Những Mùa Nằng Nha Trang
Nếu tôi là họa sĩ, có lẽ những giọt nước mắt xa Nha Trang sẽ được vẽ bằng một mầu sắc nào đó rất lung linh trong một bức tranh mùa nắng, có đôi mắt to của một cô bé 16 tuổi đựng suốt năm tháng ấu thơ dạt dào tiếng sóng, một ngày con sóng bật ra khỏi khóe mắt thành những hạt lệ, nên nó sẽ là một mầu rất mặn biển, để người xem tranh biết được nỗi chia lìa đó đã cứa xót lòng tôi đến thế nào.
Tôi không là họa
sĩ, cũng không là một tài năng cụ thể nào đó để có
thể thưa thốt cùng người một cách diễm lệ hình ảnh
16 mùa nắng Nha Trang, Nha Trang nhi đồng, Nha Trang dậy thì,
và, Nha Trang khói sương giật lùi sau chuyến xe lửa đang
chở tia nhìn nuối buồn đau của tôi ngày tôi bị gỡ đi
cái núm gió nắng mặn mòi ấy. Thế nên tôi cứ khắc
khoải khi đêm về thốt nghe như có tiếng tầu lửa vang
bên ngoài cửa sổ. Thế nên tôi nghĩ mình nợ Nha Trang
một món nợ ân tình. Tôi nghĩ, vâng, tôi nghĩ nếu cho
tôi trở lại mười sáu năm đầu đời để lại dung
giăng dung dẻ với Nha Trang, thì có lẽ tôi sẽ biết nạp
một cách tận tình hơn hơi thở phập phồng của phố
biển, để bây giờ có thể viết về nó một cách tròn
đầy hơn, tha thiết hơn.
Thật sự lúc này tôi thấy
mình đã sẩy đi ít nhiều ký ức về Nha Trang, Người đã
cùng tôi một thời bé dại. Tôi đâu biết rằng mỗi
bước nhảy cò cò của tôi là từng bước một ánh nắng
buổi mai đi về sau lưng, mỗi mảnh ngói nhỏ ném xuống
đánh dấu ô “cái nhà” của mình chỉ là một không
gian hư ảo, tan đi khi những đường phấn kẻ ô chơi bị
xóa vội vàng dưới cơn mưa …Tôi cũng không hay mỗi
trái banh thảy lên là từng thẻ đũa bị tóm, tờ tợ
như từng mảnh thời gian bị lấy đi, để khi tàn một
ván chơi thẻ thì thời gian không còn dấu gì trên vuông
gạch…Chắc không ai lúc bé mà không chơi trò u mọi, tôi
nhớ, chỉ với 5,6 anh em trong nhà nên chia phe không đều,
luật chơi lại ấm ớ, chơi miễn sao mấy anh em thấy ổn
là được, chỉ mỗi mình tôi là con gái, lại nhỏ bé,
hơi thở ngắn nên hình như tôi làm tù binh hơi bị nhiều,
chỉ mong phe ta u u tới cứu. Tiếng u u xa vời không đến
được để gỡ ra cho tôi nỗi buồn xa quê, nó ở đó mở
mắt hoài vọng một bàn tay Nha Trang. Còn gì nữa bé thơ
ơi, Nha Trang ơi, hãy về trong giấc mộng để tôi được
kinh nghiệm thêm lần nữa những nhịp đập ban sơ đầu
đời. Có nước sông mầu nhiệm nào cho mình trẻ lại,
chắc tôi sẽ tham lam như người đàn bà trong cổ tích,
uống cho đến khi hóa thành trẻ sơ sinh, để lại được
lớn lên từ hạt gạo thơm ruộng đồng nước ngọt Nha
Trang, để lại học nói từ hương biển mặn. Để lòng
xanh đại dương. Để tóc lại được mướt xanh dương
liễu. Để tâm an bình như ngọn núi trầm lặng tím đứng
trên biển trong hoàng hôn. Để bước chân được lay động
khi trong chiều trên con đê thấy đoàn tầu xe lửa nhả
khói phía xa bên kia những cánh đồng quê nội. Để lại
được lớn lên, lần nữa, Nha Trang… Lớn
lên da ngào
muối biển/Lớn lên cát trắng chân quen/Lớn lên môi cười
nắng ấm/Lớn lên mắt xanh trời rộng/Lớn lên sóng vỗ
trong lời/Lớn lên tóc rằm dương liễu/Lớn lên biển ở
trong tim* (thơ ntkm)…
Người
đem tôi vào không khí mẹ ấy, là bà nội tôi, là vòng
tay của mẹ tôi, dĩ nhiên là có yếu tố hoàn cảnh nữa
nhưng cái đó không là điều cụ thể trong tôi. Bà nội
từ Thuận Mỹ, đã mua vé máy bay cho mẹ và các anh tôi,
bay từ Hà Nội vào Nha Trang, lúc ấy tôi chỉ được mấy
tháng, ngủ say trong tay mẹ. Tôi chưa nghe mẹ tôi kể về
những ngày đầu ở Nha Trang thế nào. Cho đến bây giờ,
chỉ biết một cách lâng lâng vui sướng rằng, bước
chân đầu tiên chạm đất của tôi là đất Nha Trang, âm
thanh bập bẹ tiếng con người của tôi là âm thổ nhưỡng
cát trắng biển xanh. Hình ảnh đất trời đầu tiên mà
tôi biết cảm xúc là vòm trời cong giáp biển, là con
mương ốm o chảy loanh quanh ở làng nội. Màu sắc thơm
vị giác tôi là màu cà phê sữa của con mương, đầy mắt
tôi là màu tím rưng rức bụi trâm ổi. Và hương, một
thứ hương tôi đã gọi là bùa, cái hương đồng nội
trộn lẫn mùi nắng trưa, đất bùn, phân trâu bò, lá tre
xanh. Âm thanh quyến luyến tôi là tiếng xình xịch xe lửa
mỗi cuối tuần đưa gia đình tôi từ thành phố về quê,
và tiếng sóng vẫn là vọng âm quen trong “giấc ngủ nhớ
nhà”. Tôi nhớ khi tôi mới tới ở Santa Ana, đêm đầu
tiên tôi giật mình thức giấc vì tôi đã nghe như có
tiếng sóng rào rào vọng tới, tôi hỏi và được giải
thích đó là tiếng xe hơi chạy trên freeway, trời, sao
giống âm tiếng sóng xào biển khuya vậy, không biết tôi
cảm giác chính xác không hay là vọng ảo, bạn ơi? Nói
nhỏ cùng ông Tạo rằng, chân dung người tình Nha Trang
của tôi đấy, chỉ cần người “điểm nhãn” nữa là
thành duyên nợ. Nhưng mà thôi, chỉ hẹn hò cũng đã ngất
ngây một kiếp tôi rồi…
Trên
con đường hò hẹn ấy, là những bước theo mẹ tới
trường, trên một con dốc ở Cầu Đá, rồi con đường
nhỏ lởm chởm ở phố Sinh Trung, bước ngắn bước nhỏ
nên gõ nhịp rất mơ hồ trong cõi nhớ, ở đó những cây
muồng bên vệ đường luôn là bóng mát cho những đứa
trẻ ngồi chơi đùa, nhà ba mẹ tôi nhỏ lắm, tôi nhớ
nền nhà màu xi măng đen, và ngạch cửa với hai bậc tôi
vẫn thường bước lên bằng đôi guốc mộc quai nhựa
trong, sao bé thế mà lại đi guốc nhỉ, nhưng đó là hình
ảnh tôi rất thích về mình, bé xíu, mặc quần lụa
trắng hai ống so le ít nhiều, lại lênh khênh trên đôi
guốc, đứng dưới gốc muồng, bên cạnh hai ông anh, cũng
bé, đang chơi bắn bi. Đó là thời gian của chồi nắng.
Chồi 3, chồi 5 tuổi. Nắng ăn nắng ngủ và nắng khóc
nhè.
Trên con đường hò hẹn ấy, là giàn hoa ti-
gôn hồng, hoa giấy đỏ giăng ngang cổng một ngôi nhà
trên con đường đất dẫn tới cuối là một ngôi trường
tiểu học, ở đầu con dốc nhỏ, con dốc mà anh Khoa tôi
đã có lần ngã rất đau, đến nỗi cái bánh xe đạp nhỏ
bị quẹo thành số tám. Nhà ba mẹ tôi lúc này lớn hơn
ở Sinh Trung nhiều lắm, có một cái thềm rộng hình chữ
L ngược, được che rợp bởi giàn hoa giấy và thiên lý
tây, hương rất thơm vào những đêm khuya, dù chưa đủ
lớn để bắt kịp được mùi hương với ý nghĩa tâm
linh của nó, nghĩa là, chỉ đơn giản mùi mình thấy
thơm, không phải hương làm mình bâng khuâng. Bạn hiểu ý
tôi không? Thềm nhà ấy như biển trên đó có chiếc
thuyền chở ba mẹ anh em tôi những buổi tối chơi đùa
đến khuya, để kết thúc có khi là một bữa phở xe mà
anh em chúng tôi lúc chờ đứa nào cũng chảy nước miếng,
tôi thề là chưa có bát phở nào trong đời tôi ngon đến
thế, mà nghe kể lại giá chỉ có 5 cắc một tô. Thềm
nhà ấy cũng là nơi chúng tôi ngủ vào những ngày nóng,
thời đó ban đêm nhà không phải đóng cửa, tôi nhớ rõ
như thế, đó là vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Những
ngày mưa thì thềm nhà lại biến thành một sân trượt
nước, có lần anh cả tôi nhảy từ thành cái hồ nước
xuống thềm và anh trượt thẳng vào cơn bất tỉnh, làm
cả nhà cuống sợ, anh
Khôi ơi, anh còn nhớ hương vị thứ thuốc chữa cơn ngất
của anh không? Từ ấy chúng ta không còn được trượt
nước dưới mưa lạnh nữa.
Thềm nhà ấy, nắng xiên vai 7 tuổi ngồi chơi thẻ
một mình, có khi tôi rủ được Khuê, cậu em kế chơi
cùng, nhưng nó là con trai, đâu kiên trì với trò chơi “lẻ
tẻ”, các anh tôi vẫn kêu những trò của tôi là thế,
phải là chơi bắn súng giàn trận đánh nhau, đúc kiếm
trong những khuôn củ khoai, anh
Khoa, anh Khải à, còn nhớ cách đúc kiếm này không vậy,
em nhớ, những cây kiếm nhỏ rất đẹp, sáng loáng, ngày
đó, em rất thích, những muốn xin một cái để dành vào
kho đồ chơi lẻ tẻ của mình. Những trò chơi như thế
kéo tuổi thơ chúng ta đi qua tháng ngày, em là con gái ở
giữa 3 ông anh và 3 cậu em, không theo nổi những trò chơi
lớn, nên ngày đó em hay đứng một mình… em thích chơi
năm mười, ẩn núp mà không muốn bị tìm thấy…dường
như em đã lớn lên trong cái kén của riêng mình, như thế.
Trong kén ấy, nắng 8, 10 tuổi nhả những sợi tơ..., nắng sắm vai cổ tích, nắng chuyện trò với búp bê. Không hiểu sao, cái ông anh họ bên nội, lớn hơn tôi nhiều lắm, giật lấy con búp bê của tôi và làm hư tóc, rách cả cái áo đầm đỏ của nó, rồi anh ta bỏ đi, tôi đứng ôm con búp bê bị thương trên thềm trưa nắng, mẹ tôi lại đi vắng, tôi chả biết mách ai, chỉ đứng đó ôm con búp bê chờ mẹ, hình như búp bê cũng khóc. Tôi rất ghét người anh họ này, thậm chí đến khi lớn tôi cũng không thể nào tha thứ cho anh ta được, vì từ lúc đó tôi không còn chơi búp bê nữa, hễ thấy một con búp bê nào là hình ảnh con búp bê áo đầm đỏ bị thương lại làm tim tôi co thắt. Đó là con búp bê tôi thích nhất. Lúc này thì cái đau đó đã là một vết sẹo phai dấu, người anh họ kia cũng đã không còn. Sau này tôi có thêm một con búp bê khác, phần thưởng một bài thơ thiếu nhi, nó cũng mặc áo đầm đỏ, nhưng tôi không tha thiết nữa, có điều nó làm tôi nhớ đến một ông bác nhà văn, bạn của ba mẹ tôi, ngày đó bác ở Sài Gòn ra Nha Trang chơi cũng khá lâu, hình như bác bị ốm nặng hay sao mà tôi thấy khăn tay bác có dính máu, tôi nhớ mãi câu bác nói, bác không chết đâu chờ con thành thi sĩ làm thơ người lớn, bác xoa đầu tôi, không phải thơ búp bê nữa nhé. Thế mà, vào một ngày cuối tháng tư sau đó rất lâu, bác đã tử nạn trên một con tầu, và mộ bác là lòng biển xanh thẳm. Ôi biển của tôi, biển rất hiền rất bao la của tôi, bỗng một thời nổi lên những con sóng oan nghiệt. Bác ơi, con xin lỗi bác là con đã yêu biển, không ngờ rằng đó là nơi vĩnh viễn bác ở lại, và con cũng không là thi sĩ viết những bài thơ người lớn như bác nói. Nhưng con viết những lời của con búp bê với trái tim biết đập dẫn dòng máu đỏ về tim nuôi sống những cảm xúc, con sẽ tặng bác một bài thơ như thế, hòa âm những nỗi đau…
Nắng thời này đúng là tơ là lụa, nắng nối một đường hoa thơm cỏ lạ từ lòng bố mẹ thị thành đến lòng bà nội quê nhà, nắng mở con mắt ngạc nhiên từ ô cửa sổ toa tầu. Có lẽ thời gian này, thích nhất là những cuối tuần được về quê nội bằng xe lửa, và cả những con thuyền giấy thả ra ngoài cửa sổ khi tầu đi qua cầu, các anh tôi reo lên khi những chiếc máy bay giấy tung theo gió, rồi, cắn ngón cái, vẫy những ngón còn lại để lêu lêu tôi, thuyền mà lại bay lên trời, hí hí… Tôi cũng khá ngẩn ngơ vì điều ấy, ôi hay vì vậy mà những ước mơ không bến đỗ của tôi vẫn là hoài vọng cho tôi một đời ngóng theo? Và giấc mơ của tôi là chiếc thuyền giấy mỏng manh, bay đi...? Nói đến xe lửa, thì lại gắn với những giọt nước mắt trên thềm ga Nha Trang những lần tiễn ba tôi đi Sài Gòn. Ngày đó ba tôi phải dạy học hai ba nơi. Thế là, có những ngày ba tôi xa nhà và tôi thấm mùi đưa tiễn, chín mười tuổi đã biết cái mặn của nước mắt khóc vì xa người yêu mến, ba tôi rất thương tôi, vì chỉ có hai đứa con gái trong một đàn con trai, lúc ấy em gái tôi chỉ khoảng một hai tuổi, nên chắc vì thế mà cứ mỗi lần đưa ba đi xa là mẹ chỉ dẫn theo mình tôi. Ưng ức mãi trong nhớ hình ảnh con tầu khuất dần để lại đường khói đen dài, để lại mẹ và tôi đứng trên thềm ga rộng bên cạnh những đường ray bị bỏ lại im lìm, tôi nắm chặt tay mẹ òa khóc, gió thổi lộng hai tà áo lụa màu mỡ gà của mẹ, tôi khóc hoài, đến nỗi mẹ phết vào vai tôi, tiên nhân con bé này làm má cũng khóc đây này, có nín đi không. Lúc này nhớ lại lời mẹ, tôi thấy tức cười và thương mẹ quá, giọng nói mẹ ướt nặng như tấm khăn bị nhúng nước. Rồi hai mẹ con líu ríu ra về, tôi nhớ thường là ngồi trên một chiếc xe xích lô đạp, ghé vào nhà bạn thân của mẹ, bà giáo Hương, chắc có lẽ mẹ tôi muốn chia sẻ nỗi buồn chia tay, tôi thì vẫn rấm rứt cho tới giấc ngủ đêm…
Nắng đẫm trang vở học
trò. Ôi nắng 11, 13 tuổi. Tuổi bản lề giữa nụ nhi
đồng và hàm tiếu hoa, chẳng phải tuổi 13 mà đã được
gọi là nàng
của nhà thơ tình yêu Nguyên Sa đâu. Nắng non bình minh
mặt trời vừa nhú trọn khỏi mặt nước xanh. Nắng chưa
nhấn mạnh hơi thở mặt trời mãn khai, đêm chưa mơ màng
trăng liễu vào giấc ngủ say. Biển còn vỗ sóng ngoài
tầm mơ mộng.
Hồi này vì nhảy một lớp nên tôi
bằng lớp với anh kế, và thế là chơi với toàn bạn
của anh, nên cũng khá là được cưng, anh em kết nhau tới
tuổi Tú Tài, chắc là có rất nhiều hình ảnh trùng
trong ký ức của nhau. Nhưng
đâu có dòng sông nào trở lại, phải không các anh, trôi
theo ngàn xanh những hạt biển, bao giờ nữa dòng sông đưa
đám lục bình quây quần trở lại với nhau trong ánh tím
thơ ngây… Anh Tấn Khải, Toàn, Huy, Được, nhớ không,
một góc trời Nha Trang, các anh đã có một người em gái,
là tôi? Và các bạn Kim Anh, Hoàng, Dìn, Tường, Phong, Như
Ngọc, Hiên, Hồng… giờ nhìn lên mảnh trăng thượng
tuần có cảm thấy đó là ánh sáng của mắt nhìn chúng
ta thời thơ ấu? dù cho sợi thời gian dài đã mấy mươi
năm, tôi tin thế, nếu có ngày chúng ta gặp lại và nhìn
nhau…
Nắng chẻ
xanh ngàn tia lá dừa đường vào Vĩnh Điềm, có mắt
cười, giọng nói vui của một người anh bên ngoại, sao
anh hiền và sao anh chiều tôi đến vậy, tôi rất ngưỡng
mộ anh vì anh học rất giỏi, nhất là toán, và vì tôi
dốt toán. Mẹ anh tần tảo nuôi con nên anh mơ ước một
chiếc xe gắn máy hoài mà không có, nghĩ thương anh quá,
tôi lấy một tờ giấy vẽ thành tờ giấy bạc ghi số
tiền đúng giá chiếc xe ấy, bảo anh cầm đi mua xe, anh
cười rất vui với hàm răng khểnh, nói, đây
là số tiền lớn nhất đầu tiên anh có.
Anh Quế ơi, chưa ai
chiều và nhịn em như anh, em nhớ những buổi anh cặm cụi
dạy em học toán, em đổ lười không chịu học, chỉ
muốn nghe kể chuyện, vậy mà anh vẫn nhỏ lời dỗ dành…
em nhớ con gió thổi heo hút trong cái hẻm nhỏ vào nhà
anh, đâu nghĩ gió thời gian, gió cuộc đời thổi anh em
mình xa nhau mấy chục năm trời, khi vừa gặp lại mới
đây, em không ngờ chúng mình còn khóc được nhiều đến
thế, thấy như biển Nha Trang dạt dào bao năm, đang
vỡ…
Trên
con đường hò hẹn ấy, tôi dừng lại bởi sắc hoa sầu
đâu trước ngõ, nó còn có tên là soan, sầu đông. Những
cánh tím nhỏ nhỏ ray rắt gió se lạnh Nha Trang. Lại là
sắc tím. Ngay trong vườn nhà. Nhà ba mẹ tôi lúc này ở
trên một con đường mới mở phía phải cuối đường
Phước Hải, tên Lữ Gia, con đường cao như một con đê,
nhà cửa còn ít nên tôi nghe được cả luồng gió chạy,
có lần tôi đã té xe đạp xuống vệ đường sâu khi
những chiếc xe GMC chở lính Mỹ vượt qua, có lẽ tôi
giật mình vì tiếng la hét của họ, mỗi lần nhìn vết
sẹo té xe trên đầu gối là tôi nhớ đến Thu Hương, cô
bạn ngày hai lượt cùng tôi đi học trên con đường
thênh thang gió này.
Dưới bóng cây sầu đâu thả
những cánh tím trắng mơ màng ấy, tôi và các bạn thường
họp nhau những tối ăn chè và hát hò. Vẳng
lại rất xa. Đến
nỗi như mơ hồ, tiếng đàn guitar của Thi, của anh Khải,
tiếng hát của Minh Tâm, Thu Hương, Nguyễn Được, tiếng
cười nhỏ e ấp của Tuyết Mai, các bạn nhớ coi ngày đó
tôi có ngâm thơ không. Tôi đã mê thơ Quang Dũng lắm mà.
Âm thanh thời đó của chúng ta bay lên tàng cây tím rồi
theo mỗi đứa một mảnh trời riêng…sầu ơi tan về
đâu…
Nắng ấy là nắng tím. Nắng dậy thì. Nắng biết im lặng bên cửa sổ nhìn hoa tím sầu đâu. Biển khẽ đi vào quỹ đạo mộng mơ.
Tôi và Thu Hương mỗi ngày đi bộ đến
trường, đã có những bước chân ai đi ở đằng sau,
ngày đó chưa có bài thơ Em Tan Trường Về của Phạm
Thiên Thư để bạn hát tôi nghe nhỉ. Thế mà cũng nắng
mưa một đoạn đường đưa đón, một thoáng con dốc đá
lên Nhà Thờ Núi trao vội lá thư nói chuyện nhớ thương,
tả tình tả cảnh hoa lá cành, ấy vậy mà cũng bận rộn
lòng để vướng chút tơ. Nhưng tôi phải kể cho có ngọn
ngành. Một đêm anh Khải, tôi cùng các bạn, dĩ nhiên là
có người bạn đã giăng tơ kia, đi chùa núi leo lên đến
Kim Thân Phật Tổ, tượng Phật mầu trắng sừng sững
trên đỉnh núi, chúng tôi gặp một bọn du đãng, chọc
ghẹo tôi và Thu Hương, tôi sợ muốn chết, nhất là sợ
đám con trai đánh nhau thì thế nào cũng có đổ máu, tôi
nói với anh Khải tôi, thôi
anh, mình chạy đi tụi nó dữ lắm, em sợ.
Và thế là chúng tôi nắm tay nhau chạy, nói thế nào nhỉ,
ừ, chạy nhanh hết sức có thể của tuổi 15, 16, chạy
băng qua những ngôi mộ ở sườn núi. Có câu tuổi 17 bẻ
gãy sừng trâu lận mà. Về đến nhà mới hoàn hồn. Hoàn
hồn thì tỉnh người ra, và người bạn kia, chẳng phải
là người hùng cứu người đẹp như trong xi-nê gì gì
nữa, “mối tình” bốc hơi nhanh hơn hạt nước trên
thềm nắng. Hôm nay ngồi nhớ lại tôi không khỏi bật
cười cái tuổi mười sáu, dễ thương dễ ghét ấy. Thu
ơi, mi có nhớ không, con đường Phước Hải mòn bao chiếc
guốc, phai bao nắng những chiếc áo dài trắng đầu đời…,
những buổi trưa ngồi lục cơm nguội ăn với sườn ram
trong căn bếp nhỏ ở nhà mi, những buổi chiều cùng nhau
xách giỏ đi chợ sau ngôi chùa Kiều Đàm, mi bày cách lựa
cá nục tươi, những buổi tối ngồi học bài cứ canh
nhìn qua cửa sổ nhà nhau để xem đứa nào tắt đèn
trước, thế là thức học đến khuya… này, Thu, nhớ cả
đôi mắt buồn mơ màng của mi khi hát bésame, bésame
mucho… cả hai đứa đều 16 tuổi như cô tác giả bài
hát ấy, chưa hề tưởng đến một nụ hôn, thế mà cứ
du dương hồn nhiên bésame… bésame… tuổi mười sáu như
được Nha Trang mớm cho cái ngát xanh của trời và biển,
sóng cứ vỗ đều trên cát, gió cứ lộng những hàng
dương …
Trên
con đường hò hẹn ấy, một ngày tôi bước lên một toa
tầu để lại đôi mắt Nha Trang buồn thẫm trên ga. Trên
con đường hò hẹn ấy, đã rêu phong bao cột mốc thời
gian?
Nắng bây giờ là nắng biết được mệnh trời.
Nắng trôi theo con sông Cái chảy những dòng hẹn với
biển xa. Đã hẹn
đã hò, cũng ước cũng thề, thì dẫu con đường có dài,
thời gian có mịt mù thế nào đi nữa thì cũng có lúc
chúng mình sẽ gặp lại, nói cho sâu lắng đá vàng hơn,
thì chúng mình sẽ tái ngộ, nối lại một đường tơ lơ
lửng, Nha Trang ơi, Giấc Mơ ơi.
Từ lúc cất bước vào kiếp người là tôi đã bước
lên một con đường mang tên Hò Hẹn. Và xa nơi tít tắp
kia, cuối đường, thời gian sẽ trả lại cho tôi những
gì nó đã lấy.
Cách đây một tháng, ngồi trong
quán mì Triều Châu ở Santa Ana, anh chị Thành bảo, em
viết một cái gì về Nha Trang cho đặc san số tới đi,
kỷ niệm một chuyện tình chẳng hạn. Tôi đã cười ú
ớ, một chuyện tình ư (ơ, nhờ vậy mà tôi có bài viết
này), từ sơ sinh đến 16 tuổi ở đó, tôi chỉ có một
người tình duy nhất, Nha Trang, viết hoa một cách nắn
nót, gửi trao. Cả hai đều thủy chung gắn bó. Tôi biết,
khi tôi trở về, tôi sẽ về bằng nhịp đập trái tim 16
tuổi, và chàng, Nha Trang, vẫn sẽ vòng tay ấm ngày cũ
đón tôi. Cả chàng
lẫn tôi đều là hòn đá vọng, chờ nhau, trên con đường
hò hẹn trẻ trung ấy.
Và
tôi cũng xin được một lần nói nhỏ, mối tình ấy hóa
thân vào giấc mộng, một đời tôi mơ. Mối tình ấy là
chiếc bóng, theo tôi không rời. Để tôi luôn quay đầu
lại, nghe được tức khắc tiếng của biển, chiếc khăn
lụa xanh trên con đường người bỏ dấu tôi tìm… Đó
có phải là phút giây tôi chạm được khói sương của
cõi hẹn hò?
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Santa Ana,
2012
Tặng anh em, bạn bè cùng những ngày thơ ấu của
tôi