Rốt cuộc cũng đã về tới Huế. Tuy không phải từ đó ra đi, mà cũng không hề có ai ở Huế chờ đợi mình.
Vậy thì về Huế là về với chi? Với những dư âm của câu hò mái đẩy, của câu thơ Hàn Mặc Tử, của Đêm Tàn Bến Ngự và vô số bản tân nhạc nghe rất Huế xưa khác chăng?
Hay là về với cái thế giới “trừu tượng,” lãng đãng trong lời ca nhạc Trịnh, cái không gian sâu lắng huyền thoại nơi mái nhà xưa của Thái Kim Lan, cái mưa mùa đông “vui muốn chết” của Hoàng Ngọc Tuấn, hay là với cái khu vườn “hoa trái quanh tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường?
Huế tuy “dỏ” mà nhiều thứ để về với quá, kể răng cho hết.
*
Trên xe buýt từ phi trường Phú Cam về khách sạn, khe khẽ hỏi thăm về một thứ dễ làm ấm lòng, nhất là dưới những trận mưa bão rớt đang liên tiếp trút xuống làm nhòe hết cảnh vật bên ngoài. “Huế chừ, bún bò ở đâu ngon nhứt?” “... Nhứt thì người ta hay nói ở đường Lý Thường Kiệt, anh chị tới ăn thử coi ra sao.”
Dọn ăn sạch sẽ cách lạ. Muỗng không để sẵn trên bàn mà bưng ra ngâm trong tô nước lã bốc khói! Còn đũa không cần khử trùng sao cô? Ờ, chắc đũa khách phải tự rút ra khỏi ống đũa mà bỏ vô ngâm theo muỗng... Không biết ngon có được tám phần mười bún bò Mụ Rớt huyền thoại hay không, nhưng tô bún đây cũng an ủi được cái lưỡi mong chờ của đôi người khách “viễn phương” “nức tiếng” đặc sản cố đô vừa đến “tìm chơi”.(1)
*
So với năm xưa, Huế bây giờ nhiều sao bắt ngợp. Là thứ sao dùng để xếp hạng khách sạn đó. Dọc bờ sông Hương, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế mọc dài dài. Hương Giang thân mật ngày nào giờ cũng được bốn sao, thanh lịch tầm cỡ. Tạt vào chốn cũ, bỡ ngỡ cảnh mới, nhân lúc mưa vừa tạnh, bèn đi luôn ra hiên sau mà ngồi hóng gió sông. Gió thổi phấp phới những dây hoa tím lạt thả kín trên đầu. Hoa này thấy ở đâu... Gọi cà-phê phin để chực nhờ những giọt rưng rưng thắp sáng ký ức cho mình, đem ra lại là thứ cà-phê pha sẵn. Hứng đã bị cụt, nước trên trời của trận bão đang hoành hành ngoài Quảng Bình lại bắt đầu rơi xuống đầu xuống cổ. “Khéo vô duyên bấy...”
XQ là chữ chi? Sao lại Cổ Độ, vốn có cái bến đò xưa ở đây chăng? Tên lạ, nhưng thực ra cái khu biểu diễn nghề thủ công thêu cạnh khách sạn Hương Giang dòm kỹ nhiều cái quen. Cây cau, lu nước, gáo dừa, buồng chuối, non bộ, cây kiểng, ao cá v.v. Và nón lá và áo dài và tượng thiếu nữ và thật nhiều thiếu nữ bằng xương bằng thịt trong áo dài ngồi ngoan ngoãn thêu, và, thỉnh thoảng, một đôi áo xanh tím chợt đứng dậy cầm nón lá mà bước ra đội mưa tha thướt... Mắt lướt trên những hình ảnh dễ chịu, rồi tai chợt bắt đầu thoang thoảng những giọt âm thanh cũng dễ chịu. Nhạc Trịnh không lời mở chỉ vừa đủ nghe rơi rơi khắp, như hòa vào “mưa vẫn mưa bay,” như “bay từng hạt nhỏ” trong... ta! Dưới trời mưa-nhạc, cầm dù đi khắp “bến đò,” ghé một gốc bàng thăm chiếc lá xanh nhỏ xíu vô cớ thò ra khỏi thân cây, vào một xó tường trắng tinh đọc thử mấy câu thơ sơn đen nhánh, ngửng lên ngắm mấy chùm hoa vàng lung lay, rồi vội vàng trông theo một dáng áo màu vừa phơ phất...
*
Ly cà-phê đầu tiên ở Huế chưa có duyên, thì hai ly sau đã đền bù. Vỹ Dạ Xưa mang dáng một ngôi nhà cổ, cây cối um tùm, ngồi đợi cà-phê rụng nghe nhạc mùi tỉ tê, có lúc nghe như sương khói quanh mình... Nhạc Hoa Viên mở trong “Nội,” sân vườn mát mẻ, hai mình cùng nép dưới hoa, vừa ngắm hòn non bộ thật lớn, thật cầu kỳ giữa sân, vừa nghe Vân Khánh mặn mà véo von Huế thương, bỗng cùng thấy thương Huế quá!
“Anh, Huế mặc áo dài nhiều hơn Sài Gòn, Hà Nội.” “Anh, ở Huế người ta nghe nhạc giống mình.”
Huế còn mặc xưa, còn nghe nhạc cũ, chắc cơ sở kinh tế của Huế cũng chưa bể dâu chi hết, ngoài cái kỹ nghệ du lịch phát triển. Mà du lịch đây lại chủ yếu là du lịch văn hóa, khách đến Huế hầu hết nhằm tham quan những dấu vết của một thời đã qua. Để hấp dẫn khách, Huế phải lo bảo tồn những cái cũ của mình, trong đó có chiếc áo dài, có cái nón Huế. Nề nếp sinh hoạt vẫn như trước, lại thêm ý thức giữ kỹ những cái ở nơi khác đã lạc thời, thế thì những thứ nhạc mới mẻ, “kỳ âm dị thanh,” làm sao đi vào lòng Huế được.
– Tối nay mình đi ăn thử nem lụi ở Kim Long, rồi về lội nước vào chè Hẻm ăn thử chè khoai tía, rồi sáng mai tới quán Hương Cau...
Ăn thử bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, biết rồi. Còn bánh khoái ở cửa Thượng Tứ (không biết gia đình toàn người câm đó còn bán hay không), cơm hến Vỹ Dạ, nem An Cựu, chả Truồi v.v., mặc sức mà ăn thử. Nhớ hồi nhỏ đọc báo, thấy cụ Vương Hồng Sển kể khi ra Huế dạy học, hàng ngày cụ đã kỹ lưỡng soạn một cái thực đơn những món ăn Huế cần được khảo trực tiếp bằng lưỡi.
*
Huế bây giờ có phố lên một chút, nhưng vẫn phảng phất “ngàn năm,” và có lẽ sẽ tiếp tục như thế khá lâu nữa.
Cũng hay. Những người “chậm tiến” như “mình” lâu lâu có thể về đây để trốn, trong dăm ba bữa, cái thứ ánh sáng văn minh chói chang, sỗ sàng đang soi rọi trên khắp quê hương.
(1) Kiều, c. 67-68: “Có người khách ở viễn phương / Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.”