Xa Người Như Xa Một Quê Hương

06 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 3386)
Xa Người Như Xa Một Quê Hương


1.

Khi tôi tỉnh dậy, nắng đã òa, vỡ. Tôi không thể biết đích xác bình minh nứt vỏ từ lúc nào; chỉ trực cảm, đã lâu, dường rất lâu, tôi mới lại có một buổi sáng dậy muộn.

Buổi sáng cùng tôi; cùng căn phòng hẹp, (ẩm tiếng máy hút khói u u;) cùng chỗ nằm (đã trở thành quen thuộc;) cùng những hạt sương móc câu trên những nhánh địa-lan của anh chị Ngô Bảo, trên ngọn lá ngọc-lan (nay đã thiếu nữ) của Nguyễn Dũng Tiến, trên đọt non mãng-cầu (tháp già) của Đoàn Văn Yên; cùng tiếng chim hoàng anh của anh Đan Thọ, (hót một cách họa hiếm;) cùng tiếng cãi lộn, chửi thề lia chia, chua, lè của lũ quạ đen trên đỉnh khuynh-diệp: ném, quăng tâm hồn tôi, lên bậc thềm đầu tiên, một ngày Thanksgiving, nắng, gió.

Đã lâu, dường rất lâu, sự di chuyển, những trốn, chạy, đuổi, bắt đã đánh cắp khỏi tôi, những cảm giác hạnh phúc lười biếng có từ nhịp thở chậm của những ngày lễ lớn. Sự mất tích cảm giác yên ắng này, làm tôi không thể nhớ Giáng Sinh vừa qua, Nguyên Đán trước đây, tôi ở đâu, làm gì? Thậm chí, tôi cũng không nhớ, mình ra sao, giữa những ngày lễ trọng đó!

Tôi tỉnh dậy khi nắng đã òa, vỡ. Không thể biết đích xác bình minh nứt vỏ từ lúc nào; chỉ trực nhận, đã lâu, dường quá lâu, tôi mới lại có một buổi sáng dậy muộn. Thức dậy cùng tôi là, đêm nhạc của Linh mục Văn Chi, còn bập bùng ánh nến, mới ít giờ trước đó. Mới ít giờ trước đó, tôi còn đứng trên sân khấu, nói cảm nghĩ của cá nhân tôi, về người tù, về sinh phần âm nhạc của vị thừa sai Thiên Chúa này.

Bây giờ, tôi đang nằm đây. Tôi đang nằm giữa căn phòng hẹp, ẩm, mốc meo niềm yên ắng quen thuộc. Bây giờ, tôi đang nằm đây, với bản tin mới nhất. Bản tin bão lụt. Bão lụt liên quan tới một địa danh xa hút, trong ký ức thơ ấu tôi. Quảng Nam. Hội An. Con sông Thu Bồn. Chị Dùng. Mùa nước lũ...

Bản tin viết: Cả gia đình anh Nguyễn Lý ở Khuê Đông, phường Hòa Quý như mất hồn khi nhìn xác hai con gái mới 9 và 11 tuổi vừa được vớt lên. Khuôn mặt người đàn ông tuy mới 40 tuổi, nhưng trông cứ như một ông già trong cơn đau đớn này...

Bản tin viết: Cũng tình cảnh ấy, một cụ già tại Cẩm Kinh cũng qua đời hôm 21 tháng 11 trong lũ cao gần 5 thước bên kia sông Hội An. Chánh văn phòng thị xã Hội An điện khắp nơi tìm thuyền qua sông để quàn và chôn cất, nhưng không ghe thuyền nào dám vượt vì nước quá mạnh... Hơn 50 người chết ở Quảng Nam và, Đà Nẵng được ghi nhận...

Bản tin viết: Chỉ với 70 người lánh nạn tại nhà thiếu nhi Hội An trong ngày 22 tháng 11, họ đã trắng tay thật sự sau cơn lũ tai ác này. Mỗi người chỉ còn một bộ quần áo trên người khi đến đây vào 2 giờ sáng đêm qua...

Bản tin bão lụt không chỉ làm sống lại ấu thơ tôi, những ngày di cư thứ nhất, từ miền Bắc vào Đà Nẵng. Rồi từ Đà Nẵng vô Hội An. Bản tin bão lụt miền Trung còn làm thức dậy khứu giác của ký ức tôi.

Tôi rất muốn mọi người cùng tin như tôi, rằng: Mỗi chúng ta đều có nhiều hơn một khứu giác. Tại sao không? Nếu thượng đế cho mỗi chúng ta một khứu giác hiện tại, khứu giác sinh thời, thì, mỗi chúng ta cũng còn có được cho riêng mình, một khứu-giác-quá-khứ, một khứu-giác-tương-lai nữa. Ở trường hợp tôi, sáng nay, tôi muốn gọi đó là khứu-giác-ấu-thơ, khứu-giác-kỷ-niệm.

Khứu giác kỷ niệm, khứu giác thơ ấu, sáng nay, cho lại tôi mùi thuốc Bắc. Mùi thuốc Bắc hăng hắc mà, ngọt ngấm đầu môi, thơm, tê cuống họng; với tôi, đồng nghĩa với mùi những quả táo tầu đen thui, khô quắt (mà,) kỳ diệu thay, nơi những vỏ nứt, nẻ của chúng vẫn phát ra những tia sáng óng ánh, như chứa đựng biết bao niềm bí mật.

Nghiệm lại, tôi không biết giữa tuổi thơ u ám và, nổi trôi của tôi, có một ràng buộc nào với những quả táo tầu chứa đầy bí ẩn ấy?

Nghiệm lại, suốt bao nhiêu năm thơ ấu, từ những ngày biết ghi nhận ở Kim Bảng, hình ảnh Chú Ba Thủ, một trong hai gia đình người Tầu rất thân với mẹ tôi, bao giờ cũng hiện ra trong tôi, cùng lúc với những quả táo tầu khô quắt (mà, vẫn óng ánh lớp vỏ nẻ, nứt niềm bí ẩn.)

Tôi nhớ, tôi chỉ được ăn những quả táo tầu của chú Ba Thủ trong những ngày tôi thực sự bị sốt, nóng. Những ngày tôi mê, thiếp trong cơn sốt. Giữa cơn hôn mê đó, mẹ tôi thường lén bỏ vào túi quần, túi áo tôi, những quả táo tầu khô quắt... (Những quả táo tầu lấy ra từ những thang thuốc Bắc mà, tôi hằng đòi cho kỳ được, mỗi khi trông thấy.)

Những giây phút tỉnh lại, thấy mình đang được (bị) mẹ tôi hay, chị vú vo tròn tôi lòng họ; (và,) vo tròn trong túi quần, áo tôi, lại là những quả táo tầu của chú Ba Thủ...; là những giây phút thần tiên nhất, ấu thơ tôi.

Tôi nhớ, những ngày đi học ở Hà Nội. Những ngày ở số 53 Phúc Kiến, ngôi nhà của chị Quang, chị ruột của chị Oanh tôi. Ngôi nhà dài, sâu hút, hút. Chị Quang, không có nghề làm thuốc Bắc. Gian ngoài cùng, trông ra đường, ngăn cách với những gian nhà trong bằng một bể nước lớn, chị Quang cho một ông thầy Tầu thuê, mở tiệm bán thuốc Bắc.

Mỗi sớm mai, đi học, khi ngang qua những chiếc kệ gỗ âm u, lớp lớp chai lọ và những bịch giấy xanh, đỏ, tôi đều ngửi được mùi hăng hắc, đầy vị ngọt ngấm tê đầu lưỡi, điếng thơm cuống họng, của những quả táo tầu khô quắt, óng ánh vỏ nứt, nẻ. Tôi nhớ, tôi đã phải cố gắng biết chừng nào, để không nói với chị Oanh, nỗi thèm khát có được trong túi quần, những quả táo tầu ấy.

Tôi nhớ, không còn ai kín đáo bỏ vào túi quần hay túi áo tôi, những quả táo tầu, trong những ngày tôi thực sự sốt, nóng. Tôi tự an ủi lấy mình, rằng, tiệm thuốc Bắc kia không phải của chị Oanh. Cũng không phải của chị Quang. Ngay mẹ tôi, nếu có ở bên cạnh tôi lúc này, chắc bà cũng chẳng thể lén bỏ vào túi quần tôi niềm mơ ước kia, vì ông thầy thuốc bắc kia, đâu phải là chú Ba Thủ của quê tôi...

Tôi nhớ, khi anh Quỳnh tôi bị thuyên chuyển vào Hội An, không biết do ai mách bảo, anh tôi thuê trúng một ngôi nhà cũng có một chiều dài sâu hút, hút. Ngôi nhà có gian trước mở vào con đường Phan Bội Châu. Cửa sau ăn vào đường bờ sông. Sông Thu Bồn. Ngôi nhà của một gia đình người Tầu, cũng mở tiệm bán thuốc Bắc.

Những ngày đầu tiên ở Hội An, không ai nói, (tôi biết chắc, không ai nói,) nhưng tôi đã có lại trong túi quần của mình, mỗi buổi sáng trước khi đến trường, những quả táo tầu khô quắt, (mà lóng lánh lớp vỏ nẻ, nứt hạnh phúc ngọt ngào.) Đó là những món quà làm quen đầu tiên của chị Dùng, dành cho tôi. Cho Phá nhấm nháp trong giờ ra chơi. Hoặc, cho Phá ăn cho đỡ buồn ngủ trong lúc ngồi học, chị Dùng nói.

Nếu tôi nhớ không lầm thì, hình như chị Dùng không... đi học như tôi. Chị ở nhà cả ngày. Chị có mặt ở nhà, lúc tôi đi học. Chị có mặt ở nhà, lúc tôi trở về. Tôi nêu thắc mắc này, với mẹ tôi. Bà bảo, chắc người Tầu không cần học tiếng Việt. Họ chỉ cần học buôn học bán thôi. Sau đó, còn hỏi thêm mẹ tôi một vài điều khác. Nhưng bà gạt đi. Bà bảo:


“Con giai không được lắm chuyện. Chuyện của nhà người ta, hơi đâu mà để ý...”

Từ đó, tôi không dám hỏi thêm mẹ tôi điều gì, liên quan tới chị Dùng, tới ba má chị. Không phải vì tôi nhớ lời bà bảo “con giai không được lắm chuyện...” (mà,) vì giữa tôi và chị Dùng, đã nẩy nở một thứ tình cảm, dường không bình thường, theo cảm nhận của tôi, ngày ấy.

Bản tin bão lụt không chỉ làm sống lại ấu thơ tôi, những ngày di cư từ miền Bắc vào Đà Nẵng. Rồi Đà Nẵng vô Hội An. Bản tin bão lụt miền Trung, còn làm thức dậy trong tôi khứu giác của ký ức tôi.

Khứu giác hồi ức hay, khứu giác kỷ niệm đã cho lại tôi mùi tóc, mùi quần áo chị Dùng (thoang thoảng mùi thuốc Bắc (mà,) với tôi, đồng nghĩa với những quả táo tầu,) mỗi khi chị ngồi cạnh, ghé sát để chỉ, dạy tôi cách chơi bài cào...

Khứu giác ký ức hay, khứu giác kỷ niệm đã cho lại tôi, mùi mồ hôi, mùi da thịt chị Dùng (thoang thoảng mùi thuốc Bắc (mà,) với tôi, đồng nghĩa với mùi của những quả táo tầu,) mỗi khi chị ngồi cạnh, ghé sát để chỉ, dạy tôi cách chơi xì lác...

Không kể mùi thơm từ da thịt mẹ tôi, các chị tôi và chị vú, mùi thơm từ nơi chị Dùng, là mùi thơm của người khác phái đầu tiên tôi được tiếp cận.

Khứu-giác-kỷ-niệm hay, khứu-giác-hồi ức đã cho lại tôi những ngày mưa lũ. Những ngày nước sông Thu Bồn dâng cao, ngập hết dẫy nhà sau. Buổi trưa trốn ngủ, tôi theo chị Dùng men các bờ tường, lội bì bõm xuống mấy gian nhà dưới. Những lúc hụt chân, hai đứa hốt hoảng cứu nhau, bằng cách ôm chặt nhau. Đôi lúc bị nước xô cuốn, quờ tay không thấy nhau, đứa này gào thét gọi tên đứa kia. Lúc kéo được nhau lên khỏi nước, sự hớn hở làm chúng tôi muốn chảy ra những giọt lệ mừng rỡ. Nhưng rồi điều gì đó, (điều tôi không thể hiểu,) khiến chúng tôi cùng quay đi. Dù, trong lòng mỗi đứa, dường đã thầm mong sẽ bị nước cuốn trôi thêm nhiều lần nữa...

Bây giờ, tôi nằm đây. Tôi đang nằm giữa căn phòng hẹp, ẩm, mốc meo niềm yên ắng quen thuộc. Bây giờ tôi đang nằm đây, với bản tin mới nhất. Bản tin bão lụt. Bão lụt liên quan tới một địa danh xa hút, trong ký ức tôi. Quảng Nam. Hội An. Con sông Thu Bồn. Chị Dùng. Mùa nước lũ... Bản tin nói về những người chết ở Quảng Nam, ở Hội An. Bản tin nói về những người lánh nạn tại nhà Thiếu Nhi Hội An vào ngày 22 tháng 11 vừa qua... Bản tin xé nát buổi sáng Thanksgiving êm ả, dường quá lâu, tôi mới có lại. Bản tin làm tôi muốn gọi cho những người bạn thời thơ ấu của tôi, những người một thời học trường Tiểu Học Nam Hội An với tôi, như P.G. Khánh, như N.V. Đĩnh, như T.T. Hạp, như P.M.Tiến... Tôi muốn gọi họ để được nghe họ quả quyết rằng, không, trong số những người chết trong lũ lụt ở Hội An, không có chị Dùng. Trong số những người mất sạch tài sản, ở ngôi nhà tạm trú kia, không có chị Dùng. Không. Không một bất hạnh nào đã đến với chị Dùng của tôi. Dù, có thể trong đời, họ chưa bao giờ nghe tới tên Dùng. Dù, có thể chị Dùng không còn nữa, trên mặt đất này. Hoặc, chị Dùng, có thể vẫn sống đâu đó, trong cái thành phố cổ kính tới lên rêu kia, không hề nhớ trong đời chị, có một thời gian quen biết một người, như tôi.

Đã trên bốn mươi năm. Thời gian quá đủ cho ký ức phải làm cái công việc cần thiết, đương nhiên là, lãng quên. Phần tôi, tôi cũng đã đủ già, để không thấy muộn phiền gì, điều này.

Tôi cho, đó mới chính là công việc của nó. Ký ức.


2.

Khi tôi tỉnh dậy, nắng đã òa, vỡ. Tôi không thể biết đích xác bình minh nứt vỏ từ lúc nào; chỉ trực cảm, đã lâu, dường rất lâu, tôi mới lại có một buổi sáng dậy muộn.

Buổi sáng cùng tôi; cùng căn phòng hẹp, (ẩm tiếng máy hút bụi u u;) cùng chỗ nằm đã trở thành quen thuộc;) cùng những hạt sương móc câu trên những nhánh địa lan của anh chị Ngô Bảo, trên ngọn lá ngọc lan (nay đã thiếu nữ) của Nguyễn Dũng Tiến; trên đọt mãn cầu (tháp già) của Đoàn Văn Yên; cùng tiếng chim hoàng anh của anh Đan Thọ, (hót một cách họa hiếm;) cùng tiếng cãi lộn, chửi thề lia chia, chua, lè của lũ quạ đen trên đỉnh khuynh diệp... Tất cả cùng ném, quăng tâm hồn lên bậc thềm đầu tiên, một ngày Thanksgiving, nắng, gió.

Đã lâu, dường quá lâu, sự di chuyển, những trốn, chạy, đuổi, bắt đã đánh cắp khỏi tôi, cái cảm giác hạnh phúc lười biếng từ nhịp thở chậm của những ngày lễ lớn. Sự mất tích cảm giác yên ắng này, làm tôi không thể nhớ Giáng Sinh vừa qua, Nguyên Đán trước đây, tôi ở đâu, làm gì? Thậm chí, tôi cũng không nhớ, mình ra sao, giữa những ngày lễ trọng đó!

Tôi tỉnh dậy khi nắng đã òa, vỡ. Không thể biết đích xác bình minh nứt vỏ từ lúc nào; chỉ trực nhận, đã lâu, dường quá lâu, tôi mới lại có buổi sáng dậy muộn. Thức dậy cùng tôi là hồi chuông điện thoại của chị Nguyễn Quang Bình ở Vancouver B.C.

Chị mở cho tôi nghe một đoạn băng cassette (trong số mấy chục băng cassette) của cụ Tâm Huyền, thời trước 75, ở Saigòn. Thời của những bài thơ xướng họa giữa những người bạn thơ của bà, như Vũ Hoàng Chương, Hà Thượng Nhân, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, Quỳ Hương, Tuệ Nga, Quỳnh Hương, Tuệ Mai, Tôn Nữ Hỷ Khương, Minh Quân, Diệu Tần... Thời của tiếng đàn tranh Bửu Lộc, tiếng sáo của Tô Kiều Ngân, những ngày Ban Tao Đàn của cố thi sĩ Đinh Hùng.

Chị Bình giải thích, cuốn băng cassette mà, chị sẽ cho tôi nghe, là một trong mấy chục cuộn băng cassette thân mẫu chị đã thâu “chui” trong những năm bà còn kẹt lại tại Việt Nam; với giọng ngâm không chuyên nghiệp một chút nào cả, của Thanh Mai, cô em gái chị.

Chị Bình nói thêm:


“Lý do tôi muốn mở cho anh nghe vì trong cuốn băng này, ngoài những bài thơ xưa của các cụ, không hiểu sao lại lọt trong đó hai bài thơ... mới. Một của anh và một của Nhã Ca...”

Tôi im lặng. Xúc động. Chưa bao giờ tôi hình dung thơ của tôi được ngâm nga, dù một cách lén lút sau tháng 4-75 ở Saigòn. Tôi biết, biết một cách chắc chắn, có bằng cớ, rằng, mặc dù sách của tôi bị cấm tàng trữ, cấm lưu hành ở Việt Nam, sau biến cố tháng 4-75, nhưng nhiều người, nhất là những người trẻ ở Hà Nội, ở Saigòn vẫn lén lút tìm kiếm, lén lút đọc thơ của tôi. Họ đọc, tới thuộc lòng, tới nhập tâm... Thậm chí có nhiều người trẻ còn biến những bài thơ họ thích thành những ca khúc nữa... Nhưng ngâm ngợi, thì, không. Đây là đầu tiên, tôi được biết điều đó.

Tôi nói với chị Bình, bằng tất cả náo nức của tôi rằng, có cách nào chị cho tôi được nghe lại bài thơ thời tuổi trẻ của tôi, được thâu “chui” giữa những ngày Việt Nam đen tối kia chăng?

Và, tôi đã nhận được món quà vô giá đó, giữa ngày Lễ Tạ Ơn; giữa những bước chân chạy nhầu của gió trên những nhánh chàm bông đỏ bị bẻ gẫy đêm qua; giữa những tin tức còn nóng hổi (với tôi) về hậu quả của những ngày bão lụt trên ngôi Chùa Cầu, trên con đường Phan Bội Châu, (ngôi nhà của chị Dùng,) trên thành phố Hội An, cái thành phố cùng với con sông Hoài, (tên gọi khác của sông Thu Bồn;) đã hé mở cửa đập rung động đầu nguồn trước một người khác phái nơi ấu thơ tôi.

Và, tôi lắng nghe. Tôi ngạc nhiên tự hỏi mình, tại sao, những dòng thơ ấy, ngày tháng ấy?

Tại sao lại có thể:


hỡi nhỏ buồn như một con sâu

buồn như chiếc lá, buồn mưa, mau
buồn như cái kiến, buồn như bướm
(bướm ốm o và, em ốm o)

Tại sao lại có thể:


hỡi nhỏ có buồn như ta không
tuổi thơ ngang khói đã hoang tàn
hồn ta như miếu đền cô quạnh
xa người như xa một quê hương.

Đó là một bài thơ nhỏ, nằm trong cuốn “Đời Mãi Ở Phương Đông.” “Đời Mãi Ở Phương Đông,” cũng như tập “Thơ Du Tử Lê 1967-1972,” là, hai tập thơ được nhiều người hỏi thăm nhất, trong những chuyến đi nói chuyện đó đây của tôi. Hai năm trước, trong một buổi nói chuyện ở Portland, một chị không biết đến từ thành phố nào, yêu cầu tôi nhận trước tiền đặt cọc của chị, để khi tôi tái bản một lần nữa, cuốn “Thơ Du Tử Lê 1967-1972,” thì, chắc chắn chị sẽ có được nó. Tôi từ chối. Không phải tôi sợ tôi tiêu mất số tiền nhỏ chị ứng trước cho tôi. Chỉ vì, tôi tự thấy, tôi đã nhận được từ nơi chị, một món quà tinh thần quá to lớn. Chỉ vì tôi tự thấy, tôi có thực sự đáng để được nhận những món quà tinh thần vô giá ấy? Cũng vậy, mới đây, khi cùng Ngô Tịnh Yên, Trần Duy Đức xuất hiện trong buổi tiếp tân ra mắt tập truyện của Lê Thu Hương ở Seattle, Nhung, người bạn gái của Thu Hương, bất ngờ hỏi tôi, có phải bây giờ tôi chỉ muốn mang lại cho người đọc những bài thơ chập chùng dấu chấm, dấu phết; những bài thơ gập ghềnh những dấu gạch chéo/ slash(?)


Tôi hỏi Nhung tại sao lại dành cho tôi câu hỏi đó, trong gặp gỡ lần đầu này?

Nhung cười, bảo, bởi Nhung đã chờ đợi từ bao nhiêu năm nay, để được gặp lại những “Khởi Đầu Một Kiếp,” những “Dỗ Giấc Người Bất Hạnh,” những “Phúc Âm Nàng,” những “Ngày Chúng Ta,” những “Vỡ Lòng Cho Một Người Con Gái Mỹ,” hay “Về Từ Vô Vọng,” là, những dấu ấn thời mới lớn của Nhung, nhưng:

“Nhung chờ hoài hủy. Lần nào Hương cũng trả lời, anh Lê sắp tái bản. Anh Lê đã cho sắp chữ... Và, những sẽ, những sắp kia, đã lên bốn, lên năm... Mà vẫn chỉ là “sắp” với “sẽ”...

Rồi, Nhung không ngần ngại kết luận là, tôi muốn chối bỏ quá khứ (!!!)

Lậy Chúa! Trong tôi, không hề, chưa bao giờ có thoáng qua ý nghĩ chối bỏ những gì thuộc về quá khứ tôi. Tôi vẫn nhìn tất cả những gì tôi đã viết xuống, đã in ra, là một phần thân thể mình, dù cho đó là thân thể bị khuyết tật. Như chưa bao giờ tôi che dấu tôi có một bàn tay sáu ngón (dù cho ngón tay thứ sáu kia, đã được cắt bỏ.) như lưng gù... Trái lại, tôi còn đem những hình ảnh xấu xí đó, vào trong thơ tôi, rất sớm. Cũng như rất sớm, tự những năm đầu thập niên 60, cách đây cũng đã gần 40 năm, khi chưa một người làm thơ nào tự ví mình, ví người yêu của tôi với những sinh vật nhỏ bé, xấu xi, gớm ghiếc như con sâu, cái kiến, như châu chấu, như cào cào, như giun, như dế, thì, tôi đã làm việc đó, một cách rất... tự nhiên, không mặc cảm. Trái lại. Phải, trái lại. Như tôi rất bằng lòng. Tôi rất lấy làm bằng lòng khi càng về sau, những hình ảnh các sinh vật xấu xí đó, được người nhiều dùng trong thơ của họ, và làm cho chúng triở thành những hình ảnh quen thuộc.

Một lần, Nguyễn Mạnh Trinh, ghé thăm. Trinh đọc tôi nghe, một bài thơ cũ của tôi, mà anh nói, anh đã thuộc lòng, từ những năm đầu sáu mươi, trong đó có những câu như:


tôi từ đó nhỏ nhoi như châu chấu
như cào cào vỗ cánh chả bay xa...

Nguyễn Mạnh Trinh hỏi tôi, sao không cho in lại những bài thơ đó? Tôi nói, tôi sẽ tìm. Tôi sẽ sưu tập lại. Sẽ in thành tập. Tôi sẽ đặt cho tập thơ đó, cái tên, đại để “Giỏ Hoa Cho (hay Của) Thời Mới Lớn”... Nghĩa là, tôi không hề chối bỏ quá khứ mình, mà còn bằng lòng với nó. Như nó đã là.

Tôi bảo Nhung, tôi hiểu, Nhung chờ đợi điều gì, cuốn sách nào. “Nhưng xin Nhung đừng nghĩ về tôi như thế...”

Cũng vậy, sáng nay, tôi nhận được điều gì qua đường giây viễn liên của chị Bình từ Vancouver B.C. Để khỏa lấp xúc động của mình, tôi kể chị Bình nghe tối ngày 23 tháng 10 vừa qua, sau khi trả lời một cuộc phỏng vấn của chương trình “Thế Giới Nghệ Thuật,” Đài phát thanh Tiếng Nói Người Việt Hải Ngoại ở Dallas, trong số những người gọi vào, có một cô bé tên Mỹ, dường như mới ở Việt Nam đi ra. Mỹ cũng hỏi tôi về bài thơ mà tôi vừa được nghe qua điện thoại từ cuộn băng cassette thâu “chui” của cụ Tâm Huyền. Mỹ nói, Mỹ ra khỏi nước với bài thơ đó. Mỹ nói, Mỹ muốn đọc cả bài thơ đó, cho các thính giả cùng nghe, tiếc bài thơ quá dài. Đào Văn Đại Dương, người điều khiển chương trình, cho biết, “không sao, xin chị cứ đọc...”

Cuối cùng Mỹ chọn đọc đoạn cuối của bài thơ. Mỹ chấm dứt phần đọc thơ với câu “xa người như xa một quê hương.” Và, Mỹ hỏi:


“Chú nghĩ gì khi so sánh sự kiện xa cách một người, giống như xa cách một quê hương...”

Tôi kể với chị Bình rằng, câu hỏi đến với tôi cũng bất ngờ. Như tôi vừa được chị cho nghe một bài thơ của tôi được thâu “chui” ở Saigòn với tiếng đàn tranh của cụ Bửu Lộc, tiếng sáo của Tô Kiều Ngân...

Tôi kể chị Bình nghe, tôi đã trả lời Mỹ rằng, đối với tôi, đời sống dường được làm thành bởi những chia lìa bất tận. Hay chính những chia lìa đã làm thành ý nghĩa của mỗi cuộc đời.

Tôi kể chị Bình nghe, tôi muốn nói với Mỹ, rằng, mỗi con người không chỉ chia lìa với kẻ khác, mà, đã chia lìa với chính mình, ngay tự lúc lọt lòng mẹ... Bởi muốn có hợp nhất với Thượng đế, muốn có một trở về với Thiêng Liêng, đấng Duy Nhất, đấng Cao Cả, thì chia lìa kia, chính là đòi hỏi thứ nhất, tiên quyết vậy... Nhưng tôi giữ lại được, câu nói đó. Tôi không muốn gieo vào tâm hồn còn quá xanh, non của Mỹ, những ý nghĩ của một người già nua, như tôi.


3.

 

Khi tôi tỉnh dậy, nắng đã òa, vỡ. Tôi không thể biết đích xác bình minh nứt vỏ từ lúc nào; chỉ trực cảm, đã lâu, dường rất lâu, tôi mới lại có được một buổi sáng dậy muộn.

Buổi sáng cùng tôi, cùng những gì làm thành một thời tuổi thơ, quá khứ ngủ muồi trên bốn mươi năm: thở ngậm ngùi, thở giá, rét.

Tôi rất muốn mọi người cùng tin như tôi, rằng: Mỗi chúng ta đều có nhiều hơn một khứu giác. Tại sao không? Nếu Thượng đế cho mỗi chúng ta một khứu giác hiện tại, khứu giác sinh thời, thì, mỗi chúng ta cũng còn có được cho riêng mình, một khứu giác khác. Khứu-giác-quá-khứ. Khứu-giác-tương-lai. Ở trường hợp tôi, sáng nay, tôi muốn gọi đó là khứu-giác-ấu-thơ, khứu-giác-kỷ-niệm.

Kỷ niệm trên dưới bốn mươi năm. Thời gian quá đủ cho ký ức phải làm cái công việc cần thiết, đương nhiên, là lãng quên.

Phần tôi, tôi đã đủ (quá) già, để không thấy muộn phiền gì, nếu ký ức có hăng hái, làm cái công việc lãng quên của nó, một cách quá quá đáng.


DU TỬ LÊ.

1997

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 2015(Xem: 9212)
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 8597)
14 Tháng Sáu 2015(Xem: 5975)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16815)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12052)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18831)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9026)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8125)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 452)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 820)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13901)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19088)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8393)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30590)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25366)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22813)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21615)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19673)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17966)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19149)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16826)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16016)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31809)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34842)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,