Chiều nay, ở văn phòng làm việc, tôi nhận được tập thơ tặng của anh.
Tôi cầm trên tay, nó nhẹ tênh, trước sau tổng cộng chỉ ba mươi sáu trang thôi, nên khiến tập sách bỗng trở nên quý hẳn. Giấy in dày, láng mướt, hình ảnh chiếm diện tích nhiều hơn chữ thơ.
Tôi mở ra, và đọc một mạch, cái vèo. Đọc xong rồi hơi ngơ ngẩn chút, tự hỏi, ủa, hết rồi sao. Rồi cái lật lật, đọc lại, nghiền ngẫm lại, rồi thần người ra.
Thần người vì bởi ảnh viết hay quá. Ảnh viết cho trẻ con mà người lớn như mình vẫn bị cuốn hút. Tài thật. Ảnh, quả tài thật.
Ảnh, là anh Nguyễn Trung Dũng, trên facebook, ảnh lấy nickname là Dũng Trung Kqd. Tập thơ thế này, theo tôi, nào chỉ dành cho trẻ con, nó dành cho bất cứ ai lưu luyến hoài tuổi thơ mình, cho bất cứ ai, thèm mãi, nhớ thương mãi, hồi tưởng mãi, những ngày thơ ấu. Nó không chỉ dành cho các con, nó dành cho cả cha mẹ, ông bà, và, cả các cháu nhỏ nhít về sau, mà bây giờ vẫn còn đang là hạt bụi, bay bay đâu đó.
Có cả thảy hai mươi tư bài, có bài dài, có bài ngắn. Ngắn nhất là bài “Tiếng Ve Rất Buồn”, chỉ với hai câu - hình như sắp hết mùa hè, trưa nay sót một tiếng ve rất buồn.
Ôi cái nỗi buồn hoa niên, cái nỗi buồn rất đỗi hoa xanh, hoa đỏ, hoa tím. Tưởng gì, hè hết mà cũng buồn. Chắc nhiều người lớn vô tình sẽ nói thế. Nhưng nếu nghĩ lại, họ sẽ nhớ ra mình cũng từng như thế. Ba tháng hè bắt dế, câu cá, thả diều… trôi qua thiệt nhanh. Lại sắp sửa phải ngủ sớm, dậy sớm đến trường. Lại sắp sửa phải học bài, làm bài, thi cử. Và con ve nữa, nó cũng buồn. Nó phải chờ đến năm sau mới được cất cao tiếng ve ve rộn ràng, mà khi nó ve ve như thế, tất cả các loài côn trùng khác phải nằm im ngưỡng mộ. Chỉ chúng râm ran, chỉ chúng ve ve, kêu suốt cả mùa hè, nắng vàng, mưa hạ.
Cái tài tình và rất “nghề” khi làm thơ của anh Trung Dũng chính là đây chớ đâu nữa, kiệm chữ, kiệm lời, nhường không gian cho tưởng tượng, nhường lối nẻo cho hình dung. Chỉ hai câu thôi, mà mùa hè, mùa vui chơi, hiện ra mồn một trong tiếc nuối, trong cái buồn ơi buồn của học trò, của cả chú ve - hình như sắp hết mùa hè, trưa nay sót một tiếng ve rất buồn.
Thông thường, một bài, tác giả viết bốn câu, ví dụ như bài “Sài Gòn Sót Mấy Con Ve” (cũng là tựa đề của tập thơ):
Sài Gòn sót mấy con ve
Cũng bày đặt giấu mùa Hè lên cây
Hôm qua có một đám mây
Rơi bên Tân Định mang đầy hạt mưa.
Và cái hình minh họa cho bài thơ này là nhà thờ Tân Định, với màu tường đỏ hồng, màu tường rất ấn tượng, qua bao năm, vẫn cứ tươi màu như thế, mỗi khi sơn lại.
Nếu hỏi tôi, Sài Gòn nghĩa là gì, tôi sẽ trả lời không phân vân, Sài Gòn nghĩa là nhà thờ Đức Bà, nghĩa là chợ Bến Thành, là chùa Xá Lợi, là chùa Vĩnh Nghiêm, là chợ Tân Định, nhà thờ Tân Định, v.v… và v.v… Nghĩa là tất cả những di tích ấy, những nơi chốn ấy, những hàng trăm năm ấy, chính là Sài Gòn, làm nên Sài Gòn và hồn của Sài Gòn.
Tôi đang nói đi đâu rồi đấy nhỉ.
Sài gòn sót mấy con ve, cũng bày đặt giấu mùa hè lên cây. Cái giọng trẻ con Sài Gòn ấy mà, chẳng lẫn đi đâu được, mấy con ve, cũng bày đặt, lối nói của tuổi thơ chúng tôi, cũng là tuổi thơ bây giờ, tuổi thơ Sài Gòn.
Rồi - hôm qua có một đám mây, rơi bên tân định mang đầy hạt mưa. Những số từ, mấy, một, khiến cho lời thơ trở nên gần gũi, trở nên rất chất Sài Gòn. Những cái lẩn thẩn, từ con ve, mùa hè, rồi tạt qua đám mây, tân định, hạt mưa, đấy mới đúng là giọng điệu của trẻ con, của tuổi học trò, học trò Sài Gòn, vẫn thường hay kiểu thế.
Ngoan, hồn nhiên, vô tư lự, và cả thơ nữa, chất thơ ấy mà, luôn trên mắt môi, luôn trong giọng nói, trong hơi thở, trong tâm hồn, trong trái tim trẻ con Sài Gòn, như truyện thơ “Cóc Cụ Và Chàng Hiu”, chiếm hẳn bốn trang, ba mươi, ba mốt, ba hai và ba ba trong tuyển tập thơ.
Đó là thể thơ năm chữ, bắt đầu bằng lối kể chuyện - xưa đời xửa đời xưa, bên một bờ ao nọ, có một chàng cóc nhỏ, chỉ chơi với chàng hiu…
Hấp dẫn không. Là tôi hỏi các bạn đó. Ấy là tôi mới ghi ra khổ một, mà đã vậy. Truyện thơ, vui vui như thế, rưng rưng như thế, tình cảm như thế, rất yêu như thế, có cả thảy hai mươi lăm khổ, hấp dẫn lắm bạn ơi, cưng lắm bạn ơi, mua về mà đọc, ngay cả khi nhà mình chưa có cháu, mua về mà để dành, sách quý như thế, sách đáng như thế, không mua, thật tiếc, bạn ơi.
Lời thơ nhẹ nhàng, và vui, và thơ, không kiểu bác học hay văn mẫu đâu, tôi viết tiếp nhé, khổ hai - cóc thường đứng bên ao, soi mình và ngắm nghía, mình đẹp trai quá nhỉ, ếch ộp phải thua xa.
Tò mò không các bạn. Rồi chuyện diễn ra như thế nào nữa. Mua đi các bạn ơi, mua về mà đọc. Đọc xong rồi thì cho các cháu hàng xóm mượn đọc, nhớ dặn chúng nó, mấy đứa giữ kỹ kỹ nghen, cô (chú) quý nó lắm, giữ cho mơi này, cháu của cô (chú) đọc nữa.
Mà “chàng hiu” này không phải là cái chàng tên hiu đâu nha, mà là cô “chàng hiu”. Cô “chàng hiu” ấy ỷ mình đẹp, nên cổ khi dễ người khác lắm, lúc bệnh, cổ như này - chàng hiu cũng làu bàu, sao dở hơi thế nhỉ, toàn một lũ xấu xí, đến thăm ta làm gì.
Truyện còn có ếch nữa, ếch là vai chính diện, là người tốt, không như cóc hợm hĩnh và chàng hiu điệu đàng - thời gian cứ trôi đi, cóc ngày càng bệnh nặng, thân hình đầy các đốm, mặt mũi nổi sần sùi, chàng hiu thì ôi thôi, chẳng còn rên được nữa, chỉ nằm dài một chỗ, vươn tay ra cầu xin.
Tài tình là ở chỗ này đây. Tác giả chuyên viết cho trẻ con, có nghề, chính là ở chỗ này đây. Không giáo huấn, không dạy dỗ, không cao giọng đạo đức này nọ kia, mà vẫn khơi gợi được lòng tử tế và biết cư xử, biết quý bạn nơi bọn trẻ. Không những thế, tác giả còn lý giải được, một cách rất duyên, vì sao ngày nay, da cóc sần sùi, vì sao ngày nay, chân chàng hiu lại dài ngoằng dài ngoẳng, một lối giải thích rất dễ thương, mà nhớ hoài, mà theo hoài, mà sắc màu cổ tích, cứ thế, tôi tin, sẽ đời này sang đời khác.
Nếu cần mô tả anh Trung Dũng chỉ bằng mỗi một từ, duy nhất, thì tôi sẽ thế này: Trung Dũng - duyên.
Anh duyên lắm. Từ người đến chữ, chỗ nào cũng có thể làm thiên hạ cười, cười ha ha, cười sằng sặc, chỗ nào cũng có thể làm thiên hạ ngậm ngùi, buồn lây, rơi nước mắt.
Không duyên, cái duyên trời cho ấy mà, thì là gì nữa bây giờ.
Tôi đang nói đến đâu vậy nhỉ, à, truyện thơ.
Nói miết, nói miết, các bạn không mua nữa thì sao, nên thôi, ngừng. Nhưng mà khổ cuối ấy, he hé cho các bạn nha, để các bạn biết, vì sao mà ngày nay, cóc có con mắt to lồi hẳn ra ngoài - câu chuyện đã hết rồi, chỉ thương chàng ếch ộp, cứ ngồi trông ngóng cóc, nên mắt chàng lồi ra.
Tập thơ có nhiều bài dành cho các bé từ năm tuổi trở lên, đọc có thể hiểu. Lại có những bài, dành cho tuổi lớn hơn chút, hơn chút thôi, lên mười, lên mười hai, chẳng hạn. Thơ, thêm một xíu lãng mạn, một xíu lơ ngơ, một xíu mộng mơ cho tâm hồn tơ mắc, ví dụ như bài “Buổi Sáng Đà Lạt”
Giấc mơ chưa kịp bay đi
Màn sương nhón chân níu lại
Nắng chạm vào em thủy tinh
Mặt Trời hình như ái ngại
Con ngựa ăn cỏ trên đồi
Thời gian dừng chân đứng đợi
Con chuồn chuồn nhỏ ngủ quên
Trên cành thông khô năm ngoái
Gió là một lượt ngàn thông
Giọt sương vỡ trên lá biếc
Đà Lạt choàng chiếc khăn voan
Hoa dại cài trên áo cưới.
Những đóa hoa quỳ tàn vội
Nhường bước cho Mặt Trời lên…
Viết cho trẻ nhỏ, không dễ đâu, các bạn. Làm gì cũng vậy, ngoài chuyên môn, đều cần lắm cái gọi là năng khiếu. Cũng như dạy trẻ nhỏ ấy mà, phải biết cách, phải mềm mỏng khi cần, phải nghiêm khắc đúng lúc. Các thầy cô dạy trẻ, ngoài được đào tạo bài bản, còn cần có khiếu nữa. Lơ mơ, tay ngang, không hòa nhập được, không gần được, không chiếm thiện cảm được, không gây được niềm tin với trẻ đâu.
Anh Trung Dũng cũng thế. Tâm hồn ảnh trẻ. Tính cách ảnh cũng trẻ. Trẻ thơ chớ không phải trẻ trung. Có già đến bao nhiêu, thì ảnh cũng vẫn mãi vậy, hồn nhiên và thơ trẻ.
Nên ảnh viết được, viết được cho trẻ. Tôi ấy à, tôi không làm được, nên, ngưỡng mộ ảnh lắm.
Quý mến ảnh đã đó giờ. Quý tài, quý tánh. Đọc tập thơ này xong, lại càng thêm quý. Là quý cái dễ thương, quý cái lương tâm không cặn, quý cái tâm hồn không đục. Con người ảnh cứ thế, băng băng, thẳng lưng mà đi, thẳng lưng mà sống.
Mến chúc anh sức khỏe, để còn viết dài dài cho quý vị độc giả nhí. Chúc “SÀI GÒN SÓT MẤY CON VE” của anh Trung Dũng sẽ là cuốn best seller của năm 2023 này, anh nhé.
Và, cảm ơn anh, vì đã có một cuốn thơ dành cho trẻ con cả nước, đặc biệt, dành cho trẻ con Sài Gòn.
Sài Gòn tôi yêu, và, của không biết bao người nữa, trong và ngoài nước.
Thương lắm, Sài Gòn của chúng tôi, “SÀI GÒN SÓT MẤY CON VE” của chúng tôi.
Sài Gòn 12.08.2023
Phạm Hiền Mây
Gửi ý kiến của bạn