Chương Ba

29 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 4914)
Chương Ba

TÔI GHÉ QUA TIỆM CƠM, TRƯỚC khi trở về nhà. Bữa cơm bình dân cũng như bao bữa qua, dăm miếng thịt kho thái mỏng, mấy cọng giá sào với tóp mỡ, một tô canh lổn nhổn vừa vụn cá vừa vụn xương và ít rau láo nháo. Cô chủ quán đón tôi bằng ánh mắt trìu mến cố hữu, giọng đon đã, đong đưa như đã được sửa gọt từ cuống họng:

-Thiếu úy lại trễ quá vậy. Cơm nước nguội cả ăn mất ngon. Để em hâm lại đã nghe. Tôi nghe rã rượi buông phịch thân hình xuống chiếc ghế gỗ nhỏ. Mắt tôi hoa quáng quay cuồng những hình ảnh dữ dội, nhòe nhoẹt máu đỏ, cùng những con ngựa phủ vải đen có vạch sơn trắng chạy thành hàng rần rật qua mắt tôi với những chiếc ngù cắm ở bốn đầu xe. Ý nghĩ mình đã mất Thục từ phút này, mất hoàn toàn, mất vĩnh viễn làm tôi nghẹn ngào - Nghẹn ngào một nỗi uất hận chua cay không cùng. Tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc hoàn cảnh xô dồn tới chân tường, bức bách tôi phải thực hiện cái hành động dã man, khốn nạn, ngu xuẩn là giết Thục. Tôi vẫn nói với nàng như vậy, ngay cả những lúc chúng tôi đang tràn đầy hạnh phúc, ngay khi chúng tôi vừa rời môi hôn. Anh không thể làm gì khác hơn. Thục hãy hiểu cho anh như vậy. Không, em hãy ráng cố hiểu rằng anh không một bốc đồng, không một chút mù quáng khi nuôi giữ lấy cho mình ý nghĩ ghê gớm đó (dù mọi người, kể cả gia đình anh, gia đình em, sẽ nhìn anh trong hành vi ấy, như một tên điên, một thằng khùng), vì anh có suy tính, có suy tính, anh phải thú thật với em như vậy. Anh có suy tính kỹ càng rồi đấy. Sự chết, lúc này, như em thấy, bằng cách nào cũng không thể tự nó mặc khoác cho nó một giá trị, ngoài cái vô nghĩa, cái phi lý, cái ngô nghê của nó. Vậy tại sao mình không tự chọn, tự định trước cho mình một cái chết. Ít nhất, cũng mang một ý nghĩa nào đó, với riêng mình, dù ý nghĩa ấy, ở đây, chỉ là ý nghĩa của một tuyệt vọng. Một bất lực được nhìn nhận và cam đành. Ít ra là như vậy, còn để khi không lơi khơi, đùng cái lăn cổ ra chết một cách lãng xẹt. Chết mà đến lúc nhắm mắt vẫn không hiểu cái chết của mình để làm gì và cho ai. Hơn nữa, anh không thể mãi hy vọng làm lại đời mình với những tan vỡ, những tuyệt vọng chất chồng. Bao nhiêu hy vọng còn sót lại, bao nhiêu nghị lực còn sót lại sau những lỡ dở, những cùng khốn đã qua, anh dồn tất cả, cho cuộc tình này, như một thu vén cuối cùng, một vơ vét nhặt nhạnh để xả láng trong canh bạc chót giữa định mệnh và nỗ lực kiếm tìm hạnh phúc.

 

Tôi xúc lấy cho mình đầy một bát cơm. Nhưng lạ, hễ cứ cầm bát lên, đưa gần miệng là tôi muốn ứa nước mắt. Loay hoay như vậy mãi, cho tới lúc, tôi và được vào miệng, những hạt cơm đầu tiên, những hạt cơm rời khô như một bụm cát đắng, chát. Tôi nhai trệu trạo rồi nuốt ực, đứng lên, trả tiền về trước mắt nhìn ngơ ngác, nghi hoặc của cô chủ quán. Trong ánh mắt cô ta ánh lên một chua xót thương hại.

- Thiếu úy muốn bịnh rồi hay sao đó. Tôi gượng cười, lắc đầu không đáp.

Con ngõ lầy lên với những vũng nước loang lổ ngầu đục. Giấc trưa đã đến trong những tấm cửa sổ sơn mầu chói. Bất giác tôi tự hỏi không biết mình còn đi lại con ngõ này, bao lần nữa. Bao lần sẽ hết đời mày. Bao lần nữa chưa thể đoán chắc được. Nhưng hiển nhiên là Thục sẽ chẳng còn một lần, thêm nữa, đặt chân tới đây. Sự kiện xảy ra quá đột ngột. Đột ngột, đến tưởng chừng như chưa xảy ra hay nếu có, chỉ là trong giấc mộng mà thôi. Tôi tắt máy xe, đẩy dạt tấm cửa sắt về một bên.

 

Những tàn lớn xòe rợp của cây si trồng trong hòn non bộ lặng thinh lãnh đạm. Phòng khách vắng, trụi trơ như không có một dấu tích nào của sự sống. Con hổ đá vẫn nằm án ngữ giữa hai chiếc ghế sa lông bọc vải đã ngả mầu. Cái êm vắng, dưới mát của căn nhà cổ lần đầu tiên không đem đến cho tâm hồn tôi, một chút thanh thản dịu nhẹ nào mà trái lại, nó gợi cho tôi, liên tưởng, tới hình ảnh của một nấm mồ lớn, một nấm mồ hiu quạnh. Một nấm mồ lộ thiên, đã giết không biết bao nhiêu cuộc đời bởi cái không khí êm ả ma quái của nó. Từ cái chết bí mật và thảm thiết của hai vợ chồng người chủ nhà đầu tiên, xây dựng nên nó, một trong bể nước, một trong nhà cầu. Cho tới cái chết đột ngột của ông nội Doãn, người đấu thầu được căn nhà vô chủ. Và hiện tại là đời sống thầm thầm khô héo của Doãn, những ngày những đêm nằm mơ tưởng tới một tình yêu không thể có cùng những đêm trổ nóc, trèo trên nóc nhà, chạy trốn các cuộc bố ráp bắt lính ban đêm. Căn nhà thật rộng với 4 phòng lớn, chưa kể bếp núc và hai cái nhà kho, đủ chứa tới hai gia đình neo người, và hai chiếc sân lớn với hai cánh cửa hông mở vào hông hai con hẻm khác, một dẫn vòng ra chợ, một đưa thẳng đến mặt tiền của trại giam phạm nhân chính trị. Doãn nhường cho tôi căn phòng trong cùng, ở góc phải, với những cánh cửa sổ trong căn phòng tôi có thể nhìn ra chiếc sân trong, nơi có bể nước mà chị vợ người chủ nhà đầu tiên đã dầm mình chết ngộp sau mười ba ngày khánh thành, xa thêm chút xíu nữa, cũng trên một con đường thẳng là chiếc nhà cầu, nơi người chồng cắn lưỡi sau khi đã tự cắt đứt gân máu ở cổ tay bằng chiếc dao cạo loại rẻ tiền nhất, có nhãn cái tàu thủy. Một cánh cửa khác, mở vào lòng con ngõ bên phải, con ngõ dẫn thẳng tới trại giam. Nơi mà nhiều khuya chợt tỉnh giấc rất nhiều lần tôi đã nghe rõ những tiếng thét rú ai oán, âm vọng tới như khởi đi từ một cõi nào xa xôi không có thực, và tiếng thét rú lạc giọng đến không nhận ra được là tiếng người hay vật. Duy chỉ có âm vang của nó là ngân dài và như có sức làm rung động cả một khối không khí lạnh buốt sương đêm. Mình Doãn chiếm cả ba phòng còn lại. Mỗi phòng đều có một chìa khóa riêng và điều kiện mà Doãn giao trước với tôi là không được tò mò để ý đến ba phòng đó dù cửa khép hay mở, khi tôi ngỏ ý xin dọn tới ở nhờ. Hiếu kỳ không phải là tính của tôi, hơn nữa, tôn trọng lời giao ước với bạn, nên cũng chẳng bao giờ tôi quan tâm tới những căn buồng đó. Đôi lúc, không biết vô tình hay cố ý, Doãn để ngỏ hé một cánh cửa buồng, bất thần đi ngang, tôi cũng muốn ghé mắt thử xem, những gì chứa ẩn bên trong đó. Nhưng nghĩ lại, lỡ chẳng may có Doãn ở đấy, thường quay mặt đi ngay hoặc thấy một sự gì quái đản, biết đâu, mình chẳng dám ở và có thể Doãn cũng chưa dễ gì đã để cho mình ra khỏi nhà một cách êm thắm, nên tôi kịp kìm hãm được mình. Bù lại Doãn cũng rất sòng phẳng đàng hoàng, trong những việc bè bạn đến thăm tôi, kể cả bạn gái hay Thục. Không bao giờ Doãn đá động hoặc tỏ một dấu khó chịu nào hết. Luôn luôn Doãn có thể lẩn mặt để họ ra vào phòng tôi tự nhiên, như nhà riêng của họ. Những lúc tôi vắng, họ vẫn có thể đến và ngủ lại trong phòng tôi, nếu họ muốn. Lúc đầu, không khí âm u lặng lờ của ngôi nhà làm cho dăm ba người nhất là Thục sợ sệt, lo ngại. Sau quen đi, cả hai phía đều lấy làm hài lòng vì sự biết tôn trọng lẫn nhau. Tôi dựng xe ngoài hiên xong trở ra khóa cổng, quàng đoạn dây xích bấm khóa lại cho yên trí rồi mới vào nhà. Tôi định bỏ cả buổi chiều nay cho câu chuyện vừa xảy ra và tự hứa sẽ có một thái độ dứt khoát, một lập trường rõ rệt khi câu chuyện diễn biến tới mức cuối cùng mà nó phải tiến đến.

 

Khi tới gần cửa phòng mình, tôi nghe nhiều tiếng động nhỏ từ trong vẳng ra như có ai đang ở trong đó. Tôi kiểm soát thật nhanh trong đầu để dự đoán xem là ai?

Ai? Không lẽ Yến. Yến hoặc Hiệp. Yến chưa bao giờ đến bất thần như thế. Chúng tôi đã giao ước trước với nhau - tuần hai lần, chiều thứ năm và chiều thứ bảy. Chiều thứ năm Yến cúp cours và chiều thứ bảy Yến được nghỉ học. Đến với anh trong những giờ khắc đó ở nhà không biết và không ai nghi ngờ gì hết. Yến nói thế.

 

Nhưng hôm nay mới là thứ hai. Chắc Hiệp. Ngoài hai người đó, không ai được phép vào phòng tôi, lúc tôi đi vắng. Mong là Hiệp. Mình cũng đang muốn gặp nó. Dù có kể chuyện vừa xảy ra với nó, nó cũng chả giải quyết được gì cho mình đâu. Nhưng có nó lúc này vẫn hơn. Sự có mặt cần thiết của một kẻ nào đó, trong cơn bi phẩn, tuyệt vọng chỉ là một cái cớ để mình có thể xả bớt phần nào u uất.

 

Tôi khom lưng luồn dưới chiếc võng của Doãn, mắc chắn ngang cửa vào phòng. Tiếng động trong phòng chợt tắt. Tôi xoay quả đấm xứ, hé mở cánh cửa. Căn phòng tối đục. Quần áo, sách vỡ, báo chí bừa bãi lúc tôi đi đã được bàn tay nào dọn dẹp gọn ghẽ. Trên giường, một người nằm trùm chăn kín mít. Tôi hơi phân vân. Sao lạ thế này. Tôi cáu kỉnh đóng xầm cánh cửa và nói như gắt: Hiệp. Dậy mày. Hết trò rồi sao. Khối chăn xù xù trên giường hơi lay động nhưng vẫn nguyên vị thế cũ. Tôi bước lại, cúi xuống, núm một đầu chăn hất tung ra.

- Yến. Tôi buột miệng kêu lên.

 

Yến thao láo mắt nhìn, xong nhắm mắt lại ngay. Nụ cười vừa nở trên môi cũng vội vàng tắt theo: Khuôn mặt nàng ửng đỏ. Mấy sợi tóc rối vắt lòa xòa trên vầng trán gồ bướng bỉnh một cách thông minh. Chắc Yến đọc thấy vẻ khác thường trong mắt tôi, trên khuôn mặt tôi. Tôi bị một khuyết điểm mà mãi không sao chữa được đó là sự lộ hết, bật hết, tất cả những khác thường, những đau đớn cũng như những hân hoan, trên gương mặt, trong giọng nói, trong mắt nhìn. Tôi chưa dấu được ai mỗi khi có chuyện buồn cũng như không che được nỗi hân hoan hạnh phúc sau mỗi lần thụ hưởng. Tôi ngó sững Yến. Sự có mặt ngoài dự đoán này làm tôi lúng túng và bối rối. Giây lát sau, như không chịu được cái nhìn kỳ quái, sỗ sàng, cứng khô đầy tra khảo lạnh lùng của tôi, Yến trở mình quay mặt vào trong. Tôi nhoài người đẩy một cánh cửa sổ lấy ánh sáng thêm cho căn phòng, ngồi xuống mép giường.

- Yến lại lâu chưa?

 

Tôi hỏi và đưa tay cời cời những lọc tóc ngắn, quăn úp, ôm lấy chiếc gáy trắng xanh với những sợi lông măng mượt óng của Yến. Trong một thoáng nhanh, tâm hồn tôi như một chiếc lác chao chao giữa một khoảng không gian thơm nức hương của son phấn, của nước hoa, của thịt da. Niềm kinh ngạc ở nơi tôi, không phải do sự thấy lòng mình mềm yếu, nhũn chín ham muốn mà chính ở nơi - sao tới giờ phút này mới thấy Yến đẹp, mới thấy Yến quyến rũ, mới thấy Yến như một trái cây đã chín muồi, như một mời mọc đã đủ chiều cao của gợi khêu tham lam, đủ sức đẩy mở cho điên mê thoáng chốc phực lửa dục tình tràn bờ phăng phăng cuốn tới. Yến lúc này, không còn là một Yến học trò với đôi môi ướt, một Yến nũng nịu và nhiều lời với con mắt dài, sâu, lúc nào cũng chỉ chực chờ bộc phá bởi những con sóng ngầm lãng mạn. Cái lãng mạn trong veo của một thứ suối tình cảm tuôn chảy khởi kiếp. Cái lãng mạn sáng tươi rực rỡ với những tiếng cười vỡ nát từ đôi hàm răng ngà bóng. Cái lãng mạn thủy tinh không một chút đục vẫn - tôi không dám nói là cái lãng mạn nên hoặc ao ước có nơi mỗi người con gái mới lớn. Nhưng là cái lãng mạn của vốn liếng làm giàu, cái lãng mạn hành lý cho một khởi hành mai sau vào đời hệ lụy. Tôi thích và quý trọng cái lãng mạn của lãng mạn đó, ở Yến. Nên chưa một lần tôi đan tâm để hạt pha lê đó rơi khỏi bàn tay nàng. Chưa một lần. Tôi quý trọng và cảm phục tâm hồn Yến khi Yến biết đủ mọi chuyện về tôi, quan trọng nhất là Yến biết tôi đang yêu Thục. Yêu Thục và công khai lộng hình Thục trên bàn viết. Tôi cũng không ngờ Yến có thể chấp nhận được chuyện ấy, chấp nhận một cách nhẫn nhục. Không những chấp nhận người mình yêu tôn thờ một hình bóng khác mà còn thiết tha lo đến cả người mà lẽ ra mình phải coi như tình địch, một kẻ khó đội chung trời. Yến bảo tôi, anh đừng nghĩ rằng em không có máu ghen. Có chứ. Sợ còn dữ dằn hơn ai khác nữa. Nhưng em là người đến sau. Sau nhiều người lắm, sau Niệm hay Thục, sau Thục. Nhưng khổ một điều không hiểu tại sao em đã biết vậy mà vẫn yêu anh. Đôi khi em nghĩ, không biết anh có khinh em không. Anh sẽ cho rằng em chả còn chút danh dự, tự ái nào của một đứa con gái hết. Những lúc ấy, tôi thường chặn Yến lại bằng một nụ hôn khép kín đôi môi nàng. Và tôi nghĩ, nếu Yến đến sớm hơn một chút nữa. Một chút xíu thôi, có thể tôi đã yêu Yến. Yêu Yến sau đắm như đang yêu Thục. Nhưng ngược lại, tôi nghĩ lẩm cẩm, biết đâu chả vì mình đã có Thục nên mới có thêm Yến. Không có Thục chắc đâu đã có Yến.

 

Yến không trả lời. Tôi chống tay ngang ngực nàng. Yến khóc. Đang khóc. Từ ngày Yến tìm đến với tôi, đây là lần đầu tiên nàng khóc. Nhìn nghiêng, những giọt lệ như những hạt mưa nhỏ, lăn thành dòng và thấm xuống; ướt một khoảng áo gối.

- Sao Yến khóc. Khổ quá. Anh có muốn vậy đâu. Làm sao hơn được. Yến vẫn bất động. Tôi chắc Yến không hiểu ý tôi và chính tôi, tôi cũng không hiểu mình đã vừa nói gì nữa.

Bây giờ cơn mệt mỏi mới bắt đầu dấy lên trên khắp thân thể tôi. Chân tay rời rã. Hai mí mắt trùng xuống, chỉ chực nhắm. Bằng sức mạnh, tôi xoay đôi vai Yến, bắt nàng nằm thẳng người lại. Yến không chống cự nhưng hai mắt vẫn nhắm nghiền. Dưới lớp mi cong, tôi thấy rõ hai con ngươi di động đùa nước mắt về hai khóe. Tôi mệt mỏi úp mặt mình xuống ngực Yến và chỉ trong thoáng chốc, hình ảnh Thục mọc lên, mọc lên mãi, như những cánh tay của con bạch tuộc từ dưới lớp biển lặng vươn lên, tua tủa thành hàng.

 

Thục - Anh đã mất em rồi, phải thế không em. Phải thế không Thục. Suốt đời mình, dù anh có thể sống thêm trăm năm nữa, dù anh có bắt đầu lại một đời sống khác, dù anh có được sống trùm lên mấy kiếp thì chúng mình cũng không thể còn có với nhau, những buổi hẹn hò, những sáng nắng, những trưa mưa. Những chiều gió đầy, ngồi với nhau. Ngồi hàng giờ để không nói một lời, để chỉ nhìn. Nhìn, và khi không cười. Hạnh phúc của đời anh, lẽ sống của đời mình giản dị quá, mộc mạc quá. Em thấy không mà sao mình cũng không được quyền có. Mình không được quyền gì hết sao em? Ngay cả quyền chọn lấy cho anh một khoảnh khắc nhỏ nhoi, trong thời gian vô tận để sống riêng mình, riêng cho một cuộc tình, riêng cho một cuộc đời. Anh biết anh sẽ không còn gì. Không thể còn gì hơn khi đã mất em, hình như có lần anh đã nói với em: Không có một làm lại nào không khởi xây từ một đổ nát, vữa vụn, nhưng cũng không có một làm lại nào có thể mãi khởi dựng trên những đổ nát chất chồng. Em có thể khởi công từ đầu, từ đầu như chưa hề yêu ai, chưa hề yêu anh. Rồi em sẽ có một người yêu khác. Một người nào đó khác hơn anh. Một người hoàn toàn vừa ý ba mẹ em với những điều kiện căn bản, hợp lý. Em sẽ lập lại thêm một lần nữa trong đời em, những gì em đã nói với anh em sẽ diễn lại một lần nữa, những hành động âu yếm em đã dành cho anh. Em sẽ thản nhiên phải hết sức thản nhiên, mỗi khi nghe ai nhắc đến tên anh. Kể cả chồng em nữa. Rồi em sẽ có hạnh phúc. Hạnh phúc mà người chồng sau này sẽ đem đến cho em, có thể đầy, có thể tròn, có thể trăm ngàn lần hơn, những gì anh đã cho em, những gì anh mưu cầu đem đến cho em. Và anh tin, em sẽ quên anh mau lắm. Em còn quá trẻ, để không thể mãi nhớ một dĩ vãng thảm thiết. Em còn đủ, quá đủ thời gian để sơn phết lại tâm hồn, sửa sang lại khuôn nếp, tẩy uế tì vết, làm một cuộc khởi hành mới. Ở cuộc khởi công kiếm tìm này, anh nghĩ, em sẽ chín chắc, em sẽ vững chãi, bản lĩnh, bằng vào kinh nghiệm có từ cuộc tình lót đường, cuộc tình đầy khốn khổ, ốm o này và em sẽ thành công. Thành công theo đúng ý nguyện của em. Của gia đình em. Anh không một oán trách nào đâu. Thục. Em tin vậy không? Phải tin chứ. Anh nào có quyền gì để dành lấy cho mình cái trách cứ vô duyên ấy. Những gì em đã cho anh, dù trong một khoảng thời gian ngắn ngủi những gì em còn để lại nơi anh, dù chỉ vỏn vẹn dăm tờ thư, mấy tấm ảnh cũ, vài ba mẩu giấy định lại giờ hẹn... Còn nữa chứ. Còn những con đường chúng mình đã qua. Những bóng tối chúng mình đã bước tới. Những sáng vắt cao chúng mình đã thở. Những hàng cây chúng mình đã nương theo bóng lá, những ngọn me - những ngọn me thật cao, cao trên mỗi rì rào bao đời đã qua đi trên lớp vỏ mốc nứt...

 

- Anh... Yến lay vai tôi. Chắc Yến tưởng tôi ngủ. Mà có lẽ tôi đã ngủ thật. Tôi đã chợp mắt và trong phút giây bất chợt đó, tôi đã sống, đến ngày cuối cùng của đời tôi. Cái ngày cuối cùng của đời tôi. Cái ngày cuối cùng của một đời, thân chưa cỗi già, tóc chưa hoa râm, răng chưa mõm rụng, ngực còn ưỡn căng, chân còn bước những bước chĩu nặng rung đất đá, mà đã thấy cạn cùng, mà đã thấy những cánh cửa mở vào đời mình bỗng khép. Những lối dẫn về cuộc sống đã cụt nghẽn. Thôi những cánh cửa sổ đời tôi đã vĩnh viễn không còn một lần đẩy mở vì những ngọn đinh ác độc, những ngọn đinh thành kiến, những ngọn đinh bất cập đóng chết. Tôi đã thở những hơi thở cuối cùng của một vuông lượng không khí nhỏ nhoi. Dù sẻn dè cách mấy, tôi cũng không thể kéo dài hơn cái tận cùng của một lần phải bước chân sa hụt vào hỗng không, vào hư vô, vào mất tăm của vô tri vô giác.

Bàn tay Yến lạnh mát, luồn dưới cổ tôi. Những ngón tay Yến chạm tới đâu, tôi thấy rõ thịt da mình hừng nóng ở đấy. Cảm giác được vuốt ve mơn trớn của Yến làm tôi động lòng, nghĩ tới Thục và muốn khóc. Không được. Mày không thể khóc. Hèn lắm mày là đàn ông mà. Phải can đảm lên chứ, con.

Tôi nghiêm mặt, rúc đầu vào cổ Yến.

- Gì thế Yến.

Yến im lặng một lát. Làm như Yến phải cố gắng giữ ghìm cảm xúc của mình. Nàng thở dài:

- Em đến đây có làm phiền anh không?

- Đây có phải là lần đầu đâu mà sao Yến hỏi anh kỳ vậy. Yến không...

 

Yến cướp lời tôi:

- Khoan đã anh. Anh cho Yến nói đã, đến hôm nay, em đã đến với anh trên ba tháng, cứ tính trung bình mỗi tuần 2 lần, anh thử nhân lên, bao nhiêu? Bao nhiêu em thiết nghĩ cũng không cần thiết, không quan trọng bằng những gì em đã chứng tỏ với anh. Khi đến với anh, khi yêu anh. Em chịu đựng hết tất cả. Mọi thiệt thòi, mọi cố gắng mà em phải cam chịu. Nếu anh xét kỹ anh sẽ thấy nó vượt ngoài sức tưởng tượng của một người bình thường. Đến cả tự ái của em, em cũng dẹp bỏ. Em cũng không biết tại sao em lại chịu đựng được. Nhưng đây có lẽ là lần đầu, lần đầu tiên em thấy anh khó chịu khi thấy mặt em ở trong căn nhà này. Vẻ mặt và dáng điệu của anh, đã làm em tủi thân. Tủi thân một cách lạ lùng, lạ lùng, lãng xẹt. Em cũng nghĩ mình vô duyên, thật vô duyên. Nhưng sao không thể cầm được nước mắt. Anh biết không em lại anh từ lúc 12 giờ hơn. Hôm nay ba má em đi ăn cơm khách, em lấy lý do chiều đi học sớm nên ở nhà. Em tưởng tượng tới nét mặt anh reo vui biết chừng nào, khi thấy em bất ngờ xuất hiện. Em nghĩ, anh sẽ thương em ghê lắm. Em không dám đòi hỏi nơi anh tình yêu, tình yêu, ấy em biết chả bao giờ đến với em hết. Em là người bạc phước. Em đâu có được may mắn như Niệm, như Thục. Nhưng em vẫn cam chịu. Em sẽ cam chịu mãi mãi, nếu anh đừng ra mặt hắt hủi hoặc khinh khi em. Lại đây không có anh, em nghĩ anh mải việc ở trại nên về muộn. Em chạy ra phố mua sẵn bánh mì và mấy quả cam, em định trưa nay, chúng mình sẽ ăn trưa với nhau. Ăn xong em đi học. Em cũng đâu có muốn làm phiền anh nhiều. Dọn dẹp phòng xong, em giặt luôn cả mấy chiếc khăn tay bẩn của anh nữa. Vừa phơi lên dây thì nghe tiếng xe anh. Em quýnh quáng chạy vào phòng trùm chăn định dành cho anh một bất ngờ thích thú. Nhưng... Yến ngập ngừng, giọng nghẹn như muốn khóc lại.

 

Tôi ôm xiết lấy Yến, và nghe lòng mình mềm lả nỗi xót xa, trắc ẩn. Có lẽ chưa bao giờ tôi cảm thấy thương và yêu Yến như lúc này. Tôi nhắm mắt hôn vùi lên mặt nàng. Những nụ hôn chứa chan một tình cảm nồng nàn pha lẫn một ham muốn nóng bỏng.

- Yến. Yến. Yến. Tôi gọi Yến. Tiếng tôi vọng lại, chính tai mình nghe lạ lùng lạc lõng như một tiếng kêu thảm thiết lạc giọng. Yến vẫn khóc. Đôi vai nàng rung lên. Tôi quờ quạng trên khuôn mặt nàng.

Nhưng ngay khi đó, tôi có cảm tưởng như làn da, sống mũi, những đường nét nhòe nhoẹt nước mắt mà tay tôi đang chạm lướt kia, không phải là Yến. Không chút nào là Yến không chút nào là Yến. Không. Thục đấy. Chính Thục đấy. Em. Hiểu gì không?

Tôi trở dậy khi cơn mưa còn đều hạt ngoài hiên. Gió lạnh đầy hơi nước đã khép cánh cửa sổ lại từ bao giờ. Tôi không rõ mình chợp mắt trong bao nhiêu phút. Nhưng chắc là không lâu lắm.

Yến ngoan như một con thỏ trắng toát, đắp ngang người tấm chăn mỏng, đôi cánh tay trần, để ngoài, như hai gióng tre non mát. Yến hơi nhướng mắt nhìn, rồi có lẽ vì ngượng ngùng, dấu mặt, rút đầu vào ngực tôi. Hơi thở nàng phập phều không đều:

- Anh nghĩ gì về Yến? Anh có khinh Yến không?

Tôi vươn vai, nghiêng mình, ôm lấy Yến:

- Em nói gì kỳ lạ vậy. Những gì anh dành cho em như vậy chưa đủ sao? Chưa đủ rõ lòng anh đối với Yến nồng nàn, thiết tha? Anh không muốn lần sau em hỏi những câu tương tự như vậy. Vì em hỏi vậy chính là em khinh anh. Anh chỉ có một điều ân hận trong trường hợp này là không thể hứa hẹn với em. Mặc dù anh biết người con gái nào cũng mong mỏi được nghe những lời hứa hẹn như một bảo chứng cho tương lai, dù tương lai ấy, chính họ, đôi khi, cũng nghi rằng không bao giờ có. Ngôn ngữ, phải chăng chỉ có giá trị trong một dối lường, tự cả hai phía. Anh không thích thế. Vì không muốn lừa dối chính mình.

- Em không muốn anh thương hại. Em không chịu được sự thương hại. Em cần tình yêu thương và lòng chân thực. Tuổi thơ em thiếu hẳn hai điều đó. Yến nói, tay nàng vò rối những sợi tóc trên trán tôi.

- Ơ kìa, lạ quá. Anh có bao giờ nói với em rằng anh thương hại em đâu. Vì em muốn thấy anh chân thật với em, nên anh không thể nói với em, những gì không đúng với lòng anh thế thôi. Thực ra, đã biết ai đáng thương hại hay tội nghiệp hơn ai. Đôi khi anh nghĩ, đã làm người, kẻ nào cũng đáng thương hại hết. Thương hại kẻ khác chính là thương xót cho mình đấy.

- Vừa rồi tại sao anh đòi em. Tại sao? Trong khi bao nhiêu lần trước đây anh không... không... vậy? Em có cảm tưởng như anh vừa trải qua một thất vọng nào đó nên muốn lãng quên, nên trút đau khổ lên em. Và ngay em, em cũng không hiểu tại sao em lại chiều theo ý anh một cách dễ dàng, thụ động vậy. Em vẫn tự hứa với em rằng không bao giờ... Không bao giờ, dù em yêu anh, yêu anh điên dại, yêu đến quên cả mình, quên cả hình ảnh Thục. Cái hình ảnh mà em biết lúc nào cũng ở trong anh, ngay cả lúc anh ôm em. Nhưng giờ thì... thôi đã xong. Đã hết. Em biết rồi đây em sẽ không còn chút gì trong anh nữa. Cũng không một hy vọng nghĩ lại nào ở nơi anh. Bởi sự thực là anh không yêu em. Anh không yêu em. Em biết vậy lắm chứ. Ngay phút này anh có thể bỏ em, hắt hủi em, dễ dàng lắm. Yến rớm nước mắt. Tôi vội nâng cao mặt nàng lên, sát vào môi mình.

- Bậy nào em. Em cứ nghĩ ngợi vơ vẩn hoài. Dù anh yêu Thục, nhưng không phải là đôi lúc anh không cảm thấy yêu em. Nhưng anh không muốn để em thấy rõ điều đó vì em có biết cũng không lợi ích gì. Không thể giải quyết được gì hết, nếu anh nói với em rằng anh yêu em. Anh không muốn để em có một hy vọng hão huyền về anh. Với đời sống của anh hiện tại, em phải nghĩ rằng sớm hay muộn, một ngày nào đó, anh sẽ rời khỏi nơi đây để đến một nơi khác hay để vĩnh viễn ngụ lại trong một vuông đất xa lạ. Chừng ấy, em sẽ khổ hơn. Chi bằng em không hy vọng, em sẽ dễ dàng trong quyết định lấy chồng. Em sẽ có một người chồng yêu em chân thật và nhất là người ấy, sẽ chiều chuộng quý trọng em. Anh nghĩ vậy.

Yến ngắt lời tôi:

- Anh an ủi em đấy hả? Anh căn cứ vào cái gì để nói như vậy mới được chứ?

Tôi cười, bẹo má nàng:

- Thì anh... Có cảm tưởng như vậy. Nhất là cái vẻ hiền hậu nơi dáng vẻ của em và tính chịu thương chịu khó, chăm lo cửa nhà. Như anh, không phải là... Mà em còn chăm sóc thế này, huống hồ với chồng con. Anh tin người nào lấy được em, người đó có phước lắm. Anh, chính anh mới là người vô phước. Tôi cười, với câu nói của mình. Yến lắc đầu:

- Chắc rồi Yến cũng phải lấy chồng. Nhưng... Có điều là nếu em không quên anh được, đời sống em sẽ không chút hạnh phúc. Mà làm con gái, em nghĩ, nên có một dĩ vãng, làm vốn liếng riêng cho quãng đời mình. Để ít nhất còn có cái mà nhớ đời. Mà nghĩ tới. Bởi vì... Yến ngập ngừng.

- Bởi vì sao, Yến nói tiếp đi, anh không hiểu.

Yến đưa tay dụi mắt:

- Bởi vì em nghĩ, con gái, đâu có phải ai cũng được như Thục.

- Như Thục? Tôi hỏi lại.

- Như Thục. Anh không hiểu thực sao. (Yến nghi ngờ, tròn mắt nhìn). Như chị Thục nghĩa là yêu lần đầu tiên và... Và... Được quyền hưởng cái tương lai mà tình yêu đem đến. Em thì ngược lại, Yến thở dài, chép miệng, không được gì và cũng chả có quyền ao ước nữa.

 

Câu nói của Yến làm tôi bùi ngùi. Bùi ngùi cho Yến và cũng là cho mình, Yến đâu có ngờ những gì Yến biết về cuộc tình giữa tôi và Thục, mới chỉ là một khía cạnh nhỏ là cái bề mặt. Còn bao nhiêu khía cạnh nữa. Còn cái bề trái của nó. Cái bề trái đau đớn, tủi nhục. Cái bề trái, mà tôi không bao giờ hé răng dù với bất cứ ai. Tôi muốn và bằng mọi cách bắt buộc mỗi người phải nghĩ về Thục, về chuyện tình của hai đứa, như một hoàn tất vi diệu, một cái gì tuyệt vời, một cái gì mà ai ai cũng phải thèm khát, cũng phải ước ao. Thậm chí đến Thục, tôi cũng muốn họ có những cảm nghĩ gần giống như tôi. Nghĩa là Thục không chỉ như một đỉnh cao trong tôi mà luôn cả trong ý nghĩ mọi người nữa. Tôi không muốn ai có một ý nghĩ khác về Thục. Không ai có thể căn cứ vào đâu để phê phán Thục, dù đứng trên phương diện nào. Hình ảnh trong mẹ tôi, trong anh chị Quỳ bao giờ cũng là một Thục chói chang nết na, gương mẫu, một Thục mà những người thân của tôi, ai cũng ao ước sẽ là hình ảnh suốt đời tôi. Tôi cũng không nghĩ rằng tôi đã phóng lớn ảnh Thục, quá tầm kích đích thực của nàng. Tôi cũng không nghĩ rằng tôi đã phần nào chủ quan, thái quá. Tôi hoàn toàn trung thực với ý nghĩ mình, với những gì thoát bay từ nơi Thục. Chỉ duy những khó khăn từ phía gia đình Thục là không bao giờ tôi thố lộ. Tôi thấy có bày tỏ với mọi người, điều đó cũng vô ích vì không ai giải quyết được gì cho chúng tôi và Thục. Vả lại, đúng hơn, là ở Thục. Nhưng Thục không đủ can đảm làm một điều gì trái ý gia đình. Hầu như chưa lần nào. Chưa bao giờ?

 

Phải anh biết, em không thể cãi ý cha mẹ. Em không thể... Và bây giờ em lại càng không thể hơn nữa... Hình ảnh ba Thục, vẻ thiểu não, nhợt nhạt của Thục, lúc gặp ông cụ, lại hiện ra, vẫn như một nhắc nhở, một đe dọa cầm tù tâm hồn tôi. Mày phải quên, cố mà quên. Phải quên, nếu mày không muốn phát điên, phát rồ, trước khi tình thế có thể xoay trở. Hãy bình tĩnh, trong trường hợp nào thì mày cũng có thể tự dành lấy cho mày một lối thoát, một giải quyết như đã dự tính.

 

Tôi rùng mình nghĩ tới lúc ngọn dao trong tay tôi ngập sâu nơi cổ, hay ngực, hay mặt, hay... một chỗ nào, trên thân thể Thục. Làm sao để đừng đến hai nhát. Chắc Thục đau đớn lắm. Đau đớn lắm. Thục sẽ oằn oại, máu tươi sẽ chan hòa, tưới đẫm bộ quần áo Thục mặc (không biết lúc đó, Thục sẽ mặc áo màu gì?) Ồ, mà sao mình vẫn còn thắc mắc đến chuyện Thục đau đớn, Thục mặc áo màu gì, chắc mình không thể làm được hành động đó đâu. Không. Anh không muốn chút nào, Thục ơi, không lẽ chính anh lại là cái người cầm dao kết liễu đời em? Chính bàn tay anh lại là bàn tay xẻ nát thân thể em? Không, không thể oan nghiệt như vậy được. Anh có thể tự giết anh, anh có thể tự xé thịt anh như bây giờ anh đang hành hạ anh, vì yêu em. Vì muốn trả thù cho tình yêu của anh. Nhưng anh không thể... Bất giác, tôi ôm ghì lấy Yến, và hôn vùi lên thân thể nàng. Chiếc khăn mỏng rơi tung. Tôi vùi mình trong giục giã gấp vội của bản năng. Yến rên rỉ. Tôi chìm thiếp trong hình ảnh Thục. Thục. Thục. Một đời Thục của anh.

 

Buổi chiều đến với cơn mưa bắt đầu ngớt hột rồi tạnh hẳn. Yến bơ phờ cái dáng vẻ bơ phờ mệt mỏi của một đầy đủ, lạ lẫm, thoáng chút ngơ ngác, thoáng chút tội lỗi mặc cảm. Trông Yến trong tấm áo nhàu, mái tóc xổ tung, nàng có một vẻ đẹp mới. Cái đẹp gợi nhớ lại, gợi tham lam, vùi đắm.

 

Tôi xuống sân sau rửa mặt. Yến chải lại tóc rồi đem bánh xuống nhà bếp, bày trên chiếc bàn nhỏ. Doãn ngồi hút thuốc ngoài phòng khách. Vẻ lạnh lùng của Doãn làm không khí buổi chiều đã nặng lại nặng thêm. Yến bảo tôi rủ Doãn xuống ăn bánh mì luôn cho vui. Tôi đứng ở ngưỡng cửa gọi vọng ra nhà ngoài, Doãn chậm chạp đứng dậy. Trông dáng điệu và gương mặt nó, người ta không thể tưởng tượng được rằng Doãn chưa đầy ba mươi tuổi. Đời sống âm thầm, lẫn khuất đã vẽ lên mặt Doãn những nếp nhăn kỳ dị. Trên khuôn mặt Doãn tất cả như đã yên nghỉ, từ bao năm. Ngay đến đôi mắt hoắm sâu, như cũng không còn đủ sức chuyển động hay không còn muốn chuyển dịch hai đồng tử. Chỉ lúc nào giận dữ, hai con mắt ấy mới sáng lên, sáng lên như một vùng dậy đầy phẫn chí của một con sư tử thấy mình sớm bị mất quyền uy chúa tể. Yến thì cho rằng sách vở đã hút hết sinh khí của Doãn. Hay nói một cách khác thì đời sống của Doãn đã gửi hết vào những trang sách chi chít chữ, trong không biết bao nhiêu đêm thâu, đã qua. Tôi bảo sự thực không phải thế. Có nhìn thấy Doãn cười, mới thấy ẩn trong nụ cười tươi ánh ấy, một niềm tin tưởng, còn sót lại, một ước mơ vẫn cháy bùng mãnh liệt ở đáy cùng tâm hồn. Niềm mơ ước hay chút tin tưởng cuối cùng còn sót đó nếu có thực, nếu thực còn, thì, như đã nói, đó là một tình yêu còn trong tìm kiếm. Một tình yêu. Tao chỉ mong có được một lần trong đời có tình yêu, có một tình yêu rồi chết. Mày nghĩ coi, tao biết đàn bà sớm lắm, có lẽ từ năm tao mười lăm, mười sáu gì đó. Nhưng cho đến nay bao nhiêu năm rồi, tao vẫn chưa có được một tình yêu để biết thế nào là đời sống. Người ta sẽ không nhìn thấy đời sống không hưởng đời mình, nếu không có tình yêu. Tình yêu chính là chiếc chìa khóa duy nhất, mở dùm chúng ta cánh cửa hạnh phúc trần gian.

Tao nghĩ vậy nên tao không muốn chết khi chưa được hưởng cái mà phàm làm người ai cũng có quyền được hưởng. Do đó tao từ chối mọi nghĩa vụ. Từ chối để đợi chờ, nhưng đợi chờ của tao là một đợi chờ trong tuyệt vọng. Và tao chọn tuyệt vọng. Doãn bảo tôi như vậy, trong một đêm bỗng dưng nó nhắc tới ông cụ kẹt ngoài Bắc, và thời gian chung chạ với một người đàn bà nạ giòng ở xóm Củi, khi nó vừa chẵn hai mươi.

Doãn cầm cuốn sách lừ đừ đi xuống. Tôi cố tránh không muốn nhìn thẳng vào đôi mắt sắc sảo, của Doãn. Mặc cảm phạm tội làm tôi e dè, lẩn tránh mọi mắt nhìn. Ngay cả Yến. Tôi cũng không dám nhìn nàng. Yến trái lại chỉ lúng túng phút đầu, khi Doãn ngồi xuống chiếc ghế mây dành sẵn; nàng lấy lại được hồn nhiên và tự tin hơn bao giờ hết.

- Hôm nay không vào trại sao? Doãn hỏi và cầm miếng bánh mì Yến vừa cắt, đưa lên miệng.

 Tôi lắc đầu:

- Chắc nghỉ luôn cả ngày. Không thiết gì cả. Muốn tới đâu thì tới. Chán nản quá rồi.

- Sao vậy?

Tôi không trả lời Doãn, đứng dậy, lại bàn nước, pha cà phê.

- Mai Yến vào trại xin phép cho anh nghỉ nghe. Hoặc em tìm Hiệp, bảo Hiệp là anh bệnh và xin phép nghỉ cho anh.

Yến nói giọng reo vui, trẻ thơ:

- Em cũng nghỉ nữa nha. Em không đi học. Em ở nhà với anh. Chịu không?

Yến liếc nhìn Doãn, Doãn lạnh lùng mở cuốn sách cúi xuống tiếp tục đọc.

- Uống cà phê nghe Doãn. Tôi nói.

Doãn đáp ừ, không ngước lên.

- Đọc cuốn gì đó?

- Một cuốn viết về Niestzche.

 

Tôi trở lại bàn. Yến bóc cam và nói chuyện về gia đình. Tôi không nghe thấy gì hết, nhưng thỉnh thoảng vẫn ậm ừ, và khó chịu mỗi khi bị Yến bắt bày tỏ thái độ. Vì đầu óc tôi còn đang rối bung với những phỏng đoán về một số điều có thể Thục đã gặp, đã phải chịu đựng bắt đầu từ lúc bước chân vào nhà. Ý nghĩ mình không xứng đáng với tình yêu của Thục lại dày vò, đay nghiến tôi. Tôi tưởng như thấy Thục đang nghiêm khắc nhìn tôi, miệng vẫn cười, cái nụ cười thật buồn và cũng thật mỉa mai chua chát. Tình yêu mà anh dành cho em như vậy đó phải không Tự? Tôi khoát tay xua đuổi hình ảnh và ý nghĩ mình đã phản bội Thục. Tôi không chịu nổi con mắt lạnh lùng ấy... Thôi, Thục, đừng đối xử với anh như vậy chứ. Anh nào có muốn. Không, anh không một chút phản bội em. Ngay cả lúc anh gần gũi với Yến. Em hiểu cho anh là anh hoàn toàn nghĩ đến em. Đó là sự thực. Sự thực như khi anh buông Yến ra, anh mới biết rằng anh vừa ôm Yến.

 

Doãn đứng dậy bỏ lên nhà trên. Có lẽ Doãn không chịu được câu chuyện của Yến. Yến ngừng nói nhìn theo, quay sang tôi, nói nhỏ:

- Anh Doãn có vẻ sao sao ấy anh?

Tôi thở ra:

- Không đâu. Tính anh ấy như vậy. Không thích nói nhiều và nhất là không nghe những chuyện lẩm cẩm. Yến xụ mặt. Tôi cũng không biết nói gì. Một lát chợt Yến hỏi:

- Người ta nói, ngày xưa anh Doãn là một tay chơi khét tiếng phải không anh?

- Sao em biết? Tôi hỏi lại. Yến bảo nghe người ta đồn.

- Đúng vậy đó, Doãn ngày xưa và bây giờ là hai thái cực. Nếu em để ý kỹ sẽ thấy khuôn mặt anh ấy, đôi lúc còn thoáng nét hào hoa, nho nhã. Ngày xưa anh ấy đẹp trai nhất đám bạn bè của anh. Nhưng anh ấy chưa hề yêu ai hết.

- Vậy sao bây giờ trông anh ấy, khắc khổ quá vậy? Yến hỏi.

- Có lẽ tại vì ngày xưa anh ấy phung phí, nên bây giờ muốn làm lại. Người ta thường chỉ nghĩ đến mình một phút nào đó khi thấy cô độc và trống rỗng.

- Em thấy anh ấy viết hoài, bộ anh ấy viết nhật ký hả anh? Mà anh ấy viết say sưa lắm, nhiều lúc em vào anh ấy không hay nữa.

- Viết truyện đó. Anh ấy đang viết một truyện dài với nhân vật chính là anh ấy. Nhưng anh e chuyện của anh ấy không in được.

- Sao không anh?

- Vì nó trình bày tất cả sự thực về đời sống hiện tại của đất nước mình và tâm trạng của lớp thanh niên ngày nay. Có muốn in chắc cũng phải năm mười năm nữa.

- Anh ấy có cho anh đọc không?

- Không. Không bao giờ. Nhưng truyện của anh ấy chắc là hay. Vì anh chỉ nghe lỏm bỏm về đời của anh ấy thôi, đã thấy ly kỳ hơn tiểu thuyết rồi. Tiếc là anh không viết được. Nếu anh biết viết, chỉ cần khai thác ở anh ấy là đủ để có cả một truyện trường thiên.

Yến thu dọn bàn, chép miệng:

- Gì thì gì chứ, em vẫn thấy khó ưa.

Tôi cười:

- Tại em có mặc cảm. Hơn nữa anh ấy là nhà văn nên có đôi chút khác thường (tôi ngập ngừng) cũng có thể tại anh ấy khó tính trong vấn đề nhìn ngắm đàn bà con gái.

- Anh nói vậy nghĩa là sao? Em không ra cái gì phải không? Yến giận dỗi vùng vằng, mặt nàng bừng bừng. Tôi vội đứng dậy, lại sau lưng để tay lên vai nàng và cúi hôn nơi cổ.

- Em hay nghĩ lôi thôi quá. Anh nói không một ẩn ý mà em lại cứ hiểu cong queo. Hơi thở của tôi làm Yến nhột nhạt. Nàng cười rẫy ra.

 

Bóng tối đã bắt đầu làm mờ mọi vật trong tầm mắt thấy. Tiếng trẻ nô đùa, tiếng la hét của người chủ đi làm về, khiến không khí con ngõ xao động hẳn lên. Tôi dục Yến về, không má sinh nghi. Còn lại một mình trong phòng với ngọn đèn điện treo lơ lửng trên cao hắt xuống một thứ ánh sáng vàng ệch, tôi rời rã thần trí, ngồi thõng chân trên giường, nhìn quanh quất không biết phải làm gì, làm gì bây giờ? Hình như tôi thấy rõ ràng là mình không còn chút liên hệ nào nữa với đời sống này, dù là một liên hệ nhỏ nhặt. Tất cả đã cắt vụn mọi ràng buộc gần, xa, mới, cũ, giữa tôi và chung quanh. Tôi như một kẻ tử tội chờ nghe tòa tuyên một bản án tử hình khiếm diện. Khiếm diện nghĩa là tôi vẫn còn dành được cho mình, những giây phút tự do cuối cùng để hành động. Hành động theo ý mình, trước khi phụt tắt hay tự thổi tắt ngọn nến đời. Tòa án ở đây, tôi muốn nói tới gia đình Thục.

 

Giờ đây chắc mọi người trong gia đình Thục đã đủ mặt, quây quần trong bàn ăn. Thục chắc vắng. Nàng nằm trong buồng. Nằm và khóc vùi.

 

Qua một buổi chiều, tôi nghĩ, mỗi người đã có cho mình một thái độ, một ý kiến về chuyện chúng tôi. Ông Cụ và Bà Cụ thì không hy vọng gì rồi. Tôi chỉ có thể trong một cách rất mong manh vào tinh thần hiểu biết của Tín, người anh thứ của Thục và chị Lan, chị cả, trên Tín. Tôi nói hy vọng rất mong manh bởi, họ có thể thông cảm phần nào trường hợp của hai đứa, nhưng họ lại rất sợ ông cụ. Hầu như chưa một ai trong ngôi nhà ấy, trái ý ông cụ. Bà cụ là người duy nhất, trong ngôi nhà đó có thể dần dà, thay đổi một quyết định nào đó, đã thành hình nơi ông cụ. Nhưng bà cụ in là cũng không mấy cảm tình, không phải vì cá nhân tôi, mà vì thành kiến vốn sẵn có. Tôi muốn tin theo lời quả quyết của nàng: Thục tin rồi mọi người sẽ hiểu anh và thương anh hơn. Chuyện của mình dầu sao cũng còn có ngõ thoát, chưa đến nỗi nào. Thêm nữa, quyết định cuối cùng vẫn là do nơi Thục, vì nó ảnh hưởng suốt đời Thục. Ba mẹ dù khắt khe mấy, cũng vẫn dành cho Thục quyền tối hậu ấy. Anh cứ yên tâm.

Yên tâm? Làm sao được, một khi chuyện đã xảy như vậy. Đột ngột quá... Yên tâm, làm sao được khi tôi nhìn thấy trước mặt mình cả một thời gian đằng đẵng xa nhau. Hiển nhiên là yừ giờ, nhất cử nhất động của Thục, đều được mọi người trong gia đình theo dõi, kiểm soát. Bình thường gặp nhau đã khó huống hồ chi... Tôi gieo mình xuống giường. Ám ảnh về cái chết thức dậy, thắp sáng tâm trí. Có lúc, tôi muốn kết thúc bằng ý nghĩ -chả còn cách nào khác hơn. Chết. Cả hai đứa. Chết, cả hai. Không phải để hy vọng sẽ gặp lại nhau ở bên kia thế giới, ở một cõi khác. Nhưng để yên tâm. Nếu chẳng may một trong hai đứa còn sống thì sự sống ấy, cái sống ấy, cũng chỉ là một cái sống vô nghĩa. Một sự sống ắp đầy đau đớn khôn khuây, một kéo dài lê lết của cực hình chung thân. Hơn thế, nội nghĩ tới lúc Thục thuộc về ai đó, trong một cánh tay nào, giữa một ngôi nhà nào, tôi cũng đã thấy máu uất nghẹn lên tận cổ. Và cũng chỉ cần nghĩ đến chừng đó thôi, tôi đã muốn chồm lên, vùng dậy đi tìm Thục, ngay lập tức. Không ích kỷ, không phải là tình yêu. Mặc dù bản chất của ích kỷ là thái quá, là vô lối và lầm lẫn. Tôi nghĩ tới những người còn lại, phải gánh chịu hậu quả thảm thiết do hành động rồ dại, điên cuồng của tôi. Đau đớn và nhục nhã nhất có lẽ là gia đình tôi rồi đến gia đình Thục. Còn biết làm sao hơn.

 

Mỗi hoàn cảnh, mỗi sự việc đều kèm theo nó một số lý do riêng, hợp lý và xuôi tai với chính nó. Tôi mỉm cười tưởng tới lúc báo chí sẽ khai thác chuyện của tôi và Thục. Mấy anh nhà báo săn tin, lại có dịp sử dụng nghề nghiệp với những phóng đại, những thêu dệt ly kỳ thêm cho tấn bi kịch. Ít nhất thì mình cũng giúp được cho một số người có việc làm, bán thêm được ít số báo. Chẳng hơn là... Tôi chặc lưỡi, lần túi, tìm thuốc hút. Hơi thuốc thoảng bay gợi tôi nhớ tới mùi hương đặc biệt của Thục. Tôi mơ màng đắm ngợp trong vuông không gian chan hòa hơi hướm ấy. Phút chốc tôi thấy mình hạnh phúc, hãnh diện với mối tình lãng mạn chất ngất của mình.

 

Bất giác, tôi buột miệng hát nhỏ mấy câu trong bản Trương Chi. Tiếng hát dội lại, nở vỡ tan thành từng mảnh vụn lóng lánh như thủy tinh. Tâm hồn tôi thấp xuống và mềm sũng. Có lẽ trong phút giây mơ hồ, tôi đã quên tiếng hát của tôi và nghe lầm, như một vọng âm, thoảng đưa tự xa xôi, làm mủi lòng mình. Thoạt, tôi nghe cay ở hai khóe. Rồi thấy lạnh thành dòng ở hai thái dương, xuống mang tai. Mình khóc? Phát giác này làm tôi nhìn thấy tôi rõ thêm và chính vì thế, tôi không còn dối gạt mình được nữa. Úp mặt xuống gối, tôi mặc tình cho cơn xúc động cuốn phăng. Từ năm mười bốn tuổi bỏ nhà ra đi lần đầu tiên, có lẽ đây là lần thứ hai, tôi khóc âm thầm, khóc một mình.

 

Tôi mở mắt vào lúc hai giờ đêm. Cánh cửa sổ mở lên một vòm trời tím ngắt với những vì sao đan xít, thấp và nhạt. Gió lạnh làm mình tỉnh táo.

 

Không gian êm ắng, cái êm ắng dịu dàng của đêm đang độ chín sắp tàn. Cái êm ắng đủ cho mình thấy cô đơn, lẻ loi, cái êm ắng làm chậm hay chặn đứng được mọi cử động không cần thiết. Nó cho mình cái cảm tưởng mình đang mỏng, đang nhẹ dần, như hơi sương, như mây dạt. Tiếng nhỏ giọt của vòi nước bể sân sau, hồi hôm ai khóa không kỹ, gõ đều, gõ đều một nhịp lặng ngắt.

 

Tôi muốn vươn vai nhỏm dậy nhưng cơn mệt mỏi và biếng nhác kéo tôi bất động cùng những hồi tưởng lần lượt diễn lại trong thứ tự trong óc.

Niềm ân hận lóe lên khi đoạn phim quay đến Yến. Yến xuất hiện, bơ vơ lạc lõng như một dạt táp vô định của bất hạnh. Lại thêm một cái bao tay, lót cho một bàn tay, sạch.

Cái bao tay, tôi thắt người với so sánh ví von này. Phải chăng mình đã quá bất nhẫn. Cái bao tay hay như lời Yến linh cảm: nơi trút chua xót, nơi chìm quên thất vọng, trong giây lát, giây lát thôi. Mỗi đau đớn, mỗi nhục nhã như một vết chàm vạch thêm trên vách tường ký ức, người ta có thể quên chứ không thể xóa. Cũng như mỗi thất vọng như một lát dao phóng đi, người ta có thể nhắm mắt để khỏi thấy, nhưng không thể quên rằng nó đã không trúng đích. Dẫu sao thì tôi cũng chẳng thể phủ nhận thái độ tự tin, trừng mắt bước tới vực thẳm của Yến. Cái thái độ của Yến, giờ nghĩ lại, tôi còn thấy bàng hoàng. Không phải nại cớ giữ tình yêu của Thục, mãi ở mức độ lý tưởng thần thánh, nên buộc lòng phải coi Yến, như một phương tiện, mà, thực tình, hành động của tôi được dẫn dắt bởi khuynh hướng trả thù ở đây, nó không dềnh nổi, thao láo trên bề mặt, mà nó được ngụy trang cùng thúc đốc bởi nhiều yếu tố khác nữa, nhưng căn bản nó vẫn khởi đi từ tiềm thức trả thù. Cái không may cho Yến, là sự xuất hiện không đúng lúc của nàng, cái khốn nạn ở tôi là không dám nhìn thẳng vào sự thực, vào bản chất yếu hèn của mình, là phản ứng tiêu cực. Và một điều nữa, tôi đã cố tình né tránh vấn đề lẽ ra, phải đặt thẳng với Thục.

 

Trong tình yêu, về một phương diện nào đó, khác hơn tinh thần, ai cũng thế, chúng ta thường chỉ chấp nhận sự đã rồi trong khi lẽ ra phải đặt thành vấn đề trước khi việc đã. Có lẽ đó cũng là một trong những mặc cảm sai lầm, có rất nhiều, trong mối liên hệ, giữa hai kẻ yêu nhau, nó cũng là đầu mối của khá nhiều tan vỡ vì ngộ nhận bởi thiếu cảm thông, nhẽ ra phải có trước. Cũng chính nhờ rút kinh nghiệm của những đổ vỡ có từ chung quanh, nên tôi luôn luôn hốt hoảng, lo lắng cho cuộc tình của tôi và Thục. Hốt hoảng và lo lắng bởi Thục chỉ mới nhìn thấy tình yêu là nỗi nhớ nhung, là niềm bâng khuâng! Là những thao thức âu lo vu vơ, là những dự tính mai sau và cùng lắm là một cánh tay nâng, một dòng lệ xót. Thục chưa thể thấy hoặc chưa thể nghĩ tới rằng tình yêu, đích thực, tự nó, còn nhiều yếu tính khác, nhiều đòi hỏi, nhiều tham lam nhiều ích kỷ. Nó còn là một nguồn lực siêu hình và thiêng liêng mở ra một đời sống với đầy đủ ba chiều của kích thước. Nó còn là một thể nghiệm của bản năng, của thái độ lựa chọn, đi đến tuyệt đối của tồn sinh. Nhưng đã quá muộn để chúng mình có thể nói với nhau những điều ấy. Đã quá muộn rồi phải không Thục? Vì điều anh lo sợ đã trở thành thực hữu. Bây giờ mỗi đứa đang nắm lấy cho mình một đầu dây dệt bởi nỗi chết và sự tuyệt vọng. Muốn thâu ngắn được đoạn dây chia lìa ấy, anh nghĩ chúng mình cần phải có một nỗ lực lớn lao. Một nỗ lực có tính cách hỗ tương và phải từ hai phía. Anh vốn yếu đuối như em đã biết, và khí giới thường được những người yếu đuối ưa dùng là sự chết. Sự chết, lúc này đây anh đang nghĩ đến nó. Lúc này đây, nó là nguồn an ủi, là một phủ dụ, một dỗ dành, một loại thuốc cầm cho dòng máu điên rồ bớt tuôn chảy xối xả, để chờ đợi một hoàn cảnh một phút giây thuận tiện, tất hoàn trọn vẹn cho con đường giải thoát đã chọn. Tuy nhiên hy vọng cuối cùng anh vẫn đặt nơi em, sự cương quyết của em, nơi sự nghĩ lại của ba mẹ, nơi anh Tín, nơi chị Lan, và nơi ngay tình yêu đắm đuối của anh nữa.

 

Những ý nghĩ quanh quẩn lung bung trong óc tôi tan dần, khi hình ảnh chị Lan dần dần sáng lớn, mở ra, sừng sững như một điểm tựa vững vàng, một trông cậy nhiều thành đạt, một chiếc phao, một mảnh bè bỗng đâu táp gần cho tôi nắm lấy. Dưới ánh sáng chói lòa của hình ảnh chị Lan, với nụ cười đôn hậu, với cái dáng điệu mau mắn, với ánh mắt chứa chan tình cảm, bao dung, tâm hồn tôi lại quang tạnh mây đen, lại dạt dào hy vọng được cứu thoát.

 

Tôi nôn nóng mong trời chóng sáng để đi tìm chị Lan hỏi dò tin tức và mừng rỡ, nghĩ mình suýt nữa, quên mất một nương dựa.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17100)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12305)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19036)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9206)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8383)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 660)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1038)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1213)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22507)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14046)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19219)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7931)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8853)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8521)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11102)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30759)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20840)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25549)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22937)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21775)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19826)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18079)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19290)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16950)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16136)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24543)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31993)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34952)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,