Mái hồn tử sinh

08 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 4598)
Mái hồn tử sinh

D-: Nhím mang lại cho tôi hai người bạn nhỏ, trong một buổi chiều mà, sự mệt mỏi, đến rã rượi; sự chán nản, đến tuyệt vọng; đã quật tôi, ngã xuống, dòng sông thời gian, cuộn xiết. Đó là Hính và Huôl. Hính hỏi Nhím là ai? Huôl nói, có khi nào, người ta tìm thấy một Nhím, giữa trần gian này, giữa xã hội này? Tôi bảo: Có thể chứ. Vấn đề là tìm kiếm và, chờ đợi. Dù một nghìn năm sau, người ta vẫn còn có thể tìm thấy những hạt ngọc, ngậm trong những miệng trai, miệng hến. Mặc dù, trong nhật ký của tôi, Nhím chỉ là một nhân vật không có thật. Hoặc nếu có thật, thì, cũng chỉ thật trong văn chương của tôi; trong rung động của một số người nào đó thôi. Huôl nói, nàng yêu vô cùng, người con gái tóc thả, môi thơm của nhật ký. Hính nói, nhan sắc Nhím đẹp như thi ca, buồn như hội họa. Văn chương làm bất tử Nhím. Tôi nói tôi nghĩ khác. Tôi nói chính những người như Hính, như Huôl làm cho văn chương trở thành đời kiếp. Hính nói Hính có đọc “Nhân Vật”. Hính đồng ý với tôi như vậy. Vậy thì đâu là biên cương giữa nhân vật và đời sống? Giữa đời sống và văn chương? Biểu tượng của văn chương, có tựu thành nơi nhân vật, ở đời sống?

Những câu hỏi đột ngột cất lên, giữa một buổi chiều đất khách. Những câu hỏi mang âm vang của Tân Cương giá buốt, của Thượng Hải gấm lụa, của Vân Nam, sâu kín, của Dương Tử Giang đi, về, như Hoàng Hà biển lớn. Những câu hỏi mang âm sắc Minh Hương, có gió Quảng Đông, có mưa Phúc Kiến...

Tôi bước lại gần và cúi nhìn xuống hai khuôn mặt trẻ thơ, chung một tấm lòng yêu văn chương, vàng mười. Hai khuôn mặt thiếu nữ, chung một biểu lộ, tấm lòng yêu nhân vật. Tôi nói, chia sẻ nào với văn chương, cũng là những chia sẻ vô giá. Nhân vật trong hay, ngoài nhân gian, trước sau, cũng vẫn là nhân vật. Tinh khôi. Duy nhất. Cách nào cũng nên hiểu, nếu người nữ làm thành một dòng văn chương, mở được một cửa khác, trong cõi tro tàn của một đời lữ thứ, thì, Nhím, hoặc bằng một tên gọi A, B, C nào đó, phải được nhìn như một kẻ-ở-ngoài-nhân-gian, dù kẻ ấy có thực sự hiện diện. Đó là, ẩn lan. Đó là, bướm ngũ sắc, là rồng bay trên tầng, tầng, gió cuốn.

Huôl ranh mãnh hỏi, như thể tôi đã xác nhận, một điều gì, về Nhím. Huôl hỏi: “Từ đâu ra chữ Nhím?” Tôi đáp, từ một người bạn đã xa. Hính hỏi: “Từ đâu ra tên Hón?”. Tôi đáp, từ một người bạn Triều Châu, đã không còn nữa, hôm nay. Người con gái Triều Châu kia, đã lùi, đã khuất, như thủy triều rút đi rất xa, khỏi một bờ cát. “Vòm trời đêm, thường mất đi những vì sao, có phải?” Hính mở lớn đôi mắt mười tám. Đôi mắt như một bến sông Tiền Giang chiều nào lênh láng. Huôl cúi xuống bàn tay, có những ngón mười bảy, những ngón mười lăm. Nụ cười mười hai, ẩn hiện, một chút bất mãn, thấp thoáng, một chút nghi hoặc. Dù sao, vẫn là những tấm lòng như cẩm lai, như thao lao, như trầm hương trong rừng già gỗ tạp. Dẫu sao, cũng là những tấm lòng đầy hương cốm văn chương.

Tôi thực sự kinh ngạc, cảm kích khi được biết Hính và Huôl là người Trung Hoa. Tuổi trẻ của Trung Hoa, tìm đến với văn chương Việt, ở lại với rung động Nhím, chia sẻ dằn vặt chàng; nghiêng vai cùng khổ lụy tôi, cuối kiếp, thật quý báu ngần nào. Tôi nói, thiếu nữ Việt Nam, ở tuổi Hính, tuổi Huôl, không có nhiều, những trái tim mang cùng một nhịp đập với văn chương Việt, nồng nàn, sâu sắc như thế. Càng hiếm hoi hơn nữa, với văn chương tôi, với nhật ký. Văn chương trong nhật ký là văn chương cho-một-người. Những trái tim loài bò sát, những chiếc đầu côn trùng, những trí tưởng nghèo nàn hơn một con số không, những bàn tay bẩn, những chiếc lưỡi đen, những con mắt trợn trắng, làm sao hiểu được nhật ký! Làm sao nghe được (không phải bằng tai) tiếng mưa lùa suốt nấm-nhà-hồn tôi hoang phế. Làm sao, những kẻ đó, hiểu được Nhím? Nhím, hay A, B, C..., chỉ là một tên gọi. Nhưng là tên gọi minh thị một định mệnh. Như biển đông, dạt về. Như quê cũ, ra đi. Tôi muốn cám ơn Hính; cám ơn Huôl, cám ơn những bước chân về với nhân gian, về với tổ quốc thứ hai; về với những tấm lòng văn chương héo muộn, những tấm lòng, chỉ còn như một nỗi u uẩn khôn khuây. Nhưng không được, bởi chung quanh chờ đợi nơi tôi một câu nói khác. Câu nói thật. Nhím là...!

D-: Người con gái nói: “Em van. Anh đừng hôn em nữa.” Người đàn ông hỏi: “Điều gì làm em sợ hãi?” Người con gái nói với chút xấu hổ, một chút thẹn thùng, dù trong bóng đêm. Dù ngọn đèn trên vách tường chỉ soi rõ một phần của khuôn mặt nàng. Người con gái nói “sự thức dậy”. Người đàn ông buông vai người con gái. Anh nhìn xuống những ngón tay chỏng chơ trên mặt nệm.

Anh nói: “Anh xin lỗi! Anh không hề cố ý!” Người con gái ngước đôi mắt lớn, nhìn người đàn ông. Tia nhìn của thương xót, vừa đớn đau, dằn vặt. Nàng nói: “Nên tội nghiệp cho em. Lúc chúng ta chia tay, anh không thể hiểu điều gì, anh đã để lại trong em. Sự điên cuồng. Nỗi rồ dại. Em cũng chỉ là một người đàn bà bình thường. Như bất cứ một người đàn bà nào khác!” Người đàn ông nén xuống những rung động, những khát khao lửa ngọn.


Anh hỏi: “Đâu là ý nghĩa của sự chờ đợi?” Người con gái nghiêng đầu chạm vào tấm kính xe quay kín. Ánh sáng tuồng cố tình chạm trổ từng khoảng bóng tối trên khuôn mặt và, thân thể người con gái. Người đàn ông cầm lên bàn tay khô héo của nàng. Người con gái, im lặng. Đêm xích gần hơn trong hơi thở dồn dập của hai trái tim cùng gió bão. Người đàn ông ấp mặt anh lên ngực người con gái. Mùi vải áo; mùi thịt da; mùi tóc thả ngang môi. Mùi khát khao. Mùi chờ đợi. Mùi nhớ nhung. Mùi điên dại. Người đàn ông nghe như có gió dấy lên trong lòng và, rạo rực đằm xuống. Người con gái nghịch nghịch mái tóc người đàn ông. Bàn tay người đàn ông vuốt từ vai, đi xuống cổ. Bàn tay người đàn ông, từ dưới thấp đi lên...


Thình lình, người con gái, nâng mặt người đàn ông lên cao. Nàng nhìn sát mặt chàng. Hai chóp mũi chạm nhau. Những đôi mắt không chớp động. Người con gái không gìn giữ nữa. Không lẩn trốn nữa. Không quay lưng nữa. Nàng hôn chàng. Nàng hôn chàng. Nàng hôn chàng, mặc cho những dấy động, những lửa ngọn, thiêu đốt, những cửa ngục, mở ra, đã đốn ngã nàng nhiều đêm tối trước. Nàng hôn chàng. Nàng lùi xa. Nhìn lại mặt chàng. Không phải bằng mắt, mà, bằng trái tim đẫm ướt, bằng xác thân, hứa với trăm năm. Nàng lùi xa. Thình lình. Như những con sóng thình lình, rút lui khỏi một bờ bến. Nàng lùi xa. Thình lình. Như cơn bão, đứng im - lặng lặng. Những khám phá đầu tiên. Sự kỳ diệu của môi hôn. Sự chết điếng của những ngón tay, có ngón buồn, ngón giận. Nàng lùi xa. Lùi xa. Người đàn ông thảng thốt kêu: “Em.” Người con gái cũng lạc thần đáp lại: “Anh.” Và nàng, sau khoảnh khắc lùi xa, đã như một cơn giông, cũng thình lình ập xuống. Người đàn ông như xé nát nàng, thành từng sợi nhỏ.


D-: Nhím nói: “Em nhớ. Cu con.” Tôi nói: “Đừng xạo.” Nhím nghiêm nghị: “Tình yêu đã dạy cho em nhiều thứ. Tình yêu cho em, bất trắc. Tình yêu cho em hờn ghen. Tình yêu dạy cho em hiểu thế nào là nỗi nhớ thương, một người vắng mặt. Tình yêu, cho em quặn xót một mùi hương. Tình yêu, cho em buổi sáng lười, trong chăn, nhớ cu con, thèm tiếng nói, từ một đầu dây, không hẹn. Tình yêu, cho em mơ mộng, buổi chiều. Cho em hình dung, bữa cơm, có cu con, một ghế. Còn em, đầu bàn. Có bát cơm vợ chồng. Có chén tương tình nghĩa. Có giường chờ, có nệm trông, và, dĩ nhiên, cửa khép.”


D-: Buổi chiều, tôi đọc bài thơ mới cho bạn nghe. Không hiểu sao, tôi lại chọn người đó, để nghe bài thơ đó. Không hiểu sao, tôi nhớ lại đôi mắt Kim, đôi mắt đăm đăm, đôi mắt phẳng lặng, đôi mắt trở thành một ám ảnh, trở thành một phần ký ức tôi. Đôi mắt của hai năm trước. Đôi mắt của một quá khuya, khi tôi ngồi đối diện Kim. Khi Kim hỏi tại sao trong thơ của tôi có quá nhiều con đường và ngày tháng. Tôi nhớ, tôi trả lời, cuộc đời mỗi cá nhân được làm thành bởi ngày tháng và, nơi chốn. Tôi nói: “Chính nơi chốn ủ giữ giùm ta những kỷ niệm. Trái tim chỉ là chiếc máy ảnh chụp những tấm ảnh kỷ niệm. Tấm ảnh, có thể hư, đoạn phim, có thể mất. Nhưng nơi chốn, thì bao giờ cũng vẫn đó.”


Buổi chiều, tôi đọc bài thơ mới cho bạn nghe. Đó là người bạn gái đầu tiên, tôi chọn để đọc trọn vẹn, một bài thơ vừa hoàn tất. (Từ nhiều chục năm qua, tôi không còn thói quen đó nữa.) Một, hai tháng gần đây, tôi bị ám ảnh nhiều về người bạn gái này. Vết son Kim để lại trên mặt tôi, trong một tối, nõn, óng họp mặt cuối năm, hình ảnh Kim riêng tây, một góc, khiến tôi khôn khuây. Tôi hay nhai lại, một mình. Tôi hay gọi lại, kỷ niệm. Sống lại, với chút ngậm ngùi, như sự xa vắng, như vẻ cô đơn thường trực nơi Kim. Tôi khoe Kim bài thơ mới. Tôi rất thích. Tôi rất bằng lòng. Muốn đọc Kim nghe với một điều kiện. Kim hỏi điều gì? Tôi đáp: cấm cười, và, Kim cười òa. Tôi biết, Kim không hình dung được tôi lúc đó. Tôi biết, Kim không đoán được tôi đã ngượng, thế nào. Tôi xấu hổ, như một người đang ăn cắp bị bắt gặp tại trận. Kim nói: Kim đã cười rồi. Chắc chắn Kim sẽ không cười nữa. Tôi nói: Hứa đi. Kim đáp: Hứa.


Đó là một bài thơ ở trạng thái quặng mỏ trong tôi, nhiều ngày trước. Những ý tưởng mơ hồ, lẩn khuất trong tôi, bao đêm. Mỗi khuya khoắt, vào giường, chạm tay tấm chăn lạnh ngắt, ngả lưng xuống một mặt nệm như một tảng băng bằng phẳng, tôi lại rùng mình. Tưởng tới một ngày, ai đó, mở cửa. Tôi chỉ còn là một cái xác khô héo. Chẳng rõ có phải tuổi già đã tới bắt đầu gõ những ngón tay xương, lóng, mệt mỏi, uể oải lên vách tường đời tôi hay không, mà, gần đây, tôi hay nghĩ đến cái chết. Tôi hình dung về nó, cũng quạnh quẽ, cũng lẻ loi, cũng lủi thủi, như bóng tôi. Như ngày tháng tôi. Như nỗi buồn tôi. Như những người đàn bà đã đi qua đời tôi, và đã thất lạc. Đã không còn một vang động nào nữa.

Tôi tự hỏi bao lần trong bóng tối
tôi là ai? ngồi đợi đến bao giờ
đời vô nghĩa với xác thân giả tạm
cả linh hồn, rồi cũng chỉ như mây


Tôi tự hỏi bao lần trong bóng tối
này mùa mưa, có phải đã đi qua
sao tôi vẫn đợi ngày em-nắng-gió
dù biển đông đã cản lối em về


Tôi tự hỏi bao lần trong bóng tối
cửa sông buồn như thể cũng hư hao
những dòng nước muôn đời không chảy ngược
chuyện đau thương rồi cũng tựa như bèo


Tôi tự hỏi bao lần trong bóng tối
này bàn tay, khô ải tháng năm hờ
đêm kinh nguyệt, em có còn nhớ lại
tấm nệm xưa, giờ cũng nhạt phai màu


Tôi tự hỏi bao lần trong bóng tối
này mùi son, hương tóc ủ phương nào?
đây ký ức bắc ngang trời hiu quạnh
cứ rung hoài, một điệu khát khao nhau


Tôi tự hỏi bao lần trong bóng tối
em không về, mưa vẫn đổ quanh đây
chăn chiếu lạnh muôn đời không ấm nữa
như buổi chiều tôi-bạn đã chia tay


Tôi tự hỏi bao lần trong bóng tối
tôi là ai? ngồi đợi đến bao giờ
một kẻ khác ở trong tôi thức dậy
dắt tôi đi trở lại một bến bờ


Tôi tự hỏi bao lần trong bóng tối
còn đợi chi? đã đủ rữa tan rồi
hồn hay xác thì cuối cùng cũng chỉ
như cỏ cây, thiếu một mặt trời


Tôi tự hỏi bao lần trong bóng tối
có thể nào, tôi sống như hồn ma?

Người bạn im lặng hồi lâu, khi bài thơ chấm dứt. Tôi tin tôi biết phần nào những gì người bạn nhận được qua bài thơ đó. Tôi nói, như thể bài thơ không phải của tôi. Như thể bài thơ không phải là bài thơ, mà, bài thơ là một kẻ khác, một kẻ nào, vắng mặt giữa chúng ta. Tôi nói: “Bài thơ, tội nghiệp, phải không Kim?” Ở đầu dây bên kia, có tiếng thở dài. Kim bảo hãy cho nó một cái nhan. Tôi nói: Chưa có. Buổi chiều khi ngồi chép lại để sắp chữ, tôi viết lên đầu trang giấy hai chữ “Hư Ca”. Và nghĩ, như là một tặng phẩm cho một người ở ngoài nhân gian. Cho cái mà tôi vẫn gọi là “ở chỗ nhân gian không thể hiểu.”

Tôi e, muôn đời những thi sĩ, rốt ráo, chỉ là những sinh vật bất toàn, lạc loài trên mặt đất.

Chó con yêu dấu của anh. 
Ngày mai, có thể, chúng ta sẽ xa nhau. Ngày mai, có thể, chúng ta sẽ mất nhau. Chúng ta sẽ nhìn nhau, như những kẻ xa lạ. Chúng ta sẽ chả bao giờ có được một nơi để về; một chốn để đến. Một sớm mai, để gọi nhau, lúc trời chưa tỏ rạng. Một trưa muộn, để tìm nhau, trên những con đường, lá rụng hoang mang.

Chó con, yêu dấu của anh. 
Ngày mai, có thể chúng ta mất nhau, có thể chúng ta chẳng bao giờ còn nữa, buổi chiều, gió rưng rưng trên những dốc cao, đổ xuống một mặt biển, ầm vang sóng dữ. Ngày mai, ngày mai, ngày mai, chó con, yêu dấu của ta, có thể, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thêm, những khuya, trăng và tiếng hát. Đêm và bàn tay. Môi em và tóc gội. Có thể, chẳng bao giờ, chẳng bao giờ nữa đâu, hỡi yêu dấu, hỡi chó con của ta, ngực thơm mùi áo mới. Khói mù và mắt sâu, quê cũ. Chó con, yêu dấu của ta, ngày mai, có thể, nhiều phần như thế. Cho dù “Dây ký ức bắc ngang trời hiu quạnh. Cứ rung hoài một điệu khát khao,” thì, Nhím có ở với nhân gian này, cũng chỉ như một bí ẩn kiếp, kiếp.

D-: Ánh trăng chấm tới những đầu ngón tay sơn đỏ của người con gái thì, ngừng lại. Ngọn đèn bên kia đường cao hơn mái nhà, chiếu một đường thẳng, xiên qua cửa sổ rọi rõ mái tóc rẽ ngôi của nàng. Người con gái đang ngả đầu vào ghế sofa. Nàng áp má lên bàn tay. Mặt nàng được nâng cao và nghiêng hơn một chút, hầu nhìn người đàn ông thêm gần, rõ.

Người đàn ông ngồi thẳng, sát cạnh nàng, tựa lưng vào vai ghế, mặt nghiêng về phía người con gái. Không biết họ ngồi và, nhìn nhau như vậy, đã bao lâu. Chỉ biết họ nhìn nhau, đăm đăm, bất động. Chỉ cần một chút sơ ý, hai cái mũi sẽ chạm nhau. Hai đôi môi sẽ chập lại làm một. Nhưng họ không hề nhúc nhích. Có thể họ cho rằng, họ đã tìm thấy trong mắt nhau, một thứ hạnh phúc nào đó, to lớn hơn, một môi hôn.

Thật lâu. Miệng người con gái, như cười. Đôi mắt người con gái, cũng cười. Người đàn ông vẫn bất động. Môi dưới của người đàn ông trề ra. Tuồng anh đang phụng phịu, hờn dỗi. Chợt người con gái bật cười với sự lóng lánh của những hạt sương sớm đọng trên những nụ hoa chỉ mới hé nở một vài cánh nhỏ vì, đài hoa vẫn đủ sức giữ những cánh hoa còn lại, không được phép nở tiếp.

Cuối cùng rồi người đàn ông cũng cười. Nhưng anh cười bằng mắt.

Người con gái dùng bàn tay còn lại, lần lần những hạt nút trên chiếc áo chemise của chàng.

Nàng nói: “Yêu em không?” người đàn ông gật đầu. Ngón tay người con gái tựa bỗng mọc thêm nghìn hàng chân rết ngọ nguậy trên da thịt anh. Người con gái lại hỏi tiếp, giọng nàng nhỏ. Nhỏ đến độ nếu hai người nhích xa nhau chút xíu thôi, người đàn ông sẽ không thể nghe được tiếng nàng:

- Thương em không?

Chữ “không” người con gái nói gần như không có chữ “K” ở đầu. Làm như nàng nuốt mất hay, giữ lại chữ đó trong cổ.

Người đàn ông vẫn gật đầu, như bị câm. Anh vén lại những sợi tóc xõa xuống che bớt một phần trán của người con gái.

Người con gái tiếp:

- Thiệt không?

Lần này, người đàn ông đáp:

- Thiệt.

- Bao giờ hết?

Câu hỏi bất ngờ của người con gái làm người đàn ông lúng túng. Anh trả lời bằng một câu hỏi khác (để câu giờ?):

- Em muốn đến bao giờ?

Người con gái dẩu môi, đưa ngón tay trỏ ra, dọa:

- Này. “Cu con.” Đừng có xạo.

Người đàn ông cầm, hôn ngón tay trỏ. Anh nói:

- Khi nào em không muốn.

Người con gái đáp:

- Không. Không chơi khôn vậy đâu!

Người đàn ông buông ngón tay để ôm lấy nàng. Người con gái ngã vào ngực chàng. Nàng im lặng, dướn người cho người đàn ông hôn khắp nơi.

Lát sau, người đàn ông hỏi:

- Em muốn làm sao?

Người con gái nói trong lúc còn áp trên ngực người đàn ông:

- Em muốn “cu con” phải yêu em ngay cả khi em không thương “cu con”

Người đàn ông cười thành tiếng. Tiếng cười của anh chao động luôn vùng ánh sáng bên ngoài khung cửa. Anh nói:

- Em ăn gian thấy mồ.

Người con gái đáp:

- Ừ đó. Rồi sao? Có tức không?

Người đàn ông đáp ngay:

- Có là con bò thì cũng tức như thường.


Người con gái ngước đôi mắt long lanh trẻ thơ nhìn người đàn ông. Lúc đó tay người đàn ông đã ôm vòng qua bụng người con gái. Nàng nói:


- Biết tại sao em bắt “cu con” vẫn phải yêu em trong lúc em không thương “cu con” nữa không?


Người đàn ông lắc đầu. Người con gái tiếp:


- Tại khi ấy là lúc em đã có một... cu con khác.


Chưa dứt câu nàng đã giấu mặt mình vào nách người đàn ông. Có dễ nàng xấu hổ với mơ ước hạnh phúc của riêng nàng.


Người đàn ông ghì xiết người con gái, hôn nhầu mái tóc. Anh nghĩ tới ngày mai? Và lòng rộn rã? Mọi loại tế bào chết trong anh, từ lâu, bỗng dưng sống lại?


Tình yêu hồi sinh ta, không hàng giờ mà, mỗi phút.


Chó con, yêu dấu. Nếu phải nhắc lại một điều gì, với em, một điều gì không thể tẩy xóa, như vết thẹo trên vai, như nhát chém trong tâm, thì, đó là buổi trưa. Bệnh viện, mưa và những mái nhà ngói đỏ. Em sẽ chẳng bao giờ hiểu được một tấm tình, nếu không thể quan niệm: Tình yêu là bước tới. Tình yêu không có ngày hôm qua, không có ngày sắp tới. Tình yêu, trước nhất, phải ở ngay phút này. Phút này. Phút này. Lúc trái tim anh, còn đập.


Chó con, yêu dấu, rồi mai kia, ta cũng sẽ cỏ cây, cũng hầm mộ lãng quên. Em. Cửa khác. Em vết son, chưa mở. Em hồn biếc, chưa xanh. Cõi về vẫn gió.

Thì thôi. Nhìn nhau nữa, làm gì?



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8941)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7738)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8344)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30531)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22781)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15989)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,