PHẠM HIỀN MÂY - Du Tử Lê-Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời!

31 Tháng Mười Hai 202310:10 SA(Xem: 705)
PHẠM HIỀN MÂY - Du Tử Lê-Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời!
Du Tử Lê là một nhà thơ. Đương nhiên rồi. Và là một nhà thơ tên tuổi.

Ông cũng từng là sĩ quan quân đội, từng là thư ký tòa soạn và giáo sư thỉnh giảng. Từng được giải thưởng văn chương toàn quốc. Từng là một trong ba nhân vật đặc biệt được nêu tên năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm cùng với Mai Thảo và Phạm Duy.

Nếu google, hẳn chúng ta sẽ ngợp trước các thông tin vinh dự về ông, nào là nhà thơ châu Á duy nhứt được hai tờ báo lớn của Mỹ đăng thơ và phỏng vấn. Nào là thơ ông được đưa vào làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy tại các đại học Mỹ và châu Âu. Rồi thì có tên trong Tuyển Tập Thi Ca Thế Giới. Và, nổi tiếng này. Và, lừng danh kia.

******

Nếu hỏi tôi, lúc này đây, ngay lúc này đây, lúc tôi đang gõ những con chữ này đây, rằng thì là, tôi thích thơ ai nhứt, thì tôi sẽ trả lời ngay mà không chần chừ, ngần ngại - Du Tử Lê.

Nếu hỏi tôi tiếp, rằng thì là, tôi thích vì lẽ gì, thì tôi cũng thưa ngay mà không cần do dự, nghĩ suy, tôi thích vì thơ ông hợp với tạng tôi.

Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi, thơ ông đẹp.

Đẹp và có chiều sâu.

Từ cái cách đặt dấu chấm, dấu phẩy và các loại dấu khác của ông trong thơ cho đến việc sử dụng chữ thơ nhỏ nhẹ, mềm mại, dịu dàng ngay cả khi cuộc tình, cuộc đời ông đang ở mức đớn đau, thống khổ nhứt - đều khiến tôi thích.

Từ những ý tưởng sẵn sàng chấp nhận phần thiệt thòi, sẵn sàng hy sinh đời mình hết cho tình, đến những nỗi sầu muôn niên về thân phận, về kiếp người, về buồn ly hương, viễn xứ, cô đơn, thương nhớ - tôi cũng thích nốt.

Một bạn văn thân thiết của tôi, nhận xét, thơ ông điệu, có phần đỏm dáng. Tôi liền tra xem, đỏm dáng là gì, thì ra, đỏm dáng là đẹp một cách chải chuốt.
Cũng có thể như thế thiệt. Nhưng đã sao. Chải chuốt, trau chuốt từ ngữ là một việc chẳng có gì sai, chẳng có gì xấu. Nó là một phần của tính cách cầu toàn, toàn mỹ, toàn bích. Nó thuộc về tính người. Mà ngẫm lại, tôi cũng như thế, hệt ông. Nếu trước khi nói, người cẩn thận phải uốn lưỡi bảy lần, thì khi viết, tôi cũng chọn đi chọn lại trong đầu ngần ấy lần, cho đến khi nào tôi thấy ổn, cho đến khi nào tôi thấy vừa ý mình rồi, mới thôi.

******

Bài thơ Chân Dung ông viết tháng ba năm một ngàn chín trăm tám mươi ba, tức là khi ấy, ông mới bốn mươi mốt tuổi.

Chân dung là gì? Chân dung là diện mạo, là thần sắc, là hình dáng. Đã là chân dung thì không thay đổi. Sinh ra đã thế, cho đến khi qua thế giới bên kia, thì cũng chỉ duy nhứt một diện mạo ấy mà thôi:

tôi ngồi giữa-nỗi-tôi-riêng
bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng, rời
phòng tôi trần thiết gương người
tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa
tóc người chảy suốt cơn mưa
ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về
tôi ngồi giữa-cõi-tôi-khuya
có ai gõ cửa? mà nghe lá chào?
tưởng người ngọn sóng lao xao
biển muôn năm gọi tôi nào có vui?
người về có nén hương, thôi
cắm lên phần mộ hồn tôi úa vàng
tôi ngồi-trong-cõi-nhân-gian.

Hồn của thơ, tinh túy của thơ, không phải là nội dung toàn bài thơ. Mà, hồn ấy, tinh túy ấy, nó được xé nhỏ ra, rải rác, mỗi nơi một mảnh. Thì thơ là vậy đó chớ sao. Làm một bài thơ là bóp vụn, là giằng, là xé tâm tư mình, thì tâm đó, không phải là chữ để chỉ tim, chỉ trái tim hay sao.

Chính vì nó rải rác mỗi nơi mỗi mảnh, nên khi ta đọc thơ, là ta đang làm cái việc gom những mảnh ấy về để tạo dựng lại một chân dung - chân dung chàng Du Tử: tôi ngồi giữa-nỗi-tôi-riêng / bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng, rời.

Nghĩa là, chân dung chàng, trước hết, là một người cô đơn. Chính cái từ “riêng” trong dòng đầu của bài thơ, cho ta biết như thế. Chàng một mình, chỉ một mình, chẳng thêm ai, chẳng cùng ai, sẻ chia nỗi ấy.

Mà nỗi ấy là nỗi gì? Đó là nỗi lạnh lẽo. Lạnh lẽo và trống vắng tới mức, hình một nơi mà bóng một chỗ, trong ngoài, chia cắt.

Sự chia cắt ấy không dừng ở đó. Nó còn tạo cho người đọc thêm một nghĩ ngợi, hà cớ gì, trời lạnh đến thế mà bóng lại ra ngoài hiên? Chỉ có thể là ra ngoài hiên để đợi thôi. Đang đợi một ai đó. Đang chờ một ai đó. Một ai đó hay nhiều ai đó, trong từng khoảnh khắc đời người, đều có thể. Nhưng tâm thế khi ấy, dứt khoát là đang đợi, dứt khoát là đang chờ, suốt đời, một hình bóng ai kia.

Yêu đến như ông, thì tôi cho rằng hiếm. Không phải thế sao: phòng tôi trần thiết gương người / tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa / tóc người chảy suốt cơn mưa / ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về.

Những phóng đại mà không hề phóng đại, trần thiết (kế) gương, tường sơn (bằng màu) kỷ niệm, vách bồi (bằng chất liệu) dáng xưa, cơn mưa là mái tóc, mùi hoa bưởi ngát thơm là khuôn ngực, bão về là đóa môi.

Hai mươi bốn giờ trong ngày, cả khi ngủ và thức, cả vào trong lẫn bước ra ngoài, là tràn ngập người tình, là tràn ngập em, không bao giờ tận, không bao giờ cùng.

Khuya khoắt rồi mà vẫn cứ thế thôi, cứ thế thôi - một đơn côi. Cũng có lúc, nghe nhánh lá đổ ngang, lào xào khua cửa, như tiếng gõ, như tiếng chào, hệt ngọn sóng lao xao, mà có thấy ai đâu, ngoài cổng, mà có thấy ai đâu, đêm giữa biển khơi: tôi ngồi giữa-cõi-tôi-khuya / có ai gõ cửa? mà nghe lá chào? / tưởng người ngọn sóng lao xao / biển muôn năm gọi tôi nào có vui?

Miên man, mải miết trong một mình ấy, chàng Du Tử tự an ủi, rồi cũng có lúc người sẽ quay trở lại. Nhưng, để làm gì: người về có nén hương, thôi / cắm lên phần mộ hồn tôi úa vàng.

Quay về thì sao? Mọi sự đã quá trễ, quá muộn màng. Rồi thì sao nữa, thương tưởng tôi bằng nén hương chăng? Thôi.

Các bạn đọc thơ có để ý cái từ thôi được đặt sau dấu phẩy không? Thôi, từ chối. Thôi, dỗi hờn. Thôi, ý nghĩa chi. Thôi, còn được gì.

Thôi, trễ muộn rồi.

Và, kết thúc là, tôi ngồi-trong-cõi-nhân-gian.

Một mình tôi, một bóng.

******

Nhiều người cho rằng, những hằng hà sa số các dấu câu trong thơ ông, là một kiểu của cách tân lục bát. Có thể.

Việc làm mới lục bát ấy mà, không chỉ Du Tử Lê, mà với bất kỳ một người làm thơ nào, yêu thể thơ lục bát, và cảm thấy mình có trách nhiệm với thể thơ này, đều mong muốn làm mới nó.

Nhưng ngoài việc làm mới, tôi nhận ra, đó còn là cách ông mang thơ đến gần với người đọc thơ ông hơn. Thay vì, phải giải thích hết lời với bạn đọc, rằng bài ấy có nghĩa thế này, rằng bài đó có nghĩa thế kia (thế thì còn gì là thơ nữa), thì ông nhắn nhủ, hãy đọc thơ tôi cùng với những dấu câu kèm theo.

Bạn biết dấu câu trong ngữ pháp đóng vai trò gì không? Dấu câu là ranh giới, nhằm phân biệt thành phần này với thành phần nọ, câu này với câu kia, ý này với ý đó.

Vì vậy, đọc thơ Du Tử Lê (hay bất kỳ thơ ai khác), bạn hãy chậm lại, dừng lại ở các dấu câu, rồi hãy nhẩn nha đi tiếp. Đừng vội vàng. Đọc thơ, xin đừng vội vàng và cũng đừng ôm đồm. Cứ từ từ, chầm chậm, bạn sẽ ngạc nhiên đến vô cùng khi chợt thấy mình thấu đáo từng ngõ ngách của bài thơ, bởi từ việc đọc chậm, bởi từ việc, mình biết dừng khẽ lại vài giây, sau mỗi dấu câu.

Chẳng Lớn Lao Nào Hơn Cô Đơn

cảm ơn kỷ niệm nuôi em lớn
như bóng nuôi hình lúc thiếu nhau
cảm ơn ngực ấm nôi thương bạn
giọt lệ nuôi tình sâu kiếp sau
cảm ơn xa, vắng nuôi em lớn
như lá nuôi rừng thuở thiếu niên
cảm ơn chăn, gối cho mưa, nắng
quá khứ như người có tuổi, tên
cảm ơn định mệnh nuôi em lớn
hạt giống u tình kia: tự tâm
cảm ơn lênh láng / đêm, da thịt
những ngón tay thơm chọn lựa, mình
cảm ơn thần thánh nuôi em lớn
như gió nuôi trời lúc bão lên
cảm ơn núi nhắc sông xa, nhớ
chẳng lớn lao nào hơn cô đơn
cảm ơn sách vở nuôi em lớn
con chữ nuôi người trong giấc mơ
hồn nuối rưng rưng từng khối đá
tôi trầm mình trong em: đời sau
cảm ơn hiện tại: không sau, trước.

Trên trang nhà Du Tử Lê, ông bộc bạch, đây là một trong những bài thơ ông viết năm hai ngàn không trăm lẻ hai, trước khi căn bệnh ung thư của ông được phát hiện. Bài thơ đề cập đến sự cô đơn, nhưng thực chất là việc ông muốn bày tỏ lòng biết ơn về tình yêu chân thật, bền lâu đã cùng ông trong suốt cuộc đời. Lòng biết ơn khởi đi từ những ngày tháng còn trong nôi cho đến tận mai sau, khi đã thực sự là những ngày xa cách. Ông biết ơn từ thượng đế cho đến đời thường: gió bão, sách vở, chữ nghĩa, và những ngày đang sống.

Ông viết bài này tặng cho những người yêu nhau. Yêu và nhận ra nhau những ơn sâu, những nghĩa nặng. Ông còn tặng cả những lứa đôi yêu nhau mà vì một hoàn cảnh nào đó, đã đưa nhau tới chỗ phải chia tay.

Ông cũng trân trọng mời bạn đọc, nếu thấy có những tương hợp với bài thơ trên thì xin cứ dùng nó, như một tấm thiệp mang tính văn chương gửi đến cho nhau.

Trong Du Tử Lê luôn tồn tại song song hai thứ tình yêu, một là, yêu quê hương, cố xứ, hai là, yêu em: cảm ơn kỷ niệm nuôi em lớn / như bóng nuôi hình lúc thiếu nhau / cảm ơn ngực ấm nôi thương bạn / giọt lệ nuôi tình sâu kiếp sau.

Một trong những đặc biệt của thơ ông, đó là sự tượng hình trong thơ. Bạn hãy đọc cùng tôi, câu, cảm ơn ngực ấm nôi thương bạn, rồi cho biết, bạn thấy được hình ảnh gì? Tôi, thì kinh ngạc. Tôi, thì phục ổng quá trời quá đất, khi ổng nghĩ ra được, ngực em chính là chiếc nôi, ôm lấy, bảo bọc, và làm ấm áp đời ông.

Cảm ơn ngực ấm nôi thương bạn. Bạn này không có nghĩa là bạn bè với em, mà là bạn với nôi. Tác giả xưng bạn với nôi, nghĩa là, tác giả đang xưng bạn với vồng ngực ấm của em.

Chăn gối, ái ân như thời tiết bốn mùa, như cảm xúc của con người, lúc này lúc khác, lúc thương yêu, lúc giận hờn, lúc ngọt ngào, lúc đắng cay: cảm ơn xa, vắng nuôi em lớn / như lá nuôi rừng thuở thiếu niên / cảm ơn chăn, gối cho mưa, nắng / quá khứ như người có tuổi, tên.

Dẫu gì thì ông cũng vẫn cảm ơn hết. Cảm ơn cả những ngày tháng bên nhau lẫn khi mỏi mòn, xa cách. Cảm ơn thời gian có em, để từ một cậu bé thiếu thời, nay, ông đã thành một người có vị trí và có cả tuổi đời nữa.

Dẫu hết thảy, rồi sẽ là kỷ niệm thôi.

Hạnh phúc có mấy thì cũng vẫn sẽ, đôi khi, cô đơn. Và trong sự cảm ra của mình, ông thất thần nhận thấy, điều đáng sợ nhứt của con người, hay nói đúng hơn, của ông, đó là nỗi cô đơn: cảm ơn định mệnh nuôi em lớn / hạt giống u tình kia: tự tâm / cảm ơn lênh láng / đêm, da thịt / những ngón tay thơm chọn lựa, mình / cảm ơn thần thánh nuôi em lớn / như gió nuôi trời lúc bão lên / cảm ơn núi nhắc sông xa, nhớ / chẳng lớn lao nào hơn cô đơn.

Đọc thơ ông ấy mà, không chỉ nghe ngọt lưỡi môi bởi dòng thơ không vấp, mà còn đã cái lỗ tai bởi ngôn ngữ mềm mại, dịu dàng, và còn làm sướng trong vô thức: định mệnh với u tình, da thịt với ngón tay, thần thánh với gió bão, núi sông với cô đơn.

Chúng cứ từng cặp, từng cặp sánh đôi, hoặc sánh ba, sánh tư, rất đều, ngay cả khi chếnh choáng vì men tình hay men đau của đời, thì chữ của ông cũng vẫn cứ không lỗi nhịp, không làm người đọc khựng lại và tuột mất cái cảm xúc đang rất đỗi thăng hoa của mình.

Ông cảm ơn tất cả những gì đã nuôi em trở thành ngày qua, hôm nay và mai sau. Ông cảm ơn em đã không tiếc khi tiếp tục truyền nhựa sống ấy sang ông, nuôi ông: cảm ơn sách vở nuôi em lớn / con chữ nuôi người trong giấc mơ / hồn nuối rưng rưng từng khối đá / tôi trầm mình trong em: đời sau.

Đặc biệt, cảm ơn chính giây phút này đây, khi em đã cho ông hoàn tất bài thơ của đời mình: cảm ơn hiện tại: không sau, trước.

******

Một phóng viên báo nọ thống kê, có khoảng ba trăm bài thơ của Du Tử Lê được phổ nhạc. Nếu con số ấy là có thực, thì tôi cho rằng, Du Tử Lê, có lẽ là nhà thơ có số lượng thơ phổ nhạc nhiều nhất nước Việt Nam.

Như bài dưới đây chẳng hạn, được cả Phạm Duy lẫn Từ Công Phụng phổ nhạc với hai ca khúc mang tên khác nhau, Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau và Tạ
Ơn Em.

Giữ Đời Cho Nhau

ơn em, thơ dại từ trời
theo ta xuống biển vớt đời ta trôi
ơn em, dáng mỏng mưa vời
theo ta lên núi về đồi yêu thương
ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
ơn em, hơi thoáng chỗ nằm
dấu quanh quẩn dấu nỗi buồn một nơi
ơn em, hồn sớm ngậm ngùi
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.

Bài thơ được viết năm một ngàn chín trăm bảy mươi, khi ông chỉ mới hai mươi tám tuổi.

Tôi nói, chỉ mới, có nghĩa là tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì trẻ thế mà đã viết được một bài thơ với những lời lẽ đằm thắm, già dặn.

Trong tình yêu, ít ai còn trẻ mà biết ơn nhau lắm. Cần phải có một độ dài tương thích về thời gian thì người ta mới có thể, lắng lòng lại, mà nghĩ về những trao cho nhau, để từ ấy, thốt lên, một cách chân thành, sự biết ơn.

Ơn em, nàng tiên thơ dại, dáng mỏng như mưa, từ trời, vì yêu anh mà bất chấp, sẵn sàng xuống biển lên núi cùng anh: ơn em, thơ dại từ trời / theo ta xuống biển vớt đời ta trôi / ơn em, dáng mỏng mưa vời / theo ta lên núi về đồi yêu thương.

Ơn em đã cho anh, đã hiến tặng anh, bờ môi trầm ngoan, vồng ngực thơm ngải, để trăm lần như một, chỗ em nằm cứ hoài mùi hương, dấu vết em cứ hoài quanh quẩn; để mỗi khi vắng em, nỗi buồn anh cũng hoài về nơi ấy: ơn em, ngực ngải môi trầm / cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan / ơn em, hơi thoáng chỗ nằm / dấu quanh quẩn dấu nỗi buồn một nơi.

Và, cũng giống như Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê vẫn thường luôn hẹn người tình về một kiếp sau: ơn em, hồn sớm ngậm ngùi / kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.

Kiếp-sau-xin-giữ-lại-đời-cho-nhau!

******

Tháng ba năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám, tức lúc tác giả được hai mươi sáu tuổi, ông viết bài Khúc Thụy Du. Bài thơ đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc cùng tên.

Khúc Thụy Du
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vũng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?
2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết
tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi
không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển.

Thụy là tên người yêu. Du là tên tác giả. Khúc Thụy Du là khúc ca cho Thụy và Du.

Năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám là năm Mậu Thân. Bài thơ được viết đầu năm, nghĩa là vào mùa xuân. Bạn nào từng sinh ra và sống ở miền nam trước năm bảy mươi lăm, chắc ít nhất, cũng một lần nghe gia đình, hoặc đọc đâu đó, nói về câu chuyện Tết Mậu Thân.

Tác giả, ở tuổi đó, tuổi đẹp nhất của đời người, tuổi tràn căng sức sống. Tuổi ấy cũng là tuổi mà người ta thường băn khoăn và tìm hiểu xem, đâu mới là ý nghĩa thực của cuộc đời.

Nhưng tác giả đã không thể nào tìm ra được, ý nghĩa của cuộc đời là gì, khi cuộc chiến tranh bắc nam đang hồi đỉnh điểm. Nhìn đâu cũng xác người. Những xác người chưa kịp chôn, đang chờ rữa. Những xác người không nguyên vẹn.

Cuộc đời không hề đẹp, chẳng hề đẹp, và cũng chẳng có ý nghĩa gì, lúc ấy. Tác giả chỉ thấy mình mỗi ngày, như thân nấm, lùn đi, như cây khô, cọc lại.

Mọi thứ trước mắt tác giả đều trở nên hoang đường. Ngọn cờ không bay như mắt người chết mà chưa khép, như trong lồng ngực tác giả, chỉ nắng lửa đốt nung.

Tác giả thất vọng. Và hàng loạt câu hỏi tràn đến nhưng chẳng lời giải đáp: hãy nói về cuộc đời / tôi còn gì để sống / hãy nói về cuộc đời / khi tôi không còn nữa / sẽ mang được những gì / về bên kia thế giới.

Nên: đừng bao giờ em hỏi / vì sao mình yêu nhau / vì sao môi anh nóng / vì sao tay anh lạnh / vì sao thân anh rung / vì sao chân không vững.

Giờ đây, may ra, chỉ còn chúng mình với nhau, chỉ còn duy nhất tình yêu mình, là cứu vãn được: hãy cho anh được thở / bằng ngực em rũ buồn / hãy cho anh được ôm / em, ngang bằng sự chết.

Có nghĩa là, em, là sự sống của anh. Chúng ta, còn đây, là sự sống của nhau: không còn gì có nghĩa / ngoài tình anh tình em.

******

Du Tử Lê viết bài dưới đây vào tháng hai năm một ngàn chín trăm chín mươi. Ông tâm sự rằng, ông viết nó khi thấy tình trạng đổ vỡ gia đình của cộng đồng người Việt tại Mỹ ngày một gia tăng.

Tuy vậy, khi đọc bài thơ, tôi lại mang một cảm giác khác. Tất nhiên rồi, cảm thơ là một việc rất chủ quan của người đọc thơ.

Tôi nhận ra, hình như đó là những lời trách hờn, là những lời của một tâm trạng đau khổ, khi nhìn thấy cuộc tình mình đang bên bờ đổ vỡ:

Chẳng Chiến Chinh Mà Cũng Lẻ Đôi

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp, tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai
em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
em còn gương lược dấu đường ngôi?
nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
và, khoảng trời xanh đến rợn người.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
bàn tay dư mấy ngón chia phôi
(tặng nhau chính ngón không đeo nhẫn)
và những tàn phai đầy tuổi tôi.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
như trời nhớ đất (rất xa xôi)
nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
thư nhớ hồi âm. Lệ nhớ môi.

(phần thêm)

chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau
đôi khi nghe ấm trên da, thịt
như thể ai đi mới trở về.

Đứng trước chia ly, dù đó là một cuộc chia ly chủ động hay bất ngờ, không báo trước, thì tâm trạng của những người trong cuộc, hẳn rồi, có bao giờ thấy vui: chỉ nhớ người thôi đủ hết đời / chim về góc biển. Bóng ra khơi / lòng tôi lũng thấp, tâm hiu quạnh / chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.

Cái câu, chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi - thiệt hay. Phải thiệt trầm tĩnh, phải thiệt thấu đáo cuộc đời, mới có thể có được một so sánh, chẳng gì đúng hơn thế nữa.

Người đi, khác lắm, tâm trạng người ở lại. Đi là đi một mạch, đến cái quay đầu, cũng chẳng. Vậy mà tác giả vẫn ngẩn ngơ hỏi theo, em bỏ lại hồn thơ dại chi, cho anh, mỗi sớm mai ngủ dậy, đi tìm em, như con ngựa ruổi vó câu, chẳng thấy em đâu, chỉ thấy toàn là một nỗi buồn sâu thẳm: chỉ nhớ người thôi đủ hết đời / buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai / em đi để lại hồn thơ dại / tôi, vó câu buồn sâu sớm mai.

Em đi, để lại cho anh không chỉ nỗi buồn mà còn là một nỗi nhớ khôn nguôi. Trời ngoài kia thì xanh, mà sao anh chỉ thấy hồn mình, lồng lộng nỗi cô đơn và trống vắng: chỉ nhớ người thôi đủ hết đời / em còn gương lược dấu đường ngôi? / nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn / và, khoảng trời xanh đến rợn người.

Và tàn phai, và kỷ niệm, cùng những kỷ niệm dấu yêu, những kỷ niệm bí mật, chỉ đôi ta biết mà thôi. Như bàn tay giờ đây, thiếu vắng một bàn tay: chỉ nhớ người thôi đủ hết đời / bàn tay dư mấy ngón chia phôi / (tặng nhau chính ngón không đeo nhẫn) / và những tàn phai đầy tuổi tôi.

Vậy mà vẫn không nguôi trông chờ. Trông chờ một phép màu, biết đâu, em quay trở lại. Biết đâu, em sẽ hồi âm những cánh thư thương nhớ từ anh. Và anh, sớm chiều, em à, nơi hàng hiên đôi ta thường cùng nhau, vẫn luôn ngóng đợi. Nhớ hồi âm. Vì nếu không, môi anh sẽ đòi lệ mắt: chỉ nhớ người thôi đủ hết đời / như trời nhớ đất (rất xa xôi) / nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi / thư nhớ hồi âm. Lệ nhớ môi.

Bài thơ ban đầu, đến đây, là dừng lại. Sau đó, tác giả viết thêm bốn câu: chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn / nói gì kiếp khác với đời sau / đôi khi nghe ấm trên da, thịt / như thể ai đi mới trở về.

Vậy là người có về chưa? Vẫn chưa, bạn ơi. Nên ông mới nói lẫy: chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn / nói gì kiếp khác với đời sau.

Kiếp này còn không vẹn, nói chi đến chuyện thề nguyền, ước hẹn đời sau. Còn: đôi khi nghe ấm trên da, thịt / như thể ai đi mới trở về, là những giấc mơ thôi.

Những giấc mơ, vĩnh viễn, không bao giờ có thật trong đời!

******

Tôi đặc biệt để bài này xuống phần kết cho bài viết về nhà thơ Du Tử Lê của tôi.

Vì, Hạnh Tuyền không chỉ là người bạn đời, bà còn là người yêu ông nhiều nhất. Bà sống cho ông, sống vì ông, bằng hết cả cuộc đời mình.

Nên, người hiểu đúng nhứt bài thơ này, và viết ra đầy đủ nhứt về nó, chỉ có thể là bà Hạnh Tuyền. Nhưng người trong cuộc thì thường ngại, chẳng lẽ, mèo lại tự khen mèo dài đuôi. Có lẽ vậy, mà bà thôi. Bà chẳng bao giờ đề cập đến.

Khúc Hạnh Tuyền, Núi Sông

chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt - -
ưa quấn khăn vào sâu ấu thơ /.
chẻ đôi thân thế: mù tăm tích /
ta nghĩa trang nào? chôn, cất nhau!?
chẻ đôi tâm thất: kênh, mương cạn - -
hương tóc truy tầm vai thất tung /.
tưởng ai oan khuất vừa quay gót!
xương, thịt, đời sau, máu rất buồn /
chẻ đôi con gió: cây ly, biệt - -
tim chấn thương cùng môi tháng, năm /.
phạt ngang ký ức rừng, thao thiết - -
dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn.

Bài thơ ngay từ đầu đã đặt ngang hàng bà - Hạnh Tuyền, với - núi sông.

Hạnh Tuyền là núi sông. Hạnh Tuyền là trời đất. Mà, nếu bỏ bà ấy ra khỏi đời ông Du Tử Lê, thì khác gì: phạt ngang ký ức rừng, thao thiết - - / dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn.

Du Tử Lê mất Hạnh Tuyền, khác gì trăm năm của ông mất lối về, lối về nguồn, để được luân hồi, quay lại nữa, kiếp mai.

Ông tôn sùng bà như thế, kể cũng xứng đáng. Xứng đáng với những ân tình, những kìm nén, những chịu thối lui, những nuốt nước mắt vào trong, những ẩn nhẫn lúc ông biền biệt, lúc biết trong lòng ông đang còn say mơ hình bóng khác.

Làm người bạn đời của nghệ sĩ, của văn nhân, của thi nhân, khổ lắm các bạn ơi. Thì, các bạn đọc tiểu sử các nhà văn, các nhà thơ, cũng biết. Từ nước mình đến nước người, đều vậy. Họ tài hoa nên lắm người mến mộ. Họ giao tiếp nhiều nên cũng lắm chuyện thị phi. Họ đa đoan, họ lãng mạn nên cũng lắm những cuộc tình bay bổng.

Tách bà ra khỏi đời ông ư? Làm sao được. Làm sao mà có thể: chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt - - / ưa quấn khăn vào sâu ấu thơ /. chẻ đôi thân thế: mù tăm tích / ta nghĩa trang nào? chôn, cất nhau!?

Làm sao mà chẻ đôi được khi bà là cả một tuổi trẻ của ông. Chẻ như thế khác gì chẻ đôi sông núi. Khác gì chẻ đôi thân mình. Rồi chôn cất làm sao đây, khi thân thể, không vẹn toàn.

Mất bà, tách bà ra, ông là một thân thể không vẹn toàn!

Tách bà ra khỏi ông, khác gì chẻ đôi quả tim, làm sao sống? Rồi thiếu mái tóc bà, vai ông biết phải làm sao? Tách bà ra khỏi ông thì xương, thì máu, thì thịt sẽ thế nào? Phải trả lời cho đời sau làm sao đây? Oan khuất quá: chẻ đôi tâm thất: kênh, mương cạn - - / hương tóc truy tầm vai thất tung /. / tưởng ai oan khuất vừa quay gót! / xương, thịt, đời sau, máu rất buồn.

Làm sao được. Làm sao được!

Như con gió kia, chẻ đôi được không? Và cây kia nữa, chẻ đôi nó tức là chẻ đôi trái tim, làm sao mà sống: chẻ đôi con gió: cây ly, biệt - - / tim chấn thương cùng môi tháng, năm /. / phạt ngang ký ức rừng, thao thiết - - / dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn.

Cả một đời tự do, bay nhảy, năm một ngàn chín trăm chín mươi ba, ông viết tặng bà bài này.

Bài Tạ Ơn.

******

Ông qua đời năm hai ngàn không trăm mười chín, đến nay, tính ra, cũng đã được bốn năm. Bà vẫn tiếp tục cố gắng duy trì trang nhà Du Tử Lê. Còn trang facebook chung của ông và bà xưa kia, thì nay vẫn hoạt động đều đặn, với tràn ngập hình ảnh ông, tràn ngập kỷ niệm ông và thơ của ông.

Còn với tôi, ông là ân nhân của tôi. Khi họa sĩ Khánh Trường nhờ ông viết Tựa cho cuốn thơ đầu tiên của đời tôi, Lục Bát Phạm Hiền Mây, ông nhận lời ngay lập tức. Tựa ông viết có tên - Phạm Hiền Mây, Treo Cao Lục Bát Vàng Son.

Lúc ấy, ông chưa biết nhiều về tôi. Ông viết lời giới thiệu dựa trên bản thảo thơ do anh Khánh Trường gởi qua.

Tôi còn một kỷ niệm nữa, với ông, do chị Hạnh Tuyền kể lại, anh khen tên em lắm, anh nói, cái tên phạm hiền mây ấy mà, đọc lên, nghe rất hay, rất thơ!

Sài Gòn 31.12.2023

Phạm Hiền Mây
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 20233:47 CH(Xem: 1081)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
19 Tháng Mười 20231:33 CH(Xem: 1246)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
05 Tháng Mười 202312:00 SA(Xem: 22547)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
02 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 14083)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
23 Tháng Sáu 202310:46 SA(Xem: 1297)
Luận văn Thạc Sĩ/ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam của Vũ Thị Lê Duyên
04 Tháng Sáu 20232:03 CH(Xem: 1490)
Du Tử Lê nổi tiếng nhất với tư cách một thi sĩ.
30 Tháng Năm 20235:35 SA(Xem: 6888)
Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ.
10 Tháng Năm 20239:33 SA(Xem: 6707)
Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”.
27 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 11631)
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
30 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 17483)
Tại sao cả hai tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại là Mai Thảo và Nguyên Sa lại có cùng một nhận xét giống nhau về thơ Du Tử Lê
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8861)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17196)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12393)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19129)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9299)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 705)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1081)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1246)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22547)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14083)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19232)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7943)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8873)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8544)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11119)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30773)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20847)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25566)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22950)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21789)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19844)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18090)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19301)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16959)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16142)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24561)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32021)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34956)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,