Giờ "Điểm Danh" Cuối Cùng, Của Những Cậu Học Trò Trên... 60 Tuổi!!!

20 Tháng Bảy 202212:00 SA(Xem: 5750)
Giờ "Điểm Danh" Cuối Cùng, Của Những Cậu Học Trò Trên... 60 Tuổi!!!


Tháng Bảy. Miền nam California đang trải qua những ngày nắng căng, nứt thịt da. Thời gian này, cũng là thời gian tôi đang trải qua những ngày chemo-therapy cháy nám không chỉ da mặt, (mà,) còn luôn cả phần thịt dưới mười đầu ngón tay.

Thời gian này, cũng là thời gian tôi thoi thóp, chấp chới giữa hai bờ sinh/ tử. Bác sĩ nói, diễn tiến chứng bệnh ung thư của tôi, đang đi lần về phía ánh sáng. Những người thân nói, tôi không thể may mắn hơn, khi nhận được ơn phước từ đấng thiêng liêng. Ngài vớt tôi từ đáy vực nan y bệnh hoạn.

Lần nào, khi nghe, tôi cũng mỉm cười. Tôi cũng thấy vậy. Nhưng cũng chỉ riêng tôi, tự biết, những lúc một mình, tại sao tôi vẫn chảy nước mắt!

Tháng Bảy. Miền nam California đang căng rách thịt, da chống trả những trận cháy rừng hung hãn và, cơn sốt World Cup đã rút đi; như những đợt sóng thần hân hoan  thất vọng xa, lìa bờ cát. Thay vào đó là thiên tai, khủng bố và, chiến tranh đang đe dọa trở lại Trung Đông. Khi Do Thái cùng lúc, mở hai mặt trận ở Haza Strip, Palestine và Beirut, Lebanon; chỉ vì ba người lính của họ, bị dân quân hai nước này bắt cóc.

Một thống kê không chính thức cho rằng, mỗi ngày, thế giới có ít nhất vài ngàn người chết vì thiên tai, chiến tranh, tai nạn, đói kém và, bạo bệnh.

Tôi hiểu mọi đau đớn gây nên bởi chết chóc, đều không gì có thể thay thế. Tôi cũng hiểu, những mất mát gây nên bởi chia lìa tức tưởi, đôi khi còn đau đớn, tệ hại hơn cả chết chóc nữa!

Tháng Bảy. Miền nam California thu mình, thấp thỏm trước sự rình rập của những vụ khủng bố; một trận động đất lớn, có thể xắn quá nửa diện tích quận hạt Los Angeles tặng không cho Thái Bình Dương... Cùng lúc, nam California, cũng nghe ngóng, lắng chờ một cơn mưa lớn, sau hàng chục vụ cháy rừng với nhiều ngàn mẫu rừng phút chốc tro, than (và,) Thống Đốc tiểu California đã phải ban bố tình trạng khấn cấp ở những khu vực này.

Đó cũng là thời gian tôi lắng nghe mỗi phút, giây, những giọt nước mắt lặng lẽ, chảy, những lúc một mình, giữa bề bộn gối, chăn. Những giây phút một mình, với hồi quang ký ức. Những giây phút một mình, tôi nhai lại. Tôi gậm nhấm. Tôi hít thở từng kỷ niệm, từng sự việc, từng nơi chốn...

Có những sự kiện những tưởng đã qua đi, như sự quá vãng của một con người; nay, không những chúng trở lại (mà;) còn hăm hở sinh động, dữ dội đứng lên, như sự hồi tỉnh của một người đã chết, đòi lại những ngày, tháng bị chôn sống...

Tôi muốn nhắc tới chuyện gia đình đổ vỡ của bạn tôi, Nguyễn Quang Minh(Dê) Những ngày còn trong bệnh viện, mỗi khi Bùi Vĩnh Hưng, Hoàng Sỹ vào thăm, tôi nhớ, tôi luôn hỏi về “tình hình Minh Dê...” - - Như thể mọi biến chuyển đời riêng của Minh, đều ảnh hưởng xa, gần tới tôi. Sự thực, hiển nhiên, không phải thế.

Nhưng dọc theo lộ trình khấp khểnh tai ương, đầm đìa oan, trái kia, mỗi chúng ta đều gặp không ít những “hiển nhiên” không cách gì hiểu nổi!!!

Những ngày nằm bệnh, nhớ bạn, lần đầu tiên, sau gần 7 năm, tôi có dịp đọc lại bài viết “Giờ ra chơi cuối cùng, của những cậu học trò 60 tuổi.” (*)

Tôi viết bài này tháng 12 năm 1998, sau khi tham dự dám cưới của Minh-Liên.

Một đám cưới đặc biệt. Một họp mặt ngậm ngùi của những người bạn học, sống sót, ở quê người, sau 44 năm rách nát thân/ tâm; nhìn, nhận mặt nhau.

Bản chất nhút nhát, rụt rè, khiến tôi rất ngại gặp gỡ, tụ tập... Nhưng tôi không thể không biết ơn đám cưới của Nguyễn Quang Minh. Loại đám cưới, tôi nghĩ, sẽ không thể có lần thứ hai, như vậy.

Vì thế, khi khép lại bài viết ở dạng bán-hồi-ký của mình, tôi đã thậm xưng:

“...Trước khi chia tay, họ còn hân hoan, vô tư đến đau lòng, khi hò hẹn: Sẽ gặp lại nhau, 44 năm nữa...!”

Nếu bảy năm trước đây, khi viết “Giờ ra chơi cuối cùng, của những cậu học trò 60 tuổi,” in ra hơn 10 trang sách, chỉ trong một buổi, với biết bao cuống cuồng hân hoan trẻ dại...(Thì,) hôm nay, sau bảy năm, khi cố gắng trở dậy, ngồi vào bàn viết; để hoàn tất lời hứa viết một bài gì đó, cho bạn tôi, Nguyễn Hữu Khang, lại là một... “khổ nan!” Tôi đâu dè, việc này lại trở thành cực hình, tra tấn tinh thần tôi gần một tháng qua!

Cảm nhận khổ sai, ý thức bất lực trong tôi, không phải vì những tấm lưới sắt giới hạn mang tên ung thư, bủa chụp, vây khổn thể xác, tâm hồn, thần trí tôi, từ nhiều tháng qua. Dù hôm nay, tôi vẫn còn chấp chới sống giữa đôi bờ sinh/ tử. Dù hôm nay, tôi vẫn còn thất thần/ hoảng hốt nổi, chìm giữa nhớ/ quên, mỗi khi ra khỏi những giấc ngủ ngắn. Những giấc ngủ ngắn bất kể đêm/ ngày thường bôi, xóa ác mộng tôi, bằng những giọt nước mắt lặng lẽ... Nhưng tôi biết, sức nặng, sự trì, níu, trói buộc thân/ tâm tôi không phải là những lượng thuốc chống ung thư ngày/ đêm tuôn chảy vào thân thể tôi; hay những tia điện cực tím (?) đánh vào những đầu mối xuất phát chùm rễ ung thư (mà,) tôi nhận được hàng ngày ở phòng điều trị radiation, thành phố Fountain Valley.

Không. Sự bất lực thê thảm, nỗi buồn bã dao đâm, niềm tuyệt vọng đạn xé, bầy hầy tâm hồn, thân xác vì, tôi hiểu:

“Sẽ không bao giờ còn nữa, một giây, phút ra chơi nào, cho những cậu học trò 60 tuổi, như chúng tôi! Còn chăng, với chúng tôi, hôm nay, ngày tới, chỉ là “Giờ điểm danh, cuối cùng!”

Tôi hiểu, tất cả mọi ồn ào chói, gắt niềm vui, tất cả mọi la, hét bể phổi hạnh phúc, khi những người bạn học của tôi, gặp nhau, hôm qua hay ngày mai, chỉ tố cáo một cách ngậm ngùi sự chấm dứt một thời, một đời, chúng tôi, mà thôi.

Tôi hiểu, cách gì, những tấm mặt nạ vụng về, lòe loẹt niềm vui, của những cậu học trò trên 60 tuổi, như chúng tôi, cũng sẽ rớt xuống. Những mặt nạ tênh hênh niềm tuyệt vọng bẽ bàng khi chúng tôi chia tay, trở về chỗ nằm của riêng mình.

Tôi hiểu, cách gì, lực hồi quang thời niên thiếu của những cậu học trò trên 60 tuổi như chúng tôi, dẫu có tự lừa dối mình đến đâu, cũng sẽ nhận ra, khi buổi họp mặt, chấm dứt; lúc cuộc vui kéo lê, đã tàn; trên những ghế, bàn xô lệch, lẫn giữa đống ly, tách, bát, đĩa giấy là nỗi buồn ngổn ngang của mỗi cá nhân, mỗi cảnh đời, đợi chết.

Không biết bao lần, tôi đã đọc được những ngơ ngác, lạc lõng, tuổi già trong mắt Phạm Duy Ánh, Phạm Tuấn Bách, Nguyễn Ích Lân, Nguyễn Đức Thuần, Nguyễn Quang Minh, Ngô Gia Truy, Trịnh Tất Đắc, Trương Minh Triết, Nguyễn Trí Viễn, Vũ Thành An, Trương Trọng Trác, Trịnh Quốc Thông, Ngô Anh Tề, Phạm Hữu Quang, Phạm Văn Ân, Dương Quốc Dân, Nguyễn Trọng Miễn, Đào Quý Châu, Trần Quốc Bá, cùng biết bao bạn khác của tôi... Khi ngọn lửa hăm hở đi tới nơi họ đã đìu hiu hơi ấm - - Khi đâu đó, trong những đôi mắt sụp/ lở nắng, mưa của họ, là những đục lờ chua, xót, ngán ngẩm...

Lòng tôi càng muối xát hơn, khi sực nhớ rằng, một thời, ở một khía nào đó, họ từng là “thần tượng” của tôi. Trong số đó, có người từng ngẩng đầu, hiên ngang nổi trôi cùng mệnh nước. Trong số đó, có người rất gần, cận... Thượng Đế... Nhưng chẳng nhờ vậy, mà họ đuổi, xua được nỗi buồn; trốn thoát giờ “điểm danh cuối cùng,” đã tới...

Không biết bao lần, tôi đã đọc được những chùm bóng tối âm u, lênh đênh trong mắt Ngô Đình Ngân, Phạm Huy Trung, Vương Ngọc Quỳnh, Bùi Vĩnh Hưng, Nguyễn Ngọc Chấn, Hoàng Sỹ, Ngọc Hoài Phương, Nguyễn Thế Toàn, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Đình Hùng, Văn Sơn Trường, Dương Thiệu Toản, Bùi Vi Thiện, Nguyễn Huy Lộc, Dương Quốc Thỉnh, Nguyễn Quang Túc, Nguyễn Huy Yên, Đặng Vũ Thám, Nguyễn Dũng, Trần Quốc Đông, Nguyễn Thọ Chấn, Võ Hùng Anh, Ông Ngọc Bảo, Đào Chí Hồng, Dương Kim Long, cùng biết bao bạn khác, của tôi...trong những họp mặt bất ngờ, hoặc những chiều, tối ngồi với nhau ồn ào hay lặng lẽ ở San Jose, Houston, Dallas, Virginia, Oregon, Oklahoma City, Montreal, Toronto, Sydney, Brisbane, Adelaide, Paris, Frankfurt... (và,) cũng không hiếm, những lần, ở ngay Orange County này...

Lòng tôi cành muối xát hơn, khi sực nhớ rằng, rất nhiều người, trong số họ, từng một thời huy hoắc...

Nhưng, tôi hiểu, cách gì, hôm nay, ngày mai, họ cũng chỉ là những cậu học trò, sau “giờ ra chơi cuối cùng,” đã phải vào lớp, chờ “Điểm danh.” Những lần “Điểm danh,” cũng... “cuối cùng!”

Nếu cách đây bảy năm, khi quá nửa số bàn trong tiệc cưới của Nguyễn Quang Minh (Dê,) bạn tôi, vang dội tiếng “mày/ tao,” tiếng “Đan Mạch” rất hồn nhiên khí thế, bạo liệt trẻ thơ... mang lại cho tôi những đợt sóng kinh hoảng hạnh phúc, mềm sũng hân hoan, chấn động hồi tưởng bao nhiêu (thì,) hôm nay, tôi chỉ chực chảy nước mắt bấy nhiêu; khi Hoàng Sỹ cho biết, Nguyễn Quang Minh (Dê) đã chia tay K. L.

Minh đã lặng lẽ dạt, trôi về Gia Lâm, ngoại ô Hà Nội... Anh đang tìm quên, (hay đang chuẩn bị thắp sáng lại một lần nữa, những bó đuốc lửa ngọn tự tin, than hồng tuổi trẻ, nơi một chái nhà làm thêm, thuộc một căn nhà vốn đã mục nát!)

Với tôi, cách gì, cuối cùng, phần còn lại của đời bạn tôi, cũng chỉ là những ngày, tháng gập ghềnh áo cơm; lom đom nghĩa sống!

Nếu cách đây trên dưới bảy năm, trong bán-hồi-ký “Giờ ra chơi cuối cùng của những cậu học trò 60 tuổi,” tôi ca ngợi, tôi trân trọng K. L. bao nhiêu (thì,) hôm nay tôi cũng ngỡ ngàng chừng nấy; khi Bùi Vĩnh Hưng kể, Trần Tiến Tài ở Saint Louis, Missouri, tình cờ gặp K.L, chồng khác; KL mang bầu, đã gần ngày sinh... Hưng bảo, có thể, vì thế, Minh đã âm thầm hủy bỏ cuộc hẹn với bằng hữu ở miền nam Cali, sau mấy ngày lang thang tìm vợ cũ... Minh đổi vé. Anh bay thẳng về Hà Nội. Anh trở về cái chái nhà ở Gia Lâm, với người bạn gái mới của mình.

Tôi nhớ, khi nghe Hưng kể về K.L., tôi im lặng. Tôi nhớ người bạn chung một sân trường, cùng một lớp học. Tôi hình dung Minh, niên thiếu, thủ môn, Chu Văn An, năm mươi năm, trước.

Cúi xuống ly café Hưng mua cho, tôi chảy nước mắt.

Bây giờ, nhớ lại, buổi sáng với Hưng, tôi nghĩ, có dễ nhiều phần, tôi chảy nước mắt cho tôi (?) Và, cũng có dễ, chỉ riêng mình tôi hiểu, tại sao, tôi, những hạt lệ sắc, lắng, muộn màng, ấy.

Tôi nghĩ, sẽ không một ai biết rằng, ba ngày qua, tôi không chỉ muốn ngưng, mà còn có ý định xóa bỏ hẳn những đoạn tùy bút bạn mới đọc. Việc xóa bỏ một đoạn văn, một bài thơ, thậm chí một truyện ngắn, với tôi, không phải là chuyện hiếm hoi. Nhưng đó không phải là trường hợp này. Trường hợp của “Giờ điểm danh cuối cùng, của những cậu học trò 60 tuổi.” Nó càng không phải là trường hợp này, khi Chủ Nhật, 16 tháng 7 mới đây, tôi còn gọi điện thoại cho Khang Nguyễn, hỏi ngày giờ từ trần của ba bạn học thời niên thiếu: Nguyễn Hữu Định, Tạ Đức Thiện, và Nguyễn Kim Tiền.

Tôi chọn Khang để hỏi vì, năm nay, Khang Nguyễn là trưởng ban tổ chức buổi họp mặt đánh dấu “50 Năm trường xưa, bạn cũ,” của chúng tôi. Tôi chọn Khang để hỏi, vì Khang Nguyễn cũng giữ vai trò chủ biên giai phẩm chủ đề “50 Năm trường xưa, bạn cũ.” Tôi cho Khang biết, tôi đã liên lạc được với chị Huấn/ Trịnh Đình Thắng, cho Khang. Tôi cũng cho Khang biết, bài tôi viết gần xong. Tôi muốn cái bán-hồi-ký của tôi, chấm dứt bằng phần “điểm danh” những bạn học đã đi xa, từ nơi quê người. Tôi cho Khang biết, tôi muốn nhắc đến người còn lại - - Những người đàn bà cắn răng, bấm chân, một mình đi nốt phần đời còn lại - - Với tang chồng, trong lòng. Trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái, trên vai. Nỗ lực gìn giữ chính mình, trong tâm thức.

Tôi bảo Khang, tôi kính trọng vô cùng, các chị Uyên Na/ Nguyễn Hữu Định; Thu Trần/ Tạ Đức Thiện; Thiều Kim/ Nguyễn Kim Tiền...

Tôi bảo Khang, ngày nào họ còn một mình, đi nốt phần đời còn lại, ngày ấy, chúng ta phải công khai bày tỏ lòng ngưỡng mộ, kính trọng họ - - Như chúng ta từng ngưỡng mộ, kính trọng những người mẹ sớm góa bụa của chúng ta, trong quá khứ. Chúng ta phải vinh danh họ, như thể, họ là niềm hãnh diện của chính chúng ta vậy.

Tôi nhớ, tối Chủ Nhật, 16 tháng 7, trong những lần gọi cho Khang Nguyễn, đôi lúc, tôi bị kích động mạnh mẽ bởi những ý tưởng, hình ảnh rạng rỡ về các chị Nguyễn Hữu Định, Tạ Đức Thiện, Nguyễn Kim Tiền, những người phụ nữ sẽ khép lại bài tùy bút của tôi và, từ đó, chính họ, sẽ cho cái tùy bút nhỏ bé này, một hơi thở, một nhịp đập, khác. Tôi nhớ, Khang hào hứng, phấn kích lắm, khi cho tôi tin về cái chết của Đinh Quốc Trực, một bạn học cũ của chúng tôi, từ trần hồi tháng 10 năm 2005, ở Houston, Texas - - Và, chị Thiên Hương/ Đinh Quốc Trực, đã cho Khang hay, chị sẽ từ Houston, bay về Orange County, dự ngày kỷ niệm “50 Năm trường xưa, bạn cũ.”

Tôi cũng nhớ trước một vài đề nghị bất ngờ của tôi, Khang đã tiếp nhận một cách thận trọng. Tỉ như, đề nghị ban tổ chức nên gửi giấy mời (không thu tiền vé) tham dự buổi họp mặt của những người vợ bạn, nay đã thành góa phụ... Khang nói, Khang đồng ý, nhưng sẽ hỏi ý kiến khoảng 20 anh em (mà,) Khang đã mời họ họp vào chiều Chủ Nhật tới, tức Chủ Nhật 23 tháng 7. Khang giải thích, anh sợ các bạn bảo anh chuyên quyền, độc đoán...

Nhắc lại chuyện này, một loại behind the scenes, tôi chỉ muốn cho bạn thấy tư cách của Khang Nguyễn - - Một cựu giáo chức luôn sẵn nụ cười cởi mở, trẻ thơ trên khuôn mặt nhân hậu, với đôi chút rụt rè, lùi ra, cẩn trọng... Tôi hiểu, Khang không bao giờ muốn làm buồn lòng bạn, nhưng không vì thế mà phá, bỏ nguyên tắc.

Trong ghi nhận của tôi, Khang Nguyễn là loại đàn ông, không chỉ gương mẫu trong vai trò một người chồng, một người cha, (mà,) Khang Nguyễn còn là hình ảnh gương mẫu cho chúng tôi - - Bởi đa số chúng tôi, không có được những đức tính Khang có.

Đêm đó, tôi đi ngủ với cảm giác an lành, khi nghĩ rằng, ngày mai Thứ Hai, 17 tháng 7 tôi sẽ gửi tùy bút/ hồi ký này, cho Khang.

Nhưng ngày mai, với tôi, đã là một ngày mai thảm kịch. Một ngày mai thất thần, hoảng loạn!

Bởi vì, vào lúc 4:30 chiều Thứ Hai, 17 tháng 7, tôi được tin Khang Nguyễn đã thình lình “đi xa!!!”

(“Đi xa,” hai chữ này tôi học được từ các bạn tôi, ở Saigòn - - Như Bùi Cung, như Nguyễn Khắc Nhượng, như Sâm Thương... khi họ báo cho tôi biết, sự ra đi vĩnh viễn của Văn Cao, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Kim Tuấn, Tạ Tỵ...)

Tôi thích lắm, hai chữ “đi xa.” Chúng cho tôi cảm tưởng (hay tin tưởng) những người tôi quý, mến chỉ điên khùng nổi máu phiêu lưu, thình lình, bỏ hết mọi thứ, để đi đến một nơi rất xa. Một nơi chốn (mà,) không ai trong chúng ta, (những người còn lại,) có thể hình dung...

Nhưng, bởi đó chỉ là một chuyến “đi xa,” nên cũng chắc chắn, có ngày họ sẽ “trở về.” “Đi” hay “về,” với tôi, trước sau chỉ là hai mặt của một đồng xu đời người ngắn ngủi!)

Hôm nay, lần đầu tiên, tôi chọn hai chữ đó, cho Khang Nguyễn!

Hôm nay, đã ba ngày sau cái giây phút kinh hoảng, ngỡ ngàng, khi T. xô cửa phòng, lạc giọng, báo tin:

“Anh Chấn nói, anh Khang chết rồi!”

Tôi nhớ, tôi vừa trở về từ nơi phòng chạy “radiation.” Tôi nhớ, cùng với Ngô Gia Truy, Trần Việt Chương, Vương Trùng Dương, Hoàng Sỹ, Nguyễn Ngọc Chấn... chúng tôi mới chia tay Khang Nguyễn lúc 1 giờ 30 tại nhà hàng Viễn Đông. Tôi nhớ, Khang Nguyễn còn nhắc tôi gửi bài cho Khang qua địa chỉ e-mail Khang viết trên tấm giấy napkin cho tôi, trước đó ít phút. Tôi nhớ trong bữa trưa, Nguyễn Ngọc Chấn và Khang Nguyễn thay nhau nói về những thành quả đạt được cho ngày họp mặt, chủ đề “50 Năm trường xưa, bạn cũ”õ... Tôi nghe họ hẹn nhau, 4:30 đi đặt vé máy bay trước, cho các thầy cô ở xa. Tôi nghe Chấn nói với Khang, đợi sau buổi họp ngày Chủ Nhật, 23 tháng 7, hãy đi gặp đại diện của các chị B3 để thu tiền hai bàn (mà,) các chị đã đồng ý đặt trước cho ngày họp mặt “50 Năm trường xưa, bạn cũ.” Tôi biết Khang rất hãnh diện với thành quả các chị B3 (gốc Trương Vương, có hai năm học ké với Chu Văn An chúng tôi, ở khu nhà phụ, sau lưng trường Pétrus Ký, 1955,) nhận lời tham dự buổi họp mặt với con số vượt trên mơ ước của Khang. (**)

Kể lại bữa trưa với Khang Nguyễn chỉ vài tiếng trước, tôi muốn nhấn mạnh: Tôi không tin những gì mới được thông báo! Làm sao tôi có thể tin rằng, chỉ ba giờ đồng hồ sau khi chia tay, Khang Nguyễn đã không còn nữa!!! Vì không tin, tôi hỏi lại T.

“Khang nào? Tại sao?...”

Vẫn lạc giọng, T. đáp ngập ngừng... (Dường T. cũng rất muốn không tin nơi tai mình:)

“Anh... Khang Nguyễn!!!”

Giữa lúc ấy, điện thoại lại reo. Hoàng Sỹ gọi:

“Thằng Khang chết rồi! Nó chết rồi...”

Sỹ khóc. Giọng nghẹn, uất. Cái nghẹn, uất mang ý nghĩa phản kháng một cách tuyệt vọng, của bạn tôi, người cựu tù nhân cải tạo, trên 60 tuổi; khiến tôi hiểu lập tức, sự thật. Nhưng, có thể cũng như Sỹ, cũng như những người bạn khác, khi hay tin “Khang Nguyễn chết,” tôi vẫn muốn từ chối tiếp nhận sự thật; bằng những câu hỏi, không còn cần thiết nữa, khi một người đã thực sự “đi xa.” Câu hỏi hoặc chất vấn nào, có đanh thép, hữu lý tới đâu, gửi cho thượng đế (thì,) ngài cũng sẽ như chúng ta, ngao ngán, lắc đầu, tự hỏi: tại sao, điều ấy!

Sỹ vẫn khóc. Nghẹn, uất. Cái nghẹn, uất của Sỹ cho tôi liên tưởng tới hình ảnh một đứa nhỏ, nổi điên, muốn đốt nhà, giết người... khi thình lình định mệnh giựt người thân yêu nhất của nó, khỏi tầm... Tôi hiểu, Sỹ không thể đau đớn, hoảng, loạn hơn:

“Nó chết rồi. Cách đây hơn tiếng. Ở nhà nó. Ở hồ bơi. Nó chết rồi! Ở nhà nó...”

Tôi nghĩ, nếu không chặn Sỹ lại, bằng những câu hỏi khác, (thì,) không biết bao lâu, Sỹ mới ngưng cái điệp khúc mê sảng: Nó chết rồi. Ở nhà nó. Ở hồ bơi...

Nửa tiếng sau, tôi và T. có mặt trước căn nhà số 10394 đường Morning Glory, Fountain Valley. Ngôi nhà nhiều lần tôi đã tới. Ngôi nhà nhiều lần quây quần với bạn hữu, tôi được anh, chị Khang Nguyễn xúc cho từng miếng xôi, ép ăn một miếng chả. Căn nhà, gần đây, đôi lần, tôi ngồi, vừa nhâm nhi ly cà phê do chị Kim Huệ/ Nguyễn Hữu Khang pha cho, vừa theo dõi những ván xập xám của các bạn...

Ngôi nhà quen thuộc ấy, khi chúng tôi đến, một số bạn như Triết, Chấn, Sỹ, Chương, Hòa... đã có mặt. Tôi hấp tấp hỏi các bạn “Khang đâu (?)” Bạn tôi đáp, “còn ở ngoài hồ!”.

“...Nhưng có tới hai sĩ quan cảnh sát canh xác. Họ không cho một ai, dù là vợ, con nạn nhân được tới gần cái xác chết. ‘Án binh bất động’ này, sẽ chỉ được giải tỏa sau khi nhân viên giảo nghiệm tử thi của chính phủ đến giảo nghiệm, cho phép cơ quan hữu trách di chuyển xác nạn nhân về trung tâm giảo nghiệm của quận hạt - - Nơi đây các chuyên viên giảo nghiệm sẽ làm việc, nhanh nhất là 24 tiếng đồng hồ... Nếu họ không tìm thấy một dấu hiệu đáng nghi ngờ nào, thì sau đó, nhân viên của nhà quàn liên hệ, sẽ được thông báo, chở xác về trình tẩm, liệm... Tất nhiên, gia đình nạn nhân cũng sẽ được thông báo, sớm nhất...” Một người bạn nào đó, dường như Chấn, giải thích.

Từ bên này tấm kính lớn ngăn cách phòng sinh hoạt gia đình và sân sau, nơi cái hồ tắm oan nghiệt chiếm gần hết diện tích chiếc sân; tôi, T. và Chương dán mắt, cố gắng kiếm tìm một chút gì liên quan tới thi thể Khang... Tôi không phát hiện được điều gì, ngoài tấm nylon màu vàng, nhỏ, phủ kín thân thể bạn tôi.

Chương tinh mắt hơn, khi chỉ cho tôi thấy hai cánh tay Khang Nguyễn thò ra, tênh hênh ngoài miếng nylon, như hai khúc gỗ nâu sậm - - Nếu một trong hai cánh tay, không nổi lên một đường gân, như vết cắt bầm, tím, dọc thớ thịt, (thì,) chưa chắc Chương đã nhận biết.

T. cũng khá hơn tôi, khi nhận ra đầu Khang Nguyễn trên nền xi măng và, lớp tóc đen sau gáy, rơi xuống nền gạch, hờ hững, xơ, cứng, như thể đó là một mớ râu bắp, hay những sợi rác cỏ, cây chứ không phải là tóc người.

T. chua xót, bất mãn đòi yêu cầu cảnh sát chí ít, cũng phải đặt Khang Nguyễn trên một băng ca, băng ghế hay, một tấm nệm mỏng... Nhưng, ai là người có thẩm quyền đáp ứng, giải quyết yêu cầu của T., lúc này?

Nhiệm vụ của những người cảnh sát, cả nam lẫn nữ, từ lúc được phái tới, là bảo vệ tối đa, sự nguyên vẹn hiện trường. Thậm chí họ còn không cho thân nhân được giữ chiếc Cell-phone của Khang. Họ cần kiểm soát tất cả những cú điện thoại gọi tới và gọi đi của Khang Nguyễn, trong mấy ngày qua... Không chịu nổi hình ảnh Khang bị bỏ nằm trên nền xi măng, như một con cá đợi xẻ thịt, tôi bỏ đi, trở lại sân trước.

Khi đó, dù đã gần 8 giờ tối, nhưng trời còn sáng. Mỗi lúc một có thêm những người bạn hay tin, hớt hơ, hớt hải tìm đến. Riêng tôi, bị một số bạn (điển hình như Triết và Chấn,) quyết liệt bắt tôi đi về.

Tôi nghĩ, họ không muốn ngay lúc này, có thêm một người bạn học khác của họ (là tôi,) “đi xa!”

Hôm nay, đã bốn ngày sau chuyến “đi xa” bất ngờ của Khang; tôi không ghi nhận được điều gì khác hơn ngoài chuyện Chủ Nhật 23 tháng 7 tới đây, thay vì là ngày họp của ban tổ chức theo sắp xếp của Khang, (thì,) nghiệt ngã thay, định mệnh lại biến ngày đó, thành ngày chúng tôi tới nhà quàn, nhìn mặt Khang lần cuối!!!!

Hôm nay, đã bốn ngày, sau cái chết của Khang, thay vì xóa bỏ cái tùy bút/ hồi ký này, nghe lời T., tôi ngồi vào bàn máy. Ngồi vào bàn máy, nhưng tôi không biết phải tiếp tục bài viết của mình thế nào, ra sao?!? Tôi nghiệm thấy chữ, nghĩa, rất thường khi trở thành trơ trẽn, dị hợm trước tiếng cười nhạo báng, thớ lợ của phần số. Tôi nghiệm thấy, chữ, nghĩa, trước những chia, lìa tức tưởi, rất thường khi, trở thành những tên hề trâng tráo, bất nhân, vô sỉ...

Hiểu như vậy, cảm nghiệm được điều ấy, tôi thấy, nếu tôi phải nói với chị Kim Huệ/ Nguyễn Hữu Khang một điều gì, trong lúc này thì đó sẽ là:

Thưa chị Kim Huệ/ Nguyễn Hữu Khang, tôi hiểu rằng, bất cứ một lời an ủi ý nghĩa, hay ho, tốt đẹp nào, trong lúc này, cũng sẽ chỉ là những lời vô nghĩa, thậm chí giả dối... trước sự mất mát, trước nỗi đau vượt xa, quá xa sức chịu đựng của một con người.

Tôi cũng biết, những ngày tới, cách gì, ngôi nhà ở đường Morning Glory của chị và các cháu, cũng sẽ thưa thớt dần, thăm viếng. Điều đó cũng đã từng xẩy ra với ngôi nhà ở đường Midwood Lane, Anaheim của chị Uyên Na - - Ngôi nhà ở đường Ramone, Santa Ana, của chị Thu Trần - - Ngôi nhà ở đường Potomac, Irvine của chị Thiều Kim - - Hay ngôi nhà ở đường Memorial Dr., ở Houston, của chị Thiên Hương...Khi các anh Nguyễn Hữu Định, Tạ Đức Thiện, Nguyễn Kim Tiền, Đinh Quốc Trực vĩnh viễn không còn nữa.

Sự cay nghiệt của đời sống, tính bất nhân của vật chất, sự tởm lợm (phải gượng nuốt xuống) của thực tế... khiến bằng hữu (luôn cả bà con, anh em, họ hàng,) không thể tiếp tục viếng thăm chị và các cháu, như những ngày anh Khang mới “đi xa.” Nhưng sự thưa vắng những lui tới kia, theo tôi, không có nghĩa mọi người đã quên anh, quên chị.

Không. Tôi biết rõ như vậy. Không phải đâu, thưa chị Kim Huệ. Bởi vì, cũng như các anh Định, Thiện, Tiền, Trực..., anh Khang với nụ cười trẻ thơ, nhân hậu, anh Khang với nhân cách gương sáng như vậy, sẽ không chỉ sống mãi trong chị và, các cháu (mà,) anh ấy cũng sẽ sống mãi trong chúng tôi... Tới ngày chúng tôi cũng sẽ lần lượt theo anh, đi xa. Và, chị, ngay chị, thưa chị Kim Huệ, rồi chị cũng sẽ “đi xa.” Lẽ vô thường vạn vật.

Riêng Chủ Nhật này, khi đến viếng thăm anh lần chót, ở Peek Family Murtuary, sau khi thắp cho anh nén nhang, trước khi ra về, (dù cho định mệnh có ném vào mặt tôi chuỗi cười thớ lợ nhạo báng thì,) tôi cũng vẫn xin được nói với chị rằng:

“Thưa chị Kim Huệ, chị hãy hãnh diện, có một người chồng, như Nguyễn Hữu Khang. Bởi vì, tập thể của chúng ta nơi quê người, không có nhiều lắm đâu, những con người, những nhân cách, như Khang Nguyễn.”

(July 20-06.)

_____
(*) Đọc “Tôi, ấu thơ và, mẹ,” HT Productions, California, USA, ấn hành, Tháng Hai, 2000; nhà sách Văn Nghệ tổng phát hành.
(**) Nhà thơ Ngọc Hoài Phương cho biết, lớp B3 (nữ sinh Trưng Vương) sau hai năm Thất, Lục, học nhờ Chu Văn An, tới năm đệ Ngũ, được đưa về trường Gia Long và; trở thành nữ sinh Gia Long từ đó.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 6123)
Dù muốn hay không, Phở Xe Lửa từ nhiều chục năm qua, cũng đã là một nơi chốn tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực của người Việt ở quê người
26 Tháng Mười Hai 201512:00 SA(Xem: 3457)
Từ trên cao nhìn xuống, con sông Columbia River chẻ thành phố thành hai phần không đều. Bên cát bồi, nước lấp xấp, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trờ
01 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 5129)
Cũng dễ đã năm, sáu tháng, tôi không còn cầm bút để viết bất cứ một điều gì xẩy ra trong, hay chung quanh, đời sống tôi
19 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 3697)
Cuối cùng, chiếc phi cơ cất cánh từ phi trường Los Angeles vào lúc một giờ khuya phải đục trần mây, chúi mũi, lao xuống, sau khi đã nhiều lần. chao cánh
15 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 3843)
Tôi tin, ở cõi khác, Thầy Tuyến của tôi, sẽ đọc được những dòng chữ này.
09 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 6119)
Nếu không bị lưu lạc quê người, liệu tôi có cột buộc nỗi buồn mình vào chân ngựa, để chúng phải chia xớt với tôi, phần nào mối bất hạnh của kẻ bị ném văng khỏi tổ quốc
23 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 4750)
Tôi biết, tôi có phần nào đường đột khi gửi lá thư này, tới chị. Dù cho lá thư được viết, bằng vào sự nhân danh những người bạn của anh Yên
28 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 4627)
“Thưa chị, kẻ nào rồi cũng chết. Như chắc chắn mỗi chúng ta sẽ có được cho mình một chỗ nằm yên ổn. Khác nhau chăng, chúng ta đã sống thế nào, ra sao, trong đời sống?
02 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 4227)
Đã lâu, tôi không còn bữa cơm chiều. Hai tuần nay, khi sửa soạn để rời bỏ căn nhà, nơi tôi đã có gần mười năm sống với; các con tôi đã phải tự tìm lấy cho chúng một nơi chốn.
06 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 4967)
‘Em’ đi bình an. Bố mừng em sớm trả dứt nghiệp. Bố tin khi em trả xong những ác nghiệp khiến em bị đọa vào hàng súc sinh. Em sẽ trở lại kiếp người, nếu không được làm kiếp chim, (như bố hằng cầu nguyện, mơ ước cho chính mình)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17028)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12249)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18974)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9164)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8321)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 600)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 972)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1156)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13984)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19171)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7885)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8806)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8495)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11053)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30705)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20812)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25500)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21723)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19779)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18048)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19247)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16110)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24494)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31944)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34931)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,