tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngát tạnh
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên
Bài Trên Ngọn Tình Sầu mà tôi nghe là một bài thơ của Du Tử Lê, Từ Công Phụng phổ nhạc. Tiếng hát mang đến cho tôi con dế buồn, bầy sẻ cũ, bãi cát còn ấm chỗ, con sóng tình vỗ mãi một âm quên, là tiếng hát tuyệt vời của Xuân Sơn. Nhiều người cho rằng tiếng hát Xuân Sơn hay nhất là thời ở Việt Nam, trong cuốn Ngô Thụy Miên một, Văn Phụng hòa âm. Một số người khác nghĩ rằng Xuân Sơn của thời kỳ Giọt Nắng hồng, thời kỳ Nhìn Những Mùa Thu Đi, thời kỳ Việt Nam, là bông hoa hé nụ, là vầng trăng thượng tuần. Xuân Sơn thời kỳ hải ngoại với Thoi Tơ, với Cô Hàng Nước của tiếng hát Xuân Sơn, Trung Nghĩa hòa âm mới là vầng trăng ngày rầm, là bông hoa nở nhụy. Tôi thì tôi vẫn thích nhất Trên Ngọn Tình Sầu, Xuân Sơn hát tác phẩm của nhà thơ bạn tôi và của nhạc sĩ họ Từ. Trong bài thơ phổ nhạc này có tiếng cello đi theo giọng ca của Xuân Sơn. Tiếng cello dầy đặc thung lũng, vực sâu, bóng đêm, đáy biển tương phản với tiếng lục huyền cầm sắc, trong veo trời không mây, nắng thủy tinh của Trung Nghĩa. Chính ở giữa biển sâu tưởng chừng không đáy và trời cao đến ngoài trời đó, nghẹn ngào, nức nở giọng ca của Xuân Sơn. Nhiều người về sau cũng hát Trên Ngọn Tình Sầu, nhưng không có ai mang vào được giọng ca tâm sự của con dế mèn buồn đã phải chọn giờ khắc đêm sương lạnh để tự tử. Không ai diễn tả được sự im lặng của bầu trời buổi bình minh lúc bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ. Không ai dấu chứa được trong thanh quản nỗi ngậm ngùi của Du Tử Lê khi em ở đó, bờ sông còn ấm cát, con sóng tình vỗ mãi một âm quên...
Giọng hát của Xuân Sơn vẫn được những người trong nghề xếp vào loại giọng đồng. Giọng đồng ấm áp, giọng kim sắc và mỏng. Tôi không phải là một người của âm nhạc, cho nên tôi vẫn nghe thấy có nhiều kim loại khác lạ hơn chất đồng trong giọng hát Xuân Sơn. Có những âm thanh ấm áp và dầy. Nhưng sao nhiều lúc tiếng hát của Xuân Sơn như dao cắt cả thịt da, gan ruột, có lúc nhọn hoắt đâm thấu suốt vào tim. Tiếng đàn lục huyền cầm của Trung Nghĩa thích hợp lắm cho tiếng hát Xuân Sơn, cũng chính vì những nét sắc của giây tơ có tính chất của đàn lục huyền cầm, Trung Nghĩa sử dụng tới mức được đời tặng cho danh hiệu mười ngón tay vàng.
Tại sao nhiều người hát Trên Ngọn Tình Sầu mà chỉ có Xuân Sơn làm cho tôi rung động? Vì bản hòa âm với nhạc cụ chính yếu lục huyền cầm của Trung Nghĩa? Vì Xuân Sơn đã đến với Tình Sầu trong một giờ hứng khởi? Vì trong thớ cổ của Xuân Sơn cũng có bầy chim sẻ đã lặng lẽ bỏ đi, cũng có con dế mèn tự tử trong một đêm sương nào đó? Phải chăng nhạc của Từ Công Phụng vốn dĩ kén người hát, kén người hòa âm? Phổ thơ Du Tử Lê, nhạc Từ Công Phụng cũng kén cả người thưởng ngoạn? Xúc động vì một thương tóc để đuôi gà, hai thương em ăn nói mặn mà mà lại có duyên... là một xúc động đến ngay. Mười Thương là ca dao, nhạc Phạm Đình Chương, đi ngay vào tâm hồn người ta. Tâm hồn nào cũng mở lớn để tiếp đón tóc đuôi gà, má lúm đồng tiền. Thật ra, cánh cửa tâm hồn không cần phải mở ra. Mười Thương từ ngoài đi vào không cần cửa mở vì nó đã ở sẵn bên trong. Thoáng thấy tóc đuôi gà, người ta đã thấy tiếng nói mặn mà, tiếng nói vừa cất lên, mới nghe thấy, chưa kịp nhìn đã thấy má lúm đồng tiền, thấy em dịu hiền như sao hiền mùa thu. Nhưng con dế tự tử trong đêm sương, bầy sẻ cũ qua đời lặng lẽ, người thiếu nữ bỏ đi, vừa bỏ đi, bờ sống còn ấm cát, con sóng tội nghiệp vỗ về một âm thanh bị bỏ quên. Thi sĩ đã tới bờ sông nơi Nhỏ, (tiếng của Du Tử Lê,) đã bỏ đi, sờ tay lên mặt cát biết nàng vừa bỏ đi, cùng với sóng vỗ về âm thanh bị ruồng bỏ, âm thanh gì đó, lời hứa hẹn ngàn đời, tiếng yêu anh hay lời khởi đầu tình tự?
Bài thơ của Du Tử Lê, Từ Công Phụng phổ nhạc là một bài thơ tám chữ. Từ Công Phụng cũng phổ những bài thơ năm chữ của Du Tử Lê. Nhưng tôi thì tôi thích nhất bài thơ tám chữ này. Phạm Đình Chương phổ nhạc thơ bảy chữ và lục bát tuyệt vời. Mộng Dưới Hoa của Đinh Hùng, bảy chữ; Mười Thương, ca dao lục bát. Ngô Thụy Miên phổ nhạc thơ tám chữ và bảy chữ Aùo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba, Tháng Giêng và Anh, Tình Khúc Tháng Sáu, tám chữ; Paris Có Gì Lạ Không Em, bẩy chữ. Không thấy lục bát. Phạm Duy phổ thơ đủ thể loại, sao bắc đầu trên bầu trời thơ phổ nhạc của Phạm Duy là lục bát. Lục bát Huy Cận, lòng anh mở với quạt này, trăm con chim mộng về bay đầu giường; lục bát Phạm Thiên Thư, áo hồng đào rơi, mùa thu em mặc áo da trời... Và năm chữ, năm chữ Ngày Xưa Hoàng Thị; năm chữ Tiễn Em, lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế...
Tôi không biết Từ Công Phụng phổ bài tám chữ này của Du Tử Lê vào thời điểm nào. Nhưng tôi nghĩ là lâu rồi, ít nhất cũng thời kỳ Tan Theo Ngày Nắng Vội. Tôi cũng không biết Du Tử Lê làm Trên Ngọn Tình Sầu vào thời điểm nào. Tôi biết Du Tử Lê làm thơ thật hay lúc ở Việt
Tôi muốn giữ lấy mãi mãi trong trí nhớ tên và khuôn mặt của những người trẻ tuổi đã một lần ngồi trước mặt tôi ở Chu Văn An, ở Đông Tây, Văn Lang, Văn Học, Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Bảo Tịnh... Tôi không đủ khả năng làm việc này. Rất may, có những người trẻ thuộc loại dễ nhớ, tức là khó quên. Tại sao? Tôi không biết. Điều tôi biết là Hoàng Thụy Châu đi tới và ở lại trong trí nhớ của tôi cho tới hôm nay. Hoàng Thụy Châu trong thơ Du Tử Lê, với độc giả báo chí Việt
Tôi không biết những lời trách móc lỗi tại thầy của Brigitte là thật hay đùa, nhưng khi gặp lại Du Tử Lê ở trại tỵ nạn Pendleton năm 1975, tôi biết nếu Huỳnh Laure Brigitte có trách tôi thật sự, tôi cũng không lấy làm phiền. Không có tòa án nào xử ta về những tội mà mình không làm. Nhưng tôi thực sự không biết liệu mình có hoàn toàn không trách nhiệm về những việc mà mình không làm không? Nguyễn Thừa Dzu, Thành Cao, Trần Tam Tiệp sáng tinh sương đã đứng chờ những chuyến xe bus của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ xuống những người mới tới, được di chuyển từ Guam, từ Phi Luật Tân đến Pendleton. Ngày nào tôi cũng ra đứng đấy với các anh em. Sáng tinh khôi đã đứng đó. Đêm khuya những ngọn đèn vàng đã mờ đi trong lớp sương mù của đồi núi Pendleton chúng tôi còn đứng ở đó.
Một hôm Du Tử Lê dắt tới một thiếu nữ giới thiệu là vợ của Du Tử Lê. Người vợ của Du Tử Lê tên là Thục Ngạn. Tôi không muốn hỏi ai, càng không muốn hỏi Lê sao tôi thấy người vợ của Lê hôm nay không có vẻ giống người tôi gặp cách đây mấy năm khi còn ở quê nhà. Ngày tôi dời trại Pendleton đi Pháp định cư, tôi mang theo hình ảnh Du Tử Lê dắt Thục Ngạn đi trên những con đường bụi đỏ của trại Thủy Quân Lục Chiến Pendleton. Thục Ngạn đã có bầu.
Tôi sang Pháp sinh sống hai năm, khi trở lại
Mỗi lần nghe Trên Ngọn Tình Sầu tôi liên tưởng đến một Du Tử Lê khác biệt của Du Tử Lê đồng nhất và biến dạng. Lần gần đây, cách chừng hai tuần, tôi thấy Du Tử Lê ở quán Lup. Con chim sẻ nhẩy nhót vui tươi đứng gần cửa đón bạn bè thân hữu, con dế mèn trên sân khấu giới thiệu chương trình. Nhà thơ ngồi ở bàn Mai Thải rồi sang bàn Cò Dzu, dừng lại những người sáng tạo trẻ, những Trần Duy Đức, Trầm Phục Khắc, dục người hầu bàn mang la de cho Kiêm Thêm. Thứ Bảy nào cũng có họp mặt. Họp mặt đón Trần Văn Trạch từ Pháp qua. Họp mặt ngâm thơ Tô Thùy Yên, trên sân khấu có Cao Đông Khánh, đọc mà như ngâm vụng về đầy hào sảng, Lê Uyên ca Chiều Trên Phá Tam Giang, Trần Thiện Thanh phổ nhạc. Tôi rất thích Chiều Trên Phá Tam Giang, Kiều Nga song ca với Vũ Khanh, nhưng tôi thích nhất bài thơ phổ nhạc này của Tô Thùy Yên do Lê Uyên trình bày. Quỳnh Như nhiều lần đến Lup ngâm thơ. Có cả Hùng Cường, Vũ Khanh, Tuấn Vũ làm quen với ánh đèn sân khấu nơi đây. Một tối, Hải Lý, lúc đó đã là một ngôi sao, đến ca bài Tiễn Biệt, thơ Nguyên Sa, Trọng Nghĩa phổ nhạc. Suốt thời gian dài, có lẽ tới ba năm, chắc chắn trên hai năm, Lup đóng vai trò của một phong trà cộng với vai trò của một Club Litteraire, vai trò sân chơi của bày chim sẻ, bãi cỏ của những con dế mèn thích phiêu lưu. Lup mang đậm mầu sắc Du Tử Lê.
Mỗi khi tiếng hát của Xuân Sơn mang đến cho tôi những ngày tháng Lup, tôi đều có cảm xúc hân hoan, thời kỳ Lup trong kỷ niệm hiện ra rõ ràng là một thời hạnh phúc. Trước khi Du Tử Lê chọn sân chơi Lup, tôi không thấy có nơi chốn họp mặt văn nghệ nào văn nghệ như thế, ngoại trừ Doanh Doanh của Thái Tú Hạp trên
Chuyến đi của Phạm Lãi và Tây Thi, quay lưng lại xã hội, quay lưng lại phong tục tập quán. Tôi vẫn có xu hướng đó. Xu hướng dễ bị lôi cuốn bởi những trạng huống của những bi kịch Hy Lạp, có Remeo và Juliet tình yêu vũ bão. Tình yêu bất chấp. Tình yêu vượt qua sa mạc. Tình yêu tận cùng bằng cái chết. Cuộc tình giữa Du Tử Lê và Lê Uyên đã trôi qua, không có kết luận bi kịch nào cả, chỉ có, ở đó cũng vậy, gió thổi, rừng đã thổi sương khuya..., rồi em bỏ tôi đi, rồi em bỏ tôi đi...; con dế mèn tự tử giữa đêm khuya, bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ, em ở đó bờ sông còn ấm cát, con sóng tình vỗ mãi một âm quên...
Du Tử Lê tôi gặp nhiều nhất trong những cơn mê sảng Trên Ngọn Tình Sầu là Du Tử Lê của những ngày tháng ở Việt Nam. Du Tử Lê, Lê Cự Phách, người thầy giáo việt văn hiền hòa đi chuyển trên chiếc xe vespa chân phương. Du Tử Lê nhà thơ mới bước vào chốn gió tanh mưa máu lãnh những quả nặng, không lý do. Du Tử Lê đã lập gia đình với Thụy Châu, chạy đôn dáo làm nghề xuất bản.
Bây giờ thì tôi biết chất men nào trong bài thơ phổ nhạc đưa tôi tới những cơn say kỳ lạ đó. Nhạc trỗi lên, đoạn intro vừa dứt, giọng hát của Xuân Sơn vừa khởi đi với Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi... là trí tưởng tượng cất cánh bay. Thật ra, đó không phải là trí tưởng tượng chính thống, tưởng tượng sáng tạo. Đó là loại tưởng tượng liên tưởng bay lượn trên vùng đất của ký ức. Cũng phải nói rõ tưởng tượng liên tưởng này là một tưởng tượng rời. Thưởng ngoạn âm nhạc đó cũng là một thưởng ngoạn rời. Như hai nhánh nhập vào nhau làm thành một dòng lớn. Tưởng tượng đưa tới đêm Võ Phiến ở Lup. Giọng ca mang lại bầy chim sẻ, nhưng cánh chim mang tôi đi thả vào vào nụ cười trong mắt của Thụy Châu. Bây giờ tôi biết thơ phổ nhạc khác hơn. Nó càng không phải là nhạc. Nó là một thực thể độc lập. Thơ có để dành chỗ cho trí tuệ, nhất là những người biết rõ nghề lựa chữ. Trí tuệ mang lại sự sửa soạn chính xác, biết lục bát này tới, biết tám chữ kia đã vượt qua thời kỳ tình thứ nhất. Nhưng thơ phổ nhạc không có chỗ nào cho trí tuệ ý thức. Nó làm cho người thưởng ngoạn bị bốc đi, mang trên đôi cánh liên tưởng bay qua những biển cả, những núi non, những bình nguyên mỗi lần mỗi khác. Cơn say mang lại bởi thơ phổ nhạc giống như say khi ngâm thơ. Gọi đọc thơ trong lặng im, thưởng ngoạn đầy trí tuệ là ý thức, thì ngâm thơ và nghe ngâm thơ đã là con đường đưa vào tiềm thức. Thơ phổ nhạc Trên Ngọn Tình Sầu trong đó, giống như thơ ngâm. Nghe thơ phổ nhạc giống như nghe ngâm thơ. Làm say, làm mơ hồ, làm trôi xuôi theo dòng liên tưởng, làm nhập đồng, làm mê sảng trong một cường độ mạnh, trên một kích thước to rộng hơn nhiều.
NGUYÊN SA
(Trích Âm Nhạc Và Tôi,)
Tạp chí Thế Kỷ 21, số 29, Tháng Chín, 1991.