Chương Hai

29 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 4834)
Chương Hai

CƠN MƯA MỞ LỚN CÙNG ĐÔI mắt còn ngái ngủ của một ngày thức muộn. Tôi xếp gọn mấy cuốn sách trên bàn học rồi bước ra nhà sau. Trong đầu tôi hình như những thảng thốt đêm qua còn đóng váng chưa tan. Tôi không nhớ rõ, đêm qua tôi đã làm gì, học được những gì và buổi học đêm qua đã vất vã tôi không ít với những xen kẻ của hình ảnh, Tự. Những lời nói dịu dàng nhưng chua chát của chàng làm tôi đau đớn muốn khóc, khóc thật to cho hả, cho nỗi nhớ chàng bằn bặt. Có lẽ một đời tôi, không bao giờ chạy thoát khỏi đôi mắt chàng đăm đăm nín lặng.

 

Cái im lặng khựng đứng của một van lơn tha thiết, một khẩn khoản bàng hoàng, một mời gọi chới với, một nín giựt gấp gấp, nhanh, không thể cưỡng chống, tôi cũng không thể thoát khỏi cái ám ảnh về đôi môi nóng bỏng của chàng, đôi môi lúc gần tôi như thường xuyên đợi chờ, nói một lời gì. Một lời gì không thể nói được dù rất muốn. Một lời gì, tôi rất muốn lắng nghe. Tôi không thể chạy khỏi. Không, không sao thoát khỏi được. Đôi mắt ấy làn môi ấy, như có trăm ngàn sợi dây vô hình trói cột tôi trong nỗi nhớ thèm kỳ lạ. Như chúng có những ngón tay bí mật, huyền diệu, cùng lúc bật mở tất cả những ngõ ngách tâm hồn hồn tôi. Như chúng cùng lúc có trăm ngàn gót chân, khua rộn thần trí tôi, vang âm buốt nhói mỗi đầu thần kinh, mỗi phút, mỗi giờ, nhuyễn nhẹ luồn lọt qua đời tôi. Tôi không thể cưỡng chống. Tôi bất lực. Tôi buông xuôi. Tôi muốn ngã, nhắm mắt mà ngã. Ngã không chút run sợ, âu lo, ngã tan thây, ngã mất xác, ngã trong cơn yêu dấu đầy đời mình.

 

Tôi vọc nước đắp lên mặt và mở lớn đôi mắt ngó mình trong gương. Tôi không nhận ra tôi nữa. Trong một thoáng nhanh, tôi thấy tôi như một kẻ xa lạ. Một người chưa hề gặp. Con mắt to và sâu hơn. Vầng trán nhỏ lại với những cọng tóc dàn xòa xuống, bết nước. Tôi vét chúng về một phía theo, nếp cũ. Sờ đến đâu, tôi cũng thấy sượng sần từng tấc thịt da. Dừng lại ở bất cứ chỗ nào, trên khuôn mặt này, tôi cũng thấy chúng, như một xa lạ, một chia cách không thể xóa lấp. Con mắt này, của anh, vầng trán này của anh, đôi môi này, của anh... Chỉ có anh, chỉ anh, riêng anh mà thôi. Chàng đã nói với tôi, một lần như vậy. Chàng đã hôn tôi, một lần, trên tất cả những chỗ đó. Ừ, phải rồi. Tôi không còn là tôi nữa. Tôi cũng không là của chàng. Tôi là một sợi nắng trong một khoảng không thắm đẫm tình yêu. Tôi là một nhánh hoa, một dòng sông, một con suối, một ngày mai, trong những ngày mai sẽ có. Tôi... tôi... biến dạng rồi. Mẹ có nghĩ vậy không? Con không còn thuộc về mẹ. Con biết mẹ sẽ buồn, mẹ sẽ khổ nếu mẹ hay rằng, sự thực, đời con từ phút nào đó, không xa lắm, cũng chưa hẳn mới gần đây, đã không còn là con của mẹ. Một sáng, một trưa, hay một đêm nào, tình yêu đã chắp cánh cho con bay lên, gió đã đưa con đến một cảnh đời nào chói chan, một cảnh đời nào, mà mẹ đã quên, hay mẹ cố tình không vẽ ra cho con thấy. Một sáng, một trưa, hay một đêm nào, nắng đã tắm gội con bằng một thứ hương huyền diệu lạ kỳ. Nắng đã soi ở tâm hồn con -nỗi ấm áp lạ lùng, lạ lùng không thể nói được, mà mẹ đã quên hay cố tình không đem đến cho con. Một sáng, một trưa hay một đêm nào, mưa đã dìu con run chân trên những hạt long lanh của một thứ hạnh phúc mong manh đã vỡ, thứ hạnh phúc, không có màu sắc, không có tên gọi, không có dung nhan, nhưng rõ ràng là nó có, nó có đấy, tự bao giờ, mà mẹ đã quên hay cố tình không cho con thụ hưởng. Nếu con chim tới một ngày nào, thèm vỗ đôi cánh non lượng đo sức mình cùng đường dài của gió, độ cao của trời mây, thì con của mẹ, một ngày nào, cũng không thể đứng được thử đặt đôi chân mình trên con lộ dẫn về một không gian hồng, hé. Nếu định mệnh có giờ khắc để gọi những kẻ đã ra đi trở về với cát bụi thì con chắc nó cũng có giờ khắc dành cho chúng ta để khởi hành, trước khi tìm thấy nơi sẽ đến. Và giờ khởi hành của đời con đã điểm. Con không thể dám chắc với mẹ rằng đó là giờ hoàng đạo hay tứ ly. Nhưng dù giờ gì thì con cũng đã đi, cánh đã mở và chân đã bước. Người ta chỉ có thể biết được nơi đã qua chứ không mấy ai định chắc được chốn mình sẽ đến, trong một hành trình số mệnh thử thách.

 

Tôi biết sự chọn lựa của tôi làm buồn lòng không ít, ba, mẹ tôi. Nói là chọn lựa cho nó có vẻ, chứ thực, tôi không có một chút so kè nào, trong cuộc tình này. Tôi chỉ có một thắc mắc duy nhất là tại sao với những người con trai, đã đến trước chàng, tôi đã không mảy may rung động. Tôi cũng không hiểu tại sao họ lại nhắm tôi. Tôi có gì để họ phải say mê theo đuổi. Tôi không có một chút quyến rũ nào hết. Tâm hồn tôi trước khi gặp chàng phẳng lì như một phiến đá lớn. Đời sống tôi trước khi gặp chàng yên lặng như một dòng sông. Tôi sống hồn nhiên, thẳng đứng như một ngọn cây khô bên những khóm cây rậm rạp khác là những người thân yêu trong gia đình tôi.

 

Niềm ao ước duy nhất của tôi là làm vừa lòng mẹ tôi, trong bất cứ trường hợp nào và bù lại tôi chỉ xin mẹ tôi mãi yêu chiều tôi như đã từng yêu chiều, nâng niu tôi thôi. Không bao giờ tôi nghĩ rằng, chỉ một sớm một chiều, tôi đã biến dạng. Tôi đã không còn là tôi. Tôi không còn chút liên lạc nào với tôi đầy một năm cách đây một tháng, cách đây một ngày. Tôi thấy rõ tôi biến dạng từng giây từng phút. Tôi thấy rõ tôi, trong đôi cánh mới, với những bước chân gắn hia bảy dặm. Tôi kinh ngạc chính tôi từng giờ. Từng giờ, từng phút. Tôi xúc động. Tôi nhớ nhung. Tôi bàng hoàng. Tôi quay tít, quay mòng như một con vụ bị sợi dây quất mãi, nên những vòng quay không bao giờ gia giảm. Tình yêu cho ta một đời sống không có và vượt ngoài trí tưởng. Tôi cũng chưa một cảm nghĩ rằng đời mình sẽ có những phút giây bàng hoàng, những chiều ngồi nhìn chết một góc sân những trưa mắt lơ đãng, dõi theo từng hoa nắng lốm đốm trên thềm nhà hay những đêm nằm nghe mưa nhỏ đều trên mái, cũ. Những giọt mưa muộn màng đến như một buồn bả thắm thiết, đến như một hẹn hò rực rỡ, đến như một qua đi xót xa bằn bặt. Tôi không thể chịu nổi những đêm mưa đều hạt như vậy. Tôi cũng không biết diễn tả làm sao cho đúng, tâm trạng mình những đêm bị vây phủ, bị ôm ấp bởi trăm ngàn giọt vu vơ ấy. Hình như mỗi một giọt nước, trước khi lăn đi, đã gõ một lần nữa, trên mái hiên, hồn tôi một lời nhắc nhở một thầm thào giọt nước, trước khi lăn đi, đã gõ một lần nữa, trên mái hiên, hồn tôi một lời nhắc nhở một thầm thào giọt đến sượng sùng cảm giác. Hình như chúng cùng biết rõ, cùng đọc thấy ở cõi thâm sâu bí ẩn nhất của lòng tôi, một hoang mang, một thấp thỏm, một ước mong thầm kín thẹn thùng. Hình như chúng reo vang trong tai tôi lời rêu rao, tố cáo rằng tôi đang được yêu - và chúng đã đem lời tố cáo đó, đến với tất cả những người khác. Tôi không thể xác nhận hay phủ nhận bất cứ điều gì liên quan đến cuộc tình tôi và chàng, trong lúc này nói theo điệu của các chính khách thì... Tôi nghĩ rằng bây giờ còn quá sớm để có một nhận định dứt khoát về việc ấy. Mặc dù trong ý thức, trong vô thức, trong hơi thở, trong chiêm bao, trong từng sợi tóc, từng vuông vải, từng tấc da, con người tôi tình yêu đã có mặt. Tình yêu của chàng đã mọc lên - như mặt trời, như ánh sáng. Không thể cản không thể ngăn, không thể chặn. Nó sừng sững, nó lẫm liệt và cũng thật là nghiêm túc. Một lần nào chúng tôi đã chính thức bàn với nhau về những đứa con sẽ có - về một ngôi nhà, về một dự định tương lai, chung cho cả hai đứa. Những điều đó thoạt nghe có vẻ tầm thường. Có vẻ là một cái gì không đáng bận tâm cho lắm. Nhưng trong tình yêu, tất cả đều được thắp sáng và sáng trong một hạnh phúc chết ngắt. Chúng tôi đã nói với nhau về những tầm thường ấy. Những tầm thường đã mang một ma lực dị kỳ làm chàng say sưa cả tôi nữa chứ, tôi cũng muốn tan đi, muốn chảy nhuyễn trong những tầm thường thắm thiết đó. Tôi còn nghĩ xa hơn nữa, in là tôi đã nghĩ đến một phương pháp giáo dục con cái, sao cho chúng đừng giống bố chúng nghĩa là chúng đừng lớn lên đừng trưởng thành, đừng lấy vợ với cả một lầm lỡ nặng lớn quá khứ, với cả một thói quen tán gái, tán lăng nhăng, tán lung tung, để người con gái nào đó, sau này như tôi hiện nay đã phải thấp thỏm, để phải lo âu phiền muộn. Thực ra thì với trí óc cùng kinh nghiệm bản thân quá non nớt nếu không muốn nói là không có một chút xíu gì, tôi đã xây dựng tương lai bằng tất cả tâm hồn dễ rung động và bản chất cả tin. Tin nơi cuộc tình - tin nơi người yêu - tin nơi mình. Tin, tin cả đến những cái chưa có trong tầm tay - chưa thấy, được trong tầm mắt ngước.

 

Tôi dắt xe ra khỏi con đường đất hẹp. Buổi sáng đã cao trên những bức tường ố nứt. Gió chạy dọc con đường, tung lên cao những chiếc lá mà người phu quét lộ để sót lại. Mặt nhựa láng trơn cho tôi cảm giác mát lạnh tuồn tuột trôi đi. Tôi thở đầy ngực mình hơi thở đầu của một ngày chứa chan nắng - một ngày nghỉ của tất cả mọi người và của riêng tôi, là một ngày vốn liếng của một hò hẹn, của dư âm, của những váng vất sau mỗi chia tay trở về, cười một mình, cười trong mắt nhìn của chàng với theo, cười trong tiếng chàng lanh canh vở vụn hắt từ trên cao xuống. Tôi hình dung ra chàng trong thế ngồi cố hữu, sau tấm kính phẳng, bên chiếc quầy có ông già đăm chiêu tay luôn mân mê bận bịu với mấy hàng nút nhựa trên mặt bàn máy tính. Tôi mường tượng tới những ngón tay chàng vuốt nắn điếu thuốc cho mềm, thẳng trước khi gắn lên môi, trước khi những sợi mi cong lên cùng hơi thuốc kéo vào và những mảng khói mỏng manh bay đi. Tôi lên xe khi rẽ vào lộ chính.

 

Thành phố mở đầu những cánh tay trần, với cả một không gian thoảng phấn son, rực mầu sắc, ứ đầy hân hoan. Tôi thấy mình như trôi chảy, như bị hút theo, bị cuốn lấp trong dòng sinh động đó. Sau lưng tôi, ngôi nhà cùng tất cả những gì , có như mối đe dọa, như một ngăn cách, một dè chừng một truy dõi cuộc tình tôi nhỏ dần rồi mất hút, sâu trong niềm quên lãng khuây khoa.

 

Tự đứng lên, mở cửa. Tôi cố ý chần chờ để tận hưởng sự chăm sóc, nâng niu chào đón của chàng và cũng là để chàng thấy rằng, tôi biết hưởng, tất cả những gì tình yêu đem đến. Ly cà phê của Tự đã cạn nửa. Tôi tới chậm có dễ đến nửa tiếng. Hầu như lần nào tôi cũng đến trễ hơn giờ hẹn. Và lần nào thì chàng cũng bối rối, lo âu, nhắc lại: đã tưởng Bé không đến được. (Chúng tôi quen gọi nhau bằng những danh xưng xấu xí thế). Tôi cười đưa tay vuốt lại mấy sợi tóc lòa xòa ở hai má. Em uống gì. Tôi định bảo, cà phê hay sữa, nhưng không nói được, cuối cùng vẫn là một chai cam vàng. Lần nào thoạt gặp chàng, tôi cũng bị mất bình tĩnh như thế. Nhanh cũng không dăm ba phút sau tôi mới trở lại bình thường.

 

Tự hỏi tôi về Hóa. Hóa là người thầm để ý và yêu tôi trước Tự rất lâu. Cho đến lúc gặp Tự, tôi vẫn chưa một lần rung cảm trước tình yêu mà Phấn dành cho tôi. Mặc dù ở Phấn gia đình tôi nhận xét, có, nhiều điểm khả dĩ để có thể tin rằng, tương lai sẽ đem đến cho tôi một đảm bảo gia đình sung túc. Khổ nỗi tôi sống, không phải chỉ mưu cầu cho mình một sung túc vật chất và một yên ổn về người chồng hiền lành dễ bảo. Tôi không chối rằng Phấn có thể là một người chồng tốt. Một người chồng quanh năm ngày tháng không biết điều gì khác hơn những lời vợ dặn, những điều con nói. Nhưng quan niệm của tôi thì lại hoàn toàn trái ngược. Căn bản, theo tôi, phải là tình yêu. Tình yêu trước hôn nhân.

 

Hai điều đó với tôi là một. Nghĩa là người tôi yêu phải sẽ là người bạn đời của tôi và ngược lại. Mà tình yêu, có thể có sau những suy luận, soi xét tỉ mỉ ấy. Trước đây tôi không có kinh nghiệm, nghĩa là tôi không biết tình yêu sẽ đến với tôi ra làm sao, như thế nào. Nhưng bây giờ hiển nhiên tôi thấy rõ là nó có, chỉ có ngoài sự phán xét của lý trí hay chỉ có thể có trước khi ánh sáng ý thức chiếu tới. Nó như một cơn mưa bất thần. Như một tình cờ không cân nhắc, không định hướng. Nói một cách khác, thì nó là định mệnh. Nó như một nhát dao, một mũi tên bắn tới từ sau lưng mình, từ trước mặt mình (lúc hai con mắt vô tình đã nhắm). Ta chỉ có thể biết, chỉ có thể thấy, chỉ có thể cảm, khi nhát dao đã phập sâu, đã ngập lút cán.

 

Tôi không yêu Phấn, không hề, có chăng chỉ chút lòng trắc ẩn, tội nghiệp. Tự cũng biết vậy, nhưng chàng vẫn hỏi thăm, vẫn nhắc đến, thỉnh thoảng bất chợt. Tôi nghĩ chàng quá ghen. Chàng đàn bà hơn một người đàn bà nhất. Đôi khi tôi cũng thấy thích vẻ mặt chàng lộ rõ băn khoăn, hờn giận mỗi bận nghe tôi nói về Phấn, Phấn hay một người nào đó. Tôi cũng rắp tâm định trêu chọc chàng một trận cho chàng bỏ cái tính ghen bóng gió đi, nhưng rồi thấy chàng hoảng hốt dễ tin tôi lại thấy không nỡ. Không những không thực hiện được ý định mà còn cảm thấy thương và yêu chàng hơn. Anh muốn Thục chơi với Hóa hay sao mà anh cứ nhắc hoài vậy. Tôi nói. Đâu có, anh hỏi là hỏi thử xem mấy hôm nay Hóa có lại đằng em không.

 

Tôi kể cho Tự nghe lần tôi gặp Hóa gần nhất. Hóa đã chặn ngang mặt tôi bảo: Thấy Thục đi với người nào ngoài phố.

 

Tôi không muốn trả lời thẳng với Phấn là tôi đã có người yêu. Tôi cũng không muốn Hóa ôm mãi mối hy vọng hảo huyền. (Tự thường bảo với tôi vậy. Đừng để Hóa hy vọng, hy vọng mãi như vậy tội nghiệp) tôi bảo Hóa thôi đừng nghĩ về tôi nữa, dù nghĩ đến tôi trong vị thế nào. Phấn sững sờ giây lát, nhìn tôi chằm chằm trước khi bỏ đi. Kể xong tôi bảo chàng, Thục không muốn anh nhắc đến một lần nữa, chuyện ấy tất không có gì khiến anh phải bận tâm hết. Chính anh thường bảo Thục rằng không yêu thì thôi, đã yêu, phải tin nơi nhau, tin nơi tình yêu. Hai đứa chỉ còn là một vậy mà anh chả tin gì, Thục hết. Tự ngắt lời tôi, cãi, đâu có. Đâu phải thế. Tuy nhiên, thái độ của tôi, có lẽ đã làm chàng yên lòng.

 

Tình yêu luôn luôn đòi những xác nhận, những lập lại dù là những điều mà người ta đã biết, đã nghe, đã tin, hoàn toàn, cả trăm ngàn lần.

 

Nắng chiều xuyên qua tấm kính. Người bồi bàn hạ thấp tấm mành sáo. Qua những kẽ hở đều, tôi nhìn thấy con đường bên kia chạy một đoạn thẳng về phía bờ sônh với những thân cây sao thẫm nâu xòe rợp lá xanh. Miếng vườn tay trái tôi, nơi đặt pho tượng một vị anh hùng đã thấy thấp thoáng những cặp tình nhân dìu nhau chậm bước, tôi tưởng đến một ngày kia, chúng tôi cũng sẽ dạo ngang đó, nhưng với đứa con đầu lòng và dưới chân tượng vị anh hùng, tôi sẽ cúi xuống ghé sát tai con tôi, tay chỉ về phía ngôi quán này, bảo, ngày xưa, bố mẹ con thường gặp nhau ở đấy. Bé Khanh (tôi chắc con đầu lòng chúng tôi là con gái vì tôi thích con gái) sẽ giương đôi mắt thủy tinh lóng lánh bi bô hỏi, sao bố mẹ lại gặp nhau ở đây bộ bố mẹ không có nhà hả. Tôi sẽ trả lời ừ, hồi đó, bố mẹ không có nhà. Bố mẹ chỉ mới là một đôi chim đang tập tha những cọng rơm đầu tiên để tương lai tìm nơi làm tổ. Hẳn là bé Khanh sẽ ngơ ngác ghê lắm. Nhưng nào có phải tôi nói với nó đâu, tôi nói cho chàng nghe đấy chứ. Tôi sẽ ngước nhìn Tự, chờ xác nhận. Chàng sẽ cười: đúng thế đó con. Hồi đó mẹ hư lắm, ăn hiếp bố hoài à. Xịt ra há con. Rồi bé Khanh nó sẽ về hùa với bố nó... Những cảnh tượng tương lai, dồn dập dăng hàng trong trí tôi. Tôi liếc trộm chàng sợ chàng đoán đọc được những ý nghĩ trẻ con của mình. Tôi bắt gặp cặp mắt chàng đăm đăm nhìn tôi tự bao giờ. Tôi lúng túng cúi xuống ly nước, cùng lúc trong lòng, nỗi hân hoan, niềm ao ước hạnh phúc dạt dào dềnh lên. Tôi muốn hét to trong sung sướng ứ tràn. Đừng nhìn em nữa anh. Anh nhìn hoài làm em mắc cở. Người ta cười cho kia kìa. Người ta cười chưa thấy đâu, trong khi chính tôi, tôi mỉm cười với mấy viên đá trong ly nước đang tan, trái với những cánh hoa tình yêu trong tâm hồn tôi đang nở lớn.

 

- Tuần này em có gặp Nhự không? Chàng hỏi.

- Có, em mới gặp cô ta hôm kia. Anh cần gì vậy?

- Anh Hiệp, Hiệp đó em. Hiệp nói anh cho nó gửi lời hỏi thăm Nhự qua em.

- Phải lòng rồi sao. Tôi nheo mắt.

- Bậy nào. Hiệp chứ. Mà anh cũng không rõ nữa. Có thể lắm. Nó đang muốn có một tình yêu, trước khi đùng cái lăn cổ ra chết.

Tôi trách Tự ăn nói không kiêng cữ gì cả và nghĩ thầm, có lẽ giới thiệu Nhự cho Hiệp cũng hay. Chừng hai người quen nhau rồi, mình có thể nhờ họ liên lạc với Tự trong những trường hợp cần kíp. Hơn thế Nhự lành và ngoan. Chính chàng cũng phải công nhận như vậy. (Là con gái trong một gia đình đông anh em, lại không khá giả gì cho lắm). Nhự có đầy đủ tính tốt của một cô gái mới lớn, sớm biết lo cho gia đình. Một tay ngoài việc học hành. Nhự đã quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà cho má Nhự rảnh rang buôn bán kiếm thêm tiền nuôi một bầy con ăn học. Ba Nhự già rồi, về hưu đã lâu. - Nhự có đôi mắt đẹp đấy chứ anh, tôi nói. Tự gật đầu. - Đúng thế Hiệp nó mê vì đôi mắt ấy đấy. Em dàn xếp bữa nào tiện, để hai người gặp nhau. Nhưng anh phải nói trước với Hiệp là lo lót em cái gì đi chứ. Thời buổi thóc gạo kém này đâu có bà mối nào làm không công đâu. Tự cười, ừ thì bé cứ giúp nó đi. Rồi đâu có đó, lo gì.

 

Chúng tôi rời quán lúc khách đã bắt đầu đông. Tiếng ồn ào xen lẫn khói thuốc lá làm tôi cay mắt muốn nghẹt thở. Bước ra ngoài, trời mát và sáng chói. Tự đi sát bên tôi.

 

- Chúng mình đi ciné nghe bé.

Tôi ngần ngừ, nửa muốn đáp có, nửa muốn không. Vào ciné giờ này đông lắm, ngày nghỉ mà. Tôi muốn đi đến một nơi nào khác hơn, nhưng thành phố nhỏ, đi đâu cũng ngại chạm mặt người quen. Bao năm sống trong thành phố, tôi vẫn hằng ao ước có được một miếng trời xanh - một khoảng rừng cây khoảng khoát. Nhưng chưa lần nào thực hiện được. Lý do an ninh, mặc dù tôi biết chỉ cần chạy xe vài cây số thôi là chúng tôi có thể có với nhau một vuông cỏ xanh mướt, một miếng trời xanh ngon với những đám mây trắng nõn nà, những làn gió thơm, mùi cỏ nội, ngai ngái đất mới xới. Đã lâu lắm. In là chưa bao giờ, chiến tranh đã cướp mất của chúng ta cả những phút giây tình tự. Đời sống sẽ còn gì nếu tình yêu không có cơ hội để nảy nở?

 

Không bảo, chúng tôi cùng rẽ vào một lối quen. Rạp ciné nằm sâu cuối hành lang chỗ nối tiếp với một hành lang khác dẫn ra con đường chính của thành phố. Tôi dừng mắt trên những đồ vật bày trong khung kính. Những đồ vật đủ loại, hầu hết thuộc loại xa xí phẩm ở những đồ vật này, tôi nghe được một thân mật quen thuộc, cái quen thuộc có từ nhiều lần đi dạo cùng chàng. Lúc sắp bước vào rạp chợt tôi trông thấy Kháng. Kháng là bạn học cùng lớp với tôi trong vòng mấy năm gần đây. Những năm đầu học chung, cả hai chúng tôi, đều chưa có một ý nghĩ nào khác hơn về nhau. Nhưng khoảng một năm gần đây tôi cảm thấy Kháng lộ rõ vẻ lúng túng và hay nhìn trộm. Thoạt tôi cũng hơi thắc mắc về sự đổi khác của Kháng, sau tôi hiểu ý Kháng muốn gì, nhưng khốn nỗi thâm tâm, tôi coi Kháng như một người bạn trai không thân không sơ. Sự đổi khác của Kháng đã bắt tôi phải có một thái độ thích ứng gần như lập nghiêm, mỗi khi có dịp phải tiếp xúc. Cho đến một hôm, vô tình, tôi hỏi mượn Kháng cuốn sách, đem về, mở ra, thấy sẵn trong đó, có một lá thư. Không một bài thơ thì đúng hơn, ngỏ ý si mê tôi. Tôi bàng hoàng, không biết phải nói sao để Kháng hiểu tôi không thể yêu Kháng. Không yêu vì... vì không yêu, không thể giải thích bằng lời những lý do viện dẫn hiển nhiên được.

 

Tôi đem chuyện này kể cho Nhự nghe. Nhự bảo nếu không yêu thì trả thư cho người ta, đừng giữ, người ta hiểu lầm.

 

Ấy vậy mà tôi không muốn trả vì nghĩ hành vi đó có thể làm tổn thương tự ái của Kháng nhiều hơn nữa, trong khi giữ thì quả thật cũng kỳ kỳ, sao đâu. Hai hôm sau trả Kháng cuốn sách, Kháng lật vội, không thấy lá thư, vẻ mặt hớn hở, mừng rỡ một cách tội nghiệp. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng một ngày kia, tôi sẽ làm khổ người khác. Chưa một lần tôi nghĩ đến điều ấy. Thực lòng tôi không bao giờ mong muốn thấy ai đau khổ vì mình. Thế rồi cuối cùng chuyện ấy vẫn xảy ra. Mỗi người con gái đến một tuổi nào, cũng đều trở thành một thứ mầm nhớ nhung, tưởng vọng của kẻ khác. Khi nghe tôi nói chuyện về Kháng. Chàng cằn nhằn tôi sao không trả với lá thư cho Kháng. Chàng cũng một quan điểm với Nhự. Tôi nói lỡ rồi. Bây giờ không thể trả lại được nữa. Tôi đọc được tâm trạng ghen tương bóng gió trong đôi mắt và giọng nói của chàng. Tôi định trêu cho chàng tức thêm bằng cách bảo, đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn nhận được những bài thơ của Kháng đại loại, như vậy. Đời sống được làm thành bởi kỷ niệm. Tôi cũng phải có kỷ niệm chứ không lẽ kỷ niệm của tôi chỉ là những trận ốm ngặt nghèo thuở thơ ấu, những chiếc áo, những manh quần mà mẹ tôi may cho, mỗi ngày một dài rộng vì thời gian không giúp tôi to hơn, mà ngược lại quắt queo thêm. Tuổi thơ tôi, có đấy trong tiếng ru rã rời của mẹ tôi, của bà tôi, nhiều khuya èo ọt. Tôi lớn lên, như một thân nấm, một con cá khô. Ba tôi bảo vậy. Và tôi cũng chẳng hiểu nhờ đâu, tôi có được chút da thịt như ngày nay. Anh ích kỷ lắm. Ừa, thiệt đó. Vậy mà không hiểu sao em yêu anh và chịu nổi cái tính xấu ấy. Anh muốn em tuyệt đối của riêng anh. Anh không muốn em chơi thân với bất cứ đứa bạn nào. Anh muốn em như một công chúa trong cung cấm, suốt ngày sống với trí tưởng mơ hồ về những điều không có thật. Trong khi đó, anh mặc sức đi lung tung. Anh mặc sức tán tỉnh cô này cô kia. Người lớn mà ăn gian ghê đó. Nhưng thôi, em nghĩ, mình bé mình ở trong nhà, kệ cho người ta lớn, người ta muốn làm gì thì làm, muốn lừa dối mình thế nào cũng được. Miễn là, người ta trước khi hành động một điều gì, hãy nghĩ đến mình, là đủ rồi. Không biết anh còn nhớ những lời em nói? Từ ngày yêu anh, em đã quên hẳn em, trong tình yêu chói lòa rực rỡ. Em như không có một chút dĩ vãng nào - em là người của một thế giới xa lạ, bước những bước chập chững vào vùng biển lớn của tình yêu anh, của những lời chan nồng hạnh phúc, của những tia nhìn muối mặn môi non.

 

Anh thấy không, em đã trút bỏ tất cả, tất cả, những gì là em để bước vào một cảnh tượng đời sống mới, một cảnh tượng được mở ra, bởi chiếc chìa khóa thần diệu của tình yêu đôi lứa. Em muốn nói với anh rằng, những bước chân khởi đầu, bao giờ cũng là những bước chân nặng chĩu tin tưởng, chắc nịch tương lai, tự, anh. Em ước mong, trong trường hợp nào, thì cuối cùng, hạnh phúc cũng phải rụng trong tầm tay mình. Những trái hạnh phúc đó, anh có thấy không nó đã bắt đầu chín nó đã bắt đầu thoảng bay hương ngào ngạt, nó đã cho em những đêm trăn trở, những sáng vỡ ngời miệng reo, những chiều xôn xao, tâm hồn em bềnh bồng cùng những hạt mưa rất lạ. Những hạt mưa rắc đều trong một vuông sân ướt, những hạt mưa như có đem theo trong nó, cả một mùi hơi anh, quen thuộc, ngái nồng mùi thuốc khét. Em tin anh (có người con gái nào, khi yêu không tin tưởng nơi người tình của mình, không phải anh). Tin anh ngay từ phút đầu tiên, đón nhận nụ hôn trên môi anh rung động. Em tin anh, như chưa một lần biết thế nào là niềm tin chân thực, tự nhiên, không toan tính, khi những ngón tay anh (những ngón tay dễ ghét), chạm vào mái tóc em rối khô thơm mùi thơm của những múi chanh, những quả bồ kết (mà anh có biết trái bồ kết không đã? Ở ngoài Bắc nhiều lắm đó anh. Anh thử hỏi lại mẹ mà coi, gội đầu bằng những thứ đó, vừa sạch gầu, vừa thơm tóc. Ờ mà em lại kể chuyện lăng nhăng rồi phải không?) Em đang nói gì với anh nhỉ. A. Em nhớ ra rồi. Em nói... Nhưng thôi không thèm tiếp nữa. Anh có thèm nghe đâu mà nói há. Mắt anh còn mắc gửi đến một hình bóng nào đó. Coi chừng đó nha anh. Đừng nghĩ rằng em bé mà em không ghen đâu.

 

Kháng tiến lên ngang mặt tôi, vừa lúc chàng bước vào trong rạp lại chỗ bán vé. Vẻ mặt xanh nhợt của Kháng, thêm ánh mắt tóe lửa, làm tôi nhói thắt nghĩ rằng Kháng đã nhìn thấy chúng tôi đi với nhau từ đằng xa. Sợ Kháng. Tất nhiên tôi không có điều gì để phải sợ. Nhưng Kháng có quen biết gia đình tôi. Kháng quen với anh tôi, đã đôi lần Kháng đến nhà tôi. Tôi lo lát nữa đây, Kháng sẽ về nhà báo cho gia đình tôi biết chuyện tôi lén lút đi chơi với chàng. Anh chị tôi có thể nổi giận kéo đến đây, đứng ở cửa rạp, chờ chúng tôi ra, bắt quả tang và tôi không dám suy diễn rằng, những gì sẽ xảy ra sau đó. Có điều chắc chắn là lành ít dữ nhiều. Nhất là cho chàng.

 

Kháng vẫn xăm xăm tiến lại. Mỗi giây, khuôn mặt Kháng một nở lớn, to chương, phình ứ, như mặt của một người bị bệnh phù thủng, hai con mắt rực lửa, đong đưa, vờn dọa nạt. Toàn thân tôi run lên trong hoảng hốt, hãi sợ.

 

Kháng cười gượng, gật đầu chào. Vẻ lúng túng, ngượng ngập của Kháng làm tôi nhận ra cái ưu thế tất nhiên của mình. Tôi lấy lại bình tĩnh rất nhanh, gật đầu chào lại và hỏi Kháng trước: - Anh đi đâu vậy? Kháng đáp giọng thiểu não, chán chường: - Lang thang cho hết ngày. Còn Thục? Tôi liếc vào lòng rạp: - Đi xem ciné với người bạn, Kháng định nói gì đó, nhưng chưa kịp thì Tự ra. Tôi phân vân không biết có nên giới thiệu hai người với nhau không, thì Kháng đã gật đầu chào, quay đi. Tự hỏi quen em đấy hả? - Dạ, Kháng mà em đã kể chuyện với anh, anh quên rồi sao? - A, nhớ rồi. Trông cũng sáng sủa đấy chứ. Tôi chọc chàng: - Chớ sao. Phải nói là đẹp giai mới đúng. Tự nghiêm mặt, chăm chăm nhìn tôi. Tôi bối rối thầm trách mình đùa quá đáng, khiến Tự chạm tự ái! Chàng ra dấu bảo tôi vào rạp, nói lần sau em đừng nói thế, nhất là con gái, không nên nói toạc ra như vậy. Dù có nghĩ vậy thực cũng nên dùng một chữ khác tương tự, thế vào. Tôi vừa làm lành vừa cố cãi cố, tại mình bé nên quen tính nghĩ gì nói thẳng ra như vậy, không có quanh co. Làm người lớn lắm cái phiền toái ghê, tôi chép miệng. Chàng nhấn mũi giầy trên từng bậc thang lên lầu, tủm tỉm cười. Trong nụ cười và qua cái hình ảnh đầu cúi thấp, bước chân chậm, của chàng, tôi đọc được sự chịu đựng nén đè ý riêng của mình vì muốn chiều tôi. Liệu anh có còn chịu đựng và chiều em khi một ngày nào, mình đã thành vợ chồng nữa không. Tự? Hay lúc đó, tình yêu đã nhạt, anh sẽ nhìn em khác đi, anh sẽ nghĩ về em khác hẳn ngày hôm nay, lúc đó, em trở thành một thứ gì khó chịu, một cái gì làm anh buồn bực, mỗi khi nhìn thấy mỗi khi nghĩ đến. Anh biết không, chỉ nghĩ đến. Đấy em đã muốn khóc. Em dễ tủi thân lắm, anh biết rồi mà. Ừ, hình như em có nói với anh rằng sau này, em chỉ xin anh, đối xử với em bằng một nửa, một nửa thôi, những gì anh dành cho em ở hôm nay. Em không dám đòi hơn, em đâu dám tham lam mặc dù người phụ nữ nào, cũng tham lam, trong tình yêu. Em cứ nghĩ tới một ngày nào đó, anh sẽ bỏ mặc em thui thủi với mâm cơm nguội lạnh với bóng tối mỗi lúc một dầy đặc của một ngày đã tắt lâu. Thoạt tiên anh còn về trễ rồi dần dần anh sẽ bỏ, bỏ hẳn bữa cơm chiều. Thoạt tiên anh còn kiếm cớ, nói với em lý do khiến anh về trễ, rồi anh sẽ tiến đến chỗ không buồn nói với em một lời nào và nếu em có hỏi thì chắc anh sẽ gắt gỏng, sẽ to tiếng với em. Anh biết chứ em không có một thứ khí giới nào khác hơn nước mắt để sử dụng, trong những trường hợp đó. Phải rồi, em sẽ không biết làm gì khác hơn là khóc thầm, khóc trộm, khóc lén, khóc vùi. Cùng nữa là em chỉ có nước về nhà với mẹ mà thôi. Nhưng nói vậy chớ em cũng chả muốn về nhà đâu. Về với đôi mắt sưng húp như vậy, về mà không có anh, về với chiếc áo cưới ngày nào, lúc đó đã rộng thùng thình, như cái bao, thì chỉ làm mẹ buồn, khổ thêm. Hơn nữa, mẹ có thể sẽ mắng em, sẽ trách rằng ai bảo mày ngày xưa không nghe tao, cứ đòi lấy nó. Giá ngày xưa biết nghe tao thì đâu có ra nông nỗi này. Anh đừng tưởng mẹ mắng em như vậy là mẹ sung sướng đâu. Mẹ sẽ vừa mắng em, vừa đưa ngang tay áo quệt nước mắt. Hình ảnh mẹ lúc đó chắc thảm lắm, tấm lưng còm của bà sẽ cong thêm như đang tận lực chống đỡ sức nặng của thời gian, chất chồng bao nhiêu nỗi nhọc nhằn, tủi cực. Mắt mẹ chừng đó, chắc cũng không còn tinh anh nữa. Mẹ sẽ phải đưa tay rờ rờ lên đầu lên mặt em. Chắc phải cộng thêm những tìm thấy có từ xúc giác, mẹ mới nhận rõ được con mẹ là em lúc đó, tay mẹ sẽ ngập ngừng trên hai gò má em nhô cao, mẹ sẽ nắm chặt lấy cổ tay em, chỗ mà hai cườm tay nhô ra, mẹ sẽ xót xa vô cùng, xót xa đến không thể nói được.

 

Trong trường hợp nào thì làm thân con gái cũng đều là một bất hạnh hết. Phải không anh.

 

Trời sinh người con gái ra chỉ để cho người con trai, thấy rõ rằng mình là con trai. Em nghĩ vậy đó. Nghĩa là con gái thật vô tích sự, họ không thể là gì khác hơn là phụ nữ, là đàn bà, dù họ có là gì chăng nữa. Anh không đồng ý như vậy sao? Họ chính là đời sống? Họ là cái gì thiêng liêng cao quí nhất của đời sống. Anh nghĩ vậy thật sao? Anh không nói đùa đấy chứ. Sao em vẫn không thể nghĩ như anh được. Thâm tâm, riêng cá nhân em, em nghĩ mình bé mọn, phụ thuộc hoàn toàn nơi người khác. Điều ao ước duy nhất của em được mãi là cái bóng mát, che cho ai đó, trong suốt một quãng đời dài. Nhưng khó khăn thay, biết anh có mãi nhìn em như một cái bóng mát và biết cái bóng mát có mãi che rợp được tâm hồn và đời sống anh không? Hay nó chỉ là đám mây nhỏ, sau cơn mưa rào...!

 

Ngày nghỉ nhưng rạp vắng. Chúng tôi chọn hàng ghế trên cùng, sát tường của căn lầu thứ nhất.

- Tối quá, anh chả nhìn thấy mặt Thục gì hết.

- Thục đây này anh.


Tôi ghé mặt sát gần chàng. Tự đưa tay quờ quờ lên tóc tôi. Anh thấy rồi đôi mắt Thục. Anh thấy đôi môi, cái mũi nữa... Và tay chàng lần trên mặt tôi. Bàn tay khẳng khiu với những ngón cong, sần sùi nháp nháp, mùi thuốc lá từ những ngón tay chàng phảng phất nồng nồng, tôi nghe mình lẫn tan cùng cái mùi nồng quen quen ấy. Khi không, tôi ngả đầu vào vai chàng. Tự quàng tay qua vai ghế ôm lấy tôi, xiết lại. Tôi cảm được nhịp đập mạnh trong lòng ngực chàng gấp vội. Hơi thở mỗi lúc một nặng và muốn nghẹn. Cảm giác êm ái lạ lùng, lãng nhãng chạy suốt dọc thân thể tôi. Tôi muốn nói với chàng một lời dịu ngọt, nhưng không mở được lời cũng như tự thấy không cần thiết. Có những thứ ngôn ngữ, trở nên vô duyên và không một chút ý nghĩa. Có lẽ khi người ta ngồi bên nhau thì tất cả đều trở nên thừa thải, kể cả ngôn ngữ, kể cả tay chân, tại trái tim tại mạch máu đã nói dùm người ta, mà chính sự im lặng phải chính cái im lặng, ngọt tan, cái im lặng quáng đặc, cái im lặng úp xuống, cái im lặng chất ngất hương yêu, cái im lặng đầm đìa hơi hướm của nhau đã nói dùm cho chúng ta cả những cái mà chỉ có sự im lặng mới có đủ sức nhiệm mầu bày tỏ. Cái im lặng kỳ diệu ta nghe được ở trên đầu môi, ta thấy được ở trên từng đốt tay, ta ngửi được ở trên từng cọng tóc, ta cắn được ở trên từng tấc da, ta nuốt được ở trong từng khoảng không riêng cõi.

 

Lúc hạnh phúc nhất là lúc người ta bỗng thèm được khóc. Phải có những phút như thế này, tôi mới hiểu được: lý do tại sao người ta luôn tha thiết với sự sống, và sự sống ở đây phải được hiểu đã có sự hòa tan cùng nỗi chết. Đôi lần chàng xiết ghì tôi bảo, ngay lúc này anh muốn chết - Chết không một chút hối tiếc, không một mảy may ân hận, chết giữa lúc ngọn hạnh phúc của đời mình được thắp lên rực rỡ nhất. Lần nào tôi cũng muốn đưa tay bịt miệng chàng lại, nhưng lần nào thì tôi cũng đơ như một khúc củi nhỏ. Vì mỗi khi lời chàng thoát bay là như có đem theo trăm nghìn mũi kim vô hình cùng lúc cắm ngập sau trên thân thể tôi, làm điếng tê mọi cảm giác. Tôi không biết phản ứng bằng cách nào, mà giả dụ nếu ngay lúc ấy, tôi có chọn được cho mình một phản ứng thích nghi chắc cũng khó lòng thực hiện nỗi. Bởi toàn thân tôi đã tê liệt. Trí óc tôi đã sệt đặc. Tôi bủn rủn và nhũn mềm như một sợi bún rã nước. Em biết anh yêu em, yêu em đắm đuối, yêu em thực tình, yêu em hơn cả nỗi mong ước của em, và chính vì tình yêu ấy của anh, em đã tha thứ cho anh, những việc làm trong quá khứ. Chính vì tình yêu ấy, em đã quên em, quên em để chỉ nghĩ đến một điều: đền đáp và xứng đáng với tình yêu của anh.

 

Chàng nhắc lại lời yêu cầu của Hiệp, giới thiệu Nhự. Tôi bảo chờ thuận tiện để hai người đó gặp nhau, như vậy nó tự nhiên hơn là cái trò giới thiệu có vẻ trịnh trọng quá. Nhiều khi sự trịnh trọng đó làm Nhự sợ chàng nói, anh cũng nghĩ như Thục vậy. Thế còn chuyện,đi làm của Thục đi đến đâu rồi? Cũng vầy vậy. Ba má vẫn không ai bằng lòng hết. Nhưng em đã quyết rồi. Đợi cho xong kỳ thi này em sẽ bắt đầu. Đơn nộp rồi đó anh. Chắc được không? Chắc chứ. Con bạn em nó làm ở đó giới thiệu em vào mà. Tôi không muốn đề cập đến chuyện đi làm với chàng. Chàng đâu có hiểu tôi, còn khổ tâm gấp trăm ngàn lần chàng khi quyết định nghỉ học để đi làm.

 

Mới đây, tôi có nói với chàng rằng, phụ nữ chỉ nên đi làm nếu có số lương cao, còn không thì thôi, nên ở nhà trông con cái. Chứ đi làm để mỗi tháng lấy vài ngàn bạc thì nội tiền người làm và phí tổn vặt vãnh cũng đã quá rồi, trong khi đó, con cái không trông nom được. Ấy là chưa kể những cái không may khác sẽ đến từ cái không khí tiểu công chức, lem nhem đó. Thế mà bây giờ chính tôi lại nói với chàng về chuyện ấy. Lần đầu nghe tôi nói, chàng đã thẩn thờ, bất mãn. Không còn cách nào khác sao? Còn cách nào nữa. Tôi không thể cứ ngày hai buổi nhìn mẹ tôi đang lo lắng, tính toán chuyện làm ăn - mà công chuyện nào, rồi cuối cùng vẫn là lỗ, hụt hoặc bị giựt ngang, bị lừa mất. Nội trong một năm trở lại đây thôi, ba tôi đã bị mất gần hết số vốn dành dụm từ những ngày còn làm sở kiểm lâm, trong một chuyến hàng vải từ Cao Miên về. Chuyến hàng bị chặn bắt ngay tại ngả ba biên giới. Theo ba tôi thì có một vụ phản thùng trong số mấy người hùn hạp chứ không phải tự khi không bọn đoan bắt được. Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn cho là hên bởi không một ai trong nhóm bị đưa ra tòa. Vụ làm ăn thất bại này, làm ba tôi trở nên già đi đến mấy tuổi. Suốt ngày ông cụ cứ hết ra lại vào, không thiết gì làm ăn nữa. Trong khi đó mấy người anh tôi, người đã có gia đình thì bị động viên, lương nuôi vợ con không đủ, người thì đang học dở dang. Tôi trông thấy cảnh mấy đứa cháu con ông anh cả của tôi, nheo nhóc, tôi cũng đã không thiết học hành thêm nữa rồi. Lại đến chuyện ba tôi! Tôi có đem ý định đi làm ra nói với ông cụ, tưởng ông cụ sẽ nghe theo, không ngờ Ba tôi gắt la tôi rằng ngày nào ông còn đủ tay chân đủ sức khỏe, ngày đó ba tôi không muốn thấy đứa con nào phải bỏ dở việc học. Mẹ tôi nhỏ nhẹ hơn. Bà khuyên tôi nên ráng học thêm dăm ba năm nữa rồi hẵng đi làm. Cũng đâu có muộn gì, nhất là mẹ thấy con học hành được, bỏ ngang uổng phí mất. Tôi nghĩ trong gia đình không hiểu ý tôi. Tôi nghĩ đến chuyện đi làm là tôi muốn hy sinh việc học hành, hy sinh tuổi trẻ cho anh tôi có tiếp tục học đến khi ra trường, cho các cháu tôi đỡ thiếu thốn, cho ba tôi bớt phần nào chật vật, lo lắng trong việc kiếm miếng cơm manh áo cho chúng tôi. Con gái không cần học nhiều. Tôi nhớ, người ta vẫn thường nói thế. Mặc dù, đó chỉ là một cách nói và bây giờ, với thời buổi này, nó không còn thích hợp nữa. Chàng thì lo khi tôi bước chân vào đời sống của những người kiếm ra tiền, tôi sẽ không còn là tôi. Tôi sẽ biến dạng, tôi sẽ đổi lốt. Tôi sẽ sa ngã, sẽ hư hỏng, biết đâu chừng. Chính tôi, cũng hằng nghĩ nhiều về chuyện ấy. Nhưng tôi tin nơi tôi. Cũng còn tùy người chứ anh. Tôi bảo chàng thế.

 

Những bước chân đầu tiên với đời bao giờ cũng là những bước chân nặng chĩu tin tưởng, vang dội tương lai trong sáng. Người ta thường chỉ ra cái lầm lỡ của mình khi đã lầm lỡ. Chàng lý luận vậy. Tôi không cãi, nhưng vẫn đinh ninh, tin chắc nơi mình, nhất là tôi đang có tình yêu. Tình yêu sẽ là ngọn đèn soi sáng đường tôi đi. Nó sẽ là chiếc còi báo, là tiếng chuông cảnh tỉnh, là sợi dây để tôi bám vào, là chiếc gậy để tôi gượng dậy mỗi khi loạng choạng muốn ngã.

 

Tự nhắc đến chuyện đi làm của tôi, làm không khí trở nên căng thẳng, đượm bùi ngùi cay đắng. Không bảo chúng tôi cùng lơ đãng nhìn lên màn ảnh.

 

Tôi không biết tên phim cũng như tên các tài tử đang diễn xuất, nhưng lúc nhìn lên, vừa đúng lúc nhân vật nữ trong phim đang bụm tay ngăn những giọt nước biển đừng tràn khỏi lòng tay, nói với nhân vật nam trong phim: “hạnh phúc như những hạt nước, em thích những hạt nước ấy”. Bất giác tôi quay sang Tự. Chàng choàng tay xiết ghì lấy tôi. Chắc Tự vừa kịp đọc hàng chữ đó trên màn ảnh. Tôi muốn nói với Tự rằng có nhẽ không một người con gái nào không thích những giọt nước hạnh phúc kia, nhưng tay em thì quá nhỏ, làm sao giữ cho được khi những hạt nước cứ mỗi phút giây một lọt dần, qua đi trong từng kẽ tay, nhưng môi Tự đã tìm và dừng trên môi tôi. Nụ hôn chàng như lửa thiêu, như nắng đốt, rực hồng thần trí tôi. Sau nụ hôn dài tôi cảm thấy choáng váng chới với như một người làm xiệc đi trên sợi dây mảnh hai đầu cột lỏng. Tôi dấu mặt mình trong ngực chàng. Tôi muốn giữ nguyên mối cảm xúc ngọt ngào vừa tráng sáng tâm hồn tôi mềm nhũn. Qua lớp vải mỏng ươm đầy hơi chàng, tôi muốn gọi khẽ, tôi muốn kêu lên, cả trăm lần, tên chàng, âu yếm. Tôi muốn cắn, tôi muốn cào rách lớp vải đó, thấu tới da thịt chàng, để những dòng máu chảy từ vết tay tôi cứu sắc. Tôi muốn làm một hành vi điên rồ, một cử chỉ mê loạn để từ đấy, tôi thấy tình yêu tôi có thật, hạnh phúc tôi có thể ngó thấy bằng mắt, ngửi bằng mũi, nghe thấy bằng tai, sờ thấy bằng cả những đầu ngón tay không có móng nhọn và nhất là, để tôi chắc chắn với chính tôi, chàng hoàn toàn thuộc về tôi. Của tôi, đứa con gái tên Thục chứ không phải của một ai thí dụ, Thúy, Liên, Hoa, Hằng, Tuyết, Nguyệt... Nhưng bao giờ những ngón tay tôi ấn nặng trên vai, trên ngực chàng, thì những đầu dây thần kinh đang căng, những mạch máu đang đập bỗng như trùng lại, bỗng như phôi pha, yếu đuối. Tôi chỉ còn nghe còn cảm thấy nhịp thở đều đặn của chàng, mơ hồ lãn tan trong tiếng đập không đều của trái tim tôi. Và hầu như ngay lúc đó, một cảm giác ngược lại, hoàn toàn mâu thuẩn, xâm chiếm tâm trí tôi, đó là mối ân hận, xót thương dào dạt về ý nghĩ điên rồ vừa qua. Luôn luôn, nỗi bàng hoàng xót xa thắp sáng trên đỉnh ngọn của con đường hạnh phúc băng băng đổ tới. Chìm ngập trong hơi thở của chàng, tôi nhớ những đêm mưa, một mình ngồi ngoài lan can, trên căn lầu hiu quạnh, nhìn xuống lòng đường con hẻm hoặc ngó xiên sang bên kia con lộ lớn. Mưa thoáng thoáng dưới những trụ đèn đường vàng xỉn, tiếng dương cầm từ ngôi lầu cao của căn nhà ba tầng bên tay phải tôi vẳng đưa, những nốt láy ngân dài tưởng chừng không bao giờ tan loãng, bản Tristress của Chopin. Tiếng đàn chưa nói lên được tài nghệ điêu luyện của kẻ hành xử nó, nhưng trong cái không khí đục lờ, ẩm ướt hơi nước, trong cái cảnh tượng muộn màng rời rạc của một đời sống sớm tắt theo giờ giới nghiêm khe khắt, nó đã đến với tôi trùng trùng, tiếp tiếp, như những bước chân, rơi từng tiếng lẻ loi, như những mũi kim thật nhẹ nhàng châm ngọt, sâu vào da thịt tôi gai lạnh. Những đêm chưa xa ấy, là những đêm dài hãi hùng nhất mà tôi không ngờ mình đã một lần phải nếm trải? Những đêm mưa đầm đầm kéo kín một khoảng hồn tôi trống trải tủi buồn đó, là những đêm bắt đầu cuộc giận hờn vô cớ giữa tôi và chàng. Những đêm mà thuốc ngủ cũng trở nên vô hiệu đối với những hạt mưa săn lạnh, những con gió chạy lén qua từng ô nhỏ lan can, mơn trớn trên khắp thân thể tôi, trước khi qua cửa sổ, vào phòng, lay động tấm lịch tháng treo trên tường, tạo thành những tiếng động rơi tỏm vào khoảng không im vắng. Những đêm đó, là những đêm mà tôi thấy rõ, thật rõ, óc tôi trắng xóa, như đã hòa đồng cùng màu mưa giăng ngang lòng phố. Cái mầu xóa trắng nồm nộp chỉ chực chờ rơi lả tả, không tựa được vào đâu, không bám được vào đâu. Tôi ngồi có đến, gần trăm đêm như vậy, dò lắng tâm trí theo từng tiếng khua nện của một gót giầy da, gõ bùng bục trên mặt hè nước. Trong ngàn vạn tiếng giầy bâng quơ xa lạ đó, chưa một lần tôi bắt gặp một quen thuộc nào, khả dĩ có thể tự đánh lừa, phấp phỏng nghĩ và tơ tưởng đến bước chân chàng... Rồi anh không bao giờ còn ngang qua con ngõ này. Rồi anh không bao giờ dừng bước, trước ngưỡng cửa này. Tấm cửa gỗ sơn xanh này không bao giờ còn được lay động, còn được mở tung bởi bàn tay anh nữa sao? Anh đã quên rồi. Quên vĩnh viễn, như chưa từng biết, chưa từng thấy, chưa từng tạt ngang, chưa từng nghĩ lại. Anh đã có một chốn khác để qua, một khuôn mặt khác để trong chờ đợi, một cánh cửa gỗ sơn màu gì đó để mở, một bàn tay ngừng kim kéo chỉ, để mắt ngước, để môi cười, để tóc rung xõa trên đôi vai ốm o, trên chiếc cổ nõn, trên tấm áo xanh xẻ viền, bẻ nếp. Anh đã bỏ em. Bỏ em thiệt ư. Thiệt đó sao? Không lẽ tình yêu của chúng mình, một phút đã hết. Không lẽ những lời tình tự của chúng mình, một phút đã tan, những mắt nhìn chứa chan, một giờ đã tắt? Những ngày tháng đó, đã qua - vâng đã qua rồi, qua đi, như một tấm khăn phủ trên mặt người quá cố, bỗng dưng bị cơn lốc nào cuốn hất tung lên cao và đã thất lạc. Giữa lúc tôi không còn một chút hy vọng nào về sự níu kéo về cái thầm ước mong một phép lạ, một may mắn huyền hoặc xảy đến cho tôi, đem tôi ra khỏi hai thước hành lang ắp đầy bóng tối, khỏi tiếng đàn dương cầm của người con gái đài các nào đó vẳng đưa những ngân, láy xoáy buốt dọc theo xương thịt tôi, thì chàng trở lại. Sự trở lại, đem theo nhiều phờ phạc trên nét mặt khô nhám, sự trở lại, chất chứa cả một trời u thảm, hờn dỗi trong đôi mắt chàng, chống lên, bất động với những viền thâm kéo quanh. Gặp lại chàng tôi không thể khóc được (vì đã cạn vơi nước mắt từ bao đêm khóc thầm, khóc vụng), dù tâm hồn tôi nhão mềm xúc động, bủn rủn xót sa. Tôi dùng cả hai tay vuốt thẳng những lọn tóc, che rợp hai má xuống quá vai, để gián tiếp bảo với chàng rằng, tóc em đã dài đến thế này, anh có biết đã bao nhiêu ngày tháng qua đi rồi không? Hơn nữa. Anh có thấy được ở những sợi tóc em nuôi dài này một điều gì khác hơn nó là thế không? Ừ, anh đã cười. Bao ngày rồi anh mới lại cười với em, trong chiếc ghế đó, ở một góc đó, dưới ngọn đèn đó. Như vậy anh đã biết rằng em nuôi mái tóc này, không phải cho em. Không đâu, không một chút nào hết, mà cho anh đấy. Đã bao lần mẹ mắng em sao không chịu đi uốn cao lên cho nó... mát. Trông không cũng đã đủ nực rồi. Gớm, theo ai mà bầy đặt để tóc dài vậy không biết nữa. Đã hết đâu, còn chị Sáu nữa chứ, chị ấy đã giận em vì không cùng đi uốn tóc với chị ấy. Chị ấy đã dẫy nẫy lên, gay gắt, la em, khi em nói đùa thôi tiền uốn tóc của em, chị cho em mua kẹo ăn đi... Ờ, tất cả chỉ vì người ta hết. Em đã chiều theo ý anh, ngay cả trong thời gian mà anh quên bẵng em, như chưa một lần anh nhìn em đắm đuối đến tận cùng ánh mắt. Nhưng nào đâu chỉ có thế. Cái quan trọng hơn, quan trọng vô cùng là linh hồn em, em cũng đã trao anh. Trao anh ngay từ phút đầu tiên, lúc giọt lệ đầu đời con gái nhỏ xuống anh lúc lúng túng ngỏ lời yêu em. Em không còn gì nữa, cả cái xác vô hồn này. Và có xá gì thân xác này một khi linh hồn em đã trao anh.

 

Khi gặp lại chàng tôi chỉ dám nói đôi lời hờn trách chứ không dàm vặn hỏi chàng lý do bỏ bẵng tôi, lâu như vậy. Tôi cũng không muốn nghĩ nhiều đến chuyện đó vì nghĩ tới là tôi muốn ứa nước mắt. Với cái tật mau nước mắt, tôi thấy chàng nói đúng - đúng không riêng cho tôi mà hầu như cho gần hết những người con gái mới lớn, những người con gái vừa chập chững bước ngắn bước dào vào ngưỡng cửa của tình yêu. Chàng bảo, đôi mắt em chỉ để nhìn và khóc. Và tôi đang khóc đây. Nước mắt ở đâu mà mau thế không biết nữa. Nhưng những giọt lệ đang rơi bắn đi khỏi mắt tôi, bây giờ, không phải là những giọt lệ buồn tủi, như ngày nào, nhưng sau những giận hờn, trách cứ nhau, mà là như hạt lệ nồng chứa yêu thương. Những hạt lệ như một hoài âm của hạnh phúc bật lên, và vang xa từ một sợi dây tình ái. Chàng vỗ về nhè nhẹ trên vai tôi. Những ngón tay chàng cởi rời từng cụm tóc phủ che nửa mặt tôi. Và bàn tay, với những ngón nóng bỏng, như có điện truyền vuốt dọc sống lưng tôi nhột nhạt. Yêu anh không bé, yêu anh không? Tự nói bằng hơi thở phả qua làn tóc tôi rối bung. Tôi dụi má mình vào ngực chàng, không đáp. Kìa, bé nghe anh nói không. Nghe anh nói không em. Thục ơi. Tôi ngước nhìn, đôi mắt chàng đang cúi xuống vắng xa... Ghét anh thấy mồ. Em cắn anh bây giờ. Tự cười và chớp nhanh, chàng hôn vùi lên mặt tôi. Những nụ hôn tham lam, đầm đìa đắm đuối. Tôi nhắm mắt để tận hưởng tất cả những gì có trong khoảnh khắc nỗi trôi dềnh dạt của tâm hồn và thể xác...

 

Chúng tôi ra khỏi rạp lúc nắng đã treo trên những đỉnh cây, cành rợp đâm ngang. Sau cơn mưa ngắn, đường phố sáng bóng, mầu bóng sáng của một thứ ơn phúc mới thơm ngon và tươi mát. Chàng đi sát bên tôi, mặt cúi nghiêng lúc nào cũng như muốn nhìn sâu, tận đáy mắt, làm tôi ngượng chín. Gớm tính đâu mà lại có cái tính khổ đến thế này. Chút gì cũng khiến tôi ngượng ngùng e sợ. Chút gì cũng khiến tôi nao nao, mắc cở. Đi bên chàng, với tia nhìn đó, tôi chỉ muốn luôn có trong tay chiếc mặt nạ che kín hết. Để chàng khỏi mãi nhìn tôi, bằng những tia nhìn như muốn nuốt, muốn nhai (dù trong mắt nhìn ấy, mặt khác có chứa âu yếm, chất ngất nồng nàn, đắm đuối).

 

Tôi bước xuống lòng đường bằng những bước muốn hụt muốn hỗng, những bước thật nhẹ tênh, nhẹ như không hề chạm mặt nhựa, vì chính thân thể tôi, cũng đã mất cả trọng lượng bình thường, nó cũng đã muốn bềnh bồng bay lên theo những cụm mây trắng hiện ra ở giữa hai vòm cây cong phủ rợp. Chợt tiếng còi xe quen quen làm tôi giật mình, ngừng bước.

 

Trời. Tôi có nhìn lầm chăng?

Tôi có hoa mắt chăng? Tôi mơ hay tỉnh? Tôi đang sống hay đã chết. Toàn thân tôi rũ liệt. Tim tôi khựng đứng. Mắt tôi mở lớn, lớn như vượt quá độ nó có thể dãn nở. Miệng tôi mở ra nhưng không một tiếng nào bay thoát. Một tiếng kêu lớn của sửng sờ. Sửng sốt - một tiếng thét thất thanh của kinh hoàng ghê sợ - một lời rên rỉ của đớn đau, bi phẫn. Một van lơn, của cùng đường nguy khốn của tuyệt vọng bừng bừng sụp đổ. Tôi muốn quỳ xuống giữa lộ đang tuôn tuôn xe chạy, mà sao hai đầu gối tôi chỉ đập vào nhau mà không thể quỵ gập. Tôi muốn chắp tay như một phản xạ tự nhiên giữa cơn kinh hoàng mà sao những sợi gân không thể co lại, chúng trùng dãn như đã mất tự bao giờ sức đàn hồi, chúng chỉ còn đủ làm cho những ngón tay co, cóng, bần bật rung xuôi theo nếp áo chảy thẳng. Khuôn mặt giận dữ, nghiêm khắc trong xe kia là khuôn mặt của ba tôi đó sao? Đôi mắt đăm đăm không chớp kia, đôi môi mím chặt, vầng trán quen với những nếp nhăn thành luống kia cũng là của ba tôi đó sao? Tôi chết mất. Tôi phải chết. Tôi không thể sống được. Tôi không thể sống được khi lát nữa đây, tôi gặp lại người, trong căn nhà bao năm tôi đã sống. Tôi phải chết. Tôi chết mất. Cả chàng nữa. Tình yêu của chúng tôi phút chốc đã tiêu tan. Trọn một tương lai với biết bao nhiêu tháng năm ắp đầy dự tính, căng phồng ước vọng phút chốc, đã chỉ còn như những giọt lệ bất thần lăn đi từ đôi khóe mắt tôi. Chỉ trong một thoáng rất nhanh, tôi thấy rõ ràng, bầu trời sụp tối. Chỉ trong một thoáng rất nhanh, tôi thấy rõ ràng đời tôi đã hết, sự sống đã như con nước rút xa bờ cát thấm. Không thể tha thứ được. Phải không đời nào ba tôi có thể tha thứ cho tôi, trong cuộc tình lén lút này. Không thể nào, người đã nhiền lần cảnh cáo tôi. Thà. Rằng tao không có con gái, chứ tao nhất định không bằng lòng một thứ con rể như nó. Tao có thể khổ sở, có thể chịu được mọi nhọc nhằn đội đá ở đời để nuôi chúng. Nhưng tao không thể tha thứ cho bất cứ đứa con gái nào cãi ý tao. Với tao đó là một sĩ nhục ghê gớm nhất.

 

Hoặc là tao có con hoặc không, thế thôi, đừng đứa nào trông mong một nhân nhượng bao dung hay thông cảm ở tao. Tao nói trước để chúng bay liệu lấy thân. Nếu trái lời tao thì cứ việc ra khỏi cửa nhà tao ngay lập tức. Tao không chút thương xót. Ra khỏi nhà và nhất là cứ thản nhiên coi như không có một chút liên hệ một ràng buộc nào với tao cả.

-... Về ngay, về ngay. Đợi tao... Ba tôi nói, ông dằn từng tiếng. Mỗi tiếng thoát đi từ miệng ba tôi như một viên đạn nổ tan nát âm vang tâm hồn tôi. Óc tôi quay mòng với bao cực hình, bao nhiêu ghê rợn sẽ xảy đến. Những gì sẽ xảy ra trong ngôi nhà mà tôi sẽ trở về. Không thể đoán trước, một cách đích xác. Nhưng có điều chắc chắn là sẽ gồm toàn những đớn đau, những ghê gớm mà tôi thấy trước, tôi không đủ sức chịu đựng. Không thể chịu đựng nổi.

 

Ý nghĩ trốn bỏ đi luôn, đi đến bất cứ một nơi nào, nơi nào cũng được để khỏi phải trở về, miễn là khỏi phải bước vào ngôi nhà, mà tôi sẽ đợi chờ trong căng thẳng từng phúc, sự xuất hiện của ba tôi. Trốn đi, đi mãi, đi mãi cho tới lúc kiệt sức rồi chết. Trốn đi, trốn đi. Một mình thôi. Phải trốn đi một mình mới được. Không có Tự, không có ai hết. Để cái chết sau đây may ra được ba tôi nhìn, như một ăn năn, một hối hận, dù là một ăn năn đã muộn, một hối hận vô ích. Nhưng dẫu sao thì bây giờ tôi cũng không dám nhìn ai, kể cả chàng. Tự cũng không hơn gì tôi.

 

Chàng như một thần tượng thô kệch đặt không đúng chỗ. Phải chi không có Tự ở bên cạnh. Phải chi ở ciné ra sớm hơn một chút. Phải chi... phải chi... Cả trăm cái phải chi phừn phựt như lửa bén bùng trong trí tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy oán hận chàng đến thế. Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ thù ghét chàng như lúc này. Thù ghét chàng và thù ghét cả tình yêu mà bấy lâu nay chúng tôi cùng ấp ủ, nâng niu, vun xới. Tôi không còn thiết một điều gì. Người tôi mềm nhũn. Óc tôi nhão chảy. Tay chân tôi rời rã. Chiếc xe đã lao đi như mũi tên buông từ tay một cung thủ quyết liệt trong cuộc thi đến hồi kết cuộc. Tôi đứng sững như vậy. Chết lặng - như giấc mơ còn vướng vất chưa tan. Như những việc vừa xảy ra không phải là thực. Là mộng, một giấc mộng hãi hùng quá thảm thiết đến độ kẻ nằm mộng không dám đoan quyết rằng đó chỉ là giấc mộng.

-Dẫu sao thì em cũng phải về. Về thôi chứ, chuyện đã lỡ vậy rồi. Tự nói. Tôi mím chặt môi, cố giữ nhưng nước mắt vẫn chảy. Tai tôi đã ù, không còn nghe thấy gì, kể cả những tiếng còi xe giận dữ, quát tháo. Trong đời chưa một lần nào tôi tuyệt vọng và đau đớn thế này. Tìm đến cái chết, e rằng tôi không đủ can đảm, liều lĩnh. Nhưng một mặt tôi vẫn ao ước được chết, chết trước khi về đến nhà. Chỉ có mỗi một cách chết là ổn thỏa, khỏi đau đớn, khỏi nhục nhã, khỏi khổ sở, khỏi ăn năn hối hận.

 

Như một kẻ say rượu một người lên đồng nhập cốt, tôi bước, những bước vô định với hình ảnh những chiếc xe chập chờn qua lại. Nắng ấm tít trên cao. Tôi thèm được nằm dài ra, để lần lượt hàng trăm hàng ngàn bánh xe lớn nhỏ lăn qua, lăn qua mãi, cho đến lúc tôi không còn biết gì hơn. Tôi lúc ấy, chỉ còn như một khối thịt nhão nhẹt, mềm xèo. Một đống thịt vô tri vô giác. Một đống thịt không nợ, không vay, không giựt gì của đời sống này hết. Đời sống này là của kẻ khác, những kẻ khác chứ không phải tôi. Tôi chỉ là kẻ ở nhờ, chỉ là kẻ sống đậu. Không thể mãi sống đậu ở nhờ được.

 

Đến một ngày nào thôi chứ. Một giới mức cuối cùng nào đó, tôi phải ra đi, ra đi, nhưng không là một trở về, vì tôi chỉ có điểm đến mà không có đích khởi hành. Và bây giờ, đã đến lúc tôi phải ra đi. Thôi đi đi con, con luyến tiếc chi nữa. Tất cả đã hết. Hết rồi, dù chưa có gì để mà hết. Thôi đi đi con, đi đi. Thục ơi, hãy trở lại những gì mà mày mượn tạm bợ. Hãy bỏ, hãy quên, hãy ném trả tất cả. Tất cả, bởi tự căn bản, mày không có gì hết. Không có gì, kể cả tình yêu. Tình yêu, cũng chỉ là một mù quáng, một ảo ảnh đánh lừa những kẻ cô đơn, những kẻ đã sống, đã sinh lầm đời. Thôi. Thục. Thục. Thục... Tiếng ai đó in là không phải giọng tôi hay chính là giọng tôi vang động hai hàng phố, chạy dọc theo con đường, vỗ vào từng thân cây, dội lại từ bờ hè, đập vào tai tôi, như một réo gọi thảm thiết cuối cùng của tuyệt vọng. Tôi thả mặc cho hai mí mắt xụp xuống.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 2022(Xem: 4733)
23 Tháng Tư 2022(Xem: 16557)
23 Tháng Sáu 2021(Xem: 4166)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3141)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3705)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 2448)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17028)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12248)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18974)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9162)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8320)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 600)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 972)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1156)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13984)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19171)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7885)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8805)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8495)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11052)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30704)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20812)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25500)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21723)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19779)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18048)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19247)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16110)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24492)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31944)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34929)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,