Những “Tế Bào Gốc” Trong Thơ Luân Hoán,

17 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 11421)
Những “Tế Bào Gốc” Trong Thơ Luân Hoán,

luanhoan_02-w-content

Nhà thơ Luân Hoán


Luân Hoán, “Nén Hương Cho Bàn Chân Trái.”

Việt Nam có nhiều vùng đất được ghi nhận là “địa linh nhân kiệt.” Một trong những vùng được công nhận và, nói tới nhiều là Quảng Nam.

Những danh nhân có tên trong lịch sử, xuất thân từ xứ Quảng nhiều tới mức độ khó ai có thể nhớ hết. Tuy nhiên, những tên tuổi như Hoàng Diệu, Tiểu La/ Nguyễn Văn Thành, Ông Ích Khiêm, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi…khi được nhắc tới, hầu như ít ai không biết.

Xứ Quảng cũng là nơi duy nhất, được vua Thành Thái sắc phong “Ngũ Phụng Tề Phi.” Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Q. Thắng thì, “Khoa Mậu Tuất 1898 tỉnh Quảng Nam có 5 thí sinh trúng kỳ thi Hội và thi Đình nên được vua Thành Thái (1879-1854) ban tấm biển ghi 4 chữ ‘Ngũ Phụng Tề Phi’ (năm con phụng cùng bay) nhằm chúc, tặng cho các sĩ tử nói chung và học trò đất Quảng thuở ấy học giỏi.” (1)

Nhiều người nói với tôi rằng, đa số nam giới xứ Quảng chỉ có một trong hai chọn lựa: Làm cách mạng hoặc làm văn nghệ.

Tôi không rõ lắm xác xuất của nhận định vừa kể. Nhưng, hiển nhiên, rất nhiều bằng hữu trong văn giới của tôi, xuất thân từ đất Quảng. Nhiều người nổi tiếng rất sớm. Cũng có những người khi bước qua tuổi trưởng thành, hoặc đã nửa đời người mới chính thức tìm vào sinh hoạt văn học, nghệ thuật. Tuy muộn màng, nhưng trong số này, cũng không thiếu người nổi tiếng.

Một trong những bằng hữu Quảng Nam của tôi, bước chân vào sân chơi văn chương miền Nam 20 năm, rất sớm là nhà thơ Luân Hoán. (2)

Ngay từ năm 1964, 23 tuổi, nhà thơ Luân Hoán/ Lê Ngọc Châu đã có tác phẩm xuất bản. Thi phẩm “Về trời.”

Ở phần “Lời Bạt,” trước khi khép lại thi phẩm “Về trời” của Luân Hoán, nhà văn Dương Kiền viết:

Gia tài quê hương của chúng ta đã bị xâu xé gần hết, chúng ta chỉ còn lại một di sản quí báu: tình tự con người. Tình tự con người bất chấp mọi tương tranh, chia cắt, vùi dập, thủ đoạn...nó sáng ngời trong đêm tối kéo dài từ hai chục năm nay, nó là ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn còn biết hướng về nhau, những con tim còn biết xôn xao mơ ước. Nó làm thành một thế giới trên những thế giới của tham vọng và hận thù.

Anh Luân Hoán, chính thơ anh đã đưa tôi vào thế giới ấy…” (3)

Nhưng theo ghi nhận của tôi, khi miền Nam cuối thập niên (19)60 bị đẩy sâu vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt; dẫn tới việc nhà thơ của chúng ta đã để lại nơi chiến địa bàn chân trái của mình, Luân Hoán viết:

“nằm im mà thấy bềnh bồng

“nghe như mây đảo vòng vòng trong tim

“tỉnh ra sửng sốt giật mình

“một đoạn chân đã tuyệt tình bỏ đi

“… núi Vàng, cõi đặt mộ bia

“cho bàn chân trái nằm kia, mơ hồ

.

“cái chân một thuở đánh rơi

“hình như đang nhớ đến tôi, khóc thầm…” (4)

Đó là năm 1968. Nơi “… bàn chân trái nằm kia, mơ hồ” của Luân Hoán/ Lê Ngọc Châu là “Núi Vàng,” thuộc quận Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Nhưng chính sự “một đoạn chân đã tuyệt tình bỏ đi” mà, từ đó, giới thưởng ngoạn được đọc thi phẩm “Nén hương cho bàn chân trái” của họ Lê.

Theo tôi, cũng chính từ thi phẩm vừa kể, Luân Hoán được người đọc và, văn giới chú ý tới thơ ông nhiều hơn nữa.

Trước đấy, dự cảm mang tính tiên tri, dường báo trước cho Luân Hoán biết, bi kịch chiến trường, rồi đây, sẽ xẩy đến cho ông, sau khi chúng đã tìm đến những người bạn của ông:

từ đồn Đức Hải ta về phép

“bạn thế chân ta kích xóm đêm

“ đâu có chỗ nào vừa mắc võng

“nằm hoài cũng mỏi cái lênh đênh.

“bạn mới ngả lưng lim dim mộng

“cạc-bin, bảy-chín, lẫn AK

“trời xanh thăm thẳm hồn nhiên quá

“phận số dành riêng mỗi chúng ta?

.

“ta trở lại đồn qua xóm cũ

“rút colt bắn lẫy cái lu sành

“nước tràn, lu vỡ, trời ta khóc

“bóng bạn chập chờn đóm lệ xanh

.

“ Nam ơi, Đức Phổ trưa nay vắng

“biển lặng ngồi không, xót phận mày

“ngày mai nhổ trại lùng Đức Phụng

“đến lượt ta, hay đứa nào đây?” (5)

Mặc dù Luân Hoán/ Lê Ngọc Châu mang được vào trong thơ của mình, tên của nhiều loại súng hơn bất cứ một tác giả nào khác; nhưng tôi vẫn không thấy tính hận thù, sắt máu trong thơ ông. Khi nhớ tới bạn đã hy sinh nơi trận địa thì mức độ “bi phẫn” cao nhất của họ Lê, cũng chỉ là rút cây “cold” bắn… vỡ “cái lu sành” – Và sau đấy, ông bật khóc!

Cũng vậy, khi nhận được giấy gọi động viên, ông bình thản, như thể sự kiện ấy, không hề là một điều gì to lớn hay nghiêm trọng:

bỏ lệnh gọi trong túi quần
“tôi đi qua từng đường phố
“không biết phải làm gì
“tôi trở về rửa mặt
“quyết định ngủ một ngày
“thản nhiên không mơ mộng…” (6)

Phải chăng thanh niên miền Nam, trong cuộc chiến miền Nam 20, ngay từ tấm bé, đã không bị dạy dỗ, nhồi nhét tinh thần căm thù?

Phải chăng, vì thế mà, đặc tính thơ, văn miền Nam, theo ghi nhận của giáo sư Neil. L Jamieson, vốn đầy tính nhân bản? (7)


Những “Tế Bào Gốc” Trong Thơ Luân Hoán

Ở những trang viết trước, tôi trích dẫn khá nhiều thơ liên quan tới chiến tranh của Luân Hoán. Đó là những bước tới (của thơ), sau khi bàn chân trái của ông đã vĩnh viễn gửi lại nơi chiến địa. Điều đó không có nghĩa tôi có chủ tâm phân chia từng mảng thơ của Luân Hoán / Lê Ngọc Châu thành những ốc đảo biệt lập.

Tôi hiểu có nhiều cây bút khi phê bình thơ, thường có thói quen phân vùng, chia khu, đánh đai cho cõi giới thi ca của một số tác giả mà họ đề cập.

Tôi cũng hiểu sự chia khu, phân vùng đó, sẽ giúp cho người đọc dễ tiếp cận từng mảnh vườn mà, nhà thơ kia đã lao tác cực lực, kinh qua nhiều giai đoạn nổi trôi đời người. Nhất là với những nhà thơ có số lượng sáng tác phong phú, giầu có, như trường hợp của Luân Hoán/ Lê Ngọc Châu.

Tuy nhiên, ở một mặt nào khác, tôi cho sự thuận tiện, dễ dàng nọ, không thích ứng lắm với những kênh mạch tình cảm phức tạp của họ Lê.

Trong ghi nhận của riêng tôi thì, Luân Hoán không chỉ thả vào dòng sông thi ca của ông một lượng chữ, nghĩa dồi dào mà, dòng sông chữ, nghĩa của ông còn chảy qua nhiều tâm cảnh khác nhau - - Như những nét cắt sắc, sâu của một nhân chứng sống, giữa thời hoang, loạn.

Không ít người đã từng xếp bài thơ nhan đề “Vết thương” của Luân Hoán vào kênh thơ tình. Có lẽ bởi vì bài thơ là một đối thoại mang tính tự hỏi / đáp của tác giả với đối tượng người yêu (giả thiết hiện diện) của ông.

Riêng tôi, tôi không thấy dù chỉ thấp thoáng chút lãng mạn (ngay cả lãng mạn thương đau) trong những khổ thơ mở đầu bằng những câu hỏi (hay tự hỏi) của Luân Hoán, như: “Em không hỏi vì sao ta bỏ cuộc/ Em không hỏi vì sao ta bất lực/…”

Người đọc có thể cảm nhận được tính chất tha thiết, lòng chân thành muốn giãi bày tâm sự của tác giả, với người con gái ông gọi bằng “em” trong bài thơ…

Nhưng, rốt ráo, những câu tác giả tự hỏi cũng chỉ là cái cớ để ông bộc bạch cái nhìn của ông về thế sự thăng trầm. Luôn cả người con gái được Luân Hoan chọn nhân xưng đại danh tự ngôi thứ hai “em” (có thể hiểu là người bạn đời của ông,) cũng chỉ là cái cớ để họ Lê nói được một cách tự nhiên những cảm nghĩ thật của một người lính được giải ngũ, trở về với gia đình, sau thương tích.

Thí dụ, những câu thơ như:

“… Giữa chợ đời không bán nốt lương tâm.”

Hay:

“… Ngồi bó gối chờ đợi áo cơm em.”

Hoặc nữa:

“…Rượu đã hết xin cho ta giọt lệ

“Giọt mồ hôi em đổ sáng sang chiều.”

Tôi cũng không tìm thấy những chỉ dấu lãng mạn hay, thơ mộng nào trong bài thơ dài nhan đề “Đôi mắt ngã tư Ba La,” của Luân Hoán, để có thể gọi đó làm một bài thơ tình thuần chất.

Tâm bão hay nội dung bài thơ này, theo tôi là hệ quả tự thân của chiến tranh. Sự nhìn lại trần truồng, không ma mị, không nhân danh một lý tưởng to lớn nào, để “mỹ viện hóa” sự trần trụi, sần sùi, hầm hố… nhân sinh kia, khi ông viết:

“... Ta bỗng hiện nguyên một thằng thua cuộc

“ngồi mé ngã tư, đứng dựa ngã ba

“thơ thẩn bỗng không hơn gì giấy lộn

“đắp mặt không xong, phủ lòng xót xa

.

“định mệnh bất ngờ giúp nhau mở lối

“trái mìn oan khiên như vị cứu tinh

“em chợt vội vàng làm cô dâu mới

“vợ đã yên lòng nuôi gã thương binh.”

.

“Ta phỉnh ai đâu, phỉnh ta đấy chứ

“cho đến bây giờ ta vẫn phỉnh ta

“nhớ nước sông Trà quay bờ xe nước

“lòng đậu hay trôi ngã tư Ba La?”

(Trích “Đôi mắt ngã tư Ba La”.)

Cách khác, tôi muốn nói, tôi thấy không nên phân loại thơ Luân Hoán một cách máy móc. Kiên cưỡng. Tôi không thấy đó là một bài là thơ chiến tranh thuần túy.

Trong thơ chiến tranh của Luân Hoán, không chỉ có súng, đạn, địch, ta. Mà trong thơ tạm gọi là chiến tranh của Luân Hoán vẫn thấm đẫm tình yêu. Như chiếc bóng mơ hồ của bi kịch.

Cũng thế, trong thơ tình Luân Hoán, tôi vẫn thấy những phân tranh, những cuộc chiến cam go giữa chân/ giả. Giữa thất vọng và, niềm tin. Giữa dối trá hôm qua và, ngày mai ký thác trăm năm.

Tôi thấy, tất cả mọi kênh, mạch ý niệm, kinh nghiệm sống, chết của họ Lê, đã trộn lẫn trong thơ ông. Như máu, thịt. Tuồng chúng đồng nhất thể. Bất khả phân ly.

Chưa kể, cường lực sáng tác của Luân Hoán rất sung mãn. Nó không bị sút giảm theo thời gian. Và, thật đáng kể, nếu chúng ta nhớ rằng, môi trường sống ở những xã hội tây phương vốn dị ứng - - Nếu không muốn nói là khắc tinh của những rung cảm cần thiết, cho những ấu trùng văn chương nở thành những cánh bướm rực rỡ!

Nhiều người không giải mã được hiện tượng nghịch chiều này, nơi tác giả “Nén hương cho bàn chân trái.”

Cá nhân, tôi nghĩ, ngoài nguồn mạch tình yêu, thủy chung dành cho người bạn đời của mình, sinh-phần thơ Luân Hoán còn có những tế-bào-gốc: Tế-bào-gốc-quê-hương. Tế bào gốc tình yêu ân nghĩa. Tế-bào-gốc-bằng-hữu…

Một cách ngắn gọn, tôi muốn gọi chung là: Tế-bào-gốc-Luân-Hoán/ Lê Ngọc Châu.

Tôi không nghĩ tình cảm riêng tư của tôi, vốn có những góc khuất, những điểm mù khi viết những điều trên.

Thực tế cho tôi thấy, có những thi sĩ thành công với loại thơ đối kháng nhưng, thất lạc ở tự trào. Cũng có những nhà thơ nhuần nhuyễn với loại thơ khẩu khí; nhưng vẫn có thể gập ghềnh khi bước vào thể loại thơ khác.

Thực tế cũng cho tôi thấy, có những nhà thơ xuất sắc với loại thơ nói về một cuộc chiến, dù đứng ở góc độ nào (lên án chiến tranh/ giễu cợt kẻ thù/ trào phúng chính mình, như một sinh vật bất lực tội nghiệp trước những mù lòa súng đạn/ thậm chí tố cáo tội ác đối phương…) nhưng không có gì bảo đảm rằng, họ sẽ tiếp tục gặt hái hoa, trái tốt tươi khi trầm mình trong thế giới tình yêu đôi lứa.

Luân Hoán, ngoại lệ. Ông làm thơ dễ dàng. Phong phú. Thơ ông, như những cánh diều chữ nghĩa, tâm tưởng, bay được với bất cứ thời tiết nào. Dù cho đó là những dằn xóc hay, mịt mờ, u ám của những khoảng đất trời bất trắc thiên nhiên.

Người đọc có thể thích/ không thích lượng thơ tuôn trào như thác đổ của ông, những năm quê người.

Người đọc có thể cảm/ vô cảm trước những bài thơ ông viết xuống một cách hồn nhiên với mọi sinh hoạt diễn ra chung quanh đời sống hàng ngày của ông.

Nhưng, bằng vào những tế-bào-gốc như đã nói, dòng chảy của thơ Luân Hoán đã và, sẽ còn tiếp tục chảy tới. Với thời gian, chúng vẫn cuộn xiết những nụ cười tự trào. Ân nghĩa. Và, những đôn hậu tình bằng hữu…

Du Tử Lê,

(Calif. Sept. 2012.)
_________

Chú thích:

(1)Theo Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở “Khoa cử và giáo dục Việt Nam", NXB Văn Hoá Thông Tin, 1993. Vẫn theo Wikipedia thì “Một lập luận khác của ông Trương Duy Hy là danh hiệu ‘Ngũ phụng tề phi’ do Tổng đốc Nam-Ngãi Đào Tấn và Đốc học Quảng Nam Trần Đình Phong lấy từ tích xưa đặt cho 5 vị đại khoa nói trên, đồng thời tặng cho bức trướng có 4 chữ Ngũ phụng tề phi, có thêm hình 5 con chim phụng đặt tại dinh Tổng đốc ở Điện Bàn. Và theo Giáo sư Sử học Đặng Tiến thì ‘…chuyện này không có sử sách nào ghi lại mà chỉ lưu truyền ở dân gian. Nhất là những đoàn hát bội ở Trung bộ lấy đó làm vẻ vang truyền tụng nhằm vinh danh xứ Quảng. Tuy nhiên, việc 5 đại khoa (gồm 3 Tiến sĩ và 2 Phó Bảng người Quảng Nam đỗ đại khoa trên 17 vị toàn quốc cũng được cho là hy hữu xưa nay hiếm tại Việt Nam.”

(2) Nhà thơ Luân Hoán tên thật là Lê Ngọc Châu, sinh ngày 10-01-1941 tại Hội An, Quảng Nam. Gia đình ông di chuyển ra Đà Nẵng từ 1953. Là sĩ quan QLVNCH, ông bị mất bàn chân trái tại mặt trận Đức Phổ, Quảng Ngãi, 1968. Kể từ năm 1985, cùng với gia đình, ông định cư tại Montreal Canada.

(3), (4), (5), (6): Nguồn đd.

(7) Đọc thêm “Understanding Vietnam,” bản paperback, in lần thứ nhất năm 1995, bởi liên đại học Berkeley, Los Angeles & London.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Giêng 20249:03 SA(Xem: 5475)
chẳng phải vì ông đã đi xa. quá xa. rất lâu./ mà, vì họ đã có ông trong tim./ như ông sẽ mãi sống trong ký ức đám đông,/ tập thể./ đất nước.
01 Tháng Giêng 20243:52 CH(Xem: 6849)
thánh thần rời hai vai/ nhường ngôi người cứu rỗi.
01 Tháng Giêng 20249:40 SA(Xem: 429)
Mỗi năm nhà thơ Du Tử Lê sáng tác một bài thơ Tháng Giêng để tặng vợ, và đây là bài thơ Tháng Giêng cuối cùng của ông - Tháng Giêng 2019. (Photo by Đỗ Xuân Hoà, 1994, ngày DTL và HT gặp lại nhau ở Mỹ sau nhiều năm xa cách)
07 Tháng Mười 202312:41 CH(Xem: 2016)
Tháng Mười về với chúng tôi, là mỗi lần miền thơ ấu của Roll sẽ nhỏ dần, nhạt dần, và biến mất.
18 Tháng Chín 20235:37 SA(Xem: 5532)
hoa khế rụng nối đôi bờ sinh / tử/ một lần em, tôi thở đẫm tin yêu.
15 Tháng Bảy 20239:16 SA(Xem: 5662)
về đi, để bước chân/ kịp rơi cùng tiếng nấc.
04 Tháng Sáu 202312:00 SA(Xem: 8245)
tôi muốn kể em nghe/ dù mùa hạ đã đem theo tiếng ve/ /đỏ/ phương trời khác./ những vì sao/ thôi là những nốt nhạc xanh/ hát mình ên
01 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 7119)
khi khoảng cách không thể đo bằng thước,/ thì tình tôi e phủ mọi chân trời./ em kiếp trước, đời sau không thể hiểu:/ sao có người ký ức mãi xanh, tươi!!!
22 Tháng Giêng 20239:28 SA(Xem: 7590)
mưa-tôi lạnh, rúc áo người ấm áp/ vết thương buồn, em đắp bột trăm năm./ tôi già khốc vẫn đợi, chờ chăm sóc -/ người không quên tôi bé dại vô cùng.
18 Tháng Mười Một 202212:27 CH(Xem: 9277)
sông hỏi suối. phụ lưu tìm hỏi tóc:/ - nụ hôn nào cư ngụ với mai sau?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17031)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12250)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18976)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9165)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8324)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 601)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 973)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1159)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22458)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13987)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19173)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7888)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8807)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8497)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11054)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30707)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20814)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25502)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21723)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19781)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18050)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19248)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16110)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24496)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31945)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34932)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,