Yêu Dấu, Cần Chăng, Một Lời Nào, Khác, Nữa?

06 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 3236)
Yêu Dấu, Cần Chăng, Một Lời Nào, Khác, Nữa?

1.

Đó là lúc vầng trăng thượng tuần đã khô ráo sau một ngày dầm mình biển sâu. Thành phố được đánh dấu bằng những thửa ruộng kim cương, tựa mọi vật (luôn cả con người) là một thứ quý kim, hay chí ít cũng có khả năng phát sáng. Những con hải âu còn nuối, tiếc cuộc chơi (dẫu tẻ, nhạt,) chưa chịu theo những cánh buồm về nơi chỉ chúng biết.

Đó là lúc hai người phải dừng chân trước chọn lựa: bước tới, (cát và nước sẽ níu chân họ;) bọc xuôi bờ cát, con đường kẻ thẳng (loại đường thẳng không cho thấy một chỉ dấu sẽ nối liền hai điểm.)

“Tiếc một trong hai chúng ta, không kẻ nào có được cái quyền năng của thánh Moses...”

“Nhưng chúng ta lại được cái quyền... tự trầm. Phải không ông?”

Người đàn ông rúng động.

Gió và sóng biển vội vã nuốt chửng lời nói người con gái. Tựa nẫy giờ chúng chỉ chờ đợi chừng đó. Nhưng có dễ, vì quá mau mắn, nên chúng đã bỏ lại sự ngỡ ngàng cho người nói.

Có thể người con gái không chủ tâm nói điều tương tự.

Suốt buổi chiều có nhau, cô cho thấy, ít nói. Cô muốn nghe. Cô muốn được nghe. Được nghe (dù những điều vơ vẩn,) cùng giọng nói của người mình muốn nghe, hạnh phúc lắm chứ (!?) Càng hạnh phúc hơn nữa, một khi im lặng, chỉ nhắc nhớ tới chia ly, kề cận.

Trong hoàn cảnh của mình, người con gái hiểu rõ điều đó.

Điều duy nhất cô không hiểu (có thể vĩnh viễn cô sẽ không hiểu,) tại sao ý tưởng tự vẫn lại tìm đến với cô rất sớm. Nó tìm tới, bầu bạn với cô, ngay tự những năm cuối trung học. Nó tìm tới, bầu bạn với cô, ngay khi gia đình cô còn chân khô, chân ướt, mới bước ra khỏi những khó khăn vật chất, thời thế.

Đó là lúc bố, mẹ cô chia tay.

Cô không hiểu bàn tay cứu độ nào, đã trở thành những nhát chém lạnh lẽo. Cô không biết tấm lòng tử tế nào, đã trở thành những sợi thừng dòng, giắt bố, mẹ cô, mỗi người về một phía?

Cô cũng không hiểu (có thể vĩnh viễn, cô sẽ không hiểu,) tại sao, ý tưởng tự vẫn lại trở về, bầu bạn với cô những ngày đại học?

Những ngày, tháng như chiếc lá non hớn hở (một cách tội nghiệp,) sớm chọn lấy cho mình định mệnh xa cành. Những ngày, tháng cô chọn đứng một mình, lủi thủi, dễ khóc, như mây.

Tự vẫn, cái khao khát dữ dội long lanh niềm rưng rưng, đã trở lại với cô, trong chuyến xe đò từ nhà tới trường; từ trường tới những nơi chốn xin việc làm thêm, ngoài giờ học. Cô hiểu, tự nhiên thôi, vui biết mấy, đời sinh viên, kiếm việc làm thêm, tự túc...

Nhưng niềm vui sẽ nhanh chóng biến thành ê chề, hờn, tủi, nếu kiếm việc trở thành ưu tiên, trở thành lẽ sống. Cô càng hờn, tủi hơn, khi không thấy hình bóng cô trong những người bạn khác. Cô không hiểu điều gì đã làm thành sự khác biệt thô bạo giữa cô và, họ? Giữa cô, đìu hiu, (và,) cuộc đời rẫy nẩy niềm hí hửng, bên kia.

Hẳn nhiên, dẫu sống mấy đời, cô cũng sẽ không hiểu. Rồi tự những không hiểu đó, một đêm, trong chỗ nằm hiu quạnh của mình, cô chợt nhận ra nhiều điều...

Những điều (mà,) mọi người, (luôn cả ngoại cô,) tuồng cùng bảo nhau, không nên cho cô biết. Hay họ cho rằng, nên để dành cho cô, những điều đó, như thứ vốn liếng, của cải, cô có thể mang về bên kia thế giới(?) Thứ của cải mang tên “công bình,” khó ai có được cho mình, giữa khi đang sống. Đó là những khám phá tai ương(?) Những tai ương như có lần cô đã tự hỏi:

“Phải chăng, con người chỉ có được công bình duy nhất là sự chết(?) Mặc dù, trước khi sinh ra, đã chẳng ai được hỏi ý kiến!”

Cô biết, cô có rất nhiều câu hỏi, dành cho người đàn ông.

Cô biết, với ông Khả, cô có thể nói được, bất kể, điều gì. Không phải cô căn cứ trên những xác nhận nhiều lần, từ nơi ông, rằng, tương quan giữa cô và ông, là tương quan tri kỷ, (mà,) bằng cảm nhận, trực giác riêng, người nữ, cô tin, giữa cô và ông, còn có một điều gì, hơn thế. Một điều gì, rất riêng.

Nhưng khi gặp ông, cô chọn lui vào im lặng. Tựa im lặng là chiếc kén an lạc, êm đềm nhất, cho tình yêu bào sinh, theo cách của nó.

Hoặc giả, im lặng, theo cô, là khuôn mặt không son, phấn, chẳng mỹ viện? Cô không nhớ chính cô hay, ông Khả, có lần bảo rằng, bất hạnh vốn đã nẩy mầm tốt tươi ngay khi hạnh phúc chỉ vừa nhón gót. Như ý niệm thiên đàng, niết bàn, chỉ có thể thành hình với sự tiếp tay tích cực của ngạ quỷ!

Thay vì phải trả lời câu hỏi “chúng ta có quyền tự trầm?” của người con gái, (thì,) người đàn ông quành tay qua vai cô. Ông chọn đi xuôi theo bờ cát. Ông chọn đi trên con đường rất thẳng. Con đường không một chỉ dấu, nối liền hai điểm.

Trăng khuyết, cao. Những con hải âu đã trở về nơi chỉ chúng biết(?) Những thửa ruộng kim cương tựa lùi xa hơn, để tăng thêm vẻ rực rỡ, cùng những bí ẩn cuộn tròn trong nó.

Họ bước chậm, như tiếng thở dài được giải tỏa một cách khó khăn, từng chút, khỏi lồng ngực người đàn ông.

“Lẽ ra, Cốm không nên...”

Người con gái xưng tên. Người đàn ông cắt lời người con gái bằng cách ghì cô sát vào ông.

“Tôi hiểu. Cốm Vòng. Dù ở tuổi nào, khi cái chết lỡ là bạn. Người bạn, từng một thời, thân thiết với ta. Người bạn thủy chung, hơn bất cứ một tình bạn nào khác.”

Người đàn ông tuồng không bận tâm về việc ông gắn thêm chữ “Vòng” vào tên “Cốm” cho người con gái. Dường ông cũng chẳng thắc mắc liệu cô có hiểu chữ “Vòng,” tiếng chỉ danh nơi chốn sản xuất cốm nổi tiếng.

Cũng dễ hiểu thôi, nếu người đàn ông không thắc mắc. Chính ông, khi gọi cô là Cốm Vòng, chỉ vì, tự thơ ấu, ông đã được nghe nhiều lần hai chữ ấy. Và, ngoài hai tiếng ấy, ông cũng nào biết gì hơn! Ông gọi “Cốm...Vòng” tựa như ai đó, thích cho ấu thơ họ, một cái tên khác, vậy.

“Đó là thứ...kinh nghiệm,” người đàn ông nói. Sự rải mỏng từng tiếng rời rạc, cho thấy ông lúng túng,...“Loại kinh nghiệm dù rất muốn, người ta cũng không thể trao lại nhau...”

“.......”

Như có trớn hoặc, bắt được nguồn mạch, người đàn ông tự tin hơn:

“ Tôi nghĩ, chính vì bí mật truyền kiếp đó, mà nó có được cho nó, sự cám dỗ kỳ diệu. Sự cám dỗ của ke hở, mí giáp giữa thiên đàng và địa ngục. Nhưng cũng vì thế, mỗi chúng ta phải nỗ lực khước từ cám dỗ ấy. Đó cũng là trường hợp duy nhất, con người vượt trên thần linh. Thần linh may mắn hơn chúng ta. Thần linh không bị giam nhốt trong thành, quách thịt, xương...”

Vừa nói, người đàn ông vừa tỏ dấu tìm kiếm đôi mắt người con gái, tựa muốn thăm dò phản ứng nơi cô. Nhưng khi môi ông tình cờ nhận được vài sợi tóc do gió biển thổi lạc tới, ông không còn thấy cần thiết.

Mùi shampoo nơi mái tóc mới gội của người con gái, khiến ông hân hoan(?) Ông hân hoan đến muốn kêu lên, cùng lúc với cảm giác bồng bềnh trôi trong vùng buồn bã, chênh vênh ngày, tháng, cũ.

Người con gái tuồng mơ hồ ghi nhận được biến chuyển bất thường nơi người đàn ông. Cô vòng tay qua lưng ông. Qua lớp áo jacket cộm, dầy, cô đồ chừng tiếp xúc được phần thịt da thân thiết.

Cô nghe hơi ấm, rồi sức nóng nơi bàn tay mình. Cô không thể khẳng định, hơi nóng của những ngọn lửa khao khát tin, yêu nơi trái tim cô truyền tới những ngón tay; hay những hòn than âm ỉ nỗi chia, lìa, rực rỡ điên dại nơi tâm hồn ông, đã cháy lan sang cô...

“Ông Khả.”

Người con gái ngước khuôn mặt lúc này chỉ còn được nhận ra nhờ đôi mắt ấm áp chút hạnh phúc lập lòe phút cuối, (và,) cuộc tranh chấp giữa nỗi buồn truyền thừa, cùng mức độ thông minh quá đáng, nơi cô.

“Sao ông lại im lặng?”

Người đàn ông đăm đăm, phía trước. Bờ biển, như một đường thẳng, nếu có thể treo ngược lên, nó sẽ giống một nét vạch khá mờ trên tấm vải lụa mênh mông, trải về vô tận.

“Cốm Vòng, có phải trong toán học, người ta đã chứng minh rằng, đường thẳng là đường ngắn nhất, nói liền hai điểm?”

Người con gái gật đầu.

Trong cô, một so sánh mơ hồ giữa đường thẳng toán học và, đường thẳng cuộc đời.

Trong cô, một liên tưởng mơ hồ, giữa đường thẳng tình yêu, và, đường thẳng sự chết.

Hình ảnh Lara, trong “Dr. Zhivago,” nhân vật mà cô muốn nhận lấy cho cô, như một định mệnh khác. Định mệnh tiền kiếp, hiện ra.

Hình ảnh bàn tay nhỏ bé, cùng nỗi tuyệt vọng vói, trơ giữa bầu trời Mặc Tư Khoa xám ngoét.

Hình ảnh bàn tay bơ vơ, khẳng khiu không vói được, dù chỉ chút hương tan, mụn hơi quen, từ Pasa, đêm trước; khi đoàn tầu hùng hổ mang theo Pasa, chuyển bánh. Khi đoàn tầu gân cổ, rống lên những tiếng kêu chiến thắng man rợ; trước khi bỏ lại sau lưng nó, bàn tay chới với, dơ lên, và, một đường thẳng theo định nghĩa toán học... (con đường ngắn nhất, nối liền hai điểm...”

Toán học, đến hôm nay, vẫn không cho người con gái một định nghĩa rõ rệt nào, về bàn tay, và mùi hương (dù chỉ là hương tóc!)

2.

Tới ngày hôm nay, thời gian vẫn mang lại cho tôi những người bạn mới. Những người bạn tiếp tục mang đến cho tôi những câu hỏi, đại để: Khởi tự biến cố nào mà, hương tóc, bàn tay, dường là những ám ảnh lớn trong thơ văn của tôi?

Như hơn một lần, trong lá thư gửi từ Canada, H. bảo, gặp nhau, lần nào H. cũng quên hỏi tôi, về vai trò hay vị trí của mái tóc, mùi hương thịt da, trong những gì tôi viết...

Như hơn một lần, Cécile đọc cho tôi nghe, những câu thơ của tôi, nói về bàn tay.

Cecile bảo, Cecile tìm thấy, nhiều vô kể, những ngón tay rất buồn, trong thơ tôi. Cecile bảo, Cecile tìm thấy, nhiều vô kể, những bàn tay thất lạc, tật nguyền, tội nghiệp, trong tôi...

Hơn một lần, tôi trả lời H.: tôi thực sự không biết. Tôi hoàn toàn không hiểu, lý do gì, tại sao, những mùi hương tóc ấy? Hơn một lần, tôi trả lời Cecile: đừng bắt tôi phải nhìn, ngắm bàn tay tật nguyền của mình...

Nhưng, hôm nay, tôi hiểu. Đúng hơn, tôi chợt hiểu. Xin bạn đừng chờ đợi nơi tôi, lời giải thích về sự chậm hiểu của mình. (Phải chăng, đâu đó, tôi từng thú nhận: Bản chất, tôi chậm đụt. Tôi vụng về. Tôi mặc cảm. Tôi tật nguyền. Tôi ngu xuẩn...)

Nhưng, hôm nay, tôi chợt hiểu. Nhờ X., tôi nhớ lại tôi. Tôi nhớ một tuổi thơ lủi thủi, cô đơn, cháy nám. Nhờ X. tôi nhớ lại tôi. Tôi nhớ, tôi đã nhận được từ mẹ tôi: bàn tay, mùi thịt da và, mái tóc. Cũng từ bàn tay, mùi thịt da và, mái tóc, tôi nhận được cho riêng tôi, niềm quyến rũ ngọt ngào, tự vẫn.

Không biết, tôi có phải là đứa con bất hiếu chăng, khi luôn khẳng định: tôi là đứa trẻ không may mắn!

Trước khi có khả năng tìm hiểu, khám phá về thân thể, hình dáng mình, tôi đã sớm biết, riêng tôi, có một bàn tay sáu ngón.

Bài học “thân thể người ta chia làm ba phần: đầu, mình và chân tay,” tôi được học từ khi chưa biết nhận mặt chữ.

Bài học đầu đời kia, tôi không được học từ những người sống quanh tôi; (mà,) từ kẻ khác.

Họ là những người thường lui tới gia đình tôi. Họ luôn tỏ cho mẹ tôi thấy, họ yêu thương, họ quan tâm tới tôi, như thể tôi mới chính là lý do khiến họ thăm viếng. Nhưng khi thấy tôi, bao giờ họ cũng muốn tôi đưa bàn tay đã dấu trong túi quần, trưng ra trước họ...Họ nắm lấy nó. Họ mâm mê. Họ ngắm nghía...chừng với tất cả thương yêu có được...

Với tôi, đó là những giây phút điếng, lặng. Với tôi, đó là những giây phút tôi chỉ muốn chạy trốn, muốn dấu mặt mình trong lòng mẹ tôi.

Họ là những người ngoài đường. Những đứa trẻ cùng lứa tuổi với tôi, những người lớn cùng lứa với các anh tôi, mỗi khi bắt gặp tôi tựa cửa, trên bậc tam cấp. Dù cho sự ngăn cách giữa tôi và họ, là một thế giới khác biệt, vậy mà, ngay khi họ chỉ gật đầu chào, chỉ mỉm cười thôi, tôi cũng đã cảm thấy tôi, con thú dị hợm, lạc giữa xã hội loài người...

Sự xấu hổ (tôi biết, tôi dùng chữ rất đúng, chí ít cũng trong trường hợp này,) tự thơ ấu, đã sớm cho tôi cái khát khao được tan, biến, được chết. (Sự chết, điều tôi phải chứng kiến, cũng rất sớm, trong đời mình.)

Khao khát được chết nơi tôi, suốt một ấu thơ, chỉ biến đi, khi tôi được ở bên cạnh mẹ tôi.

Cũng là những nắm tay, cũng là những ve vuốt, cũng là những ngắm nhìn thương yêu chân thật, không chế giễu từ u già, từ chị vú (của riêng tôi,) từ các anh, các chị, vậy mà, chỉ mẹ tôi, mới đem lại được cho tôi, trọn vẹn cảm giác bình an, tin cậy.

Dường suốt thơ ấu, kéo dài tới năm mười một, mười hai tuổi, dù là con trai, tôi vẫn là cái đuôi của mẹ tôi. Tôi bám lấy bà, như những con sâu bám vào chiếc lá. Tôi ẩn núp trong bà, như những con gà con núp trong đôi cánh mẹ chúng, lúc diều hâu xuất hiện.

Như chiếc bóng thứ hai của người mẹ sớm góa bụa, sinh hoạt hàng ngày của bà, là sinh hoạt của tôi. Tôi biết giờ nào mẹ tôi trở dạy. Việc gì bà sẽ làm đầu tiên. Tôi biết giờ nào mẹ tôi đi ngủ. Ngoài cánh tay duỗi ra cho tôi gối đầu, bàn tay còn lại, bà sẽ đặt nơi nào trước nhất trên mặt tôi. Chiếc vú nhăn nheo nào của bà sẽ được lôi ra cho tôi sờ, ngậm, nhay suốt giấc ngủ. Tôi cũng biết, tôi sẽ bị mắng câu gì, một khi tôi cắn mạnh chiếc vú đó. Tôi thuộc luôn cả thứ tự những bài hát ru mỗi trưa và mỗi đêm, bà ru cho tôi ngủ. (Tôi biết rõ, bởi mẹ tôi chỉ có một số bài giới hạn... Hát ru xong một vòng, tôi biết, bà sẽ quay lại từ đầu.) Thường thì khi mẹ tôi ru tới nửa vòng thứ hai, dù chưa ngủ được, tôi cũng giả bộ ngủ, để mẹ tôi yên lòng, rón rén trở dậy, đi làm việc khác.

Tuy nhiên, điều mẹ tôi không biết, (chẳng bao giờ bà biết) rằng, không phải những bài hát ru, mà mùi thịt da, cộng với mùi tóc bà, mới là những vỗ về tôi vào giấc ngủ.

Tôi biết, tôi không có khả năng diễn tả mùi hơi riêng, trộn lẫn mùi tóc của bà... Nhưng tôi cũng biết, tới giờ phút này, nhắm mắt lại, tôi vẫn còn có thể cảm nhận được sự trộn lẫn của chúng.

Tôi cảm nhận được rất rõ, sự khác biệt mùi tóc của mẹ tôi, khi bà gội đầu buổi trưa, hay buổi chiều. Tôi cảm nhận được sự khác biệt của mùi hương trộn lẫn này, lúc tôi rúc vào nách bà, buổi trưa, hay buổi tối. Tôi cảm nhận được rất rõ, mùi bồ kết thoảng trong từng sợi tóc mẹ tôi, (dù chúng đã bước qua ngày thứ hai.)

Sung sướng nhất, với tôi, vẫn là mùi bồ kết, trên tóc mẹ tôi, khi mới gội...

Tôi không thể lý giải mối tương quan giữa mùi thịt da, mùi tóc mẹ tôi và, sự khuấy quên bàn tay có tật của mình. Tôi chỉ biết, dường cả hai đã cùng theo tôi lớn mãi.

Tôi chỉ biết, bàn tay, mùi tóc trở thành niềm thân thiết, chiếc bóng thứ hai (của tôi,) kể từ năm mười ba tuổi, năm tôi bị buộc phải ngủ một mình.

Niềm thân thiết, chiếc bóng thứ hai kia, càng chi phối mạnh mẽ mọi cảm nhận, phản ứng nơi tôi, kể từ năm mười sáu. Năm tôi ngông cuồng bỏ nhà, ra đi, kiếm sống, tự mình.

Nhiều năm sau này, khi cơn điên rồ của tuổi niên thiếu qua đi, khi đã trưởng thành, dường chưa bao giờ tôi kể cho mẹ tôi nghe, những đêm nằm một mình, trên căn gác trong một con hẻm, đường Nguyễn Tri Phương, rồi đường Bà Hạt, đường Nguyễn Tiểu La, nhớ tới mùi hơi và mùi tóc bà, tôi đã khóc, một mình, lặng lẽ... (Dù cho, ở những lần gặp lại đó, tôi vẫn luồn tay qua tấm áo cánh phin nõn, tứ thời màu trắng của mẹ tôi, để tìm núm vú, ngày xưa...)

Nhiều năm sau này, khi ngón tay thứ sáu của tôi, đã được cắt bỏ, khi thực sự trưởng thành, dường chưa bao giờ tôi kể cho mẹ tôi biết, tôi có thể mủi lòng, có thể chảy nước mắt, mỗi khi tình cờ nhìn xuống bàn tay mình... Mỗi khi tình cờ nhận được mùi shampoo bất chợt, trên tóc người con gái nào đó...(Mặc dù, mùi shampoo không là mùi bồ kết. Và, nếu có là mùi bồ kết, (thì,) nó cũng chẳng liên quan gì tới mùi bồ kết mẹ tôi, những ngày thơ ấu.)

Bàn tay, mái tóc, thịt da..., như thế đó. Chúng không chỉ là chiếc bóng thứ hai của tôi. Chúng đã là chính tôi, lênh đênh, thất lạc. Chúng đã là chính tôi, ghềnh, thác nỗi buồn (và,) ngọn triều hân hoan, tự vẫn...

3.

Đó là lúc họ duỗi chân, tựa lưng phiến đá. Người con gái ngả đầu vào ngực người đàn ông.

Trăng khuyết, cao thêm, nhỏ đi, như chuẩn bị chia tay nhân thế. Biển rì rầm hớt những cụm hoa trắng trên ngọn sóng, đem vào sâu đất liền, thả xuống đôi tình nhân. Nhưng, giống như sự trớ trêu, đành hanh của định mệnh, trước khi họ kịp đưa tay nhận đón, (thì,) biển (vẫn biển,) lại nạt nộ, vò nát những cụm hoa, cùng lúc, rút đi rất nhanh, khỏi bờ cát. Cứ như thế, biển quay đều những vòng quay phỉnh gạt. Như sự phỉnh gạt kiên nhẫn biết bao, của thời gian.

Người đàn ông nói:

“Nhắm mắt lại Cốm Vòng. Nếu được, nên ngủ một chút.”

Người con gái ngoan ngoãn vâng lời.

Dưới trăng, cô thơm, lành như...cốm.

Những ngón tay dòn, ải của người đàn ông, lần trên mặt cô. Người con gái ngửi được mùi cháy khét của thuốc lá. Mùi cháy khét đi ra từ những ngón tay người đàn ông, làm cô nhớ, có lần người đàn ông bảo:

“Tình yêu sẽ mãi là ngọn lửa đìu hiu, nếu ngọn lửa không có cánh rừng để cháy; và sức quyến rũ của tội lỗi làm nhiên liệu.”

Cô nhớ, khi đó, cô chỉ muốn được thành than trong, dù khoảng cách giữa ông và cô, dễ chừng tương đương mấy lần giáp vòng trái đất.

Mùi thuốc lá từ những ngón tay người đàn ông đem người con gái trở lại căn phòng như chiếc hộp, nơi giam nhốt những dợn khói và, ảnh người đàn ông.

Hình ảnh người đàn ông lao chao trên dốc, gió. Hình ảnh người đàn ông, thất lạc góc, đáy, đêm.

Rất nhiều lần, trong chỗ nằm hiu quạnh của mình, người con gái tin, cô được sinh ra để làm một điều gì đó, cho người đàn ông, cuối kiếp.

Liệu cô có thể làm được gì cho ông(?)

Hay thực tế, như những ngày vừa qua, sau những giờ phút sống cạn đời mình, cho người đàn ông, (thì,) điều chót hết, cô làm được, rồi, cũng chỉ là những giọt nước mắt, và, ám ảnh tự vẫn.

Những ngón tay khô khốc mang theo mùi cháy khét của người đàn ông, lùa sâu rừng tóc người con gái, dường phân vân như có ý muốn tìm kiếm điều gì. Cô không đoán được ý dịnh của những ngón tay quá đỗi thân thiết kia. Nhưng hốt nhiên cô cảm nhận được điều cô vẫn tự hỏi mình bấy lâu. Câu hỏi dành cho những người, như cô. Những người lần đầu, bước vào ngôi đền thiêng liêng, ngôi đền tình yêu, chỉ hiện một lần, một đời.

Bây giờ cô hiểu. Cô hiểu rất rõ: Những kẻ khé né trước khổ đau, run rẩy trước khói nhang nguyền rủa, chẳng những không nếm được hương, vị thiêng liêng mà, còn là kẻ trao không linh hồn cho những dọa nạt hư huyễn.”

Bây giờ, sau những ngày sống với người đàn ông (như từng bước, đi lần tới sự chết,) người con gái chợt hiểu: Tinh khiết hay thánh thiện là gì, nếu không phải là sự chân thật tới chảy nước mắt, với những rung động tự thân của tâm, thân? Dù cho chứng nghiệm này, mặt nào khác, lại làm cô chảy nước mắt, tựa như đó mới là cảm nghiệm sau cùng, (mà,) cô sẽ mang theo cùng cô, về bên kia thế giới.

Trăng khuyết, bặt. Đêm vượt khỏi mọi biên giới.

Người con gái vuột, rơi vào giấc ngủ. Người đàn ông nhắm mắt. Những ngón tay dòn ải, cháy khét mùi thuốc lá của ông, vẫn cời cời (như tìm kiếm một điều gì) trong rừng tóc cô. Lâu lâu, ông cúi hôn cô: trân trọng, thành kính, như hôn vị thần nắm vận mạng (hay biểu tượng khốc liệt,) đời mình?

Biển tiếp tục vòng quay phỉnh gạt. Trăng lắng sâu vào đêm đợi chờ...(*)

Người đàn ông nói (hát? cầu nguyện? đọc thơ?) cho thêm thơm tho giấc ngủ của người con gái (hay biển, đêm?)

Có thể người đàn ông chỉ muốn nói với riêng ông. Ông nói, những điều chính ông cũng không hiểu(?!?) Như người điên.

4.

X., Yêu dấu, của tôi,

Rất nhiều lần tôi tự hỏi mình, không biết Yêu dấu có còn muốn là tri kỷ của tôi, một người điên, như Khúc Dương và Lưu Chính Phong, hai nhân vật hắc-bạch trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ (mà,) Yêu dấu từng đề cập.

Yêu dấu, chẳng những là một người điên, hiểu theo nghĩa tâm trí bất bình thường, tôi, còn là kẻ bị nguyền rủa, nhạo báng, có dễ nhiều nhất, trong những năm, tháng quê người này.

X., Yêu dấu, của tôi,

Tôi muốn kể Yêu dấu nghe, chuyện một người bạn trẻ, bút hiệu(?) Nguyễn Tường Phong, trong một bài báo đầy phẫn nộ của anh, khi đề cập tới nhan tập tùy bút “Em và, Mẹ và, Tôi Là Một Nhé,” của tôi.

Người bạn trẻ đã cao giọng, dạy bảo tôi: không ai dùng dấu phết, sau chữ “và”! Chỉ những kẻ không được học hành tới nơi tới chốn, mới viết một câu văn, hay thơ què quặt như vậy.

Tôi nghĩ, có dễ người bạn trẻ còn chút lòng...“bao dung” nên đã tránh dùng chữ “điên,” “khùng” cho tôi.

Yêu dấu, câu chuyện xẩy ra đã nhiều năm. Tôi không nhớ bài báo (lá thư thì đúng hơn) của người bạn trẻ viết trước hay sau một bài viết của cố Thi sĩ Nguyên Sa, trên tạp chí Đời. Khi tác giả “Áo Lụa Hà Đông” ghi nhận rằng, kể từ năm 1975, ở hải ngoại, tôi là người thích đặt tựa dài...thoòng cho những tác phẩm của mình, cũng như ưa dùng dấu phết, ngay trên tựa sách.

Yêu dấu, đúng hơn, tôi đã có cho mình cái chủ tâm chọn nhan đề dài...thoòng từ những năm tháng trước tháng 4-75, ở quê nhà, trong khi hầu hết các tác phẩm văn chương của chúng ta vẫn tiếp tục nếp cũ, với những nhan đề hai chữ, thản hoặc, tình cờ mới là ba, bốn chữ.

Yêu dấu, ngay từ những năm tháng quê nhà, tôi đã bị một số văn hữu tỏ dấu không chấp nhận những nhan đề như “Vốn Liếng, Một Đời;” rồi “Đời Mãi Ở Phương Đông,” hay “Với Nhau, Một Ngày Nào.”

Nhan đề tác phẩm của tôi chẳng những dài...thoòng lại còn thêm cái dấu phết nằm “chình ình” bìa sách.

X, Yêu dấu của tôi,

Tôi hiểu sự khó chịu, dị ứng của những người này. Họ quen, quá quen, với cách đặt tựa sách trên căn bản hai chữ như “Tiếng Thu,” “Thừa Tự,” “Trống Mái,” “Đoạn Tuyệt,”... “Truyền thống” ấy, đến nay, vẫn còn chi phối (một cách vô thức,) nhiều tác giả, dù họ thuộc thế hệ văn chương sau 1975.

Yêu dấu, tôi hiểu, nhìn lại mấy trăm năm văn học của mình, chúng ta rất khó tìm thấy một dấu phết, dấu chấm nơi nhan đề của một bài thơ, một truyện ngắn. Nó gần như không hề có trên các bìa sách, tựa chung một tác phẩm...

Tôi hiểu, Yêu dấu, cuối năm 1969, khi nhà xuất bản Đại Ngã của một người bạn, in lần thứ nhất, truyện dài “Vốn Liếng, Một Đời” của tôi, (thì,) dấu phết ngay trên bìa sách, đã là một cái gai trong những đôi mắt chỉ có thể nhận bắt lối mòn; trong những đầu óc kín bưng đố kị, chỉ chấp nhận đổi mới, một khi chúng được khởi đi từ họ.

X, Yêu dấu, của tôi,

Tôi hiểu, cũng vậy, không nhiều người chấp nhận cách đặt tựa tác phẩm dài từ 5 tới 7 chữ của tôi, như “Tan Theo Ngày Nắng Vội,” “Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu,” “ Đi Với Về, Cũng Một Nghĩa Như Nhau,” “Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra;” hoặc gần đây hơn, như: “Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ!” “Vì Em, Tôi Đã Làm Sa Di”... Ngoài dấu phết, tôi còn mang cả dấu chấm, dấu than, hai chấm..., cho nó nằm “chình ình” trên bìa sách nữa.

X, Yêu dấu, của tôi,

May mắn cho tôi, những nhan đề vừa kể, ít, nhiều, đã được đón nhận. Chúng trở thành những “thành ngữ” mới...

Yêu dấu, cũng đáng kể, khi vài năm gần đây, không chỉ hải ngoại, ngay quê nhà, người đọc đã gặp được khá nhiều dấu phết, dấu chấm trong nhan đề và, trên bìa sách. Tôi cũng biết, một số không nhỏ, những người từng lớn tiếng nhạo báng chủ tâm sử dụng dấu phết (và tất cả mọi thứ dấu khác,) để ngắt lại nhịp đi của mạch văn, câu thơ, thì, hôm nay, họ đã...dùng.

Họ dùng, vì chúng cũng đã nhập sâu tiềm thức hay, vô thức họ.

Yêu dấu, nhiều phần, chắc tôi...khùng thật, Yêu dấu ạ! Có người hỏi tôi đã khùng chưa, khi chẳng những tôi không buồn phiền trước mọi chỉ trích, nhạo báng (mà,) tôi còn mang nôi dung bài báo chửi tôi, tới những buổi nói chuyện. Đó là những lần tôi phải trình bày trước họ, vài thử nghiệm văn chương nhỏ bé của mình.

Yêu dấu, ở đâu, trước cử tọa nào, tôi cũng trình bày quan điểm của tôi, rằng:

Chẳng phải vì chữ quốc ngữ, không phải do chúng ta nghĩ ra, nên chúng ta không dùng nó. Chẳng phải vì chiếc P.C. hay program tiếng Việt không phải là phát kiến của tôi hoặc bạn tôi, mà tôi cương quyết tẩy chay.

Yêu dấu, phải phát kiến nào cũng đi ra một cá nhân hay một nhóm người? Và khi nó trở thành phổ cập (thì,) mặc nhiên, là của chung. Nó chẳng còn riêng một, ai?

Những kẻ quyết liệt, khăng khăng phủ nhận những gì trở thành tài sản, biểu tượng thời đại, theo tôi, chỉ tố cáo sự bất trí, mặc cảm tự ti nơi kẻ đó.

Yêu dấu, như tôi từng kể với Yêu dấu, về sự bất trí của tôi. Đó là chuyện suốt một thời gian dài, tôi khăng khăng chống phong trào đọc truyện chưởng của Kim Dung. Sự bất trí kia, chỉ mang thiệt hại đến cho tôi, chứ không hề là một kẻ nào khác. Nó càng không là tác giả, Kim Dung.

X, Yêu dấu, của tôi,

Cũng từ nhiều năm qua, tôi đã dùng dấu gạch chéo slash (/) có trên keyboard máy computer, như một ký hiệu, một cái dấu (thêm cho những dấu chúng ta đã có,) để báo thị cho người đọc của tôi, biết rằng, họ tự do, hoàn toàn tự do di chuyển, đổi chỗ một chữ, một nhóm chữ đứng trước dấu gạch chéo, tới một vị trí khác trong câu thơ, mạch văn, theo ý thích. Khi đó, người đọc sẽ thực sự trở thành tác giả thứ hai. Họ không bị đặt trước một ngôi nhà đã hoàn tất, một bữa “TV Dinner.”

Yêu dấu, trừ một vài người, (như Cung Trầm Tưởng, Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh, Hồng Khắc Kim Mai...) đa phần nhìn tôi, như một tên khùng, một gã điên.

Và, Yêu dấu, nếu tất cả mọi người cùng thấy tôi như một tên khùng, một gã điên, liệu, Yêu dấu có còn muốn là tri kỷ của gã điên đó?

Liệu, Yêu dấu có còn giữ trong trái tim nắng, gió của mình, cái tâm nguyện, như nhân vật Lưu Chính Phong từng nói: “Làm người thì ai mà chẳng phải chết, nhưng được chết vì một người tri kỷ thì cũng hài lòng.”

Liệu, Yêu dấu có chọn cho mình, con đường của Melanie, thay vì Scarlett? “Gone With The Wind.”

Một cuộc chơi riêng, giữa nhân loại, tầm tầm, đúng, sai, thưởng, phạt?

5.

Đó là lúc họ trở về phòng. Theo mô tả của người con gái, nó là “căn gác đìu hiu” của cô. Căn phòng nhỏ, hẹp đến độ, nhiều lần cô muốn tìm một chữ gì khác, để gọi, cho chính xác, (mà,) chưa kiếm được. Nhưng, cách gì, nó vẫn là một chốn, rất riêng của cô. Nó không chỉ là căn phòng, hiểu theo nghĩa nơi diễn ra mọi sinh hoạt hàng ngày của người con gái, sau những giờ đi làm và, học.

Có những khuya, trở về từ bến xe bus, người con gái nghe được nhịp đập rộn rã của trái tim. Cô nghe được mức hối hả của đôi chân, đến muốn va nhau, quỵ xuống, vì những gì đang chờ đợi cô, trong căn phòng ấy.

Cô muốn nói, những lá thư, người đàn ông viết cho cô. Những lá thư trả lời của người đàn ông, cô nôn nao muốn có, ngay khi cô vừa gửi đi những dòng chữ của mình. Thậm chí, cả những lúc không hề gửi đi một lá thư nào, cô cũng vẫn mong...nhận được.

Người con gái sống bằng / với thư, như đó là dưỡng khí, thực phẩm của cô.

Cô sống hôn mê, trầm tích với những dòng chữ, ý tưởng, giấc mơ, khao khát nhập dòng của những nguồn suối, ghềnh, thác tình yêu nơi người đàn ông, và, chính cô.

Cô sống hôn mê, trầm tích với những nốt nhạc thánh thót từng giọt nôn nao, muộn phiền và, những câu thơ chói chan nỗi lầm than, tội nghiệp.

Căn phòng, có thể không khứng với tên gọi, nhưng nó vẫn là ngôi...nhà, kho tàng vô giá (nếu cô được phép nói thế,) của riêng cô.

Không chỉ mỗi bờ tường, mỗi góc nhà; (mà,) từng thước khối không gian giới hạn, đã cẩn, trạm, khắc, ươm hình ảnh, tiếng nói, hơi hướm người đàn ông.

Những lá thư, tình yêu, kỷ niệm, một nghĩa nào, đã căn phòng người con gái, một linh hồn, một thịt, xương, hơi thở, sự sống, khác.

Những đêm phải ở lại trường làm research, cô nghe lửa đốt, lòng mình.

Hình dung người đàn ông bị nhốt trong căn...“nhà” hộp quẹt, cô không biết ông có thể tự làm lấy cho ông, bữa tối?

Cô tự hỏi không biết, ông có thấy những quả trứng gà cô xếp ngay ngắn nơi cánh cửa tủ lạnh, những thùng mì ly, mì gói trên nóc? Cô nghĩ, cô rất chu đáo khi đã mua cho ông một bình pha cà phê mới. Với bình này, ông có thể pha một lần, sáu, bảy ly. Nó đủ cho ông cà phê một ngày, để...“tắm.” Cô nghĩ, cô rất chu đáo, đổ đầy thùng gạo, loại nàng hương, mới nhất...

Dù vậy, cô vẫn băn khoăn, thấp thỏm. Cứ như thể, nếu ở nhà, cô sẽ cho được ông, bữa cơm tối, thịnh soạn!

Người con gái nhớ, cô từng cho người đàn ông biết, nấu nướng là một ám ảnh “kinh hoàng” của cô:

“Lậy...Chúa! Ngài có thể bắt con làm bất cứ chuyện gì, trừ vào...bếp.”

Tuy nhiên, cô tin, cách gì (thì,) sự có mặt của cô ở nhà, buổi tối, vẫn tốt hơn. Ít nhất, cô cũng có thể dọn lên bàn, tô mì với dăm cọng hành, vài lát xà lách.

Những ngày không thể trở về...“nhà,” vì thời gian nghỉ dài, sau những kỳ thi, bị bà ngoại giữ lại, với hảo ý “bồi dưỡng” cho cháu, người con gái thấy mình như Lara, bị gạt gẫm, đưa đi khỏi nước Nga. Nhiều năm sau, khi tự tìm được đường trở lại Mặc Tư Khoa, Lara chỉ còn kịp giúp tang quyến thu xếp thủ tục chôn cất...Zhivago.

Vì thế, khi được “trả tự do,” trên đôi cánh hân hoan của cô, bao giờ cũng chĩu nặng bất trắc, hốt hoảng, và hình dung tử biệt.

Đó là những lúc cô sống được với cái mặt bên kia của “chẻ đôi sông, núi đêm bưng mặt / mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ;” hay “chẻ đôi thân thế: mù tăm tích / ta nghĩa trang nào chôn cất nhau?”...

Cô hiểu, hơn bao giờ, đời sống, một lúc nào, sẽ không thể mình...ên. Nó chỉ có thể hiện hữu, khi tìm được, (có lại) cho nó, cái nửa phần thất lạc; cái nửa phần thuộc về kẻ khác, phương xa.

Đó là nửa bên kia của sông (hoặc núi.) Đó là nửa bên kia của một con gió. Đó là nửa cần có của trái tim. Dẫu cho, cuối cùng, rồi những sợi tóc cũng phải chia, lìa những bờ vai với cảm nhận nỗi buồn, điều duy nhất, ở được với thịt, xương hứa hẹn, mai sau.

Cô hiểu, đời sống, như tên gọi, chỉ sống giữa hiện tại. Trước hay sau, sớm hay muộn, cũng chỉ là những vồn vã thớ lợ của sự chết, dẫu tốt tươi.

Cô hiểu, như cô đã từng...chết một cách “tốt tươi,” những ngày chờ thư người đàn ông. Cô hiểu, sự vồn vã của tuyệt vọng, lời thớ lợ của bóng tối, nghĩa trang, những ngày bặt tin nhau.

Cô hiểu, những “đêm bưng mặt,” những chiều nghe mưa quấn khăn, cất bước đi tìm tuổi thơ chính nó.

Và, cô cũng hiểu, rất rõ, căn phòng, nỗi đìu hiu, trăng và, sự mất tích một nửa, con gió.

Đó là lúc họ mở cửa, bước vào căn “nhà.”

Mùi thuốc lá, mùi đìu hiu (sẽ trở lui,) mùi tóc và cát, sóng và môi hôn; đền thờ và lời kinh; dòng thơ hay tiếng nói (mà, họ đem về từ biển,) đã cho căn “nhà” một “tâm thất” khác.

Đó là lúc người con gái dịu dàng bảo người đàn ông nhắm mắt lại.

Cô không thể nói với người đàn ông, nếu được, nên ngủ một chút. Vả chăng, đó chẳng phải là điều cô muốn nói. Có thể chính cô cũng không biết (hoặc không thấy cần thiết) phải nói điều gì.

Điều cô muốn, ở mặt bên kia ngôn ngữ.

“Tội nghiệp thay cho kẻ nào, chỉ có lời nói, chữ viết để truyền đạt cũng như nhận đón!”

Cùng lúc với ý nghĩ, người con gái cảm nghiệm được sự trút đổ trên cô: mùi thuốc lá, mùi đìu hiu; cát, sóng và môi hôn; đền thờ và lời kinh; dòng thơ hay tiếng nói.

Đổ xuống. Đổ xuống. Đổ xuống...Sự đổ xuống của nguyên căn “nhà,” cái kho tàng vô giá riêng / chung (nếu có thể nói được như vậy,) của họ.

Đó là lúc người con gái cho thấy, ít ra, một lần, cô đã giành lại quyền chủ động đời cô, từ tay định mệnh.

“Định mệnh, thấy chưa, đồ chết dẫm. Định mệnh, thấy chưa, chẳng phải lúc nào mi cũng tạo nên ta. Đôi khi, cũng có kẻ tạo ra mi, như tặng phẩm, dành trao kẻ khác.”

Và, người con gái đã trân trọng trao tặng phẩm định mệnh đời cô, cho người đàn ông. Cô trân trọng tận hiến nó, cho ông, (hay cho tình yêu cô,) như một kịch bản chói lọi nỗi đìu hiu, do cô viết lấy, và chủ động.

Bis.

X, Yêu dấu của tôi,

Bây giờ là một giờ sáng, giờ California. Tôi không thể biết giờ này, Yêu dấu đang ở đâu, làm gì?

Yêu dấu, giờ này, đã chẳng còn một con quạ đen nào ở không, cho tôi những chấm đen, như những dấu lặng, ngắt (hay nghỉ) trên những sợi giây điện giăng ngang bầu trời xỉn, thấp. Bây giờ, quanh tôi, cũng chẳng có một giỏ hoa hạnh phúc nào, (dù cho chúng có được làm thành bởi những lời nói dối.) Bây giờ, chỉ còn tôi.

Tôi, với những dòng chữ cho Yêu dấu. Tôi, với sự mất tích mình, nhiều ngày, tháng, cũ. Tôi không nhớ, tôi đã lìa, bỏ văn chương (hay văn chương lìa, bỏ tôi) từ ngày nào. Cái trí nhớ lụm cụm sương mù của tôi, đã không còn đủ bao dung cho tôi một ngọn nến, (dù rất nhỏ,) làm điểm sáng cho tôi trở lui, tìm kiếm. Tôi nhớ, dường sau bài viết về cái chết của người họa sĩ ở Hoa Thịnh Đốn.

Sự nằm xuống của ông, với tôi, đồng nghĩa với sự mất đi của tấm lòng tử tế. Sự mất đi của ông, với tôi, là sự mất đi vĩnh viễn, một nửa Falls Church.

Falls Church, cái thành phố tôi yêu biết bao, vì có ông, có những người bạn như Toàn Bò, như Hùng Muỗi, Hùng “sứt,” Hùng “ăn trùm;” như Huỳnh Thái Bình, như Phán “râu,” Thế “võ bị;” như Đinh Cường, Sơn Trường, “Thằng Ngọ,” Văn “đen,” Đạm Ngọc, Hồng Thủy, Đức Nam, Lệ Phạm,...may mắn, hôm nay, còn là bạn hữu tôi.

Falls Church, cái thành phố tôi đã trở lui, một lần, sau cái chết của người họa sĩ, nhưng chẳng vì thế (mà,) nó giúp tôi cầm bút viết lại.

Falls Church hay Đà Lạt; Houston, hay Đà Nẵng; Sydney hay Hội An; Boston hay Huế, cũ; New York hay Melbourne; San Jose, hay Nha
Trang; New Orleans hay Vũng Tầu; Orlando hay Brisbane, Bạc Liêu, Long Xuyên, Cần Thơ, Châu Đốc; Seattle hay Portland; Paris hay Hamburg, Frankfurt; Amsterdam, hay Tokyo, Hà Nội... vẫn còn giữ được trong nó, cho tôi, kỷ niệm và, những người bạn... Nhưng, cũng chẳng nhờ thế, (mà,) chúng giúp tôi, cầm bút viết lại.

X, Yêu dấu của tôi,

Những ngày, tháng qua, tôi sống vật vờ, với ít ỏi, những bài thơ. Những bài thơ tôi khai triển từ “notebook.” Những bài thơ viết xuống từ nhu cầu chứng tỏ lòng quý và, nể bạn ở tôi, khi bạn hỏi thơ, mới...

Yêu dấu, một năm thêm, sắp đi qua. Nhiều đêm trằn trọc, tôi tự hỏi, nếu không có Nguyên Khôi ở Dallas, hối thúc với tất cả tấm lòng trân trọng của riêng anh, dành cho những bài thơ thiền rải rác, liu điu của tôi, (thì,) tới ngày nhắm mắt, tập “Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di,” cũng sẽ không được chào đời.

Yêu dấu, một năm thêm, sắp đi qua. Tôi đã có sẵn trong tay, bản dịch Anh ngữ trường khúc “Mẹ Về Biển Đông,” của Thiên Nhất Phương và Trần Lệ Khanh. Tôi đã sắp xếp cho mình, chương trình tái bản tập thơ này, nhiều tháng trước. Nhưng, bây giờ tháng Mười sắp ra đi. Tôi vẫn còn như con vờ, lạc giữa quầng sương tuổi già, lụ khụ.

Và, như thế, Yêu dấu, tôi sẽ trải qua một năm ăn không, ăn hỏng công lao của biết bao người làm thành hạt cơm, manh quần, tấm áo...cho tôi.

Và, như thế, Yêu dấu, tôi đã không là tôi.

Tôi thấy mình trơ trẽn gian dối, dị hợm giả trá, khi đến đâu, nơi nào, trước những người trẻ, tôi luôn nhắc nhở họ, cái bổn phận trả lại, cái phần vụ “pay back,” những gì chúng ta nhận được từ nhân quần, xã hội.

X, Yêu dấu, của tôi,

Bây giờ là một giờ đêm, giờ California. Lần đầu tiên, sau nhiều ngày, tháng mất tích mình, nhờ Yêu dấu, từ Yêu dấu, tôi tìm được, tôi.

Tôi tìm lại được văn xuôi, cho mình.

Tôi tìm lại được ngọn nến (dẫu rực rỡ nỗi...đìu hiu,) như tìm được nửa phần sông / núi; nửa phần trái tim, những tưởng đoạn đành, mất tích.

Yêu dấu, đêm nay, tôi bỗng thấy thèm hát. Tôi muốn hát bằng cái giọng mang đầy tính “khủng bố” của mình. Tôi muốn hát:

“Cảm ơn, em yêu dấu, xin cảm ơn, hạnh phúc này. Cảm ơn em yêu dấu,

cho ta sống, đến ngày hôm nay...” (**)

Và, Yêu dấu, cuối cùng, Yêu dấu có còn thấy cần thiết, nơi tôi, một lời nào nào, khác, nữa?

DU TỬ LÊ

(Oct. 2001)

---------------------------------------------------------------------

(*) Đợi Chờ, Nhạc và lời: Nhật Bằng & Phạm Đình Chương &

(**) Khi Bắt Đầu Của Tuổi Ba Mươi: Thơ DTL, Nhạc Trần Duy Đức.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16817)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12052)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18833)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9028)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8128)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 453)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 822)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13903)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19090)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8394)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30591)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25369)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22814)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21616)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19674)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17966)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19150)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16826)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16017)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31812)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34843)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,