(Bài nói chuyện tại Arlington Central Library, Washington D.C ngày 28-11-93)
Nhà văn Trương Anh Thuỵ (Thứ nhất bên phải)
Một trong những khám phá lớn của thơ Việt
Bên cạnh đó, máu me, lục phủ ngũ tạng, vi trùng... được phơi bày trong thơ một cách cụ thể, trần trụi. Thí dụ Hàn Mặc Tử với những câu thơ tả bệnh của ông:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
mỗi lời thơ đều dính não cân ta
bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
như đam mê chết điếng cả làn da...
Hoặc những câu trong bài Ave Maria, có đượm màu tôn giáo, cho ta thấy niềm tin mãnh liệt nơi ông:
Maria linh hồn tôi ớn lạnh
run như run thần tử thấy long nhan
run như run hơi thở chạm tơ vàng
nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Đến Huy Cận thì lại còn dám thách thức cả thượng đế. Trong bài "Thân Thể", sau khi ông dùng nhiều câu thơ để tả con người do Chúa dầy công nặn ra, như một bức tượng hoàn hảo, với đôi bàn tay như hoa nở, cặp chân mày chồi măng, mắt sáng ngời ánh sao, cổ vững chãi như cây, vai ngang bằng mặt nước... bỗng dưng ông nhìn thấy bên trong cái thân thể đẹp đẽ ấy, lúc nhúc những vi trùng, đang gia công đục khoét, ông mỉa mai:
Hỡi Thượng Đế! Người công phu biết mấy
nhưng mọt sâu nương núp giữa lâu đài...
Để cuối cùng ông kết luận:
Nếu Chúa biết bao nhiêu hồn ly tán
vì đã nâng bình lửa ấp lên môi
thì hẳn Chúa cũng thẹn thùng hối hận
đã sinh ra thân thể của con người.
Và hôm nay, cuối thế kỷ thứ 20, tại hải ngoại, giữa chúng ta, một Du Tử Lê, cũng làm thơ về bệnh. Bệnh của anh, bệnh Thyroid, đã ăn đậu nằm nhờ thân thể anh năm năm trời. Căn bệnh đến với anh như một người khách bất đắc dĩ, đến như một cái duyên, một định mệnh:
ô kê, cũng tốt thôi Thyroid
cuối cùng rồi chúng ta cũng gặp nhau
như những con hải âu chọn biển xanh
để hả hê khoe tấm lòng trinh trắng
...
ô kê cũng tốt thôi Thyroid
cảm ơn bạn đã chọn tôi
như đất chọn trời
như đại bàng chọn đỉnh núi
như cọp vằn
chọn rừng sâu
Có lẽ, vì coi bệnh là định mệnh nên anh chấp nhận nó như ta chấp nhận cái tai, cái mắt, cái mũi của mình, và anh khá bình thản khi chuyện trò với bệnh. Anh không tìm đến tôn giáo để tự an ủi như Hàn Mặc Tử, anh trực diện và lý sự với bệnh:
Thyroid, chính bạn
(chứ còn ai vào đấy)
đã xơi của tôi miếng mắt trong
chính bạn chủ mưu đẩy con ngươi tôi lồi ra khỏi hốc mắt
bạn chơi khăm quá đi
chơi đểu quá đi
chơi sát ván
chơi tôi ná thở...
Rồi có thể vì anh đã tách được mình ra khỏi căn bệnh để đặt thành một quan hệ chủ khách nên anh khách quan được, đôi khi còn giễu cợt nữa là đằng khác:
ờ cũng được
cũng tốt thôi
giữa chúng ta thật ra
chẳng hề có một problem gì
Ở một đoạn khác, anh nói:
đã năm sáu năm qua
tôi với bạn vẫn trịnh trọng
thi hành cam kết bất thành văn:
tuần trăng mật nào chẳng có ngày chấm dứt
Anh cũng biết thách thức, nhưng khác với Huy Cận, anh không đem Thượng Đế ra mà xài xể, mà quay ra thách thức căn bệnh của anh, xem như một thứ đua tài, thử sức chơi:
tựa cuộc thi nước rút có giải thưởng
bạn thả những chiếc hạch lớn nhỏ
chạy vòng quanh cổ tôi
ôi cái cổ ngẳng ra
giúp cuộc đua thêm phần hấp dẫn!
Trước lạ, sau quen. Riết rồi người khách ở chơi lâu cũng thành bạn, dù chỉ là bạn bất đắc dĩ. Vì thế, cũng có những lần anh thủ thỉ tâm sự với bệnh, nhưng không hề năn nỉ:
bạn nhất định xơi con mắt của tôi
cũng được đi
nhưng chẳng việc gì phải chơi nhau tận tình đến thế
dù sao tôi cũng chỉ cần con ngươi mình lúc này thôi
(ngay khi chúng còn có cơ phạm tội)
để nhìn những người tình ra đi
như nhìn dòng nước chảy
...
dù sao tôi cũng chỉ cần
con ngươi mình lúc này
để thấy các con tôi
những đứa nhỏ như chim
lớn giữa mùa bão rớt
những đứa nhỏ như tre
mọc giữa rừng cháy nám
những đứa nhỏ không dám
nghĩ có ngày gặp cha
Để rồi anh hạ bằng một câu rất trữ tình:
ô kê cũng tốt thôi Thyroid
cảm ơn bạn đã cho tôi
những ngón tay gân lên những đường gân luống tuổi
những buổi chiều gió quẩn hút trong cây...
Đọc bài "Cuối Năm Chuyện Vãn Với Bệnh Thyroid", tôi không có ý đi tìm chất thơ tiêu biểu của Du Tử Lê, vì các bài khác của anh chứa đựng chất thơ hơn nhiều. Ở đây tôi chỉ tìm thấy những ngôn ngữ giản dị. Nó không hóc búa như các bài thơ viết về các bạn anh, nói đến những bí mật những mã số mà có lẽ chỉ anh với bạn hiểu mà thôi. Trong bài này, những chữ láy đi láy lại nhiều lần "Cũng tốt thôi" - Cũng tốt thôi" cho người đọc ấn tượng bình thản, thân tình, hài hước, thách thức. Hơn nữa, bài thơ đã nói lên được quan niệm vô thường của nhà Phật: ở đời không có gì vĩnh cửu, kể cả niềm vui, nỗi buồn, núi, sông, con người, bệnh tật rồi cũng chỉ ở cõi tạm. Song anh vẫn không khỏi xót sa:
vì sự túng thiếu
của cả tôi lẫn bạn cộng lại
cuộc đời sẽ ném chúng ta
vào xó góc lãng quên
thua một con chó chết...
Và cuối cùng, trong đoạn chót bài thơ, anh viết:
cũng tốt thôi! cũng tốt thôi
Thyroid
tôi muốn triết lý vụn với bạn
rằng
có gặp gỡ nào
chẳng đem tới chia ly
chỉ khác nhau điều:
sớm, muộn.
Đến đây cảm gíac đau đớn do bệnh của anh đã được thăng hoa.
Anh đã chào vĩnh biệt bệnh của anh một cách nhẹ nhàng, rất bình thản, rất...thiền.
TRƯƠNG ANH THỤY.
(Tạp chí Văn Học, số 93&94, tháng 1 & 2-1994)