TRẦN THỊ NGH - Người đàn bà nằm

13 Tháng Sáu 20239:59 SA(Xem: 1985)
TRẦN THỊ NGH - Người đàn bà nằm
 

Tôi nhìn cái lọ Pénicilline trong veo một hồi lâu rồi bỏ vô giỏ xách. Trong đó những con vật li ti đang ngọ ngoạy; có con đen sì, có con nhỏ xíu nhạt thếch. Con nào cũng quơ chân lung tung như kịch liệt phản kháng. Sau đó tôi ra khỏi nhà đi thẳng tới phòng mạch bác sĩ Lợi. Trong lúc ngồi chờ ở phòng đợi, tôi chán và buồn ngủ, muốn đứng dậy ra chợ làm một tô bún thịt nướng xong đi về nhà. Ý tưởng mang cái lọ đi lang bang qua các đường phố làm do dự, nhưng vất nó đi thì vừa hài hước vừa phí.

Bà bác sĩ tóc muối tiêu mang kính lão, gọng kính trễ xuống sóng mũi. Tôi đặt cái lọ lên bàn. Bà nhìn tôi, hỏi:

- Chuyện gì đây?

Tôi nói:

- Cháu cũng không biết.

Bà lại nhìn tôi rồi nhìn cái lọ. Tôi sượng sùng:

- Khi cháu sinh đứa con so ở bệnh viện Hùng Vương người ta cạo gọt sạch sẽ nhưng vài tháng sau cháu thấy ngứa, quần lót có những chấm nâu nhỏ, rồi cháu bắt được những con này.

Nói xong tôi muốn độn thổ. Có ai ở trong tình cảnh này chưa? Từ mấy tuần nay hễ có thì giờ là lại tắm dọn, chà xát xà phòng thật lâu, gội, rửa, xối; rồi một tay cầm cái gương nhỏ soi ngược, tay kia dùng móng nhọn cạy, cạy. Mấy con quỷ bám chặt hơn đỉa. Những cái chân tí hon bấu miết vô da bị nạy bật ra làm rát. Như một trò chơi mới. Mỗi ngày loay hoay trong nhà tắm cả tiếng đồng hồ, tôi đếm một hai ba bốn... chín mười mười một. Tởm. Nằm trong giường, lúc làm việc, khi bế con... tôi luôn luôn nghĩ đến chúng, vừa đăm chiêu vừa nghe ngóng. Tôi cố tránh không ôm con nhiều, quần áo tả lót của nó được giặt riêng. Thỉnh thoảng tôi nhìn nó tự nghĩ mình là một người mẹ không xứng đáng vì mình bẩn quá trong khi nó trong văng vắt như thủy tinh. Ngoài đường phố, trong đám đông tôi nhìn mọi người và tự hỏi có ai biết tôi đang nuôi con gì trong người không, có ai trong số những người đó có nuôi con gì không. Số chiến lợi phẩm mỗi ngày không suy giảm, làm bấn. Phải nói với một ai đó, phải làm một cái gì trước khi địch lộng hành bùng nổ dân số với mật độ báo động trên một diện tích bất khả khai khẩn. Tra tìm trong danh sách các bác sĩ phụ khoa, tôi chọn bác sĩ Lợi. Bà không biết tôi là ai. Một người đàn bà cao niên sẽ nhìn ngắm vấn đề bằng con mắt khoan dung của một người mẹ; hơn nữa bà đã viết những tài liệu biên khảo rất giá trị, có khi ký tên chung với chồng là bác sĩ Lương Phán. Nhưng công trình này thì có ăn nhậu gì đến cái lọ Pénicilline? Tôi nhìn bà chờ đợi. Một bên khóe môi của bà hơi nhếch lên nhưng không có vẻ gì mỉa mai. Không thèm săm soi cái lọ con được đặt trên bàn tự nãy giờ, bà hỏi:

- Gần đây cô có quan hệ vợ chồng với chú ấy không?

- Bốn tháng sau khi sinh con, cháu có gặp anh ấy một lần rồi anh ấy lại đi làm xa.

Bà ngả người vào lưng ghế, hai cánh tay duỗi thoải mái trên hai thanh tựa, trầm ngâm một lát như để tìm một cách nói tế nhị. Cuối cùng bà nói vu vơ không nhìn tôi, hai mắt chăm chăm hướng ra cửa sổ:

- Cái trứng nở ra con gà...

Bên ngoài lúc đó nắng chói lung linh qua kẽ lá của một cây sao vòi vọi nằm chệch một bên khung cửa sổ. Tự nhiên tôi cũng hướng mắt về phía ấy, tỉ mẩn hỏi quanh một mình. Con gà đẻ ra cái trứng, cái trứng nở ra con gà rồi làm sao con gà lại có cái trứng để đẻ mà nở ra một con gà nữa? Lần nào ăn phó-mát Con Bò Cười tôi cũng châm bẩm nhìn cái hộp có in hình con bò đeo hoa tai là hai cái hộp có in hình hai con bò nữa đeo hoa tai là hai cái hộp nữa có in hình hai con bò... Tôi ngó bà, vừa cười biết ơn vừa tẽn tò:

- Vậy bây giờ làm sao, bác sĩ?

Bà cười thành tiếng, hai mắt nheo lại làm xếp mấy vết nhăn ở đuôi. Trông bà vừa đẹp vừa vững vàng.

- Làm sao? Trên đường về nhà ghé tiệm tạp hóa mua một lưỡi Gillette rồi cạo phăng nó đi chứ làm sao!

Tôi đã để quên cái lọ ở đấy khi chào bà ra về. Nó sẽ được vứt vô giỏ rác, những con vật li ti sẽ quay-cu-đơ ná thở. Rác được đổ vào thùng lớn xong được chuyển vô xe rác vào một ngày lẻ hoặc một ngày chẵn nào đó để lên đường ra bãi, chưa kể trước đó từ đâu đến đâu với một hành trình nhiêu khê. Rận Phiêu Lưu Ký. Tôi ói một tí nước lõng vào bồn rửa mặt khi về đến nhà. Con tôi đang o oe, ánh mắt vui hướng về mẹ như muốn đòi hơi quen.

Bây giờ là chuyện của ai đây? Tôi nhìn lưỡi Gillette ao ước có Khang để cứa vào động mạch cảnh dưới cái cổ có chu vi bốn mươi lăm phân. Cho là Khang ngoại tình đi, nếu không phải là gái điếm ở bẩn thì là ai? Ở đâu, hồi nào, như thế nào, ai và để làm chi thì cũng vậy thôi. Tôi nghe trong tôi sóng vỗ xa tít chỉ thấy bờ bãi với rác rưỡi vương vãi sau một cuộc hôn nhân chưa ai kịp tỏ tình. Lần thứ hai trong đời, cái chỗ mềm yếu tội nghiệp của người đàn bà là tôi lại bị cạo gọt trụi lũi.

 

Con bé được 8 tháng thì hai mẹ con bồng bế nhau lên xe đò về quê nội theo lời khẩn cầu đầy giọng bắt buộc của Khang. Đã xong rồi hơn nửa năm con so về nhà mạ. Tôi đã cứng cáp hồi sức, con bé khỏe mạnh, công việc ở sở tẻ, lương lậu không bao nhiêu. Vả lại chồng đâu vợ đó, thời buổi khó khăn một kiểng hai quê tốn tiền đi lại. Mẹ chồng tử tế cho vốn làm ăn, có vợ có chồng tát biển Đông cũng cạn. Muốn cứa cổ ai thì để thong thả rồi tính. Con thơ cần có cha, đàn bà cần một bờ vai đàn ông để nương dựa. Đồng cỏ đã xanh um, quần lót sạch.

Ngay lúc gặp lại, tôi quan sát Khang. Đứng đâu gãi đó trông nản không chịu được. Tôi lặng lẽ giặt đồ riêng, trụng nước sôi chăn mền, làm bộ bận rộn con nhỏ, than mệt cuối ngày; đêm ngủ tôi trãi tấm nệm mỏng trên sàn nhà nằm úm cái sinh vật trong vắt thủy tinh như để che chắn con bé khỏi sự ô nhiểm. Tôi mê con đến nỗi có lúc nghe người rã ra. Ai nói một đứa trẻ không được sinh ra từ tình yêu chỉ là một kỷ niệm xấu đối với người mẹ đã cưu mang nó, và do vậy nó sẽ không được yêu thương? Tôi thấy con bé với Khang chẳng ăn nhậu gì nhau. Bò mẹ đẻ ra bò con, con bê lớn lên thành bò mẹ đẻ ra bò con, cứ thế mà cười và đeo hoa tai. Coi bộ tôi hễ hả với chân lý này.

Gần một tháng sau khi bế con về nhà chồng tôi mới nổi máu nhân đạo đưa cho Khang mấy lưỡi dao cạo. Thật tình tôi không muốn truy nguyên về sự chần chừ này. Trỏ tay về phía đáy quần của Khang, tôi nói:

- Anh có vấn đề, vậy tự lo liệu lấy. Tôi cũng đã phải xoay xở một mình.

 

Không biết Khang làm gì với mấy lưỡi dao nhưng kể từ hôm đó cả hai gần như không có gì để nói với nhau nữa. Con bé đang bập bẹ học nói. Đến tháng thứ 10 nó biết chỉ tay lên tường trọ trẹ: thằn lằn. Trước nhà có cái chùa, chiều chiều nghe tiếng chuông nó giang hai tay ra đòi bế, môi bặp bặp ướt mem trông thật dễ mê: đi tà tà, đi tà tà. Hai mẹ con hay lang thang trong sân chùa chơi, khung cảnh thật êm ả. Con với tay lên cành cao, cảm thán: bông chùa đẹp quá; có khi ngó lom lom mấy đứa nhỏ mũi giãi lòng thòng đang ngồi vọc cát, phê bình: dính dơ. Còn đớt đát nhưng cực kỳ hấp dẫn. Nói sớm như vậy sẽ chậm biết đi, các cụ bảo thế. Không có con bé chắc tôi điên. Xứ gì khô nẻ, gió nóng ran ran, bụi cát rào rào. Ở mấy tháng trời vẫn chưa làm một vòng thị xã, chỉ quanh quẩn trong nhà rồi qua chùa. Bà nội đi chợ dùm mỗi ngày mua thịt cá rau trứng khoai tây cà-rốt để tôi nấu súp cho bé ăn dặm. Khang đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, đêm về nằm vật ra ngủ ngáy khẹt khẹt như bị chọc tiết. Tôi dọn ra phòng ngoài, viện cớ con bé không chịu được nóng.

Lâu không thấy Khang nói gì. Mắt lừ lừ. Hay là đã tự thiến rồi. Rất có khả năng không biết mình có vấn đề gì. Đàn ông nhiều khi hời hợt hết chỗ nói, cứ để vậy mà gãi. Nhận được mấy lưỡi lam chắc đã hiểu lầm, tự hoạn? Tốt thôi. Bảo đảm đến chết tôi cũng không kham nỗi cái trò chăn gối. Sau này có bỏ nhau, đừng tưởng tôi ở vậy vì chính chuyên.

Con bé đã men theo hàng rào gỗ sau nhà, đi được chập chững. Tại sao nó biết cười dòn khi làm được việc khó? Chưa đầy một tuổi sao biết khen, chê, hờn giận, yêu sách? Ghê thật. Vậy mà con người ta khi trưởng thành lại có kẻ bỗng liệt cơ môi không thèm cười, hoặc đứt dây thần kinh tự trọng làm nhiều trò hèn hạ. Có khi hỏng cả 5 giác quan với người này nhưng lại có thêm giác quan thứ sáu với đối tượng kia. Con bé mở ra cho tôi nhiều cánh cửa nhưng đồng thời nó cũng khiến tôi khóa chặt lại một căn phòng trong đó không có ai.

 

Cho tới một hôm tôi thấy ngộp thật sự. Mới 5 giờ rưỡi sáng tôi choàng dậy đi tắm, gội đầu thật lâu đến nỗi hắt xì hơi liên tục, hai mắt đỏ ké vì thuốc gội. Xong, tôi sạch sẽ  thơm tho xăng xái ra góc vườn nơi mẹ chồng tôi, đã thức dậy từ hồi nào, đang cặm cụi nhổ cỏ mọc chen trong đám rau thơm. Tôi khom lưng xuống nói:

- Con có chút chuyện muốn thưa với má.

Bà ngẩng lên, hai mắt chưa đục nhưng đã có dấu mỏi:

- Chuyện gì nữa đây?

Không hiểu sao bà lại hỏi như vậy. Mấy tháng ở chung có vẻ như quan hệ mẹ chồng con dâu tốt đẹp. Bà nể con dâu biết chữ, còn tôi quý cái tình hẩm hiu chăm chút của bà dành cho đứa con trai độc nhất là Khang. Bà cũng yêu cháu lắm. Có lẽ Khang đã nói với bà điều gì, hay tự bà cảm thấy có gì không ổn giữa hai chúng tôi. Tôi nói:

- Má vào trong kia có ghế ngồi cho khỏe.

Bà chống tay lên vế, lấy thế đứng dậy, phủi phủi hai ống quần rồi thở dài.

Tôi pha hai tách trà. Bà mẹ chồng không nhìn con dâu, đưa mắt mông lung ra vườn. Chỗ chúng tôi ngồi là hàng hiên của một dãy nhà dài có bậc thềm bước xuống sân gạch rồi một bờ dốc trồng dứa và dừa. Xuống chút nữa là hàng rào dâm bụt, cái cổng nhỏ mở ra con đường mòn ngoằn ngoèo một lát mới tới đường cái dẫn xa ra phố. Bên kia là chùa sư nữ, nơi con bé thích hái bông trang đỏ và ngửi mùi nhang tươi phơi trong sân. Căn nhà chúng tôi đang ở nằm nhô trên mô đất cao như đồi, nhìn chung có vẻ như một chỗ trú bình yên và lâu dài. Con bé sẽ lớn lên ở đây còn tôi sẽ thu xếp việc nhà trong một tháng nữa để trông coi hiệu sách Ưng Thi ở phố. Tôi nói:

- Thưa má cho phép con đưa bé về ngoại.

Tôi hít vô một hơi thật sâu, giữ lại trong ngực rồi nói tiếp luôn như đang lặn xuống nước, giọng lùng bùng ngộp:

- Con không sống với Khang được nữa má à. Có nhiều lý do: thứ nhất nghề phiên dịch của con không thích hợp với ở đây, thứ hai con không làm được chuyện buôn bán giao dịch, thứ ba con không thể ăn ở không đi ra đi vô trong nhà chờ phát tiền chợ mỗi ngày, thứ tư trong thời gian con mang thai Khang ngoại tình với một cô bạn thân của con, thứ năm chưa bao giờ con yêu anh ấy, thứ sáu Khang có rận...

Tôi suýt khóc nhưng giữ lại được. Mẹ chồng tôi ngồi im tay cầm tách trà run khua nhè nhẹ vào thành dĩa, môi nhợt giật từng chập ở khóe. Lát sau bà nói, giọng như nhúng giấm:

- Má biết. Má ngu dốt ít học không biết dạy con của má nên mới ra nông nỗi...

Đột nhiên bà gào lên:

- Khang ơi, nó khinh mày quá rồi, ở sao được nữa con ơi!!

Tới đây bà khóc thút thít ấm ức như đứa trẻ tủi thân vì bị bỏ quên. Tôi ngồi lặng một lúc lâu, nghĩ hai người đàn bà, con bé lớn lên sẽ thêm một người đàn bà - ba người đàn bà châu đầu nhau mà sống trên mô đất này với cái bóng của người đàn ông không biết là cái gì của những người đàn bà kia. Chưa thấy Khang hôn con bé, chưa nghe Khang nói lời tử tế với mẹ, chưa cảm được cái chân tình Khang dành cho tôi. Sao cứ lừ lừ như cái bị thịt. Nặng nề quá. Tôi bỗng bật thành lời:

- Nặng nề quá. Bình yên nhưng nặng nề.

Mẹ chồng tôi ngừng sụt sùi một giây tưởng tôi đang nói gì với bà, thấy tôi im bà lại tiếp tục hỉ mũi. Ngày đã sáng trắng. Gió sớm lùa xao xác mấy ngọn dừa rũ rượi như tóc mấy mụ dại. Cát đổ xô xuống bờ dốc rồi mắc cạn ở chân hàng rào dâm bụt.

Tôi không nghĩ Khang không nghe thấy cuộc trò chuyện này vì chắc hẳn Khang đã thức dậy để chuẩn bị đi làm, với lại tâm tình của hai người đàn bà hơi ồn. Một người đàn bà đang làm khổ một người đàn bà và cả bản thân mình cùng người đàn bà nhỏ đang nằm bú tay trong kia. Tôi cũng nhớ cái địa ngục tôi đã thoát ra được bằng cách lấy chồng: ngôi nhà thấp tè tối thui trong hẻm nhỏ nơi cha tôi thường trực ngất ngưỡng bên xị rượu đế, còn anh tôi thì cười điếng một mình trong cái mùng giăng sùm sụp cả ban đêm lẫn ban ngày. Con bé sẽ về đấy để lớn lên có được không? Tới đâu thì tới chớ, chạy mồ gặp mả, cũng là nghĩa địa cả thôi. Tôi tự nhiên nổi sùng đứng phắt dậy bỏ vô phòng trong để bà mẹ chồng ngồi đó bấu tay vào tách trà đã nguội.

Khi Khang sắp ra khỏi cửa, tôi nói: 

- Anh đi làm bỏ chút thì giờ ghé mua cho tôi cái vé xe đò; nếu tiện mua thêm một ghế cho con bé nó thoải mái.

Vẫn nghìm nghĩm không nói gì. Chắc như bắp là Khang sẽ làm chuyện đó, bởi còn non nước gì nữa mà nói. Tối đó cơm nước xong vẫn không thấy Khang đề cập đến chuyện vé xe, tôi nhắc. Khang nhìn tôi bằng đôi mắt mà tôi dám cá là sẽ ám tôi cho đến hết đời. Có một chút gì hiểm ác, một chút gì thù hận, một chút van xin, một chút chịu đựng, với một chút cười cợt nữa. Tổng hợp của những cái một chút làm mặt Khang dại, bẹt ra như bị ấn sát vào mặt kính, mũi tè, hai môi dày vêu xệch, lưỡng quyền gồ. Không biết từ lăng kính nào tôi nhìn ra một chân dung như vậy. Tôi nghĩ nếu lúc ấy Khang thò tay xuống gãi chỗ ngứa, tôi sẽ nhào tới cào nát cái mặt đó.

Hai buổi tối nữa vẫn chưa có vé. Tôi không có đồng xu cũng không biết gì về cái thị xã ù ù gió cát này. Có thể vớ cái gì đó trong nhà đem ra chợ bán, xong bế con ngồi ở bến xe chờ sáng để mua vé đi chuyến sớm. Nhưng tôi không muốn việc chia tay biến thành cuộc đào tẩu vì cảm thương cho cả bốn người. Cuối tuần tôi vào chỗ nằm của Khang lúc gần nửa đêm. Ngọn đèn trái ớt tỏa màu đỏ bầm trong góc trái. Có tiếng bà mẹ chồng còn lục đục ở cái phòng cuối hiên, phòng ngoài con bé mút gối chách chách trong giấc ngủ như còn thèm bú bình, Khang đang ngáy khẹt khẹt. Tôi ngồi ghé vào mép giường khẽ chạm cho Khang thức dậy. Hai môi dày chép chép rồi cái cổ có chu vi 45 phân vặn vẹo để tìm một thế nằm. Cảm thấy vướng, Khang mở mắt kèm nhèm. Im lặng một lúc. Chắc Khang tưởng tôi nổi cơn đòi làm vợ. Tôi nói:

- Tôi vô đây để đòi cái vé xe.

Giọng nhựa:

- Em muốn đi đâu thì cứ tự mua vé lấy. Tôi không làm được.

- Tôi cũng không làm được.

Khang ngồi dậy co chân, hai tay ràng quanh gối, tỉnh ngủ:

- Vậy ai làm được chuyện này?

Tôi nhẹ giọng:

- Thực ra ai làm cũng được, nhưng mà...

- Tại sao em lấy tôi?

Sao hỏi xoàng vậy? Tôi đã nghĩ Khang hơi khác người khi đâm sầm vào đời tôi rồi quyết định đám cưới chỉ có vài tháng sau khi quen biết. Cái nhìn thường tổng hợp nhiều cái một chút của Khang thỉnh thoảng có làm tôi thú vị. Ngôi nhà trên mô đất có bờ cát dốc 600 cây số cách địa ngục hứa hẹn một đời sống yên ả. Tôi nói:

- Tại sao tôi lấy anh thì anh biết rồi, còn tại sao anh lấy tôi thì tôi chưa biết nhưng cũng chẳng sao.

Khang cụp mắt ngó xuống tấm vải trãi giường có những bông cúc đại đóa màu vàng nhuộm ánh đèn đỏ lẩn trong những bệt nâu như đất. Bằng giọng của kẻ tử đạo Khang nói:

- Tại vì tôi yêu em.

Sém chút nữa tôi bò ra cười, nhưng khoan đã, coi chừng Khang nói thật. Hai mí mắt sụp trên khuôn mặt nghiêm và buồn. Cười lúc này e xúc phạm tấm chân tình chăng. Một đàn rận bấu lấy những mạch máu hai bên thái dương làm đầu tôi tê rần, hộp sọ như hóa thạch. Tôi lấy móng tay nhọn cạy ra từng con. Tôi vạch, vạch, cạy, cạy. Khang la lên:

- Em làm cái gì vậy?

Tôi thấy mình bị xô ra rồi tôi nhào vô bấu mười móng tay vào mặt, vào ngực, vào bất cứ chỗ nào trên người Khang để nạy ra cho bật máu lòi xương. Nhào tới nhào lui một hồi tôi bị vật ngửa ra giường. Chà chà, tư thế thuận lợi. Tôi cong cẳng tống một đạp hết sức bình sinh vào cái ngực không cài nút, cái bóng tối đó, xong nằm thở hồng hộc. Khang lồm cồm bò dậy từ sàn nhà, đứng dang chân cách mép giường một mét rưỡi, hai tay chống cạnh sườn, ánh mắt tổng hợp đổ lên người đàn bà nằm có đeo hoa tai là tôi.

Trần Thị NgH

SG, 1999

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Tư 20248:51 SA(Xem: 15)
Anh linh anh Hoàng Khanh ơi, cậu con trai anh đang cho tôi thêm một ráng mây vàng nữa để tôi có cơ hội nhìn lên bầu trời xanh.
21 Tháng Tư 202410:55 SA(Xem: 174)
Còn tôi thì cứ ngồi đấy mà nhìn gã hiện diện trong nhà mình. Tôi hoàn toàn lúng túng với hai chữ đồng bào.
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 352)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 416)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 398)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 602)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 608)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 456)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 903)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 735)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8861)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17195)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12393)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19129)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9299)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 705)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1080)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1246)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22546)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14083)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19232)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7943)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8872)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8544)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11119)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30773)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20847)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25566)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22949)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21789)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19844)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18089)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19301)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16959)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16142)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24561)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32021)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34956)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,