Nguyễn Thế Đỉnh

26 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 4522)
Nguyễn Thế Đỉnh

 

 

Những Ngày Thơ Ấu Với Bạn Tôi, Ở Hà Nội

 

Trước khi kể chuyện

 

Ông Du Tử Lê thân mến và yêu dấu

Tôi tự hào là một trong những người bạn hiếm hoi còn lại của ông từ thời nhỏ dại, thoắt cái chúng ta đã là bằng hữu của nhau hơn 52 năm, nếu tính tuổi thọ là 100 thì quả thật tôi được kết thân với ông quá lâu - hơn nửa đời rồi còn gì. Kinh hãi hơn nữa là lúc tôi ngồi một mình tự đếm lại tuổi mình. Và, chợt hốt hoảng khi thấy tôi và ông - người bạn còm cõi , tư lự tên Lê Cự Phách ở Triệu Việt Vương, Hanoi, đã trải qua hai thế kỷ. Không, chúng ta là bạn của nhau đã sang đến Thiên niên kỷ thứ hai rồi. Những năm, những tháng đã qua có lúc tôi cư ngụ xa tít tắp với ông, lúc thì là hàng xóm gần gũi, thảng hoặc có thời gian cả năm chẳng đứa nào dòm ngó đến nhau, nhưng không giận vì biết nhau quá rõ. Từ cái tên Lê Cự Phách đến Du Tử Lê những dòng thơ trải dài trong cõi nhân gian. Tôi thích thú, sung sướng và có cả u buồn khi đọc thơ ông. Tâm hồn tôi phơi phới và hí hửng khi được nghe ai đó, hoặc đọc từ bài báo, cuốn sách nào đó luận về thơ ông. Tôi sướng mê cả người vì bạn tôi được yêu thương quá đỗi, nhất là người khoái thơ, khoái bạn tôi lại là nữ nhân thì tôi tưởng mình có thể nhảy cẫng lên được.

Vậy mà, tiếc thay tôi lại chẳng thể là nhà văn, nhà thơ để được viết những dòng chữ khen cái áo tốt của ông Phò Mã, tôi là người lính đánh giặc khắp miền đất nước -lính BĐQ- binh chủng mà đã có lần ông nói với nơi cà phê La Pagode: “Chúng mày đi thứ lính gì mà nghe đến tên là hãi bỏ mẹ”. Tôi không thể viết về thơ bạn ta được, nhưng tôi có thể kể rành mạch về những ngày tháng thơ dại của hai chúng ta để ông nghe, bằng hữu khác nghe và nhất là cho chính tôi được sống thỏa thuê, chạy nhảy quanh quẩn trong cõi thiên đường ấu thời chúng mình. Quả thật có lúc nghĩ lại, chợt dưng tôi thấy mắt mình có hạt bụi, kênh sót và xao xuyến.

Bạn tôi, Du Tử Lê,

 

Không nói được về thơ văn bạn mình thì tôi cũng chỉ xin được bắt chước người, kể chuyện ấu thơ, kể trên giấy thay lời nói bên tai. Tôi khoái trá mỗi lần ông và tôi gặp nhau. Ai cũng vác mấy bó tuổi trên vai nặng oằn lưng mà vẫn mày, tao loạn cả lên, thật đã vô cùng. Chẳng biết ông có còn nhớ được bao nhiêu về dĩ vãng chúng mình, Hanoi? Sẵn đây tôi cũng nói với ông điều này:

 

Năm 1992, lúc tôi chưa xuất cảnh sang Mỹ, có dịp ra Hanoi. Tôi về thăm nhà xưa, số 9 Triệu Việt Vương, có người ở nhưng rêu phong, mục nát, mặt mũi u trầm như con bệnh ung thư những ngày cuối đời, còn căn nhà 11 Huyền Trân Công Chúa, nơi tôi cư ngụ sau cùng trước khi chia xa, nay không còn nữa, tìm mãi không thấy cái cầu thang lộ thiên bằng đá trắng, nó khuất dạng nơi nào?

 

Thôi bây giờ tôi kể chuyện những ngày tháng cũ nhé. Kể Chuyện Thuở Ấu Thời...

 

Gần cuối năm 1948, gia đình tôi từ Thanh Hóa hồi cư về Hanoi. Căn nhà cũ đã có chủ mới, ở phố Hàng Nâu. Bố mẹ tôi đem các con về Bạch Mai ở đậu nhà dì Nguyệt tôi. Bố tôi trình diện nhiệm sở cũ. Sau khi hoàn tất thủ tục người được bổ nhiệm về Hải Dương để nhận công tác mới. Gia đình lại chuyển cư một lần nữa. Riêng tôi, năm đó đã khá lớn, chưa có chỗ học ổn định, và bố tôi quyết định giao công việc trông nom, săn sóc cho chị K, chị lớn của tôi. Tôi ở lại Hà Nội, đi học. Tôi về ở với gia đình chị K, ở phố Triệu Việt Vương, nhà số 9.

 

Nơi trú ngụ này đã lưu giữ trong tôi những kỷ niệm ấu thời. Hình như tôi không quên một điều gì. Nhớ tất cả, từ những hàng cây rợp bóng mát, ngõ Tràng An quanh quất bên hông nhà đến những cây dầu, cây sấu cao ngất nơi cuối phố, gần nhà Diêm. Ở Triệu Việt Vương, tôi đã có những người bạn nhỏ, cùng khu phố, cùng trang lứa. Và từ bấy lâu, nay còn lại mỗi một. Đó, Lê Cự Phách -tên thơ: Du Tử Lê! Năm mươi hai năm đã ra đi, biền biệt vào quá khứ, nhưng mỗi lần chợt nhớ về tuổi thơ –Hànội. Bóng hình ấu thơ như sợi dây phơi chăng ngang trí não, chợt dưng chùng xuống, chiếc võng khẳm đầy kỷ niệm về bằng hữu thơ dại, về nơi chốn ấp ủ thiên đường dĩ vãng, lại đong đưa nơi trí tưởng. Xin được kể lại ở đây để cùng bạn -Lê Cự Phách- dắt nhau về với những ngày xưa thân ái.

 

Thời gian tản cư, từ Hànội vào Ninh Bình rồi Thanh Hóa, dù chạy trốn bom đạn, và tạm cư ở đâu, bố tôi cũng dạy cho hai anh em tôi học. Tôi có một người anh trai duy nhất, còn lại toàn chị gái.

 

Nhờ vậy, khi về đến Hànội, tôi đã đọc thông viết thạo và làm khá rành bốn phép tính, kể cả tính đố 2 con. Vốn liếng chữ nghĩa đó đã giúp tôi được nhận thẳng vào trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, phố Hàm Long. Hoặc cũng có thể nhờ anh rể tôi cũng là nhà giáo, ông dạy sinh ngữ, môn Pháp văn, đã vận động xin cho tôi được nhập học tại đây không chừng. Chỉ biết là tôi bắt đầu học tại Ngô Sĩ Liên từ niên học đó. Ở tuổi chúng tôi thời đó, sinh hoạt hàng ngày không được tự nhiên lắm, thường hay e thẹn, đôi khi nhút nhát nhất là công việc làm quen với nhau. Hơn nữa, với tôi, khi về trọ ở nhà chị, dù được chăm nom chu đáo và thương yêu, từ anh rể, chị và các cháu, nhưng tôi vốn là đứa bé, thuở lọt lòng đến bấy giờ, lúc nào cũng quanh quẩn trong vòng tay mẹ. Miếng ăn, tấm áo, giờ ngủ, mọi thứ đều được mẹ lo. Hình bóng mẹ đối với tôi to rộng, vĩ đại như Đại dương, Nay, phải xa mẹ, tôi tự thấy mình lẻ loi và cô độc không tưởng được. Những buổi sáng, khi thức dậy, ngó quanh ngó ngó quẩnchẳng thấy mẹ đâu, tôi muốn khóc. Nỗi nhớ chợt đầy và xót xa. Tôi thường ra trước sân nhà -một khoảng sân thật nhỏ để ngóng nhìn về hướng chân trời rồi tự hỏi mẹ tôi đang làm gì nơi ấy. Sao lại bỏ mặc tôi cô độc?

 

Và, tôi đã gặp Lê Cự Phách tại nơi này, lúc thì ngồi tư lự, hai tay chống cằm trên bậc thềm, nhìn ra con phố, có lúc đứng trơ trọi ngay dưới chân cột đèn. Dù nhìn thấy Phách cũng chỉ có một mình, tôi vẫn ngần ngại chưa dám lại gần.

 

Có lẽ hiểu được tâm trạng tôi, thảng hoặc vì phải tất bật với công việc hàng ngày của bà mẹ có khá nhiều con, nên chị K. đã thả lỏng cho tôi phần nào trong sinh hoạt mỗi ngày, miễn sao, buổi tối trước khi đi ngủ, tôi phải học bài khoảng một tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn chút đỉnh. Triệu Việt Vương là căn phố im vắng, chạy song song cùng những con đường như Phố Huế, Huyền Trân Công Chúa.

 

Triệu Việt Vương khởi từ ngã ba giáp với phố Nguyễn Du chạy thẳng về phía nhà Diêm và có còn tới đâu nữa không, tôi đã quên, nhớ không hết. Hai bên phố là những căn nhà ở, vùng này không phải khu thương mại, nơi những công chức, giáo chức và quân nhân cư ngụ. Cả con đường được che mát bằng những cây bàng, không cao lắm, nhưng tàn xòe rộng và lá to. Bóng mát đủ che cho những trẻ thơ như chúng tôi tụ nhau lại để trò chuyện hay cùng chơi một trò chơi gì đó.

 

Tôi trở thành bạn của Lê Cự Phách (lúc đó làm gì có cái tên Du Tử Lê) một buổi trưa thật tình cờ. Sau khi đi học về, anh rể tôi đi dạy chưa về tới, cả nhà đợi cơm. Tôi chưa biết làm gì, chợt nghe tiếng gọi Phá... ch... ơi... ời, tiếng gọi nhão nhẹt thấy ghét và lạ tai. Tò mò, tôi mở cửa, bước ra đường cùng lúc ấy, Phách cũng mở cửa, chậm rãi đi ra. Tôi khựng lại quan sát, Phách và mấy người bạn đối đáp, Phách được chia bốn cục kẹo nougat (kẹo đậu phụng tây). Bất chợt Phách quay lại, thấy tôi, ngần ngừ một giây, Phách tự nhiên chia cho tôi hai cục. Tôi xấu hổ, chưa dám nhận, Phách đã nói: “Cứ ăn đi của Tuấn Còm đấy”. Lúc đó Tuấn Còm, bạn học của Phách cũng nói: “Ăn đi, tớ mới đổ bi được đấy (một trò chơi do mấy người bán kẹo dạo, đóng một cái bàn với những hàng đinh dích-dắc để dựng đứng. Người mua 1 đồng, lấy hòn bi thả vào những khoảng giữa hai hàng đinh, viên bi chạy từ trên xuống nếu rơi trúng số nào thì được bấy nhiêu cục kẹo và số to nhất là 10 cục -nếu ngược lại không trúng cũng được 4 cục. Coi như mua). Thế là tình bằng hữu của chúng tôi khởi đi do hai cục kẹo Nouhat, chạy dích-dắc đến nay đã được 52 năm (1948-2000) chỉ tiếc Tuấn Còm đã không bao giờ chúng tôi gặp lại, vì gia đình Tuấn Còm di cư vào Saigon năm 54. Và, cũng ngay buổi sơ giao ấy, tôi được biết Phách học trường Hàng Vôi (Nguyễn Du). Cũng từ đó Phách và tôi thường quanh quẩn với nhau lúc rảnh. Thường thì chúng tôi rảnh nhiều hơn bận. Vì được thả lỏng, phần thì bản tính thích lang thang đây đó, bất kể giờ giấc, sáng, trưa, chiều có khi cả buổi tối, nếu bữa nào anh chị tôi bận việc gì đó, không để ý đến lũ nhóc chúng tôi, lúc nào tôi cũng có thể đi hoang được. Có lần mê mải dong chơi quên cả ăn, tôi bị phạt đứng úp mặt vào tường, tức đến vỡ ngực. Tình cờ, tôi và Phách cùng học một buổi và đi cùng một con đường. Thế là tôi tận dụng ngay sự tình cờ này để mỗi ngày tôi luôn luôn đi học trước giờ vào lớp cho thỏa và dĩ nhiên có Lê Cự Phách đi bên cạnh. Tôi chả cần biết, tự thâm tâm Lê có tính thích la cà nơi này, chốn kia trước khi đến trường lúc chưa là bạn của tôi? Nhưng kể từ khi kết thân, chưa một Lê Cự Phách từ chối.

 

Tôi gọi là Phách mang cặp cùng tôi đi ngay. Sau này, tôi suy nghĩ có thể Phách không muốn vậy, nhưng bản tính chiều bạn và chấp nhận cùng nhau lang bạt mỗi ngày. Tội nghiệp cho Lê Cự Phách luôn luôn đặt mình theo sự bày vẽ, hướng dẫn của tôi. Có ngày, từ phố Hàm Long, thay vì vào trường, tôi kéo tay Phách không cho rẽ qua Ngô Quyền để lên trường Hàng Vôi. Hai đứa vượt qua nhà thờ, đến ngõ Đại Khánh để rủ Trần Hữu Khôi, Phương (cháu giáo sư Sử Trần Hữu Quảng). Mấy đứa nhập lại rủ nhau sang phố Lò Đúc, cà khịa với mấy ông Tây Lai con; tôi và Khôi nhẹt miệng ra nhạo:

 

“Tây lai ăn khoai cả vỏ...”, bị ném đá, thế là hè nhau ù té chạy, chỉ tội cho Lê Cự Phách, gầy còm và lèo khoèo hơn chúng tôi, nên bao giờ cũng chạy sau và sợ mất vía.

 

Hàng năm chúng tôi đóng vai người lớn một cách tự nhiên đưa đến, đó ngày giỗ Hai Bà Trưng, nhóm bạn thân chúng tôi gồm Phách, Tuấn Còm, Hiền, Khoát và tôi từ phố Lò Đúc, qua Lò Rượu rồi quẹo trái để đến làng Đồng Nhân, nơi có đền thờ Hai Bà Trưng, có những cây đa rợp bóng mát. Chúng tôi tìm cách lọt vào trong đền để được nhìn ngắm thỏa thuê những đồ thờ và cách tế lễ, không khí trang nghiêm đã khiến chúng tôi người lớn hẳn lên, nhất là Lê Cự Phách, mặt mũi trầm ngâm, hai tay khoanh trước ngực, không nhỏ to thì thầm, đứng im lìm, thả hồn vào ngày giỗ Hai Bà. Sau khi lễ tất, mọi người được chia phần xôi, oản. Thông thường chúng tôi từ chối vì xấu hổ hoặc có người nhận, sau đó nhường lại cho ai đó đứng gần.

 

Nhà số 9 Triệu Việt Vương cấu trúc khác với những căn phố cùng đường, ngôi nhà được xây dựng theo hình thước thợ -căn chị K. tôi thuê, thẳng góc cùng với căn gia đình Lê đang ở. Tôi biết chừng vài tháng gì đó chị Tâm (chị của Lê) có lẽ thấy tôi ngổ ngáo và nhanh tay lẹ chân hơn em chị, nên chị đã dặn tôi: KH, em chơi với Phách đừng để ai bắt nạt nó nhé. Chị nhờ em “trông”nó đấy. Tôi vừa ngượng vừa sướng tê cả người vì được gởi gấm và cứ tưởng mình là quan trọng. Thật ra, chị Tâm không dặn dò, tôi cũng chẳng để yên cho kẻ khác bắt nạt bạn tôi - và đến hôm nay tôi vẫn giữ nguyên như vậy. Tôi cố gắng bảo vệ và chia xẻ với bằng hữu những gì bạn tôi cần và trong khả năng tôi có thể làm được. Có lẽ chị Tâm thương em và thấy tôi nói năng liến thoắng, chạy nhảy huỳnh huỵch. Tóm lại về thể lực, tôi trội hơn hẳn Lê Cự Phách, hơn nữa cũng có thể chị Tâm dùng câu nói thân tình để phòng ngừa trường hợp tôi đổ quạu đánh em của chị.

 

Vào những năm từ 48 đến 49 hoặc 1950, những trò chơi tuổi dại của chúng tôi thường là đánh bi, đáng khăng hoặc là những cách chơi như trốn tìm v.v... Nhưng khu phố chúng tôi ở, tất cả các môn này đều không có. Hàng ngày, nếu không phải giờ học bài, chúng tôi hay tụ họp, quay quanh một gốc bàng, hoặc ngồi trước hiên nhà ai đó để chia nhau đọc tờ quảng cáo ciné (lúc đó có tên gọi là tờ program). Mỗi đứa chia nhau đi khắp các ngã đường, từ những rạp xa như Lửa Hồng, Philarmonique, Majestic, Đại Nam và gần nhà chúng tôi là Ciné Hànội gần chợ Hôm, ai xin được tờ pro-gram phim mới, là vội về gọi nhau để coi cốt truyện được tóm gọn trên đó.

 

Đọc xong, là lúc bàn tán, có anh vào cửa rạp coi hình, vẫn cứ tưởng là mình đã xem, kể chuyện phim loạn lên một cách rất mạch lạc đáng nể. Tôi cũng lọt vào trong nhóm này, nhất là những loại phim có bắn súng, đánh gươm như Zoro, Les Troi Mousquetairs v.v... Tôi liến thoắng cũng chẳng thua ai; đến đây lại phải nhắc đến một nét rất khác người của Lê. Chưa bao giờ Lê tự đến các rạp để xin cho mình -có lẽ Lê không thích- thế nhưng lần nào tôi hoặc các bạn rủ rê Lê vẫn tham dự, cũng đọc nhưng không mặn mà lắm, và nếu có được hỏi sao không xin được tờ nào Lê trả lời:

 

“Chị tao không cho đi”. Dĩ nhiên điều đặc biệt tôi muốn nói là nếu tôi yêu cầu, thế nào ngày hôm đó Lê cũng mang về một tờ program cho tôi.

 

Bên hông nhà số 9 Triệu Việt Vương là đầu ngõ Tràng An, con hẻm quanh co một đoạn ngắn thì trổ ra phố Huế, nói là ngỏ (hẽm) nhưng thực tế lối đi rộng và cũng có trồng hai ba cây bàng, để có bóng mát. Đầu ngõ Tràng An phía phố Huế, bên kia đường có hiệu sách Vĩnh Tường của con nhà Nguyễn Xuân Tùng (anh này nhỏ hơn tụi tôi vài tuổi) và tầng trên của hiệu sách là nơi cư ngụ của gia đình Nguyên Huy-Nguyễn Huy Tiến, ông này thì lại lớn hơn chúng tôi một hai tuổi, nhưng chúng tôi sợ hãi không dám làm quen, vì thời đó ông ấy ngoài giờ đi học, đã bận chở đào lên Nghi Tàm - Quảng Bá ăn ổi hoặc lên Cổ Ngư ăn bánh tôm. Nhà sách này và Văn Chương Thư Quán ở phố Chợ Đuổi là hai nơi Lê và tôi nhiều khi la cà nửa ngày để đọc sách “khín”. Hai đứa chúng tôi vào nhà sách vòng qua vòng lại, giả vờ hỏi mua cục tẩy, cái ngòi bùt để có cớ đọc sách cho đỡ ngượng. Dường như Định Mệnh đã an bài, thân phận đã được định đoạt từ một cõi nào xa tít cho một đời người mai sau, khi hắn đã là người lớn, suy từ đời riêng Lê Cự Phách và tôi đã diễn ra gần trọn vẹn cho mỗi cá nhân. Những môn học như Toán, Luận, Chính Tả v.v... Bài làm văn của tôi chỉ ở mức trung bình, riêng Lê thì đã ứng nghiệm ngay từ thời thơ ấu, bài luận nào cũng được 8, 9 điểm. Còn nhớ, tôi được thầy giáo cho bài luận về nhà làm (năm lớp nhất): “Em hãy tả lại điều gì làm em cảm động nhất”. Tôi sợ điếng hồn, biết tả cái gì bây giờ, nói lại nỗi lo của mình cho bạn nghe, Lê phán ngay: “Viết về mẹ mày đi.” Ngưng một giây Lê tiếp: “Để tao làm hộ cho”. Quả nhiên, hôm sau tôi đã có bài làm, chỉ việc chép vào tập, Lê tả nỗi vui mừng, xúc động của đứa con khi được mẹ từ tỉnh lẻ lên thăm và đón về thăm nhà. Đứa con đó là tôi. Bài luận ấy tôi được chấm hạng nhất và thày tiên đoán, nếu cứ chịu khó học và cố gắng suy nghĩ để làm bài, rất có thể tôi sẽ là nhà văn sau này. Bây giờ nhớ lại còn ngượng ê cả mặt. Vì tôi đến hết kiếp này vẫn chẳng trở thành nhà văn được.

 

Ngày qua tháng lại, tôi ở trọ nhà chị đã được 4 năm, sinh hoạt của tôi vẫn cứ đều đặn như tất cả mọi ngày và gần giống với những người cùng trang lứa. Mỗi buổi sáng tôi được một đồng để ăn quà.

 

Ở Hànội có món xôi lạp xưởng tôi thấy ngon chưa từng thấy. Cầm đồng bạc trong tay, tôi ra cửa ngồi đợi, thường thì Lê đã đợi ở đó từ trước, tiếng rao “Lạp xường mà đô mái phàm” (tôi chả hiểu nghĩa của câu này cho đến bây giờ) từ phía cuối phố. Chúng tôi chạy ra lề đường đứng chờ, ông bán xôi đến, một đồng một đĩa xôi trắng muốt, thơm dẻo và năm hay sáu miếng lạp xưởng mỏng như giấy bóng, nhưng cái ngon chính là những giọt magie, lần nào tôi cũng xin thêm vào giọt, đã không được lại còn bị lườm cho mấy cái. Thật là tức.

 

Sướng nhất là những buổi sáng thứ Năm, không phải đi học. Dặn dò tôi vài điều thông lệ, chị K. tôi cùng cháu H. con gái lớn của chị đi chợ Đồng Xuân hay đi chợ Mơ ở Bạch Mai, thế là tôi rủ Lê qua Huyền Trân Công Chúa gọi Tuấn Còm, Khoát, Hiền lác (mắt lé), Hải béo cùng nhau đi một mạch đến nhà Bác Cổ (tức Viện Bảo Tàng) để vui đùa. Chúng tôi xếp hàng vào nhà Bác Cổ để xem những cổ vật lịch sử như Long Xàng của vua Gia Long, chiếc áo giáp của Quang Trung Đại Đế và những khẩu thần công đúc bằng đồng, kế tiếp chúng tôi rủ nhau ra bờ sông Hồng, vào mùa nước cạn trơ lại mấy đụn cát, chỗ tốt cho chúng tôi vùng vẫy, bắn nhau bằng mồm, chỉ tội nghiệp Lê Cự Phách, lẽo đẽo theo bạn không than phiền, không nổi quạu, -vẻ chịu đựng không tham dự nhưng vẫn không bỏ cuộc, đi tới đâu cũng có mặt. Dường như trong suốt cuộc dong chơi Lê chỉ có mặt. Lê không thích quẫy lộn, mà chỉ đứng quan sát. Sở dĩ Lê với tôi thân nhau một phần vì hoàn cảnh sống của chúng tôi hơi giống nhau. Tôi xa cả cha lẫn mẹ.

 

Riêng Lê, tôi không được gặp cha Lê lần nào, có lẽ người cũng làm xa ở Hànội, hoặc vì còn quá nhỏ để tôi nhận ra sự thật (tôi xin lỗi bạn tôi: Du Tử Lê nếu có điều xúc phạm ở đây). Mẹ của Lê, cụ cũng thường đi vắng cả ngày. Lẽ ra chúng tôi được quanh quẩn bên mẹ và có thể cả nhõng nhẽo nữa, nhưng điều này hơi ít với chúng tôi nên cả hai đứa cùng thích rủ nhau đi lang thang đây đó trên phố phường Hànội với hai hàng cây bàng, cây sấu bóng mát, cứ thế hai đứa chúng tôi chiều theo ý thích của nhau. Tôi còn nhớ Lê chỉ thích, những lúc rảnh là vào đền Ngọc Sơn, đi ra phía sau nơi gọi là Trấn Ba Đình để ngồi im hàng giờ nhìn ra mặt hồ, ngoài ra Lê cũng hay rủ tôi đi dọc theo phố Nguyễn Du, từ cửa Trường Thiếu Sinh Quân mải miết về phía hồ Ha-Le hai đứa vào chùa Long Vân để nhìn ngắm nơi này chỗ kia. Và, lần nào cũng vậy, tôi chưa bao giờ bỏ lỡ dịp may, lợi dụng lúc này để xuống hồ bơi lội. Tắm hồ là nỗi đam mê của tôi thuở nhỏ, đã có lần đang bì bõm lội, tôi bị mấy ông nhóc đánh giày ở Trần Nhân Tôn dìm gần chết. Lại thêm một điều lạ nữa, dù tôi rủ rê, mời mọc hay cách gì Lê cũng nhất định không chịu xuống bơi chung với tôi, dù một lần. Mãi ba chục năm sau tôi mới phát giác ra cậu Lê không biết bơi. Nhiều lúc ngồi trên bờ đợi lâu quá, Lê gọi tôi: KH. ơi khéo không lại bị chuột rúc đấy, hoặc “KH. ơi, thôi lên đi trên này gió rét rồi đấy”.

 

Kỷ niệm về tuổi thơ Hànội thì nhiều nhưng không phải là những sự kiện to lớn, hoàn toàn là những ngày, những giờ chúng tôi cùng chung nhau một trò chơi, một thói quen, một sở thích rất thơ dại.

 

Thế nhưng con đường một chiều ấy trôi hút mất hút vào hư không, để lúc nhìn lại thì chỉ còn là những bóng hình, lúc rực rỡ như bình minh, lúc thì u uẩn như chiều đông. Lê Cự Phách và tôi cùng trú ngụ chung một địa chỉ, cùng được nâng niu, thương yêu của mẹ, của những người thân và cùng trải dài những tháng năm ấu thơ của mình trên những con phố, thậm chí chia cho nhau từ miếng xôi lạp xường, khúc “Khán chế sủi ê” hoặc cục kẹo nougat ngọt bùi.

 

Tình thân bằng hữu thâm giao của tôi và Lê Cự Phách khởi đi từ những ngày cuối năm 1948 ở số 9 Triệu Việt Vương Hànội đến nay, đã được 52 năm, con số khá dài của một đời người, dù rằng kể từ tháng 10/1954. Cha mẹ dắt tôi lại một lần nữa bỏ Hànội, bỏ quê hương di cư vào Nam theo tinh thần hiệp định Geneve -vào Nha Trang- Lê và tôi cứ nghĩ là chúng tôi sẽ chẳng bao giờ còn gặp, và là bạn bè với nhau nữa, vì Lê có di cư hay ở lại Hànội lúc đó làm sao tôi biết được. Thật lòng, những ngày tháng ở Nha Trang, vì lo học hành (tôi đã xin được vào học tại trường Trung học Võ Tánh) ngày một lớn, nên bố tôi kiểm soát gắt gao hơn, thêm vào đó là sống với thành phố có biển, có núi, có nhiều cảnh lạ, bạn mới rủ rê, thế là tôi lại mặc tình dong chơi vào ngày nghỉ hè. Và, đã có lúc tôi quên mất người bạn thuở nhỏ Hanoi của tôi. Có còn chăng là những lần trốn học (chuyện trốn học với tôi là bình thường và thích thú) đi lang thang nơi bãi biển vắng tanh, nhất là những ngày biển động, bãi ít người, tôi ra ngồi trên cát để ngó mông về chân mây xám, đục để nhớ lại tuổi mình. Lúc đó, tôi nhớ Lê đến thảm thiết, nhớ người bạn còm cõi, tư lự và chịu đựng. Nỗi nhớ ngút ngàn trong tôi và tôi khấn thầm, ước ao sẽ được tụ họp đầy đủ những bằng hữu Hanoi ấu thơ như Lê, Tuấn còm, Hải béo, Khoát v.v... để vui chơi như ngày tháng cũ...

 

Thay Lời Chấm Hết.

 

Bạn tôi, ông Du Tử Lê

Cuối cùng thì chúng ta: Lê Cự Phách hay Du Tử Lê, nhà thơ lớn, một nguồn hãnh diện cho nền văn học, cho bạn bè, đã gặp lại nhau. Tôi và bạn ta vẫn quanh quẩn bên tình thân hữu và ông vẫn có nguyên dáng vẻ của sự chịu đựng, nhường nhịn như ngày xưa, Hanoi.

 

Sau một thời gian học ở Võ Tánh, bố tôi lại quyết định cho tôi vào Saigon để học, vì ở Nha Trang, tôi ngồi tại bãi biển nhiều hơn trong lớp. Vào Saigon được vài tháng, lớ quớ thế nào, tôi lại “tó” được ông -Du Tử Lê nơi nhà bạn tôi- Hoàng Đình Tập. Chúng ta lại có nhóm bạn mới, tuy nhiên, lúc này đã là Cậu cả rồi, đang học Trung học cả. Những cái tên Đào Quý Châu, Hoàng Đình Tập, Nguyễn Ngọc Chấn v.v... thay cho những cái tên bạn cũ -đã thất lạc. Và, điều tôi chẳng dè, hay chẳng bao giờ nghĩ được rằng tôi sẽ có một người bạn thi sĩ nổi danh: Lê Cự Phách – Du Tử Lê. Người bạn nhỏ mà chị Tâm đã dặn dò:

 

“Em bênh nó nhé, đừng để nó bị bắt nạt, Phách nó yếu lắm”.

 

Bạn tôi, Du Tử Lê.

Hẳn bạn còn nhớ, một lần có bốn đứa: Hoàng Đình Tập, Đào Quý Châu, Lê Cự Phách và tôi, tại Café La Pagode, Saigon, sau khi tôi “đấu” về một chuyến hành quân, đụng độ khá nặng tại Rừng Tây Ninh, con nhà Tập khen tôi là “thằng Đ. (tôi cũng đã được đổi tên mới) có trí nhớ tốt thật, cái gì nó cũng nhớ, kể lại rành mạch như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua, tao chịu thua”. Tôi khoái chí, phổng mũi buột miệng: “Những chuyện vài chục năm tao cũng còn nhớ, như chuyện của tao và con nhà Lê ở Hanoi, tao bắt nạt nó thế nào, còn nhớ hết”. Hoàng Đình Tập vồ ngay lấy: “Mày nói cho anh em nghe đi, tao với nó học chung từ Đệ Thất đến bây giờ mà nó dấu đời tư ghê lắm, mày phanh phui sự thật ra đi”.

 

Tập nó chết đã ba mươi hai năm. Trong đám tụi mình: Tôi, Đào Quý Châu, Hoàng Đình Tập, Nguyễn Ngọc Chấn đều đã mặc chung bộ quân phục, đội mũ nâu của binh chủng Biệt Động Quân ra trận, có đứa nào chết đâu, một mình Hoàng Đình Tập xé lẻ -bỏ anh em- nó chết trong lúc đang chỉ huy một Trung đội BĐQ xung phong tái chiếm lại ngôi nhà thờ do VC chiếm đóng tại vùng Bình An, quận 7 Saigon năm Mậu Thân 1968. Nó ra đi trước sự sững sờ, chết lặng của tôi. Bạn nó, cấp chỉ huy của nó. Trái B40 đã giúp nó cơ hội, rẽ hàng bỏ anh em lại, đi một mình. Tập chết đã ba mươi hai năm, nhanh thế đấy, và, lời hứa với nó tôi cứ lần lữa qua ngày, đến nay vẫn chưa làm được, cũng bởi nguyên do mâu thuẫn: nửa muốn khai thật, khai hết về đời tư của bạn ta ở Hanoi, nhưng nửa kia, lại muốn cất giữ riêng trong ngăn kéo tâm hồn, để dành làm vốn.

 

Tháng Giêng/2000 vừa qua, nhân ngày giỗ của Tập, chúng mình nhắc lại những ngày tháng nó còn sống, cùng với tôi xách súng lên mặt trận. Đạn nổ như giã gạo trên đầu, vẫn nghênh ngang, cười cười, ngậm cái pipe (tẩu thuốc lá) Dunhill nhả khói. Tôi chợt nhớ đến lời yêu cầu của bạn mình. Trước sau cũng phải trả nợ một lần cho xong. Không còn cơ hội để nói trực tiếp cho nó nghe về câu chuyện ấu thơ của bạn tôi, và tôi dong chơi phố phường Hà Nội, với Triệu Việt Vương, ngõ Tràng An, Huyền Trân Công Chúa v.v... Thì đành vậy, tôi viết trên giấy và chúng ta cứ coi như Hoàng Đình Tập đang vừa đọc vừa bập bập cái ống vố nhồi đầy thuốc 79 thơm lừng, nó cùng với chúng mình dắt nhau về thăm lại khu vườn tuổi nhỏ thần tiên -Hà Nội- Du Tử Lê há.

 

Chấm hết ở đây nhé bạn tôi, yêu dấu!

Nguyễn Thế Đỉnh

(Tháng một năm hai ngàn).

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 2015(Xem: 9252)
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 8637)
14 Tháng Sáu 2015(Xem: 6021)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17100)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12306)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19039)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9209)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8385)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 660)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1040)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1213)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22508)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14048)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19222)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7931)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8856)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8523)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11104)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30759)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20841)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25553)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22938)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21775)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19829)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18081)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19291)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16950)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16136)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24544)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31997)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34954)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,