực dân tư bản, người ta tung vật chất để giam lỏng linh hồn, ở thế giới thực dân Cộng Sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành. Thấy tôi hằng kiềm chế được nóng giận và nhất là vẫn mỉm cười, khi ứa nước mặt, các bạn bè thân thương khen tôi có thái độ hồn nhiên của Trang Chu. Các bạn có ngờ chăng thái độ hồn nhiên đó là kết quả của biết bao cảnh cơ hàn mà tôi đã trải qua”.

Và tư tưởng hiền lành, nhân ái đó được bộc lộ trong “Gìn Vàng Giữ Ngọc”.

“Nếu quả sống với nhau là một nghệ thuật, hãy gìn vàng giữ ngọc cho nhau, vàng ngọc của tâm hồn. Hãy dừng lại nơi thiện chí chân thành của nhau, hãy giúp nhau thổi thêm ánh sáng vào những lúc hồn chợt lóe bình minh, để cùng chia vui giây phút thiên thần.”

***

Điều làm tôi thắc mắc, thật tình thắc mắc là con người đôn hậu Doãn Quốc Sỹ, với ngòi bút chân phương và hiền lành đó, làm sao phản ảnh được cái tiêu cực một cách trọn vẹn – phải viết là cái xấu xa tột cùng – của chế độ Cộng Sản, đến nỗi bị giam hai lần, và lần thứ nhì bị tù bốn năm rồi mới được đem ra xử, tuyên án rõ rệt tù chín năm? Tôi thiển nghĩ, rất đơn giản, là Doãn Quốc Sỹ có ghét ai, cố tình bôi đen nói ác cho ai thì cũng khó thuyết phục được người đọc. Văn ông trong sáng quá, ý tưởng của ông thanh cao và lương thiện quá. Ngòi bút của ông thực sự không có cái đanh ác, tai quái, cái phân tích tỉ mỉ để vạch ra những xấu xa đê tiện của xã hội ông đang sống đến độ “hiện thực” theo kiểu xã hội chủ nghĩa.

Sự thánh thiện ở ông giữa những so đo tính toán, những độc ác nham hiểm của chế độ là một sự lạc lõng. Vì chính sự thanh cao, chừng mực, vì những điều thánh thiện ông viết ra, vì những ý tưởng bình dị, đôn hậu đó mới làm nổi bật cái quay quắt tàn khốc của đời sống con người, khi bị đẩy vào đời sống của loài thú.

Mấy năm về trước, tôi có được nghe câu chuyện kể lại từ một người bạn. Câu chuyện được nhà văn Nguyễn Hoạt ghi nhận về Doãn Quốc Sỹ ở trong tù, lần thứ nhất. Họ bắt ông khai lại lý lịch, vì trong tờ khai đầu tiên, Doãn Quốc Sỹ viết về nghề nghiệp của ông: “Nhà văn chống Cộng” trả lời câu hạch hỏi của Việt Cộng, ông nói: “Đã là nhà văn, muốn viết sự thật, thì phải là nhà văn chống Cộng, chứ làm sao khác.” Họ còng tay ông giải lên Công an, hỏi ông câu “Ai thắng ai.” Ông trả lời, có khác gì một đoạn văn trong liệt truyện của Sử Ký Tư Mã Thiên:

- “Chúng tôi thắng. Chúng tôi chống các anh trên bình diện tư tưởng. Các anh phải năm người có vũ khí, còng tay tôi rồi mới dám hỏi câu này. Các anh thua rồi!”

Con người thánh thiện đó, trước bạo lực, đã có những trả lời đơn giản mà ghê khiếp như vậy. Tôi không thể không nghĩ đến cái DŨNG của bậc đại trí.

Viết về Doãn Quốc Sỹ, về “nhạc tính” trong các tác phẩm của ông, mà không nói đến thực tại ông đã và còn đang trải qua, tôi vẫn thấy mình thiếu sót. Sự trong sáng của tâm hồn Doãn Quốc Sỹ giải thích sự mẫn cảm đầy hiểu biết của ông đối với bộ môn nghệ thuật song hành với bộ môn văn chương. Sự trong sáng đó đến từ một tâm hồn thánh thiện, và một nghị lực dũng cảm phi thường. Ở Doãn Quốc Sỹ, điều này giải thích điều kia. Ở Doãn Quốc Sỹ, văn tài, đạo đức và sự thuần khiết của cái Tâm vững chãi… tất cả đều là một, không thể tách rời, không hề xa cách.

Tôi thường nghĩ là mỗi bộ môn nghệ thuật, khi đi tới tột đỉnh của nó, đều gần gũi với Thiền.

Nghệ thuật viết và sống của Doãn Quốc Sỹ đã đi tới đỉnh cao của nó. Ông có viết về Nhạc và Thiền, điều đó thật thích hợp với lối sống của ông, một lối sống rất Thiền, rất bình thản trước mọi chông gai, thử thách.

Tôi không hiểu là rồi đây, người Cộng Sản sẽ còn làm gì để xử trí một trường hợp đơn giản mà lại khó hiểu đến như vậy. Họ sẽ làm gì khi tiếng xiềng xích loảng xoảng ở chung quanh vẫn không át được tiếng nhạc âm vang từ trong tâm ông?

Doãn Quốc Sỹ vẫn là người tự do, khi đứng giữa sự độc ác mà vẫn giữ cho tâm mình được thơm lành, giữ cho lòng mình không oán hận, giữ cho tiếng nhạc thiều vang dậy trong tim…

12 tháng 7, 1988

QUỲNH GIAO

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Hai 20244:27 CH(Xem: 454)
Cuối cùng thì, sau hơn bốn mươi năm vắng mặt, Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại được, giờ đây, rót đầy tràn ly, trên tay mỗi người dân nước Việt, cùng nâng lên, cùng hát vang, cùng chúc vang một mùa xuân:
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 622)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
25 Tháng Giêng 20249:05 SA(Xem: 635)
Với tôi, Phạm Duy là Người gieo hương.
15 Tháng Mười Hai 20234:33 CH(Xem: 683)
“Người đi qua đời tôi / Hồn lưng miền rét mướt / Đường bay đầy lá mùa / Vàng xưa đầy dấu chân / Lòng vắng như ngày tháng…”
08 Tháng Mười Hai 20239:13 SA(Xem: 708)
Thơ bà, hòa trộn giữa nét âm trầm, sâu kín, dịu dàng của xứ Huế và nét xông xáo, cởi mở, sẵn sàng đón nhận, hóa giải nhẹ nhàng mọi vấn đề của kiểu Sài Gòn,
21 Tháng Mười Một 20239:39 SA(Xem: 800)
Năm 1997, bố tôi, nhà thơ Trần Dần mất tại Hà Nội.
11 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 7917)
Tôi gặp bà lúc nhà thơ Huy Cận còn tại thế. Hai lần gặp, bà như cái bóng bên cạnh chồng.
05 Tháng Mười Một 20233:49 CH(Xem: 862)
Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ rất đặc biệt,
25 Tháng Mười 20231:55 CH(Xem: 684)
Tất cả kéo tôi trở lại là mình với những cảm xúc dịu dàng. Ở đó tôi gặp Nhà Thơ Trịnh Y Thư.
19 Tháng Mười 20231:35 CH(Xem: 1069)
Nhiều ngôi chùa trong thành phố gióng chuông tiễn biệt vị phật tử khác thường.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16701)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8007)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 416)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 755)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22283)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19049)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8633)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8341)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10884)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20707)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25299)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22778)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19611)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17921)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19108)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16789)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15987)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31732)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34784)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,