nguyễn kim long/seattle/ - những khía cạnh triết lý trong thơ du tử lê

12 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 4164)
nguyễn kim long/seattle/ - những khía cạnh triết lý trong thơ du tử lê

(Bài nói chuyện tại Trụ sở Hội Người Việt Tỵ Nạn Washington, Seatlle ngày 8 tháng 1-98)

Trong buổi ra mắt tác phẩm của Tô Thùy Yên, tối ngày 6 tháng 10-1995 tại Hội quán Văn nghệ Tao Nhân, thành phố Garden Grove, Nam California, Nhà văn Mai Thảo cho biết, theo ông trong vòng nửa thế kỷ qua, trên vòm trời thi ca của Việt Nam, có tất cả 7 vì sao bắc đẩu, màø Du Tử Lê là một trong 7 vì sao đó. Trước đấy vài năm, trong một bài viết đăng tải trên Tạp chí Thế Kỷ 21, số 29, đề tháng 9, 1991, Nhà thơ Nguyên Sa cũng nhận định rằng: Bây giờ tôi nghĩ rằng Du Tử Lê đã đi xa hơn những người làm thơ cùng thời với anh một quãng đường, trông như gang tấc, mà trong thơ xa vạn dặm.

Tại sao cả hai tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại là Mai Thảo và Nguyên Sa lại có cùng một nhận xét giống nhau về thơ Du Tử Lê? Nhiều người cho rằng, bởi vì cái thần trí trong thơ Du Tử Lê đã đạt tới mức siêu tuyệt. Một số người khác lại cho rằng vì khả năng dùng chữ, vì những dấu chấm, dấu phết, những nỗ lực ngắt nhịp hay cách tân trong văn chương của họ Lê. Tất cả những lãnh vực này, nhiều nhà phê bình đã nói tới.

Phần cá nhân tôi, là một người đọc và yêu thơ Du Tử Lê, tôi chú ý tới bốn khía cạnh nổi bật nhất trong thơ Du Tử Lê. Theo tôi đó là:

Khía cạnh thực tại.

Rất nhiều người cho rằng thi ca là mặt bên kia của tấm gương đời sống. Thơ bước ra từ những tưởng tượng mang tính rung động ở cấp độ cao, cấp độ phi thực tại. Nhưng thơ của Du Tử Lê, tôi nghĩ lại chính là những bước chân bước ra từ một đời sống sần sùi nhất. Có thể thơ ông cũng là một mặt nào khác của tấm gương soi; nhưng lại là cái mặt lộn trái thô nhám nhất của ghi nhận, rung động trong cảnh đời dung tục. Ghi nhận này sâu đậm nhất thể hiện qua bài thơ Khúc Thụy Du ông viết năm 1968 vụ biến cố Tết Mậu Thân, giữa lần ranh sinh tử nhập nhoạng và cuộc tình như một ký thác trăm năm của cuộc đời ông.

Khía cạnh nhân cách hóa.

Cách đây đã lâu, tôi được đọc đâu đó một bài viết của Nhà thơ Nguyên Sa viết về tình khúc Trên Ngọn Tình Sầu, một bài thơ của Du Tử Lê, sáng tác cách đây đã trên 30 năm, năm 1967, do Từ Công Phụng phổ nhạc. Nhân được đọc bài viết này tôi mới vỡ nhẽ ra rằng, họ Lê của chúng ta không chỉ có khả năng nhân cách hóa những sinh vật nhỏ bé, gần gụi với đời sống hàng ngày trong tuổi thơ của chúng ta như bầy chim sẻ, như con dế mèn: Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ / con dế buồn tự tử giữa đêm sương; mà ông còn có khả năng tạo cho những hiện tượng thiên nhiên một linh hồn. Đó là linh hồn của những con sóng lìa xa dần bờ cát. Những con sóng nắm tay nhau vỗ đập cùng một nhịp, làm thành nỗi nhàm chán, niềm tuyệt vọng đi lần vào lãng quên, như câu chót của bài thơ khép lại toàn thể bài thơ: con sóng tình vỗ mãi một âm quên. Tôi muốn mượn lời của Triết gia kiêm Nhà thơ Phạm Công Thiện, người có lần tuyên bố đại khái rằng, bất cứ kẻ nào làm được một bài thơ như bài Trên Ngọn Tình Sầu, hắn đều xứng đáng để được tha tào tất cả mọi tội lỗi, dù tội lỗi tầy trời.

Xuyên qua bài viết của tác giả Áo Lụa Hà Đông, sau này tôi nghiệm thấy khả năng linh hồn hóa những hiện tượng thiên nhiên, những gì thuộc về trừu tượng của họ Lê, có đầy rẫy trong thơ của ông.

Khía cạnh quần chúng hóa hay thành ngữ mới từ thơ Du Tử Lê.

Nếu phải đi tìm một nhà thơ đương thời, có nhiều câu thơ trở thành thành ngữ hoặc được quần chúng hóa nhiều nhất, thì đó là thơ của Nhà thơ Du Tử Lê. Tôi được nghe rất nhiều lần trong những câu chuyện vãn, trong những khi gặp khó khăn về việc diễn tả hoặc thấy không tiện nói rõ ý nghĩ, quan điểâm của mình, người ta thường mượn một câu thơ của họ Lê để thay thế. Đó là những câu thơ như: ở chỗ nhân gian không thể hiểu; đi với về cũng một nghĩa như nhau; tôi với người chung một trái tim; tan theo ngày nắng vội, vân vân...Tôi cũng tình cờ đọc thấy những câu thơ vừa kể trong báo, trong những bài viết của một số tác giả, gồm luôn cả những người viết không ở toàn thời gian với văn chương, điển hình như trong một đôi bài viết của Cha Nam Hải, nữ ca sĩ Khánh Ly, Nhà văn Lê Xuân Nhuận...

Thậm chí một số câu thơ của ông cũng được đem vào những bức tranh hý họa, như trên nguyệt san Phụ Nữ Việt số 73, đề tháng 7-97 tình cờ tôi thấy một bức hí họa, phần chú thích viết: “Đã nói đi với về cũng một nghĩa như nhau thì sao lại còn đòi đi... thêm bước nữa?”

Mới đây nhất, trên tờ báo Ngày Mai, số 110, trang 24, một tác giả nào đó, trong bài viết 7 Điều Tâm Niệm Để Kiểm Tra Chồng, thì điều thứ tư lưu ý quý bà rằng: “Chàng có sắm quần áo mới, loại hợp thời trang, trông trẻ ra. Chàng sức dầu thơm after shave kỹ càng trước khi ra khỏi nhà. Coi chừng chàng sắp đi đêm với một em nào đó- đi đêm với ăn chè cũng một nghĩa như đi với về (thơ Du Tử Lê đấy).”

Khi mách nước cho độc giả để giữ gìn hạnh phúc gia đình mà cũng đem thơ của Du Tử Lê vào được, thì điều đó chứng tỏ câu thơ của Du Tử Lê nó phải phổ cập, phải đại chúng biết là chừng nào rồi.

-Khía cạnh triết lý.

Theo thiển ý của cá nhân tôi, sở dĩ một số câu thơ của Du Tử Lê được nhiều người biết tới, xử dụng trong một số trường hợp nào đó, vì tính triết lý thực dụng của những câu thơ đó. Và đây chính là khía cạnh mà tôi chú ý nhất cũng như thích thú nhất.

Tôi nghĩ Du Tử Lê đã dung hòa được tư tưởng triết học Tây phương và Đông phương một cách hài hòa tự nhiên. Từ trước tới giờ người ta vẫn quan niệm đông là đông, tây là tây. Hai con đường song song này không thể nào gặp nhau được. Nhận định này được các thế hệ nối tiếp nhau mặc nhiên công nhận. Có lẽ vì triết học Tây phương bị chi phối nặng nề bởi Thiên Chúa Giáo, trong khi triết học Đông phương xây dựng trên ảnh hưởng của Đạo Phật, Khổng và Lão mà chúng ta quen gọi là Tam giáo đồng quy, làm thành nền tảng văn hóa của người Việt Nam.

Để cụ thể hơn, sau đây chúng ta thử phân tích một đoạn trong bài thơ Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển của Du Tử Lê:

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì.

Đọc đoạn thơ này, chúng ta thấy ngay tác giả muốn gửi tấm thân tàn của mình sau khi đã qua đời về với quê hương, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Hai câu đầu bài thơ, gợi tôi nhớ ngay tới một câu nói bất hủ của Chúa Giêsu. Ngài bảo: “cái gì của Ceasar hãy trả cho Ceasar.” Nó cũng là quan niệm của nhà Phật qua câu: “cái gì của cát bụi sẽ trở về với cát bụi.” Mặt khác, tục ngữ của dân tộc Việt cũng có câu: “nước chẩy về nguồn.”

Nguồn gốc của dân tộc Việt theo truyền thuyết là nguồn gốc “con rồng cháu tiên.” Nên đối với người Việt Nam sông biển đã có với chúng ta rất nhiều gắn bó.

Riêng đối với người Việt tỵ nạn, với lịch sử của chúng ta qua biến cố 30-4-75 thì biển còn là những kỷ niệm đau thương, hãi hùng, tan tác, chia ly; và biển cũng là bước khởi đầu cho những thành công của người Việt ở hải ngoại nữa...

Trong khi đó, nếu theo dõi những tập quán có từ lâu đời của một số dân tộc ở gần dẫy núi Hy Mã Lạp Sơn và của các vị cao tăng Phật giáo Tây Tạng thì, khi một con người chết đi, thân xác họ được phơi trên đỉnh núi, trên cành cây cao làm thức ăn cho kên kên, quạ và thú dữ. Phải chăng họ Lê bị ảnh hưởng tinh thần này nên đã xin thân xác của mình trở thành thực phẩm cho cá qua câu thơ:

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì xá gì thêm một xác cong queo.

Càng đọc thơ Du Tử Lê, nhất là những bài thơ tình, quý vị sẽ thấy ông đã lồng vào thơ của ông những tư tưởng triết học đông và tây một cách tự nhiên, tài tình, không chút gượng ép. Thậm chí những danh từ như Bồ Tát, Thánh Nữ cũng được ông dùng rất nhiều để chỉ những người phụ nữ mà ông thương yêu hoặc kính trọng. Ông đã hướng thượng, đã thánh hóa những cuộc tình đó.

Khi thương yêu một người con gái nào, sùng kính một người nữ nào, ông không ngần ngại gọi người đó là Thánh Nữ hay Bồ Tát. Điều này chưa một thi sĩ nào làm từ trước tới nay. Theo tôi đây là một mặt khác của tình yêu trai gái.Vì tình yêu thực sự, đúng nghĩa không hề có tính ích kỷ, chiếm hữu làm của riêng tư. Một triết gia Tây phương từng định nghĩa: Tình là một thứ vừa thiếu lại vừa... thừa. Thừa nên ta sẵn sàng tặng cho người khác. Và vì thiếu cho nên ta rất cần đến người khác bù đắp cho ta.

Tôi không rõ Du Tử Lê trong quá khứ có từng tu tập với một tôn giáo nào không, tuy nhiên qua thơ của ông, tôi thấy ông thấm nhuần cùng một lúc cả hai nguồn tôn giáo lớn của nhân loại, là Thiên Chúa Gíao và Phật Giáo. Những danh từ riêng của từng tôn giáo được ông đem vào thơ rất nhiều, và thi ca hóa những danh từ đó một cách tuyệt diệu: Thí dụ:

bằng tin kính của tông đồ thứ nhất
tôi xấp mình đón đợi bước em qua

...

tim ta ở đợ phố người
năm năm Thánh Nữ. Chợ đời. Nước sông.

Hoặc:

này em Bồ Tát đi trong gió
chẳng ngại trần ai, ngại nắng mưa

Hoặc nữa:

hôn em Bồ Tát chuông kinhg hãi
rung hoảng vì tôi? – hay cả em?

Không biết có phải vì am tường đạo gíao hay không mà khi yêu, tác giả chỉ ví người yêu với...Bồ Tát, với Thánh Nữ thay vì với Phật hay với Chúa. Nếu tác giả có ví von người yêu của mình với Phật hay với Chúa thì điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi vì khi yêu người ta thường mù quáng. Vì mù quáng nên có khuynh hướng nhìn người yêu mình là số một, là cao cả nhất, là không có gì hơn được. Nhưng trong thơ của Du Tử Lê chúng ta thấy ông chỉ ví von người yêu của ông với Thánh Nữ, với Bồ Tát mà thôi.

Thưa quý vị, theo giáo lý của Đạo Phật thì Bồ Tát là danh hiệu của những vị đã đạt tới đạo quả Phật. Nhưng trong thời gian tu hành các vị này có lời nguyện rằng dù đạt tới đạo quả Phật, vẫn xin ở lại trần gian để cứu khổ cứu nạn cho những chúng sanh còn trầm luân trong bể nghiệp. Trường hợp Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là một thí dụ điển hình.

Càng ngày chúng ta càng thấy nhân loại ở khắp nơi tranh đấu cho quyền nam nữ bình đẳng... Nhưng vẫn theo giáo lý nhà Phật thì những người sinh ra làm người nữ, thường là những người mang nghiệp chướng từ kiếp trước nặng hơn người nam. Bởi thế người nữ phải chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi như họ bị kinh nguyệt hàng tháng, lại còn phải mang nặng đẻ đau...

Trong Công giáo cũng vậy. Đức Mẹ Maria là một Thánh Nữ Đồng Trinh, nhưng trên tất cả vẫn là Thiên Chúa Toàn Năng.

Cho nên nếu gọi người yêu của mình là Chúa hay Phật tức muốn cho thấy người yêu của mình là một đấng toàn thiện, toàn năng. Mà một người nữ, dù chỉ trong dạng ví von, nếu toàn thiện, toàn năng thì hẳn không còn cái phần đời thường của con người. Tình yêu ấy, sẽ trở thành tình yêu một chiều.

Cho nên, tôi nghĩ Du Tử Lê đã chọn chữ, đã ví von, đã dùng ẩn dụ rất chính xác.

Chúng ta cùng biết Du Tử Lê không phải là một Ki Tô Hữu nhưng khi nói tới Chúa, ông lại cho thấy như một người rất thấu hiểu Thánh ý Chúa qua hai câu thơ sau đây:

cây thánh giá có một đầu rất nhẹ
Chúa không kêu ai vác hộ bao giờ.

Chỉ với hai câu thơ này, Du Tử Lê đã cho thấy Chúa gần gũi biết bao nhiêu với con người. Sự kiện này thật trái ngược với một số khá đông người Công giáo luôn coi Chúa là đấng thiêng liêng nhưng xa cách con người trần gian này vô cùng.

Sau một cuộc chia tay với người yêu vì những luật lệ khe khắt do Hội Thánh đặt ra, Du Tử Lê viết:

ç

Thế giới văn chương của Du Tử Lê như những bức tranh lập thể của Picasso, mỗi người cảm nhận, mỗi người hiểu một cách. Không ai giống ai, tùy trình độ và kiến thức. Lại nữa, những khía cạnh đặc biệt trong thơ Du Tử Lê phải nói là có quá nhiều. Cũng tùy trình độ, tùy cảm quan của mỗi người mà thấy và thích khía cạnh này hoặc khía cạnh khác.

Cá nhân chúng tôi, trong cái vốn hạn hẹp của mình, chỉ xin nêu ra một vài khía cạnh mà chúng tôi cảm nhận và thích thú mà thôi. Cho nên, tôi sẽ không phản đối, nếu ai đó, bảo rằng những đoạn thơ tôi nêu ra trong bài nói chuyện này chỉ mang nặng tình yêu giữa người nam và người nữ mà thôi. Tuy nhiên, với tôi, trước sau gì tôi vẫn thấy phảng phất trong thơ Du Tử Lê rất nhiều ảnh hưởng của triết lý Đông, Tây và Văn hóa Việt Nam. Tất cả đã trộn lẫn với nhau, thành một. Và thành thơ Du Tử Lê vậy.

NGUYỄN KIM LONG

(Seattle, tháng 11.97)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21498)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16154)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17817)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10507)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19054)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5350)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 2040)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2648)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2416)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23754)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20167)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 9008)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10115)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9372)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12579)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 32025)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21643)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26831)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24225)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23033)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21171)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19064)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20306)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17804)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16859)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26142)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33427)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35685)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,