Hình Phụ Bản Trung Thu do Quỳnh-Giao, Lê Giang, Thu-Hằng và Nguyễn Trung cung cấp. Một số tên các nhân vật trong bài đã đổi để tránh ngộ nhận
Trung Thu Trong Ký Ức Tuổi Thơ
Năm tôi lên 12 tuổi, bố mẹ gửi tôi vào tu viện Châu Sơn để học làm tu sĩ thì các sinh hoạt lễ hội tuổi thơ của tôi chỉ chuyên về Tôn Giáo. Suốt những năm dài học tu ở Châu Sơn, ký ức tôi không sót lại dấu vết đẹp nào về Tết Trung Thu. Chỉ còn sót lại một kỷ niệm ăn bánh Trung Thu mà khi nhớ lại thấy thèn thẹn mắc cở thế nào ấy! Đó là lần đầu tôi ăn miếng bánh Trung Thu vuông vắn, vàng ngậy, thơm phức, được bọc giấy, gói trong hộp màu vẽ rồng rắn bên ngoài. Kỷ niệm ấy xảy ra vào một chiều gần Tết Trung.
Ở Châu Sơn, ngày nào sau giờ học, chúng tôi ai cũng phải ra sân chơi đá banh hay vô-lây. Chiều ấy, thay vì chạy thằng ra sân banh nằm bên cạnh rừng cây Quinquina, thằng bạn thân của tôi, tên Hà, rủ tôi và thằng Đương lẻn trốn vào bìa rừng ăn bánh Trung Thu. Bạn tôi đã giấu hộp bánh trong bụi cỏ, dưới lùm cây, lúc nào chẳng biết. Tôi không thắc mắc tại sao nó có bánh vì nghĩ nó con nhà giàu dân Sài Gòn nên đã mang lên đây ngày tựu trường. Luật nội trú cấm không cho ăn riêng nên nó phải giấu chờ cơ hội tốt mới mang ra ăn. Có lẽ ăn một mình không sướng nên đã rủ tôi và Đương trốn ra rừng ăn. Chúng tôi ba đứa vừa ăn vừa nhìn xem có ai bắt gặp không. Dĩ nhiên là những miếng bánh nuốt vội dù nghẹn cổ vẫn ngon tê lưỡi. Ăn xong, ba đứa quẹt môi nhìn nhau cười làm bộ chạy tìm quả bóng mới bị đá vào ven rừng rồi nhập cuộc chơi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Đêm ấy, sau khi hát kinh tối, đèn nhà ngủ vừa tắt chừng một hai phút, bỗng có tiếng khóc sụt sùi lan ra mỗi lúc mỗi rõ và nức nở hơn. Vì chúng tôi phải tuyệt đối im lặng trong giờ ngủ nên chỉ một tiếng cười khúc khích hay một đứa nào “xả hơi” bụng là ai cũng nghe được. Thầy giám thị phòng ngủ đến giường thằng nhóc đang thút thít một lúc rồi bỏ đi. Chỉ trong vòng hai ba phút sau, phòng ngủ được bật đèn lên sáng trưng làm chói mắt nhiều đứa vừa lim rim ngủ. Cha giám đốc ngậm còi thổi hai ba hồi dài nghe có vẻ giận dữ lắm.
“Tất cả đứng lên!” Cha ra lệnh nghiêm khắc. Khi cả phòng ngủ đứng dậy cha nói tiếp, “Cha đã cấm không ai được để thức ăn trong phòng ngủ, tại sao các em vẫn làm? Em nào lấy hộp bánh Trung Thu của Minh, phải thú tội ngay đêm nay. Nếu không, sáng mai cha biết ai, em ấy sẽ bị đuổi về ngay tức khắc.”
Có tiếng xì xào, cha thổi còi hiệu im lặng rồi bỏ về phòng riêng. Thầy giám thị tắt đèn, đi quanh nhà ngủ vài phút trước khi về phòng mình. Tôi linh tính ngay là thằng Hà đã cuỗm hộp bánh cho chúng tôi ăn chiều nay. Dù mình không ăn cắp nhưng đã ăn vụng trong giờ chơi nên tội cũng nặng không thua gì ăn cắp. Vả lại, ai biết được là mình không phải là thủ phạm chính ngoài Hà. Nhỡ nó sợ lại khai mình là thủ phạm thì toi mạng. Giường thằng Hà và Đương cách giường tôi xa nên không có cách nào bàn nhau phải làm gì. Hai thằng này dân Sài Gòn chắc không sợ bị đuổi. Chúng nó vẫn bảo ở Sài Gòn vui và Châu Sơn thì quá buồn. Còn tôi bị đuổi về quê nhất định sẽ phải ra ruộng đi cầy hay lên rừng chăn bò chứ chẳng có chỗ nào chơi hay đi học nữa. Con nhà quê bị đuổi về sẽ làm nhục bố mẹ. Cả làng ai cũng cười cho. Nghĩ về tương lai đen tối nếu bị đuổi về mà run trong bụng. Thầy giám thị vừa bỏ đi, tôi nhún chân đi thật nhẹ nhàng về phía nhà vệ sinh. Định bụng vệ sinh xong sẽ đi thú tội. Vừa vào khu vệ sinh chung, thằng Hà, cũng mon men đến. Tôi hỏi nhỏ, “Mày ăn cắp hộp bánh?”
“Ừ, tao tưởng thằng Minh có nhiều bánh.”
“Mày có thú tội không?”
“Chưa biết, còn mày?”
“Tao sợ bị đuổi. ”
“Nếu mày thú tội, tao cũng phải thú!”
“Đừng lo, tao sẽ nhận hết!”
“Không được! Còn thằng Đương thì sao?”
“Mình không khai nó!”
“Nếu cha hỏi?”
Chúng tôi chưa biết trả lời nhau ra sao thì thằng Đương ló đầu vào.
“Tụi mày thú tội?”
“Ừ!” Cả hai đứa tôi gật đầu trả lời một lúc.
“Như vậy chúng mình đi chung?” Thằng Hà hỏi.
“Tao đi trước xem tình hình ra sao. Tụi mày đứng ngoài chờ!” Tôi quả quyết.
Chúng tôi đã thú tội và dĩ nhiên là được tha. Tuy nhiên từ đó có vụ ăn cắp vặt nào xảy ra chúng tôi đều bị chú ý trước. Đấy là kỷ niệm không đẹp mấy về Trung Thu ngày bé của tôi. Và cũng là kỷ niệm duy nhất. Ký ức tôi rất trống trải nghẻo nàn kỷ niệm Trung Thu thời thơ ấu.
Cho Em Trung Thu Xứ Người
Từ mấy năm nay tôi măy mắn được sinh hoạt chung với một nhóm bạn quý trong chương trình Việt Ngữ tại một họ đạo Việt Nam, nằm ngoại biên Boston. Chương trình này dạy tiếng Việt Nam cho trẻ em Mỹ gốc Việt. Các bạn tôi là những người làm việc thiện nguyện không lương. Tiền lương của họ là những tiếng tập đọc tiếng Việt ê a trong lớp hay những nụ cười thân thiện của phụ huynh. Chúng tôi chưa bao giờ tổ chức tết Trung Thu cho các em một cách quy mô. Vì Trung Thu thường rơi vào tuần lễ khai giảng năm học mới. Cả học trò lẫn cô thầy đều xa trường mấy tháng nên khi trở lại không đủ thời gian chuẩn bị. Nhưng năm nay thì khác. Ngay từ giữa mùa hè, L.M. chính xứ, Nguyễn Tuấn Linh, đã đề nghị anh chị em trong ban Việt Ngữ nên tổ chức Tết Trung Thu cho tất cả trẻ em trong giáo xứ không phân biệt màu da tiếng nói. Và dĩ nhiên trẻ em không theo đạo Công Giáo cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Trước nghỉ hè, chương trình Việt Ngữ đã tổ chức gây quỹ lớn để trang bị máy vi tính và máy rọi hình cho các lớp học. Chương trình đã được bà con ủng hộ nhiệt tình và các lớp đã có đầy đủ dụng cụ vi tính cần thiết cho việc giảng dạy. Sau vụ gây quỹ thành công vượt bậc, dù rất vui, nhưng tôi mệt mỏi và chưa dám nghĩ đến việc tổ chức bất cứ chương trình lớn bé nào nữa. Nghe cha Xứ đề nghị Trung Thu, dù e dè, nhưng tôi nhận lời ngay. Và dĩ nhiên những người đầu tiên tôi xin góp tay tổ chức Trung Thu là các cô giáo Thu-Hằng, Huyền, Giang, Linda, Thu-Hương, và Mai-Hương vì thấy họ đứng quanh quẩn trong hội trường sau Thánh Lễ. Không ai phản đối. Tôi nhờ các cô âm thầm xúc tiến. Năm nay cô Thu-Hằng không dạy học nên cô nhận việc tổ chức những sinh họat văn hóa xã hội cho học sinh. Tôi dự tính tổ chức Tết Trung Thu thật đơn giản và ước lượng trên dưới 100 em tham dự là thành công rồi. Ở đây gia đình nào cũng bận rộn công ăn việc làm cuối tuần. Hơi đâu mà đưa con đi tham dự tết Trung Thu!
Ban Việt Ngữ họp nhau khoảng cuối tháng 8 để bàn về niên khóa 2013-2014 và chương trình khai giảng. Việc tổ chức Trung Thu được đưa ra bàn thảo. Chúng tôi dự tính tổ chức Tết Trung Thu cho các em vào tối thứ Sáu ngày 20 tháng 9, 2013 từ 6:00 đến 8:00 giờ tối. Trời mưa sẽ đổi sang tối thứ Bảy. Nếu thứ Bảy vẫn mưa sẽ cho các em sinh hoạt Trung Thu trong hội trường. Tính thế nhưng tôi chỉ mong thứ Sáu đừng mưa để làm cho xong việc. Lỡ cỡ khó chịu. Nguyên việc thông báo qua lại cũng đủ phiền rồi. Ở vùng Boston này tháng 9 trời hay mưa bất ngờ vì mùa giông bão kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11. Các bạn tôi đã “liều lĩnh” đề nghị một chương trình thật quy mô. Có người đưa ra ý thi làm đèn Trung Thu, có người đề nghị thi y phục truyền thống Việt Nam. Và phải dựng sân khấu ngoài trời. Nghe các ý kiến “lớn lao” này làm tôi choáng váng. May là anh Trung nhận ngay việc thiết kế sân khấu ngoài trời làm mình bớt lo. Tôi góp ý kiến sang năm hãy cho thi làm đèn vì năm nay không còn đủ thời gian để học sinh sửa soạn. Vài cô giáo đề nghị mua lồng đèn phát cho các em. Tính nhẩm thấy hơi tốn kém, tôi đề nghị mua 100 lồng đèn. Ý kiến này bị phản đối ngay. Hình như có cô giáo đề nghị ít nhất cũng phải mua 300 đèn. Sau cùng tôi “phó thác” cho cô Huyền lo mua lồng đèn. Vừa giải quyết xong lồng đèn, lại thêm ý kiến cho các em ăn bánh Trung Thu. Tôi thấy vừa tốn kém vừa sợ trẻ em dị ứng thức ăn. Nhưng cha Xứ cứ nhất định phải có bánh Trung Thu thì mới là Trung Thu. Cha kêu gọi bà con ủng hộ. Cô Mai-Hương đi quyên tiền lẻ được $105. Chúng tôi định bỏ thêm quỹ ra mua 15 hộp. Nhưng gần đến Trung Thu, cha Xứ báo tin tiệm phở Countryside ở Quincy sẽ ủng hộ bánh Trung Thu và gia đình anh chị Thanh-Phụng sẽ làm tại nhà 70 bánh Trung Thu nhỏ. Cô Thu-hằng gửi điện thư báo cũng đã mua bánh Trung Thu loại mini cho các em ăn thử. Cuối cùng thì chúng tôi có dư bánh Trung Thu nhờ những tấm lòng yêu mến tuổi thơ Việt Nam xứ người.
Các cô giáo hẹn nhau tối thứ Tư đến hội trường ráp “bin” vào lồng đèn chuẩn bị sẵn sàng cho tối thứ Sáu. Nhiều cô vừa từ sở làm ra chưa kịp ăn tối đã lật đật chen chúc trên xa lộ hay đường phố kẹt xe đến xếp lồng đèn cho các em. Nghĩ đến sự hăng say và những trái tim còn nặng tình với tuổi thơ Việt Nam xứ người mà lòng mình cũng mang mang hạnh phúc. Nếu tuổi thơ Việt Nam sinh ra ở xứ người còn được những tấm lòng của chị, của mẹ ưu ái nâng niu thì dòng máu Việt Nam vẫn mãi luân lưu trong trái tim Việt Nam lưu lạc khắp chốn trên địa cầu này.
Sáng thứ Năm, theo dõi tin thời tiết thấy lòng mình phấn khởi vì dự báo thứ Sáu rất đẹp và dĩ nhiên không mưa. Tôi gửi điện thư cho mọi người kêu gọi ai có thể tới sớm chiều thứ Sáu để giúp sửa soạn sân khấu và các việc linh tinh. Thật ra tổ chức lúc 6:00 chiều thứ sáu thì hơi sớm cho nhiều phụ huynh vì trên đường rời sở làm về ai cũng phải đương đầu với ứ đọng lưu thông khắp nơi từ đường phố nhỏ đến xa lộ rộng lớn.
Tôi đến nhà thờ khoảng 4:00 chiều đã thấy anh Trung một mình cặm cụi loay hoay gắn đèn điện cho sân khấu. Nhìn bục gỗ do anh tự đóng để làm sân khấu mới biết sự hy sinh và tấm lòng anh dành cho tuổi thơ Việt Nam. Dù con anh đã lên đại học, anh vẫn tham gia giúp chương trình Việt Ngữ những năm vừa qua. Người vừa có tài vừa có lòng như anh thật đáng quí. Sân khấu sẵn sàng nhưng chưa có âm thanh. Tôi định gọi anh anh Tạ Thanh Phong, người ca trưởng đa tài của giáo xứ, hỏi khi nào anh mới đến trang bị âm thanh. Chưa kịp lấy điện thoại ra thì anh cũng vừa đến. Anh đi làm vất vả về không kịp ăn tối đã hấp tấp đến để lo trang bị dàn âm thanh cho chương trình. Thấy anh khệ nệ đẩy những thùng loa to lớn rồi tất tưởi vội vã ráp nối dây điện cho kịp khai mạc chương trình mà mến anh thêm. Tôi là người may mắn vì chung quanh mình còn nhiều người nhiệt tình và hăng say như anh Trung anh Phong sẵng sàng cộng tác.
Khoảng 5 giờ, nhóm thiện nguyện “hiếu khách” của giáo xứ gồm các bà cụ thuộc cộng đồng da Trắng đã đến đông đủ để sửa soạn bánh mì Hot Dogs cho các em. Có người phát biểu là Tết Trung Thu mà cho ăn Hot Dogs nghe kỳ quá. Tôi nghĩ khác. Việc chúng ta tiếp tục truyền thống văn hóa Việt Nam có thể thực hiện dưới bất cứ hình thức nào tuỳ hoàn cảnh địa phương và thời tiết nơi ta đang ở. Chúng ta vẫn có thể ăn Pizza, Hot Dogs, hay Hamburgers để mừng Trung Thu. Điều quan trong là chúng ta vẫn tạo ra cơ hội để những lễ hội văn hóa truyền thống được tiếp nối trong các cộng đồng Việt Nam ly hương. Người ta có thể ăn bánh Trung Thu nhưng lòng chẳng có gì Trung Thu và cũng chẳng biết Trung Thu là gì! Thà ăn Hot Dogs mà biết Trung Thu là gì và tại sao cần tổ chức Trung Thu cho tuổi thơ Việt Nam hải ngoại vẫn ý nghĩa và quí hóa hơn. Chúng ta phải bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa nhưng nên uyển chuyển trong việc tổ chức và thể hiện Văn Hóa Việt Nam ở Hải Ngoại. Làm thế nào mà các thế hệ tương lai vẫn tiếp tục văn hóa truyền thống dù hình thức tổ chức có thể thay đổi.
Sau phần biểu diễn võ thuật là thi y phục truyền thống Việt Nam. Các em từ 5 tuổi lên đến 15 tuổi đã hăng hái tham dự. Cha Xứ và Ban Mục Vụ tặng cho 6 món quà, 3 giải cho các em gái và 3 giải cho các em trai. Giải ba trị giá $50, giải nhì $30 và giải nhất $100. Các bộ áo dài truyền thống cả nam lẫn nữ đã xuất hiện dưới ánh đèn màu sân khấu làm tiếng vỗ tay vang lên hòa theo tiếng nhạc vui nhộn khích động tinh thần mọi người. Có em bé trai mặc đồ dân tộc thiểu số làm mình nhớ bài dân ca “Jrai” do Phạm Duy soạn: “Anh em ta cùng mẹ cha...nhớ chuyện cũ trong tich xưa còn mịt mù..Xưa khi xưa mẹ đẽ ra trăm cái trứng, trăm đứa con, cùng một nhà...” Nhìn thấy các em trai áo dài khăn đống, và các em gái phất phới tà áo muôn màu tươi tắn, mình chỉ muốn hát vài câu dân ca Bắc Ninh trong bài “Hát Hội Trăng Rằm” cũng do Phạm Duy biên sọan: “Trèo lên quan dốc, ngồi gốc ối a cây đa....Cho anh chàng gặp, xem hội cái đêm trăng rằm....”
Khi trời vừa nhá nhem tối, lồng đèn Trung Thu đã được các cô giáo cho treo lên hai sợi dây cao trước sân khấu sáng lên làm mọi người nao nức chờ trăng. Cô Thu-Hằng cho các em ngồi xuống sân nghe cô kể truyện huyền thoại về chú Cuội, chị Hằng và cây đa. Các em chăm chú nghe cô kể chuyện bằng hai ngôn ngữ Anh-Việt và giơ tay trả lời câu hỏi rất thích thú hồn nhiên. Nghe kể chuyện xong, mỗi em được phát một lồng đèn đi rước quanh sân. Hơn 200 lồng đèn đã được phát ra mà vẫn còn thiếu. Có cô giáo “nguýt” tôi dài dăm bảy cây số “Đã bảo mua thêm lồng đèn mà không nghe!” Thôi thì ăn ít ngon hơn ăn nhiều.
Số trẻ em lớn bé tham dự đông ngoài dự ước. Chúng tôi định cho các em ăn bánh Trung Thu ngoài trời ngắm trăng Randolph nhưng vì số người tham dự quá đông nên cha Xứ bảo tập họp trong hội trường. Ban tổ chức chỉ xếp sẵn khoảng mười bàn nhưng số trẻ em và cha mẹ tràn vào hội trường có thể là từ 300 đến 400 người nên các thầy cô phải vận động bà con xếp thêm bàn ghế. Các bạn trong chương trình Việt Ngữ VNSB của tôi ai cũng hăng hái bưng những đĩa bánh Trung Thu và bánh do cô Linda và cô Huyền nướng tại nhà mang đến từng bàn mời các em và phụ huynh cùng chung vui tết Trung Thu. Tiếng cười nói ồn ào khiến mọi người ai cũng rạng rỡ hân hoan. Bánh Trung Thu được bà con và nhà hàng Phở Countryside chiêu đãi dư đầy. Không ngờ vui đến thế. Dọn dẹp xong, cô Thu-Hằng, cô Giang và anh Bình mang các thứ nước uống thuộc loại “cấm” trẻ em dưới 21 tuổi để mọi người “giải khát”. Chúng tôi cụng ly nói cười vui như tết. Tết Trung Thu mà!
Gửi Việt Nam Vào Trái Tim Em
Có người bảo tôi nhiều người Việt Nam đang ở quê nhà cũng đã mất gốc rồi. Tại sao vậy? Thưa vì một đảng phái, một guồng máy bắt ép cả một dân tộc, vốn có truyền thống ngàn năm, phải sống theo tư tưởng ngoại lai. Không mất gốc sao được? Tượng đài của các lãnh tụ Cộng Sản thế giới được xây dựng ở những địa điểm quan trọng và đẹp nhất thủ đô. Không mất gốc sao? Mất gốc vì đảng Cộng Sản bắt ép cả dân tộc phải cúi đầu vinh danh tôn thờ một người “mất gốc.”
Nhiều thế hệ đàn anh ly hương xưa nay vẫn thao thức không biết làm sao để các thế hệ con em những người ly hương tìm tự do vẫn còn nhận biết mình là người Việt Nam. Chẳng lẽ cái giá phải trả cho tự do lại là sự “mất gốc” của chính mình và con cháu mình? Dĩ nhiên là việc tổ chức những lễ hội truyền thống cũng là một trong những cách chúng ta giữ lại bản chất Việt Nam cho chúng ta và gieo hạt mầm ấy vào tâm thức con em chúng ta, nhưng chỉ họp nhau vui chơi cũng chưa đủ. Phải làm sao mỗi khi người Việt Nam tụ họp từ vui chơi, hội họp, hay cử hành những nghi lễ tôn giáo có tính truyền thống, chúng ta luôn luôn có những biểu tượng hay nghi lễ làm sáng lên tâm thức Việt nam trong lòng đồng hương tham dự.
Một vị phụ huynh tuổi trung niên đến bắt tay tôi và nói nhỏ.
“Tại sao thầy không cho dựng cờ Vàng trên sân khấu tối nay? Tôi nghĩ mình nên làm việc này để nhắc nhở con cháu biết tại sao ông bà cha mẹ các em đã bỏ nước ra đi.”
“Cảm ơn ông đặt vấn đề quan trọng này. Đây là điều thiếu sót của ban tổ chức. Vả lại tôi nghĩ mình không cần chào cờ trong những sinh họat vui chơi như hôm nay.”
“Thưa thày, tôi đâu có bảo là mình phải chào cờ đâu. Mình chỉ cần dựng cờ lên như một biểu tượng nhắc nhở phụ huynh và con em chúng ta tại sao lại tổ chức Trung Thu ở Randolph mà không ở Sài Gòn, Cần Thơ, hay nơi nào khác tại Việt Nam.”
“Nhưng đây là sân nhà thờ, tôi sợ dựng cờ lên không hợp.”
“Tại sao vậy? Lá cờ Vàng không còn là cờ của nước Việt Nam. Đây chỉ là biểu tượng, là linh hồn người Tỵ Nạn Việt Nam trên thế giới. Trung Thu đâu phải là lễ hội Tôn Giáo!”
“Thưa ông, điều ông nói rất hợp lý. Tôi sẽ thưa với cha Xứ xem ngài nghĩ sao.”
Nói chuyện ngắn ngủi với vị phụ huynh này làm tôi băn khoăn. Ông ta cũng muốn nhắc nhở thế hệ con cháu dân Tỵ Nạn biết được nguồn gốc của cha mẹ ông bà mình. Dĩ nhiên là những người đã sống chết hay đang chịu ân huệ lá cờ “đỏ sao vàng” chắc là sẽ khó chịu khi nhìn cờ Vàng. Tôi bỗng thấy việc tổ chức Trung Thu cho tuổi thơ Việt Nam hải ngoại thật quan trọng. Tuổi thơ tôi chưa hề “ăn tết” Trung Thu, tôi vẫn biết tôi là người Việt Nam vì mình sống giữa lòng quê hương dù chiến tranh nghèo khổ. Tuổi thơ Việt Nam ở Hải Ngoại sinh ra và lớn lên trong môi trường khác, văn khóa khác, và nhất là ngôn ngữ khác. Nếu các em được thế hệ cha anh tiếp tục tổ chức những lễ hội truyền thống Việt Nam, chắc chắn các em sẽ đặt câu hỏi tại sao cha mẹ mình dẫn mình đi dự lễ hội Trung Thu? Từ thắc mắc này các em sẽ tìm hiểu thêm về gốc tích của ông bà cha mẹ mình. Biết đâu khi cầm lồng đèn Trung Thu trên tay, nghe câu chuyện huyền thoại chú Cuội chị Hằng, và ăn miếng bánh dẻo, các em chợt nhận ra mình là người Việt Nam.
Một phụ huynh khác, trước khi về, đến chào tôi và nói giọng châm biếm nhẹ nhàng.
“Tết Trung Thu Việt Nam mà cầm lồng đèn Tàu ăn bánh Tàu vui thật!”
Tôi bắt tay ông thân tình rồi trả lời ngập ngừng.
“Ông nói đúng đấy. Nhưng miễn sao mình tạo ra không khí Việt Nam cho các em là tốt rồi.”
Có lẽ các nhà thương mại Việt Nam tại hải ngoại cũng nên nghĩ cách sản xuất những lồng đèn có chút bóng dáng Việt Nam cho con cháu mình hãnh diện. Còn bánh Trung Thu, tại sao không ai làm bánh hình dáng mặt trăng như bánh dầy? Chúng ta có dư điều kiện để làm việc này. Mong rằng các lò bánh Việt Nam sẽ “sáng chế” ra một loại bánh Trung Thu thật Việt Nam. Tôi được cô Xuyến, cô giáo trong chương trình Việt Ngữ St. Bernadette, cho mấy cái bánh Trung Thu do chính cô làm. Bánh không làm bằng bột nhưng làm bằng “thạch” hay “sương sáo” trông đẹp mắt, hương vị thanh tao, không “nặng” chất dầu mỡ và đường như bánh Trung Thu bán trong hộp ngoài phố Tàu. Văn hóa hay truyền thống là do con người tạo ra. Chúng ta có thể uyển chuyển làm đẹp những nét văn hóa cổ truyền và cải cách những truyền thống lâu đời cho thích hợp với hoàn cảnh địa lý và khí hậu.
Nói chung, Trung Thu lần đầu ở giáo xứ St. Bernadette đã thành công tốt đẹp. Sự thành công này là do công sức của mọi người trong giáo xứ và nhất là các phụ huynh đã ý thức được tầm quan trọng của việc khuyến khích con em mình tham gia vào những sinh họat văn hóa truyền thống Việt Nam. Khi tôi và Uyên-Sa rời sân giáo đường St. Bernadette, trăng tháng Chín vằng vặng giữa bầu trời khuya không vẩn mây. Mùa Thu ở đây bắt đầu cựa mình thức giấc. Phải sống hơn nửa đời người tôi mới hưởng một Trung Thu đầy ý nghĩa; dù ở xứ người không có trăng Đà Lạt hay trăng Sài Gòn. Nhưng trăng Randolph đêm nay bất chợt làm mình nhớ quê nhà quá và yêu thêm tuổi thơ Việt Nam ở xứ người.
Gửi ý kiến của bạn