PHAN TRIỀU HẢI - Bia Lạnh

30 Tháng Sáu 20235:43 CH(Xem: 2308)
PHAN TRIỀU HẢI - Bia Lạnh


Kể từ sinh nhật lần thứ ba mươi hai vào năm ngoái, Vy sợ béo bụng, thế nên thay vì nhấm nháp phô mai với bia trước khi ngủ, hai vợ chồng chỉ uống hai ly nhỏ trong bữa cơm. Thời tiết Sài Gòn khuyến khích việc tiêu thụ bia. Nếu được chọn địa điểm phù hợp nhất cho bia làm thánh địa, Cao sẽ bỏ phiếu cho Sài Gòn.

Thành phố này có đủ các loại áp lực: chật chội, ầm ĩ, nóng bức, ngột ngạt, giao thông, vệ sinh, ô nhiễm, và bia là thứ duy nhất hóa giải dễ dàng và nhanh nhất các vấn đề đó. Một ngụm bia khiến người ta có thể vừa chịu đựng mà vừa thoải mái, vừa cáu kỉnh mà vừa đủ năng lượng để làm những thứ bất ngờ.

Người biết uống bia không bao giờ chán Sài Gòn. Chắc chắn như vậy. Ngược lại, bia không thể tìm được nơi đâu phù hợp hơn để thi triển khả năng gây phấn khích, giải tỏa áp lực, kết bạn hay độc ẩm như nơi đây.

Dẫu vậy, Cao ít ra ngoài uống. Anh không phải là người có nhu cầu bè bạn. Cao luôn thích được một mình. Thế giới của anh luôn có xu hướng lược bỏ, vừa đủ. Và thế giới ấy càng thu nhỏ từ khi anh lấy vợ, đến mức cô đặc thành một không gian vừa vặn cho hai người, không thừa chỗ cho ai khác.

Không gian chật chội ấy, cùng một vài thói quen đã thành lễ nghi như chỉ uống bia bằng ly nhỏ hay liên lạc với nhau qua chiếc điện thoại bàn cổ lỗ, hình thành nên một vương quốc nhỏ với hai công dân chuyên tâm sống và làm việc theo chuẩn mực riêng. Ở đó, những khác biệt lớn như tuổi tác hay chiều cao bị xóa bỏ. Ở đó, Cao thấy thoải mái và an toàn.

Hay ít ra anh từng nghĩ thế.

- Thành phố mình ngày càng đông đúc - Vy nói khi rót bia vào hai chiếc ly thủy tinh lọt thỏm trong nắm tay.

- Ừm.

- Ai cũng đổ về đây kiếm sống, ở lại và cứ thế sinh sôi. Em nghĩ nó sắp nổ tung.

Cao nhớ quang cảnh bên ngoài cửa sổ chuyến tàu xuyên Việt ba mươi sáu năm trước đưa anh đến Sài Gòn. Những quãng đường rậm rịt lá, những chùm trái keo dày đặc tuồn vào qua cửa sổ tàu. Có phải cô ấy đang nói về mình? Cao nghĩ, nhưng không nói ra.

- Nếu có nơi khác tốt hơn, mình nên cân nhắc - Vy nói.

Nơi tốt nhất chính là nơi mình quen thuộc nhất. Cao lại nghĩ, nhưng thay vì nói, anh nhấp ngụm bia đầu tiên trong bữa tối.

- Bạn em vừa đi Mỹ về - Vy nói - Nó qua đó để sinh con.

- Ừm.

Dạo này Cao hay nghe những chuyện như thế nhưng không quan tâm mấy. Vì để làm thế, trước tiên phải biết làm sao để có con - điều với nhiều người ngày càng trở nên khó khăn, rồi mới bày đặt chuyện chọn một nơi cho đứa bé ra đời. Có quá nhiều thứ phải làm và không phải thứ nào cũng trong tầm tự quyết của mình.

- Nó mặc bộ hanbok che cái bụng bầu bảy tháng khi nhập cảnh.

Cao không cuồng phim Hàn Quốc, nhưng có thể dễ dàng vẽ ra hình ảnh một phụ nữ trong bộ hanbok. Dẫu vậy, cái bụng bầu bảy tháng bên dưới vẫn là điều anh không hình dung nổi.

- Có khi nào anh nghĩ mình sẽ sống ở một nơi khác?

- Nơi nào? - Cao ngắt lời vợ - Có nơi nào thoải mái hơn nơi này?

- Anh nghĩ thế thật à?

- Sài Gòn có đủ các cơ hội. Em vẫn được đi mọi nơi em muốn.

Vy bặm môi, nhìn thẳng anh. Cao nghĩ lúc này mình nên đứng lên đi lấy bia, nhưng không dám. Cuộc nói chuyện này không như những lần trước. Vy nói chậm rãi, từng từ, như cách người lớn giải thích một điều đơn giản cho trẻ.

- Đi chơi khác với sống. Có những nơi sống tốt hơn, sao mình không thử?

Cao thấy mặt nóng bừng.

- Sống mà so sánh mãi thế, em sẽ khổ.

- Em không so sánh. Những thứ ấy rõ ràng, anh biết nhưng lờ đi thôi.

- Mỗi em nghĩ thế.

- Ai cũng chỉ có từng ấy ngày, tháng, năm, nhưng đời mỗi người mỗi khác. Vì sao? Vì nơi họ sống, vì cơ hội họ có.

Những ngón tay Vy bám trên mép bàn ăn, lòng bàn tay che khuất bên dưới, những đầu ngón khẽ tái nhợt như người leo núi đang dùng hết lực để bám vào khe đá. Cao không nhớ lần cô nói nhiều nhất là khi nào. Hiếm khi Vy nói nhiều. Cô là kiểu người nói ngắn gọn, đôi khi cộc lốc.

- Một nơi tốt cho người này không chắc sẽ tốt cho người khác - Cao thở hắt ra, đứng dậy, nói - Anh đi lấy thêm bia.

- Sống còn gì hay ho nếu mình không chấp nhận sự thay đổi - Vy nói theo, nghe như một tiếng thở dài.

 
2.
Mùa hè, nhóm bạn trường cũ bất ngờ tổ chức tiệc họp mặt. Cao bất ngờ khi gặp lại một vài người bạn mà anh nghĩ đã biến mất ngoài biển nhiều năm trước.

Sau khi giới thiệu tên, tất cả mất một lúc để thấy dưới mái tóc muối tiêu, dưới làn da đầy vết nhăn kia là thần thái cũ với cách nói chuyện, âm điệu, cử chỉ của những đứa trẻ từng thân thiết ở tuổi mười hai. Mọi thứ vẫn còn nguyên trong hình hài khác.

Nhưng riêng Huy thì ngay cả ngoại hình cũng không thay đổi. Huy vẫn thấp bé như thể không tăng thêm một chút chiều cao nào bao năm qua. Cao vẫn nhớ nhất chuyện cả hai sau buổi học thay vì về nhà là đi thẳng vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, ngồi đong đưa trên nắp cái hầm mộ xây nổi bằng ximăng trắng, bên trong vương vãi các mẩu xương khô, cùng đọc đi đọc lại cuốn sách mua từ một gánh đồng nát, Truyện ngắn Chekhov, cho đến một sáng như mọi ngày, Cao đứng chết lặng trước cánh cửa gỗ cũ kỹ khép chặt với ổ khóa đen thẫm của nhà bạn. Huy đã biến mất cùng gia đình.

- Tao vẫn còn giữ cuốn sách ấy - Cao nói.

Cuốn sách đi theo Cao mãi trong bao nhiêu năm qua, dù anh không có ý thức giữ gìn mấy. Cứ vài năm, nó xuất hiện đâu đó, trong hộc tủ cũ, dưới gầm giường và gần đây nhất Cao tìm thấy nó nằm lẫn trong đống giấy báo chuẩn bị vứt ra đường. Cao nghĩ sẽ tặng lại Huy cuốn sách ấy. Nó tồn tại đó, bất chấp sự hờ hững của anh vì nó thuộc về một người khác. Nó biết đợi.

Hai cái ly nhỏ đã được thay bằng ba chai bia màu xanh lóng lánh. Không biết có phải thế mà không khí sinh động hẳn. Suốt buổi tối, Vy nghe hai người bạn cũ thay nhau kể những chuyện ngớ ngẩn.

Chuyện mải mê đọc truyện tình của Chekhov trên đống xương người trắng nhởn cho đến nhập nhoạng tối, chuyện cả hai cùng rung động lần đầu với một người. Trong khi hai người đàn ông dần hóa thành hai đứa trẻ, Vy tay chống cằm, mỉm cười.

Cao nhận ra Huy nhớ rất nhiều chuyện của tháng năm ấy. Câu chuyện nào cũng có anh, nhưng chúng hầu như chỉ nằm lại trong đầu Huy. Có thể khoảng cách tác động đến khả năng lưu trữ ký ức, Cao nghĩ. Nếu là nhà khoa học, mình có thể kiếm tiền từ mối liên hệ này: Khoảng cách tác động đến tình cảm, tình cảm nuôi dưỡng ký ức. Một công thức không tệ. Càng về cuối, các câu chuyện chỉ còn mỗi Huy kể và chúng dày đặc thành một khối sương mù.

Cao không còn lắng nghe như lúc đầu, anh thả mình bập bềnh trong biển sương mù đó, ngắm người phụ nữ đang ngồi trước mặt đang chập chờn mờ ảo. Nàng quá duyên dáng, quá nhẹ nhõm. Như ngày xưa. Mười năm trước, lần đầu tiên gặp Vy, anh đã choáng váng. Nhan sắc ấy dường như không đổi, nhưng giờ đây anh như đang khám phá lại.

Cao nhận ra vợ đẹp hơn hầu hết những phụ nữ anh gặp mỗi ngày. Khi mình không quan tâm, ai sẽ ngắm cô ấy? Cao thấy hơi khó chịu. Trong những năm qua, khi bị bỏ quên, đôi mắt ấy, đôi môi ấy tàng hình hay lẳng lặng dâng mình cho đám đông?

Đêm đó, ngập chìm trong nhan sắc rực rỡ của vợ cùng một chút ghen tuông, Cao phải rất chật vật để khung đầu giường không va vào tường cồm cộp trong khi Vy cắn ngập góc bao gối để không lọt âm thanh ra phòng khách, nơi Huy ngủ lại một đêm trên chiếc ghế dài lót một tấm đệm mỏng. Nếu những năm qua lúc nào mình cũng hưng phấn thế này thì có lẽ chuyện con cái chẳng là vấn đề gì, Cao nghĩ.

- Em không muốn có con lúc này - Vy thì thào.

Ngực Vy phập phồng. Cô như con cá hồi cạn kiệt sức lực sau đợt nhảy ngược dòng tìm về chốn cũ. Nhưng đâu phải con cá hồi nào cũng sẽ đẻ trứng trong giai đoạn ấy. Luôn phải có ngoại lệ.

- Nếu mình có con, bữa ăn sẽ vui hơn nhiều - Cao chậm rãi kéo từ trong miệng ra một sợi tóc dài của Vy.

- Sinh con không để vui - Vy nói khẽ, hai tay rời lưng Cao, thõng sang hai bên - Trước tiên phải bảo đảm con có cơ hội tốt.

Cao thở nhẹ, phủ chiếc áo của anh lên người cô. Vy nằm im, mắt khép lại, không phải ngủ mà đang nghĩ. Xung quanh hoàn toàn yên tĩnh, bên ngoài kia và cả ở đây. Cao thấy mình thật bất nhẫn khi sau bao nhiêu năm mới gặp lại người bạn thân nhất mà vẫn đi ngủ đúng giờ như mọi ngày.

3.
Trong khi Cao chật vật len qua đám đông giờ tan tầm, Huy cố gắng làm quen với việc ngồi sau mà tay không vịn đuôi xe. Huy không muốn bị nhận ra mình từ nơi khác đến. Càng gần đến nơi, Huy càng căng thẳng.

- Ngày xưa, lần đầu thấy Lai ngồi bên đàn, tao hiểu cô ấy ngoài tầm với bọn mình.

Đúng. Hồi ấy, đó cũng là những gì Cao nghĩ. Cao nhớ chiếc piano màu gỗ nâu sẫm, bóng loáng khiến cả bọn choáng ngợp như thế nào. Anh nhớ vị trí chiếc đàn và chiếc ghế như một kho báu bí mật, bởi bên trong chứa đầy sách nhạc.

- Tao từng nghĩ đó là chiếc piano duy nhất ở Sài Gòn.

- Hoặc là chiếc đẹp nhất.

- Chắc chắn rồi - Huy nói.

Lai vẫn ở trong ngôi nhà gần trường mà trước đây chỉ cần đi qua đường là đến. Cô đang ngồi trước nhà, lọt thỏm trong chiếc ghế vải mòn rách ở mép. Lai nhận ra ngay hai kẻ si tình cũ, nhưng chỉ cười nhẹ như thể hôm nay là thứ năm, ngày duy nhất trong tuần cả lớp được về sớm lúc ba giờ và cả bọn ghé qua tán gẫu. Cô lẳng lặng lấy ra hai chiếc ghế nhựa nhỏ đặt bên cửa.

Huy và Cao nhìn nhau, rồi ngồi xuống.

Lai vẫn nhỏ nhắn và trắng trẻo dù có thêm một vài vết nám ở gò má - dấu hiệu ở một số người sau khi sinh con. Cao chợt nhận ra không biết từ lúc nào anh quan tâm đến những chi tiết như thế. Phía sau cô là những thùng nước ngọt và bia chất cao đến tận trần. Trên tủ kính là một túi quà mẫu gói sẵn, bên trong có một hộp bánh quy đỏ hiệu Cosy, một hộp trà túi vàng tươi hiệu Lipton, một hộp cà phê hòa tan hiệu Nestlé, một túi kẹo hiệu Bibica và một chai vang Đà Lạt nâu sẫm. Giấy kiếng gói hẳn đã lâu, mềm xỉn, bám bụi.

Cao thoáng thấy ở Lai vài sợi tóc bạc, một vài vết nhăn ở mắt, nói chung không quá tệ với một người mẹ đơn thân một con. Vẫn rõ thần thái cô bé mười hai tuổi ngày xưa.

Trong những năm xa xưa ấy, không ai thấy Lai từng buồn, cô vui vẻ và dễ dàng lướt qua những gì khó chịu y như cách đang chào đón hai người bạn lúc này, không quá nồng nhiệt mà nhẹ nhõm thân tình. Thảo nào ai cũng thích cô. Thảo nào vào một buổi chiều trong nghĩa trang, Huy và Cao xé bỏ lời thề kết nghĩa ở trang bìa cuốn Truyện ngắn Chekhov khi tranh cãi ai được quyền theo đuổi cô.

Cả bọn ngồi im một lúc. Lai xoay chiếc quạt nhỏ về phía bạn, cánh quay điên dại nhưng không ra được mấy gió.

- Mình luôn được cha mẹ sắp xếp cho mọi việc - Lai nói - từ nghề nghiệp đến các mối quan hệ. Nhưng mình lại ngẫu nhiên gặp một người, sinh con, chia tay và làm những điều mình chưa từng biết. Mọi việc chẳng theo kế hoạch nào.

Mỗi người sống là đang viết một cuốn sách cho riêng mình. Lai đang kể câu chuyện của cô. Cao không biết cuốn sách đời mình có hấp dẫn, có khiến mọi người phải chăm chú, lật trang.

- Không kế hoạch nhưng mọi việc cứ trôi - Lai nói - Rốt cuộc, cái đời này nó diễn ra đơn giản hơn những gì cha mẹ mình lo lắng.

- Tôi thì khác, luôn phải có kế hoạch, tiền nhà, bảo hiểm, thực phẩm, tiền xăng. Tất cả đều chính xác. Tháng nào cũng như thế. Luôn như thế - Huy nói.

Mình thì theo thói quen, Cao nghĩ. Nhưng có lẽ thói quen cũng là một dạng kế hoạch được lặp đi lặp lại. Thật may là ngày ấy cả hai bất phân thắng bại khi tranh giành Lai. Nếu không, bất cứ sự kết hợp nào với người phụ nữ kia không thành bi kịch cũng là hài kịch. Cao cố tập trung vào câu chuyện của bạn.

- Không có khả năng đọc hay đối phó với cạm bẫy, thế nên cách mà mình chọn là nhắm mắt đi xuyên qua chúng - Lai nói - Chúng để lại vết sẹo đẹp xấu gì mình cũng chịu, miễn là rốt cuộc mình đi xuyên qua chúng.

4.
Đêm cuối cùng ở Sài Gòn, Huy uống nhiều. Khi kim đồng hồ chỉ số mười thì Huy nói: Năm phút nữa tôi về. Huy hay nói trước giờ về một lúc như thế. Không hiểu thói quen đó có từ đâu, nhưng Cao thấy cách ấy cũng hay. Bao giờ cũng dễ chịu khi thấy mình đang sống trong một kế hoạch, dù nhỏ.


Trên bàn chỉ còn lại đĩa phô mai vị bia, miếng phô mai này mua từ hồi đầu năm, hàng giảm giá từ tiệm Gourmet, giờ đã cũ, hơi khô nhưng vẫn ngậy. Cao lấy ba chai bia đặt trước mỗi người.

Ba cổ chai chạm vào nhau như một chùm rễ đước, rồi rời ra. Cả ba nhấp nhẹ. Dù gì hôm nay cũng đã uống nhiều.


Vy hai tay chống cằm một lúc, rồi nói mà không nhìn Cao.


- Em thấy chỉ còn một cách này để đi.


Cao mất vài giây không hiểu đang nghe ai nói, và mất một vài giây không hiểu Vy đang nói với ai. Nhưng rốt cuộc anh biết Vy đang nói với mình.


Cao nhìn Vy, nhưng cô chỉ nhìn chai bia.


- Mình có thể ly hôn giả - Vy nói, rành rọt - Sau đó, em sẽ lấy một người đang sống bên kia.


Cao mất một lúc để hiểu. Từ đầu đến cổ, đến vai bỗng dưng tê cứng.


- Chỉ mất vài năm - Vy nhấp một ngụm bia và tiếp - Rồi đâu sẽ lại vào đó.


Tất cả im lặng một lúc. Cái cổ có vẻ mềm hơn, Cao dường như có thể quay nhẹ đầu, nhưng anh không thử. Gần như chỉ hai mắt của anh cử động. Cao thấy Huy đang lặng lẽ uống. Còn Vy, nét mặt trở lại bình thản, như vẫn đang hờ hững nghe những câu chuyện vô thưởng vô phạt.


- Em nghĩ gì khi nói ra điều ấy?


- Chỉ là một kế hoạch. Mình sẽ bàn chi tiết với nhau.


- Làm sao em có thể nói ra được điều ấy?


Cao lặp lại, giọng nghẹn, không thể nuốt được gì, kể cả không khí.


- Nếu có thể chọn nơi sống tốt hơn thì sao không thử - Vy nói - Anh chỉ có một cuộc đời, anh có chịu thay đổi hay không thì nó cũng hết.


- Mình đang hơn bao nhiêu người, sao phải thay đổi?


Huy uống một hơi hết chai bia, nhìn đồng hồ.


- Tôi phải về.


Cao nhìn Huy như nhìn một người lạ từ đâu hiện diện trong nhà. Mất một giây để anh nhận ra người bạn cũ. Huy đến bên chiếc điện thoại để bàn bấm số. Huy nói chuyện với tổng đài, xác nhận lại địa chỉ và số điện thoại, rồi gác máy. Từ lúc nào nó nhớ số điện thoại của nhà mình? Huy không nói gì, lẳng lặng vỗ nhẹ vai Cao và đi ra cửa. Vy đi theo.


Cao ngồi lại, nghe tiếng khóa cổng lanh canh ngoài sân.

5.
Cao không phải kiểu người chấp nhặt; anh chưa bao giờ chê bai một món ăn nào, bất kể được phục vụ bằng đĩa sứ, đĩa sành nhà hàng sang trọng hay trong bát nhựa đĩa giấy vỉa hè, hay chỉ một bát mì gói qua bữa khi bận rộn.

Cao có thể thích nghi với các hoàn cảnh khó chịu, như vẫn có thể xem phim khi ghế bên có người người huyên thuyên, hoặc tập trung vào đĩa của mình bất chấp đám đông trong bàn ăn gần đó to tiếng. Tất cả đều là trải nghiệm, Cao nghĩ. Đó chính là cuộc sống. Xấu hay đẹp cũng đều được tận hưởng.


Nhưng Cao có một bản năng xấu; thay vì đơn giản nhìn bề mặt các sự việc, anh thường lần đến nguyên nhân. Bữa ăn với bát mì gói là bình thường nếu cả hai về muộn, nhưng sẽ là chuyện khác nếu đó là kết quả của sự lười biếng vô tâm. Anh xem đám thực khách huyên náo trong tiệm ăn ngày cuối tuần như một buổi diễn miễn phí của nhà hàng, nhưng nếu đó là việc họ cố tình phá hỏng bữa tối của anh thì chuyện sẽ khác.


Thế nên những gì Vy nói đêm ấy xem như kết liễu cuộc hôn nhân.

6.
Đã hai tuần Vy không về, cũng không bắt điện thoại.

Cao bắt đầu quen với việc vắng cô, không cần lấp liếm sự thiếu vắng ấy bằng cách tìm gặp người này người nọ như những ngày đầu. Cao đã gọi cho cha mẹ vợ. Với giọng bình tĩnh hơi chút xa cách, họ bảo cô vẫn ổn, không có gì phải lo lắng.

Cao thấy mình hơi bất nhẫn khi có cảm giác dễ chịu. Từ khi Vy đề xuất kế hoạch điên rồ của cô thì trong đầu anh, Vy chỉ còn một nửa. Mọi thứ chính xác chỉ còn một nửa. Cô hiện ra trong trí nhớ anh với một nửa bên trái hoặc bên phải, một nửa mái tóc, một mắt, một tai, một cánh mũi, một nửa miệng.


Tất nhiên một nửa con người không thể đẹp về mặt thẩm mỹ và hoàn toàn không đem lại cảm xúc. Cao thấy mình có thể quên cô rất nhanh, nhưng anh cố cưỡng lại, bởi nếu cô không còn trong tâm trí anh, có nghĩa cô đã đúng, những năm tháng qua hoàn toàn đáng để vứt đi.


Dưới nhà, chiếc điện thoại để bàn réo rắt khiến Cao giật mình như nghe chuông báo cháy, hay tiếng hú còi xe cứu thương.


Chỉ có thể là Vy. Chỉ Vy mới gọi vào chiếc điện thoại để bàn. Đó không chỉ là tín hiệu riêng của hai người giữa một thế giới nháo nhào với mạng xã hội, mà là một trong những thứ tạo ra nền móng của gia đình nhỏ này.


Nhưng lúc này, Cao ngập trong nỗi chán chường.


Anh đứng yên, để điện thoại reo như thế cho đến khi tắt ngúm.


Thể nào cô ấy cũng gọi lại, Cao nghĩ. Phụ nữ giàu cảm xúc, họ không thể kiên nhẫn. Nhất là Vy. Cô không thể chờ sự thay đổi tìm đến, mà muốn tự mình thay đổi ngay lập tức.


Cao lẳng lặng mở tủ lạnh, lấy chai bia cuối cùng. Cầm chai bia có màu xanh trong suốt, anh nhớ ra đã lâu không còn uống bia bằng ly. Có phải mọi chuyện tan tành đều xuất phát từ sự gãy đổ của những nguyên tắc nhỏ? Nếu uống theo cách cũ, liệu bình yên có trở lại không?


Cao nhìn chiếc điện thoại để bàn im lìm.


Mười phút, nhưng Cao thấy dài dằng dặc. Thể nào cô ấy cũng gọi lại - Cao lẩm bẩm - Cô ấy sẽ gọi lại. Dù sao mình vẫn hiểu cô ấy hơn bất kỳ ai.


Đúng lúc ấy điện thoại reo.


Cao chậm rãi đặt chai bia lên bàn, hít một hơi dài, nén sự rộn ràng trong lồng ngực, nhấc ống nghe.


- Tao, Huy đây.


Cao nén tiếng thở dài.


- Hai vợ chồng đang uống bia à? - Huy hỏi.


Tín hiệu hơi rè rè, rồi trong trở lại.


- Báo với mày tao sẽ lấy vợ.


- Hả? Với ai?


- Lai - Huy nói - Rốt cuộc cô ấy quyết định sẽ đi, vì con.


Cao im lặng.


- Nhưng với tao là vì yêu thật - Huy nói - Sẽ là vợ chồng thật.


Vì con. Cao không biết cảm giác ấy. Vợ chồng thật. Cao nghi ngờ cảm giác ấy. Sau bao nhiêu năm tưởng có mọi thứ, Cao thấy mình trắng tay.


- Hi vọng mày không ghen.


- Không, không hề - Cao nói nhanh.


Huy cúp máy.


Cao thừ ra một lúc, rồi chậm rãi đến bên bàn lấy chai bia, nhấp một ngụm. Nắng chiều khiến bia nguội ngắt. Chưa bao giờ anh uống phải một thứ bia nguội như thế, nhạt nhẽo vô hồn.


Cần phải cho chai bia vào lại trong tủ lạnh nhưng thay vì làm thế, anh lại ngồi xuống ghế, hai tay đặt trên bàn vòng quanh chai bia nhạt.


Mình cần bia lạnh.


Cao nghĩ, rồi thử nói to thành tiếng, nhưng cơ thể anh không nhúc nhích. Anh như bị đúc vào chiếc ghế gỗ, hóa thành gỗ, không tài nào nhấc lên được nữa.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Tư 20248:51 SA(Xem: 22)
Anh linh anh Hoàng Khanh ơi, cậu con trai anh đang cho tôi thêm một ráng mây vàng nữa để tôi có cơ hội nhìn lên bầu trời xanh.
21 Tháng Tư 202410:55 SA(Xem: 176)
Còn tôi thì cứ ngồi đấy mà nhìn gã hiện diện trong nhà mình. Tôi hoàn toàn lúng túng với hai chữ đồng bào.
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 353)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 420)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 400)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 603)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 609)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 456)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 904)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 735)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8863)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17196)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12395)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19130)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9300)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 707)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1082)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1250)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22547)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14084)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19233)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7943)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8874)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8545)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11119)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30775)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20850)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25567)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22950)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21789)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19844)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18090)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19302)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16961)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16142)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24562)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32022)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34957)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,