Pleiku, Những Điều Đọng Lại Trong Ký Ức

22 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 8039)
Pleiku, Những Điều Đọng Lại Trong Ký Ức

Với tôi, mỗi thành phố hay nơi chốn, tự thân đều có cho riêng nó một nhan sắc. Có những thành phố tưởng như lộng lẫy, khi ta đến, thậm chí ở lại, mới nhận ra, nó chẳng lưu lại điều gì trong ta, trừ sự nhạt nhẽo, trơn tuột! Ngược lại, cũng có những thành phố, nơi chốn thoạt nghe, tưởng là nơi lưu đầy những kẻ kém may mắn. Nhưng khi tìm đến, ở lại, ta mới thấy tự thân là một nhan sắc đằm thắm. Kín đáo. Những yếu tố làm thành giá trị dài lâu, không cần tới dao, kéo…



dtltruocbotulenhpleiku-1967
Từ trái qua: Ngọc Hoài Phương, Du Tử Lê, Dương Vy Long, Nguyễn Trọng Nho
(Trước Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, Pleiku 1967)

Pleiku, với tôi, chính là thành phố tự thân, có được cho riêng nó, cái nhan sắc đằm thắm. Kín đáo ấy. Mặc dù dư luận hay thành kiến, từng ghi nhận đó là nơi lưu đầy của những người kém may mắn.

Nếu trí nhớ không phỉnh gạt tôi thì, Pleiku đã rất mau chóng, trở thành tình yêu của tôi, ngay từ giữa thập niên (19)60, lúc tôi nhận sự vụ lệnh đầu tiên, đến nơi đó, làm phóng sự…

Khi chiếc máy bay quân sự đảo một vòng, trước khi đáp xuống phi trường Cù Hanh, với phi đạo là những vỉ sắt dầy, nối tiếp nhau như tấm vải bạt lớn, hẹp chiều ngang, để chiều dài trở thành hút mắt - - Pleiku dưới cánh, với tôi, là thành phố của những khu dân cư, cơ sở quân sự… Như những tấm bìa cứng, đã lam nham nhiều mầu ố, xỉn, chúng còn bị bàn tay vụng về nào đó cắt nát, vung vãi, nhấp nhô giữa trùng điệp núi, rừng. Tựa một ốc đảo biệt lập giữa biển xanh.

Hơi lạnh đập vào mặt tôi, như cái tát tận tình của cao nguyên dành cho tôi, ngay lúc ra mắt. Tôi lóng cóng lên xe, nói người tài xế, cho tôi về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, khối Chiến Tranh Chính Trị (CTCT). Nơi tôi phải trình diện để xin trợ giúp phương tiện, trong hai tuần công tác.

Trời chiều. Trên đường, qua tấm nylon trong của chiếc jeep, với những giải sương sữa đục, ngừng trôi trên những thảm hoa vàng, dưới thấp, người tài xế giải thích, đó là hoa quỳ. Tôi đáp, tôi có nghe. Vào “thực địa” tôi mới thấy rõ, thành phố có một nhan sắc đằm thắm, kín đáo này, như một thú vương quốc của hoa quỳ. Ngay hoa hướng dương, dù có to như những chiếc mâm vàng thu nhỏ (vào mùa hè), cũng không tranh được vị trí tiêu biểu của hoa quỳ, giữa Pleiku.

.

Trưởng khối CTCT khi ấy là nhà thơ Diên Nghị, tác giả thi phẩm “Xác Lá Rừng Thu.” Ông lịch sự, tỏ dấu rất tiếc khối CTCT của ông, không giúp được gì nhiều cho tôi! Lý do, phương tiện của khối quá eo hẹp. Ông chỉ có thể cấp cho tôi một căn phòng trong khu vãng lai sĩ quan mà thôi.

Lần đầu đi công tác ngoài Saigon, tôi không khỏi ngỡ ngàng! May cho tôi, lúc đó, nhà thơ Kim Tuấn, nhân viên của khối CTCT từ câu lạc bộ trở về. Bạn tôi nói với nhà thơ Diên Nghị, cho anh “lãnh” tôi về ở nhà anh, cho tiện.



kim_tuan_2-content-content

Tối đó, Kim Tuấn tôi rủ tôi đi dự buổi đọc thơ của nhà thơ bạn anh.

Nơi diễn ra buổi đọc thơ là tầng lầu một quán café khu chợ Nhỏ, gần rạp Diệp Kính. Ở đây, lần đầu tiên tôi gặp Từ Công Phụng. Tiếng là gặp, thực ra chúng tôi không hề chào hỏi, hay trò chuyện với nhau.

Sau này, khi thân thiết, Phụng kể, tối đó, một người bạn cùng bàn với Phụng, chỉ tay qua bàn tôi, bảo, đó là DTL. Và Phụng quả quyết:

“Hồi đó, nó nhìn tôi hầm hầm như muốn gây chuyện… Nó quên rằng, nếu đánh nhau, chắc chắn trăm phần trăm là tôi sẽ ăn nó…”

Mỗi khi cao hứng, bạn tôi lại đem chuyện này ra kể.

Để giải quyết phương tiện di chuyển cho tôi, hôm sau, Kim Tuấn đưa tôi tới thăm Thiếu Tá Hòa, tức nhà thơ Anh Hoa. Ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 20 / CTCT. Tôi kể với Kim Tuấn, tôi có nghe tên Anh Hoa. Tôi cũng có đọc loáng thoáng đâu đó, một vài bài lục bát Anh Hoa.

Như tin tưởng của tác giả “Anh Cho Em Mùa Xuân,” nhà thơ Anh Hoa tiếp chúng tôi như đã thân quen từ nhiều năm tháng trước. Tại văn phòng của tác giả “Thơ Anh Hoa,” tôi còn được giới thiệu với họa sĩ Nguyễn Thuyên cùng một vài nghệ sĩ khác…

Cũng từ Kim Tuấn, Pleiku cho tôi tình thân nhậm lẹ với nhà thơ Vũ Hoàng. Những lúc Kim Tuấn kẹt công việc, Vũ Hoàng là người hướng dẫn tôi “khám phá” Pleiku. Anh cho tôi đi thăm Hàm Rồng, Biển Hồ. Uống café trong chòi lá khu du lịch Phú Thọ. Những sớm mai, khi Pleiku chưa cựa mình trong bao kén sương mù, Hoàng và tôi đã lách mình qua tấm liếp café Dinh Điền. Cùng đôi ba khách sớm, hầu hết là quân nhân, chúng tôi uống những ly café nóng hổi, bên bếp lửa và, ngọn đèn măng-xông lớn.



pleiku_01-content
Từ trái qua: Hạ Quốc Huy (4) Phạm Duy (5) Lê Uyên (9) Lê Uyên Phương (10) Du Tử Lê (11)

Trước khi rời Pleiku, những ngày cuối cùng, tôi về nhà Vũ Hoàng. Căn nhà nhỏ, lụp xụp trong một khu gia binh. Ban đêm, thình lình thức giấc, cùng với tiếng súng đại bác, câu vào đêm đen, thản hoặc tôi còn nghe được tiếng đập cánh nặng nề của những con chim đêm. Hay tiếng hú hư ảo của một con sói hoang, đâu đó vọng về…

Ngày chia tay “nhan sắc đằm thắm. Kín đáo” này, tôi tự hứa, sẽ trở lại.

Không biết từ lúc nào, sau chuyến đi thứ nhất, tôi trở thành người đầu tiên bị / được chỉ định đi Pleiku, mỗi khi nơi này có nhu cầu cần một phóng viên. Sự lui tới nhiều lần, tựa những thuận duyên, nảy sinh trong tôi, tình yêu Pleiku. Tình yêu dành cho một nơi chốn, tự thân là nhan sắc đằm thắm. Kín đáo. Những yếu tố làm thành giá trị dài lâu, không cần tới dao, kéo…

.

Tháng sáu, 1970, Vũ Hoàng điện thoại mời tôi tham dự và cùng với ông Tỉnh trưởng Pleiku, phát giải thưởng cho những học sinh xuất sắc trường Nguyễn Viết Quỳ.

Buổi sáng, ra xe để được đưa tới trường Nguyễn Viết Quỳ, tôi thấy nơi băng ghế sau, ngồi sẵn một thiếu nữ. Hoàng ân cần giới thiệu cô giáo TN, nhân vật chính phụ trách việc tổ chức lễ phát thưởng với tôi.

Chẳng biết Hoàng có bị bất ngờ không (?) khi N. nói, nhiều học trò của N. chọn mấy truyện viết cho tuổi thơ của tôi, làm trần thuyết trong lớp.

TN. bảo:

“Nhờ mấy cuốn truyện do Mây Hồng xuất bản mà, tôi được biết ông, trước khi gặp ông hôm nay!”

“Hy vọng N. không thất vọng!” Tôi nói.

Không biết N. có hiểu ý thứ hai câu nói của tôi? Đó là ngoài mấy cuốn truyện, là cuộc gặp gỡ này?

N. mỉm cười, lắc đầu, “không!”

Tôi cũng tin là “không,” căn cứ vào những chăm sóc lặng lẽ mà, N. dành cho tôi, trong suốt thời gian chuẩn bị buổi lễ. Lâu lâu, N. lại mang vào văn phòng hiệu trưởng, nơi tôi bị “tạm giam”: Café.



pleiku_02-content
Du Tử Lê (Thứ nhất từ trái)

Nước uống. Thức ăn. N. cũng thông báo cho tôi biết bao lâu nữa chương trình sẽ bắt đầu. Khi xướng ngôn viên mời tôi bước ra khỏi hàng ghế, N. bảo tôi đừng lo! N. sẽ là người hướng dẫn tôi, tới trước học sinh tôi được chỉ định trao giải. N. sẽ trao phần thưởng cho tôi, để tôi trao lại cho em ấy. N. cũng sẽ là người hướng dẫn tôi về chỗ. “Đó là phần việc của N.”

Buổi lễ kết thúc tốt đẹp, hơn trông đợi của ban giám đốc nhà trường. Sau khi bế mạc, tôi tìm N.:

“Buổi tối tôi có thể gặp N. để ngỏ lời cảm ơn, những gì diễn ra ở đây?”

TN gật đầu. Bấy giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ N. N. có nhiều nét gần với hội họa. Nhất là khuôn mặt ốm. Ngấn cổ cao.

Đón N. tại nhà của người chị ở đầu đường Trình Minh Thế. Chúng tôi ngồi với nhau gần quá nửa đêm, ở café Thiên Lý. N. kể tôi nghe lý do bỏ Saigon, lên Pleiku dạy học. N. cũng nói về những ngày thơ ấu. Kỷ niệm và những mơ mộng thời mới lớn.

Mấy ngày còn lại, lấy cớ có xe, tôi đề nghị, để tôi đón N. mỗi khi hết giờ dạy ở Nguyễn Viết Quỳ, Pleime, Minh Đức… N. đồng ý. Nhờ thế, chúng tôi có với nhau, nhiều hơn buổi tối ở Thiên Lý.

Cuộc tình với TN, mang đến cho tôi một số bài thơ mà, Pleiku chiếm giữ một phần linh hồn đáng kể. Trong số đó, có “Bài T.Ng.” Bài thơ may mắn được nhiều người thích. Qua đây, vẫn còn có người hỏi. Thậm chí, tình cờ một lần giữa nhà hàng, có người còn đọc cho tôi nghe một hai đoạn của bài thơ. Hỏi tôi có nhớ? Mặc dù, có thể họ không biết nền của bài thơ là tình yêu tôi riêng, với Pleiku.

Cuối năm 1971, TN đột ngột quyết định bỏ Pleiku về Saigon... Nhưng không vì thế mà tôi mất Pleiku. Tôi vẫn trở lại thành phố tự thân là một nhan sắc đằm thắm. Kín đáo. Những yếu tố làm thành giá trị dài lâu mà không cần nhờ tới dao, kéo… nhiều lần sau đấy.

.

Trước hè 1973, qua gợi ý và, đóng góp tích cực của Kim Tuấn, Vũ Hoàng, thầy Thái Văn Duy, chánh sở Học chánh Pleiku đồng ý tổ chức “Tuần Lễ Văn Hóa Pleiku.”



maithao_dtl_content


Cùng với Mai Thảo, Duyên Anh, tôi được mời thuyết trình về văn chương, ngày khai mạc. Những người bạn khác của tôi, như Đinh Cường, Hạ Quốc Huy được mời trưng bày tranh cùng với một số họa sĩ của Pleiku. Nhạc sĩ Phạm Duy, đôi uyên ương Lê Uyên và Phương được mời trình diễn đêm bế mạc.

Những ngày thong thả, một số nữ sinh Pleime - - Những-mặt- trời-nhỏ, hướng dẫn chúng tôi dạo thăm Pleiku, thắng cảnh.

Cũng từ tình yêu cái thành phố như một thiếu nữ đẹp một cách đằm thắm, kín đáo, nên khi H.T. tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, thay vì để HT chọn Quảng Nam, hay Quảng Trị… tương đối gần Huế, tôi đề nghị HT chọn Pleiku, ngõ hầu tôi có thể đi thăm HT thường xuyên hơn…

Ngày HT đáo nhậm nhiệm sở, không thể rời Saigon, tôi nhờ Kim Tuấn thay tôi, đón HT ở phi trường. Lo giúp nơi ăn chốn ở cho T.

Bạn tôi chu đáo tới độ rủ thêm một số bằng hữu văn nghệ khác, cùng ra phi trường đón cô giáo… mới. Nhưng, cũng vì đề nghị của tôi mà, HT trải qua gần một tháng điêu linh trên tỉnh lộ 7B… Đó là lúc bộ tư lệnh quân đoàn II, quyết định di tản khỏi Pleiku về Nha Trang. Thời gian bặt tin nhau, tôi bị khủng hoảng. Những tưởng sẽ không có một lần thêm, gặp lại T.

Cho tới một buổi trưa những ngày giữa tháng 4, khi người lính gác cổng cục TLC, đường Hồng Thập Tự, vào phòng, báo tôi biết có thân nhân tìm gặp... Ra cổng, thấy HT xanh xao! Phờ phạc! Thất sắc! Tập quán Việt Nam thời đó, không cho phép tôi ôm T. Nhưng nhìn T, tôi muốn chảy nước mắt!

.

Bây giờ Vũ Hoàng vẫn “bám trụ” Pleiku. Nơi anh đã trải qua quá nửa đời. Bây giờ, những “mặt-trời-nhỏ” của Pleiku đã trưởng thành. Họ đã là những tên tuổi, giữ nhiều địa vị khác nhau trong cộng đồng.

Chỉ có điều không vui là: Kim Tuấn đã mất. Mai Thảo, Duyên Anh, Lê Uyên Phương, Phạm Duy… cũng từ trần. Tất cả đã “đi xa.” Họ tới một nơi chỉ riêng họ biết. Một ngày nào, rồi tôi cũng sẽ về cõi ấy.

Nhưng, cách gì thì, hôm nay tôi vẫn còn đây. HT. cũng vẫn còn đây.

Cách gì thì, dao, kéo cũng đã cho Pleiku của chúng tôi, một nhan sắc khác!

Dù vậy, ở quê người, nhiều đêm thình lình thức giấc, tôi vẫn cảm tưởng như nghe được tiếng đập cánh nặng nề của những con chim đêm. Hay tiếng hú hư ảo của một con sói hoang, đâu đó vọng về…

Du Tử Lê

(Calif. Feb. 2013.)

Ý kiến bạn đọc
18 Tháng Hai 20138:00 SA
Khách
Em muon bai nay ve trang pleikucafe.com anh nhe. Tran trong cam on anh.
05 Tháng Mười 20157:00 SA
Khách
OK em, sau khi biên tập gửi lại cho anh coi một tí, trước khi đăng, cám ơn em
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 4730)
Như chia, lìa, tôi nghĩ: Dường không phải lúc nào người ta cũng quay lưng, bỏ chạy trước bất lực
07 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 5205)
Bạn tôi, tôi chợt nhớ tới bạn khi tình cờ cầm lên một cuốn sách cũ. Trong đó, một bài thơ cũ. Bài thơ của hơn hai năm trước
03 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 5022)
Sâu, xa trong họ, theo ghi nhận của tôi, thủy chung, họ vẫn chỉ là những đứa trẻ con.
20 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 4453)
Có dễ cũng đã hơn năm rồi, tôi không còn nhận được một dòng chữ, một lá thư nào được viết từ ô cửa sổ khiêm tốn, duy nhất, trổ ngang hông căn gác làm thêm
25 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 9691)
Không biết đã bao đêm, cứ khoảng hai giờ sáng, tôi lại bị rất nhiều cánh tay gió, mưa hối hả lay, giựt tôi ra khỏi giấc ngủ, muộn. Hai giờ sáng, tôi tỉnh dậy giữa tiếng gió khua,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16821)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12053)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18835)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9032)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8133)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 455)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 826)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1023)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22341)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13907)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19091)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7783)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8698)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8398)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10943)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30592)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20746)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25372)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22816)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21617)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19675)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17968)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19154)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16829)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16020)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24374)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31815)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34846)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,