Cung Tích Biền: Oan khiên, nhưng vẫn không lỗi hẹn với chữ, nghĩa.

10 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 10157)
Cung Tích Biền: Oan khiên, nhưng vẫn không lỗi hẹn với chữ, nghĩa.

Tôi vẫn nghĩ con người là con vật bị ngộ nhận. Chẳng những bị ngộ nhận bởi xã hội mà, con người còn là nạn nhân hay “con tin” của những oan khuất, do bẫy sập của định mệnh giăng ra, hay từ những giây phút bốc đồng, mê sảng…

Tôi nghĩ bất cứ ai trong hành trình đời thường, ít hay nhiều, già hay trẻ cũng đều có những oan khiên mà, ánh sáng của các đấng thánh thần, không thể soi sáng, hầu khu trừ hay, giải tỏa phần nào những “oan sai” đó.

cungtichbien-phannguyen-content
Nhà văn Cung Tích Biền (Hình Phan Nguyên)


Khác chăng, với những người bình thường hoặc tên tuổi quá nhỏ khiến ngọn-lửa-dư-luận-phẫn-nộ không đủ sức thiêu rụi…Ngược lại, những tên tuổi càng lớn, càng phổ cập bao nhiều thì, oan khiên của họ, càng bị dư luận săm soi, in đậm dấu chàm trên trán - - Như cái giá phải trả cho sự nổi tiếng ấy.

Biến cố tháng 4-1975, tới hôm nay, dù đã 40 năm trôi qua, điều đó không có nghĩa những oan khiên bất ngờ, hay sự ngỗ nghịch, đành hanh của định mệnh tìm đến và ở lại, nơi một số văn nghệ sĩ của miền Nam, đã nhạt phai. Nó vẫn còn đó! Ở đó! Như một tai họa. Như chiếc bóng oan khuất của một vài nhà văn (nói chung) miền Nam.

Đối đầu với bi kịch riêng của đời mình, mỗi nhà văn chọn cho mình một tâm thái khác nhau. Người thì viết sách, giải thích, phủ nhận, nguyền rủa những ai chỉ tay vào vết chàm (đúng/ sai?) trên trán họ. Người thì chọn thái độ im lặng. Cho tới khi hoàn cảnh cho phép… Họ cũng lên tiếng giải oan cho mình, nhưng một cách nhẹ nhàng, chân thành, như thể họ đã ăn ở quen lâu với chiếc bóng thứ hai, chiếc bóng oan-khuất một đời của mình.

Sự kiện này, phần nào, cũng nói lên bản lĩnh, đởm lược của nhà văn đó.

Một trong những nhà văn bị định mệnh lùa sâu vào cơn hốt hoảng tháng 4-1975, chọn thái độ chấp nhận lặng lẽ kia, theo tôi là nhà văn Cung Tích Biền.

.

Mặc Lâm phóng viên của đài RFA trong một cuộc phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền hồi tháng 7 năm 2008, ghi lại như sau:

“Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng…

“Bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật tháng 3-1966 tại Sàigòn, với truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi.

“Nhanh chóng có truyện đăng trên hầu hết các nhật báo, tuần báo, tập san văn học nghệ thuật có giá trị, trước và sau 1975, trong và ngoài nước. Cung Tích Biền đang sống tại Đồng Ông Cộ, Sài Gòn, Việt Nam…” (Nguồn Wikipedia-Mở)

Ở phút nói thật này, Cung Tích Biền/ Trần Ngọc Thao tiết lộ, ông từng có 9 năm sống trong vùng kháng chiến và, so sánh giữa hai thể chế:

“… Tôi đã từng sống 9 năm trong vùng kháng chiến và chính trong thời kháng chiến tôi cũng đi đánh đàn đánh nhạc, sống trong cái tâm trạng vui của tuổi trẻ, nhưng mà sau này nhìn lại tôi thấy như một giấc mộng vậy đó. Thành ra tôi ở cái ranh giới khó về lắm chứ không phải tôi sống hoàn toàn trong vùng quốc gia.

“Sau này sống trong vùng quốc gia thì vừa trưởng thành vừa được dịp đi học, được mở rộng, được đi học thì mình được tiếp cận với một thế giới khác hơn.

“Cuộc chiến bắt đầu thì tôi lại lâm vào đó, tôi phải đi lính trong quân đội cũ, rồi mình cũng phải tham dự vào những chuyện gọi là lý tưởng thì cũng không hoàn toàn phải là của lý tưởng, thất vọng thì hoàn toàn cũng không phải là thất vọng, bởi vì hồi đó chính quyền Miền Nam có cái dung dưỡng được mình và mình cũng sống trong môi trường tương đối tự do: Tự do viết, tự do sáng tạo, tự do in ấn.

“Rồi ngay trong đời sống quân đội, dù có đi lính đi nữa thì cũng có cái thoải mái của quân đội. Thật sự chế độ cũ cũng có vài cái mà có lẽ mình cũng không nên bàn vì anh em cũ họ cũng có thấy cái đó. Anh em ở chiến trường họ cũng thấy những cái vướng mắc, những cái u bướu trong một chế độ, chứ thật sự 20 năm, 21 năm miền Nam cũng có cái rất vui, có những cái hạnh ngộ, có những đau buồn…”(Nđd)

Khi được hỏi về “Bạch Hóa”, một trong những truyện ngắn nổi tiếng viết trước thời điểm tháng 4-1975, họ Trần kể:

“… Tôi luôn luôn nghĩ cũng như anh em hồi đó sống trong khói lửa ai cũng mơ một đất nước thống nhất và hòa bình. Đó là cái giấc mơ chung, ước mơ chung, bởi vì thật sự không ai kham nổi cuộc chiến mà nó vượt sự phi lý, một cuộc nội chiến khó giải thích về cái điểm vô luân của nó như tôi viết trong Bạch Hóa.

“Thành ra cái khao khát thật sự hồi đó là mong được hòa bình và đất nước thống nhất, rồi sau đó cái gì sẽ tính sau, bên nào cũng được nhưng mà phải ngưng tiếng súng cho bớt đổ máu, cho hòa bình, đất nước một nhà.

“Nhưng cái thống nhất một nhà này là do của Hà Nội chứ không phải của Sài Gòn thành ra chúng tôi lại cũng gặp thêm một khổ nạn nữa, bởi vì bất cứ ở đâu thì chúng tôi cũng là người trong hàng ngũ chiến bại, không đầu hàng cũng bắt buộc phải buông súng…” (Nđd)

Họ Trần cũng cho biết từ năm 1975 tới năm 1987 ông không viết gì cả. Mười hai năm sau, ông mới viết lại. Trong số những truyện đầu tiên “hồi sinh” bút hiệu Cung Tích Biền của họ Trần, có những truyện như “Mộng”, rồi “Dị mộng”, “Qua sông”, "Thằng bắt quỷ”… Số truyện này, sau đó được nhà XB Tân Thư của họa sĩ Khánh Trường, Hoa Kỳ, ấn hành với tựa đề “Thằng bắt quỷ”, Cali., 1993.

Thời gian nhà văn Cung Tích Biền và giới văn nghệ sĩ miền Nam, gặp khổ nạn, như ông nói, cũng là thời gian oan khiên lớn, đã tìm đến, ở lại với ông - - Không chỉ trong niên hạn 12 năm mà, nó còn đeo đẳng ông tới hôm nay!!!

Là một người thân, có tính cách gia đình, với nhà văn Cung Tích Biền/ Trần Ngọc Thao, từ những ngày niên thiếu, nhà báo Vương Trùng Dương, hiện cư ngụ tại miền nam California, trong mội bài viết tựa đề “Cung Tích Biền giữa hai lần đạn”, viết:

“… Sau thời gian lao tù và quản chế, năm 1987, từ Đà Lạt về Sài Gòn, nghe tin Phan Nhự Thức còn sống lang bạt đâu đó nên đi tìm. Được tin anh Cung Tích Biền đang bán tranh sơn mài ở kiosque 28 trên đường Nguyễn Huệ, ghé thăm và gặp Phan Nhự Thức. Phan Nhự Thức cho hay, sau khi ra tù, chui về Sài Gòn, sống vất vưởng, nhờ Cung Tích Biền đưa vào làm ở hãng nước đá của người thân có mối quan hệ với chính quyền nên ăn ngủ tại chỗ, tránh được sự truy lùng thành phần sống chui, không hộ khẩu.

“Bạn bè cho biết, Cung Tích Biền là Đại úy trong Quân Lực VNCH nhưng không bị đi tù như anh em còn được tự do làm ăn, thành phần bên kia chiến tuyến... không nên giao thiệp. Câu đầu tiên tôi hỏi, có ám hại, phản phé ai không? Khi nghe trả lời không, tôi nghĩ rằng anh dựa ‘lá bùa’ để yên thân khi thời cuộc thay đổi, ít ra, còn giữ được lương tri của con người. Theo Phan Nhự Thức, gia đình Cung Tích Biền bị phân đôi, có hai người tập kết, hai người là sĩ quan trong Quân Lực VNCH. Người anh tập kết, chết năm 1969 và thêm người anh, sĩ quan cấp tá Quân Lực VNCH, chết trong trại tù năm 1978, cả hai không tìm được xác. Và, bút hiệu Cung Tích Biền là tên ghép của các anh chị. Có lẽ Cung Tích Biền đã giải ngũ năm 1973 nên sau năm 1975, biết ‘lăng ba vi bộ’, có ô dù thân nhân tập kết và vài người bạn cùng quê như Huỳnh Bá Thành, Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng... nên biết cách tránh né, mong an toàn mạng sống nhưng rồi cũng tan nát như chúng ta. Sau ngày 30 tháng Tư, cũng có vài sĩ quan trong văn giới mang bảng đỏ nhưng rồi bị thất sủng, vào tù, nay được định cư tại Hoa Kỳ…” (Nđd)

Ở một đoạn khác, nhà báo Vương Trùng Dương ghi lại đậm nét hơn, bi kịch của một nhà văn “Giữa hai lằn đạn” Cung Tích Biền:

“… Từ 1968 đến 1973, (Cung Tích Biền) mang lon Đại úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trú đóng ở tiền đồn, Đức Hòa Hậu Nghĩa, năm 1970 về căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh. Năm 1973 giải ngũ, cư ngụ tại Sài Gòn.

“Sau tháng Tư năm 1975, đi học tập cải tạo thời gian ngắn, cùng tổ với Mai Bá Trác và Nguyễn Quốc Chính. ‘Mất nhà cửa vì bị tịch thu, (duyên cớ là ở nhờ nhà chị vợ, chị đi Mỹ, nhân thể tịch thu, người ta hốt ráo bất luận của ai ra sao). Nghèo khó ra đi, vợ ra tới cửa nhào vô lấy cái nôi của đứa con thơ, bị cậu quân đội Tân Bình ngăn lại không cho. Con cái ra nằm trần trên nền đất lề đường. Sau, ở nhờ nhà thi sĩ Đoàn Minh Hải...’ Chị Mai, hiền thê của anh nhỏ hơn 15 tuổi. Người Quảng Trị. Bên nội họ Hoàng. Bên ngoại Lê. Hồi trung học, học trường Đồng Khánh, Huế. Vào Sài Gòn, ở nhờ nhà người cậu ruột là luật sư Lê Nguyên Phu, học trường Văn khoa, tốt nghiệp cử nhân Triết Tây. Có viết một số truyện ngắn đăng trên vài tập san văn chương, bút hiệu Hoàng Thị Kim. Lấy chồng, sinh con, bỏ viết. Trong khi đó ‘Cả một đời, vợ con tôi chưa hề mua được một vật dụng gì cho ra hồn, từ tiền nhuận bút của tôi’.

“Đã năm năm nay, chị ăn chay trường, với anh là hình ảnh người mẹ, người chị vì cam chịu và lo lắng cho chồng con. ‘Sớm mai thường trực tụng kinh. Chiều chiều đi chùa. Tối thường cúng kiếng trước cổng nhà, vãi gạo muối bánh kẹo ra đường’. Đó là mái ấm…

“Cũng như hằng triệu người miền Nam thất sủng, đói khát bương chải đủ thứ nghề, chạy xe ba gác, xe ôm chỗ Ngã Ba Ông Tạ. Đi làm thợ mây tre lá tuốt bên quận Tư cùng Chu Vương Miện và các thầy chùa ăn mặn, sướt máu bàn tay. Ra tận Bình Dương học nghề sơn mài bị sơn ăn sưng da phù mỏ. Ra đầu đường bán sách cũ, dọn vỉa hè bán cà phê bò kho, thu gom ve chai... Năm 1976 xuống tận Cà Mau làm cu ly xây trại nuôi heo cùng Thế Phong, Nguyễn Thụy Long.

“Trong Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút của nhà văn Nguyễn Thụy Long có đề cập đến thời điểm nầy. Tôi email hỏi thăm Nguyễn Thụy Long và anh cho biết:

“ ‘Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi và Thế Phong, Cung Tích Biền xuống tận Cà Mau làm cu li, thời gian không dài lắm, vài ba tháng. Tổ hợp Việt Nam Kỹ Thuật bị giải thể vì chủ nhiệm Nguyễn Văn Ngơi, người quen của nữ văn sĩ Lệ Hằng bị bắt vì tổ chức vượt biên. Tổ hợp giải thể, ba chúng tôi trở về Sài Gòn, sau đó tôi bị bắt và đi tù đến năm 1980 mới trở về. Khi ra khỏi tù tôi gặp Cung Tích Biền, tình cảm vẫn như xưa dù CTB bị mang tiếng nhiều là người ‘cách mạng 30-4’, nhưng anh cũng chẳng hại gì ai hết, vẫn có những quý mến nhau như người xưa. Đôi khi còn những có những giúp đỡ nhau thiết thực trong thời bao cấp... Như trường hợp thi sĩ Phan Nhự Thức bị bệnh ung thư và chết (tháng 11 năm 1995), tôi biết CTB lo cho bạn gần hết’ ” (Nđd)

.

Trong số những bài viết về cõi giới văn xuôi Cung Tích Biền, tôi rất thích tiểu luận công phu của nhà phê bình văn học Đinh Từ Bích Thúy, bài viết tựa đề “Phẩm tiết Cung Tích Biền: nhìn thẳng vào mặt trời và cái chết”.

Họ Đinh đã ra khỏi tiểu luận của mình bằng ghi nhận:

“Khi được hỏi về ý niệm thánh (hóa) thể/ đồng cảm (communion, transubstantiation) thấm nhuần trong những tác phẩm của ông, Cung Tích Biền nói với người viết rằng ông là một Phật Tử, lớn lên trong một gia đình theo đạo Phật, nếu những tác phẩm trên có những ẩn dụ liên hệ đến Thiên Chúa Giáo, âu cũng là ‘những suy nghĩ trùng hợp, những tầm ảnh hưởng là ‘bất khả từ,’ giữa Đông -Tây, Tôn giáo và Thế tục, Lịch sử và Chủng tộc, Đối trùng Quá khứ Vị lai… [vì] Con đường sáng tạo, Hành trình của sáng tác, luôn có một Con Đường dẫn dắt bởi Vô minh, Vô thức…’

“Thật vậy, do những tầm ảnh hưởng ‘bất khả từ’ giữa những thế cực, một người đọc sống và lớn lên ở ngoài nước vẫn có thể ‘đồng cảm’ với những tác phẩm của Cung Tích Biền cho dù kiến thức và kinh nghiệm sống của người đọc có thể hoàn toàn khác biệt với tác giả. Trong nghi lễ Công Giáo, cử chỉ nhận lãnh Mình Thánh Chúa biểu tượng cho ý niệm tu sửa và hội nhập, ‘con người cần nhìn thẳng vào mình, cần suy tâm, trước khi ăn Mình và uống Máu Chúa.’ (1 Corinthians 11:28.) Cách Cung Tích Biền khuyến khích chuyện ăn thịt người (Qua Sông), chặt từng khúc xác (Xứ Động Vật Vào Ngôi) quật mồ, ngậm xương (Xứ Động Vật Màu Huyết Dụ), đi tìm một phần hồn bị cắt đôi (Thừa Dư, Xứ Động Vật Mưa Hồng) là cách nhà văn muốn chúng ta hồi sinh: nhìn thẳng vào cái chết để vượt qua cái chết. Trong Xứ Động Vật Màu Huyết Dụ có cảnh nhân vật Kiên ngậm xương làm người đọc nghĩ ngay đến nghi lễ chịu Mình Thánh Chúa trong đạo Công giáo:

“ ‘Lão Kiên ngây ngất, bất giác quỳ xuống đưa lưỡi liếm chiếc xương đen pha xám vừa nhặt lên từ mộ. Lão thè cái lưỡi không còn đỏ tươi như lưỡi son thời trai trẻ. Mà lưỡi lão xám màu, pha vô vàng đốm trắng bợn bợn như cái nang con mực tươi. Nước miếng lão chảy dòng như miệng đứa trẻ thơ mút kẹo. Miệng non tơ thèm thuồng lúc ngậm vú mẹ. Lão ngậm trọn cái xương tàn héo hon mòn nhỏ vào tận cổ họng, hai má phình ra, cố đưa cái hơi xương, cố nghe tiếng thì thầm của xương vùi lâu trong đất vào tận ruột sâu gan kín… Rồi lão nhả chiếc xương. Nhìn trời xanh khói núi. Thở. Lại nhắm tít hai mắt ngậm xương. Liếm. Mút… Lão nghe da thịt bờ ao chiếu ánh trăng. Nhớ màu nước mùa lúa trổ đòng đòng. Rêu và chim hoang đỉnh tháp. Cái xương cụt lốm đốm thạch tín bỗng đen dần ra. Lão định nhai luôn xương. Nuốt. Nhưng lão muốn kéo dài cái vị tê tê từ não. Cái tâm thức hoang dại hôn mê. Lại mút liếm ngọt ngào xương tàn. Liếm đau. Liếm mãi… Lão tìm sữa Mẹ trong xương…’

“Dưới ánh mặt trời, mớ xương đen của Cung Tích Biền dung dưỡng mọi nghịch lý trên đời: Sống-Chết, Nam-Bắc, Đông-Tây, Tối-Sáng, Bạn-Thù, Dơ-Sạch, Già-Trẻ, Trong-Ngoài, Thiếu-Thừa, Ghét-Yêu, Yếu-Mạnh…

Mớ xương đen của Cung Tích Biền là tử cung của một vũ trụ bất diệt”. (Nđd).

Ở khía cạnh khác, khía cạnh của tài năng Cung Tích Biền, kể từ ngày cầm bút trở lại - - Tất cả những gì ông viết xuống đều có chung một tâm-bão-ẩn dụ - - Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, một bằng hữu thân thiết nhiều chục năm của họ Trần, viết:

“Tôi gọi ông là nhà văn Uyên Áo Và Trầm Mặc Dị Thường giữa thời đương đại. Sức thấm đẫm và lan tỏa của văn chương Cung Tích Biền, tôi tin, vẫn còn vang vọng rất sâu xa về cái đẹp nhân văn, nhân bản trong những trang văn đầy những "Giọt máu không màu / Giọt mưa không suốt / Máu là mưa" (Thơ Cung Tích Biền) của ông”.

.

Dưới đây là “Gia sản trong bóng đêm”, một trong những sáng tác mới nhất của Cung Tích Biền:

“Bát tiên là tám vị tiên, trong đó có một tiên Bà. Mỗi người ở một động đá trong đảo Bồng Lai, nơi của trường sinh bất tử. Trương Quả Lão là một trong tám vị tiên. Trương có một cái trống cơm và một con lừa. Lúc cỡi lừa Lão tiên thường quay mặt về phía đuôi con lừa. Con lừa đi tới, Lão nhìn lui. Lúc không cỡi, Trương Quả Lão thu nhỏ con lừa bỏ vào cái bị cói, rồi mang kè kè.

Câu chuyện thần tiên ấy đã mấy nghìn năm trôi. Tôi thì hiểu một cách khác: “Phép thuật không do nơi Thuật sĩ Trương Quả Lão. Chỉ là do con lừa biết tự thu nhỏ để rúc vào cái bị cói”.

**

Con người cùng vịt chó, heo gà, ngựa bò, mèo trâu, cùng sống chung dưới một mái nhà, chung cùng khu vườn, làng xóm, thân ái như người với người. Đêm mùa đông mưa lạnh, cháu đắp thêm cho ông nội tấm chăn, người chủ ra chuồng trâu bò quầy bọc thêm một lớp màn nhựa chỗ phên mành, cho vật nuôi của mình bớt run rẩy. Cả thảy là tình thân, mối âu lo giữa những thân hình còn máu chảy châu thân trên mặt đất.

Bốn mươi năm đi qua cây cầu số phận, cùng chung nhìn dòng nước bạc, tôi yêu thương con Đốm với con Ung vô cùng, dù chúng không là “tài sản” của riêng tôi. Nó là của Bóng Đêm.

2

Từ bé chí lớn, là người hay đi đó đây, gặp nhiều biết nhiều, tôi chưa từng thấy một con chó dòng-giống-nội-địa nào to lớn một cách kỳ dị như con chó Ung. Nó cao cỡ một con bò nghé, mập vừa đủ để khen là mập-đẹp. Đôi mắt như mắt người. Mỗi lần Ung nhìn, là, như có cái nhìn tâm sự của con người từ trong một con chó nhìn ra.

Điệu dáng Ung hiền hòa. Bộ lông đặc biệt dài như bờm ngựa, đều đặn, mịn như tơ, có một màu hòa hợp giữa Vàng với Đỏ. Màu Da cam.

Hai màu này hòa chung với nhau ắt màu vàng cầm chắc cái “thiệt thòi”. Nhưng màu đỏ cũng bị phỉ báng, chẳng còn nguyên màu. Nó bị ung ung, mơ hoặc. Sự phôi pha trong cuộc hóa màu này làm cho thân hình vốn khác lạ của con Ung càng thêm khác lạ, nửa thực nửa ảo. Màu vàng đã mất nhưng nó giữ được cái hồn trong màu tái sinh.

3

Buổi chiều, ngược ánh nắng, con chó Ung ngồi đắm đuối nhìn cõi tà huy mông lung, ta thấy nó như một vật thiên nhiên, như được trời đất dùng khói núi, mây mù của biển, pha màu mà vẽ ra.

Vì mệnh đời mau chóng đổi thay, còn đó mất đó, lên voi xuống ngựa tức thì, người đời gọi ví von đó là bức tranh vân cẩu, là hoạt hình có từ mây hoàng hôn. Con chó do mây đen xám tạo hình bay lãng đãng nơi chân trời, biến ảo khôn lường kia, rất khác con Ung. Ung ngồi đây, máu và màu chiều hãy còn chảy trong xương thịt. Nó biết nhìn mặt trời lặn, chờ đêm tới, một cách vọng minh nguyệt.

Tôi gọi đùa, Con chó tương tư.

4

Ung có một thân mình dài, bờ lưng và mông mập khỏe, bốn chân thon cao, thoạt trông như thân hình một con ngựa non. Rất lạ là dọc hai bên sống lưng của Ung gồ lên mỗi bên một vạch dài như một đôi cánh, có tượng hình mà không mọc ra được. Tiếc cho một hóa kiếp chưa thành. Nếu đôi cánh mọc ra đầy đủ, Ung sẽ là một con vật thần thoại, ngựa có cánh, thời nhân loại có con lân mặt người, thánh nữ giao hợp với thần linh đẻ ra những thần nhân.

Con Ung rất cần đôi cánh, rất muốn bay về trời, mà kiếp này đành ngồi đây, nhìn Sài-gòn trong tư thế bốn chân.

5

Bây giờ, người ta gọi cái Ngã Năm Chuồng Chó của Sài-gòn xưa kia, trước 1975, là ngã Sáu Gò Vấp, vì nay nó được mở thêm một con đường thứ sáu vào ngã năm này.

Sở dĩ có tên Ngã Năm Chuồng Chó vì nơi đây, ngay giao lộ, phía đầu đường hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất, ngày ấy có một trường nuôi dạy chó của quân đội Cộng Hòa, gọi là trường Quân Khuyển. Các khuyển binh được nuôi riêng rẽ trong mỗi chuồng. Có thể do một cách gọi nào đó có trước chăng, hay có thể do dân ta giàu hí lộng, hoặc do cách chịu chơi Nam bộ, nên gọi cái ngã năm đô hội mình son phấn ngày ngày đi qua là Ngã Năm Chuồng Chó.

Tôi quen biết vài sĩ quan trường này, có lúc ghé chơi. Nhìn những khuyển binh bốn cẳng to lớn, hầu hết được nhập nội từ các xứ da trắng, tôi có phần nghi ngại.

Được nuôi dạy rất kỷ luật, lính khuyển rất tinh khôn. Tập họp đứng ngồi theo đúng hàng lối. Có chó lính, chó chỉ huy. Chó đàn anh đàn em. Chó xếp, chó tép riu đàng hoàng. Lỗ mũi, con mắt, hai vành tai bọn nó tinh tường hơn con người. Biết nhận ra mùi cốt mìn, thuốc nổ, chất ma túy, mùi của …quân thù, nói rõ hơn là mùi tư bản khác với mùi vô sản.

Nhưng nhìn chung, trong bọn chó to lớn, hùng tráng của trường Quân Khuyển, chẳng con nào sánh bằng Ung, một con chó vĩ đại.

6

Ung là con vật nuôi của Phiêu Thiền Dật sĩ. Một lần tới chơi tôi ngạc nhiên thấy Ung nhìn khách lạ, không sủa tiếng nào. Nó lặng lẽ từ hiên nhà đi thong thả vào trong, nằm ung dung dưới chân ghế của Phiêu Thiền.


Phiêu Thiền trong bộ bà ba trắng, thường uống trà, mê say đọc sách, có khi đánh cờ tướng với tôi suốt buổi. Ung vẫn nằm yên, lâu lâu nó đưa bộ răng trắng nõn gặm vào ống quần của Phiêu Thiền lôi nhẹ, ý là, Cũng già rồi, ông chủ nên ngưng tí chút dưỡng sức khoẻ. Con chó Ung có một bờ môi đỏ, bộ răng tuyệt đẹp, tự nhiên, không nhờ vả gì vào kem đánh răng.

Ung đưa một đôi mắt rất người nhìn khách, trong lúc chúng tôi uống rượu, hàn huyên. Chúng tôi trò chuyện trăm sự đời, có khi vui khi buồn, khi cười cợt, khi buông trầm, cung bậc tri âm. Con Ung nghe ngóng, vểnh hai vành tai, mắt liếc nhìn người này sang người kia theo câu chuyện dẫn. Chừng như nó đắc ý hay buồn bã theo mỗi câu chuyện. Nó rung chân, quẫy đuôi nhẹ nhàng. Ý chừng nó hiểu cái thế thái nhơn tình, cái màu đời đỏ-đen-vàng-nâu đang rung chuyển trong chúng tôi. Nhưng nó có chút tôn trọng, không “hồ hởi” mà “đột xuất phát biểu ý kiến” chen vào.

Sủa, cũng là một góp ý, lời phát biểu.

7

Chó là con vật tình nghĩa, giữ nhà, bảo vệ chủ là trên hết. Cả bóng trăng đêm khuya lay động trong cành cây góc lá chúng cũng nghi ngờ kẻ trộm, phát ngôn gâu gâu. Tôi thắc mắc, hỏi chủ nhà về sự im lặng của con Ung, một “hàm thanh” mang tính Đạo này. Giải thích sự “ngậm tiếng” đáng nể của Ung, Phiêu Thiền phán một câu độc:

“Đời cha ông nó sủa khản tiếng rồi, nay nó làm một sinh vật tịch mịch”.

Nói xong, Phiêu Thiền giật mình nhìn tôi. Đó không là một ứng xử có nhân từ.

Cho rằng mình nhỏ mọn, cay đắng không đáng với một con vật, ví đời con chó với thân phận luân hồi của một con người là phỉ báng tính hồn nhiên của loài vật, nên Phiêu Thiền trở nên từ tốn, một gởi gắm tâm tình, kể với tôi về lai lịch con Ung.

Câu chuyện ông kể khúc mắc, có chỗ lạ lùng, rất ư huyễn hoặc, nhưng tựu trung là chỗ trật-tự-theo-ý-Chúa, rằng hãy còn một mối dây vô hình, rất ư thiêng liêng, giữa con người và vạn vật để cùng nhau, nương nhau, tồn vong trên mặt đất này.

8

Câu chuyện về Ung.

Con Ung là con của con Đốm. Đốm là sản phẩm của một câu chuyện truyền kỳ.

Rằng, trước cái ngày toàn diện đổi trắng thay đen sẽ xảy ra đối với người Miền Nam, hồi ấy tôi – Phiêu Thiền Dật sĩ – còn ở trong một làng ngoại ô giáp ranh phía bắc Sài-gòn.

Chỉ một thời gian ngắn sau là toàn cõi hình chữ S này ngưng tiếng súng, nhưng đêm ấy súng nổ quá trời. Hai bên như cố tình bắn cho hết đạn kẻo hòa bình là cách xa cái cò súng.

Đêm không trăng vào cuối tháng ấy, qua khung cửa nhà, trong một khu vườn rộng, Phiêu Thiền vẫn thấy xa xa trong đêm tối một chân trời hừng sáng. Đó là ánh đèn kinh thành, Sài-gòn của ông. Ánh sáng ấy, thuở ấy, dư thừa dội lên từng trời, luôn như một ánh hào quang.

Đêm chiến trận, cháy hết nửa số nhà trong làng. Hòa với tiếng súng lớn nhỏ, mìn lựu đạn, tiếng rên rỉ, khóc than của đàn bà trẻ nít, Phiêu Thiền nhận ra có tiếng sủa loạn cuồng của một con chó, chừng nó hóa điên. Nó chạy đầu xóm cuối làng, chui vào vườn nhà này lại chạy sang nhà khác, tránh lửa thì gặp đạn. Sau này khi cứu cấp, người ta biết nó, con Đốm, đang mang đứa con trong bụng.

Không khiếp sợ tiếng súng đạn mà nằm im thin thít như những con chó khác, Đốm loạn động. Cái điên không phải điên dại cắn càn. Một cái loạn cuồng đau đớn, cái thường thấy ở một con người. Cái đau của một người mẹ đang mang bào thai trong bụng lúc lâm nguy. Người mẹ không sợ cái chết riêng mình, chỉ sợ cái dị dạng của bào thai, qua cơn chấn động thay trời đổi đất. Sợ cái rùng mình hoảng loạn trong đêm đau, hình hài đứa trẻ kia sẽ lạc hướng, thay đổi vị trí trên chính hình hài đứa trẻ. Có khi nào khuôn mặt một hài nhi có đôi mắt nằm dưới hai gò má!

9

Tiếng súng rồi cũng ngưng. Nhưng xóm làng không còn cái bình yên của đêm về sáng nơi thôn dã. Chưa thể chữa mái nhà cháy dở vì mải lo cứu cấp người bị thương, khóc than đứa trẻ đã chết. Người ôm người mà khóc, chẳng biết đạn từ bên nào gây ra. Ai giết ai. Sáng ra, mặt trời lên cao, trời soi tỏ, mới thấy màu đỏ là đáng sợ. Đỏ bờ tường, trên thân súc vật, đỏ mặt người, máu vũng hòa với đất và nước trở nên một loại bùn nhão. Mùi tanh dần dà hiện rõ qua gió bay đi, lớn nhanh như một con quái vật, gầm thét, hăm dọa.

**

Con Đốm loạn cuồng chạy kiệt sức, nó chui qua cổng, cố bò lết tới đầu sân nhà tôi – đương nhiên “tôi” là Phiêu Thiền – thì nằm ngay đơ. Mồm phều phào, nước dãi bọt trắng đục. Tôi vuốt bàn tay lên mớ lông con vật. Có dính máu. Nó rất bẩn, tội nghiệp. Xương thì nhiều, cái bụng tròn đầy. May mắn cho tôi, con Đốm còn thở thoi thóp.

Hai đứa cháu hè nhau khiêng nó vào nhà. Trải một tấm chăn trên nền đất, nó nằm chết như một con vật vừa bị cắt tiết xong. Đắp cho nó một tấm mền.

Hòa một chén sữa, cạy mồm nó đổ vào. Trời mờ sáng nó tỉnh dần, chân cử động nhẹ. Từ nay gia đình tôi có một kẻ tị nạn cần cưu mang.

Gắng nuôi nó mập ra một chút. Cho nó chỗ nằm êm ả một chút. Nó đẻ con Ung vào một ngày, tôi nhớ có một cuộc lễ lớn, nhà nhà phố phố cờ xí rộn ràng.

10

Mẹ con Ung là một con chó trắng, toàn thân có những đốm lông đen tròn trông rất đẹp, nên có tên là Đốm. Con Ung khi chào đời đã to xác, không biết có quỷ ma nào giao hợp, con Ung lai một màu lông khác lạ.

Không như các loại chó con khác, lọt lòng mẹ còn nhắm mắt nhiều ngày, mù mờ tìm vú mẹ, con Ung lìa bụng mẹ là mở to mắt nhìn quanh sự đời. Nó sáng mắt tức thì.

Mấy hôm sau khi lọt lòng mẹ, Ung đứng thẳng bốn chân mạnh khỏe, hai chân trước nhổm cao khỏi mặt đất, phần thân trước bung cao như con ngựa tung vó. Ung như muốn bay thoát, nhưng đôi cánh tượng hình trên lưng nó không mọc ra.

**

Càng ngày mọi người nhận ra con Ung như bị câm. Câm mà không điếc. Nó nghe, nó hiểu đủ cả. Nó làm đủ thứ cử chỉ, vui mừng, tức tối, sợ hãi, qua cách nhảy cỡn, dúi mũi vào ống quần một ai đó, nó cười, hoặc bỏ chạy, rúc vào một chỗ tối trú ẩn khi nghe lời hăm dọa, Tao giết mày, tao thịt mày con vật dị tướng.

Nếu là người, câm mà không điếc là chết toi. Vì mất quyền phát biểu. Vì nghe đủ mọi điều dao găm mã tấu, đặt điều, vu oan, những “hố xí ngôn ngữ” thân ái xài xả láng cho nhau. Nghe, cảm, hiểu, máu trăm độ lên não, mà không cãi lại được, không giải bày được, tức thì “hộc mớ máu mà rồi đời”. Chết cái rẹt khi máu chưa kịp lạnh trong thân người.

Con Ung không phải là người, nên nó hạnh phúc hơn con người. Cứ nghe mọi sự đời, bình thản như chưa từng nghe.

Cuộc đời của Ung cũng thảnh thơi tự tại, nhờ nó câm.

11

Phần con Đốm.

Thời hòa bình mà, lẽ ra thôi điên, con này lại điên tiếp. Một cái điên kỳ ảo, khó giải mã. Một cái điên của món ngon vật lạ, của sóng dữ, của mơ màng bức tranh thủy mặc.

Chừng thời đại thái hòa, trù phú những ngôn ngữ hạnh phúc trên khẩu hiệu, thừa mứa những thỏa mãn điều mơ ước của chúng ta trên giấy tờ, thời đại của lời hứa, và mong gió mang đi, nó đẻ ra trong nhân gian những niềm tin hoang dại, mang lại những đợi chờ rất dài lâu nhưng không mong đợi thì có gì/ còn gì ngoài mong đợi.

Tôi chẳng hạn. Tôi luôn nghĩ và tin vào những điều có thật, sự thật, và luôn sống với nó. Củ khoai là củ khoai, sờ vào biết mình có thật cái đầu gối, tôi không thể ngủ với vợ mình bằng một cái dương-vật-ảo, ho cảm sổ mũi thì nước mũi không thể chảy ra từ cái lỗ rốn, và vân vân. Mọi sự đã có tình tự, trật tự. Có từ tự nhiên, thiên nhiên. Có từ xếp đặt do xã hội con người.

Sự thật khó thể đục rỗng.

Nhưng khi tiếp cận với thời đại con Đốm thì mọi sự thật bị tẩy xóa, tôi bị sự huyễn hoặc lay chuyển. Tôi phải lấy điều không-thật làm thật. Và, vừa bước đi vừa nhắm mắt, đi trong thế giới của Đốm.

12

Thế giới ấy ướt đẫm tiếng kèn đồng ủy mị phát ra từ cổ họng một con vật, chưa quá nửa đêm tịnh vắng đã nghe con Đốm vội vã gáy ra tiếng gà thanh thót, lanh lảnh. Đó là lời kêu xin mặt trời hãy trồi lên, sớm một giây là hoan hỉ một giây.

Tôi mơ màng tin một điều mà khi mở mắt biết rằng vô lý, rằng:

“Chừng trong con chó Đốm có chứa một vài triệu cử tri, có nhiều triệu các loài chim chóc, hổ mang, sâu bọ, bò chét, bồ câu, phượng hoàng, thằn lằn, cọp trắng, rồng xanh trong nó, nên cứ nửa đêm về sáng là nó lồng lộn, đau đớn lẫn hân hoan, gào thét liên hồi.

Chừng nó không chịu được cái bóng tối, cái làn gió, cái hơi người, sũng ướt hay khô cằn quá, nó điên”.

**

Loài chó trong thế gian có một thứ thống nhất, đó là tiếng sủa. Chó ông Obama, chó ông Tập Cận Bình đều sủa na ná nhau. Chẳng con nào vì tự ái đông tây, vì bản sắc dân tộc mà tạo ra cái cách đặc trưng Tàu hay Mỹ.

Nhưng cái thế giới đẫm tiếng kèn đồng này, tiếng sủa lẫn giọng sủa của con Đốm kỳ quặc lắm. Nó giăng ra cái lưới hão huyền. Khi gắt gỏng gấu gấu. Khi than thở, gầu gầu trong cổ họng. Khi khóc rống như con heo bị thọc huyết. Đúng là giọng con heo khi bị treo ngược, tuôn máu họng. Tiếng kêu sắc như lưỡi dao, hụt hẫng, cháy bùng.

13

Người bà con hàng xóm lắm khi bàng hoàng nghe con Đốm hí vang tiếng ngựa. Trong cổ họng của nó như có lắp sẵn một cái micro. Nó sủa ra nhịp lục lạc ngựa. Nó cục tác cục tác. Rồi Đốm phát ra ầm ầm tiếng trống giục giã. Nó làm tiếng quạ kêu nghe ghê rợn, như có tin báo cái chết gần kề.

Hiện đại hơn con lừa trong đảo Bồng Lai, con Đốm không tự thu mình rúc vào cái bị cói.

Đốm là đại điện bát ngát cho muôn loài cùng lên tiếng ở nơi này, hôm nay. Nó facebook, liên kết, hòa mạng, một cách tuyệt vời.

Con Đốm có thể biến một mùa đông ra một mùa hè cho bọn học trò mơ mộng bằng cách phát ra nghìn tiếng ve, làm ra âm thanh lá, rào rạt xao xác trong gió thoảng.

14

Cứ nghe tiếng sũa/ kêu/ hí/ gáy/ hú/ hống/ gầm của con Đốm, ta phong phú hình dung, mỗi đầu người là một ngọn cây xanh lá, triệu người triệu cây.

Giữa chốn đại-ngàn-sinh-linh-rừng-rú-đầu-người ấy, con cọp đang về ngồi gần con quạ, con chuột thân ái bên cạnh con mèo, con gà đang đứng trên lưng con sư tử, gà gáy phần tao sư tử hống phần mày. Mồm sư tử ngôn ngữ sư, lưng sư tử ngôn ngữ gà. Phụ chú thêm là tiếng than đau của những loài bị săn đuổi trên đường chạy, tuyệt lộ tuyệt chủng, tê giác bị giết lấy sừng, đàn voi bị đốn hạ lấy ngà, con cọp lăn quay để con dao lột da, lóc thịt lấy xương nấu hổ cốt, cá mập loại xịn chỉ còn vài trăm con bơi mệt nghỉ nơi đại dương để trốn cái lưới người. Nghĩa là, như thể, dù giọt nắng cuối cùng, dù cơn mưa ít hạt, bọn vạn vật cùng thân ái tụ họp trên một sân khấu chung, mở một dàn đồng vọng.

Trong tháng ngày âm u, rừng âm thanh này là cây cao bóng cả tỏa bóng. Cái thế giới tối đen trở nên nóng bức và rạo rực, chờ cháy. Cái lực vô hình được huy động, qua âm thanh, có thể biến ra động đất, sóng thần, những lửa thiêu hủy tối tăm.

Con Đốm là thu tập thiên thu Tiếng Động, tụ gom núi cao, hang động, sông hồ, thân cây ngọn cỏ, bùn và sỏi, xương khô, đất mục về một nơi, viên tròn, và nhả chúng ra từ duy nhất một cổ họng.

**

Đó đây có khi một đôi người lắm tài vặt, giả giọng đủ thứ tiếng loài vật chim chóc, đủ thứ âm thanh nhạc cụ, lên sân khấu trình diễn kiếm tiếng vỗ tay, tiền bỏ túi. Đó là góp vui cho đời.

Đằng này con Đốm, con chó “khổ nạn qua hai thời kỳ” là bạn của con người, nhưng nó không góp vui theo kiểu con người. Chỉ là cái cách của muôn loài. Chỉ là mong chờ cái Ánh dương, cái Bóng tối, cái Tận cùng thăm thẳm hư vô may ra chia sẻ.

15

Bà con chòm xóm lắm người thích thú cái “đa tài” của Đốm, mang cho đủ thứ thức ăn. Có người may cho một bộ quần áo, và bảo Phiêu Thiền:

- Mặc vào cho nó. Nó xứng đáng mặc bộ đồ vét.

Phiêu Thiền cười nói:

- Con Đốm thắt cà vạt? Từ xa nhìn, tưởng con chó có…năm cái chân.

Nhưng cũng lắm người nhìn con Đốm với nỗi sợ, ngờ ngợ nó là con quái vật, hoặc giả có ma ám từ cổ họng một thằng người giấu mặt trong nhà Phiêu Thiền.

Gia đình Phiêu Thiền bị kiểm thảo, vì con chó lắm lời, vi phạm an ninh trật tự, làm ô nhiễm lỗ tai nhân dân. Giết nó đi.

**

Cần phải cứu sống con Đốm. Mỗi khuya khoắt, lúc tối trời, có khi trăng lên, mưa gió chẳng hạn, là lúc “khát vọng trào dâng” trong nỗi niềm của Đốm; là Đốm bắt đầu muốn “thể hiện tâm tư”, là nó đang “trạng thái”; nghĩa là sẽ “có vấn đề” với xã hội, Phiêu Thiền bèn ngồi xuống bên nó phủ dụ, an ủi, để “giới hạn cái cần cổ trong trật tự mới”.

Rất may, con Đốm giàu tình cảm, nó nghe lời chủ. Nhưng một lúc nó quằn quại lăn lộn.

**

Đau buồn nhất là ngày nó sinh con Ung. Một con chó bình thường mang một cái thai quá lớn, lúc sinh nở càng thêm một cơn đau đớn. Nó cần phải được mở rộng miệng mà thở, cần nhiều không khí trong lành.

Một ngày của hôm nay không như mọi ngày. Con Đốm không thể là một con lừa.

Hôm ấy, Đốm rên rỉ, cố đẩy cái bào thai mang tên Ung ra ngoài. Có nước trào ra chỗ cái lỗ Mẹ đang nở to dần. Huyền Tẫn chi môn. Có máu từ đó. Rồi, con Đốm chết ngạt.

16

Phiêu Thiền kể xong câu chuyện Đốm và Ung, chừng tinh anh đã kiệt, da mặt bỗng tái nhợt, ánh mắt như có bụi mù hòa lẫn, giọng nói trở nên xa xôi như bên kia suối.

Chừng như chuyện về loài vật, về sỏi/đá/cỏ/lá, cũng có chỗ hiển linh của nó. Con vật có những vạch trên lưng đã mở tâm linh cho Phục Hy, gầy ra bát quái. Con ngựa Đích Lư, được cho là loài phản chủ, đã từng bay qua vực thẳm để cứu sống Lưu Bị. Chiếc lá khô từng thay thuyền đưa Bồ-đề Đạt-ma qua Trường Giang, thuở trên sáu nghìn cây số nước rộng bờ xa chưa một cây cầu. Con Rùa vàng đã thu lại kiếm báu từ tay một bậc Đế vương…

Phiêu Thiền đứng không vững. Chúng tôi lây lất như mây, mà không bay được như mây.

**

Để tiễn khách, con Ung dẫn tôi ra cổng. Cánh cổng khép hờ. Nó dùng cái mõm đẩy rộng cánh cổng cho tôi bước ra. Tôi lặng lẽ nhìn cái cách nó làm thay người, một con chó câm lầm lụi.

Tôi rời cổng chừng mươi bước, quay nhìn lại. Con Ung vẫn đứng trước cổng nhìn lung trời đất, nắng vàng. Ung như chờ đợi một ai, một điều gì. Tôi chợt hối lỗi vì mình quá lỗ mãng với con chó, đã nợ nó một lời cảm ơn, hay ít ra một cái vuốt ve.

Từ xa, tôi miệng cười, mắt nhìn Ung, một cánh tay đưa cao, tôi vẫy tay chào nó. Bye nhé! Ung lặng lẽ quay vào. Vào phía trong, nó áp cái mông tròn đầy vào cánh cổng, lui vài bước đẩy cánh cổng về vị trí cũ.

Con này điệu nghệ, mở cổng bằng mồm, đóng cổng bằng mông.

Xóm Gà Gia Định, tháng Tư 2015.

.

Trong ghi nhận của tôi, chúng ta cũng có những nhà văn đã bước qua tuổi bảy mươi, vẫn còn sáng tác. Nhưng hầu hết là những cố gắng đẩy ngược dốc khối đá lớn hơn trọng lượng thân thể mình…Để cuối cùng, tiếc thay, vẫn không nhận ra rằng, đã gặp chiếc chiếc bóng rách nát, không hình dạng (trong khi ngay chiếc bóng thời xuân sắc của họ, vốn đã không lấy gì làm “hoành tráng” lắm!)

Với tôi, Cung Tích Biền là một biệt lệ. Càng bước gần tuổi tám mươi, bút lực của ông càng sung mãn; với một tâm thái bát ngát minh triết, chứa chan những hồi chuông nhân bản, lai tỉnh xã hội càng lúc càng biến dạng. Quái thai.

Chọn cho mình một chân trời chữ nghĩa mới. Chân trời hư huyễn máu, xương, những trang văn của Cung Tích Biền như những tấm gương chói lọi nỗi buồn và niềm đau kín kẽ. Ông mặc khoác cho hư huyễn, cho ẩn dụ văn chương của ông, chiếc áo thời thế. Ông đi giầy, mang vớ cho hư huyễn truyện của ông, hiện thực xã hội hôm nay - - Tựa đáy vực, một nhân loại khác đã hình thành. Hãnh tiến!!! Trưởng nở.

Gia sản trong bóng đêm” chỉ là một trong rất nhiều thành tựu ngời ngợi chữ-nghĩa-hôm-nay của Cung Tích Biền.

Tôi muốn nói, dù phải sống với oan khiên, như vết chàm, như chiếc bóng định mệnh bất hạnh đời mình, nhưng, cuối cùng, họ Trần vẫn không hề lỗi hẹn với văn chương. Chẳng những thế, ông còn cho chữ và, nghĩa của ông, những khấp báo trầm thống!

Ông là một nhà văn miền Nam, sau biến cố 1975, xứng đáng với hai chữ Nhà-Văn-viết-hoa. Theo tôi.

Du Tử Lê

(Garden Grove, May 2015)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16821)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12053)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18835)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9032)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8133)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 455)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 826)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1023)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22341)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13907)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19091)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7783)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8698)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8398)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10943)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30592)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20746)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25372)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22816)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21617)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19675)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17968)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19154)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16829)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16020)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24374)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31815)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34846)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,