Truyện ngắn của Trần Vũ: Nhảy dựng ngang trời thế đá tung

21 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 27290)
Truyện ngắn của Trần Vũ: Nhảy dựng ngang trời thế đá tung


doannhavan-thumbnailCứ mỗi lần lật lại truyện ngắn của Trần Vũ, là tôi nhớ đến câu thơ của Mai Thảo: “Dậy đi! Dậy hết thành dông bão / Nhảy dựng ngang trời thế đá tung”. Ý thơ của Mai Thảo nói đến một điều khác, tôi biết, nhưng chữ nghĩa trong hai tập truyện của Trần Vũ và nhất là những truyện sau này của ông, cứ làm tôi liên tưởng đến thế đá tung giữa làng chữ nghĩa. Thế đá tung khô khốc và quyết liệt, nhưng quan trọng hơn, đó là thế đá tung đã tạo nên những đợt sóng thay đổi được sự chán ngắt, phẳng lặng như tờ của mặt hồ văn nghệ.

Trần Vũ bước vào văn đàn bằng tập truyện ngắn “Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu” và tạo ngay tiếng vang. Tập truyện tiếp theo, “Cái Chết Sau Quá Khứ” vừa là sự khẳng định cần thiết sau tiếng vang ấy, vừa đánh dấu một hướng đi mới của ông. Ở tập truyện ngắn đầu, lối viết của Trần Vũ dựa trên nền hiện thực, vẽ lên những phận người, chạm vào nỗi đau của thời thế. Đó là sự biến mất hàng loạt những thanh niên Việt trên những “Đồng Cỏ Miên”. Đó là những ngày đêm kinh hoàng trên đường vượt biển ở “Biển Rợn San Hô”. Đó cũng là nỗi uẩn khuất của những người con gái trong “Mưa Bên Chồng”, “Bên Trong Pháo Đài”. Và, đó cũng là vết nhơ ngàn đời của “Ngôi nhà sau Lưng Văn Miếu”. v.v. Đến tập “Cái Chết sau quá khứ”, truyện của ông không còn là mảng hiện thực xã hội thuần túy. Có truyện vừa trộn lẫn hiện thực đương đại với hiện thực huyền ảo. Có truyện mượn những nhân vật lịch sử, như Mùa Mưa Gai Sắc, Gia Phả, Cái Chết Sau Quá Khứ, Nhã Nam v.v. Ông mượn những nhân vật lịch sử để viết “về” những cái bên ngoài lịch sử. Khi viết về “con người”, nhất là những con người lịch sử, ông khai thác tận tình cái “con”, để bẫy lên cái tầm thường, cay độc, vũ phu, thú tánh, từ những nhân vật mà ông nhắc đến. Ông đã tạo nên những mẫu nhân-vật-ẩn rất tới, nhất là ở những truyện bên ngoài lịch sử này. Vùng đất mà ông khai thác tận tình, mà đỉnh điểm là truyện vừa Giáo Sĩ, chính là vùng dục tính và bạo lực.
Nhưng tại sao phải là dục tính và bạo lực?


Đây là hai điều mà giới điện ảnh, đặc biệt là Hollywood, khai thác tối đa trên những thước phim của họ. Đẩy cái bạo lực đến cao điểm là khai thác tối đa sự tập trung, nghẹt thở. Sau đó, xen vào những hình ảnh đầy dục tính, đưa thần kinh người thưởng ngoạn từ sự nghẹt thở, trở về trạng thái bình thường, dẫn đến sự thỏa mãn tâm lý. Kết hợp dục tính và bạo lực là kỷ thuật điện ảnh, nhằm kéo người thưởng ngoạn rời khỏi vị trí nhàm chán của đời thường, đi vào những vùng đất phiêu lưu. Ở Trần Vũ, ông cũng không ngại ngùng với những điều này, mà nhiều khi, ông dụng nó, như một cái cớ, để dàn trải những con chữ được ấp ủ của mình. Tuy nhiên, từ vùng đất này, người đọc phát hiện được những điều khác từ những con chữ của ông. 


Bạo lực được sử dụng thường bắt đầu ở hai giới: giới nắm quyền lực và giới ở đáy cùng của xã hội. Kẻ nắm quyền sinh sát, dùng bạo lực, thứ nhất, để bảo vệ ngôi vị của mình, và thứ nhì, nhằm chứng minh cho nạn nhân thấy rằng: lẽ phải luôn thuộc về ta. Giới ở đáy cùng thì chẳng còn gì để mất. Họ sử dụng bạo lực cho mục tiêu chính: mưu sinh hoặc tiến thân. Vì thế mới có ca dao rằng: “thứ nhất sợ kẻ anh hùng / thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân.” Bạo lực trên trang sách của Trần Vũ thiên về cái thứ nhất: bạo lực từ những kẻ nắm giữ quyền lực, như Nguyễn Huệ, Trần Thủ Độ. Ở họ, bạo lực là để chứng minh. Trong chiều hướng đó, Trần Vũ cố tình phô ra cái “thú” của những người hùng. Bạo lực, đối với họ là sự thỏa mãn, nhất là sự thỏa mãn xác thịt, như Huệ đã làm đối với Ngọc Hân, hay Trần Thủ Độ đã ra tay với (Linh Từ Quốc Mẫu) Trần Thị.


Đây là một ví dụ nhỏ về dục tính và bạo lực trên những trang sách của Trần Vũ.
“Độ lại nắm tóc kéo lôi Trần Thị lê lết trên mặt đất bắt nhìn quang cảnh. Hai cánh tay Độ hươi cao lắm, gân guốc, mạnh mẽ. Bản dao sáng lóa, suốt đời chưa bao giờ tôi trông thấy một thanh mã rùng rợn như thế, đôi mắt của Trần Thị mở căng khiếp đảm, đôi mắt của Độ hung bạo, đôi cánh tay vung lên rồi quất xuống bằng tất cả sức lực. Tiếng ngựa rống chói tai. Tiếng vó sắt đập tung như trống nện. Cần cổ con ngựa ô ngập lún bản dao vùng lên, từ chỗ vết thương thịt da máu me đổ trào ra như thác, máu ngập máng, máu lênh láng bắn phun lên nền đất. (...) Hình ảnh một kẻ trần truồng chém đầu ngựa trông thật kinh hãi. Chất thép rờn rợn. Hai chân trước của con vật khụy xuống, khoảng lưng đen nhẵn lềnh máu. (...) Độ bước trở lên thềm, người tắm máu, dáng dấp của tên khổng lồ cuồn cuộn thịt gân. Xét theo sách tướng, Độ có thiên mệnh, nhưng thần sắc lại nửa rắn, nửa rồng. Không làm vua mà lại coi vua. Độ nhìn Trần Thị say mê, vẻ say mê hung bạo:
- Chị yêu tôi không?
Độ cúi xuống, hôn vào giữa đôi môi run rẩy của Trần Thị, một bàn tay sờ soạng xuống phần ức trắng, mân mê nơi đầu vú. Rồi một bàn tay trườn xuống bụng, Trần Thị thót người, co rút mình mẩy. Nhưng cử chỉ đối kháng chót cùng đó chỉ làm Độ giận dữ:
- Trao thân cho tôi là trao thân cho đất nước! Hiến thân cho tôi là hiến thân cho tộc Trần! Cớ chi phải sợ? Hay chị muốn như con ngựa này? Độ quát.
Buổi chiều đó, tộc Trần khởi nghiệp trên thân xác Trần Thị.” (Gia Phả)

 

Cái bạo lực thông qua Nguyễn Huệ, Trần Thủ Độ, trên những trang văn của Trần Vũ, không còn là bạo lực của một cá nhân đối với một cá nhân. Đó là bạo lực của lịch sử. Có lịch sử của một dân tộc nào mà không nhuốm máu? Hơn nữa, lịch sử của một đất nước nằm bên cạnh một gã khổng lồ, lúc nào cũng hướng về phương Nam, thì máu càng phải đổ nhiều hơn cho sự sống còn. Và khi những nhân vật “lớn” đứng lên từ một nước nhược tiểu, thay đổi một triều đại, cuộc cách mạng đó phải trả một giá không nhỏ. Dân tộc đó phải trả bằng máu. Máu của chính mình, máu của bá tánh. Máu của lịch sử! Tuy nhiên, phần lớn những người chép sử cho một triều đại, lại thường bỏ qua những điểm này. Vì thế, theo tôi, cố tình thổi phồng cái thú tính, dụng công dựng lại cái “con” trong mỗi “con người”, Trần Vũ muốn nhìn lại cái phần khuất lấp của lịch sử đằng sau những gì mà chính sử đã viết. Và nhà văn đã đẩy đến kỳ cùng những điều không ghi lại trong chính sử: những trang gia phả đẫm máu.


Cùng lúc với bạo lực, Trần Vũ đã không ngại ngùng phô bầy dục tính trên những trang sách của ông. Đầy rẫy, thậm phồn, từ truyện này sang truyện khác. Dục tính và bạo lực, có khi đứng riêng, có lúc nhập nhằng. Đọc ông, trên bề mặt của những con chữ, người đọc dễ liên tưởng đến xác thân của người phụ nữ chỉ là cái cớ cho sự thỏa mãn dục vọng của những gã đàn ông. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, từ cổ chí kim, con người không thoát khỏi hai khát vọng: nắm giữ quyền lực và thỏa mãn xác thân. Chỉ có các nhà tu thực sự hay những người đàn ông bất lực mới tránh khỏi. Và nếu là một người bình thường mà không thỏa mãn được dục vọng, họ sẽ mang một nỗi buồn. Không chỉ buồn, đó là nỗi buồn lớn. Không chỉ lớn một cách chung chung, mà đó là nỗi buồn “chín thối ruột gan” của một người đàn ông không được toại nguyện thân xác. Đây là nỗi buồn của Giáo Sĩ.


“Những ai bắt gặp giáo sĩ những năm thánh chiến, thảng thốt nhận ra bóng ma mang nỗi buồn chín thối ruột gan của một người đàn ông chưa toại nguyện thân xác. Hôi thối đến nỗi những người lính Marốc của tiểu đoàn 10 Tabor tăng cường cho trung đoàn 3 Lê Dương phải bịt mũi trước xú uế nồng nặc bốc tỏa từ nhà thờ chính tòa Cao Bằng. (...) Mỗi khi Alexandre de Rhodes thăm các họ đạo, các ruộng mạ mới xanh mơn mởn bỗng dưng héo úa hóa ra cằn cỗi rồi đổ rạp xuống thành đống rạ cũ mốc như đã cháy khô từ bao kiếp nào. Các gốc sữa chai sần không thể trổ hoa và ngay đến con sông Hiểm nổi tiếng hung dữ, mặt nước bình thường cuộn siết xoáy nhận chìm biết bao bè gỗ cũng vụt trở nên lặng lờ thiu chảy. (...) Giáo sĩ bắt đầu tuyệt vọng, ông ợ hơi thum thủm và nổi buồn chín thối ruột gan càng lúc càng nồng nặc thối hoăng khắp vùng. Các họ đạo xa lánh dần nhà thờ, mỗi lúc làm lễ De Rhodes phải giảng kinh sám hối ven sông Bằng Giang để gió xua bớt mùi thối. Giáo đường mỗi lúc một hoang vắng, ngay cả dì phước Louise Marie de Bourbon, nữ tu không còn chức năng đàn bà, cũng không dám thường xuyên đến chăm sóc cha cố, chỉ liên lạc với cố đạo qua thư tín. Tấm áo chùng gai của Alexandre de Rhodes không còn được dì Louise giặt giũ, mỗi lúc một cũ nát, bẩn thỉu và chảy nước vàng của chứng thối ruột. ” (Giáo Sĩ)
Trong những nhà văn Việt Nam, tôi chưa thấy ai tả một nỗi buồn chín thối ruột gan như Trần Vũ.


Chỗ nào có con người sinh sống, chỗ đó có bạo lực, chỗ đó có sự hiện hữu của dục tính. Hãy cùng đọc một đoạn nữa, vừa bạo lực vừa dục tính.
“Tôi ôm ghì Nữ. Tiếng quân nhạc Chiến đang bắn pháo bông duyệt binh vọng vào buồng rõ mồn một. Giặc miền Bắc vô đây bàn tay sát hại đồng bào, Bình Long quê hương tôi mồ chôn xác giặt hung tàn, hàng T-54 còn nằm phơi xác quanh đây. Tôi xé áo Nữ thịt da trẻ thơ máu xương vô tội, tôi nhai nghiến lấy núm ngực Nữ mềm mại đỏ son trắng ngọt. Đêm nay là đêm Mậu thân chôn sống tập thể. Chiều mai là chiều Mỹ Lai tàn sát không nương tay. Sáng mai là sáng hải tặc cưỡng hiếp thỏa thích. (...) Trả con cho tao Quỳ gào; Quý đồng ca sau Phật điện: Thề diệt hết lũ ác ôn tiêu diệt giặc Mỹ bạo tàn. (...) Nữ tròn mịn như cánh đồng lúa chín căng những hạt thóc; Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng Quý gào sát mang tai, Chiến bắc loa thổi kèn đánh trống: Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông miệt mài. Tôi đâm Nữ bằng tất cả sức mạnh, trí tuệ và cơ bắp. (...) Đâm như đâm thú. Giết trâu giết bò giết chó. Chiều đi trên đồi cao hát trên những xác người tôi muốn sống cuộc chiến đang xảy ra. Muốn tham dự. Phạm tội. Trực diện. Lãnh trách nhiệm. Muốn trông thấy những hầm hố đang chôn vùi thân xác anh em, muốn giết người một lần. Muốn sống cảm giác bắn người là mê suốt đời như Chiến như Quý thường nói.” (Giấc Mơ Thổ)


Đó là một trong những đoạn tiêu biểu viết về một cuộc thỏa mãn, trần trụi. Đó cũng là một đoạn viết về cái bạo lực, ghê tởm. Chúng ta thấy gì đằng sau cái thú tánh, cái dã man được phô bày? Sau mỗi hành động là lời một bài hát vang dội. Bài hát của bên này cất lên cao vút. Bài hát của bên kia dội ngược, bùng vỡ. Đó là những bài hát một thời mê muội, đó là tiếng gọi của một giai đoạn máu me. Theo mỗi hành động nữa, tiếng loa của quá khứ bùng lên, tiếng trống của thời gian vọng về. Loa của bên này gào thét. Trống của bên kia vỡ bờ, đẩy tầng tầng lớp lớp thanh niên ra trận. Mỗi lần đẩy tới, (người) Nữ chịu đựng. Một lần rút về, (người) Nữ gào thét. Bên này xông tới, bên kia cố thủ. Kẻ nắm quyền lực xô những con chốt thí qua sông. Xong, phủi tay. Trong khi đó, “chúng tôi hãy còn rất trẻ”, một tuyên bố dứt khoát được lập đi, lập lại rất nhiều lần trong một truyện đầy dục tính và bạo lực. Chúng tôi muốn trực diện. Chúng tôi “Muốn trông thấy hầm hố đang chôn vùi thân xác anh em”. Cũng có nghĩa là, chúng tôi không trốn tránh lịch sử mà là muốn đối đầu với những khuất tấp đằng sau những khuôn mặt thánh thiện, muốn khơi mở mặt trái gồ ghề của những chuỗi vinh quang. Chúng tôi muốn nhìn lịch sử ở chiều kích máu me và bạo lực chứ không phải ở lớp mạ vàng của những tấm huân chương. Đó là sự khác nhau giữa nhà văn, chọn con đường hư cấu lịch sử, và dấn thân vào soi rọi mặt trái của lịch sử, so với nhà biên niên sử của từng triều đại, chọn con đường tổng kết thành tích. 


Cái viết của ông, về vùng dục tính và bạo lực, nói cho cùng, là quật lại quá khứ, khơi mở nỗi ám ảnh của một thời đã qua, một thời mà cái thú che đậy trong những xác người. Dục tính và bạo lực dàn trải trên những trang sách của ông làm người xem lợm giọng. Đó cũng là một lời nhắc nhở tiềm ẩn về một thời xa vắng. Hơn thế nữa, nó còn hiện lên như tấm gương phản chiếu quá khứ để nhìn về thực tại, một thực tại mà những kẻ nắm quyền lực sa đọa trong vùng dục tính, không chỉ trên mảnh đất hình chữ S, mà từ Âu sang Á trong thời đại tin học hôm nay.


Trần Vũ sở hữu một trí tưởng tượng phong phú. Từ điểm mạnh này, ông nhấn thêm bước nữa: táo bạo trong cách chọn đề tài, từ dục tính và bạo lực, đến lịch sử, đến loạn luân, đến tôn giáo, đến tình yêu, đến chiến tranh. Đề tài nào cũng có thể gây tranh luận. Và ở đề tài nào tôi cũng thấy hai điều nổi bật ở ông: một, những con chữ như có sức đẩy, lôi kéo độc giả đi từ trang này đến trang khác bởi những những nhân-vật-ẩn tạo nên hấp lực lớn; và hai, trang văn thu hút bởi đậm đặc những chữ tượng hình, cùng với những sự so sánh khá lạ lùng.


Dùng nhân-vật-ẩn, xưng “tôi”, trước tiên, có thể thấy được ở truyện ‘Mùa Mưa Gai Sắc”. Cùng xưng ‘tôi”, nhưng nhân-vật-ẩn này, lúc ở bên Huệ, khi ở bên Hân. Đó cũng là cách Trần Vũ gọi nhân vật của mình, gọi bằng tên duy nhất, không đi chung với tên đệm hay họ. “Tôi” được dựng lên để đi bên cạnh cuộc đời của mỗi nhân vật. “Tôi” thân thiết với nhân vật từ những ngày thơ ấu. “tôi” chứng kiến những âm mưu, tôi chia sẻ nhưng u tình, tôi đọc được những uẩn khúc. Vì thế, chính “tôi”, chứ không phải ai khác, đã làm sáng lên cá tính của mỗi người. 


Hãy nghe “tôi” quen biết với từng nhân vật như thế nào, trong cùng một truyện ngắn, Mùa Mưa Gai Sắc. “Tôi biết Huệ đã lâu. Từ lúc Huệ còn niên thiếu, những trận mưa rào còn bất chợt đổ về qua ấp Tây Sơn, thứ mưa nóng và ẩm của vùng Quy Nhơn sỏi đá.” Ở một đoạn khác: “Tôi chơi với Hân từ thuở bé. Từ thuở Hân còn ưa chơi ô quan trong sân cung Vạn Thọ. (...) Tôi với Hân như đôi bạn, chẳng vậy mà ngày xuất giá, Hân chỉ mang theo mình tôi để hầu cận, người nhũ mẫu nuôi Hân từ thuở lọt lòng.” Qua “tôi”, người đọc thấy được cái tham vọng của Huệ. Cũng qua tôi, người đọc thấy được những uẩn tình của Hân.


Đây là những cái “tôi” khác nữa, trong truyện Gia Phả. “Tôi đi ở cho tộc Trần từ lâu lắm. Từ cuối đời Lý. Lúc Trần Thị chỉ vừa cắt nhau.” Ở một chỗ khác, “Tôi theo dạy chữ thánh hiền cho Thủ Độ từ tấm bé. Thứ chữ dùng làm đạo. Thứ đạo của người quân tử. Nhưng với Độ, không có thứ đạo nào mạnh hơn sức mạnh.” Chính “tôi” giúp người đọc nhìn được mặt sau của Thị, của Độ.
Đọc kỹ, chúng ta thấy, “tôi” quen với Độ, với Huệ là đàn ông, trong khi đó, “tôi” gần gũi với Hân, với Trần Thị là đàn bà. Một đàn ông để bẩy lên cái tham vọng, để chở cái lương tâm của những gã đàn ông. Một đàn bà để gánh những u tình, để mang những uẩn khúc của những người phụ nữ. Chọn cái “tôi” thân tình với các nhân vật chính như thế, là tạo một sự tin tưởng, ngầm báo cho người đọc biết rằng: tôi là đầu mối của nhiều việc xảy ra, và “tôi” cũng là kho tàng ẩn chứa bao nhiêu điều mà nhân vật chính muốn che giấu.
Một điểm khác cũng rất nổi bật trên những trang sách của ông: những so sánh mạnh bạo và cực đoan. 


Đây là cảnh vào đời của Trần Thị.
“Đêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung té như bát canh rau dền rơi vãi trên nền đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. (...) Vợ Trần Lý co rúm như con lợn lôi ra sân bếp. (...) Cuống rốn nằm trong tay mụ đỡ hiểu được số mệnh, vùng vẫy, cựa quậy, tháo thân, cuống rốn như con rắn nước liều lĩnh kháng cự như trước lúc bị chặt đầu. (...) Máu tiếp tục phun. Nước mắt tôi chảy cho Trần Thị: Vào đời giữa máu me hung bạo.” (Gia Phả)
Hầu như mỗi một câu là một hình ảnh so sánh. Và bước vào đời bằng máu me hung bạo như Trần Vũ diễn tả, báo hiệu nhiều điều, làm ta không thể gấp sách lại nửa chừng.
Thường, bạn thấy một nhà văn diễn tả một ngọn gió như thế nào? Đây là ngọn gió Lào của Trần Vũ.


“Cuộc đời Lão Chu đi khuất, thì gió Lào nườm nượp thổi vào đất Thần Kinh. Sức nóng dữ dội chui hút vào giải đất nằm kè bên dẫy Trường Sơn, giống như con rắn hổ chui vào hũ tĩnh bị đóng nắp, sùng sục tháo bẫy. Cái đuôi rắn quất lửa xuống những cánh đồng cháy oằn oại, oằn oại. Cái đầu rắn hổ mổ chan trát vào lưng vại sành chẳng khác tiếng chày các mụ nện lên cối đá. Hơi nóng tát lên mặt, hơi nóng bỏng rát làm đỏ rộp mình mẩy. Cả một biển lửa vàng thau cháy lan lan đến tận rừng chuối. Tôi tắm ở ao, thấy lửa xém vào gốc chuối, tức thì thân cây chuối teo xộp lại chẳng khác bị vắt hết nước. Những tàu lá chuối mới xanh non nõn rờn rợn phe phất, chạm phải nắng cứ khô ròn, khô ròn rồi vàng ỏng rụng dần, rụng dần, cho đến khi cả một rừng chuối mật chỉ còn là một bãi đất cằn đá. Buồng chuối nào thoát chết thì đỏ toe như màu máu, người ta gọi là chuối lửa.” (Cái Chết Sau Quá Khứ)
Diễn tả như vậy mới bẩy lên được cái nóng kinh hồn của nhữn ngọn gió Lào. Tuy nhiên, có một chữ, tôi cho là không chính xác: giải đất. Theo tôi, viết là dải đất (chữ D) thì đúng hơn.


Sau đây là những hình ảnh so sánh khác về thời tiết, về không gian.
“Hôm ấy ám trời, cả một mặt đầm gợn sắc mây, mưa lướt thướt mỏng như những cánh chuồn rù rì vẩn vơ trên mặt nước. (Mùa Mưa Gai Sắc)
“Tháng sáu năm Bính Ngọ 1786, Thăng Long như bầy heo nái nằm đợi người tới giết. Tâm trạng của vua Lê Hiển Tông trong cung Vạn Thọ là tâm trạng của con heo nái sề suốt bốn mươi bảy năm ở ngôi, chỉ làm nổi một việc là cho thê thiếp lâm bồn hai mươi mốt vị công chúa.” (Mùa Mưa Gai Sắc)


Đây là hình ảnh Huệ và Hân.
“Cảnh giao hoan của Huệ với Ngọc Hân, cũng không còn cảnh cưỡng bức ban đầu, nếu dáng ngồi đè của Huệ vẫn in dáng hổ nhai mồi, thì hai cườm tay Ngọc Hân đã quấn chặt lấy cổ Huệ, và trên lưng Huệ đầy những vết cào của một con sư tử cái.” (Mùa Mưa Gai Sắc)
Đây là tiếng rít của điếu cày.
“Tiếng kêu của điếu cày nghe hay thật, khi buồn nghe như giọng thút thít của người con gái nức nở đêm tân hôn tấm tức khóc cho mối tình đầu, lúc vui vẻ nghe ro ro như con gà trống gân cổ gáy, khi giận thì chẳng khác mấy mụ nạ dòng rít qua kẻ răng.” (Cánh Đồng Mùa Gặt Khô)


Đọc lại những ví dụ, trích đoạn bên trên, bạn thấy nét chung gì trong lối so sánh của Trần Vũ? Có phải là đầy hình tượng? Đúng, nhưng chưa đủ. Hình tượng so sánh mà Trần Vũ dựng nên là hình tượng của loài thú. Thật vậy: Vợ Trần Lý co rúm như con lợn lôi ra sân bếp; Cuống rún nằm trong tay mụ đỡ hiểu được số mệnh, vùng vẫy, cựa quậy, tháo thân, cuống rốn như con rắn nước liều lĩnh kháng cự như trước lúc bị chặt đầu; sức nóng của ngọn gió Lào giống như con rắn hổ chui vào hũ tĩnh bị đóng nắp, sùng sục tháo bẫy; mặt đầm Thị Nại với mưa lướt thướt mỏng như những cánh chuồn rù rì; không khí cố đô Thăng Long như bầy heo nái nằm đợi người tới giết; dáng ngồi đè của Huệ vẫn in dáng hổ nhai mồi; trên lưng Huệ đầy những vết cào của một con sư tử cái. Tiếng kêu của chiếc điếu cày lúc vui vẻ nghe ro ro như con gà trống gân cổ gáy.


Khai thác thú tánh của con người, đặc biệt là ở những truyện ngắn dính dáng đến lịch sử, và hình ảnh so sánh của loài thú đầy dẫy trên những trang văn, theo bạn, đây là trùng hợp bất ngờ hay là sự xếp đặt đầy ẩn ý của tác giả?


Bên cạnh “tôi”, Trần Vũ cũng đã xây dựng được hai nhân vật khá đặc biệt khác: Giáo Sĩ và Tuyết, qua truyện Giáo Sĩ. Giáo sĩ được Trần Vũ cho sống lại, với một nỗi buồn chín thối ruột gan, bắt đầu yêu thích, đam mê chuyện dịch sách, nhất là những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Trong niềm đam mê của Giáo Sĩ, Tuyết, một nhân vật trong tác phẩm Đời Mưa Gió được bước ra khỏi trang sách của nhà Nguyễn-Tường, sống đam mê và thác loạn trong dục tính. Cái đặc biệt của Giáo Sĩ là “nỗi buồn chín thối ruột gan”, và của Tuyết là những chung chạ ngút trời, những cuộc giao hoan gió bão, với đủ thứ hạng người. Làm sống lại Giáo Sĩ, như một độc giả của Tự Lực Văn Đoàn, là khơi lại cội nguồn của những con chữ, là nhớ lại người đã mở ra một chân trời cho những kẻ đi sau. Đó chính là sự hình thành chữ Quốc Ngữ. Dựng lại Tuyết, là đóng một dấu triện son cho những người tiếp tục công việc của Giáo Sĩ, phát triển một thứ chữ viết có một không hai trên quả địa cầu. Tuy nhiên, Tuyết của Trần Vũ quay lưng 180 độ so với Tuyết của Đời Mưa Gió. 


Một nhân vật của tác phẩm này, trở thành nhân vật của một tác phẩm khác, điều này không mới đối với văn chương ngoại quốc, nhưng quả là khá mới mẻ đối với văn chương Việt Nam. Trong số rất ít những nhà văn Việt Nam nỗ lực tạo dấu ấn trong lĩnh vực này có thể nói đến Trần Vũ và Ngô Nguyên Dũng.


Như đã nói ở trên, nỗi buồn của Giáo Sĩ là nỗi buồn của kẻ không toại nguyện thân xác. Nhưng thực ra, nếu nhìn xa hơn, chúng ta thấy rằng, đây cũng chính là thân phận buồn bã của con người, sau khi chết. Sau khi chết? Vâng, đúng vậy. Chủ nghĩa duy vật không bàn đến con người sau khi chết, đi đâu, về đâu. Chỉ có niềm tin ở những tôn giáo mới luận đến những điều này. Trần Vũ cũng không ngại ngùng gì mà không hướng tới vấn đề này. Sự sống lại của những nhân vậït là một hình thức luân hồi trong thuyết Phật giáo. Hình ảnh Jesus xuống thế gian hay việc đợi ngày phán xét cuối cùng khởi đi từ Công giáo. Hơn nữa, sự xung đột của hai tôn giáo này còn được biểu hiện qua nhiều chi tiết ẩn dụ khác trong truyện.


Giáo sĩ là một truyện vừa, mang tính ẩn dụ cao độ. Nó chứa đựng một dung lượng lớn mà Trần Vũ muốn gởi đến độc giả: chiến tranh, tình yêu, tình dục, lịch sử, tôn giáo, niềm tin. Để chuyên chở tất cả, những con thuyền thủ pháp nghệ thuật cổ điển, và đặc biệt của Việt Nam, khó bề chở nổi. Trần Vũ hiểu như vậy. Nhưng làm sao bây giờ? Ông đã láu lỉnh, mượn thủ pháp hiện thực huyền ảo để diễn tả. Mượn thuyền người để chở hàng ta là một sự lựa chọn khôn khéo, trong trường hợp này. Tuy vậy, không phải dễ dàng để nắm bắt những “thông điệp” mà ông gởi gắm. “Giáo Sĩ” như một trái tạc đạn, tung ra giữa khoảng chơi vơi, công phá ra nhiều hướng. Tùy vào góc độ của mỗi người đọc, để nhận ra sự công phá đó. Nói rõ hơn, đó là góc độ lịch sử, góc nhìn tôn giáo, độ dày văn hóa, kinh nghiệm bản thân v.v. của mỗi người đọc, để nhận diện những chiều kích mà Trần Vũ đã dàn trận đằng sau những con chữ của ông. 


Hiện thực huyền ảo xuất phát từ những bậc thầy ở Nam Mỹ. Ở đó, nhà văn thổi phồng lên những chi tiết nhỏ, có thể biến những hạt đậu thành những người khổng lồ. Trần Vũ là người ưa sử dụng những chiêu thức này. Thêm vào đó, ở thủ pháp xây dựng nhân-vật-ẩn,“tôi”, hoặc làm sống lại nhân vật từ những trang sách cũ, cho thấy họ Trần thích thú với những nét đẹp từ những nhà văn ngoại quốc, chứ không phải ảnh hưởng từ một nhà văn Việt Nam như nhiều người vẫn nghĩ. 


Nếu nhìn xã hội như một trục số, mà zero là khởi điểm từ bản năng của con người, đi dần lên theo chiều dương, tức là về phía hướng thiện, là tâm trí, tinh thần, tư tưởng của con người; còn đi theo chiều âm, tức là đi ngược về phía bên kia, là đi về hướng quỷ quyệt, ma mãnh, thú tính v.v. Trần Vũ là người tự chọn cho mình con đường gai góc, đi về phía âm đó. Bắt đầu từ những truyện ngắn đầu tay, người đọc thấy ông đi chậm rãi. Từ chậm rãi, ông tăng dần tốc độ. Đến những truyện ngắn sau này, ông bắt đầu chạy. Đến truyện Giáo Sĩ, ông đã đạt đến tốc độ chóng mặt. Lúc này, hình ảnh phía trước nhập nhòe, cái hùng thấp xuống dưới cái bóng lều khều của cái hèn; cái đen như bóng ma, vây lấy, phủ chụp cái trắng. Nhưng đặc biệt hơn, bên tai, không còn là những điệu nhạc du dương của những cơn gió thoảng, mà là tiếng gió hú. Tiếng gió giờ này như tiếng thú dữ thét gầm, hung hãn. Những trang văn nghiêng hẳn về phần âm ấy đã làm cho không ít người đọc phản cảm với những gì ông dàn trải trong những tác phẩm của mình. Bởi câu hỏi được đặt ra, rằng: phải chăng trên những trang văn hiện đại, nét đẹp trong tâm hồn của mỗi nhân vật bị xóa sổ để thay thế bằng những tấm gương dị dạng? Phải chăng, xã hội chỉ rặt những kẻ thân người mà thú tánh? 


Tại sao có những câu hỏi ấy? Bởi vì, điều đó cũng khởi đi từ một điểm, nằm trong một phong cách đã định hình: thổi phồng những tiểu tiết thành những hình tượng lớn, bao trùm, cùng khắp. Đây cũng là con dao hai lưỡi trong nghệ thuật. Ông lạm dụng nó để lôi kéo người đọc; ông hóa rồng những con rắn nước; ông hóa lửa những ngọn gió Lào; ông hóa đại dịch từ nỗi buồn không được toại nguyện xác thân v.v. Vì thế, người đọc lạc mất trong cái bát quái trận đồ dày đặc hình tượng của những loài thú đang vẫy vùng. Khi dấu chấm hết hạ xuống, độc giả bước ra khỏi trận đồ, quên mất những điều tiềm ẩn đằng sau những con chữ, chỉ còn lại cái bạo lực dã man lẩn quẩn; chỉ còn lại cái thỏa mãn thú tánh chập chờn. Vì thế, đã có không ít người dị ứng trước những trang văn của Trần Vũ. Riêng tôi, đằng sau những con chữ của ông, tôi thấy ông ý thức rõ ràng việc ông làm. Nói một cách khác, ông làm chủ ngòi bút của mình. Tự chủ đi về hướng âm, là để tránh sự lập lại. Mà lặp lại là điều khó chấp nhận của những người hết lòng vì nghệ thuật. Vì thế, nếu đọc ông với một tâm hồn thoải mái, đừng để quay cuồng trong những trận đồ đó, ta sẽ thấy được những con chữ lấp lánh như những chiếc vảy rồng phản chiếu ánh sáng, cuốn hút người đọc vào những vùng đất hiếm người khai phá. 


Với giọng văn khá lạnh lùng, nhất là những truyện liên quan đến những nhân vật lịch sử, cùng với những hình tượng so sánh đầy thôi miên, và xa hơn, là một ý thức đi đến kỳ cùng những điều muốn dàn trải, mỗi truyện của Trần Vũ như một thế đá tung, lạ lẫm, mà hắc bạch giang hồ, dù yêu hay ghét, cũng phải công nhận sức càn quét của nó.


Trong dòng truyện ngắn Việt Nam, Trần Vũ là một ngòi bút giàu nội lực và, có thể xem là, độc đáo.


ĐNV 2005

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Chín 202410:25 SA(Xem: 18)
sáng nay/ tôi bỏ Sài Gòn của ba mươi năm trước
06 Tháng Chín 20248:13 SA(Xem: 50)
Nhà thơ Nguyễn Duy là tên tuổi không xa lạ với đời sống văn chương xứ này. Hôm lễ trọng của nhà nước, Quốc khánh 2.9, bác viết và gửi cho tôi 2 bài dưới đây. Tôi mạn phép đăng vào FB nhà, như một cách lưu lại lịch sử, cũng để làm tư liệu. (NguồnFB: Nguyễn Thông)
03 Tháng Chín 20247:50 SA(Xem: 62)
Người người đang tranh tài/ Bom đạn đổ dài tràn ngập đất/ Em nhấp ngụm trà xanh
29 Tháng Tám 20248:16 SA(Xem: 440)
Vẫn tự mình là phẳng vết sẹo nhăn/ Mỗi ngày thêm nơi vùng ngực lép
20 Tháng Tám 20243:07 CH(Xem: 160)
Chợt bay vào giấc mơ/ Cánh diều xanh phóng khoáng
14 Tháng Tám 20245:27 CH(Xem: 150)
Không gian rộng lớn của siêu cảm giác được làm đầy với đêm tối
07 Tháng Tám 20245:13 CH(Xem: 189)
Tháng Bảy đã tan vào năm/ Rằm Âm lịch lễ Vu Lan - Cô hồn
31 Tháng Bảy 20247:10 SA(Xem: 192)
Ta thấy nắng đang hấp hối/ Sao rong chơi cởi lớp áo lộ ngực trần
29 Tháng Bảy 20247:47 SA(Xem: 186)
Thạch sùng treo ngược cuộc đời trên tấm vách
26 Tháng Bảy 20249:13 SA(Xem: 225)
Té ra, kể cả thiền sư/ Thăng trầm vẫn vậy, từ từ can qua
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20359)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15325)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17168)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9847)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18240)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4729)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1497)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2014)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1915)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23254)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19811)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8603)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9611)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9076)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11939)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31490)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21389)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26294)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23721)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22504)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20605)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18771)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19911)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17522)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16654)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25494)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32857)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35456)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,