“Biệt khúc” có dễ là nhan đề ngắn nhất trong đa số những thi/phẩm tôi đã xuất bản.
Một bằng hữu hỏi rằng, tôi thực sự muốn mang ý nghĩa nào đến/cho chữ “biệt.”
Vì sự phong phú (cực kỳ phong phú) của tiếng Việt nên, chữ “biệt”/trong “Biệt khúc” của tôi, không nhất thiết phải mang một ý nghĩa/dứt khoát, cố định.
“Biệt” là riêng biệt. Nhưng cũng có thể là ngoại lệ (biệt lệ). Là đặc/biệt. Là xa hút (biền biệt). Hoặc mất tích (biệt tăm, biệt tích)...
Tôi chủ trương nhan đề những cuốn sách của tôi là, nhan đề…/“mở.” Hiểu theo nghĩa tùy cảm-thức của bạn-đọc-thân-hữu mà,/chúng được nhận diện.
- Ở đây, một lần nữa, (nếu được), tôi trân trọng xin bạn-đọc-thân-hữu/không đọc một lúc nhiều hơn ba bài thơ ngắn. Và, mỗi lần đọc/một bài thơ dài, xin chỉ đọc duy nhất bài thơ đó.
Với những bài thơ dài, có đánh số, bạn-đọc-thân-hữu không cần/theo thứ tự mà, có thể nhảy cóc, dừng mắt, chọn đọc bất cứ đoạn/nào.
Những đoạn thơ ấy, tuy có tương quan hữu cơ với toàn thể bài thơ,
nhưng tự thân, chúng cũng có tính độc lập.
Lại nữa, tôi cố tình dùng nhiều dấu chấm, phết để ngắt nhịp chảy/của câu thơ - - Cũng như cho nó những khoảng không gian tối thiểu/để…thở.
Nhưng, nếu dị ứng với những dấu ngắt kia, xin bạn-đọc-thân-hữu/coi như không có. Đọc như không hề có chấm, phết. Tựa chúng ta/bước qua những vạch phấn vậy!
Trân trọng cám ơn quý bạn-đọc-thân-hữu.
Du Tử Lê,
(California Jan. 2013.)/
Gửi ý kiến của bạn