(bài nói chuyện tại Trụ sở Hội Người Việt Cao Niên Thành Phố Austin,
Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, và dân tộc chúng ta hãnh diện với mấy ngàn năm lịch sử thăng trầm, hưng vong, mà vẫn giữ được bản sắc và những nét đặc thù của nó.
Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam, gần 15 vĩ tuyến, hình cong như chữ “S,” nhìn ra biển Đông, như vương lên, xốc tới, như cái gai nhọn phương Nam. Qua bao nhiêu triều đại, nhà cầm quyền phương Bắc sau các giải pháp quân sự bất thành, đã phải dùng thủ đoạn “trấn yểm” của các nhà địa lý như Mã Viện, Cao Biền, hầu làm tiêu vong phần địa linh nhân kiệt và hào khí của một nền văn hoá mà không cách gì họ có thể xóa bỏ được.
Theo thiển ý của chúng tôi, thì việc tìm hiểu về một nền văn hóa lâu đời như nền văn hóa Việt Nam, không phải là việc riêng của các nhà chuyên môn mà của tất cả mọi người, những ai còn cảm thấy luân lưu trong huyết qủan của mình dòng máu Việt.
Trong phạm vi bài nói chuyện này, chúng tôi xin giới hạn việc tìm hiểu trong phạm vi ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ mà người nước ngoài cho là khó học, khó đọc, khó nói, khó có thể hiểu được một cách tường tận, thâm thúy của từng con chữ..., nếu người đó không phải là người Việt Nam. Phải chăng đó là cái chất riêng của ngôn ngữ Việt, của dân tộc Việt? Phải chăng vì nó không ngừng được làm mới, được phong phú hóa mỗi ngày, trải qua bao nhiêu nghìn năm? Và khi nói tới sự làm phong phú ngôn ngữ Việt, ở Hoa Kỳ, chúng ta không thể phủ nhận phần đóng của Nhà thơ Du Tử Lê trong cuộc trường chinh chữ nghĩa đó.
Tôi không phải là một nhà phê bình văn học, càng không phải là một người đã thành danh để nhận định về một Nhà thơ đã thực sự nổi tiếng. Những điều tôi viết về Du Tử Lê, chỉ xin được coi như một tư liệu sưu tầm thêm về họ Lê trước năm 21 tuổi; trong đó có những bài thơ họ Lê viết từ năm 1957 tới 1960. Thời gian này Du Tử Lê viết rất nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ được một số bài, đúng hơn là những bài tôi thích nhất, đọc nhiều lần, nên vẫn còn nhớ.
Ngay từ giữa năm 1957, khi họ Lê dời nhà người anh ở đường Trần Hưng Đạo, đến một căn gác ở đường Nguyễn Tiểu La, quận 10, Saigòn; căn gác này Lê thuê cùng Dũng và Khiêm. Dũng, là một người bạn cùng lớp với chúng tôi. Hàng ngày tôi tới chơi, Cuối tuần, ngày nghỉ, tôi thường ngủ lại cho vui. Lê và Dũng sống bằng nghề “kèm trẻ tư gia.” Tôi và Dũng cũng làm thơ, cũng viết truyện, cũng gởi bài đăng báo. Riêng tôi, tới năm 1964 thì ngưng hẳn. Riêng Lê lúc nào cũng chăm chút vào thơ. Tôi với Dũng hay nói với nhau, thằng Phách ngón tay dài hơn bàn tay, nó chọn nghiệp văn chương có lẽ khá... (Đúng là cái nghiệp của họ Lê vì cho đến ngày hôm nay hắn vẫn còn dành hết cuộc đời cho thơ, văn.)
Cuối năm 1957, Lê gởi về Mẹ bài thơ “Thú Tội.” Tôi xin mạn phép trình bày lại ở đây để chúng ta thử tìm hiểu phần nào về họ Lê với óc tự lập, tinh thần phiêu bạt giang hồ khỏi nguồn từ thiếu thời:
xưa mẹ dặn đừng bao giờ nhắc nhở
đừng bao giờ viết truyện với làm thơ
đừng bao giờ ao ước chuyện giang hồ
nhưng con trót nghe theo lời réo gọi
ôi tiếng gọi của lênh đênh bờ bụi
tiếng gọi buồn như khúc hát đưa ma
tiếng gọi buồn như khi trở về nhà
thân rũ rượi mà hồn thì kiêu bạc
xưa mẹ dặn đừng bao giờ thích nhạc
đừng bao giờ đắm đuối Beethoven
đừng bao giờ nhỏ lệ khóc Chopin
sao con vẫn mỏi mòn trong Dạ Khúc
con vẫn nhớ tim nằm trong cửa ngực
vẫn nhớ lời cao cả chuốt tình thương
vẫn nhớ lời dặn chớ có yêu đương
nhưng con trót muôn lần, nay thú tội
xưa mẹ dặn đừng mơ làn gió thổi
đừng ngậm ngùi hoa rụng, cảnh tiêu sơ
đừng mơ người tóc ngắn phấn son tô
con còn nhớ nhưng vẫn hoài ngưỡng mộ
xưa mẹ dặn đừng bao giờ thổ lộ
đừng bao giờ dễ dãi mỗi khi yêu
đừng bao giờ ngơ ngẩn ngắm mây chiều
ồ, lạ quá! Nhớ ghê. Sao vẫn mắc!
xưa mẹ dặn đừng bao giờ trầm mặc
đừng bao giờ mơ một chuyến đi hoang
đừng bao giờ mộng viễn xứ huy hoàng
con vẫn nhớ nhưng vẫn thèm rỏ dãi
đời đen bạc khuấy tan nguồn trẻ dại
thôi đời con, con trót gửi sông hồ
thôi tình con, trót nới lỏng đôi bờ
con xin mẹ cho trái lời đến chết
......
con xin hẹn kiếp sau thề bỏ hết...
Bài thơ này tôi không thấy Lê đăng báo hoặc in trong tập thơ đầu tay. Hay Du Tử Lê chỉ muốn dành riêng cho mẹ?
Cái ngày non trẻ, tình cảm của Du Tử Lê dành cho mẹ như thế, nên sau này, bao nhiêu bài thơ viết về mẹ, ngay cả khi bà cụ mất, có ném một cành hoa xuống mộ, có gào lên “đất! đất! đấât!,” Du Tử Lê hôm nay, nghe đọc lại bài thơ này từ một người bạn của hơn 40 năm trước, tôi nghĩ, sẽ có một thoáng ngậm ngùi, một chút xót xa ân hận vào cái tuổi quá năm mươi, cái tuổi tri thiên mệnh, rất gần với kiếp sau để hắn thề bỏ hết.
Tôi cũng xin mở một dấu ngoặc ở đây, là Lê dời nhà do những bất mãn trong nội bộ gia đình, nhưng lâu lâu, Lê vẫn lén về thăm mẹ. Bà cụ, như bao bà mẹ Việt
Với tôi và Dũng thì Lê ham đọc, ham làm thơ. Trên bàn lúc nào cũng bề bộn sách. Tôi nhớ có một cuốn thơ mà thời đó Lê rất thích đó là cuốn Mây Hà Nội của Nhị Thu, tập thơ mang tâm trạng của một người Hà Nội di cư, sống lây lất ở Saigòn, nhớ về chốn cũ... Những lúc ngồi chuyện vãn, Lê ưa nhắc một vài đoạn trong tập thơ này.
Cùng học trường Hàng Vôi ở Hà Nội, qua các lối đi, về đầy la bàng, lá sấu, tôi biết Du Tử Lê đã mang trong phần sâu thẳm của tuổi học trò, hình ảnh của Hồ Gươm, của những chiều nhặt búp đa, đập quả bàng,..., nên bài thơ nào có dính đáng đến Hà Nội à hắn thích. Vì hồi đi cư, Lê còn quá nhỏ, không đủ chữ để phơi trải lòng mình trong những bài thơ, đến khi học trung học, bắt đầu có chút vốn từ ngữ, để tỏ tình, Lê đã không ngần ngại mang Hà Nội vào thơ:
vì ngỏ ý yêu em nên mây về gác trọ
bài thơ, tiếng địch, lặng lẽ ơi mùa thu
Hà Nội sương mù lòng đầy hoang vu
em là cai tù của hồn tôi ủ rũ...
Lê bước vào văn đàn không được ai hướng dẫn cũng chẳng có ai đỡ đầu, nên hắn di từ thấp lên cao. Từ những bài đăng trong các nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, và bằng đôi hia bẩy dặm, Lê đã tìm được một chỗ đứng trong văn đàn, trở thành nhà thơ được nhiều người biết đến như hôm nay. Tôi còn nhớ có một chuyện vui vui về bút hiệu Du Tử Lê như sau: Khi ấy, khi gửi thơ đăng báo trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong, Lê thường ký tắt DTLê. Và cũng thời gian này, một nhà thơ khác xuất hiện với bút hiệu Dương Tử Lệ, và cũng thường ký tắt là DTL. Để tránh nhầm lẫn, những bài thơ sau, Lê ký rõ Du Tử Lê. Và hơn 40 năm nay, Lê giữ nguyên bút hiệu này.
Nói tới thơ Du Tử Lê mà không nói tới phần đóng góp của những người nữ, theo tôi là một thiếu sót lớn. Những cuộc tình vào tuổi trưởng thành đã được họ Lê viết nhiều trong các tác phẩm truyện hoặc thơ. Ở đây, như đã nói, là một tư liệu nhỏ về Du Tử Lê thời niên thiếu, cho nên, tôi xin được kể về một người con gái tên Minh, học đệ ngũ trường Gia Long, thuở đó. Cô là người mà Du Tử Lê viết rất nhiều thơ trong thời niên thiếu. Đó là một mối tình trong sáng, thơ ngây nhưng không kém phần say đắm, nồng nàn này khiến gã si tình họ Lê cứ mỗi buổi chiều đều bắt tôi đèo hắn bằng chiếc xe vélo solex của tôi, đến cổng trường, bỏ hắn xuống, cho hắn đi theo Minh tới bến xe, rồi lên xe buýt Saigòn, Phi Cảng Tân Sơn Nhất, Phú Mỹ, Gia Định...Minh 16 tuổi, mảnh mai như lá, nhà ở Thị Nghè, đi học bằng xe buýt, nên Lê cũng đi xe buýt theo. Đi một vòng xong, Lê nhẩy xuống, tôi lại đón Lê... Tình học trò như thế. Tháng ngày rồi cũng qua. Minh lên đệ Tứ, chuyển về buổi sáng. Lê đậu tú tài một, cũng trở về lại Chu Văn An, cảnh đưa đón chấm dứt. Nhưng trường Gia Long và người con gái đó đã để lại cho Lê một dấu ấn đậm nét. Ngay từ thuở đó, Lê đã chủ trương đem tên người yêu vào trong nhan đề bài thơ chứ không phải đợi tới sau này. Tôi chỉ xin ghi lại ở đây một phần bài thơ Lê viết lúc mới làm quen với Minh. Đó là “Bài Của Một Người Tên Minh”:
mắt hồ thu mình ru hồn anh ngủ
suối tóc dài mình cặp thõng sau lưng
môi mùa hè, phượng nở thắm sân trường
bước son nhỏ bước run mềm bãi nắng
áo trinh bạch ôi mầu trong trắng lắm
khiến anh về mơ mãi tuyết Paris...
Đâu chỉ hơn một năm sau thì Minh một người bạn của Minh cho biết gia đình bắt cô lấy chồng. Chồng Minh là một luật sư tập sự. Phải chăng đó cũng là lý do thầm kín theo tôi hiểu, khiến cho Lê sau khi đậu tú tài II, đã không chọn Luật mà chọn học ở Văn khoa? Minh lấy chồng xong, Du Tử Lê đã nhờ tôi chuyển đến Minh bài “Lần Cuối Trở Về”:
thôi lần cuối tôi về ngang phố cũ
hàng cây gầy ngày ấy vẫn bơ bơ
căn nhà xưa còn lặng lẽ trông chờ
hình bóng cũ đã đi vào quên lãng
với duyên tình cũng đi vào dĩ vãng
riêng lũ đèn ở lại vẫn ưu tư
như lòng tôi rũ ủ bởi sương mù
sương năm tháng hay sương đời se thắt?
tay nhỏ bé níu tình yêu khôn chặt
nên tình yêu vỗ cánh theo thời gian
nên tình yêu đã mất hút theo nàng
sau xe cưới còn vương mầu khói đục
lác đác lá rơi, hè đường ngơ ngác
ngó theo nàng xem có vấn vương không
nhưng mà thôi - nàng e lệ bên chồng
vì lúc ấy ai nhớ gì ai nữa!
thôi lần cuối tôi trở về phố cũ
thuốc trên môi mà khói ám trong hồn
hàng cây còn nhúng tôi vào cô đơn
căn nhà ấy đã muôn đời khép cửa.
Với Du Tử Lê hình như lúc nào cũng có những mối tình đi song song với nhau. Mối tình nào hắn cũng đắm đuối, nhưng với tôi, trước khi Lê gặp Huyền Châu rồi Thụy Châu, người con gái tên Minh là người mà Lê phải nhớ...
NGUYỄN QUANG NGỌ
(Dallas, Texas, 1-1998)