Phùng Nhân - Du Tử Lê, con gọng vó và tiếng thơ thảng thốt giữa nhân gian.

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 4498)
Phùng Nhân - Du Tử Lê, con gọng vó và tiếng thơ thảng thốt giữa nhân gian.

 

Trong phạm trù văn học, hình như nhà thơ nào cũng sống trong nỗi day dứt của riêng mình. Một chiếc lá vàng, một con chim non lìa tổ đều làm cho nhà thơ rung động. Sự rung động đó thường biểu lộ qua tác phẩm, và tác phẩm đó đôi khi vượt ra ngoài khỏi cuộc sống. Vì sao? Vì tư tưởng thi sĩ luôn dệt giấc mộng cho đời, cho người và cho thế hệ. Tuy nhiên mỗi tác phẩm đều tự nó khoác chiếc áo về đời sống của thời gian. Thế Lữ thì khoác chiếc áo “Hổ nhớ rừng”, Lưu Trọng Lư khoác áo “Mùa thu”. Còn Hàn Mặc Tử thì khoác chiếc áo “Về Thôn Vỹ Dạ”. Du Tử lê hôm nay lại khoác chiếc áo “Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu”. Tại sao thế? Nhà thơ Du Tử Lê có mang mặc cảm đời sống chăng? Hay là ông đã đi và đã sống một kiếp người. Ông đã đi từ cơn binh lửa, ông đã đi trên lượn sóng bạc đầu. Vậy mà ônh vẫn chưa hiểu hết dân gian. Hôm nay ông dừng chân lấy gương soi mặt, thấy râu tóc đã bơ phờ. Ông bật kêu thảng thốt... nhân gian... Nhân gian làm sao hiểu hết...!

 

Bởi nhân gian là một cái gì kỳ bí. Mọi sinh vật kể cả con người đều có nỗi riêng tư, mà khoa học không thể chứng minh được thì thi sĩ là cái gì? Chỉ là một niềm đau thầm kín từ kim cho tới cổ! Và trong niềm đau đó, thi sĩ đã tự mình mở lối đi riêng. Du Tử Lê đã dẫn hồn thơ của ông đi trong hệ lụy, đi trong nghịch cảnh rạn dày. Nhưng ông không nao núng, ông thanh thoát tự tại, nhà thơ mặc dù có đôi lúc thấy hồn thơ dường như kiệt lực. Để rồi sau đó đứng dậy ngang tàng, cá tánh của hồn thơ của riêng ông trước sau vẫn vậy. Chúng ta thử lật trang đầu tác phẩm “Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu” thử xem:

 

“Em tóc ngắn với tình yêu thánh hóa

Hãy tin tôi sông núi đợi em về

Nắng mưa rồi cũng sẽ khoác tay đi

Ta ở lại dìu nhau về cõi tận.”

(Trích bài Hựu Ca Một)

 

Hoàn cảnh nào mà thi sĩ thoát ra lời đó? Có phải chăng nhân gian quá rộng, mà đã có lắm hoàn cảnh con người không có chỗ dung thân. Như vậy thì thi sĩ đã tiên tri trước những điều hệ lụy. Về đâu? Sao không về lại mái ấm gia đình? Mà lại về cõi tận? Cõi tận là cõi nào? Có bình yên không? Có thù hận nhau không? Chắc cõi đó hạnh phúv đề huề mà chúng ta thường mơ ước, và niềm mơ ước ấy đã nhen nhúm từ thời Nghêu Thuấn. Thi sĩ viễn mơ, nếu không viễn mơ vào thực tại ông ao ước con người hãy trở về với bản ngã lương tri. Bởi bản ngã con người cho dù tóc đen hay tóc trắng, cũng chỉ là một. Bản ngã đó có thể bị phá hủy đi do một ý thức hệ nào. Rồi có lúc nó sẽ được phục sinh. Vì con người không thể thù hận ghét bỏ nhau, mà thi sĩ là một đặc trưnh của một Thông điệp Hòa bình. Thi sĩ không bao giờ cổ võ chiến tranh, không bao giờ có bàn tay vấy máu. Và thi sĩ luôn luôn khát vọng. Những cái khát vọng của Du Tử Lê thường vọng về từ đáy vực. Chúng ta hãy đọc tiếp:

...

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu

Tôi có người hồ như vết thương

Có đêm ngó xuống bàn tay lạnh

Và chỗ em ngồi đã bỏ không

...

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu

Tôi biết người mang một nỗi buồn

Biết ta cuối kiếp tim còn lạnh

Cùng nỗi sầu bay đầy hư không

...

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu

Tôi xin người sớm phục sinh tôi

 

Mà thường người đời không thấy, không bắt gặp. Mà ta chỉ thấy nó phản ảnh bàng bạc trong tác phẩm u tình. Cho dù đó là tình yêu, nhưng thánh hóa. Một thứ tình yêu đã gạt ra nhục dục. Hãy nghe Du Tử Lê nói với người yêu:

 

“Này em tôi có khu vườn

Có cây trái đắng có cồn cát khô

Này em tôi có nấm mồ

Đêm che dấu lệ ngày thồ đau đi

Này em tôi có ngõ về

Nắng mưa suốt kiếp còn tê vết người.”

(Trích bài Còn Tê Vết Người).

 

Ôi thi sĩ đối với tình yêu luôn cao thượng. Trong tình yêu của ông, Du Tử Lê hình như đã khẳng định trước kiếp người. Dương gian đôi ngả... Tâm hồn của ông Lê đang mang nặng nỗi niềm. Với người yêu ư?.. Không biết. Vì nó mung lung quá, nó chập chùng ảo ảnh như cõi hư vô. Từ xưa cho tới nay đã có người nào từ tạ người yêu bằng những lời nói đó chưa? Cũng chưa! Hay là thi sĩ đang gọi hồn thơ để cùng theo mình vào đáy huyệt. Nấm mộ nào nhốt nổi ngọn thủy triều? Xót xa quá! Tứ thơ của Du Tử Lê nhẹ nhàng, bàng bạc như tiếng gáy của con cu cườm trên đọt ngọn cây sao bên ngôi Đình làng cổ kính, làm người nghe ngây ngất phải kéo dài thêm điệu hát ru con, vươn dài tay ra để ôm nỗi buồn vô cớ. Có ai không trạnh lòng khi nghe tiếng cu gáy trong một buổi trưa hè, có thể khi nghe xong, chảy nước mắt vì khó cầm lòng. Sự mủi lòng bắt đầu dấy lên từ tiềm thức. Thơ Du Tử Lê là một sự mẫm cảm ngân dài, là thú allergie thân phận:

 

“Về trong hình tượng ra đi

Sống trong tâm tưởng chết khi chào đời

Ai mua? Ta bán luôn trời

Bán mây vô tận ở ngoài nhân gian

Bán mưa chảy đúng hai hàng

Bán răng khôn rụng mà lòng chưa khôn

Bán đêm sương xuống buồn buồn

Bán tâm chay tịnh núi sông trùng trùng”.

(Trích bài Thơ Ở Đường Phạm Ngũ Lão).

 

Người thi sĩ từ cổ chí kim chẳng thấy ai mua danh bán phận bao giờ, mà chỉ lo bán trăng gió, nắng mưa, bán tâm chay tịnh. Ôi... thi sĩ. Tâm của người là tâm của thơ, là tâm bất tận, là tiếng khóc của nhân gian, là giọt mưa chảy đúng hai hàng! Hạt mưa ở đâu mà kỳ diệu vậy? Chỉ có hai hàng thôi sao! Giọt mưa đó chắc đời người ai cũng có. Trong đời ta giọt mưa đó chảy rất thường. Nhất là trong những tháng ngày văn học lưu vong. Ôi! giọt mưa hai hàng nhỏ trên gối lẻ, nhỏ đầm mảnh khăn tang. Nhỏ ướt tóc đầu xanh vô tội, nhỏ dầm dề trên cơn nắng cháy biển đông. Nhỏ trong giờ thứ hai mươi lăm trong định mệnh, nhỏ trong suốt căn phần của một kiếp thuyền nhân. Còn cái răng khôn! Răng nào khôn? Răng nào dại? Có chứ! Răng khôn nó mọc đúng lúc tuổi già nhá nhem trong bóng tối, nó mọc trong lúc ham hiu nhất của đời người. Vậy mà lòng không khôn! Ôi... buồn quá. Thơ của ông Du Tử Lê đã vượt thoát lên trên cảm xúc mất rồi. Nó trôi trong tuổi già, và nó chìm trong tuổi trẻ. Nó ngộ với cảnh sống của cuộc đời, nó thúc hối ta tự dọn mình. Nó lâng lâng nhưng không choáng ngợp. Nó gõ cửa tâm hồn để xin được đi vào, vào hồn của chúng ta đã mở lúc nào không hay.

...

Trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy

Ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ.

Có cánh cửa ngó xuống bước chân ngược suôi của mẹ tôi

Trên lộ trình Hà Nội-Phủ Lý

Những đoạn đường bị đắp mô

Những đêm bạn hàng phải ngủ trọ

Tiếng mọc chê câu vào ban đêm

Tiếng “cắc bùm” bắn đi trong niềm tang chế

Mẹ tôi bưng mặt

(Trích bài Khúc Thứ Hai, Những Cánh Cửa Sổ, Hồi Chuông Buổi Sáng)

 

Dân tộc ta đã bị cắc bùm trong niềm tang chế kéo dài hơn trăm năm. Lâu lắm rồi làm sao còn hình dung ra hết niềm tang chế. Niều đau ấy thét rồi nó cũng chai lì trong cảnh ngộ. Nhưng đối với thi sĩ nó mưng mủ âm thầm, nó chờ cơn bộc phát. Đâu phải đợi đến ngày tắm máu của Tết Mậu Thân năm 68. Đâu phải đợi khi pháo dập kín trên đại lộ Kinh Hoàng mà niềm đau đã căng dài trên thế hệ. Thi sĩ sáng tạo thơ, nó rất khác nhà văn viết có luận đề. Vì vậy thơ hiện về trong bất chợt, có khi đang ăn, đang ngủ. Nó dựng đầu thức dậy, nếu không nghe theo còn ngủ nướng thì thơ lại cuốn gói ra đi hết phương năn nỉ. Vì vậy thi sĩ thường nuôi dưỡng nàng thơ hết sức ân cần, có như vậy thơ mới có hồn, thơ mới nhả nhạc. Còn người mẹ ở trong tác phẩm này của riêng tác giả hay một bà mẹ tượng trưng. Dù cho bà mẹ ở dưới hình thức nào đi nữa thì chính ông Du Tử Lê đã vẽ ra mẹ hết sức mủi lòng, làm sao chúng ta không liên tưởng đến những bà mẹ Gio Linh, La Vang, Quảng Trị. Mẹ Việt Nam đã điệu quang thúng gánh gồng vượt đèo Hải Vân vào Nam tìm đất Hứa. Rồi mẹ đi lần xuống tới đất mũi Cà Mâu để trồng khoai sắn nuôi con. Mẹ thương con, mẹ không muốn cho con mình đói khổ. Nhưng bom đạn và hận thù của ý thức hệ chủ nghĩa đã săn đuổi con mẹ đến bước đường cùng! Con mẹ phải trầm mình dưới đáy biển Đông, lội đi trên sóng dữ. Để rồi hôm nay đứng bên bờ đại dương vuốt mặt hình tưởng lại gương mặt mẹ hiền. Nhớ về ngôi nhà của một thuở thiếu thời nằm ven sông Đáy, và những đoạn đường đã đắp mô. Nhà thơ Du Tử Lê đã đưa người đọc đi về hoài niệm, ngược thời gian dài dằng dặc, đôi lúc tưởng rất gần. Tưởng đâu mới hôm qua, hoặc hôm nay! Có phải thơ Du Tử Lê là tiếng than trong cơn hoạn nạn, là đang ngóng mắt về phương Nam. Phương Nam ôi phương Nam thi sĩ thắp đuốc vọng về. Càng đọc thơ ông, chúng ta càng thấy rõ thân phận của mình.

 

Có đôi lúc lòng cũng nguôi gió bão

Mặc môi cười chảy máu giữa chiêm bao

 

Hơn mười bốn năm nay vết thương chưa lành, không bao giờ lành. Nhưng cũng được nguôi ngoai, vì cơn đau sẽ trở thành suốt kiếp. Bởi dân tộc Việt Nam, thuyền nhân Việt Nam đâu có ai tự bít lối quay về, và giữa tiếng cười môi chảy máu lúc chiêm bao có ai ngờ được. Nụ cười ấy, chiêm bao ấy, chúng ta muốn xua nó đi cũng không được. Bởi vì nó là một căn phần trong đời sống.

 

Đêm qua có kẻ cuồng điên khóc

Em bảo tôi: ồ sao trẻ con.

 

Người thi sĩ nếu không biết khóc thì sẽ không được làm bạn với nàng thơ. Và tiếng khóc của thi sĩ vô ưu như trẻ nít. Khóc mà chẳng biết mình khóc về chuyện gì. Nhân sinh quan chăng? Không phải! Vũ trụ quan chăng? Cũng không phải! Sự chết, già nua bệnh hoạn của kiếp người? Có lẽ! Mặc dầu người thi sĩ đã cảm nghiệm đến điều đó trong lúc sanh tiền. Nhưng họ khóc không phải vì sợ hãi, họ khóc khi thấy được một chiếc lá hồi sinh. Họ khóc vì sung sướng, khi thấy tổ kiến vàng tha mồi về đầy ổ để dự trữ cho mùa đông đến và Du Tử Lê khóc ngon lành không dấu mặt.

 

Tìm nhau gió hú rừng hiu quạnh

Ôi tấm lòng em như cẩm lai

Mùi thơm gỗ quý trầm sông núi

Ta đã vì em ở với đời.

 

Hơn nửa kiếp người, mà nhà thơ Du Tử Lê vẫn lê hồn đi trong cô quạnh, đi tìm tấm lòng đôn hậu và bóng nước như mùi gỗ cẩm lai. Đi tìm lại những hương trầm trên đất nước. Ông đi tìm những cái mà người khác không thể tìm. Bởi vì ông có hồn thơ lai láng. Gỗ cẩm lai hay gỗ trầm hương nó rất thật ở ngoài đời. Nhưng làm sao ta thấy nó ẩn dụ trong thơ, nếu tâm hồn ta chật hẹp.

 

Sông núi đã chối từ tên phản bội

Giống nòi ta thực sự ở bên kia

 

Lời thơ của Du Tử Lê có lúc sao mà quá thực, có lúc lại bồng bềnh, có lúc nhẹ nhàng như cánh chim bay. Nhưng tựu trung hồn thơ của ông đều hướng về thân phận. Ông không dùng sáo ngữ. Ông làm thơ như chính ông đang đối thoại với cuộc đời.

 

Suốt hai trăm hai mươi bốn trang thơ là hai trăm hai mươi bốn góc cạnh của cuộc đời, là hai trăm hai mươi bốn lượn sóng của thủy triều, có lúc dâng lên đầy ắp, có lúc vực xuống chỉ còn lại có ngấn nước ngậm chặt vào kè đá như một chứng tích bể dâu.

 

Hai trăm năm mươi bốn trang thơ không phải ít. Vậy mà không trùng lấp, nó mở cửa bay ra tản mạn khắp bốn phương. Nó không khó hiểu như Bùi Giáng. Nó không chắp tay sau đít đi luồn trong núi như Nguyễn Đức Sơn. Không hẳn vậy! Nó có đủ tất cả. Nó có cái rờn rợn như hư vô, như Hàn Mặc Tử. Nó cái kêu gọi thảm thiết lúc mất con, như Trần Tuấn Kiệt. Ôi... nó là tiếng kêu của con chiến mã Võ Đông Sơ cõng xác chủ tướng về với Bạch Thu Hà!

 

Tôi viết về Du Tử Lê với một đêm thao thức. Bởi tôi không ngủ được, khi đọc xong lại thấy ảnh tượng hiện xuống đầy phòng. Hình dáng của ông nhỏ thó, như con Gọng Vó lội ngược trong mùa mưa lũ. Nhưng thơ của ông thì bát ngát trải dài như Rừng Mắm Năm Căn. Thơ của ông đã gióng lên hồi chuông tâm thức, thơ của ông kêu gọi cả Chúa, cả Phật, cả Quan Âm cả Bí Tích xin phổ độ lấy chúng sanh. Hãy cứu vớt con người đang trầm mình trên biển khổ.

 

Sydney

tháng 10, 1989

PHÙNG NHÂN

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21498)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16154)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17816)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10507)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19054)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5350)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 2040)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2648)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2416)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23754)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20167)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 9008)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10115)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9372)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12579)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 32024)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21643)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26831)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24225)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23033)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21171)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19064)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20306)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17804)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16859)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26142)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33426)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35685)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,