NGUYÊN NGỌC - Mạ tôi

31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 569)
NGUYÊN NGỌC - Mạ tôi
Trong ký ức tôi Hưng Mỹ là hai ấn tượng trái ngược: một bến đò dọc hiền lành, nửa quê nửa tỉnh – dân Hội An tản cư về khá đông, đem theo về ít nhiều không khí và cả văn hóa Hội An, người Hội An về Hưng Mỹ không thấy bỡ ngỡ, Hội An tuy là phố nhưng vẫn là một thứ làng-phố hay phố-làng, văn minh, hiện đại hơn song vẫn chất phác, thân tình kiểu làng. Còn Hưng Mỹ, do những chuyến đò dọc đưa khách đi lại và tạo tuyến buôn bán nối phố với quê nên cũng đã tỉnh thành hóa kha khá… Cái bến sông ấy, mỗi lần tôi về quê nghỉ hè, hết kỳ nghỉ trở lại phố, khi bước chân xuống đò buổi chiều tối, người lái đò cầm cây sào dài đẩy chiếc thuyền rời bến, bao giờ tôi cũng nhớ đến cái câu bất tử trong cuốn sách Quốc văn giáo khoa thư "của Nhà nước giao cho ông Trần Trọng Kim, ông Bùi Kỷ và ông Đỗ Thận soạn": "Thầy mẹ tôi tiễn tôi ra tận bến sông, nơi thuyền đậu… chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!…". Thế hệ chúng tôi có cái hạnh phúc lớn được thuộc đến nhập tâm những trang giáo khoa thư tuyệt diệu đến thế đó, sẽ đi theo mình suốt đời, làm nên một phần sâu thẳm nhất và đẹp nhất trong tâm hồn, khiến mỗi chúng tôi có nhiều khả năng trở thành người tốt, dù có trải qua bao trầm luân và bị nhấn vào bao bụi bặm cuộc đời. Mãi rất lâu sau tôi mới biết các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Đỗ Thận được Nhà nước giao biên soạn nỗi buồn lạ lùng và vô lý cho chúng tôi là những nhà văn hóa lớn của đất nước. Tôi về quê nghỉ hè ở nhà dì tôi, rồi hết hè lại ra phố, có gì đâu mà biệt ly, nhưng cái câu ấy, "ôi, cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!" vẫn thấm vào tôi kỳ lạ, dường như nó nói về nỗi buồn ly biệt của số phận con người vĩnh hằng, ở cái thuở mới hơn mười tuổi đầu nó đã gieo vào tôi nỗi buồn nhân thế, như là nỗi bấp bênh của số kiếp con người, hay của cả muôn vật trên thế gian. Đó là một nỗi buồn trong lành, đến mức có thể trang bị cho chúng tôi chất đề kháng âm thầm mà bền bỉ chống lại mọi thứ lý thuyết tạp nham được nhồi nhét suốt về sau. Còn có điều lạ, nỗi buồn biệt ly vô cớ chừng như không đáng có kia, lại rất gần gũi với một mặt khác, mặt thứ hai, bác học, sang trọng, thành thị của nỗi buồn "sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp…", của "vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu" Huy Cận, cả "dạ bán chung thanh đáo khách thuyền" Trương Kế… Nhân đây thôi thì cũng xin nói luôn một thể: Có lẽ một trong chỗ dở nhất của văn học và dạy văn ở ta bây giờ là quên nói về nỗi buồn, nỗi buồn nhân thế vô nghĩa.

Tôi có một chị bạn họa sĩ, bây giờ sống ở Mỹ. Chị vẽ trừu tượng, ngày tháng đi triển lãm khắp thế giới. Mỗi lần chị về Sài Gòn, chúng tôi lại ngồi với nhau trên tầng cao một nhà hàng nào đó, nhâm nhi rượu vang, ngắm Sài Gòn lao xao bên dưới, và nói với nhau đủ thứ chuyện, trừ chính trị. Chị có tặng tôi một catalogue in tranh của chị. Tôi xem đi xem lại, rồi viết cho chị một cái e-mail nói rằng tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ rất thích, thế thôi, chẳng biết vì sao. Và thêm: "Nhưng mà hội họa có phải là để mà hiểu đâu, phải không?". Chị trả lời: "Em cảm động lắm vì câu nói của anh, hội họa có phải là để mà hiểu đâu!". Vậy để làm gì? – có trời biết! Nhưng thử không có nó xem, sẽ ra sao cuộc đời và con người?…

…Vậy đó, một mặt của Hưng Mỹ. Bến thuyền nhỏ, hiền và cái buồn thôn dã man mác và vô lý buổi chiều hôm. Tôi mang thêm về đó cái buồn cũng rất hiền của Hội An, và cả những rắc rối nghệ thuật và văn học đã bắt đầu gieo sớm vào tôi, và tôi sống vài năm đầu tản cư ở đấy chập chờn giữa hai thế giới đối nghịch kỳ lạ.

Bởi còn một Hưng Mỹ khác, song song, đồng thời.

Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ, thì ngán nhất là phải băng qua cái bãi cát ngăn giữa quốc lộ 1 với chợ Hưng Mỹ. Ở quê tôi người ta gọi đấy là "nỗng", nỗng cát. Nỗng cát ấy mênh mông, chiều dài đến bốn năm chục cây số, chiều ngang, tính từ cái ngã ba trên quốc lộ 1 gọi là trạm Nam Ngọc hay Ngọc Phô (vốn là một trạm đường thiên lý xuyên Bắc Nam thời Nguyễn) xuống cho đến sông Trường Giang là 5 cây số. Toàn cát, cát, cát, và hầu như tuyệt đối không còn gì khác nữa, ngoài những cây phi lao – mà ở quê tôi người ta gọi là cây dương – cằn cỗi không lớn nổi trên cát, đến nửa cây số mới có một đôi cây chống chọi được với cát cháy, lè tè, xơ xác, chơ vơ như những người lùn bị đày vào giữa hoang mạc lửa hung ác.

Bỏ Hội An, tản cư về Hưng Mỹ, gia đình tôi có 6 người, ba mạ tôi, và bốn anh em chúng tôi, ba trai một gái, tôi là anh cả. Năm 1947 mạ tôi sinh thêm một em gái, vậy là thành năm. Ba tôi tiếp tục đi làm bưu điện kháng chiến một thời gian ở vùng tây Quảng Nam cách nhà khoảng vài ba chục cây số, rồi nghỉ, vì bưu điện cũng chẳng còn việc gì làm. Nó đã chuyển thành một thứ sau này, trong chiến tranh chống Mỹ, gọi là "giao liên", ba tôi không còn thích hợp với công tác đó. Nuôi sống gia đình chỉ còn có mỗi tay mạ tôi. (Ông nội tôi, vốn quê Thăng Bình Quảng Nam, đã ra Huế đi lính cho triều đình, đâu vào thời vua Duy Tân. Ông lấy thêm một bà vợ Huế. Bà nội ruột của tôi người Quảng mất sớm, chỉ còn bà nội Huế, nên trong gia đình tôi con cái đều gọi mẹ là mạ, theo cách Huế). Tôi còn nhớ rõ hai tấm ảnh quý của mạ. Một tấm chụp ở Hội An, bà cùng mấy người bạn gái đều là vợ các "thầy thông Dây Thép", người ngồi ghế xa lông, người đứng tựa vào tay ghế. Năm ấy bà khoảng 40, tôi đoán thế, mặc áo dài, đeo kiềng vàng, vừa có cái đoan trang cao quý của một người cháu trực hệ cụ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, vừa vẫn còn vương một chút chất gái quê, lại vừa bắt đầu có dáng một bà "thông" thành thị; tất cả các tính chất ấy vừa như đã bắt đầu mất đi một nửa, lại bắt đầu có thêm một nửa… Tấm ảnh thứ hai chụp hôm tôi trở về Đà Nẵng sau 1975 và gặp lại mạ, bà vẫn mặc áo dài, tôi quân phục, đứng nép vào bên mẹ, nhỏ bé, như suốt đời tôi vẫn tựa vào sức mạnh kỳ lạ của bà mà sống và đi qua mọi thác ghềnh…
Gặp lại Mạ sau 30 năm chiến tranh.

Tản cư, muốn nói gì thì nói, vẫn là một cuộc đảo lộn toàn diện. Ba tôi mất việc. Các em tôi đều còn quá nhỏ. Tôi, 14 tuổi, tôi biết tôi phải góp một phần nuôi gia đình, hay ít nhất tự nuôi mình. Bấy giờ có một anh bạn ở Hà Lam huyện lỵ Thăng Bình, con ông Tú Lan nhà giàu và có học, lớn hơn tôi mấy tuổi, cũng thất nghiệp như tôi. Chúng tôi rủ nhau mở một lớp dạy tư, anh ta dạy văn, tôi dạy toán. Học trò đủ loại tuổi, trẻ con Hội An tản cư vào, trẻ con tại chỗ, và cả những người lớn hai, ba chục tuổi. Lớp học là cái đình Hưng Mỹ ngay cạnh nhà tôi, lúc đó còn chưa bị phá hoại. Tôi cũng không còn nhớ tôi đã dạy những gì. Đâu được mấy tháng thì tàn. Vì thầy cũng hết chữ… (Vậy mà sau 1975, có hôm trở về Hưng Mỹ, đi qua một xóm vắng, bỗng một người đã đứng tuổi từ trong nhà chạy ra rối rít gọi tôi: "Thầy ơi, thầy, thầy còn nhớ em không? Em là học trò của thầy mấy mươi năm trước đây…". Và nhất thiết phải mời cho được vào nhà uống nước, cảm động kể lại ơn thầy dạy dỗ…). Trong tình thế túng quẫn đó, ba tôi… đi buôn. Ông mua vải ở chợ Hưng Mỹ, gùi một tay nải, mang lên bán trên vùng bán sơn địa phía Tây đường quốc lộ cách chừng ba mươi cây số. Trời ơi, ba tôi thì có biết buôn bán bao giờ đâu. Ông đi mấy chuyến, trở về xác xơ, lỗ liểng xiểng. Tôi vẫn còn nhớ cái đêm đó, trong ngôi nhà tranh của chúng tôi ở chợ Hưng Mỹ, chờ khi các em tôi đã ngủ hết, chỉ tôi là đứa con trai cả đã lớn còn được thức và cùng dự, ba mạ tôi bàn cách tự nuôi sống cái gia đình bé nhỏ đã trở thành quá nặng nề trong hoàn cảnh này. Đấy là lần đầu tiên trong đời, và là lần duy nhất, tôi thấy ba tôi khóc. Là đấng nam nhi, mà không kham được vợ con, ông coi đó là nhục lớn. Ở Hội An, ông là Thầy Thông Phán, chưa lên được đến bậc công chức cao cấp – mà dấu hiệu tiêu biểu bấy giờ là có được chiếc xe kéo riêng, gọng xe bịt đồng, và có người kéo xe riêng của gia đình. Ba tôi đi làm bằng xe đạp. Nhưng lương ông đã đủ để chúng tôi có được một ngôi nhà giữa phố, chúng tôi được ăn học đàng hoàng. Trong tất cả các giấy tờ khai với nhà nước, ở mục nghề nghiệp của mẹ tôi, đều thấy ghi là "ménagère" – nội trợ, bà chỉ lo việc bếp núc, chăm nom chúng tôi, thỉnh thoảng đi lại thăm hỏi bạn bè, và đọc sách những lúc rỗi rãi. Rất có thể một số năm nào đó nữa, ba tôi sẽ trở thành viên chức cao cấp, và chúng tôi cũng sẽ có xe kéo gọng đồng với người kéo xe riêng… Bây giờ thì khác rồi. Ba tôi lau nước mắt. Mạ tôi bảo: "Thôi, mình để đó cho tôi". Bà chỉ nói có vậy. Rồi quay sang tôi: "Còn con, con phải đi học trở lại. Nghe trường Phan Châu Trinh đã mở lại trên Cẩm Khê rồi. Nhiều bạn con cũng đã đi học lại…". "Nhưng…", tôi nói. "Không nhưng gì hết, ngày mai con lên trên đó coi, nộp đơn xin vô học đi… Mạ tính rồi, việc nhà mạ lo được… Thôi hai ba con đi ngủ đi, khuya rồi…", bà ra lệnh.

Chỉ một tuần sau đã ra đời ngôi hàng xén của "cô Thông Quý" ở chợ Hưng Mỹ (nhà tôi ở ngay đầu chợ). Bây giờ thì bạn sẽ hiểu vì sao tôi nhắc đến cái nỗng cát cháy mênh mông nằm giữa chợ Hưng Mỹ và quốc lộ 1 ấy. Cứ năm bảy ngày một lần, mạ tôi lại quang gánh băng qua cái sa mạc lửa đó, lên chợ Kế Xuyên, Hà Lam, cũng có khi lên tận Quán Rường, Cẩm Khê, hay vào tận Tam Kỳ lấy hàng. Bà buôn đủ thứ, bất cứ món gì mua đi bán lại lãi được vài cắc, thậm chí vài xu bà đều không bỏ qua. Dậy sớm, ra đi từ lúc mặt trời chưa mọc, tranh thủ chút hơi mát ban đêm còn lại. Băng qua nỗng cát giờ này lại có cái nguy hiểm khác: nó mênh mang, chẳng có đường sá gì hết, lại sương mù (báo hiệu một ngày nắng gắt), chẳng có bất cứ dấu hiệu nào để làm chuẩn, rất dễ lạc. Người ta còn bảo có khi lại bị ma dẫn nữa. Có người đi suốt cả đêm, gần sáng hóa ra trở lại đúng chỗ xuất phát. Hoặc, người ta đồn, cũng có khi rất oái ăm, ra đi trên nỗng cát đấy chứ, rồi mất tích, hôm sau người nhà đi tìm lại thấy đang ngồi chùm hum giữa một bụi tre đầy gai, phải đốn tre mới giải thoát được!… Mạ tôi thường ra đi từ gà gáy, hôm có bạn đi cùng, thường hơn là đi một mình. Tôi ở nhà lo cơm nước. Ba tôi ngồi trông hàng… Khoảng nửa buổi chiều thì mạ tôi về. Kinh khủng nhất là đường về, băng qua cái nỗng cát hoang vu ấy. Không được đi dép, vì cát nóng cháy còn hơn lửa chui vào dép, rẫy ra không kịp. Qua nỗng, phải tuyệt đối đi chân không. Gánh hàng nặng oằn vai, mạ tôi tham, một chuyến đi một chuyến khó, ráng mua một lần cho được thật nhiều, thật đằm vai. Đầu đội chiếc nón mê, tay cầm một nhánh phi lao bẻ ở một cái cây đầu mép nỗng. Nhắm mắt lại, liều mình xông thẳng vào cái lò bát quái ấy, cứ chân không mà chạy, cắn răng lại mà chạy, thật nhanh, được vài ba chục mét đến khi hai bàn chân nóng bỏng đến muốn cháy khét lên, không còn gắng được nữa, thì vứt cái nhành phi lao xuống đất, đứng cả hai chân lên đấy, là chỗ tránh bỏng duy nhất giữa cái lò hỏa thiêu mênh mông này. Lấy hơi, thở hổn hển một hai phút, rồi cúi xuống, nhặt nhánh phi lao lên, và lại lao vào cuộc chạy tiếp… Cứ thế, suốt năm cây số lửa…

Mạ tôi có lần kể về một nhân vật rất lạ trong dòng họ ngoại của tôi, tên là bà Tú Ý, mạ tôi gọi bằng cô, tức thuộc hàng ông ngoại tôi và là cháu nội cụ Nguyễn Công Trứ. Bà thường đi nam về bắc, mấy lần đã ghé qua nhà tôi, chắc lúc tôi còn nhỏ quá nên không còn nhớ được. Hoặc cũng có thể do hành tung của bà rất bí mật. Bà không chồng con, tham gia một phong trào cách mạng nào đó chính mạ tôi cũng không biết rõ, không hiểu có dính dáng gì đến cộng sản không, bà làm tài chính cho đảng của bà bằng cách đi buôn thuốc phiện lậu. Một lần bị đám chỉ điểm phát hiện, bọn mật thám Pháp vây bắt quả tang trên một chuyến tàu lửa. Khi bọn chúng bất ngờ ập đến, đòi lục soát hành lý, bà đưa cái túi xách ra, đặt trước mặt chúng và cả bao nhiêu hành khách vây quanh, bình tĩnh mở túi, lấy ra từng thứ một, vừa lấy vừa đếm từng cái: "Này đây là quần áo của tôi, có cần lục không? Đây là gói xôi tôi mang theo ăn đường. Đây là trầu cau của tôi, cối xay trầu đây, rõ chưa? Có cả cuốn Kiều nữa, tôi quê gần làng ông Nguyễn Du mà. Đây là chai rượu, thỉnh thoảng nhâm nhi đôi chút, đi đường làm thơ uống rượu cũng vui… Còn đây – vừa nói bà vừa thản nhiên rút ra một cái chai lớn màu đen – đây là chai thuốc phiện, vừa dõng dạc bà vừa vung tay ném luôn cái chai qua cửa sổ toa tàu lúc nào cũng mở rộng. Tàu đang lao nhanh qua một khu vực rừng núi. Chai thuốc phiện của bà biến mất trong rừng… Bọn mật thám tím mặt, xông vào đánh bà túi bụi, hằm hằm bắt đi, tra tấn dã man, nhưng rồi phải thả, chẳng còn được tang chứng gì. Mạ tôi kể chính sau cuộc đó bà ghé lại thăm nhà chúng tôi, nhai trầu móm mém cười ha hả kể lại cho ba mạ tôi nghe bằng cái giọng đặc Nghệ Tĩnh của bà. Rồi bà còn ngồi uống rượu với ba tôi nữa, chính cái chai rượu bà đã bày ra trước mắt bọn Tây trong vụ lục soát nọ. Bà Tú Ý không chồng con, vậy tại sao lại được gọi là bà Tú? Hẳn không phải bà từng cải trang đi thi như Chúc Anh Đài. Mạ tôi bảo người ta gọi vậy là vì bà quá giỏi chữ nho. Lại làm thơ, mạ tôi thường đọc cho tôi nghe, rất lạ, toàn thơ tình trai gái, thể Đường luật, cũng có một số bài thơ mới, câu tám hay mười hai chữ. Không hiểu sao tôi cứ mường tượng tôi có được gặp bà khi bà ghé lại nhà tôi lần ấy, chẳng biết có thật không, hay do câu chuyện quá hấp dẫn của mạ tôi kể kích thích trí tưởng tượng của tôi. Tôi hình dung ra một bà Tú Ý, mà tôi phải gọi bằng bà cô ngoại, hơi nhỏ thó, chắc đanh, quần áo nâu, vấn khăn đen, đôi mắt sắc mà hiền và nhìn kỹ rất hóm, môi ăn trầu đỏ au, vừa có cái dáng đài cát con nhà dòng dõi vừa có cái lam lũ người sương gió… Hay là ký ức tôi đã đặt chồng hình ảnh của mạ tôi những ngày Hưng Mỹ lên hình ảnh bà cô tôi tưởng tượng đã nhìn thấy, trò ảo thuật của tiềm thức…

Mạ tôi những ngày Hưng Mỹ quả đúng như vậy đó. Những năm tháng ấy, mà suốt chín năm kháng chiến, một tay bà đã nuôi cả gia đình tôi. Bà đã trở lại là người đàn bà quê tần tảo, lăn lộn, vẫn nhân hậu, hiền lành, mà bình tĩnh, năng động, và cương nghị, vô cùng cương nghị. Trong chiến tranh rồi về sau tôi đã gặp, đã biết những người đàn bà như vậy, sẵn sàng hy sinh tất cả, cả sinh mệnh mình nữa cho chồng con, song lạ vậy và tài tình vậy, vẫn nhẹ nhàng, thanh thản như không. Mạ tôi thích ứng rất nhanh với hoàn cảnh mới, bà bình thường hóa rất nhanh cái phi thường. Những cuộc băng qua nỗng cát trưa hỏa thiêu kia chẳng phi thường sao? Và bao nhiêu phức tạp khác để nuôi cả gia đình, nuôi tôi, rồi các em tôi nữa tiếp tục ăn học… Kỳ lạ, kỳ diệu hơn nữa, bà vẫn yêu bằng một tình yêu đầy quý trọng, tôn kính ba tôi, dù bây giờ ông hình như có co mình lại vì mặc cảm về sự bất lực đáng hổ thẹn của mình. Suốt đời, tôi chưa bao giờ nghe mạ tôi nói xẵng với ba tôi một câu.

Lạ kỳ hơn nữa, chỉ một thời gian ngắn sau, bà đã có thể gọi là làm ăn phát đạt. Khởi đầu chỉ một cái quầy hàng xén nhỏ ngay trước hiên, sau bà dọn hẳn ra một gian giữa chợ. Và gian hàng "Cô Thông Quý" nổi tiếng cả vùng. Tôi cảm động thấy bà con xóm làng thương yêu và kính trọng mạ tôi. Thương yêu một cô Thông thành phố, con nhà danh giá, nay chịu mọi gian nan nuôi chồng con và tham gia kháng chiến, không chạy về vùng địch như một số người thành phố khác sau một thời gian tản cư, điều ấy thì đúng rồi, và có thể hiểu. Nhưng còn kính trọng nữa. Vì trong người đàn bà đã nhẹ nhàng trở lại thành một cô gái quê tần tảo ấy, mạ tôi vẫn còn giữ một nét gì đó cao quý của một gia đình vốn từng cũng có thể gọi là thuộc lớp thượng lưu của xã hội, theo nghĩa đẹp nhất của khái niệm này, tuy nhà tôi chưa bao giờ giàu…

Mạ tôi cũng đã thật giỏi khôi phục lại sự thanh thản cho chính bà, và cho cả nhà. Bà buôn bán rất nhẹ nhàng. Có khi người mua đến cứ tự chọn và lấy hàng, rồi tự bỏ tiền vào cái ngăn gỗ bao giờ cũng để trống trên quầy mà đi. Còn bà thì, những ngày không phải băng nỗng cát đi lấy hàng, bà treo võng nằm sau quầy, thư thả đọc sách…

Ba tôi cũng đã trở lại đọc sách. Một trong những chiến công lớn của ông – tất nhiên tôi có phụ giúp ông một phần – là tản cư về Hưng Mỹ, ông đã mang theo toàn bộ tủ sách gia đình của chúng tôi, không sót quyển nào.

Và tôi, theo lệnh mạ, tôi trở lại đi học trường Phan Châu Trinh tản cư ở Cẩm Khê…

Mãi lâu lắm, mấy mươi năm sau, tôi mới hiểu mạ tôi đã trả giá cho chiến công lặng lẽ kỳ diệu của bà đắt đến dường nào. Những năm về sau, trong chống Mỹ, bà còn phải đi qua nhiều thử thách nữa, kiểu khác, nặng nề và đau đớn một cách khác, nhưng cũng gan dạ như vậy, một bà Tú Ý không đi làm cách mạng, không buôn thuốc phiện để làm tài chính cho đảng của bà, không ngang tàng, liều lĩnh, táo tợn, giữa hai người đàn bà gốc Nghệ Tĩnh ấy vẫn có một điều gì đó thật giống nhau, có thể là rất đàn bà Việt Nam, rất Nghệ Tĩnh, rất Nguyễn Công chăng?

Những hy sinh can trường, vô danh đó khiến về già mạ tôi suy sụp rất nhanh. Và những năm sau này tôi hiểu thêm được một điều nữa về những người đã sinh ra tôi. Ba mạ tôi yêu nhau bằng một tình yêu chung thủy, kính trọng lẫn nhau, và trẻ trung suốt đời. Về già mạ tôi bị bệnh nhũn não. Tôi ở xa, mải mê với những công cuộc ngẫm lại có khi cũng chẳng bao nhiêu ý nghĩa. Tôi là một đứa con lang bạt và bất hiếu. Các em tôi, một cậu em trai và hai đứa em gái và em dâu em rể, rất hiếu thảo chăm nom ba mạ tận tình. Nhưng về già mạ tôi bỗng trở nên đặc biệt khó tính về mỗi một việc: đau ốm, bà nhất định không chịu để ai chăm sóc ngoài ba tôi. Hai ông bà cứ như đôi trai gái mới yêu nhau, say đắm, quấn quýt, một bước không thể rời, ai nhìn thấy cũng cười, thương, và cảm phục. Suốt hơn năm năm mạ tôi nhũn não, nằm một chỗ, ba tôi ngày đêm ở bên giường bà. Đến chuyện vệ sinh bà cũng chỉ chịu để cho mỗi ba tôi lo. Các em tôi chỉ được chạy vòng ngoài…

Ở Hà Nội được điện các em báo tin mạ đã hấp hối, tôi hớt hải bay về Đà Nẵng. Chỉ vừa kịp vuốt mắt mạ…

An táng xong, tối hôm ấy tôi đang ngồi trước hiên, cậu em tôi chạy ra hoảng hốt: Anh vô đây ngay, ba nguy rồi! Tôi chạy vào: Ba tôi đang ngồi sau nhà, ông nôn, ộc ra từng bụm máu lớn. Ít lâu nay ba tôi vẫn có bị ho, bây giờ thì ông thổ huyết! Ông đã lặng lẽ "nín" bệnh của mình để chăm mạ tôi suốt năm năm, không rời một bước, không nói một lời về mình. Bao nhiêu lần chúng tôi yêu cầu ông đi khám, ông đều khăng khăng từ chối. Ông bị lao rất nặng…
Tôi, đứa con bạt mạng và bất hiếu, mải mê sự nghiệp đâu đâu, lần này tôi quyết vứt sạch mọi thứ, tôi đưa ba tôi vào một bệnh viện có người bạn bác sĩ quen từ hồi chiến tranh làm giám đốc, và ở cạnh ông cho đến ngày ông lành hẳn và ra viện.

Ông bảo: Ba khỏi hẳn rồi. Ba biết việc của con là hệ trọng, con về mà làm việc đi.

Ấy là năm tôi đang làm bí thư đảng đoàn Hội Nhà văn và bị đấu tơi bời ở Hội Nhà văn vì "vụ Đề dẫn", do từ "phát hiện" của ông Tố Hữu. Hình như ba tôi có biết đôi chút về chuyện đó. Ông chỉ nói: Ba tin con. Mạ con cũng vậy, từ xưa. 
Đừng lo gì cho ba nữa…

Nguyên Ngọc

(nguồn: Văn Việt )
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Tư 20248:51 SA(Xem: 14)
Anh linh anh Hoàng Khanh ơi, cậu con trai anh đang cho tôi thêm một ráng mây vàng nữa để tôi có cơ hội nhìn lên bầu trời xanh.
21 Tháng Tư 202410:55 SA(Xem: 174)
Còn tôi thì cứ ngồi đấy mà nhìn gã hiện diện trong nhà mình. Tôi hoàn toàn lúng túng với hai chữ đồng bào.
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 352)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 416)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 396)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 602)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 607)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 454)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 903)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 734)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8860)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17195)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12393)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19129)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9299)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 703)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1080)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1245)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22545)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14083)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19231)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7942)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8872)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8543)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11118)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30773)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20847)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25565)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22948)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21788)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19844)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18089)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19301)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16959)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16142)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24560)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32021)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34956)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,