NGUYỄN ĐỨC TÙNG - Nghĩ Về Tiểu Thuyết “Ai” Của Đặng Thơ Thơ

27 Tháng Ba 20248:29 SA(Xem: 411)
NGUYỄN ĐỨC TÙNG - Nghĩ Về Tiểu Thuyết “Ai” Của Đặng Thơ Thơ
May be an image of 1 person and text that says 'ểu ểuthuyết. thuy đặng thơ thơ'


Người mẹ mất con là câu chuyện muôn đời của nhân loại. Cái chết và tình yêu, những thứ ấy không bao giờ cũ, lúc nào cũng mới ròng ròng máu huyết.

Nhưng Ai của Đặng Thơ Thơ là cuốn tiểu thuyết kỳ lạ, ở đó cái chết được thay bằng sự mất tích, và sự mất tích góp phần làm nên ý nghĩa của đời sống. Ai được tác giả gọi là tiểu thuyết, nhưng tôi đọc, thấy vừa như một tiểu thuyết vừa như một tập hợp các thể loại: tự truyện (autofiction), tùy bút (creactive nonfiction), thơ xuôi (prose poetry). Có một thi pháp truyện và một thi pháp thơ đan xen nhau trong cuốn sách này. Đó là cái viết gây ngạc nhiên, tuy vậy sự kết hợp của các thể loại không lỏng lẻo mà chặt chẽ, chống lại khả năng viết lại các câu văn (paraphrasing). Nhiều nhà văn khi viết tiểu thuyết có khuynh hướng viết những câu xúc động. Đặng Thơ Thơ trái lại, chị chống lại thương cảm và trong một lối hành văn uyển chuyển, các xúc cảm của chị được nén giữ kỹ, chỉ bộc lộ ra thứ ánh sáng khác của lý trí. Đó không phải là một lý trí khô khan nặng phân tích, mà là sự nghiền ngẫm các chi tiết làm cho lối kể chuyện của chị có sức thuyết phục. Câu chuyện của Đặng Thơ Thơ là câu chuyện về người mẹ và con trai, người mẹ yêu con, đau đớn vì sự biến mất của nó trong đời sống, mà chị biết thế nào cũng xảy ra và chị gọi sự xa lìa ấy là mất tích. Đó là khổ đau dự cảm, anticipatory, sự lo lâu có tính báo trước. Mẹ và con có nhiều điểm chung nhau, chia sẻ những kỷ niệm, nhưng họ cũng không nói nhiều về chi tiết hoàn cảnh, lịch sử của cộng đồng, tiểu sử cá nhân, những người thân trong gia đình họ, chẳng hạn. Sức mạnh của cảm xúc dồn hết vào mối quan hệ mẹ và con.

“Với một đứa bé, không có gì kinh hoàng bằng cái chết của mẹ nó. Cả thế giới sụp đổ, chôn sống nó trong đó, trong cái chết của mẹ nó, và cả thế giới cũng chết theo.

Đứa bé bị chôn sống có thể vẫn lớn lên, trí khôn vẫn phát triển, nhưng tâm lý nó không bình thường nữa.”

Ai không dễ đọc, nhưng cũng không khó để người đọc làm quen với câu chuyện của nó, nếu họ nhận được vài chỉ dẫn về các yếu tố thể loại, ngôn ngữ, cách sắp xếp câu chuyện kể. Kinh nghiệm đọc của riêng tôi cho thấy rằng nếu một người đi qua được những trang đầu tiên, họ sẽ lật tiếp những trang về sau. Vì vậy, tôi hy vọng rằng các nhà tiểu thuyết bằng tài năng của mình có thể quyến rũ người đọc ngay từ mười phút đầu, đừng để họ mất tích sau mấy trang đầu tiên. Ai là một tiểu thuyết đầy những ý nghĩa và cảm xúc: Đặng Thơ Thơ biết rõ chị muốn cái gì trong cuốn sách ấy, làm thế nào để thực hiện chúng. Tính cách của các nhân vật là sâu sắc, nhưng trong suốt câu chuyện, tính cách của họ chưa có nhiều biến đổi như tôi mong muốn. Các giọng kể khác nhau, các điểm nhìn khác nhau, sự đảo lộn thời gian trong Ai, không phải là một phép trang trí thời thượng để làm mới lạ, mà là một phương pháp sáng tạo ở đó người đọc được tiếp cận với các đối tượng từ nhiều góc nhìn, và họ có thể nhìn thấy quá khứ và tương lai, tương lai và hiện tại, tương tác lẫn nhau, làm thay đổi nhau. Việc chọn lựa giữa cách thể hiện tinh tế và cách thể hiện bộc trực đối với các quan điểm về gia đình, văn hóa, xã hội, chính trị, là chọn lựa riêng của một tác giả. Về khía cạnh này, tôi nghĩ, Đặng Thơ Thơ nghiêng về lối viết tinh tế và cụ thể của Toni Morrison (như trong Beloved, truyện của bà có tính mô tả chi tiết và sử dụng một ngôn ngữ có tính thơ), hơn là Milan Kundera (như trong The Unbearable Lightness of Being, với bản dịch của Trịnh Y Thư) vốn sử dụng kỹ thuật dòng ý thức (stream of consciousness), xen kẽ các suy luận triết học và kể chuyện, với nhiều phát ngôn trực tiếp của nhân vật tôi.

Ai là một ví dụ có ích cho những cố gắng của các nhà văn đương đại viết tiếng Việt, mở những cánh cửa xưa nay khép kín ở ranh giới thể loại. Đó là cuốn sách mang lại sự phân vân ở người đọc, và đối với tôi, trong khi Đặng Thơ Thơ giữ những quan điểm rất mới, cởi mở, táo bạo, chị cũng vẫn là người bảo thủ các giá trị. Trong khi mở ngõ mọi khả năng, chị vẫn giữ quan niệm chắc chắn về các giá trị tình yêu, tình mẹ con, trách nhiệm gia đình, trách nhiệm văn chương. Hoàn cảnh người Việt, lưu vong và ngoài các ràng buộc truyền thống, những thay đổi trong thẩm mỹ và đạo đức, được phản ánh trong cuốn sách có thể lay chuyển cái nhìn của chúng ta. Tiểu thuyết Ai là câu chuyện về một hiện thực bị đánh mất, vai trò của người mẹ, tình yêu và sự cô độc của người mẹ ấy, quan hệ với con cái, những ám ảnh của các câu hỏi có tính triết học về ý nghĩa của đời sống, sự biến mất và tình yêu. Love and loss. đó là những ám ảnh của Đặng Thơ Thơ, được chị diễn tả trong một bút pháp vừa trong trẻo, rõ ràng, lại vừa đầy tính thơ; đó là một kết hợp khó khăn từ phía người viết. Chị không phải là người nhiều lời, và đôi khi rất tiết kiệm, đi gần với chủ nghĩa tối thiểu, mặc dù vậy, các câu văn của chị có nhiều hình ảnh, nhạc điệu, và chúng không chỉ là phương tiện chuyên chở ý tưởng, mà còn là, chính ra là, một phần của các ý tưởng ấy.

“Cửa chánh điện chỉ kéo một nửa… mưa đã ngớt hạt nhưng hơi nước dày đặc khiến không khí quanh chùa nhuốm màu xanh mướt. Một thứ màu xanh từ cỏ tuôn trào lên. Hai tấm bia đen cuối vườn chìm vào khối hơi, nhạt màu như hai hình thể lờ mờ. Một bóng người đứng đó, rõ nét.

Người đó quay lại nhìn tôi.”

Ai phát âm như I trong tiếng Anh, là tôi. Ai được viết với chữ i thường nhưng vẫn gợi ra chữ I với I hoa, là trí tuệ nhân tạo, Artificial Intelligence. Đó là hiệu ứng ngôn ngữ. Ai trong sách là một nhân vật, một cái tên riêng. Cộng đồng di dân người Việt ở khắp nơi ngày càng tích hợp vào nó ngôn ngữ bản xứ, trong khi làm lan tỏa tiếng nói và cách sống của mình. Sự pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh, mặc dù không nhiều, là một pha trộn tự nhiên, như trong các gia đình hiện nay:

Nó không chịu nổi nữa
I want my mom back.
Nó gào lên
I want my mom back again!

Nó lấy tay quệt nước mắt, nhìn thẳng người ấy và nói tiếng Anh. Mẹ đã chết rồi, nó không cần nói tiếng Việt nữa. Và nó cũng không còn là một đứa con nữa. Nó đã thành (a)I.

“Nó không cần nói tiếng Việt nữa”: Đối với tôi, đó là một câu thơ bi thiết.

Đó không phải chỉ là một trò chơi ngôn ngữ, đó còn là số phận của người Việt hôm nay, lưu vong và di dân. Tác giả và các nhân vật của mình chia sẻ những quan điểm về thế giới, thẩm mỹ, âu lo, sự hoài niệm. Diễn tiến của câu chuyện không theo phương pháp cổ điển, mở đầu và kết thúc có thể thay đổi cho nhau, các lộ trình không được biết trước. Khi bạn tìm cách chọn lựa một lối đi hoạch định, bạn sẽ mất tích trong chữ. Bạn phải mạo hiểm, và đôi khi cùng với tác giả lái xe tới một mỏm đá chênh vênh, sắp lao xuống, đạp thắng kêu ken két, và bạn quay xe lại. Trong một tác phẩm không có nhiều hành động, chính ngôn ngữ và các đối thoại và các diễn biến tâm lý làm nên xung đột của tiểu thuyết, tiểu thuyết Ai đối với tôi như một giấc mơ. Người viết bao giờ cũng tìm cách thuyết phục người đọc rằng các sự kiện xảy ra trong sách là các sự kiện xảy ra trong thực tế. Nếu không như thế, nếu không được thuyết phục, người đọc mất sự hào hứng. Điều này không những chỉ đúng cho các nhà văn hiện thực, mà còn đúng cho tất cả nhà văn. Ngay cả những cuốn sách viết về người ngoài hành tinh, với hình dáng và hành xử kỳ dị, thì họ cũng muốn người đọc tin rằng điều ấy có thể xảy ra ở một nơi nào đó trong vũ trụ. Muốn thế, họ phải dùng một loại tiếp cận khác, sử dụng các hình ảnh và giọng điệu khiến cho người đọc tin rằng cốt truyện là hợp lý, tạm gác qua một bên sự nghi ngờ về sự thật.

Chúng ta đọc vì vui thú. Không kể các cuốn sách giáo khoa và nghiên cứu, bạn chỉ đọc tiểu thuyết nếu nó làm bạn yêu thích. Không cách nào khác. Làm thế nào để biết một cuốn sách là thú vị, đáng yêu thích? Những câu văn đầy chất thơ là một:

“Rất dễ lạc hướng trong thành phố xây trên bảy ngọn đồi. Không gian và địa hình của Lisvoa quá đa dạng. Thành phố thoáng đãng trên cao hứng gió thổi từ ba mặt biển khơi nên mùi muối không quá đậm, lúc nào cũng phả đều trong không khí. Lisvoa có nhiều thứ làm say đắm lòng người, kể cả vẻ cũ kĩ và hoang tàn của nó. Thành phố này như một khối tạp chất cần được tinh lọc lại”.

Chủ đề con người bị ám ảnh với cái chết, sự biến mất, sự mất tích. Đi kèm với chúng là thương tiếc. Thương tiếc không phải chỉ là một tâm trạng, đó là một quá trình. Quá trình thương tiếc: Đặng Thơ Thơ đảo ngược quá trình ấy. Ai là nỗi niềm tâm sự của một phụ nữ, người mẹ, và người mẹ nào cũng sợ mất con, vì sợ hãi và mất mát là một quá trình thường trực. Trong một xã hội nhiễu nhương, tao loạn, khả năng bị đánh mất càng lớn. Tác giả muốn đặt câu hỏi về sự lo âu ấy, chị thách thức giá trị của sự mất mát và vai trò của tiếc thương. Trong khía cạnh này, Đặng Thơ Thơ vừa khách quan vừa chủ quan. Trong khi chị muốn chứng minh rằng người ta chỉ có thể lớn lên bằng sự mất, như cây trút lá, như chim lìa tổ, những đứa con lớn lên rồi sẽ bay đi, thì chị vẫn không đành lòng, và như một người mẹ, chị tra vấn tâm sự ấy, muốn sắp xếp lại các thứ tự của đời sống, sáng tạo ra một thế giới khác ở đó con người chia lìa mà vẫn ở bên nhau. Tình yêu là sở hữu, hay không là sở hữu? Trong tình yêu có trí tuệ. Trí tuệ không chống lại cảm xúc, nó bao gồm cảm xúc. Đứa con trai của chị chọn tự do như một cách sống, và để sống tự do trong một thời đại như hôm nay, cậu ta chỉ có thể biến mất. Nhưng chúng ta biến mất như thế nào? Biến mất bằng cái chết và biến mất mà hiện hữu. Biến mất bằng cái chết thì đã có nhiều người làm. Những người đặt câu hỏi siêu hình như Albert Camus, John Steinbeck, Cormac McCarthy. Những người hành động thật sự Yukio Mishima, Ernest Hemingway, Sylvia Plath. Nhưng đứa con trai rõ ràng không lựa chọn phương pháp ấy. Cậu ta muốn tồn tại nhưng mất tích. Mất tích mà tồn tại. Tôi gọi đó là khả năng vô hình hóa.

Thời bé, có một lần năm mười ba tuổi, tôi mơ ước được làm người vô hình. Tôi không nhớ vì sao tôi nghĩ tới điều ấy. Tôi thích thú vô cùng cảm giác được hành động mà không ai biết. Được ra tay cứu độ mà không để người đẹp nhìn thấy như Lục Vân Tiên. Rồi cũng như tất cả đứa bé khác, tôi quên bẵng ước mơ của mình. Sau ngần ấy năm, tôi gặp lại ý tưởng ấy trong tiểu thuyết của Đặng Thơ Thơ. Giấc mơ vô hình ấy, a ha ha mi đây rồi, nhưng quan niệm của Thơ Thơ khác với của tôi khi còn bé, vì của tôi là mơ ước trong khi ở Thơ Thơ là suy nghĩ, và chị vô hình hóa nhân vật của mình không phải bằng phép lạ, mà bằng việc cắt rời hiện thực, làm cho sự hiện hữu của một người không còn được nhìn thấy bởi người khác, hay không còn được nhìn thấy một cách thông thường. Nhờ thế, Ai trở nên lạ, gần như tôi chưa gặp bao giờ, ở đó mọi thứ rời rạc, các liên kết nhảy vọt, ở đó mất tích không hẳn là sự biến mất hoàn toàn như trong cái chết. Mất tích là sự biến mất của một người đối với một người khác, nhưng người đó vẫn tồn tại đâu đó, ẩn nấp, bị săn đuổi, hoặc tự nguyện. Sự mất tích của Đặng Thơ Thơ không phải chỉ là sự mất tích vật thể mà còn là sự mất tích tinh thần, văn hóa. Dân tộc chỉ còn lại những con người có xương có thịt nhưng không giữ được tâm hồn nguyên bản. Như thế chúng ta không chỉ mất tích trong nghĩa căn cước xã hội mà còn mất tích về khía cạnh căn cước văn hóa. Đã mất tích thì có ngày tìm lại được, hoặc chúng ta hy vọng thế. Chính sự hy vọng tìm thấy bản thể chiếu sáng lên mỗi trang sách của Ai, hy vọng của việc chống lại cái chết văn hóa, tìm ra chân dung bọn lạc loài.

Tiểu thuyết Ai là một phản tiểu thuyết, với nghĩa mọi thứ trong đó đều là hiện thực nhưng cũng có thể là giả hiện thực, giả địa lý, giả lịch sử. Đó cũng không phải là thứ mất tích phiêu lưu như trong Agatha Christie. Đặng Thơ Thơ vừa có cái nhìn nghiêm trọng, lại vừa chơi đùa với đời sống, chị tháo cỗ máy thời gian ra, sắp xếp lại, mới đầu sắp xếp theo lối cũ, về sau nổi hứng lên chị tạo ra vóc dáng mới. Một hình thức mới bao giờ cũng tạo ra một chức năng mới. Hiện thực của chị, tình yêu đối với con, tất cả đều có thật, nhưng trong tiểu thuyết này, chúng trở thành câu hỏi bất an, sự truy vấn, lòng tin và mất lòng tin, sự chung thủy và sự bội bạc, mất và được. Yêu thương đi đôi với thân mật, săn sóc, nhưng chúng không phải là một. Đi đến tận cùng của tình yêu đôi khi là chia lìa. Trong một tác phẩm đương đại như Ai, tôi không nhìn thấy tác giả ở nơi mà chị tới, tôi nhìn thấy tác giả trên- đường- đi- tới. Những câu chuyện của Đặng Thơ Thơ không hẳn là câu chuyện, mặc dù chị kể lại một cách duyên dáng và thơ mộng, đó là những phác thảo về nhân vật, được quan sát ở nhiều chi tiết, trong khung cảnh khác nhau, tình thế xã hội khác nhau. Bạn có thể trông đợi nhìn thấy nỗi đau đớn của tình yêu, sự lo lắng, sự chia tay và đoàn tụ, sự tranh cãi, một giọng điệu dịu dàng mà gay gắt, thực ra tất cả đều có ở đó, trong Ai, nhưng điều làm tôi chú ý hơn cả ở Ai là sự tươi mới của một tiểu thuyết thể nghiệm, khi thì như máu chảy đỏ ứa, khi thì như không khí trong lành buổi sáng. Đôi khi Ai như cổ tích. Những đoạn văn đẹp tả cảnh vật, những đối thoại thú vị, sự tưởng tượng phóng túng nhưng cân bằng: chính là tình yêu của tác giả đối với những con người có thực. Đó là quan tâm sâu xa đến việc đi tìm lại bản ngã của mỗi cá nhân, của một cộng đồng, một dân tộc, chính nỗi quan hoài ấy làm nên sức mạnh tác phẩm. Cách hành văn dịu dàng mà vững mạnh, các câu chừng mực không quá dài không quá ngắn, giọng điệu trung tính, làm cho truyện của chị ít có tính thương cảm, vốn đầy rẫy ở những cây viết hiện nay. Ai có khuynh hướng nghiêng về trường phái dystopia, nhưng nó không phải là dystopia, văn chương ngày tận thế. Trái ngược với dystopia là utopia. Loại thứ nhất viết về thời đen tối, loại thứ hai về thanh bình rực rỡ. Trong Ai có cả hai. Chỉ trong xã hội bị điều khiển một cách máy móc, văn chương mới có thể thuộc hẳn vào loại này hay vào loại kia. Nhưng chọn một lối viết trung thành với thời đại thì khó mà tách bạch như vậy. Làm thế nào để một người đi lạc đường có thể trở lại, một người mất tích có thể được tìm thấy? Làm thế nào để những người nô lệ da đen trở thành công dân tự do? Đó chẳng phải là những mất tích và tìm lại hay sao? Làm thế nào để những phụ nữ sống trong những cộng đồng đa thê ở ngay nước Mỹ, dù bị bắt buộc hay tự nguyện, có thể tìm thấy lại căn cước của họ? Làm thế nào để một dân tộc, sau khi tự tuyên bố giải phóng mình khỏi thực dân đế quốc lại trở thành nô lệ, có thể tìm lại được tự do nếu không cùng lúc tìm lại được căn cước văn hóa? Chúng ta cần tưởng tượng xem làm thế nào để bắt những công dân hôm nay trở lại thời kỳ mà thổ dân không được đi bầu, phụ nữ không có quyền phá thai, những người da đen không được lên cùng xe buýt với người da trắng, nếu bạn bước lùi lại như thế, bạn sẽ hiểu rằng nếu trong thời đại chúng ta có những người sống vô hình, những dân tộc bị cướp đoạt tự do, thì họ chính là những kẻ mất tích. Như trong tiểu thuyết của Đặng Thơ Thơ. Bất chấp tất cả kỹ thuật mới lạ, sự đảo lộn thời gian, sự chia cắt hiện thực, vấn đề của tiểu thuyết hôm nay vẫn phải là câu chuyện đáng tin cậy về con người, những câu chuyện về chính chúng ta. Ai không phải là cuốn tiểu thuyết phiêu lưu để giải trí, mặc dù đọc vui thú, cũng không phải là cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Ai đứng lại giữa chúng ta, nói tiếng nói của chúng ta về cõi người đang tự đánh mất mình, về sự hiện hữu, tuy bi lụy vẫn hạnh phúc, không ngừng tàn khốc và không ngừng thơ mộng.

Nguyễn Đức Tùng

Ghi chú của tác giả: Ai, tiểu thuyết đầu tay của Đặng Thơ Thơ, 286 trang, in trên giấy đẹp, bìa của Khánh Trần, trình bày của Trần Trí, bức vẽ của Đàm Thúy Ngọc, lời bạt của Thụy Khuê, cơ sở Da Màu xuất bản, 2023.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Tư 20248:23 SA(Xem: 193)
Cuối cùng thì người nghệ sĩ là một trong những người hào phóng nhất, luôn chăm chỉ với sứ mệnh tô đẹp thế giới, cuộc đời. Vẽ hoài. Viết hoài. Cho hoài.
07 Tháng Tư 20249:05 SA(Xem: 342)
Ngày nhỏ chúng tôi căng miệng hát một cách thích thú bài nhạc chế
16 Tháng Hai 20244:27 CH(Xem: 934)
Cuối cùng thì, sau hơn bốn mươi năm vắng mặt, Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại được, giờ đây, rót đầy tràn ly, trên tay mỗi người dân nước Việt, cùng nâng lên, cùng hát vang, cùng chúc vang một mùa xuân:
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 1408)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
25 Tháng Giêng 20249:05 SA(Xem: 1039)
Với tôi, Phạm Duy là Người gieo hương.
15 Tháng Mười Hai 20234:33 CH(Xem: 1182)
“Người đi qua đời tôi / Hồn lưng miền rét mướt / Đường bay đầy lá mùa / Vàng xưa đầy dấu chân / Lòng vắng như ngày tháng…”
08 Tháng Mười Hai 20239:13 SA(Xem: 1112)
Thơ bà, hòa trộn giữa nét âm trầm, sâu kín, dịu dàng của xứ Huế và nét xông xáo, cởi mở, sẵn sàng đón nhận, hóa giải nhẹ nhàng mọi vấn đề của kiểu Sài Gòn,
21 Tháng Mười Một 20239:39 SA(Xem: 1192)
Năm 1997, bố tôi, nhà thơ Trần Dần mất tại Hà Nội.
11 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 8483)
Tôi gặp bà lúc nhà thơ Huy Cận còn tại thế. Hai lần gặp, bà như cái bóng bên cạnh chồng.
05 Tháng Mười Một 20233:49 CH(Xem: 1159)
Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ rất đặc biệt,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8861)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17196)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12393)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19129)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9299)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 705)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1081)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1246)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22547)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14083)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19232)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7943)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8873)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8544)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11119)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30773)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20847)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25566)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22950)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21789)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19844)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18090)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19301)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16959)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16142)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24561)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32021)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34956)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,