Trên vòm trời thi ca Việt Nam bao la, hiếm, có một thi sĩ mang trong mình sự giao hòa mượt mà giữa tình yêu, đời sống và triết tính Phật giáo như Du Tử Lê. Với ngòi bút thanh thoát, ông thổi vào từng dòng thơ những hơi thở nhẹ nhàng của thiền, sự an nhiên của tâm thức và sự đắm say của cuộc đời. Tập “Thơ Thiền Tính” của ông như một khúc ca lãng du vang vọng giữa cõi hư và thực, nơi mọi ranh giới giữa sống – chết, mất – còn, vui – buồn đều nhạt nhòa như bóng trăng lung linh trên mặt nước.
Bước vào thế giới thơ thiền tính của Du Tử Lê, ta như lạc giữa một khu vườn đầy hoa đạo, nơi mỗi cánh hoa mang trong mình một triết lý sâu xa, mỗi tia nắng là một lời kinh lặng lẽ ngân nga. Những vần thơ của ông không chỉ miêu tả sự tĩnh lặng của thiền mà còn là dòng chảy vô hình của cảm xúc, nơi con người đối diện với sự vô thường, với những bước chân nhẹ nhàng trên con đường giải thoát.
Hình ảnh người sa di, những cánh chim phiêu du, những chiếc lá rụng vô tình, tất cả đều gợi lên một sự giao ước giữa cái hữu hạn của đời người và cái vô tận của kiếp sống. Thiền tính không chỉ nằm trong sự tĩnh lặng mà còn nơi những câu thơ sống động: “bay suốt đời chưa thấy được mình”, một câu hỏi không lời đáp, một cuộc hành trình không điểm đến. Chính trong sự mênh mang ấy, Du Tử Lê đã đưa người đọc lặng nhìn chính mình, để rồi tìm thấy trong sâu thẳm một niềm an nhiên mà không lời nào có thể diễn tả hết.
Với Du Tử Lê, thơ là thiền và thiền cũng là thơ, nơi mỗi câu chữ không chỉ để đọc mà còn để chiêm nghiệm, để thẩm thấu như những làn sương mỏng phủ lên tâm hồn, nhẹ nhàng nhưng lắng đọng. Tập thơ “Thơ Thiền Tính” là một con đường, một cõi giới thiêng liêng mà ông đã vẽ nên bằng những gam màu huyền ảo của tình yêu, triết lý và giác ngộ, để rồi trong từng câu, từng chữ người đọc cảm nhận được sự vĩnh cửu của một trái tim thiền giả lặng lẽ bên dòng đời bất tận.
Những vần thơ của ông như những cánh hoa cỏ lau bay giữa trời thu, nhẹ nhàng tinh khiết rồi lặng lẽ tan vào gió, vào hư không nhưng vẫn đọng lại ở lòng người một dư âm ngọt ngào, man mác không lời. Thiền trong thơ Du Tử Lê không chỉ là những triết lý cao siêu, mà còn là sự chân thật, là nỗi niềm của con người trong hành trình tìm lại chính bản thân mình, tìm lại cái đẹp bình dị và vô ngôn trong cõi đời tạm.
Thiền trong thơ Du Tử Lê không mang tính học thuật khô khan, mà lặng lẽ len lỏi vào từng câu chữ, từng hơi thở của cuộc sống, như lời ông từng tâm sự: “Thiền vốn vô ngôn… một khi thiền đã nói (viết) ra thành lời thì không còn là thiền đúng như nó là nữa.” Những ý thơ trong “Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di”, “Qua Môi Em Tôi Thở Biết Bao Đời” và “Mất Hay Còn Chưa Hẳn Khác Nhau Đâu” đều thể hiện một sự kết nối sâu sắc giữa tâm hồn hành giả với cuộc đời, nơi mọi sự phân chia giữa mất-còn, sống-chết, buồn-vui đều tan biến trong cảm nhận về một thực tại không hề tách biệt.
Trong bài, “vì em tôi đã làm sa di” là một tuyên ngôn đầy thú vị, mang cả hương vị của sự buông bỏ và giác ngộ. Hình ảnh “Cành hoa tay Phật lòng Ca Diếp” gợi lên sự tiếp nối giữa cái vô hình và hiện hữu, giữa sự tu tập và cuộc sống thường nhật. Hành động “bay suốt đời chưa thấy được mình” không chỉ là nỗi khao khát tìm kiếm bản ngã mà còn là biểu hiện của sự nhận thức về vô ngã trong triết lý Phật giáo.
Một trong những câu thơ ấn tượng, “Ta gieo gặt chính ta…” diễn tả rõ ràng quy luật nhân quả, một trong những triết lý cốt lõi của nhà Phật. Thơ của Du Tử Lê phản ánh sự trải nghiệm sâu sắc về quy luật này, khi mọi hành động, suy nghĩ và cảm xúc đều được gói gọn trong “vòng tử sinh,” biểu thị sự tuần hoàn nghiệp báo. Rồi đến lúc “Thấy tâm ngồi an lạc”, ông đưa ra hình ảnh người ngồi thiền trong cơn bão táp, biểu tượng của sự an nhiên giữa dòng đời sóng gió, nhắc nhở rằng tâm an lạc chính là nơi trú ẩn cuối cùng của mỗi con người.
Thơ của Du Tử Lê, không chỉ dừng lại ở những hình ảnh thiền định hay triết lý khô khan, mà còn mang đậm tính nhân văn của những cảm xúc sâu lắng về tình yêu, sự chia lìa và nỗi đau kiếp người. “Qua môi em tôi thở biết bao đời” là một tuyên ngôn khác, đầy chất thiền và thương yêu. Ông không nhìn đời qua lăng kính u ám của chia ly mà nhấn mạnh rằng tất cả những gì chúng ta trải qua đều là một phần của cuộc sống, “mất hay còn chưa hẳn khác nhau đâu”, bởi vì rốt cuộc tất cả đều tan biến trong hư vô.
Trong bài “bạn cũ trong nhau có niết bàn”, ông sử dụng hình ảnh của bao người bạn cũ để nhấn mạnh sự hiện hữu của tình yêu, lòng thủy chung và sự tiếp nối của duyên nghiệp giữa con người. Đây cũng là cách ông nhắc nhở niết bàn không chỉ là một khái niệm siêu hình mà có thể hiện hữu ngay trong những mối quan hệ đời thường.
Bằng ngôn từ giàu cảm xúc, thi sĩ Du Tử Lê đã tạo nên một bức tranh thiền sinh động. Ông đưa ra những tra vấn “ai là ta nhỉ? ai là em? là một hay hai? mất ở còn?”, khiến người đọc phải suy ngẫm về bản chất thật của cái tôi, của sự phân biệt và của thế giới xung quanh. Thiền trong thơ của ông không chỉ là sự tĩnh lặng mà còn là sự đối mặt với nỗi đau, sự mất mát để rồi tìm thấy niềm an lạc từ trong chính sự bất an.
Hình ảnh “chúng ta ở trong nhau khi ngọn đèn đã tắt” là một lời xác định điều đó, khi những phân biệt tạm thời của thế gian hoại biến, chúng ta nhận ra sự liên kết vô tận giữa mình và tất cả, mọi sự vật đều có chung một nguồn gốc. Bởi “tất cả chúng ta: – vốn… một.”
Toàn tập “Thơ Thiền Tính” của Du Tử Lê không chỉ là một quyển thơ đơn thuần mà còn là một cuốn kinh hiện đại, đưa người đọc vượt qua những giới hạn của cảm xúc để tiến vào cõi giới của sự giác ngộ và giải thoát. Bằng ngôn ngữ thi ca, ông đã truyền tải một thông điệp vượt thời gian, khuyến khích mọi người quay trở lại với tâm hồn mình, để tìm thấy bình an trong sự hỗn loạn của đời sống đa đoan.
Bấ y giờ, “Cảm ơn em cho tôi nhập chung dòng” không chỉ là lời tri ân dành cho một người yêu dấu nào đó, mà còn là sự cảm ơn đối với cuộc đời, với tất cả những trải nghiệm đã giúp Người Thơ bước vào con đường thiền, tự ở nơi chính mình.
Chốn Bụi, tưởng niệm Anh Lê,
Ngày 07 tháng Mười, 2024
Uyên Nguyên