“... Buồn ngất trên vai áo,”

21 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 7149)
“... Buồn ngất trên vai áo,”


nhớ ai buồn ngất trên vai áo.
“mưa ở đâu về(?) như vết thương.”

thơ DTL.



1.
Những tưởng phải lâu lắm, (nếu không muốn nói là chẳng bao giờ,) tôi trở lại Houston. Vậy mà, cuối cùng, tôi có mặt.

Trong lúc chờ chuyến bay chậm gần hai tiếng tại phi trường LAX, tôi tự hỏi điều gì khiến tôi nhận lời Phạm Quốc Bảo - - Nhận lời Phan Huy Đạt, trong vai trò đại diện nhật báo Người Việt và, Người Việt Online, tham dự tang lễ Chủ nhiệm bán nguyệt san Ngày Nay? Khi trước đó một ngày, tôi đã từ chối đề nghị trở lại Houston của Việt Nguyên.

TruongTrongTrac-content

Chẳng phải tôi đã “gặp” Trác cách đây chưa quá năm tuần sao?

Chẳng phải, tôi đã cầm tay, đã “nói chuyện” với Trác, trong căn phòng, trên tầng cao bệnh viện St. Luke? (Căn phòng có tấm giấy lớn, ghi hàng chữ viết tay “No visitors – Requested by family.”)

Chẳng phải Trác đã không buồn nói chuyện với tôi. Trác cũng chớ hề cầm tay tôi! Ngày cuối, trước khi về lại Orange County, vào thăm Trác, tôi “hờn dỗi” nói:

“Tao cơm ăn, cơm dở, qua thăm mày. Nhưng mày không chịu nói chuyện, cũng không thèm cầm tay tao...thì thôi! Tao đành về vậy.”

Không biết có phải vì thấy tôi “hờn dỗi” hay, vì thuốc “nhả,” Trác đã nắm tay tôi. Trác đã nói... chuyện với tôi vài tiếng.

Dù chỉ vài tiếng, tôi vẫn kể lại “biến cố” này, với bạn bè, như một hy vọng to lớn. Một quả quyết chắc nịch rằng, sớm, muộn gì, bạn tôi cũng sẽ bình phục.

Ngày Trác bình phục, anh em chúng tôi sẽ mở... đại hội. Tổ chức “trò chơi lớn” giữa Houston. Chúng tôi sẽ xếp hàng... bốn, hùng dũng bước vào nhà hàng Kim Sơn # 1, Downtown cũ. Chúng tôi sẽ chiếm cứ tất cả bàn ghế bày ngoài vỉa hè café Salino, khu West University. Nơi bạn tôi ngồi uống café gần như mỗi ngày với Việt Nguyên. Nơi Trác Trương thu vào ống kính, không biết cơ man nào hình ảnh bằng hữu bốn biển. Chúng tôi sẽ gọi cho chị Nga, chủ quán Nga ở đường Milam, yêu cầu dành riêng cho chúng tôi một buổi, để chúng tận tình vừa thưởng thức, (vừa la ó) món “gỏi vịt” của chị. Chúng tôi sẽ uống vang (do Lê Văn cung cấp.) Từ chủ nhiệm trở xuống, chúng tôi sẽ mặc sức thả khói mịt mờ trời đất mà; không sợ thằng... tây đen nào. Chúng tôi sẽ chửi thề văng mạng (dù nhiều anh em trong chúng tôi, chưa một lần trong đời buột miệng “đ.m.”

Nhân danh tình bạn thiêng liêng và, sự bình phục tuyệt vời, tôi sẽ yêu cầu Nhà giáo lão thành Lã Huy Quý, Thi sĩ nổi tiếng Tô Thùy Yên rút lại lời mắng mỏ (đầy thương yêu) dành cho Trương Trọng Trác - - Về tội “chơi nổi! chơi trèo!” Dám đi trước các niên trưởng. So bề tuổi tác, Trác Trương thua Tô Thùy Yên cả dậm; sinh sau Lã Huy Quý cả cây số ngàn...

Rồi, chỉ một cú điện thoại, mờ sáng, đầu năm, mọi hy vọng, toan tính của tôi, bỗng bèo, bọt.

Dù sự thực nện búa vào đầu tôi, khiến tôi thấy cả trăm... ông trời một lúc; nhưng tôi vẫn ngoan cố, không tin. Đâu thể chỉ vì một cú điện thoại, (dù cho đó là điện thoại của Việt Nguyên,) mà, tôi phải tin, Trác không còn nữa.

Tôi biết việc chống lại sự thật kia, ở tôi, chỉ là phản ứng trẻ con. Nỗ lực be bờ, vuốt ve, chiều chuộng cuối cùng, dành cho tôi-ảo-tưởng. Nhưng, điều đó, đâu có nghĩa tôi không được quyền sống với niềm tin xuẩn, ngốc của mình?

Vậy thì, điều gì đã lôi tôi ra khỏi cái kén khăng khăng xuẩn, ngốc ấy?

Tôi nghĩ, nhiều phần, có thể, Trác. Chính Trác, đã nhận lời Phạm Quốc Bảo. Chính Trác (không phải tôi,) đã nhận lời Phan Huy Đạt. Như từ nhiều chục năm qua, Trác từng giúp tôi, trả lời những câu hỏi sinh, tử bất ngờ. Rát. Phỏng.


2.
Cuối cùng, rồi chuyến bay cũng ném tôi về với Houston, khi thành phố đã lên đèn. Và, mưa mỗi lúc một thêm khốn kiếp. Khác chăng, lần này đón tôi là Lê Văn Hào. Không phải Phương Hoa. Khác chăng, lần này (dù cách nhau chỉ ít tuần,) chúng tôi không còn cơ hội nói với nhau về bình minh, nơi chân trời bệnh tình Trương Trọng Trác. Mà là, tang lễ. Nhà quàn. Ngày mai. Vùng Southwest.

Nhà quàn, tang lễ, đương nhiên không thể mang đến cho chúng tôi, chút hào hứng. Nhiều giây phút, cả hai anh em cùng nghe được cái im lặng trấn, đập dữ dằn ngay ngực. Như cái trấn, đập dữ dằn của tầng, tầng lưới mưa, cùng bóng tối đốn mạt cắt, chia Houston thành từng thửa ruộng đèn, xa, chấp chới. Các thương xá, văn phòng, chung cư như những ngôi mộ nổi khổng lồ, bồng bềnh, lùi sâu. Những ngọn đèn thẳng hàng, hai bên xa lộ, lênh khênh, ốm nhom, miễn cưỡng chùm những chiếc áo bệnh viện màu vàng, rộng thùng, vun vút, lùi lại.

Lâu lâu, những chiếc xe cứu thương đâu đó, lại rít lên những hồi còi đay nghiến. Riết róng.

Chỉ đêm Houston biết, bất hạnh nào đã xẩy ra. Tang chế nào sắp gõ cửa những ngôi nhà yên, ấm!



3.
Khi tôi tới nhà quàn, Việt Nguyên, (người đại diện tang gia, điều khiển mọi nghi lễ,) cho biết, buổi lễ gắn huy chương của Hướng Đạo Việt Nam, cho Trưởng Hươu Nhanh Trương Trọng Trác đã chấm dứt. Các trưởng Nguyễn Đức Lập, Lê Thức (từ Cali,) và Đỗ Phát Hai, đã ra về. Chỉ còn một vài trưởng ở lại, bàn chương trình lễ di quan ngày mai.

Tôi nói với chị Hà, vợ Trác, tôi đại diện cho nhật báo Người Việt và Người Việt Online, mang tới chị lời chia buồn chân thành dành cho đồng nghiệp Trọng Kim. Chị Hà nói, chị biết rồi. Chị chỉ không tin tôi sẽ qua lần nữa.

Tôi nói:

“Bên cạnh đó, tôi cũng xin chuyển đến chị lời chia buồn của các anh, chị ở xa, như chị Ngọc Hân, anh Lưu Tường Quang, anh chị Phan Lạc Phúc, Phạm Duy Ánh... ở Úc; anh Vũ Thành An ở Portland, Oregon; anh Ngọc Hoài Phương, Bùi Vĩnh Hưng, Trịnh Quốc Thông, Nguyễn Đức Cung... ở nam Cali. Riêng anh Vũ Thành An cho biết, anh sẽ có một buổi cầu nguyện hiệp thông với mười Linh mục, cứu rỗi linh hồn Trương Trọng Trác...”

LopHocDeNgu-1957-content

Chị Hà nghe với vẻ mặt ngơ ngác và, một xác thân rã rượi, lềnh bềnh trôi giữa vùng không trọng lực. Tôi nghĩ, có thể chị đang cố hình dung những người bạn năm châu, của chồng. Có người, chị từng gặp gỡ. Có người, chị chỉ mới nghe tên.

Sự ngơ ngác của chị, với tôi, cũng giống như những hạt đường tình thân, tôi mới đem đến, ngơ ngác rớt vào lòng biển nước mặn.

Tôi nói với Vera Ching; tôi xin lỗi những người bạn còn hiện diện, như anh chị Dương Ngọc Hoán, Giáng Tiên về từ Hoa Thịnh Đốn, anh chị Trần Văn Ân đến từ nam Cali, Nguyễn Ngọc Chương và Simone về từ Jakarta... cho phép tôi, được thắp nén hương, vái bạn.

Đứng trước bài vị Trác, tôi lập lại những điều hằng nói thầm, kể từ lúc được tin bạn từ trần. Rằng:

“Tớ nghĩ, không mấy ai trước khi ra đi chu toàn được mọi việc. Cậu cũng thế. Tớ rồi cũng thế. Nhưng cậu sẽ thấy, cuối cùng mọi việc rồi cũng sẽ đâu vào đấy. Mọi việc rồi cũng tốt thôi! Thời gian có đôi cánh lãng quên, tàn nhẫn. Nhưng, cạnh đó, nó cũng có đôi tay kỳ diệu. Nó có khả năng thu xếp mọi bề bộn, dở dang cho chúng ta. Ngày sẽ qua. và đời sẽ quên... Trác ạ.”

Tôi không biết Trác có đồng ý lời khấn nguyện của tôi. Tôi nghĩ, nhiều phần... không! Cảm tưởng này ập tới, lập tức; khi tôi đối diện với Trác, trong quan tài.

Hình ảnh đầu tiên gây “shock” cho tôi, là đôi môi mím chặt của bạn. Tôi không hiểu chuyện gì đã xẩy ra cho bạn tôi, ngày cuối? Hiển nhiên, người phụ trách “make-up” của nhà quàn, đã xóa đi khoảng cách (phải có) giữa môi trên và, môi dưới của bạn tôi, bằng một lớp sáp dầy. Đôi môi bạn tôi, chỉ còn như một đường thẳng, bị kéo căng quá mức. Tiếc thay, sự chu đáo cực kỳ kia, lại không được sử dụng để bôi xóa một chấm đỏ, (vết máu còn tươi) nơi cánh mũi bên phải bạn tôi. Ngay hình dạng sống mũi vốn cao và, thẳng của Trác, cũng bị lệch, xô về trái. Tôi không nhận ra Trác. Tôi thấy tôi đang đứng trước một người xa lạ. Không phải Trác. Không phải bạn tôi. Dù thế, tôi vẫn lập lại lần nữa, lời khấn, nguyện riêng, của mình...

Phần Trác, Trác mím môi! Trác vẫn mím môi!

Tôi không thể cho tôi một kết luận nào, khác hơn, rõ ràng, bạn tôi không đồng ý.

Nếu đời sống là tổng số những bất toàn, thì, bạn tôi, tới lúc xuôi tay, còn được “tặng” thêm một bất toàn khác nữa!?!

Rời phòng-lưu-quan, tôi biết tôi không nên nói với chị Hà. Nhưng, tôi không thể không hỏi Hào. Hỏi Việt Nguyên. Hỏi Nguyễn Xuân Hoàng... Những người trước tôi, “gặp” Trác.

Hào đáp:

“Đúng vậy. Không giống.”

Hoàng nói:

“Kỳ quá. Sao lại thế được?”

Việt Nguyên chi tiết hơn, giải thích, thời gian nằm bệnh, sự rút ra, đút vào những ống dưỡng khí, có thể khiến môi Trác bị thương tích. Người phụ trách phần “make up” của nhà quàn, không thể làm gì khác hơn, là khâu vết thương và, dùng sáp che, lấp.

Ngoài chị Hà, tôi nghĩ, không ai có thẩm quyền hơn Việt Nguyên, nói về những giờ phút sau cùng của Trác.

Nhưng cũng không một ai, (ngay chị Hà,) có thể trả lời tôi câu hỏi, liệu Trác đồng ý với tôi “... Thời gian có đôi cánh lãng quên, tàn nhẫn. Nhưng, cạnh đó, nó cũng có đôi tay kỳ diệu...”

Cũng như tôi tin, không một ai, (ngay chị Hà,) có thể trả lời câu hỏi, liệu Trác có vui trước lời nhắn của Nguyễn Thế Toàn (?) gửi cho Trác. Lời nhắn được viết nơi giải băng thắt ngang vòng hoa phúng, rằng: “Trác ơi! Mày đi trước. Tụi tao sẽ theo sau.”

Thực tình, tôi không được đọc cái “message” đầy tính bất biến đến thắt lòng kia, giữa rừng hoa phúng; nếu Nguyễn Ngọc Chương không kéo tôi ra ngoài hút thuốc. Chương hỏi, “phải anh là tác giả?” Tôi nói, không. Nhiều phần của anh Toàn.

“Anh Nguyễn Thế Toàn, ở Falls Church.”

Tránh gió, mưa và, Houston dưới 40 độ F., trong một góc sân, chúng tôi, Simone, Chương, Hào, Lã Huy Quý... truyền tay hút thử điếu thuốc Chương đem về từ Nam Dương. Chúng tôi ì xèo kể chuyện Trác và, “chân lý... theo nhau về bên kia thế giới” của Toàn. Chúng tôi chúc nhau ngủ ngon. Chúng tôi nhắc nhau, lái xe cẩn thận. Chúng tôi hẹn nhau, ngày mai, gặp lại... Nhưng tuyệt nhiên, không ai trong chúng tôi, nhắc nhau, kẻ nào sẽ theo Trác, trước nhất!?!


3.
Nửa đêm, Việt Nguyên thả tôi về khách sạn.

Mở cửa bước vào, tôi không biết ai đã bật sáng, tất cả mọi ngọn đèn. Cuối phòng, máy sưởi ù ù tỏa hơi nóng. Tôi ngó quanh quất. Mùi ẩm mốc rình rập, đâu đó. Bất ngờ một luồng hơi lạnh từ sau lưng tôi, thổi tới. Tựa có người mới ào vào. Tôi nghe lạnh hai má. (Giống như có một chiếc lưỡi rất dài, liếm ướt mặt tôi, khởi đi từ sau gáy.)

Tôi ngoái đầu. Không ai hết. Khuôn sắt bạc, loại khóa an toàn phụ, tôi vừa gạt ngang, còn nằm nguyên đó.

Cùng với gai ốc chạy dọc cánh tay, tôi cảm giác Trác đợi tôi đã lâu. Có thể từ lúc tôi mới rời nhà quàn hoặc, ngay khi tôi vừa ra khỏi tiệm mì (nơi Trác thường đưa tôi tới ăn, cả chục năm qua.) Tôi nao núng, hoang mang tựa lưng vào thành giường...

Trước mặt tôi, bên cạnh tủ đựng TV là chiếc ghế nhung đỏ, có tay ngai, nhái kiểu ghế bành của vua, quan thuở trước. Tôi không dám “nhìn” Trác. Tôi sợ. Tôi không biết bạn tôi chờ đợi tôi trong hình hài nào? Trác, của hơn năm mươi năm, thời nhỏ? Hay Trác, bạn-tôi-mà-không-phải-bạn-tôi ở nhà quàn?

Tôi sợ phải thấy lại, đôi môi Trác bị khâu (?) Lớp sáp đắp dầy. Đường chỉ chạy dài. Kéo căng quá độ.

Tôi sợ không biết phải trả lời sao, một khi Trác hỏi:

“Cậu thấy tụi nó láo không, khi chúng dám lấy sáp đắp lên môi tớ?”

Tôi sợ Trác nói, Trác không đồng ý, những gì tôi đã cầu, nguyện, cho Trác.

Tôi sợ Trác bảo:

“Chỉ khi nào ở trường hợp của tớ, cậu mới có thể hiểu được.”

Trác nói đúng. Mọi tỏ bày, mọi an ủi, thậm chí điều tiếng... chỉ là những bì phu. Lớp vỏ ngoài. Nó không hề chạm, đụng chút nào, tới cái chết.
Tôi hiểu, chúng ta chỉ có thể có kinh nghiệm về cái chết, sau khi đã bước lên chuyến tàu về hư vô. Và, không chỉ hành khách, ngay chuyến tàu, sau đó, cũng không lưu dấu, vết.

Nhưng, điều tôi sợ hơn cả, (tới rùng mình,) nếu thình lình, Trác bảo:

“Tớ biết cậu... sợ! Tớ biết cậu sợ nhiều điều! Thí dụ, xác chết... Nên, thôi. Tớ đi đây!”

Trác không sai. Trác quá đúng. Trác rất tinh tế. (Như trước đây, những lần rời khách sạn, Trác thường nói “Biết cậu mệt. Cậu buồn ngủ. Tớ đi. Cho cậu ngủ.”) Nhưng lần này, cái tế nhị, lo toan cho bạn, của Trác, khiến tôi thức trắng.

Trong khi chờ “ngày mai” gõ cửa, tôi mở đèn cả đêm. Mở thêm TV. Cho có tiếng.

Cuối cùng, “ngày mai,” chậm mấy, rồi cũng tới.

Dù không chắc buổi chiều có trở lại, nhưng trước khi đóng cửa phòng, tôi vẫn cố tình để đèn. TV. Và máy sưởi.



4.
Cái “ngày mai” chúng tôi hẹn nhau, đã đi qua cùng những giọt lệ hiếm hoi, làm nghẹn, tắc những bày tỏ quý, trọng, thương, yêu Trác, của những người sinh thời, Trác vốn coi họ là lớp đàn anh, đàn chị. Như chị Nguyễn Văn Thơ; như các anh Nguyễn Ngọc Linh, Hà Ngọc Cư, Vũ Quang, Ngô Hữu Liễn, Vũ Quang Ninh... Hoặc những người sinh thời, Trác có tình bằng hữu đặc biệt, như chị Triều Giang; như các anh Trần Văn Ân, Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Mộng Hùng...

TrTrTrac_NgxHoang
Từ trái: Trương Trọng Trác, Nguyễn Xuân Hoàng, Du Tử Lê (Hình TTT)



Cái “ngày mai” chúng tôi hẹn nhau, không những đã đến mà, còn mang theo sương muối, thả đầy những-khoang-mắt-thuyền của số bằng hữu thân, quý khác, của Trác, như anh chị Thanh Thủy-Dương Phục, Phương Hoa-Đăng Khánh; các anh chị Tô Thùy Yên, Lê Văn, Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Thế Linh, Lã Huy Quy, Nguyễn Quốc Cường, Lê Đức Long...

Cái “ngày mai” chúng tôi hẹn nhau, cuối cùng, đã đi qua. Nó cũng về hư vô (tôi nghĩ thế,) cùng những vái, lậy cuối cùng của chị Hà và các con - -
Sau khi thầy Thích Huyền Việt, (trụ trì chùa Bửu Môn, đến từ thành phố Beaumont,) chấm dứt thời kinh “sinh ký tử quy,” ngắn.

Nó đã đi qua, (tôi nghĩ,) có thể ngay khi tang quyến còn phủ phục trước di ảnh chồng, cha, lúc người phụ trách việc mồi ngọn lửa thiêu, đốt thân tứ đại của Trác, đưa tay bật nút điện.

Tôi thấy (không nghe được,) ngọn lửa bùng lên trong lò thiêu. Và, tôi nghe (không thấy được,) nhiều tiếng nấc lênh đênh, la đà, bay ngang những mái đầu, cúi xuống.

(Dec-07 – Jan. 09.)

________
Chú thích:
(1) Ba lời hứa Hướng Đạo đó là:
a- Hướng đạo sinh trung thành với tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự.
b- Hướng đạo sinh giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.
c- Hướng đạo sinh giữ 10 điều luật Hướng Đạo.


(2) Thơ Du Tử Lê
“nhớ ai buồn ngất trên vai áo.
“mưa ở đâu về, như vết thương.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16812)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12048)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18829)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9023)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8121)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 450)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 817)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1019)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22338)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13898)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19085)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8693)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8390)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10936)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30587)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20743)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25363)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21613)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19669)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17962)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16823)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24371)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31806)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,