Viết về Bố Lê mà viết về đời thường, là đề tài mà tôi rất muốn viết xuống; vì có quá nhiều điều để ghi lại. Tuy nhiên, tôi chỉ xin ghi một số điều chợt đến với tôi mà thôi.
Bố Lê có rất nhiều phone mỗi ngày. Tôi và mẹ phải nghe giùm bố. Bố rất lười nghe phone. Buồn cười là có 90% người gọi không phân biệt được giọng tôi và mẹ, ngoại trừ Bác Bùi Bảo Trúc và các... cô!
Tôi không biết có khi nào Bác Trúc đã gọi mẹ tôi là “con” chưa? Nhưng lần nào khi tôi nhắc phone, Bác Trúc cũng chắc chắn: “Bé Q. hả?” Không như Bác Đăng Khánh, bao giờ cũng rụt rè: “Đây là mẹ hay con?” Hoặc tệ hơn nữa, Bác Mai Thảo: “Ai đầu dây đó?” Là sao, có phải là không phân biệt được tôi, mẹ và bố nữa à? Tôi không biết, mà có muốn biết cũng không còn dịp nữa! Ngày Bác Mai Thảo mất, gia đình tôi chắc phải có hàng trăm người gọi phone đến; luôn cả mấy tháng sau đó.
Bố Lê dậy rất sớm, khoảng 7 giờ 30 sáng, và ngủ khoảng 10 giờ 30 tối. Cứ thế, phone reng từ sáng tới... tối. Từ trong nhà ra ngoài sân, từ phòng khách đến nhà bếp, nhà tôi, nhà đàng hoàng, không phải garage như Chú Khánh Trường đi rêu rao cùng làng khắp xóm là gia đình chúng tôi ở trong garage (nói nào ngay thời gian đầu có ở garage thật!), nhà chỗ nào cũng để phone, 4, 5 cái cho Bố tiện nói chuyện. Số lượng người gọi khoảng 30, 40. Có ngày cao hơn; trong đó, một nửa là... phụ nữ!
Cho đến hôm nay thì tôi và mẹ có thể đoán chính xác đến 99.9% ai là người ở đầu dây bên kia. Khi Bố tôi chỉ mới nói một, hai câu đầu. “Anh ạ!” thì nhất định là Bác Nguyên Sa. (Hồi xưa, câu chào đó cũng có nghĩa là Bác Mai Thảo). “Bạn tôi!” là Bác Huỳnh Thái Bình, Phạm Gia Cổn... “Anh Lê đây!” là Chú Nguyễn Kim Long, ở Seattle, Đỗ Văn Trọn, ở San José,... “Thủ trưởng!” là Bác Nguyễn Hữu Trí đài VOA. “Lê đây!” cái này thì phải tùy theo âm điệu. Nếu vui vẻ, mừng rỡ, vồ vập... thì đó là Chú Võ Thành Đông, Đăng Khánh... Nếu xa vắng, rụt rè, nhẹ như tơ, thì bên kia nhất định phải là một cô hay một cố... nhân. Nếu bàn ghế, ly tách, đồ đạc... giẫy nẩy lên từng chập vì tiếng cười của Bố, thì đó là bác Bùi Bảo Trúc, Phạm Nhuận, hay Chú Ngô Hành Sơn... Nếu bố tôi hỏi lại nhanh nhẩu “mấy giờ? Ở đâu? bao nhiêu người?" thì là Chú Khánh Trường gọi đi ăn, với xác quyết: “Muốn rủ thêm mấy chục người cũng được,” và tiền ăn... sáng lần này tăng thêm 100 nữa, tức là “dưới 800 đô thì OK.” Nếu quá 10 phút mà phone không reng, thì nhất định 100% phone nhà tôi có trouble.
Tuy dậy rất sớm, nhưng Bố tôi phải mất 2 tiếng sau, khi khói thuốc um nhà cửa, ly cà phê lần thứ hai đã cạn, và lòng thì quá cỡ áy náy nếu phải nhờ đến mẹ lần thứ ba lấy cà phê, Bố mới ra khỏi giường, cái khó là ra khỏi giường. Còn sau đó, Bố tôi làm việc như một cái máy. Bố giải quyết tất cả mọi công việc: viết tin, đọc tin cho đài, viết bài cho báo, sáng tác, vân vân... Đâu ra đó, Bố rất khoa học, làm việc, dù là sáng tác, bao giờ cũng có plan, sửa tới sửa lui, rất lâu, rất công phu, miên man hàng giờ, hàng ngày, có khi hàng tháng. Bố tra cứu tài liệu, sách vở, gọi phone confirm...
Tôi nghe nói nhà văn, nhà thơ rất bừa bộn, làm tùy hứng, nhưng ở Bố tôi thì không. Bố tôi để mỗi loại hồ sơ vào một phong bì riêng, có ghi chú cho từng loại: thơ, văn, tài liệu cho đài phát thanh, cho báo chí, gia đình... Những buổi ra mắt sách, nói chuyện cũng được bố tôi phân loại, xếp riêng, đâu ra đó; lại còn ghi chú rõ ràng cho hàng trăm đề mục khác nhau. Trong những lần được mời phát biểu, bao giờ Bố cũng rất cẩn trọng. Dù là phát biểu trong 5 phút, Bố luôn viết xuống, đi tới đi lui trong nhà, tập đọc vài lần trước khi phát biểu thật. Bố tôi giải thích, phải tôn trọng người nghe, đừng lan man mất thì giờ của khán giả, phải luôn gửi đi một thông điệp khi phát biểu, và bao giờ cũng thế, bố chỉ phát biểu 5 phút là nhiều nhất...
Nói về chuyện ghi chú, bố tôi có một lối ghi chú rất... cõi trên. Bố hay ghi những công việc phải làm trên cuốn lịch treo tường. Thí dụ hẹn Bác Nguyên Sa 10AM ngày 18, thay vì như mọi người ghi vào ô ngày 18, ở đây bố tôi ghi vào ô ở trên đó, rồi đánh một cái mũi tên hướng vào ngày hẹn, có kỳ không?!
Cách Bố tôi làm việc có vẻ nghiêng... là một nhà khoa học, nhưng dứt khoát không phải là nhà toán học, mặc dù Bố tôi cũng rất ưa nói về lãnh vực này. Thỉnh thoảng, để diễn tả một khái niệm cho có phần chính xác, Bố tôi cũng 90%, 45%, 30 độ... Cũng tam giác đều, vuông, cân... nghe rất hãi!
Nhưng riêng về phương diện này, đích thực Bố tôi “hù” mọi người. Chẳng hạn bố tôi nói... “nó cân đối như tam giác đều.” Nghe hãi chưa? Nếu hỏi tam giác đều là gì? Bố tôi sẽ hùng dũng: “Là tam giác có 2 cạnh bằng nhau!.”
Một hôm, trong bữa cơm, Bố tôi kể: “Anh Nguyên Sa giỏi thật. Anh ấy chỉ mới nghe Đăng Khánh tổ chức bữa tiệc mời 500 người ăn, đã tính ra ngay con số...” Mẹ tôi nghi ngờ: “Con số bao nhiêu?” “Thì anh Nguyên Sa bảo, cứ tính tối thiểu $10 cho 1 phần ăn, mà 500 người, Đăng Khánh đã phải bỏ ra $50,000. “Đăng Khánh giầu ghê há ông!” Bố tôi một lần nữa thán phục: “Anh Nguyên Sa giỏi thật. Tính ngay ra con số!.” Mẹ tôi nói: "Nhưng mà anh Nguyên Sa tính sai." Bố hùng hổ cãi: "Nhưng mà tính nhanh!" Thua!
Một nhà thơ lớn làm toán nhân, và một nhà lớn khác thán phục. Người... cõi trên có khác!
Ngoài việc chứng tỏ cho mọi người thấy Bố tôi có một tinh thần minh mẫn về văn chương lẫn toán học, Bố tôi còn chứng tỏ cho mọi người thấy Bố có một thân thể... tráng kiện!?.
Bữa nọ ra phở Nguyễn Huệ, một cô da trắng “tóc dài thả xõa” nhưng không phải “không bao giờ đâu Donna, Donna” khen “Gớm, dạo này anh Lê hồng hào ra...!” Bố tôi sướng tít mắt. Cuối tuần ấy, xách xe đi khắp các Garage Sale khệ nệ bê về mấy cục... tạ. Chương trình “một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” bắt đầu ngay đầu tuần sau. Hít vào! Thở ra! Hít vào! Thở ra! Hít! Thở! Hít! Thở!.. Hít...th...ở... Bố tôi hít vào đúng 2 lần, thở ra cũng đúng 2 hơi, và tập đúng... 2 ngày. Vì trời... mưa. Mưa ướt, phải vào nhà thôi! lạnh nữa! Rồi bịnh! Phải vào nhà thôi. Lần sau, chở về 1 cái tread mill. Bố tuyên bố, mỗi ngày 20 phút chạy theo máy. Speed tăng dần, từ 2 tới 2.5 tới 3... Muốn khỏi chán, tay cầm thêm một cuốn kiếm hiệp. Bố tôi hớn hở, 20 phút burn được 80 Calories.”
Kỳ này, Bố tôi khá hơn, hàng ngày cùng với Trương Vô Kỵ, chạy, chạy... Anh Hiệp qua, Bố khoe ngày nào cũng burn được 80 ca-lo. Anh Hiệp rụt rè góp ý, “Chú ốm như vậy, tập ngày 20 phút, cháu sợ sau 2 tuần chú sẽ thành người... tàng hình! Chú phải ăn nhiều mới khỏe được.” Anh Hiệp có lý thật. Vậy là “chấm dứt luân hồi: Bố tôi bước ra.” Bố tôi trở lại Nguyễn Huệ, mỗi sáng một tô phở tái để riêng (không biết lòng có mong gặp lại... Donna!) Chỉ biết Bố vui, cười vang lên như trẻ thơ mỗi khi Bác Cảnh, chủ nhân phở Nguyễn Huệ, tiến lại, rất chân tình: “ăn xong đi đi nhé. Xong hết rồi!”
Bố tôi ra khỏi quán phở thân quen, và quên hết, như chưa từng có chương trình “một thân thể cường tráng...”
Nếu hồ sơ, giấy tờ liên quan tới văn chương, Bố tôi ngăn nắp bao nhiêu, thì ngoài vòng quay đó, Bố tôi bừa bãi bấy nhiêu. Cứ y như Bố nhẹ nhàng, trìu mến, như tơ trời vương với một cô nào đó; hoặc Bố cười ha hả, rổn rảng làm nhà cửa, thành quách rêm mình với những người bạn của Bố.
Bố Lê bừa bãi kinh khủng. Tất cả mọi nơi trong nhà, chỗ nào bố đứng lâu 2 phút, thì chỗ đó có tàn thuốc và ly cà phê uống dở. Nếu chỉ lãnh việc đi thu dọn ly cà phê và quét tàn thuốc lá, một người làm full time, còn có thể được thêm 4 giờ over time cho mỗi ngày! Trung bình mỗi tháng Bố đi xa độ một tuần, người làm đó cũng không sợ mất job, mà vẫn có over time như thường, nhờ công việc nhổ... cây này trồng đúng chỗ này, và nhổ lên cây kia, trồng đúng chỗ kia. Bố tôi thích trồng cây - nhưng khổ thay, “người cõi trên” trồng cây cũng... khác. Cạnh sát gốc cây hồng, là cây chanh. Sát gốc chanh là cây ngọc lan. Sát rạt cây ngọc lan là cây ổi. Khít rịt cây ổi là khóm loa kèn. Cạnh loa kèn là cúc, là mãng cầu, chùm ruột, me... Cứ thế, túm tụm. Hai mét vuông đất là cả một vườn... hoa, và cây ăn trái do chú Nguyễn Dũng Tiến ở Mimosa tặng. Bố tôi nhét cây chứ không phải trồng cây. Trong hồ cá thì cá koi, cá vàng, cá đuôi xòe, tôm... Cả cá lòng tong của Bác Lâm Tường Dũ cho nữa. Trên mặt hồ thì sen của Bác Phan Hòa Hiệp, súng của Florida, lục bình của Diễm Xưa, hòn non bộ của Bác Nhung. Bên cạnh cá là chim bồ câu và cu cườm của Mimosa, hoàng anh của Bác Đan Thọ, họa mi của Bác Hồ Điền... Chó nữa, do Bác Lê Phương đem đến, chó cứ ngồi trong lòng khi Bố đánh máy, lông xù ra, sặc mùi thuốc lá đó là chưa kể nó có cái tật, đợi Bố đi vắng, lục thùng rác, tìm tàn thuốc lá dấu đi, để thỉnh thoảng lấy ra nhai lần. Cuối tuần lau nhà, mẹ tôi tìm ra cơ man nào là tàn thuốc. Tôi đặt tên là Chí Phèo. Chí Phèo không bao giờ biết sủa, chỉ biết ngáp, lại hay ngáp rõ to. Chó của thi sĩ cũng có phần khác thường chăng?
Nhà tôi, vì thế, cứ như thảo cầm viên, trồng đủ các giống cây ăn trái, và hoa của vườn cây Mimosa, phong lan của bác Ngô Bảo, hoa hồng của Bác Thái Thanh, chậu kiểng của Chú Bành Nho... Chim, cá, kiểng... không thiếu thứ gì.
Tôi còn quên không kể một "tội" nữa. Bố rất kỳ lạ, trồng cây cũng thích nhưng mà... cưa trụi cây thích hơn. Hể có cái cưa trong tay là thế nào cũng tìm một cây nào đó để cưa, có khi cưa trụi lủi, không còn biết đó là cây gì nữa. Cưa lần thứ nhất thành cái "cột", sau đó chưa ưng ý đâu, cưa thêm một lần nữa cho bao giờ thành cái "cọc' thì mới thôi. Mẹ tôi bao phen ra nhìn cây mà chỉ biết khóc. Có lần mẹ đem dấu cái cưa thì bố giận.
Còn trong nhà ư, khác gì một garage sale. Từ cái bàn của Bác Lâm Tường Dũ, ghế của Chú Trần Duy Đức, chén bát của Cô Nguyệt Hạnh, computer của Chú Khánh Trường, Micro wave của bác Thái Thanh, bàn ủi của Bác Mai Thảo, máy hút khói thuốc của Chú Hào, Radio của Bác Đăng Khánh, cái vợt tennis của Chú Lộc Hoa Thịnh Đốn... Trên tường thì treo đầy tranh của các Bác Tạ Tỵ, Đinh Cường, Duy Thanh, Ngọc Dũng...
Nhà tôi đâu đâu, chỗ nào... cũng có sự hiện diện của bạn bè Bố Lê. Tấm tranh, bức ảnh, quyển sách, cái bàn, cái ghế... Mọi người vì yêu quý Bố tôi mà mang cho. Tôi thật hãnh diện vì điều đó. Vì điều đã được ở chung nhà với Bố Lê, dù rằng ngoài giờ đi học, tôi còn phải làm overtime những việc như nấu ăn, kho thịt, rửa tách cà phê, quét... tàn thuốc lá!
Orchid Lâm Quỳnh
1999