L.M. TRẦN CAO TƯỜNG - Quả Đắng Dẫn Độ Cánh Chim Về Qua Thi Tập Mới Của Du Tử Lê

25 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 10708)
L.M. TRẦN CAO TƯỜNG - Quả Đắng Dẫn Độ Cánh Chim Về Qua Thi Tập Mới Của Du Tử Lê


Cánh cửa vào ngàn năm mới đang mở ra, nhiều chuyển biến cay nghiệt bất ngờ xẩy đến nói lên điềm thời đại, như những cú đánh cực mạnh hất tung con người đang hung hăng tự mãn xuống khỏi lưng ngựa, làm xây xẩm tối tăm mặt mày. Nhưng có thể đây lại là một "nghi thức điểm đạo" trang trọng dẫn vào một Cuộc Đại Tỉnh Ngộ, khai mở nhãn quan mới, xoay hẳn hướng đi cho chủng loại người, từ những "quả đắng cần thiết, quả đắng ân huệ". Nhìn như vậy thì tập thơ "Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ" của Du Tử Lê, (có cả phần Anh ngữ do Như Hạnh dịch rất bắt), xuất bản vào những ngày tháng cuối cùng của một thiên kỷ, đúng là một đòn chí tử, một mốc ghi thời điểm, một thực chứng cho cuộc khắc khoải của mỗi người đi tìm chiều kích tâm linh, mở ra một viễn kiến:

người về dựng lại hoang liêu,
trong đôi mắt lớn đã nhiều mộ bia.

DẪN ĐỘ CÁNH CHIM VỀ

Phải nói, thi tập "Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ" thật lạ, bởi mang nhiều dấu lạ, mà dấu nào cũng như một nút bấm "icon" mở vào vùng tâm linh, từ một thực chứng, chứ không do một hệ thống suy tư lý luận nào cả. Nó như một đốn ngộ từ những tiếng thở dài trăn trở trong suốt chiều dài và chiều dầy của cuộc sống. Thay cho Lời Nói Đầu của thi tập là bốn câu thơ, diễn lên được lối đi đầy chất đắng cũng như báo tin nẻo về thật bất ngờ.

chiều chế nhạo: ta diễn tuồng bi, thiết
gió tô màu thêm những đớn đau, khô
mưa / sóng soải / xấp mình / trên mặt đất
lá / rung / tin: - dẫn độ cánh chim về.

Buổi chiều thế kỷ đã xuống với trọn vẹn phi lý sau quá nhiều bi thiết, nhất là đối với người Việt mang đầy thương tích oan khiên bầm dập. Mưa gió quá lớn của bằng ấy khổ nạn đã làm rã cánh chim phải dẫn độ trở về. Trở về như một bỏ cuộc chơi, nhưng cũng là cơ may cho một tìm lại chính mình, do những quả đắng điển hình như vụ án mạng thảm khốc ở trường trung học Columbine bang Colorado, xẩy ra vào ngày 20 tháng 4 năm 1999, đúng sinh nhật của hiện thân thần dữ là Hitler. Quả đắng phát sinh không ngờ từ cả một ngàn năm nở hoa tung tóe, chứng nghiệm của cả một nền văn minh thị trường chứng khoán với những trận đánh nhau giằng giật miếng mồi của những "con vật kinh tế" sinh chứng rửng mỡ, kết sổ của cả một trăm năm hành hạ nhau tận tình cho đạt "đỉnh cao trí tuệ loài người" thời tiền sử lúc còn sống trong hang hốc.

Mười bốn học sinh và một thầy giáo chết một cách vô lý và vô nghĩa, trong đó gồm cả hai thủ phạm của vụ bắn giết là Eric Harris và Dylan Klebold cùng là học sinh lớp 12. Suốt tuần lễ là những đám táng. Cả nước trăn trở tìm câu trả lời cho một trong những khúc mắc nhất của thời điểm, như một nhát đâm thẳng vào tim mỗi người, vọt máu tươi, quằn quại, giẫy giụa, tức tưởi, mà chưa sao tìm được lời biện bạch. Cũng có thể là một trái bom nguyên tử san bằng tất cả, tạo ra một "tận thế" của một chu trình chuyển dịch của chủng loại người, khi mà mọi kiếm tìm đã trở thành lãng nhách, càng giải quyết lại càng thêm quẩn đến như hết đường thoát.

sinh sôi mãi những niềm vui tẻ, nhạt
khai khẩn em: vùng đất lợ thiên đàng
sông tuyệt tự hô hào ta đứng dậy
dang tay ra tựa Chúa
kẹt chân tường.

Ngày 25 tháng 4 năm 1999, một buổi tưởng niệm những học sinh và một thầy giáo bị bắn chết được tổ chức tại Denver đã thu hút sáu chục ngàn người, trong đó có phó tổng thống Al Gore, thống đốc tiểu bang Colorado là Bill Owens, hầu hết các dân biểu và nghị sĩ của tiểu bang, và nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo. Mọi người cố tìm cho ra ý nghĩa hay dấu chỉ của vụ thảm sát. Phó tổng thống Gore đã thay mặt cho nước Mỹ mà nói với gia đình các nạn nhân, nhưng xem ra cũng chưa nói gì, chả biết phải làm sao.

"Không riêng gì quí vị đang cảm thấy gì, cả trăm triệu người đang cùng khóc với quí vị. Đây là biến cố khiến mọi người chúng ta phải giật mình mà thay chuyển lối sống vì những học sinh nằm xuống. Nếu quí vị là cha mẹ, chúng cần được để ý, nếu quí vị là ông bà, chúng cần thời giờ của quí vị dành cho chúng. Chúng ta cần dạy chúng biết phân biệt cái gì đúng, cái gì sai. Chúng ta phải dạy chúng về một hiện tình đầy bạo động và một nền văn hóa chết chóc".

QUÀNH LUI TÌM: TÔI, TÔI, TÔI?

Không có tâm trạng hiếu thắng ủng hộ và sùng bái quyền năng siêu vượt của dân Đức thì không thể có một Hitler. Không có cái bầu khí buông thả bừa bãi, phim ảnh cổ võ dâm dật phóng túng và bạo động, không có tâm trạng vô hướng và rã rời của nếp sống hiện tại, thì không có vụ trung học Columbine. Vào thập niên '60 và '70, khi mà nếp văn minh vật chất lên cao đỉnh tự mãn thì thấy xuất hiện nhan nhản những loại sách "làm thế nào để hưởng thú" (how to enjoy). Bước sang thập niên '80 và '90 thì lại thấy hiện hình những cuốn sách "tìm cách chữa chạy" (how to heal) đầy khắp tiệm sách và trên các đầu giường: chữa chạy tình yêu, chữa chạy xung khắc gia đình, chữa chạy căng thẳng thần kinh, chữa chạy tắc máu, chữa chạy từ tổng thống đến đám choai choai v.v.

Vụ hai học sinh tàn sát các học sinh khác rồi tự hủy diệt một cách phi lý và vô nghĩa đã trở thành điềm chỉ một cái gì sâu xa hơn. Người bắn và người bị bắn đều là nạn nhân của cả một nền văn hóa còn nằm trong trạng thái động vật và ám ảnh thần chết. Hai tên choai choai tự tử cũng có thể là biểu tượng cho sự tự hủy diệt như chủng loại khủng long cách đây ba trăm triệu năm về trước, nếu không mở được con đường nào khác hơn. Nhà khoa học và thần học Teilhard de Chardin đã nói: "Chúng ta đang trong thời kỳ tiền sử của nhân loại", và Gaston Berger thì bảo: "Lịch sử con người chưa bắt đầu", vì chưa thực sự bước tới chiều kích tâm linh.

Đây có thể là điềm muốn đóng cửa trần gian. Không còn gì để sống, không còn gì để hy vọng, không còn một bám víu nào của niềm tin mà đặt nền cho văn minh, không có một căn bản nào để đánh giá đúng hay sai, khi con người chỉ luẩn quẩn với những chộp giật hạ đẳng mà bất cứ con vật nào cũng đang tranh nhau như kiểu đàn gà tranh mồi và tranh gáy. Nghĩa là nền văn minh này đang làm cho chủng loại người thụt lùi lại chứ không tiến hóa như giả thuyết Darwin. Lịch sử tiến hóa của loài người từ cái ngày còn săn hái trong hang hốc trải qua bao tổ chức xã hội từ nông nghiệp đến kỹ nghệ, qua bao lý thuyết kinh tế từ Thuộc Địa, Cộng Sản, đến Tư Bản... xem chừng vẫn chỉ loay hoay quành lui chung quanh cái dạ dầy của động vật tính nơi con người. Tổ chức xã hội có hợp lý mấy nào có hơn tổ ong, tổ kiến: vạn tuế lao động vinh quang loài kiến và những con dã tràng với lợi tức gia tăng. Nhà sang, xe láng và áo mượt có mắc tiền mấy cũng không đẹp bằng bông hoa ngoài vườn. Mặt người có tô vẽ mấy cũng không bao giờ tươi tỉnh hơn con chim đang hót trên cành kia. Tìm kiếm mãi mà vẫn không thỏa, xoay xở mãi mà vẫn không rõ mình là ai! Từ một hành tinh nhìn về trái đất, có lẽ chỉ thấy duy loại động vật mang mặt người là hay nhăn nhó khổ sở một cách tội nghiệp nhất. Có điều gì sai hụt từ gốc rễ, từ cấu trúc của cuộc hiện hữu?!

quành lui, tìm, ai (?,) ai: lìa
ma, che thập giá, mộ, nhòe nhoẹt, sơn
quành lui, tìm, sông: quy hàng
hiên, sâu, phố xá: thơm buồn, bã rơi
quành lui, tìm: tôi, tôi, tôi?

MÔI CHỐI NHẬN NHỮNG ĐIỀU TIM KHẨN KHOẢN

Vở kịch một ngàn năm đã hạ màn. Bao nhiêu cuộc cách mạng, bao nhiêu vẫy vùng ngang dọc, bao nhiêu lập thuyết, bao nhiêu phát minh, rốt cục rồi cũng phải đông lạnh kẹt cứng ở bên bờ hữu hạn của xác thân, của không gian và thời gian, của chính cái chết, khi phải đối diện với mặt bên kia đời sống! Đây chính là lúc cảm nhận rõ ràng mình không phải chỉ là một con vật có đầu, mình, và chân tay. Và cũng là lúc trăn trở tìm lối vươn lên như Khúc Hát Trầm Tư của nhạc sĩ Hùng Lân:

Cái gì khiến tôi vượt qua giới hạn của không gian? Hạt bụi mà chạy đua ánh sáng, sậy mềm mà cật vấn tinh vân, bọt bèo lại vòng tay ôm lấy cõi trần?

Cái gì khiến tôi vượt qua giới hạn của thời gian? Hiện tại mà tìm đo dĩ vãng, một giờ mà dự kiến muôn năm, phận vờ mà lại mơ hạnh phúc không tàn.

Cái gì khiến tôi vượt qua giới hạn của phù vân? Tìm điều nào đẹp hơn no ấm, tìm lời nào định nghĩa thanh danh, gì còn lại thật khi thân xác hư tàn?

Cái gì khiến tôi lặng nghe tiếng thầm của dòng sông? Thuyền nào từng rời theo nước cuốn, thuyền nào về từ bến muôn phương, nhịp chèo nào nhặt khoan mong nối hai vô cùng?

Tâm tư trên thật giống tựa đề một tập thơ khác của Du Tử Lê: "Đi với về cũng một nghĩa như nhau". Vuông là chia cách, tròn là chung qui, là chốn đi về trong tâm thức sinh ký tử qui của Việt tộc qua truyện thiêng bánh chưng vuông hòa nhập bánh dầy tròn.

chúng ta đã chia, ly từ vú mẹ
tập xa nhau thuở chập chững chân, đi
chúng ta biết thịt, xương này hữu hạn
(và,) nhân gian nào phải chốn đi về...

Đời sống là một chuỗi đam mê miệt mài tìm kiếm. Nhưng dù có thành đạt mấy cũng không sao khỏa lấp được cơn khắc khoải đói khát cõi vô biên từ thẳm sâu con tim khẩn khoản: cõi đất vuông thể chất hạn hẹp luôn tìm vươn lên cõi trời tròn tâm linh viên mãn.

riêng em biết: linh hồn tôi khẩm nước
thuyền / thịt xương khôn chở hết chiều, /bầm/
môi chối nhận những điều tim khẩn khoản
gió ê chề rượt đuổi giữa thinh không...

riêng em biết: nhân gian là khoảng cách
mỗi con người chọn một thước đo riêng
cộng với bóng / tôi / đo từng ý niệm
biệt ly kia, em ạ, vốn di truyền.

Và thời gian mãi mãi là hai con chuột đen trắng của đêm và ngày gậm nát tất cả, hay như là "tên trộm tuyệt diệu nhất, dù canh giữ cách nào, nó cũng sẽ lần lượt lấy đi" những gì ấp ủ trân quí nhất trên cõi đời này. Rồi cũng đến một lúc mỗi người phải lên một "phi thuyền" riêng là chiếc quan tài mà bay vào cõi lớn như trong "giữa vô và hữu hạn".

tóc tìm tóc bao năm
trên nhành vai thân. thiết
vai tìm vai bao năm
đâu rồi sợi tóc biếc?

NÉT CHIM THẦN TRONG CHẤT MÁU VIỆT

Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân trong Nhân Loại Mới (Mekong Tỵ Nạn, trang 267) đã nhận định về dấu chỉ thời đại: "Tình trạng chán sống, bung phá và nổi loạn, sa đọa của tuổi trẻ, tình trạng ngán ngẩm buông xuôi của lớp tuổi về già, sự ẩn mặt của các nhà tư tưởng... là những báo biểu sự thoái hóa của xã hội về mặt nhân văn. Hầu như không một thức giả liêm khiết nào không bi quan về thực trạng văn hóa ngày nay... Đấy là những rẫy rụa, những phản ứng của cái trạng thái tâm lý ngột ngạt trước một xã hội ổn định mà bất an, tự do mà ràng buộc, sung mãn mà nghèo nàn,... trong những sợi dây xích vô hình của cái "logic" tổ chức hợp lý."

Ngôn ngữ tâm lý ngày nay gọi là vong thân, bật gốc, khi con người đánh mất chính mình, không biết mình là ai, lạc mất căn cước (identity) là hồn mình. Không nhận ra bản thể mình, đó là căn nguyên mọi sa đọa đổ vỡ, như câu truyện chim phượng hoàng trong đàn gà con.

đêm nứt vỏ vỡ hàng dương xích đạo
bình minh treo / lửng / gác chuông, cao
trên bậc cấp tận cùng chia, cách ấy
xuống chân đời, ta hỏi lại: Ta? Ta?

Truyện kể ngày xưa có một người đi săn nhặt được một cái trứng phượng hoàng trên núi liền đưa về ấp chung với ổ trứng gà ở vườn sau nhà. Được một thời gian thì các trứng đều nở thành một đàn gà con và một chú phượng hoàng bé xíu.

Chú phượng hoàng cứ thế lớn lên trong đám gà, và làm mọi sự như những con gà khác, vì nghĩ mình là gà. Chú ta cũng bới đất tìm sâu mà ăn. Lâu lâu cũng tranh lộn với nhau về những đống rác có nhiều đồ phế thải. Chú ta cũng tập kêu "cục tác, cục tác". Thỉnh thoảng chú cũng thử vỗ cánh bay lên sà sà được một chút như những con gà khác. Nhưng chú tự nghĩ: "Gà mà! Bay thế nào được."

Thời gian cứ thế trôi qua, phượng hoàng đã lớn và đã già. Một ngày kia nó nhìn lên bầu trời trong xanh thấy một con chim vĩ đại đang bay lượn trong gió lộng, xoè cánh rợp trời, thật oai hùng. Nó đầy vẻ thán phục liền hỏi các con gà khác: "Con gì vậy?" Thì được trả lời: "Đó là chim phượng hoàng, là vua các loài chim... Mà thôi, đừng có ham. Mày và chúng tao đều là gà mà."

Và rồi nó không nghĩ gì thêm nữa, tiếp tục sống như gà. Nó đã chết mà vẫn nghĩ mình là gà ở vườn sau nhà, không bao giờ biết bay lên.

MỌC LÊN TỪ MỘT CỘI RẤT LINH THIÊNG

Hình ảnh chim phượng vốn nằm sâu trong máu người Việt và đã trở thành nét văn hóa gốc: mình là con của chim Âu, loài chim Tiên, chim Thần. Trứng rồng lại nở ra rồng, chim Tiên lại đẻ ra dòng chim Tiên. Qua các nét văn hóa khác nhau trên thế giới, chim bay là biểu tượng của tinh thần, của hồn thiêng bất tử, vẫn thường thấy được vẽ quanh những ngôi mộ cổ bên Ai Cập. Sau khi nhận được lực từ Trời tròn mà vươn vai mạnh như rồng nhập thế cứu đời, con chim Phù Đổng lại xuất thế bay về núi là cội nguồn linh thiêng như mẹ là chim Tiên.

Minh triết bánh dầy bánh chưng của Việt tộc đã diễn thành một công thức đạo sống rất chính xác từ xa xưa. Vuông cộng với tròn thành vuông tròn, đất phải hòa hợp với trời thì mới sung mãn mẹ tròn con vuông được. Hoàng tử Tiết Liệu đã thể hiện được đạo sống đó. Một nền văn minh mà tự mãn với đất, tách khỏi cội nguồn trời tròn, sống giam hãm trong những hộp vuông to vo tách lìa, mất đi chiều kích rộng mở của đất trời bao la, vũ trụ nhất thể, thì quả đắng tất nhiên phải đến, không sớm thì muộn. Khi nhiều quả đắng quá xuất hiện thì tưởng là không ngờ, chứ thực ra tổ tiên mình đã thấy được hậu quả như vậy từ lâu.

Con người vào thời điểm này cũng giống như các hoàng tử khác của vua Hùng, thích tự mãn về sức đất vuông của mình nên đã phải nếm đủ mùi cay nghiệt đến rã cánh. Thì đây là điềm chỉ quả đắng "dẫn độ cánh chim về". Lúc nhìn thấy thân xác mình "thịt da ổ mối", hay "những sợi tóc ngày thêm thưa, vắng" thì cũng chính là lúc nhận thức được lẽ vô thường của đất vuông, và bỗng tỉnh ngộ cảm nhận được chất mầu nơi "linh hồn mướt, sạch". Bản thể này rất mướt, sạch, vì được sinh ra "từ một cội rất linh thiêng" là Ông Trời, Thượng Đế, Thiên Chúa, Đấng Một, Đấng Tối Cao... Tên gọi thì khác nhau, nhưng nội dung chỉ là một. Niềm tin "dù ai nói ngược nói xuôi, ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng" như ca dao khẳng định, chẳng phải là gia tài giầu có nhất của Việt tộc gắn liền với thân mệnh mình trong một khúc quanh quyết liệt nhất của lịch sử loài người sao?

không ai hiểu thịt, da tôi bìa sách
bọc, bao ngoài quá đỗi thực hư: riêng
không ai hiểu linh hồn tôi mướt, sạch
mọc lên từ một cội rất linh thiêng...

không ai hiểu tâm hồn tôi: lành, lặn
do bàn tay Đấng Một vá, khâu giùm.

CŨNG CẦN MỘT NƠI ĐỂ TREO, MÓC

Rồi cũng đến một lúc, bao vùng vẫy tự thấy hụt hơi. Không có một lẽ khôn ngoan nào minh triết hơn thời gian, khi nhìn thấy ngay chính thân xác mình mỗi ngày mỗi tàn tạ. Cái gì mang động vật tính trong một cái túi thịt thì cũng chỉ đáng trở thành một bữa ăn ngon cho quạ. Và đây là lúc biết ngẩng đầu nhìn xa và cao hơn về vĩnh cửu.

chỉ chó, mèo, chim, cá và, sâu đất
hiểu những gì bày quạ muốn nói
và may mắn / bất hạnh / thay
cũng chỉ những sợi tóc tôi
hiểu ngôn ngữ / màu sắc / của thời gian
trên mái đầu ít khi ngẩng lên
một đời tỵ nạn
dạt, trôi
là tôi
sắp cạn.

Du Tử Lê đã hụ còi lên đường "bước vào sân cát ngưỡng cửa 21, khoảng cách hẹp tí (hay rộng thênh) giữa hai con số..."

nhưng dù cho chúng ta có khua chiêng, gióng trống cách gì
khoa học tiến bộ tới đâu
(thì) nhân loại cũng không thể triệt tiêu nổi
mặt bên kia
tấm gương đời sống.

phải chăng,
(vì thế)
chúng ta vẫn cần có lấy cho riêng mình
một điều gì khác?

Một điều gì khác, đây, chính là nơi bến đậu miên trường, quê hương hằng thể. Mọi sự đều cần một chỗ để móc, treo, trong khi chờ cơn bão ập tới. Gió cũng còn biết "quờ quạng kiếm tìm một chỗ để treo linh hồn rét mướt của nó". Phương chi là con người.

thì ra, không chỉ em và, tôi
ngay thời gian / chim muông / mây, gió / ... /
cũng cần một nơi
để treo, móc
những đồ lỉnh kỉnh
cuối đời chúng.

NƠI CẤT DẤU AN TOÀN NHẤT

Dù sao thì cũng cảm ơn quả đắng, vì quả đắng đã dẫn độ cánh chim về. Cùng thì phải biến, biến thì sẽ thông. Đó là định luật của Kinh Biến Dịch. Cơn khổ nạn phải sinh thành. Đã đến lúc con người phải tìm cho ra một bến đậu để thả neo vào chiều kích tâm linh, không thì chỉ có nước tự tử, hay sinh ra khùng điên vì những phi lý và vô nghĩa. Chả lẽ mình cứ sống vật vờ tùy tiện theo lớp sóng xô?

bất cứ chuyện gì ta cũng có thể tùy tiện
trừ tình yêu
như tổ quốc không hề tùy tiện
lịch sử không hề tùy tiện
chữ nghĩa không hề tùy tiện
vậy mà chúng ta
lại đã
cam đành
tùy tiện đời mình!?!

Vào thời điểm 2000, từ chứng nghiệm thực của đời sống, cùng với chất di truyền của dòng máu Tiết Liệu, Du Tử Lê đã hào sảng tuyên dương công thức đạo sống vuông tròn qua Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ. Công thức ấy thật hài hòa với Tin Vui luôn luôn mới mẻ: "nhớ lời Chúa dặn: "chớ để của cải ở nơi nó sẽ hư hoại!".

Mong ước của cả một đời người là tìm được "một chỗ cất dấu rất an toàn" nơi tình yêu, nơi mái tóc, nơi trái tim, nơi nụ cười. Đúng vậy, tình yêu tinh ròng thì đi vào vĩnh cửu, vì Thượng Đế chính là tình yêu, như Thánh Kinh đã tỏ lộ. Bến đậu vĩnh hằng nơi cõi trời tròn đây không còn như một khối lực vô vi tẻ lạnh đến rợn người, mà là một Thượng Đế Tình Yêu trong tương giao ấm áp cõi lòng với rung động con tim.

tất cả những nơi cất dấu nọ
(ngay linh hồn tôi)
lại được cất dấu an toàn:
-trong bàn tay Thượng Đế.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 17322)
Tại sao cả hai tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại là Mai Thảo và Nguyên Sa lại có cùng một nhận xét giống nhau về thơ Du Tử Lê
13 Tháng Ba 20233:57 CH(Xem: 5902)
Ông chọn làm chiếc lá thu đầu tiên bay vào không gian mùa Thu tuyệt đẹp vừa chớm ở Cali.
28 Tháng Hai 20239:01 SA(Xem: 1321)
Thơ Du Tử Lê sang trọng, giàu hình tượng, điển tích cùng với mối liên tưởng phong phú đi sâu vào tầng lớp sinh viên, trí thức.
23 Tháng Giêng 202312:00 SA(Xem: 11422)
“Ngay sau khi gặp ông, tôi đã bước sang “chặng đường ngỡ ngàng.” Không ngỡ ngàng sao được khi mà đứng bên ông
28 Tháng Mười Hai 202211:47 SA(Xem: 6151)
Thi ca lan tỏa không chỉ trong từng ngóc ngách của căn nhà ông ở
30 Tháng Mười Một 20225:26 CH(Xem: 1420)
Họ Lê viết ra với tất cả thành thực, không mầu mè, không dùng ngôn ngữ để lòe đời. Tôi cho đó là tấm lòng tử tế của Du Tử Lê đối với chữ nghĩa.
14 Tháng Mười Một 20223:39 CH(Xem: 11145)
Tuy không phải làm bất cứ công việc nào trong nhà, nhưng Bố tôi bận lắm.
02 Tháng Mười Một 202212:00 SA(Xem: 20229)
Bài thơ là ao ước của một người muốn được biển đón nhận thân xác mình một mai khi ông bước ra khỏi cuộc đời.
31 Tháng Tám 202212:00 SA(Xem: 12556)
Tôi không biết trước tôi, có người trẻ nào đã nói về thơ Du Tử Lê hay chưa. Riêng tôi, tôi rất vinh dự được mời phát biểu về thơ Du Tử Lê
17 Tháng Tám 202210:06 SA(Xem: 1616)
Có phải chính vì lòng nhân ái, tính nhân văn của một nhà thơ lớn mà cả trong tác phẩm và nhân cách ngoài đời của họ càng làm cho chúng ta kính yêu và ngưỡng mộ.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16815)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12052)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18831)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9026)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8125)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 452)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 820)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13901)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19088)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8393)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30590)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25366)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22813)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21615)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19673)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17966)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19149)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16826)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16016)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31809)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34842)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,