Phan Nghị, một cây bút phóng sự của 20 năm văn học miền Nam,

19 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 16078)
Phan Nghị, một cây bút phóng sự của 20 năm văn học miền Nam,


vanquangphannghi-content-content



Không biết có phải vì thể loại phóng sự, một thể loại rất gần với ký sự, đòi hỏi nơi người viết, nhiều công phu, cũng như phải sống thực với đề tài, hay thâm nhập thực tế bằng cách nào đó, mà trong bộ “Nhà Văn Hiện Đại” của Vũ Ngọc Phan, người ta chỉ thấy có ba nhà văn được đề cập là Tam Lang - Vũ Đình Chí, Thiên Hư - Vũ Trọng Phụng và, Trọng Lang - Trần Tán Cửu mà thôi. (1)

Nhiều phần, có thể như nhà văn Vũ Ngọc Phan phân tích trong phần mở đầu chương “Những nhà viết phóng sự”:

“Lối văn này thật hoàn toàn mới mẻ ở nước ta, cũng như ở các nước, nó là con đầu lòng của nghề viết báo (…) Về những vấn đề lớn lao cần phải điều tra rất kỹ để mong sửa chữa, cải cách, không thể dùng liên tiếp những bài bút chiến để đập vào tâm trí người ta, nên nhà viết báo thường dùng một lối tả thực như văn ký sự, trào phúng như văn châm biếm, cảm người như văn tiểu thuyết mà trong lại bao gồm tất cả lối bút chiến về người lẫn lối bút chiến về việc, nói tóm lại, dùng cái lối tạo nên một thể linh hoạt và có hiệu lực vô cùng: lối phóng sự.” (2)

Sự kém “phồn thịnh” đó, cũng tái hiện trong sinh hoạt báo chí miền Nam, 20 năm! Dù số lượng báo cũng như số lượng ký giả ở giai đoạn này, lớn gấp bội so với thời tiền chiến. Nếu tính đến tháng 4 năm 1975, những cây bút phóng sự của miền Nam có thể đếm trên đầu ngón tay. Như Văn Quang, Thương Sinh (một bút hiệu khác của Duyên Anh - Vũ Mộng Long), Nguyễn Đình Thiều, Phan Nghị… Trong số đó, Phan Nghị là tên tuổi nổi bật nhất. (3)

Nếu không kể phóng sự nổi tiếng “Bờ Lờ” tức “Buôn Lậu” viết trong khoảng thời gian từ 1952 tới 1953, đăng tải trên nhật báo Tia Sáng ở Hà Nội, thì khi vào Saigon, nhà báo Phan Nghị đã nổi tiếng với hai phóng sự được in thành sách, là các cuốn “Đường mòn Hồ Chí Minh,” và “Xứ sở trăm đảo ngàn hoa” (viết sau chuyến thăm Nhật Bản.)

Theo nhà văn Văn Quang, một trong vài bạn thâm giao với ký giả Phan Nghị thì:

“Phan Nghị thường sống thật, viết thật những gì ông đã tận mắt nhìn thấy, đã trải qua. Như phóng sự buôn lậu thì chính ông thời đó đã từng cùng cánh buôn bán thuốc tây lậu từ ‘thành’ như Hải Phòng, Hà Nội ra vùng kháng chiến (khoảng từ 1948 đến 1954). Hồi đó gọi là ‘vùng tề’, gồm những tỉnh lỵ, thành phố do Quân đội Liên Hiệp Pháp cai trị và ‘vùng tự do’ hay ‘hậu phương’ do phía gọi là Việt Minh kiểm soát…

“Năm 1954, Phan Nghị làm phóng viên cho nhật báo Ngôn Luận, sau đổi thành nhật báo Chính Luận. Sau 1975 ông tiếp tục viết phóng sự xã hội và dịch bài vở từ báo Pháp cho nhiều nhật báo và tuần báo ở Sài Gòn…”

Một thành viên trong tòa soạn nhất báo Chính Luận cho biết, về phương diện chuyên môn, ban biên tập Chính Luận đánh giá rất cao, những phóng sự dài cũng như ngắn của Phan Nghị.

“Những phóng sự của Phan Nghị, luôn căn cứ trên những sự kiện có thật, là đòi hỏi đầu tiên của thế loại này. Bên cạnh đó, ông lại có những ghi nhận hay phê bình nhậy bén, thông minh, giúp cho người đọc thấy được rõ ràng hơn, mặt bên kia của nội dung thể tài được đề cập. Tuy nhiên, về mặt đời thường, Phan Nghị là người có nhiều cá tính mạnh mẽ…” Nhân vật này nói.

Ở khía cạnh đời thường, trong bài viết nhan đề “Vĩnh biệt phóng sự gia Phan Nghị,” tác giả tiểu thuyết “Chân trời tím” đã ghi nhận về bạn ông như sau:

“…Phan Nghị có tính rất đặc biệt ‘không giống ai’. Tôi quen anh từ những năm anh mới vào Sài Gòn năm 1954, khi ấy tôi làm mấy tờ báo quân đội, anh làm phóng viên cho nhật báo Ngôn Luận, (sau này đổi thành Chính Luận). Đôi khi anh cũng ‘áo giáp mũ sắt’ đi làm phóng sự chiến trường. Nét đặc biệt tôi nhận thấy ở anh là tính giản dị, ăn nói văng mạng, không cần ý tứ làm gì cho mệt và bất cứ ai rủ anh tham gia cuộc chơi nào anh cũng đi ngay. Cờ bịch thì ‘thập bát ban võ nghệ’ món nào anh cũng biết, món nào anh cũng thích chơi và chơi theo kiểu đam mê lăn lóc. Vừa đi làm phóng sự về, rủ anh đi đánh phé, đánh chắn, binh sập xám... anh sẵn sàng đi ngay, dù trong túi chỉ còn rất ít tiền cũng cứ đi rồi tính sau (…)

“Anh thường tự coi mình là một thứ ‘cao bồi già’, sẵn sàng gây chuyện và xắn tay áo tung ra quả đấm liền (…) Nhưng bản chất anh là một người thẳng thắn, chân thật, không lèo lá, có bất cứ chuyện gì anh cũng cứ nói tuột ra. Là người ‘ruột để ngoài da’, chuyện có sao nói vậy không giữ được cái gì trong lòng. Phan Nghị không bao giờ biết chưng diện, quần áo anh mặc thế nào xong thì thôi, không cầu kỳ, không làm dáng, không ra vẻ, không đóng kịch…”

Ở đời thường, Phan Nghị, như mô tả của nhà văn Văn Quang là người “…không bao giờ biết chưng diện, quần áo anh mặc thế nào xong thì thôi, không cầu kỳ, không làm dáng, không ra vẻ, không đóng kịch”…

Nhưng khi tác nghiệp, ngược lại, ông cho thấy tính nghiêm túc trong những phóng sự của mình. Như gia công tìm hiểu, nghiên cứu cặn kẽ đề tài. Đi ngược lại quá khứ, để làm thành những đối chiếu với hiện tại. Nhờ thế, người đọc có được bức tranh xã hội đa chiều và, nhiều sắc màu.

Như trong phóng sự “Phở Sài Gòn Xưa và Nay,” viết sau tháng 4 - 1975, Phan nghị cho thấy “phở” vốn là một món ăn “đặc sản” của miền Bắc, đã có mặt tại miền Nam từ những năm (19)51, 52… cùng một thời gian với hai nhà hát ả đào, một ở xóm Monceau và một ở xóm Đại Đồng. Chứ không phải đợi tới cuộc di cư vĩ đại 1954, phở mới theo chân người Bắc vào Nam. Nhưng:

Cả hai thứ ấy đều rất xa lạ với người Saigon thuở đó. Kiếm được một quan viên biết cầm trống chầu không phải chuyện dễ. Cho nên họ chỉ cầm cự được một hai năm rồi dẹp tiệm, mặc dù họ đã biến nó thành một hình thức như ‘kem sờ’ ở Bờ Hồ (Hà nội) vào những năm 30 hoặc như ‘bia ôm’ của Saigon hôm nay. Và phở cũng chịu chung một số phận với nó. Người ta chỉ thích hủ tíu, hoành thánh, bánh xếp nước… Chỉ có độc một tiệm phở được gọi là ‘Phở Tuyệc’, nằm trên đường Turc (nay thuộc khu vực Đồng Khởi) là kiên trì bám trụ.

“Phải đợi tới sau năm 1954, phở mới thực sự thực hiện một bước nhảy vọt từ Bắc vào Nam. Phở khởi đầu sự bành trướng của nó vào giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 60. Có cả một dãy phố phở nằm trên hai con đường Pasteur và Hiền Vương.”

Sau khi đã tìm về tận “đầu nguồn” của Phở ở miền Nam, họ Phan mới đưa dẫn độc giả tới những nét chấm phá, nhưng đặc thù chung quanh món ăn phổ thông này. Đó là những bài…“thơ phở,” những…“câu đối phở” từng được lưu truyền trong giới “nghiện phở.”

Một trong những “câu đối phở” mà nhà báo Phan Nghị ghi lại trong phóng sự của ông, đó là câu:

Nạc, mỡ nữa làm chi, em nghĩ chín rồi không tái giá.”


Câu đối này, theo họ Phan do một “khách làng…phở” thay mặt bà chủ còn trẻ của một tiệm phở nổi tiếng sau thời điểm (19)63 ở Saigon, có chồng chết sớm, nhưng dứt khoát không chịu đi thêm bước nữa. Mặc dù bà được rất nhiều “hào kiệt” theo đuổi! Phan Nghị viết:

“Câu đối sặc sụa mùi phở, nhưng hắc búa nhất là cụm từ ‘tái giá’, nó vừa có nghĩa là ‘đi bước nữa’ lại vừa có nghĩa là ‘phở tái giá’. Cũng như ‘da trắng vỗ bì bạch’ của bà Điểm đố Trạng Quỳnh vậy. Hơn ba mươi năm trôi qua, câu đối ấy hiện nay vẫn chỉ có một vế.” (Bđd.)

Tuy căn bản của thể phóng sự xã hội là “người thực, việc thực,” nhưng trong phóng sự của Phan Nghị, đôi chỗ, người đọc cũng gặp được những mô tả rất tượng hình, như đoạn văn sau đây, khi ông viết về ông chủ một tiệm phở…chui ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội:

“Ông Bắc Hải đựng quốc lủi trong cái bong bóng trâu, giấu ở trước bụng, cái áo phủ bên ngoài. Khách nào muốn uống, giơ cái ly xây chừng ra, ông cởi khuy áo, tháo cái nút vòi bong bóng rồi xịt một phát vào ly. Rượu vừa đúng tới mép ly, không tràn ra một giọt nào. Ông bảo đó là cả một nghệ thuật, phải tập mất một tháng mới thực hiện thành công thao tác ấy…” (Bđd.)

Tôi không biết, phóng sự “Phở Sài Gòn Xưa và Nay” có phải là phóng sự sau cùng của nhà báo Phan Nghị, người sống lương thiện một đời với cây bút của mình? Nhưng kể từ 9 giờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 2004, tức ngày 1 tháng 5 năm Giáp Thân, họ Phan đã vĩnh viễn ra đi trước sự chứng kiến của 5 người con và, một bạn cố tri: Nhà văn Văn Quang.

Để kết thúc bài viết này, tôi muốn mượn một đoạn văn của Văn Quang, trích từ bài viết “Vĩnh biệt phóng sự gia Phan Nghị,” (ngày 18 tháng 6 năm 2004), như nén hương truy-tưởng một nhà báo của 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, không còn nữa:

“…Phan Nghị đã sống như chính những gì anh đã viết và bây giờ anh ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Kể từ hôm nay độc giả sẽ không còn có dịp đọc những phóng sự thời đại nóng bỏng của anh nữa,

“Vĩnh biệt phóng sự gia Phan Nghị và tôi vẫn thấy như phút này anh đang mỉm cười, vẫy tay chào bạn bè và độc giả của mình. Tôi muốn mượn hai câu thơ của anh Mặc Thu sáng tác trước lúc lâm chung cách đây ba năm để tiễn người bạn thân thiết của tôi: ‘Vào cuộc tung hoành không biết mỏi / ra đi thanh thản tựa như về’.”

Du Tử Lê

(17-5-2011)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1)“Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan gồm 4 quyển; riêng quyển thứ tư, có hai tập Thượng và Hạ. Trọn bộ 5 tập do nhà Thăng Long xuất bản tại Saigon, 1960. Theo tác phẩm này thì, nhà văn Tam Lang / Vũ Đình Chí nổi tiếng với phóng sự “Tôi kéo xe.” Vũ Trọng Phụng (Thiên Hư) nổi tiếng với những phóng sự như “Cạm bẫy người”, “Kỹ nghệ lấy Tây”…trước khi chuyển sang viết tiểu thuyết. Trọng Lang / Trần Tán Thuật nổi tiếng với phóng sự “Trong làng chạy” (viết về thế giới kẻ cắp ở Hà Nội khoảng giữa thập niên (19)30…

(2)Sđd., trang 557

(3) Ký giả Phan Nghị tên thật là Phan Văn Nghị, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1925 tại Hà Nội. Ông mất ngày 18 tháng 6 năm 2006, tại Saigon, hưởng thọ 81 tuổi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16817)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12052)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18833)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9027)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8128)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 453)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 821)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13902)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19089)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8394)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30590)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25369)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22814)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21616)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19674)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17966)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19150)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16826)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16016)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31811)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34843)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,