VŨ THỊ LỆ DUYÊN - Bài thơ "Khúc Cầu Hoàng" của Du Tử Lê nhìn từ góc độ Thi pháp học

10 Tháng Mười Một 20208:58 SA(Xem: 3739)
VŨ THỊ LỆ DUYÊN - Bài thơ "Khúc Cầu Hoàng" của Du Tử Lê nhìn từ góc độ Thi pháp học

  

Văn bản nghệ thuật thường chứa đựng nhiều thông điệp. Ký hiệu ngôn ngữ thơ ca không chỉ mang nghĩa biểu đạt, mà còn mang những ý nghĩa tự thân khác nữa, giúp cho việc biểu đạt được cao hơn, giàu cảm xúc hơn, tăng tính biểu cảm của ngôn từ. Các yếu tố như tính gợi hình, tính nhạc, các đặc trưng âm học như trường độ, cường độ, cao độ cũng góp phần lớn vào việc biểu đạt ý nghĩa thơ ca. Mỗi tác phẩm thơ ca mang một hình thức mới lạ, cũng đồng thời ẩn chứa một thông điệp. Có thể thấy rõ điều này trong bài thơ Khúc Cầu Hoàng của Du Tử Lê.


1. Lạ hóa hình thức ngữ pháp và hình thức văn bản

Theo cấu trúc thông thường, mỗi đoạn thơ có bốn câu, thế nhưng, trong bài thơ Khúc Cầu Hoàng của Du Tử Lê lại có cách bố cục các đoạn thơ không tuân theo một quy tắc nào cả. Cụ thể, trong bài thơ này tất cả có 10 đoạn thơ thì có những đoạn thơ chỉ có 2 câu; 4 câu; 6 câu; 7 câu; 10 câu; 11 câu; 20 câu. Tổng số câu trong toàn bài là 68 câu. Lẽ ra, có thể chia đều thành các đoạn thơ – khổ thơ có số chẵn nhưng tác giả lại bố cục các khổ thơ có cấu trúc rõ ràng là không ổn định, là khá bất thường (xét theo những thể thơ phổ biến và thông thường). Phải chăng tác giả đã để cho mạch cảm xúc tuôn chảy một cách quá đỗi tự do, không vì sự ràng buộc về cấu trúc ngữ pháp mà cắt ngang mạch cảm xúc đang liền mạch trong tâm hồn? Thật khó có thể lí giải khác được cho cách bố cục cấu trúc các khổ thơ như vậy.

DTL_01ByTrietTran
Nhà thơ Du Tử Lê. (Hình: Triết Trần

 

Ví như ở khổ thơ thứ nhất, phải đọc hết khổ thơ người đọc mới cảm nhận hết được những các xúc, những rung cảm trong tâm hồn tác tác giả. Ta có cảm tưởng như có một tâm trạng khát khao mãnh liệt đang dâng lên trong lòng và tác giả muốn dùng tất cả những hình ảnh những ngôn từ để lột tả cho hết cái rung cảm ấy. Ta chỉ cảm nhận thấy đó là một mạch cảm xúc đang tuôn ra và dường như tác giả không kìm lại được, còn cảm xúc, tâm trạng về điều gì thì quả thật là khó mà luận giải cho tường minh được.

Khổ thơ tiếp theo, có hai câu thơ: “cánh buồm nào đã khép kín hồn tôi/ và đã thả trôi sông nghìn ước vọng”. Hai câu thơ có vẻ như là một nhịp cầu nối mạch cảm xúc sang khổ thơ thứ ba. Cảm giác như khổ 2 này vừa là hệ của quả những tâm trạng, suy tư ở khổ 1 và làm tiền đề cho mạch cảm xúc ở khổ 3 vậy.

Khổ 3 của bài thơ có 6 câu, 6 câu thơ như một sự giải bày những trăn trở về kiếp người, về cuộc đời và đến khổ 4 lại chỉ có 2 câu và 2 câu thơ ở khổ 4 gợi lên một sự kết luận cho những chiêm nghiệm ở khổ 3.

Tuy vậy, nói về sự đặc biệt trong cách tổ chức kết cấu, bố cục đoạn thơ thì đoạn thơ thứ 7 là đặc biệt hơn cả - một đoạn thơ có đến 20 dòng thơ. Có thể nói đây là một khổ thơ quá khổ. Có thể coi nó như một bài thơ nhỏ trong một bài thơ lớn hơn cũng được. Và có lẽ, tác giả không thể tách nhỏ hơn đoạn thơ này, bởi vì xuyên xuốt cả đoạn thơ là một mạch cảm xúc gắn kết – thể hiện nỗi khát khao về một điều gì đó trên đời.

   
Một điều đặc biệt khác không thể không nói đến trong bài thơ đó là việc, tất cả các dòng thơ trong bài thơ đều không viết hoa đầu dòng, không có bất cứ một dấu câu nào. Một người bình thường nhất cũng có thể nhận thấy điều này là bất thường tuy nhiên dụng ý, và giá trị biểu đạt của lối viết này thì không phải ai cũng có thể lí giải cho thấu đáo được. Đây chính là thủ pháp lạ hóa ngữ pháp thơ. Lý giải về “Thủ pháp “lạ hóa” trong bài Đàn ghi ta của Lor – ca của Thanh Thảo”, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền cho rằng:“bài thơ giống như một lát cắt của dòng chảy thơ ca. Nghĩa là trước đó đã có rồi, sau đó vẫn còn tiếp”, và “bài thơ này chỉ là một đoạn trong một bài thơ dài vô tậnBởi vậy, rất khó trả lời văn bản này có bao nhiêu câu. Đó là một cấu trúc mơ hồ, khó hiểu.” [1; 221]. Có thể lấy nhận xét đó để giải thích hiện tượng “lạ hóa” ngữ pháp trong “Khúc Cầu Hoàng” của Du Tử Lê vậy.

DTL_SinhVien-content-content

   
Ở một khía canh khác – khía cạnh cấu trúc câu, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, nhiều dòng thơ trong bài thơ không tuân theo cấu trúc câu thông thường trong tiếng Việt (và thậm chí là cấu trúc câu tiếng Anh.) Nghĩa là nhiều dòng thơ - xét theo cấu trúc tiếng Việt - thì không có đầy đủ thành phần câu là chủ ngữ và vị ngữ. Ta bắt gặp nhiều câu thơ như vậy: “và đã thả trôi sông nghìn ước vọng/ khi hạnh phúc không dung cùng khốn khómỗi trôi đi dung một bước quay về/ mỗi lênh đênh dung một ý não nề/ mỗi quanh quẩn chứa chan nghìn thất lạc.” Đây có thể coi là một cấu trúc câu đặc biệt – nếu chỉ xét trên một dòng thơ. Tuy nhiên, nếu đặt các dòng thơ này trong mối qua hệ với toàn khổ thơ/ đoạn thơ thì ta lại thấy có sự liên kết trong một mạch cảm xúc và ý nghĩa. Ở đây ta nhận thấy tác giả đã sử dụng nghệ thuật vắt dòng để dường như diễn tả liên tiếp mạch cảm xúc bất tận của mình. Chẳng hạn: “cánh buồm nào đã khép kín hồn tôi/ và đã thả trôi sông nghìn ước vọng.” Ta thấy, nếu ghép 2 dòng thơ này lại, ta sẽ có một câu văn hoàn chỉnh. Tất nhiên, vế đầu: “cánh buồm nào đã khép kín hồn tôi” đã hoàn toàn là một câu đầy đủ thành phần, nhưng câu tiếp theo với liên từ “và” đã kết nối vế sau với vế đầu và có thể coi vế sau này là vị ngữ thứ hai của câu thơ đó vậy. Cách viết như vậy có tác dụng nhấn mạnh ý nghĩa trong câu kiểu như: đã có cái này, lại còn thêm cái kia nữa – chủ thể “tôi” chịu hai tác động liên tiếp – đã bị khép tâm hồn lại còn bị bỏ trôi sông – cùng lúc nhận 2 nỗi đau chăng? Tương tự, ta cũng có: “có chăng nào phiêu lãng đã bao nơi/ mà suốt cuộc nghe đời mình héo lụn.” Ta thấy, cả hai dòng thơ có sự liên kết thành một câu thơ mới diễn đạt hết ý của tác giả. Trong câu thơ này, cách tác giả tách từ “cuộc đời” và chêm xen một từ “nghe” vào giữa thật là độc đáo: “suốt cuộc nghe đời mình héo lụn.” Câu này có thể diễn lại thành: “mà suốt cuộc đời mình nghe héo lụn” sẽ thuận tai hơn và đúng cấu trúc ngữ pháp hơn. Tuy nhiên việc tác giả tách và chêm xen như vậy tạo ra sự thú vị về âm điệu cũng như về ngữ nghĩa. Câu đó có thể chia thành hai vế: suốt cuộc -> có thể hiểu là cuộc đời, mặt khác “cuộc” còn gợi ra “cuộc chơi,” “cuộc chiến,” v.v. tạo nên sự đa nghĩa trong diễn đạt. Và sau đó, tác giả nhấn mạnh “nghe đời mình héo lụn” thì ta hiểu tác giả muốn diễn tả nỗi buồn đau và thất vọng ê trề về cuộc đời mình vậy. Cũng xin nói thêm về giá trị biểu đạt biểu cảm của cách viết như thế này có khả năng làm thay đổi liên tục cảm xúc của người đọc. Người đọc, khi đọc vế thứ nhất thì có vẻ như đã thấy đủ cảm xúc nhưng đọc đến dòng thơ tiếp theo thì cảm xúc ở vế thứ nhất lại được khơi dậy và có thể nâng cao hơn một cung bậc nữa. Cảm xúc cứ níu kéo dai dẳng bám riết lấy tâm trí người đọc vậy. Thêm nữa, ở một vài chỗ, tác giả lại chỉ để những câu đặc biệt kiểu buông lơi một cách khó hiểu:


mỗi trôi đi dung một bước quay về
mỗi lênh đênh dung một ý não nề
mỗi quanh quẩn chứa chan nghìn thất lạc […]
vỡ từng thân đá cổ, lệ xin tan
vỡ lời buồn ẩn khát một truy hoan
thắp tuyệt vọng sáng lên cùng chí quẫn

   
Những dòng thơ này ta không tìm thấy chủ ngữ của câu mà đó chỉ là những vị ngữ (những cụm động từ) đứng độc lập và được điệp lại cấu trúc của nhau (3 câu dòng thơ trên gần như có cùng một cấu trúc). Hai câu ở đoạn dưới điệp từ “vỡ”. Dường như tác giả đang muốn nhấn mạnh đến sự vô định – ba câu trên, và nhấn mạnh đến sự đau khổ - hai câu ở đoạn dưới.

   
Một điểm rất đáng chú ý về cấu trúc câu trong bài thơ này là việc tác giả dùng lối đảo ngữ - đảo trật tự cú pháp - ở rất nhiều câu thơ, dòng thơ:


cây xin xanh đừng ngại lúc hanh vàng
trời xin cao cho đáy mắt em ngoan
gió xin nổi trong hồn tôi tơi tả
tóc xin chảy chia trăm dòng (rất lạ)

   
Một lần nữa, ta nhận thấy những câu thơ điệp lại cấu trúc (Danh từ + động từ “xin” + Tính từ/ động từ + bổ ngữ (chỉ mục đích hoặc/ hay kết quả.) Bên cạnh đó, cũng khó để xác định đâu là chủ ngữ của câu thơ. Nếu ta coi các danh từ như: “cây, trời, gió, tóc.”  là chủ ngữ thì thật khó lí giải các chủ thể này lại có hành động “xin.” Ở đây, có lẽ nên hiểu rằng, chủ thể trữ tình (không được nhắc đến trên bề mặt từ ngữ) đang “xin” các khách thể như “cây, trời, gió, tóc” thì hợp lí hơn. Với cách viết đưa danh từ làm vị ngữ (lẽ ra nằm ở vị ngữ) lên đầu câu, ta thấy rõ tác dụng nhấn mạnh ý nghĩa của câu thơ mà tác giả muốn thể hiện. Trong bài thơ này, chúng tôi nhận thấy khá nhiều dòng thơ có cấu trúc tương tự như vừa trình bày:


cửa xin khép cho đêm đừng cay nghiệt
sáng xin hồng cho nắng ấm trưa mai
chiều xin vàng – lấy lá lót chân ai


Hay:


mắt xin mở tạnh nguôi nghìn thảm thiết
môi ô mai xin muối mặn hồn này


2
. Sử dụng các dấu câu một cách lạ thường

   
Vẫn nói về vấn đề ngữ pháp – cấu trúc dòng thơ/ câu thơ, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, tác giả dùng một loạt những dấu câu đặc biệt như dấu “-”, dấu “(…)” trong các dòng thơ tạo ra những khoảng không gian rất rõ ràng trong các dòng thơ đó. Chúng tôi xin dẫn ra các câu thơ đó như sau: “tóc xin chảy chia trăm dòng (rất lạ)”. Ta biết rằng dấu ngoặc đơn (…), có tác dụng bổ sung ý nghĩa, mở rộng ý nghĩ cho câu, còn gọi là phần phụ chú. Trong câu thơ trên đây, việc sử dụng dấu (rất lạ), nếu hiểu đó là phần phụ chú thì nó sẽ phụ chú hay mở rộng nghĩa cho phần nào của câu? Phải chăng, hai chữ “(rất lạ)” này chính là diễn tả cảm xúc của tác giả? Chú thích cho cảm xúc của tác giả trước hình ảnh “tóc xin chảy chia trăm dòng”. Cách viết như vậy khá hiếm thấy trong các bài thơ thông thường. Một ví dụ khác:


xin răng thơm cắn vỡ giọt – tôi – sầu
xin mưa bay trên vạt áo nhiệm màu
cuốn tôi lại trong kén – người – hạnh – phúc
xin chân sa – trong tình tôi ngập lụt
đôi cánh vàng xin bỏ lại trên cao
miệng hoa cau xin kết nụ ngạt ngào
tay kim chỉ xin khâu tình rách rưới
giường êm ái – xin người ngoan giấc ngủ

     
Trong đoạn thơ trên đây, ta lại thấy tác giả dùng nhiều dấu gạch ngang “-” (một loại dấu câu có tác dụng tương tự dấu ngoặc đơn – dùng để chú thích hoặc mở rộng nghĩa cho từ hoặc cụm từ đi liền kề). Đọc những câu thơ có dấu như vậy chắc chắn, theo một cảm thức chung, người đọc sẽ đọc rõ, tách rời từng chữ, và chậm, cách quãng rõ ràng. Phải chăng, tác giả muốn người đọc nhấn mạnh những chữ này để cảm nhận được cảm xúc do từ và hình ảnh chứa trong nó mang lại? Phải chăng tác giả muốn người đọc thực sự lưu tâm đến những cảm xúc mà ông muốn truyền cảm hay/ hoặc với cách viết như vậy tác giả muốn gieo vào tâm hồn người đọc những nhịp điệu khác lạ. Trong trường hợp này có lẽ, mỗi đọc giả sẽ có những cảm nhận không giống nhau và đó có lẽ cũng chính là ý đồ tạo ra điểm nhấn, khơi gợi cảm xúc từ mỗi độc giả mà tác giả đã cố tình tạo ra như vậy. Và:


cho tất cả – xin cho đừng luyến tiếc
tình không dung một cân nhắc bao giờ
phút giây nào người còn ý so đo
xin đừng đến để tình tôi khỏi tủi
(vì hạnh phúc không dung cùng khốn khó)

   
Ở các câu mà dấu gạch ngang nằm xen giữa các âm tiết ta chỉ cảm nhận nó có nghĩa nhấn mạnh như: “xin răng thơm cắn vỡ giọt – tôi – sầu” hay: “cuốn tôi lại trong kén – người – hạnh – phúc”. Tuy nhiên ở các câu thơ khác, ta lại thấy nó có nghĩa chú thích, mở rộng như cách dùng thông thường: “xin chân sa – trong tình tôi ngập lụt” hay: “giường êm ái – xin người ngoan giấc ngủ.”



3. Cách sử dụng kết hợp từ ngữ, hình ảnh mang tính lạ hóa

   
Có lẽ, bất cứ ai khi đọc bài thơ này thì cảm nhận đầu tiên là chìm ngập trong sự mông lung kỳ ảo của từ ngữ và hình ảnh. Những từ ngữ và hình ảnh đã được tác giả sử dụng kết hợp theo một cách riêng tưởng chừng như tùy tiện và rất khó hiểu nếu lí giải theo những cách thông thường.

   
Trong bài thơ này, ngay ở những dòng thơ đầu tiên người đọc đã bắt gặp hàng loạt những sự kết hợp từ ngữ, hình ảnh rất lạ: “xin mắt mở tạnh trăm miền bão rớt/ môi ô mai xin muối mặn lời vàng,” “xin mắt mở tạnh …” là mắt ai? Mắt hiểu theo nghĩa đen thì không thể “mở tạnh.” Cách dùng từ như vậy không thể lí giả tường minh theo những ý nghĩa thông thường. Có lẽ chỉ nên hiểu theo các nét nghĩa có thể liên tưởng được. “Mắt” ở đây có thể là đôi mắt của tác giả, một ánh mắt thể hiện khát vọng về một sự thanh bình. Nhưng “mắt mở tạnh trăm miền bảo rớt” lại có thể hiểu là những ánh mắt của nhiều người, ở mọi nơi có những nỗi đau thương. Cũng có thể hiểu theo một ý nghĩa biểu trưng khác, “mắt” có thể là mặt trời, xin soi chiếu những nơi u tối, khốn khổ khắp thế gian. Hình ảnh “bão” thường có nghĩa biểu trưng cho những tai họa, những biến cố khó khăn ở đây cũng còn có thể liên tưởng đến những nỗi đau, những biến cố dữ dội trong lòng người. Ở câu thơ thứ hai: “môi ô mai xin muối mặn lời vàng,” hình ảnh “môi ô mai,” gợi liên tưởng đến tuổi học trò, gợi liên tưởng đến hình ảnh những cô cậu học sinh trung học, vô tư hồn nhiên và say đắm với vị ô mai. Cũng xin nói thêm rằng, ô mai có 3 vị chủ đạo là: mặn, ngọt, chua, nhưng ở đây tác giả chỉ nói đến mặn “xin muối mặn lời vàng”. Có lẽ cũng như trong cách tri nhận dân gian Việt Nam, vị mặn là vị khó phai cùng với vị cay “gừng cay muối mặn”. Phải chăng, tác giả đang muốn nhấn mạnh đến những lời hẹn ước của một thời tuổi trẻ, cái thời học sinh đầy mơ mộng.

   
Trong bài thơ Khúc Cầu Hoàng, có nhiều cách làm lạ hóa từ ngữ mà trước hết là cách lắp ghép những từ cách xa nhau về ý nghĩa, tạo nên sự lạ lẫm, sự mơ hồ và khó lí giải tường minh. Chẳng hạn trong câu thơ “Tay tham lam không thể đợi giờ mềm”. “tham lam” là một từ chỉ tính cách lại kết hợp với tay. Thông thường khi nhắc đến từ “tham lam”, người ta sẽ nghĩ đến cách kết hợp như: “lòng tham lam”, “tính tham lam”, ở đây lại là “tay tham lam”. Vậy thì tay ở đây chỉ có thể hiểu là một hoán dụ, nhưng ngay cả trong trường hợp tay làm hoán dụ thì khi kết hợp với tham lam nó vẫn có sự lạ lẫm, mặc dù người đọc có thể liên tưởng được đến đối tượng tham lam là con người nhưng hành động thể hiện sự tham lam là bàn tay. Và hơn hết, phải chăng hình ảnh tay tham lam không thể đợi giờ mềm dùng để diễn tả một khát khao yêu thương, khát khao hạnh phúc mãnh liệt, không thể kiềm chế hơn được nữa – cũng như cách nười ta thường nói: yêu là không chờ đợi. Cũng trong câu thơ này, cách kết hợp “giờ mềm” quả thật là quá mơ hồ và rất lạ. Cách kết hợp này rất hiếm gặp trong thơ. Bởi vì giờ là đơn vị chỉ thời gian nó chỉ có thể kết hợp với các tính từ chỉ thời gian như “giờ trưa”, “giờ tối”, “giờ cao điểm”, “giờ thiêng”. Trong khi “mềm” là một tính từ chỉ một đặc tính của sự vật có nghĩa trái với “cứng”. Thế nên, chỉ có thể hiểu giờ mềm khi đặt nó trong quy luật của ẩn dụ, ở đây có một sự chuyển nghĩa rất xa – qua ít nhất 2 tầng bậc. Mềm có thể hiểu là giờ chín muồi trong tình cảm chăng? Phải chăng đó là cái giờ thích hợp nhất để biểu lộ những cử chỉ yêu thương giữa hai người yêu nhau? Tất cả cũng chỉ là những cảm nhận khá chủ quan mà thôi. Và đó cũng chính là cái hay của tác giả trong việc sử dụng từ ngữ có tính khơi gợi cao. Ta cũng gặp những cách kết hợp từ ngữ có   rời rạc như vậy ở các câu thơ như:


trời tối mau mưa ướt vội sông dài
năm tháng cũ sủi tăm cùng nỗi chết
xin tay ngọc gối êm tình thảm thiết


và:


vỡ từng thân đá cổ, lệ xin tan
vỡ lời buồn ẩn khát một truy hoan
thắp tuyệt vọng sáng lên cùng chí quẫn


hay:


xin răng thơm cắn vỡ giọt – tôi – sầu

   
Những cách kết hợp như “trời tối mau mưa ướt vội sông dài”, thực sự không hề tuân theo các quy tắc logic ngữ nghĩa thông thường nào cả. Thế nên thật khó có thể luận giải cho tường minh ý nghĩa biểu đạt của câu thơ. Ở câu thơ: “thắp tuyệt vọng sáng lên cùng chí quẫn,” ta càng thấy có sự bất hợp lí hơn vì thông thường người ta chỉ nói là “thắp sáng hi vọng” chứ ai lại đi “thắp tuyệt vọng sáng lên”. Mặc dù ta có thể lí giải nghĩa của câu thơ nhưng rõ ràng nó vẫn có cái gì đó còn mơ màng và mông lung lắm. Nhưng về cơ bản ta vẫn cảm nhận được tâm trạng đau đớn tột cùng, sự bế tắc của một tâm hồn đau khổ. Trong câu thơ:“xin răng thơm cắn vỡ giọt – tôi – sầu,” ba từ “giọt – tôi – sầu,” quả thật là rất lạ! Phân tích ra, ta có thể thấy cụm từ này có thể viết thành “giọt – sầu – tôi” nghe có vẻ thuận nhĩ hơn và rõ ràng hơn, nhưng tác giả lại thay đổi vị trí một cách rất lạ như vậy và dùng dấu gạch ngang chia cách các âm tiết đó tạo thêm sự nhấn mạnh cho ý thơ thật sâu sắc.

   
Trong khổ thơ lớn này – khổ thơ với 20 dòng thơ, ta nhận thấy tác giả xử dụng một biện pháp tu từ quen thuộc trong thơ ca tiếng Việt đó là biện pháp điệp từ. Từ “xin” được điệp lại tất cả 11 lần trong khổ thơ: xin thân xác lõm in…/ xin răng thơm…/ xin mưa bay…/ xin chân sa…/ đôi cánh vàng xin… Xét tác dụng biểu đạt, biểu cảm của phép điệp ta thấy, phép điệp có tác dụng nhấn mạnh – làm tăng sức biểu cảm của nội dung thơ. Và như một nguyên tắc vật lí, khi con người thực hiện lặp đi lặp lại một hành động thì sẽ tạo ra những dấu ấn đậm nét trên bề mặt của vật bị tác động. Thế nên, trong khổ thơ này, chúng ta thấy việc điệp từ “xin” thể hiện một khát khao rất – mãnh – liệt của tác giả. Vậy tác giả bài thơ khát khao điều gì? Vâng, nỗi khát khao của tác giả thể hiện qua một loạt những hình ảnh, những từ, những kí hiệu rất lạ.

   
Hình ảnh “thân xác lõm in mười ngón nhọn,” là một hình ảnh gợi lên một cảm giác đau đớn. Cứ liên tưởng hình ảnh mười ngón nhọn là hình ảnh đôi bàn tay của con người, nhưng đôi bàn tay với hình dáng sắc – nhọn gợi lên tâm địa của con người – gợi lên những hành động làm tổn thường người khác của người đời. Mặt khác, hình ảnh thân xác lõm in… thể hiện việc phải chịu đựng những đau khổ trong tình yêu hay/ hoặc những đau khổ do người đời gây ra. Tiếp theo đó là hình ảnh mưa bay trên vạt áo nhiệm màu gợi liên tưởng đến những gian nan, vất vả mà con người phải chịu đựng trong cuộc đời. Trong câu thơ này, tác giả diễn tả vạt áo là vạt áo nhiệm màu, và vạt đó ở câu sau cuốn tôi lại, gợi ra liên tưởng về một sự che đậy, một sự bảo vệ. Có lẽ vì thế mà trong câu thơ xuất hiện hình ảnh kén – người – hạnh – phúc. Ta thấy, hình ảnh kén người thường gợi đến những liên tưởng không tốt. Khi nói đến kén người, ta nghĩ đến những con người hèn nhát, yếu đuối hay bế tắc đang cam chịu sống một cách khép kín, trốn tránh những khó khăn, gian khổ, để trách những rủi do bất trắc của cuộc đời. Cái mà tác giả gọi là kén – người – hạnh – phúc phải chăng là một sự chấp nhận sống thu mình lại, hèn yếu đi để có được một cuộc sống yên ổn giữa bao biến động và bất trắc của tình yêu, của cuộc đời. Tiếp đến là hình ảnh xin chân sa trong tình tôi ngập lụt – một hình ảnh gợi liên tưởng đến những đau khổ trong tình yêu. Thế nhưng, tác giả lại xin – lẽ nào lại xin được đau khổ chăng? Thêm nữa, hình ảnh chân sa thường gợi liên tưởng đến những tình huống không mấy tốt đẹp của con người. ta hay dùng từ sa để thể hiện những tình huống/ tình cảnh mà bản thân bị động, bị rơi vào một cách không mong muốn, chẳng hạn: sa cơ – sa cơ lỡ bước; sa chân vào con đường tội lỗi; sa vào lưới tình, v.v. Hình ảnh ngập lụt, dễ đưa đến người đọc liên tưởng về những điều không tốt, nhưng xét về mức độ của một sự việc thì nó có thể lại thể hiện một mức độ lớn mà có thể con người chúng ta vẫn mong ước có thể đạt được trong cuộc sống, trong tình yêu. Như vậy có thể thấy, câu thơ thể hiện khát khao yêu và được yêu của tác giả, mà ở đó tác giả đã chấp nhận yêu với bất cứ đau thương nào có thể xảy đến chỉ cần được yêu một tình yêu lớn, một tình yêu mãnh liệt thì nhân vật chữ tình tôi  sẵn sàng chấp nhận sa chân. Hình ảnh đôi cánh vàng xin bỏ lại trên cao, gợi liên tưởng đến ước muốn về những điều chân thành trong tình chăng? Bởi lẽ, người ta hay nói: “tình yêu chắp cánh” hay đôi cánh vàng của tình yêu, là nói đến những cảm xúc hạnh phúc lâng lâng, thăng hoa của con người do tình yêu mang lại. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng như pha lê vậy càng rực rỡ bao nhiêu càng dễ vỡ bấy nhiêu. Có lẽ chính vì vậy, tác giả mong muốn một tình yêu giản dị và chân thành. Một tình yêu đích thực, gần gũi chứ không quá mơ hồ, lãng mạn và viễn vông. Hình ảnh miệng hoa cau xin kết nụ ngạt ngào là một hình ảnh gợi lên một vẻ đẹp giản dị nhưng lại có tính – khả - thi của tình yêu. Miệng hoa cau là hình ảnh ước lệ nói về khuôn mặt của một cô gái đẹp, đồng thời  miệng hoa cau xin kết nụ còn gợi liên tưởng đến khát khao về một hạnh phúc viên mãn trong tình yêu – hoa cau một biểu tượng cho sự kết đôi của tình yêu; một biểu tượng của hôn nhân xưa được tác giả đưa ra ở đây một cách rất tinh tế, và rất tình tứ và rất duyên.

   
Trong khổ thơ 20 dòng này, ta cũng nhận thấy nhiều những từ ngữ, những hình ảnh gợi liên tưởng về hạnh phúc trong tình yêu, về khát khao hạnh phúc gia đình của tác giả. Xâu chuỗi tất cả những hình ảnh tượng trưng trong đoạn thơ này ta thấy các từ ngữ hình ảnh mặc dầu rất lạ nhưng thường là những từ nằm trong một trường liên tưởng – trường liên tưởng về hạnh phúc. Ta có: khâu tình rách rưới/ giường êm ái… ngoan giác ngủ/ nệm drap này dệt bởi sợ tương lai/ chăn mùng nữa chính lòng tôi chân thiết, v.v. Những hình nảnh này gợi cho người đọc liên tưởng về khát khao một cuộc sống ấm áp tình yêu thương, một cuộc sống mà ở đó tác giả có tình yêu và làm mọi điều tốt đẹp để chăm sóc tình yêu và hạnh phúc của mình. Ngoài ra, một số hình ảnh khác trong khổ thơ này cũng phần nhiều là nói đến những khát khao hạnh phúc trong tình yêu. Một số hình ảnh thể hiện sự lạc quan, hay ước mơ về một tương lai tốt đẹp: sáng xin hồng cho nắng ấm trưa mai/ chiều xin vàng lấy lá lót chân ai. Và một hình ảnh rất duyên dáng và dễ thương của người con gái: bước ngượng ngịu trong mắt nhìn (thấy ghé). Tác giả dùng từ thấy ghét tất nhiên dễ dàng cảm nhận cảm xúc yêu thương của nhân vật trữ tình ở đây  bởi vì thấy ghét lại là một cách nói thể hiện tình yêu thương. Câu cuối cùng của của khổ thơ, tác giả thể hiện một hiện tượng rất phổ biến ở con người “đỉnh điểm của đau khổ là im lặng, đỉnh điểm của hạnh phúc là nước mắt.” Một hạnh phúc bất ngờ luôn luôn mang đến cho con người một cảm xúc mãnh liệt đến không kiềm chế được.

   
Quả thật, đối với các nhà thơ tượng trưng, sức sáng tạo trong việc sử dụng từ ngữ hình ảnh của họ thật phi thường, thật độc đáo mà những độc giả như chúng ta khó có thể đoán hết được, hay bắt theo kịp những sáng tạo của họ. Tuy nhiên, chính nhờ những sáng tạo đó mà khi đọc thơ của các nhà thơ thuộc trường phái này chúng ta không bao giờ thấy nhàm chán và hơn hết, người đọc chẳng bao giờ đọc một cách hời hời, qua loa vì nếu đọc như vậy chẳng mong chi đến việc hiểu được những thông điệp, những giá trị thẩm mĩ của bài thơ. Và nếu như, dưới góc nhìn tri nhận luận, người đọc cũng là tác giả - đồng sáng tác – thì điều đó càng đúng hơn khi người đọc tiếp nhận thơ tượng trưng. Những bài thơ thuộc trường phái tượng trưng luôn có khả năng  kích thích trí sáng tạo của người đọc một cách mạnh mẽ hơn bất cứ loại thơ nào.

   
Những bài thơ theo trường phái thơ tượng trưng như bài Khúc Cầu Hoàng của Du Tử Lê luôn luôn mang đến cho người đọc những cảm xúc đặc biệt. Cảm xúc đặc biệt đó trước hết là do những cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các cách tạo lập cú pháp rất nhiều sáng tạo, và mới lạ. Sau nữa, lối viết thơ phóng túng như vậy cũng mang đến cho người đọc những cảm nhận thú vị mà điều này là do mạch cảm xúc rất tự do, rất ngẫu nhiên mà tác giả để cho chảy một cách không gò bó trong tác phẩm. Cuối cùng, trong bài thơ này, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều những sự đặc biệt về cách dùng từ, đặt câu, cách kết hợp từ ngữ lạ lẫm mà nếu có điều kiện nghiên cứu và lí giải sâu hơn, chắc chắn còn rất nhiều điều thú vị.


Sài Gòn, tháng 10, năm 2020

Vũ Thị Lệ Duyên


_______
TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Phạm Ngọc Hiền, Tiếp cận tác phẩm văn chương từ góc độ Thi pháp học, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018
2. Phạm Ngọc Hiền, Thi pháp học, NXB Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2019
3. Võ Công Liêm, Du Tử Lê và Tôi, trangvhntnguoncoi.wordpress.com
4. Huỳnh Như Phương, Trường phái hình thức Nga, NXB ĐHQG TP.HCM, 2007

KHÚC CẦU HOÀNG

xin mắt mở tạnh trăm miền bão rớt
môi ô mai xin muối mặn lời vàng
tình đắm đuối khôn nguôi hồn thảng thốt
tay tham lam không thể đợi giờ mềm
người linh hiển trên đỉnh cùng gió cuốn
chân chim khuyên chưa bước xuống cuộc đời

cánh buồm nào đã khép kín hồn tôi
và đã thả trôi sông nghìn ước vọng

tôi đã lạc bên kia bờ sự sống
thân khô rang mong từng hạt mưa nhuần
xin hơi thở đèn hương tim thánh thiện
trăm năm xin son phấn một tên người
khi hạnh phúc không dung cùng khốn khó
ai sinh ra được chọn đúng đời mình

tôi lớn lên biết mỗi điều duy nhất
- sao khi không ta lại phải làm người

trời tôi mau mưa ướt vội sông dài
năm tháng cũ sủi tăm cùng nỗi chết

xin tay ngọc gối êm tình thảm thiết
cây xin xanh đừng ngại lúc hanh vàng
trời xin cao cho đáy mắt em ngoan
gió xin nổi trong hồn tôi tơi tả
tóc xin chảy chia trăm dòng (rất lạ)

mỗi trôi đi dung một bước quay về
mỗi lênh đênh dung một ý não nề
mỗi quanh quẩn chứa chan nghìn thất lạc
xin khúc hát vọng âm từng cửa ngực
vỡ từng thân đá cổ, lệ xin tan
vỡ lời buồn ẩn khát một truy hoan
thắp tuyệt vọng sáng lên cùng chí quẫn
tôi cúi mặt ngó bóng mình lật xấp
trên đoạn đường bấy nát đạn bom vui
có chăng nào phiêu lãng đã bao nơi
mà suốt cuộc nghe đời mình héo lụn

xin thân xác lõm in mười ngón nhọn
xin răng thơm cắn vỡ giọt – tôi – sầu
xin mưa bay trên vạt áo nhiệm màu
cuốn tôi lại trong kén – người – hạnh – phúc
xin chân sa – trong tình tôi ngập lụt
đôi cánh vàng xin bỏ lại trên cao
miệng hoa cau xin kết nụ ngạt ngào
tay kim chỉ xin khâu tình rách rưới

giường êm ái – xin người ngoan giấc ngủ
ván cây này xẻ tự khối tình tôi
nệm drap này dệt bởi sợi tương lai
chăn mùng nữa chính lòng tôi chân thiết
cửa xin khép cho đêm đừng cay nghiệt
sáng xin hồng cho nắng ấm trưa mai
chiều xin vàng – lấy lá lót chân ai
bước ngượng nghịu trong mắt nhìn (thấy ghét)
môi rát bỏng bởi chưng tình cuống quýt
hồn tham lam nên ích kỷ khôn cùng
mộng sẽ mềm trên từng lá me sương
người sẽ khóc giữa không – ngờ – hạnh – phúc

cho tất cả – xin cho đừng luyến tiếc
tình không dung một cân nhắc bao giờ
phút giây nào người còn ý so đo
xin đừng đến để tình tôi khỏi tủi
(vì hạnh phúc không dung cùng khốn khó)
tôi lấy gì để sửa lễ cầu hôn
biết lấy gì để đổi được lòng tin
tôi chỉ có thuỷ chung làm vốn liếng

mắt xin mở tạnh nguôi nghìn thảm thiết
môi ô mai xin muối mặn hồn này
người linh hiển trên đỉnh cùng gió cuốn
bước một lần xin bước xuống đời tôi

bước một lần như thần thánh bỏ ngôi
chung than củi với một người phẫn chí


(Theo tập thơ: Trên ngọn tình sầu, Du Tử Lê, NXB Hội Nhà văn, H. 2018)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Mười Hai 202310:10 SA(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
07 Tháng Mười Một 20233:47 CH(Xem: 757)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
19 Tháng Mười 20231:33 CH(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
05 Tháng Mười 202312:00 SA(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
02 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
23 Tháng Sáu 202310:46 SA(Xem: 1139)
Luận văn Thạc Sĩ/ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam của Vũ Thị Lê Duyên
04 Tháng Sáu 20232:03 CH(Xem: 1295)
Du Tử Lê nổi tiếng nhất với tư cách một thi sĩ.
30 Tháng Năm 20235:35 SA(Xem: 6566)
Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ.
10 Tháng Năm 20239:33 SA(Xem: 6436)
Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”.
27 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 11399)
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8941)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 757)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7738)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8344)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10887)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30531)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20709)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25302)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22781)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21558)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19111)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15989)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31737)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34786)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,