Khúc Thứ Nhất: Ngôi Nhà Trắng, Chiếc Quan Tài Và Những Cây Phong Ở Đường Beach

06 Tháng Năm 201012:00 SA(Xem: 4424)
Khúc Thứ Nhất: Ngôi Nhà Trắng, Chiếc Quan Tài Và Những Cây Phong Ở Đường Beach

 

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
nơi đó không lâu
tôi đã tới thăm một người bạn bị cháy
mười năm sau cái chết của Ngạc
lần thứ hai tôi tìm tới một nhà quàn
lần này tới, không phải để nhìn xác con hay xác bạn
mà để nhìn xác mẹ tôi. 

cây nhân thế đã đâm chồi thất lạc
nhân gian cùng chung một vết thương. 

tôi tìm ra nhà quàn dễ hơn mình tưởng
ngôi nhà trắng. Những chiếc ghế sắt cũng mầu trắng
đường xe chạy uốn cong hình móng ngựa khoảng sân trong có nhà bán
hoa,
mấy tháng trước còn xanh những cây phong
nay lốm đốm đỏ
vòi nước từ chiếc bồn trước cửa tòa nhà chính
phun hoài như thế chẳng biết đã bao năm
buổi sáng, ngồi nép trên chiếc ghế sắt, tôi nói với Sơn
về sự đổi mầu của lá phong
khu rừng đỏ. Những ngày học ở Indianapolis. 1969
ly cà phê. Điếu thuốc rút từ bao Winston của Sơn
mẹ tôi nằm trong chiếc quan tài mầu dưa úa. Các chị tôi nhắm mắt
chọn cho dù giá tiền khá đắt
những ngọn nến được thắp trên hai bàn thờ
(vốn là hai chiếc bàn bỏ không)
hương khói mịt mù không đủ sức tỏa mùi thơm khắp căn phòng
thuê với giá cắt cổ
từ khi người ta đem xác mẹ tôi về nhà quàn
tôi chỉ khóc một lần duy nhất
lúc người bạn gái hỏi:
- Bà đâu?
tôi khóc trên chiếc bàn ăn nhà anh chị Quỳnh buổi tối trở về chỗ
của mình.
tôi bảo Nam gọi cho Tưởng và Tú, báo tin bà chết
giấc ngủ nặng chộn rộn những thế đánh của Trương Thúy Sơn
Tạ Tốn, Hân Tố Tố 

khăn với áo thoảng mùi hương quá khứ
những con đường mòn trũng thương đau
người một thuở đã sống cùng nhang khói
chẳng ai không trở lại bước đầu. 

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
bầu trời chiều bị những đám mây mọng nước trì xuống
nhớm đụng ngọn phong
người giám đốc nhà quàn nói: chúng tôi đã sẵn sàng
quý vị có thể mặc quần áo cho bà cụ
xin đi theo tôi.
tôi bước dọc dẫy hành lang có những gian phòng kính trong suốt
cũng bàn ghế mầu trắng
cánh cửa đẩy ra. Mẹ tôi nằm trên chiếc giường có bánh xe
dưới chân bà, người ta cột hai miếng vải nhựa
một ghi tên Mrs.Hoàng. Một ghi ngày giờ nhận xác
lòng tôi khô ráo. Óc trắng lóa. Cạn kiệt
tựa con diều trên không. Thình lình đứt dây, mất hút
chẳng cảm xúc nào dấy lên, dù trước khi đi tôi e sợ mình sẽ khóc
các chị thay quần áo cho bà.
đương khi tôi ngồi ngó mông qua khung cửa hé
hành lang tức thở tiếng giầy
Nghi Thụy xuất hiện. Mặt anh xám, má hóp, những cọng râu dựng
ngược
cái quay ngang
cái xỉa dọc
người bạn trẻ liếc nhanh chiếc xác có khuôn mặt thoa sáp
mặt mannequin
trên chiếc gường đẩy
im lặng.
không ai nói.
tôi tiễn bạn về
căn phòng còn xác mẹ tôi, những người chị héo, rũ xuống như mấy
đụn vải biết cử động chậm
Lãm bước ra theo
nàng sợ điều gì
xác lạnh? ma quỷ 

đứng với Thụy bên chiếc van mầu vàng gắt gỏng
(như đời sống anh gắt gỏng những ngày qua)
bất ngờ Thụy dúi cho tôi mấy tờ giấy bạc
tôi rưng rưng bảo, đã túng còn bày đặt
anh lắc đầu. Đôi mắt đục lờ như sáp chảy
bỗng cơn đau như có liên hệ với đôi mắt sáp
nhói lên

tôi nghiến lấy răng mình... 

chiều thập thò trên cây Thánh giá nóc Giáo đường bên kia lộ
những chiếc xe giấy bồi, nhợt nhờ di chuyển
Lãm theo tôi quay vào
không ai khóc. Phải rồi. Không một giọt lệ nào chắt xuống bộ quần
áo đỏ
chiếc áo dài nhang
thân thể mẹ tôi trương phình
cánh tay áo không thể xỏ được
chúng tôi bỏ đi
với cánh tay trần của người chết được giấu dưới tấm drap trắng
(cánh tay có nhiều vết tím, thâm, bầm đen từng khoảng)
chị tôi cẩn thận nhét tấm drap dưới nệm
(chị sợ bà lạnh?
hoặc giả chị cho bề gì cũng giữ cho hai cánh tay đừng lạnh?)
tôi rút thuốc hút khi chưa ra khỏi cửa. 

ai? thân xác tám mươi lăm năm lầm lũi
tám mươi lăm năm chưa trọn tiếng cười?
đời vay trả ngày nào tôi mới chết?
những chân về có gọi bước đi lui
chiều cuối mộ, liệu ai ngồi nhớ lại
những chia lìa, đứt một sớm mai. 

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
anh chị, các cháu và đứa con trai tôi vật mình trên tiếng chuông

thầy Mãn Giác, thầy Pháp Thuận mặc đạo tràng
những miếng vá vuông nối nhau chảy xuống
dường tôi bị băm vằm bởi tiếng kinh
Vãng sinh
tôi khóc.
từ 1950, lần thứ hai tôi mặc áo xô
(mớ áo tang mượn từ chùa Trúc Lâm (?)
những ai trước tôi đã mặc)
có người nhắc nhở tôi đi tìm ông giám đốc nhà quàn
để khiêng xác mẹ tôi từ giường lăn, thả vào áo quan
bằng hữu nêm cứng căn phòng
tràn ngoài hành lang
(có người từng đến thăm mẹ tôi cách đây hơn hai năm
khi bà mới bay qua Thái Bình Dương, tới phi trường Los Angeles
có người chưa hề biết mặt ngang mũi dọc của bà)
tôi nắm tay đôi người
muốn quỳ, lạy họ 

trời đất lạ nỗi sầu tôi đóng váng
mặt hồ kia hắt lại điêu tàn
mảnh đất cũ không cùng tôi bầu bạn
thì linh hồn rồi cũng đến hoang mang. 

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
anh chị, cháu và con tôi ra về,
đem theo họ những miếng da mặt sưng, mọng nước
tôi ngồi lại trong căn phòng tối
mưa tầm tã. Gió đánh những cành phong nghiêng, lật
lá lạt xạt bước chân trốn chạy
người trực nhà quàn có làn da mét, mét
da người chết
đôi mắt cạn thần
nụ cười trắng nhờn
anh thò đầu vào phòng hỏi tôi cần nước nóng?
nổi gai ốc, tôi liếc nhìn qua phía mẹ mình
bà ngậm miệng. Không cười. Không cử động
bà buồn?
tựa khi chết, mẹ tôi vẫn còn khư khư giữ lại nhiều điều làm vốn
mưa xầm xập
vài người Mỹ thập thò hỏi xác
tôi nói còn hai nữa. Một trong nhà quàn và một ở Chapel
họ đi ngay. Sợ tôi vồ, chụp?
mưa làm căn phòng đẫm tử khí đã lạnh, thêm buốt
chín giờ tối. Tôi bước ra. Mưa nhẹ hạt, bóng tối, vòi nước trong
bồn
vẫn phun không mệt mỏi những lượng nước cố định
trên mặt hồ, hàng trăm ngàn con tôm riu nhẩy lên
nhẩy lên, nhẩy lên
biến mất
biến mất
tội nghiệp mẹ tôi lúc chết vẫn còn phải nằm lại một mình.
vĩnh viễn một mình
tôi tự hỏi anh Uyển, chị Trang hay Thầy tôi ở Việt Nam
có qua đón lấy linh hồn bà? 

một linh hồn gần thế kỷ long đong
ngay lúc sống đã tựa như thiên cổ
tôi ở cùng tháng một mưa, giông
bàn tay nhỏ chơ vơ khoắng, khua thời bú sữa 

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
sớm mai, hàng quán chưa mở cửa
tôi thèm ly cà phê, lời chào hỏi
khu nhà trắng nhớp sương
ngồi nơi băng ghế sắt đặt cạnh hồ nước
với cuốn truyện chưởng Kim Dung tới hồi khốc liệt
tôi tự hỏi, cuối cùng liệu họ có chết?
như mẹ tôi, dù gần một thế kỷ
cuối cùng, cũng chết
chưa bao giờ tôi thấy, tại sao kiếp người lại có thể vô nghĩa đến
như thế,
thầy Mãn Giác nói, chết là về nhà
ông quên chỉ, ngôi nhà nào đây?
trên mặt đất hay sâu lòng địa ngục?
tôi muốn tin mẹ tôi đã lên cõi niết bàn
chí ít cũng trở về biển Đông
nơi đó bà đã ra đi
không lẽ kẻ lìa đời
nhục nhằn
từ mở mắt
lại không thể trở về
nơi tự đó, sinh ra
cháu tôi bảo cách gì thì mẹ tôi cũng phải xuống âm ti
cho Diêm Vương luận tội
một người đàn bà suốt đời chỉ thờ chồng, nuôi con
miếng ngon không ăn
vải đẹp không mặc
mà vẫn phải xuống âm ti cho quỷ thần tra khảo?
thì biết ai lên Niết Bàn
ai về biển Đông?
hay cõi âm
cũng phe đảng
cũng kỳ thị
cũng quyền thế, mua chuộc... chẳng kém dương gian? 

buổi sáng lạnh. Người Mễ quét sân
chăm chú nhìn ống hút lá
máy rổn rảng khua
tiếng khua khô đập đều vách óc
tôi nhẩm đếm những đứa con có mặt. Những đứa mất tăm
những đứa không được thông báo bà chúng chết
tôi chợt hiểu thì ra
con người hơn xa loài thú
ở chỗ có thể biến cả xác chết, thành vũ khí trả thù,
tấn công người ở lại 

em đã chẳng là tôi, chung một gốc
khóc hay cười, đều xiết chảy băng, băng
vai tôi gọi, tóc kia nào thức dậy
chân ta đi, sông nhức quặn bao tầng 

người đàn ông giao hoa cho nhà quàn với vẻ mặt tươi rói buổi sáng
vừa đi vừa thổi sáo miệng
trở ra, thấy tôi, anh cười
tôi gấp sách. Lẻn vào. Thắp hương cho hai bàn thờ. Đốt nến
mùi hoa hồng không át nổi tử khí
khép cửa. Tôi lái xe đi tìm ly cà phê
quay lại, anh tôi hỏi đã lạy bà chưa
tôi nói dối
rồi ạ, xong cầm miếng khăn tang
chấn vội lên đầu
lấm tấm hoa cau 

chiếc ghế sắt
cuốn truyện chưởng Kim Dung
đọc đoạn Vô Kỵ được dẫn đi chữa bệnh. Không có màn đánh nhau chí
chạp.
Chỉ có Kim Hoa Bà Bà xuất hiện
anh Quỳnh ra. Khi không cao hứng nói về quan điểm triết lý của
Antole France
thuở bé, tôi phải học thuộc lòng những đoản văn của ông ta.
những đoản văn về mùa thu
những đoản văn không một liên hệ gần xa nào tới mẹ tôi
văn chương là cái quái gì?
chẳng bao giờ bà cần biết nó
bà chỉ có một mối lo
áo cơm, mồ mả 

tôi vẫn nghĩ ngày mai là bóng tối
và cuộc đời đã lạnh lúc sinh ra
mọi tri thức mang hào quang bịa đặt
gớm ghê nào ăn nổi bóng ma? 

dễ cả năm qua, hai anh em chúng tôi mới lại có dịp trò chuyện
nhờ cái chết của mẹ tôi
có thể anh tôi nghĩ: đời sống, tiền bạc, quan điểm bất đồng
chung quanh những người đàn bà đi qua đời sống tôi
làm chúng tôi xa cách
anh tôi không tài nào hiểu được
lý do tôi giận hờn anh chỉ vì lúc đón mẹ qua
anh phó mặc bà cho tôi, tựa người đàn bà già nua lú lẫn kia
không phải là người đã sinh thành ra anh
cái chết của mẹ tôi
tát cạn mọi hận thù tôi có
thấy mười hai năm qua, dường chỉ mỗi tôi không phải
mỗi riêng tôi giết chết mọi người!

ai ký ức thở than cùng bóng tối
ngồi quanh đây là những bóng ma
những xương thịt tiêu đi và tháp mãi
hạt linh thiêng vào giữa hồn nào? 

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
buổi sáng uống với Hoàng Thượng Dung ly cà phê ở quán của Nhuận
hỏi mượn chiếc van ngày đưa bà cụ ra nghĩa địa
Nhuận rót cho tôi ly sữa Ensure. Nói, cho có chất bổ
Dung kể một người bạn nhỏ ở xa, hay tin mẹ tôi mất, gửi thiệp
chia buồn
tôi muốn nói, thay mặt gia đình, nhờ Dung cám ơn hộ, nhưng im
lặng
(Dung có quyền rủa tôi: đồ khiếm nhã!)
rời quán cà phê, về nhà quàn
đường Bolsa, những hàng cây magnolia ngái gió
nắng ấm. Nhiều cửa hàng chưa ra hỏi giấc ngủ nhầy nhụa con số
chỉ còn một ngày thêm
không bao giờ nữa, tôi, buổi sáng, và lộ trình tử biệt kia
người ta sẽ đưa mẹ tôi tới một nơi chốn khác
nơi chốn không hề thuộc về bà
quê hương bà ở một nơi nào khác
một nơi nào
khác hơn ngôi nhà quàn này


(biển Đông tiễn mẹ tôi đi
liệu có đón bà về, cửa cũ?
cửa nghìn năm xanh một lũy tre) 

tôi nghĩ
không một bà mẹ Việt Nam nào
muốn chết ngoài đất nước 

tôi đang đứng giữa hai đầu Nam Bắc
mà con đường xích đạo nối âm dương
mẹ tôi chết từ lâu hay mới chết
ai biết đời cháy đỏ mỗi đêm thâu? 

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
cùng giấc mơ gần sáng
lòng tôi đầy tiếng quạ
hàng trăm con vẫn quần tụ trên ngọn me dại căn nhà xưa
Ranchero Way,
Garden Grove
căn nhà tôi mua bằng tiền của những giờ overtime
mười năm rồi
có những con quạ khoang vẫn
xốn xang kêu
như thế
suốt tháng ngày mẹ tôi trở thành vật thí nghiệm cho bệnh viện 

ai cũng biết rồi ra về với đất
liệu tôi về có kịp lúc sương lên?

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 2022(Xem: 4745)
23 Tháng Tư 2022(Xem: 16572)
23 Tháng Sáu 2021(Xem: 4168)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3148)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3718)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 2448)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17044)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8344)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19180)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19255)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31958)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,