Năm 2016, nơi tôi đến là KAUST (King Abdullah University of Science and Technology), một làng đại học mới xây ở Saudi. Được biết thành phố gần KAUST nhất là KEAC (King Abdullah Academic City); có vẻ được trang điểm rất đàng hoàng trên những bài báo mạng. Nhưng, KAEC khi đó chắc đã đang trên lộ trình từ một nơi chứa đựng rất nhiều kỳ vọng của vua Abdullah bên bờ Đông Hồng Hải đến thành phố ma như bây giờ; nơi chỉ cách Jeddah sầm uất một mạch đường thẳng tắp dài một trăm ba mươi ki lô mét về hướng Bắc.
Và, đó cũng là lý do hoàn hảo nhất để nàng chọn KAEC làm nơi trú ngụ sau khi rời phố núi Taif.
Dọc theo bờ biển, KAEC vẫn hào sảng chia đều những cửa hiệu ngủ yên có mặt tiền ốp đá xà cừ rất đẹp, nhiều cái tên rất Tây còn phô những giấc mơ chìm nổi. Hàng chà là lớn tuổi, chồng chất tháng năm lên thân cây bạc trắng trổ ra những ổ bông óng ánh dọc suốt bãi bờ. Tôi huyên thuyên giả dụ rằng nếu Tom Hanks tỉnh táo hơn trong bộ phim A Hologram for the King thì Hoa Kỳ đã không mất gói thầu xây KAEC về phía Tàu, giờ có lẽ nơi này đã mang một vận mệnh khác. Nàng vỗ vào vai tôi để dằn lại chuyện đùa lỏng lẻo, và thở ra cái cười nhẹ trông buồn rầu hơn lớp son tím lì trên đôi môi có khoé hướng xuống.
Thay vì theo lời sếp tham gia cuộc họp về những dự định học kỳ tới của trường học, chúng tôi cúp cua, luồng qua tiệm đồ ăn nhanh, cầm theo mấy cái pizza Ả Rập và hai phần đồ uống, lái một mạch từ sở làm ở KAUST qua KAEC. Ngày đó, nàng bảo, chuyện có nhiều phần hệ trọng.
Cái ghế đá giả gỗ hướng thẳng ra biển vừa đủ ấm cho một chiều vừa gió. Chúng tôi ổn định rất nhanh với mớ đồ ăn và bình shisha có chiếc cổ mạ vàng trầy trụa. Nàng mở gói giấy bạc, nhóm nhanh vài hòn than bằng cái bật lửa Butane mỏ dài, rồi đặt gọn lên miệng bình. Một tiếng chửi thề gọn nhỏ chợt vỡ giòn sau đôi môi. Chỉ vài phút làn khói đặc nồng hương đào đã phủ kín mái đầu đang đội chiếc turban được xếp li rất khéo.
“Nó gọi điện bảo chỉ cần biết chắc mình bỏ khăn tuột áo thì nó sẽ tiễn thẳng về địa ngục bằng viên đạn chì giá bảy đồng ria.”
Ngày đầu gặp, tôi vẫn nhớ, nàng đã mặc abaya và trùm niqab. Suốt cả buổi làm việc cùng nhau, dường như những lời nàng nói đều là phát ra từ đôi mắt to dài có mái hiên cong vút. Và, những vạt áo đen thi thoảng lại phả ra mùi xạ hương trắng êm đềm.
Trong phút chốc, những tấm hình nàng mặc váy hoa, đội turban hồng tím chụp cùng bọn tôi tại sở làm buộc phải trở thành tài liệu tối mật.
Nó, là Mohammed, đứa em trai cùng mẹ cùng cha với nàng.
Cha nàng thì đã chết. Sau hơi thở của ông, thánh Allah, ba người vợ và mười tám đứa con, cùng những tiệm bánh mì Ả Rập ở Taif vẫn hiện hữu bên triền núi Hijaz yên bình giữa miền Tây Ả Rập. Nhưng, người mẹ, những người anh em, Quran, lợi tức từ những tiệm bánh đã không thể giúp nàng tìm lại tình thương bao dung duy nhất.
Nàng đã rời phố núi sau ba năm chờ đợi Mohammed đủ mười tám tuổi. Nó là người trai duy nhất trong nhà đồng ý ký lên tờ giấy bảo hộ để nàng sang Hoa Kỳ du học.
Trước năm 2019, phụ nữ ở Saudi đều cần phải được người nam trong gia đình ký giấy bảo hộ để xuất ngoại.
Cho đến giờ, nàng vẫn băn khoăn, không biết ai đã giúp mình, Chúa, cha nàng, hay Mohammed.
Khi tất cả sinh viên Hoa Kỳ nghỉ những tuần lễ mùa đông, nàng về thăm mẹ. Lúc gặp lại, Mohammed và những người anh em đã thấy được một khởi sự nào đó, dù chỉ thông qua đôi mắt còn hở ra sau mớ vải đen trùm kín thân thể, nên nó đệ trình lên chính phủ thôi cho nàng xuất ngoại. Trong nỗi thất vọng tột cùng, nàng bỏ Taif xuống căn nhà được thừa kế ở thành Jeddah. Ngôi nhà theo kiến trúc Moorish đã làm xao lãng tâm trí Mohammed. Ba ngày trước khi tấm vé khứ hồi hết hạn, nó đã đổi chữ ký với ngôi nhà. Nàng lại đi; hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành tự kỷ với số điểm tuyệt đối.
Thế nhưng theo mẹ nàng, nàng chỉ cần gói ghém mình cẩn thận trong mớ vải đen, cầu nguyện đủ năm lần mỗi ngày, thành tâm đọc những câu kinh Quran, và phì vội vài đợt nước bọt lên người đứa trẻ, thói tự kỷ ám muội từ lũ quỷ sẽ quay về địa ngục. Bà đã giữ nàng ở nhà hơn năm năm sau khi nàng về lại Saudi.
Trượt sườn Hijaz về phía Biển Đỏ, đoàn người ở KAUST đã không có chung niềm tin đó với mẹ nàng. Người ta đọc hồ sơ tìm việc của nàng. Người ta phỏng vấn nàng qua mạng và qua gặp mặt. Người ta thương lượng trả một khoảng tiền nhất định hàng tháng để nàng tác nghiệp.
Đoàn người du mục đang trú ngụ ở KAUST cũng chẳng cần thấy một phụ nữ được gói ghém kỹ lưỡng và ngoan hiền trau chuốt những lời kinh. Họ cần người đủ điềm tĩnh biết cách sắp xếp một ngày cho những đứa con mang chứng tự kỷ của mình.
Và nàng lặng lẽ rời phố núi. Chúng tôi trở thành đồng đội, phục vụ ngôi trường trong làng đại học hội tụ hơn một trăm quốc tịch này.
Nhưng khi người vợ mà Mohammed cất giữ năm năm vùng thoát khỏi đời nó, nó lại chực nhớ đến người chị gái cùng cha cùng mẹ duy nhất của mình đang làm việc ở KAUST và còn thuê một căn hộ trong một thành phố gần đó.
Hậu duệ vua Abdullah trong những nỗ lực níu kéo những hơi thở hấp hối của KAEC đã quyết định dời hai trăm nhân sự của Saudia Airline về KAEC. Trong đoàn người đó có Mohammed.
Căn hộ mà nàng trú ngụ ở KAEC chỉ cách tòa nhà Saudia Airline vài chục bước chân. Thế nhưng con đường quay lại với abaya và niqab của hơn ba mươi năm người ta trùm lên người nàng, nàng thấy gập ghềnh hơn những sườn núi Hijaz.
“Bà ấy vẫn nguyền rủa mình mỗi lần gọi điện. Dĩ nhiên bà ấy luôn tin rằng mình sẽ chết vào địa ngục vì mình đã chẳng bao giờ còn cầu nguyện nữa. Mà bà ấy có biết đâu địa ngục và thiên đường cũng đã ở đây rồi.”
Rồi nàng ho sằng sặc sau một hơi shisha dài ngập khói.
“Và dù Mohammed có bắn chết mình vì mặc váy hoa và thôi che mặt, thì bà ấy cũng chỉ nói với toà án rằng mình thật sự đáng chết. Tội giết chị gái cũng chỉ đáng vài năm trong khám.”
Bấy giờ đây, gần biên giới Tây Bắc, sát giáp giao điểm Ai Cập, Isreal và Jordan, ngài MBS (Mohammed Bin Salman) tôn kính của vương quốc Saudi đang cho xây lên một thành phố tên NEOM với tham vọng lớn hơn gấp nhiều lần so với tham vọng mà bác ngài đặt vào KAEC ngày xưa. Đôi mắt nàng suy tư mơ màng khi nói về nơi đó. Nước trong bình shisha lại sôi lên sùng sục.
“Taif cách NEOM hơn một nghìn ki lô mét. Abeer, bạn mình nói, trường học ở đó đang rất cần giáo viên.”
Ngày đầu đông, KAEC lặng lẽ trong bình yên sa mạc. Mặt trời trút một màu nắng êm đềm lên dải cát dài nền nã bên ngã rẽ đầy huyền hoặc của dòng Ấn Độ Dương. Những tàu chà là đổ bóng, gió khua từng lằn sáng tối lên lên chúng tôi, lên câu chuyện của nàng. Thi thoảng có những con chim rẽ cặm cụi tìm sò trong lớp cát mềm đầy sóng. Bàn tay còn dính bụi bánh của nàng mềm và ướt lạnh trong khói hương đào…
***
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST. Những dòng tin nhắn tôi gửi đi rơi vào một chiều im lặng. Chúng tôi không rõ nàng đã về Taif, đi NEOM, vẫn ở một nơi nào trong KAEC, hay đã tìm cho mình một con đường khác. Và dù cho Mohammed có hoảng loạn về một bản thể bị đe doạ ngoài bối cảnh trói buộc tính nữ, tôi mãi mãi vẫn không tin rằng nó đã mua viên đạn chì nào với giá bảy đồng ria.
Lư Linh
KAUST, 2023