(Bài nói chuyện tại Trụ sở Hội Người Việt Cao Niên thành phố Austin, Texas, ngày mồng 10 tháng 1-98)
Có người hỏi định nghĩa thế nào là đặc tính của người Việt Nam thuần túy. Câu trả lời tổng quát phóng khoáng là cần cù, kiên trì, chịu đựng, linh động, đa cảm, đa sầu trong tình thương quê hương, gia đình và thú bẩm sinh thích, yêu thơ.
Người Việt nào cũng trung thành bám sát với nơi chôn nhau cắt rốn, dù là sinh trưởng ở đồng bằng phì nhiêu trù phú hay nơi đất cằn cỗi, chó ăn đá gà ăn sỏi, qua mọi thời đại, từ khi lập quốc tới thời kỳ Bắc thuộc, Tây chiến, Mỹ qua, Cộng sản hành, đúng câu đi xa nhớ nhà, về nhà nhớ mẹ.
Còn về tiếng nói, cứ mở miệng ra là thơ, là vần, là điệu, là nhịp từ cung vàng điện ngọc, phủ chúa tới thị thành thôn dã, khắp nơi đủ chốn, từ Ải Nam Quan tới mũi Cà Mâu, dưới hình thức: thất ngôn bát cú, lục bát, song thất lục bát, hát nói, vè, ca dao, ngụ ngôn, hịch, cây đối vân vân..., trong thời bình cũng như thời chiến, tới độ mà ở một phố Hà Nội, một thời, một cửa hàng bán bánh tây, nước ngọt đã dí dỏm viết hàng chữ quảng cáo ngoài cửa:
Bảo Ký đại lý rượu bia
bán hàng giải khát ba tê, bánh mì
Nên thơ đã là bộ môn độc tôn hàng đầu của văn nghệ ở xứ ta. Đến nay cả những văn sĩ đã thành danh cũng muốn một lần trong đời làm ít vần thơ như Mai Thảo, Xuân Vũ...
Những đặc tính nêu trên được thể hiện hoàn mỹ nơi Du Tử Lê, thi sĩ, văn sĩ, nhà báo, trải dài trong những tác phẩm của ông trên gần bốn mươi năm liên tục, theo vận nước, từ trong xứ tới hải ngoại tỵ nạn. Lừng lẫy hơn cả là thi phẩm của ông, ngày càng phong phú, xuất sắc, thâm thúy trong ngôn ngữ, cú pháp, đã vượt biên giới độc giả người Việt, lan tới những người ngưỡng mộ thơ ở Âu, ở Mỹ và đưa ông lên ngôi vị tột đỉnh của thi ca.
Du Tử Lê đã mang lại cho thi văn, những sắc thái cách mạng trong kỹ thuật, trong ý nghĩ đổi mới từ ngữ, trong tư tưởng, cảm xúc mới lạ, kỳ diệu trong cuộc sống con người.
Gần như tất cả giới văn nghệ sĩ tiếng Việt, thơ như Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Tạ Tỵ; văn như Mai Thảo, Lê Huy Oanh, Nguyễn Xuân Quang; nhạc như Phạm Duy, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, và gần đây Phan Đình Minh, họa như Duy Thanh, Ngọc Dũng, Đinh Cường... đều đã đi vào thế giới thơ của Du Tử Lê tùy theo lăng kính chuyên môn cá nhân, với điểm đặc biệt là đồng nhất tán thưởng, ngưỡng mộ dấn thân cách tân không ngừng của ông trong thi ca.
Đời thơ Du Tử Lê là hợp tụ những đóng góp tân kỳ liên tục với cách viết cũng như phát xuất tư tưởng, cảm xúc trong nguồn thơ, ý nhạc. Thật vậy, Du Tử Lê đã quậy sâu xa và kỹ trong tâm tình đa dạng rất người và trong cấu trúc lời thơ mới lạ, dồn ép người đọc phải tham gia, nhập cuộc với tác giả, một hình thức cách mạng mới.
I.Về Hình Thức:
Du Tử Lê đã đóng góp những thay đổi lớn lao nhất trong canh tân thể lục bát: từ ý của chữ và nghĩa qua quan niệm Hoán Vị tới cách ngắt lại nhịp của câu thơ, và đổi thể bằng trắc. Những cải cách kỹ thuật này đã được Du Tử Lê trình bày trong bài: Vài Nỗ Lực Cách Tân Thể Lục Bát và Quan Niệm Hoán Vị, khi thuyết giảng tại các đại học UCLA, UCI...
Du Tử Lê đã gieo vận độc đáo, đã phát minh đổi bằng trắc mới, đã sử dụng tài tình những dấu phẩy, nhịp lẻ và những gạch chéo lạ hoắc, đôi khi tới mức nhức óc, hoa mắt thần sầu quỉ quái.
Chẳng hạn như trong tập Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra, có câu:
sương, trần thân mây chia ly
nhập chung nỗi chết: sầu khô, héo về.
Chữ thứ tư của câu sáu đáng lẽ phải vần trắc, nhưng Du Tử Lê đổi qua vần bằng. Hai chữ chia ly được ngăn cách bởi dấu phẩy, chỉ rõ nghĩa rằng chia đôi rồi mới ly biệt, cũng như khô rồi mới héo...
Rồi tới bài Và L.Quỳnh và T.Châu Và, Jazz Festival:
gió/nhấm nhẳng/cất chưng mùa hẹn, hết
vỗ đôi bờ: xương, thịt ám ui, ui
sóng/tự vẫn: va đầu chân đá/Huế
tình lở, bồi/mưa/tróc vỏ / ta/ trôi.
Với những vần, những gạch chéo trên quả thậg Du Tử Lê đã đi quá xa trong đổi mới, đưa người đọc với một tầm hiểu biết nào đó, vào một thế giới lạ lùng, phức tạp, tế nhị, đôi khi đi loanh quanh, luẩn quẩn không thấy lối ra, trong cái bẫy chữ nghĩa và bố cục của cú pháp.
Thể thơ bác học trên để đọc, nghiền ngẫm chứ không thể ê a ngâm được như thơ thường. Những đổi mới kỹ thuật này: rằng thì thật là hay / đọc ra mới thấy khó thay thế nào!
II/ Về Nội Dung:
Thơ Du Tử Lê là thế giới của cái tôi, một chủ đề chính mang cái tôi, cái thân xác và tâm hồn của chính mình, làm cột trụ để tình ái, quê hương, thế giới vần vũ quay quanh.
Chưa một thi sĩ thành danh nào, từ cổ chí kim, ngay cả các nhà văn, nghệ sĩ nói chung, đưa cái tôi liên miên, đủ sắc thái vào văn chương, tiềm tàng ẩn hiện trong gần bốn mươi sáng tác. Phải độc đáo, can đảm, dấn thân liều lĩnh, cách mạng tư tưởng mới phơi bầy cái tôi, mà thường tình ai cũng muốn che, muốn dấu, dù không tật nguyền bệnh hoạn tinh thần, thịt da; đi ngược hẳn khuynh hướng cổ điển cái tôi là cái đáng ghét!
Từ một Du Tử Lê chân thật, lương thiện, thẳng thắn mới thẩm thấu ra tình cảm phức tạp của thân phận con người ràng buộc với tình cảm, với môi sinh, với nơi ra đời, tiềm tàng tính chất cô đơn căn bản.
Nào:
ta lang thang, cảnh tình lữ thứ
ta thương đau, đời cuốn theo dòng
(Quê Hương Là Người Đó)
tấm lòng ta thủy triều
con trăng nào han hỏi
(Bờ Môi Em Bỏ Lại)
Một cái tôi rất thực, rất sống của hàng ngày, của tục lụy mà người đọc một lúc nào đó, sẽ thấy tâm trạng mình trong đó, ở một góc kín tâm hồn.
Không phải cái tôi hào hùng, lừng lẫy, cao sang, khí khách, huy hoàng mà một cái tôi bình dân nặng chĩu ưu tư, do dự, cô đơn, buồn tủi, nhục nhằn, yếu đuối, chịu đựng, khiêm nhường, cam phận như kiếp lầm than, đau khổ bao đời của con người:
Hãy nghe:
...
tôi đôi lúc thấy mình như củi mục
giữa dòng sông. Biền biệt biết đâu cội nguồn
(Em trao tôi cho sự dữ bao giờ)
chỉ mình tôi đi, lầm lũi, kêu cầu
viết nhăng cuội, thở than cùng bóng tối
(Tôi có người để nhớ đến tương tư)
cô quạnh đã dẫn tôi lên đỉnh núi
em, mắt nai, nhớ mẹ buổi xa rừng
(Buổi sáng thở cùng tôi hơi hướm mẹ)
cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
(Tột cùng trong “cõi tôi”)
Ngoài cõi tôi ra, Du Tử Lê còn đứng ở thế hiện thực. Thật vậy, Du Tử Lê sống động, ngay tại chỗ và đã mang môi sinh vào sáng tác.
A.- Ngôn ngữ địa phương hàng ngày được ông sử dụng một cách tự nhiên không thắc mắc, rất hiện đại.
Mặc dù ông sinh ở Hà Nam, Bắc Việt, khi di cư vào Nam năm 1954 ở tuổi mười hai, nên từ ngữ thuần túy gốc Bắc có phần phai quên.
Như:
đừng ngó lui / đừng tìm hiểu nghe con
(Thư dặn dò con chưa có mặt)
Ông viết ngó lui, thay vì nhìn lại, hoặc:
Saigòn, những Chú Ba Tầu (thay vì Chú Khách,) mặc quần sà lỏn (thay vì quần cụt) vê chiếc áo thung (thay vì áo lót hay may-ô) cháo lòng lên cao, xì xồ khoe bụng mỡ... Ông viết cá chiên (thay vì cá rán), một tô phở (thay vì một bát phở,) vân vân...
Nếu cần, Du Tử Lê không ngần ngại dùng luôn cả tiếng lóng, như:
nốc rượu nguyên đêm chờ được xỉn
(Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi)
Và, khi qua Mỹ hội nhập, viết ngay: Processing Center, Ôkê, Barrack, bia cua (Coor), diện H.O., Thyroid, problem, vân vân...
B.- Điển Tích: Không ít thì nhiều, Trung Hoa ảnh hưởng tới văn hóa Việt Nam trải dài qua bao nhiêu thế kỷ. Ngay cả tuyệt phẩm Kiều, với thơ thuần túy lục bát Việt Nam cũng còn dựa trên cốt truyện Tầu. Hằng hà sa số điển tích Trung Hoa được trích dẫn, dẫn chứng trong tác phẩm đời xưa hay cả thời cận đại.
Riêng Du Tử Lê, dẫu nằm lòng thi phú Trung Hoa, ngay cả bút hiệu cũng lấy từ một bài thơ của Bạch Cư Dị, nhưng không hề, trong các tác phẩm của ông, dùng tới một điển tích nào của Tầu cả.
C.- Tâm Tình: Du Tử Lê đa dạng, phong phú vô cùng về tâm tình, về hoàn cảnh tâm lý. Ông đã sống thực và mang cuộc đời của chính mình vào sáng tác thi ca. Tình của ông giăng mắc khắp nơi, từ Việt Nam qua tới hải ngoại, tình Việt, tình Mỹ. Người yêu nào cũng được ông đóng khung vào thơ một cách tự nhiên, cởi mở, chân thành, không e lệ, dấu giếm, chẳng ngại ghen tương, thù ghét, hoàn toàn tự do theo hứng. Nào Huyền Châu, Thụy Châu, Thục Ngạn, Thúy Ngọc, Hạnh Tuyền, Donna, vân vân...
Không cần tra khảo, chẳng cần đánh, Du Tử Lê cũng cung khai, nói thẳng, nói thật, nói hết. Chẳng hạn như ông không tin thuyết nhân quyền bình đẳng do kỳ thị mầu da, nên đã có lời khuyên cho người con tương lai, mặc dù là một thực tế phũ phàng, chẳng lý tới sự hội nhập cố hữu của ông:
dù có được sinh ra trên mảnh đất này
con vẫn là công dân hạng hai
…
vì mầu da, nguồn gốc và nơi chốn
(Thư dặn dò con chưa có mặt)
Dẫu rằng không ai phủ nhận cuộc tranh đấu cho dân quyền thành công vĩ đại của Martin Luther King, hoặc hai người di dân tới Hoa Kỳ được bổ nhiệm vào chức Ngoại Trưởng của Liên Hiệp Quốc, ông Kissinger và bà Albright.
Những ý chí tranh đấu, những nhắn nhủ, chỉ dẫn, dự tính cho thế hệ tương lai mai sau như một di sản tinh thần, tâm lý còn hiếm hoi nơi Du Tử Lê. Ngược lại, Du Tử Lê tuyệt diệu trong thế giới tâm tình của riêng ông. Như tình quê hương là một ám ảnh triền miên, ray rứt, bào bọt dằn vặt không ngừng nơi người Việt bỏ xứ Du Tử Lê, át cả tình trai gái say sưa đắm đuối, mặc dù là một quê cha đất tổ nghèo nàn, rách nát, tang thương. Hãy nghe:
đừng quên
dù sao,
con cũng còn có được một nơi chốn để trở về
đó là Việt Nam
quê hương nguyên gốc
niềm hãnh diện ngậm ngùi duy nhất
bố để lại cho con
….
(Thư dặn dò con chưa có mặt)
trong mắt bay nay vàng kỷ niệm
tao đầy gân máu nhớ quê hương
...
hẹn bay về chết trong tay mẹ
tổ quốc nghìn năm bỏ được sao!
(Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi)
... Donna, Donna
dù anh có yêu em hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh cũng vẫn trở về
quê hương anh với cả trăm ngàn khốn khó...
(Vỡ Lòng Cho Một Người Con Gái Mỹ)
Đó là Du Tử Lê, một người Việt thuần túy, đa tình, đa cảm, nặng tình quê hương đất nước, phơi bầy đời sống nội tâm trong lời thơ ý nhạc, khắp nơi khắp chốn, đi vào văn học sử với Mai Thảo: “... ngôi vị vô địch của Du Tử Lê, tôi nghĩ không ai có thể theo kịp hoặc thay thế nổi.”
TAM THANH
(1-1998)