“Đối với nhà thơ Du Tử Lê tôi trộm nghĩ có lẽ tới một lúc nào đó, khi đọc, chúng ta cần giữ một thái độ từ tốn, công bằng...tối thiểu. Tôi muốn nói những bài thơ của ông cần phải được soi rọi lại bằng những cái nhìn khác...”
PK
Một thiếu nữ Hoa Kỳ tại thành phố Saint Paul vừa thực hiện hoài bão cho ông thân sinh của cô: muốn được viễn du dọc theo dòng sông Mississippi. Đó là giấc mơ một đời ông chưa thực hiện được. Đó là con sông dài nơi ông sống kề cận với nó, tới sinh nhật lần thứ 73, tức là vào trung tuần tháng 5 sắp tới đây.
Để đáp lại ước mơ một đời của cha mình, cô Cheri King sau khi tiến hành những thủ tục hỏa thiêu, đã đóng gói cẩn thận tro than xác cha cô trong một chai coca nhựa, trước khi hạ thủy chai này để cho nó trôi nổi theo dòng Mississippi.
Người quá cố ôm ấp giấc mơ viễn du theo dòng sông suốt một đời mình tên là William Constandine, vừa qua đời vào ngày Lễ Phục Sinh mới đây.
Trên giường bệnh ông Constantine phải chống trả không ngừng với cơn bệnh, với nghèo túng, nhưng không bao giờ ông ngưng than thở, bày tỏ mơ ước mai kia, một ngày nào đó cuộc đời ông tươi sáng hơn, có rủng rỉnh tiền, ông sẽ tự thực hiện lấy cho mình một chuyến du ngoạn trên dòng sông quê hương một thời ấu thơ của mình.
Quả là gan liều khi cô Cheri King làm một điều hoàn toàn phạm luật: thả lọ đựng tro cốt thân xác cha cô xuống dòng sông lịch sử nổi tiếng đó. Với cảm quan và suy nghĩ thơ mộng của cô, cô nghĩ nếu có bị bắt chắc tòa án cũng sẽ khoan hồng, rộng lượng mà không bỏ tù cô.
Bằng vào suy nghĩ này, cô Cheri King đã đóng gói thật kỹ lưỡng tro cốt cha cô để nó sẽ không lọt vào miệng cá lớn. Nhờ thế, như dự tính của cô, độ khoảng 2 tháng sau, hy vọng sẽ có một ngư phủ nào đó ở cuối dòng Mississippi sẽ vớt được và thông báo cho cô nhận lại, mang về chôn cất để cha mẹ cô lúc cuối đời vẫn được gần gũi nhau dù nơi lòng đất lạnh.
Đọc xong bản tin trên, tôi lại chợt nhớ đến bài hát trong một nghi lễ của những người thờ phụng Chúa tại Giáo đường Federal Way, một buổi ldễ đông kín người Việt Nam, do anh bạn Đỗ Văn Mỹ tổ chức tiễn biệt mẹ anh hôm chiều Chúa Nhật. Trong buổi lễ, mọi người cùng cất tiếng hát: "Trên con đường về quê, mà vắng bóng mẹ, con biết cậy nhờ ai, biết trông vào ai..."
Ca khúc này dường như những người Công Giáo ai cũng có ít nhất đôi lần thổn thức, thường vào lúc cuối ngày, lúc Giáo đường sắp đóng cửa, lúc những ngọn nến bắt đầu được chụp lại cho tắt đi, để đón chờ bóng đêm và sự yên lặng u buồn...cùng những giây phút chợt thấy lòng mình mềm yếu.
Cũng lẫn trong nỗi nhớ mẹ và trong giấc mơ viễn du của một người sau bao nhiêu năm làm người, vẫn ôm ấp giấc mơ tầm thường, cảm động về một dòng sông quê hương, khiến tôi chợt nhớ tới những vần thơ của Du Tử Lê,:
"khi tôi chết hãy đem tôi ra biển – đời lưu vong không cả một ngôi mồ... "
Trong cuộc phỏng vấn năm vừa qua dành cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, bất chợt, nhà thơ Việt Nam xa xứ này, đã nói rất thành thật về bài thơ" Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển" của ông.
Đó là giấc mơ chân chất của những người thuộc lớp đầu tiên, mới bỏ nước ra đi. Cuộc sống của họ lúc bấy giờ đúng là khó có thể có được một nấm mồ hiểu theo cả hai nghĩa đen và bóng.
Du Tử Lê nói, theo ông, tình yêu quê hương như một thứ tín lý. Trong giai đoạn khởi đầu của đời tỵ nạn hoang mang, ngơ ngác, ông cảm thấy như vậy nên viết xuống như vậy. Điều đó không có nghĩa chỉ cuồng điên theo những mơ ước ngông nghênh, thuần túy cảm quan. Cũng như những bài thơ khác của ông, khi thương nhớ mẹ, ông trở thành một đứa bé ngốc nghế ngộc nghệch. Nó cũng giống như lúc chàng Quasimodo khờ khạo, khóc cho một cuộc tình. Dù chàng không là Quasimodo. Dù chàng không còn là cậu bé ngờ nghệch, lại càng không phải là người chỉ sống thuần bằng cảm quan. Bởi vì cái chính yếu sau những lời ca của tấn tuồng đời sống, chàng vẫn hiện nguyên hình là một người lính.
Đối với Nhà thơ Du Tử Lê, tôi trộm nghĩ có lẽ một lúc nào đó, khi đọc, chúng ta cần giữ một thái độ từ tốn, công bằng...tối thiểu. Tôi muốn nói những bài thơ của ông cần phải được soi rọi lại bằng những cái nhìn khác. Cái nhìn bao dung của một người lính chưa hề biết mệt, dù đã bao lần gục ngã; bao lần tưởng tượng xác thân mình như xác thân đồng bào, ruột thịt chấp nhận đánh đổi sinh mạng thả trôi theo biển cuồng và cũng chẳng e ngại lọt vào miệng cá.
Người lính nào chăng nữa cũng có lần cần đến bà mẹ, cần đến sự che chở của đấng từ mẫu, ngay khi người mẹ kia còn sống tiều tụy đâu đó, hoặc đã khuất bóng, đã vĩnh viễn lìa xa cuộc đời.
Tôi thấy có lẽ cũng nên nhấn mạnh rằng, khi một người luôn cần tới mẹ, một người có thể khóc được khi nhớ mẹ, thì người đó mãi mãi là con nít ngây ngô. Cũng như một quân vương, khi yếu lòng, phút bi lụy đã muốn đập gương để tìm lại bóng, không có nghĩa lúc nào, bao giờ ông ta cũng ở trong tâm cảnh ấy. Cũng như khi một người nói lên tâm trạng được đem xác thân mình ra biển sau khi chết, không có nghĩa con người đó không còn có một điều gì khác hơn tâm nguyện, ước ao kia. Trong một con người luôn có rất nhiều con người.
Một con người thi sĩ cũng vậy. Không phải vì họ là nhà thơ thì định mệnh của họ phải mãi mãi là một nhà thơ mà không thể có thêm những phần đời khác. Những phần đời cũng định mệnh, cũng quyết liệt không kém.
Nói cách khác và dưới một cái nhìn khác, thì hãy mở ra những cánh cửa khác, hoặc chí ít cũng hãy là những khung bản lề như họ Lê từng nói với thính giả, với những người từng gặp gỡ ông ở khắp mọi nơi. Chúng ta cũng tìm thấy điều này đâu đó, trong tác phẩm "Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà / Your Scented Garden, My Nostalgia." Như cô Cheri King dù có chiều theo ước mơ của thân sinh, tạo cơ hội một chuyến viễn du cho người quá cố, nhưng cuối cùng, cô cũng vẫn phải trở lại đời thường của cô.
Như Nhà thơ của chúng ta, một lúc nào đó, dù muốn dù không cũng phải chấm dứt đời du tử, để trở về chỗ đứng quen chân, bằng những đóng góp khác hơn nữa, như những đóng góp thời trai trẻ.
PHẠM KIM
(Người Việt Tây Bắc, 26 tháng 4-96.)