Từ trái qua: Tân, Du Tử Lê, Nguyễn Ngọc Bảo (Houston 10-2012)
Thưa quý vị, có lẽ hầu hết quý vị còn nhớ, đúng 5 năm về trước, hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam tổ chức một chương trình thơ nhạc với chủ đề “Du Tử Lê, 50 Năm Trên Ngọn Tình Sầu” để vinh danh nhà thơ đã đóng góp một sự nghiệp thi ca đồ sộ cho văn học Việt Nam suốt 50 năm liên tục. Ngày hôm ấy, nhà thơ của chúng ta đang vướng phải căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Khi đứng trên sân khấu giới thiệu anh, tôi đã nhắc đến tình trạng sức khỏe anh và cầu chúc anh vượt qua được căn bệnh để ở lại với chúng ta thêm hai mươi hay ba mươi năm nữa. Và rồi, mọi chuyện đã xẩy ra như một phép lạ, không những anh chiến thắng được căn bệnh, tiếp tục viết lên những vần thơ trác tuyệt, mà còn, một cách đầy dũng khí, vén tay áo lên thử sức với bộ môn nghệ thuật mới: hội họa. Chỉ trong một năm trời, anh đã hoàn tất cả trăm họa phẩm, đặc sắc đủ để các họa sĩ thành danh phải tấm tắc lời khen và gật gù thán phục. Xin một tràng vỗ tay để chúc mừng nhà thi sĩ/họa sĩ của chúng ta.
Trong một lần trò chuyện, nhà thơ Du Tử Lê. Xin lỗi quý vị, trong buổi tối hôm nay chúng ta phải nói là “họa sĩ Du Tử Lê” mới hợp cả lý lẫn tình. Vâng, trong một lần trò chuyện, anh Du Tử Lê cho biết tranh của anh nghiêng về trường phái Ấn tượng, tức Impressionism, và Trừu tượng, tức Abstract. Tuy nhiên, theo tôi, những bức họa của anh tuy có phần gần gũi với ấn tượng và trừu tượng nhưng không hẳn thuộc những trường phái hội họa này. Tranh của Du Tử Lê phải thuộc về trường phái Du Tử Lê. Quý vị có đồng ý không?
Thưa quý vị, lần đầu xem tranh Du Tử Lê dù chỉ qua hình ảnh, tôi đã liên tưởng đến nhân vật Dương Qua trong tác phẩm Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung. Có lẽ quý vị đang tự nhủ “Vớ vẩn, cao thủ võ lâm Dương Qua thì có liên hệ gì đến thi sĩ kiêm họa sĩ Du Tử Lê?” Có đấy quý vị ạ, Dương Qua là cao thủ đã sáng chế ra Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng, môn chưởng pháp thượng thặng lấy lấy nội công làm gốc chứ không dùng cách biến hóa phức tạp. Còn Du Tử Lê hôm nay sáng chế được trường phái hội họa Du Tử Lê, cũng lấy nội công nghệ thuật rèn luyện suốt 50 năm làm căn bản chứ không chú trọng vào nét vẽ đa đoan. Đó là điểm tương đồng giữa Dương Qua và Du Tử Lê. Ngày trước, Dương Qua thành danh vì Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng thì hôm nay, chắc chắn Du Tử Lê sẽ thành danh vì hội họa trường phái Du Tử Lê. Quy vị có tin lời tôi không?
Thánh Kinh bảo “phúc cho ai chưa thấy mà tin.” Còn quý vị, quý vị đã thưởng lãm tranh Du Tử Lê trong buổi triển lãm hôm nay thì không tin không được.
Vâng, hãy ngắm những bức tranh Du Tử Lê mà xem. Có lẽ quý vị cũng đồng ý với tôi tranh Du Tử Lê là sự kết hợp của những gam mầu tuy dịu dàng nhưng vô cùng linh động, những đường nét tuy đơn giản nhưng đủ mạnh để thúc đẩy trí óc ta phiêu bồng trong sự tưởng tượng phong phú của mình. Điểm đáng nói nhất ở tranh Du Tử Lê là chất thơ bàng bạc trong tranh. Trong lãnh vực nghệ thuật, người ta thường phổ thơ thành nhạc, hiếm ai phổ thơ thành họa như Du Tử Lê đã thực hiện với thơ, với họa của anh. Cũng vì vậy, hầu như tất cả những bức tranh của Du Tử Lê đều có nhan đề được đặt theo các câu thơ của chính anh, như bức tranh “Ta Gieo Gặt Chính Ta” cũng là nhan đề của bài thơ cùng tên “hãy cảm ơn khổ, đau, như điều em giữ lại. hãy cảm ơn đời sau, như điều ta đã nói. ta gieo, gặt chính ta: tự cánh đồng nghiệp, ngã,” hay tranh “Chiều Buồn Đôi Cọng Cỏ” lấy từ câu thơ “chiều buồn đôi cọng cỏ, tôi buồn một sớm mai,” v.v. và v.v.
Từ ngàn xưa, người ta đã quan niệm rằng hội họa và thi ca là hai ngành nghệ thuật có tương quan mật thiết. Tuy nhiên, rất ít họa sĩ thể hiện được mối tương quan này trong tác phẩm mình. Chỉ những bậc tài hoa về cả thơ lẫn họa mới đủ bản lãnh này, như Vương Duy ở thời nhà Đường, tức khoảng thế kỷ thứ 8 sau Tây lịch. Vương Duy có tên tự là Ma Cật, được người đời gọi là Thi Phật, là một trong ba nhà thơ nổi tiếng cùng thời với Lý Bạch, tức Thi Tiên, và Đỗ Phủ, tức Thi Thánh. Ngoài tài Thơ, Vương Duy còn là một họa sĩ nổi tiếng. Đến đời nhà Tống, một thi sĩ tài danh khác là Tô Đông Pha nhận định về Vương Duy qua những câu: “vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi,” có nghĩa là “thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có hoạ; ngắm họa của Ma Cật, trong họa có thơ.” Hôm nay tôi xin được mượn câu thơ này để tặng anh Du Tử Lê: “vị Du Tử Lê chi thi, thi trung hữu họa; quan Du Tử Lê chi họa, họa trung hữu thi.”
Xin cảm ơn anh đã tặng cho đời một cõi thơ trong cõi họa thật tuyệt vời, như Đặng Phú Phong đã nhận xét: “Bàng bạc nhưng cuốn hút, xa xăm nhưng cận kế, gợi cảm,” và như Đinh Cường đã bảo: “Bằng sự đắng cay hay niềm hoan lạc của cả đời người, tranh Du Tử Lê là một tiếng nói khác, nhưng ta vẫn dễ nhìn ra, cõi thơ và cõi họa của ông là một. Một Đấng Tài Hoa.”
Và xin cảm tạ sự theo dõi của quý vị.
Nguyễn Ngọc Bảo