LÊ VƯƠNG NGỌC - Một Tổng Hợp Luận Về Du Tử Lê: Phong Cách Và Sáng Tạo

27 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 13370)
LÊ VƯƠNG NGỌC - Một Tổng Hợp Luận Về Du Tử Lê: Phong Cách Và Sáng Tạo

PHẦN MỘT

Những Nhận Xét Và Khám Phá Về Du Tử Lê: Người và Thơ 

Ba tập "Tác Giả & Tác Phẩm" (TG&TP) đăng tải 11 bài phân tích và phê bình ngắn, dài ở tập I; 26 bài ở tập II; (đặc biệt có một bài viết về văn và tùy bút Du Tử Lê cùng một bài ghi lại một số tác giả ngoại quốc nhận xét về thơ Du Tử Lê;) và ở tập III, có 21 bài, đáng chú ý là sự lên tiếng của 2 vị linh mục đã nhiệt thành mang tinh thần bao dung Ki Tô giáo trong sự đón nhận hân hoan một nhà thơ ngoại đạo như một con chiên lành thấu cảm sâu xa ý nghĩa cứu rỗi qua những đau thương tột độ của kiếp người! Thật là một hiện tượng ít thấy trong lãnh vực thi ca Việt Nam, với chừng trên 60 bài, kể thêm ít bài chưa in trong 3 tập nói trên viết về Du Tử Lê, người và thơ.

Dĩ nhiên các nhận xét và phê bình không khỏi có sự trùng hợp về cách nhìn và đối tượng phê phán, tuy nhiên ở mỗi bài, người ta nhận thấy vô cùng phong phú về những khám phá, những trích dẫn, nhất là về một số các kỷ niệm riêng tư giữa các tác giả và Du Tử Lê, khiến từ đó có thể rút ra một thực tại khách quan: con người Du Tử Lê, và thơ Du Tử Lê đã dành được một góc tâm hồn trân trọng và thân yêu đặc biệt nơi số lượng rộng lớn tới chóng mặt của những người thưởng ngoạn văn chương. 

A.- KHÍA CẠNH CHUNG CHUNG. 

- Con người Du Tử Lê nhỏ nhắn, "kiu-tờ", nhưng lại mang một kho tàng thơ quý báu tới độ đáng chất chứa trong một đền thờ khổng lồ:

"Bạn tôi bằng nửa con cò
"Vác trên lưng cái đền thờ con voi..."
 

(Nguyên Sa, TG & TP tập II, tr.59. Nhân Chứng, Calif., 1996.) 

- Thoạt bước chân vào làng thơ, "cua rơ cậu" Du Tử Lê đứng vào hạng chót, nhưng chỉ một thời gian sau, trong cuộc đua vòng quanh VN và hải ngoại chàng đã tiến lên hàng đầu trong nhiều chặng và cuối cùng đã đoạt danh vọng quán quân áo vàng: Thoát ý Mai Thảo (sđd, tr.63).

- Cũng thoát ý Mai Thảo, một thứ tửu đồ hữu hạng đương thời bén gót Lý Bạch, Tản Đàø,... xa xưa:

"Thơ Du Tử Lê là một thứ rượu quý cất từ trái chín trúng mùa, cất đúng lúc và hạ thổ hoặc tàng giữ dưới hầm đúng tuổi, một thứ rượu mang những tên "bí tích", "truyền kỳ" như rượu "Vô cố nhân" và "Ức sầu viên" (TG & TP, tập I, tr.50. Đời, Calif., 1992.)

Cái gì, chứ theo tôi thơ Du Tử Lê đầy rẫy nỗi trống vắng của thiếu người xưa (tạm dịch Vô cố nhân) và sự cố gắng đè nỗi buồn dài dặc xuống (tạm dịch: ức là đè xuống, mặc dù ức cũng có nghĩa là mười vạn, nghĩa thực ra sao phải tra cứu lại nơi bài viết của cố văn sĩ Nguyễn Tuân, người đầu tiên nói tới hai tên rượu, chỉ đọc lên thôi, đã thấy "vạn cổ sầu".

- Không khác nhận xét của Mai Thảo, khi Nguyên Sa viết:

"Du Tử Lê đã đi xa hơn những người làm thơ cùng thời với anh một quãng đường trông như gang tấc, mà trong thơ, xa vạn dặm" (sđd, tr. 57).

- Một tác giả khác, Phùng Nhân, đã theo sát Nguyên Sa khi tuyệt tác tả về hình dáng và thơ của Du Tử Lê trong vài hình ảnh thật quê hương như sau:

"Hình dáng ông nhỏ thó như con gọng vó, lội ngược trong mùa mưa lũ. Nhưng thơ của ông thì trải dài như rừng Mắm Năm Căn..." (sđd, tr.133).

- Nhận xét tổng quát mà chính xác về toàn bộ thơ Du Tử Lê do họa sĩ Tạ Tỵ khi ông khẳng định Du Tử Lê là nhà thơ của... "Khám phá trong mỗi từ mỗi ý":

"Du Tử Lê đã cho tôi những rung động sâu thẳm qua những vần thơ, đã cho tôi được cùng sáng tạo qua những gạch chéo Slash (sđd, tr.137)

- Tôi sẽ thiếu sót lớn nếu quên đi một cách nhìn chung chung khác về quê hương Việt Nam triền miên khổ ải, trầm luân trong chiến tranh tàn khốc và cả trong hòa bình hiện tại rách nát, tối tăm. Hình ảnh quê hương đau thương đó không rời khỏi hồn thơ Du Tử Lê khi còn trong lứa tuổi đôi mươi được gửi sang Mỹ học trường báo chí quân đội. Dù đang liên hệ tình cảm với một thiếu nữ da trắng địa phương, chàng nhắn nhủ cô bạn gái Mỹ mà cũng là tự hứa với mình để trở về nơi chôn nhau cắt rốn đang quằn quại trong cảnh tương tàn. Tâm thức này được nhà văn Lê Huy Oanh viết trong Giai phẩm Văn Học số Xuân 1974, Saigòn; và đăng lại trong TG & TP, II trang 9. Nhân Chứng, Calif. 1997

Cũng tâm thức này trong (TG&TP, tập III, tr.99. Nhân Chứng, Calif., 1998,) L.M Trần Cao Tường ghi nhận dưới tựa đề "Một Thoáng Bâng Khuâng Với Thơ Du Tử Lê".

Theo nhiều người, thơ Du Tử Lê viết về quê hương như tuyên ngôn của một chiến sĩ muốn sống và chết với non sông bằng mọi hình thức. Nhưng với L.M Trần Cao Tường, không cần Du Tử Lê cảm tác trực tiếp về xứ sở, ông vẫn xúc động nồng nàn, tìm về thăm xóm xưa, làng cũ một cách thật giầu tưởng tượng và nên thơ như ông tả lại trong tiểu đoạn "Một chiếc thuyền con":

"Một người say mê hút hồn trước bức tranh vẽ cảnh núi sông ao ước: giá ta có được chiếc thuyền con để trở lại thăm nơi quê cũ. Một vị lão trượng... cầm một chiếc lá trúc gắn vào bức họa... Rồi người xem tranh... bỗng thấy mình ngồi trên chiếc thuyền con... được trôi về thăm cố hương"... Linh mục Trần Cao Tường trích dẫn một số câu thơ của Du Tử Lê cũng đã giúp L.M chợt thấy mình đang ngồi trên chiếc thuyền con đi trở lại quê nhà.

- Như tác giả Đào Vũ Anh Hùng nói về" Cõi Thơ, Cõi Nhớ, Cõi Tình" của Du Tử Lê:

"... 'Thơ tình Du Tử Lê' chứa đựng không phải chỉ tình yêu giữa người nam và người nữ. Nnó là tổng hợp đầy đủ các thứ tình khác, tình gia đình, bằng hữu, "... Và ông đi tới một kết luận ngắn gọn và dản dị nhưng rộng khắp và sâu thẳm... "Du Tử Lê với quê hương là một". (Sđd, tr. 163). 

B.- "CÕI THƠ" DU TỬ LÊ  

1.- Thể Loại - Đặc Biệt Lục Bát Du Tử Lê. 

Cố thi sĩ Nguyên Sa trong TG&TP, I, (tr.145-157) đã mang một tâm hồn văn nhân tài tử đa dạng trải mỏng trong "cõi thơ" Du Tử Lê. Cụm từ này được ông dùng để biểu dương một cách tuyệt diệu, phong phú, sáng tạo, làm mới, và có thể nói không ngoa, làm mẫu mực cho khám phá đích thực về thơ Du Tử Lê từ ý tới lời tới các thể loại: năm, bảy, tám, lục bát, tự do...

Du Tử Lê từng cho biết khoảng những năm tháng đầu viết thơ đã tìm đọc Nguyên Sa, rất "chịu" thơ của tác giả "Áo Lụa Hà Đông". Bây giờ khi tôi đọc "Cõi Thơ" của Nguyên Sa, tôi không khỏi rung động theo tác giả và cảm thấy Nguyên Sa yêu thích Du Tử Lê và "chịu" thơ Du Tử Lê ở mức ngoài tầm tưởng tượng của chính tôi. Nếu đó là niềm vinh dự cho Du Tử Lê thì đồng thời cũng chứng tỏ khả năng thưởng ngoạn nghệ thuật tế vi và siêu việt của Nguyên Sa. Và cũng rất khác thường nữa nếu ta thấy tục ngữ "văn mình, vợ người" thường là thái độ xảy ra trong làng văn nghệ.

Tôi sẽ chỉ trích dẫn 2 đoạn ngắn trong bài này của Nguyên Sa vì ông đã vạch ra vài khám phá mới lạ, kỳ thú. Trước hết ông và một số bạn văn học khi ở Pháp quan niệm "... muốn hiểu thấu đáo tác phẩm, cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng cuộc đời tác giả..." ông cho thí dụ tìm hiểu Paul Eluard (nhà thơ trứ danh Pháp đã viết nên bài "Bonjour Tristesse" được làm tựa đề cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ văn sĩ trẻ Francoise Sagan và cũng là tựa đề một bản nhạc được dịch ra cùng với cuốn tiểu thuyết trong hàng chục thứ tiếng khác nhau) và tìm hiểu Prevert công phu như thế nào. Bây giờ đọc thơ Du Tử Lê, ông thấy... sự việc không đơn giản như thế.

"Cũng có thể cuộc đời soi sáng cho tác phẩm, nhưng có thể chính tác phẩm mới cho thấy cuộc đời..."

Điều khám phá thứ hai của Nguyên Sa về thơ Du Tử Lê nằm trong lãnh vực không - thời - gian, ở cái chiều nhân-sinh-vô-tận:

"... Lục bát, bảy chữ, tám chữ, năm chữ tuyệt vời đó đưa tôi tới đủ thứ, tới dĩ vãng Lê - tới núi non - tới biển khơi - tới sa mạc - tới cơn điên không dứt, tới dằn vặt khôn cùng. Tới cả những kỷ niệm chưa gặp, những tương lai mà sao nằm trong dòng ký ức..."

Có lẽ ngoài Nguyên Sa, ít có tác giả nào đề cập tới đầy đủ các thể loại thơ của Du Tử Lê. Ngược lại riêng về lục bát Du Tử Lê hầu như trong mấy chục bài viết về Du Tử Lê, không một ai là không ít nhiều giải thích tại sao lục bát Du Tử Lê lại được yêu thích, tán thưởng nồng nhiệt tột độ như vậy.

Bùi Bảo Trúc trong bài "Lục bát và những đóng góp của Du Tử Lê," là một công trình nghiên cứu tiến triển và đổi mới của dạng thơ duy nhất, đặc thù của Việt Nam từ hình thức ca dao tới nay.

Ông đánh dấu những mốc quan trọng của tiến trình đó qua những thành công của các tên tuổi như Nguyễn Du, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Cung Trầm Tưởng, Viên Linh để đi tới cuối cùng là Du Tử Lê:

"... Cùng với những cách mạng ông đem đến cho ngôn ngữ, Du Tử Lê quay ra khủng bố thơ lục bát. Ông không thích sự hiền lành đó của nó, ông muốn bẻ gẫy cái nhịp cũ của thể thơ này..."

Rồi Bùi Bảo Trúc phân tích các đổi mới trong cách chấm câu và ngắt câu ở thơ Du Tử Lê so với thơ trong truyện Kiều, thơ Lưu Trọng Lư,... Bùi Bảo Trúc cũng đề cập tới một số thơ Du Tử Lê sử dụng nhiều từ trầm bình thanh để diễn tả nỗi mệt mỏi rã rời... Tình cảm mất hết sự sôi động ở trong nỗi chán chường được đưa xuống tận đáy sâu thấp nhất..." (Sđd, trang 31 & 32.)

Trước Bùi Bảo Trúc lối 20 năm, nhà văn Lê Huy Oanh đã nhận định rộng rãi hơn trong cùng một chiều hướng:

"Du Tử Lê đã có công xây đắp ngôn ngữ mới, tạo ra những sắc thái và những giá trị mới cho cả cho cả những lối thơ đã xưa cũ, đặc biệt là thơ Lục Bát". (Sđd, tr.21.)

Nhưng để đi sâu vào cõi thơ lục bát Du Tử Lê, chúng ta không thể không tìm lại Nguyên Sa khi ông phân tích bài "Chuyết kinh thi":

"Tôi biết bài lục bát tới, một lục bát không Nguyễn Du, không Nguyễn Bính, không Huy Cận. Một lục bát khác Huy Cận. Một lục bát vượt Huy Cận..." (Sđd, trang 152.)

Và ông không quên, để chứng minh so sánh trên, liệt kê một số thơ lục bát tiêu biểu ngoài "chuyết kinh thi" như Đêm nhớ trăng Sàigòn, Cõi Tôi, Lục bát Úc Châu, những bài U, những bài Bồ Tát, những Lãm Ca, những Thánh Nữ... 

2. Từ ngữ và thơ, điệu thơ Du Tử Lê.

Trong TG&TP tập I, nhà phê bình Cao Thế Dung trong cuốn "Thi ca và Thi nhân" (Quần Chúng, Saigòn, 1968,) đã phân tích sâu sắc và đầy đủ về 2 tập thơ đầu tay của Du Tử Lê:

"Đọc thơ ông thấy ngay ông làm thơ như người ta nói chuyện. Nhưng từ mỗi ngôn từ, mỗi mạch thơ càng đọc càng thấy có sự hiện diện của một nghệ thuật mới, có một giọng riêng, không thể lẫn lộn với bất cứ ai." Sđd. tr. 15.)

Điều khám phá kỳ thú khác do Cao Thế Dung:

"Trong thơ Du Tử Lê có ẩn dấu một bản chất thật Việt Nam". Ngôn ngữ riêng của thơ Du Tử Lê chỉ như sự phát hiện một cách tự nhiên từ bản chất Việt Nam của ông, cái bản chất sơ khai từ lòng Mẹ"

Cao Thế Dung cũng cực tả được âm điệu trong thơ Du Tử Lê:

"Điệu thơ Du Tử Lê có một cái lạ rất mơn man và quyến rũ. Tiếng thơ như lời ca. Nó bồng bềnh trôi nổi. Mà cách hợp vần hợp điệu như một bộc phát tình cờ..."

Ông dẫn bài "Trên lưng tình dài" để tả cái nhịp thơ "lênh đênh và phiêu bồng như tiếng gió và thông reo "như van lơn trong nỗi rời rạc của tâm thể..."

Điều khám phá nữa mang tính cách chìa khóa mở đến các cửa ngõ vào thế giới thơ và người thơ Du Tử Lê:

"Giữa những người làm thơ hôm nay thì Du Tử Lê là một chân dung hồn hậu".

Chìa khóa "chân dung hồn hậu" này giúp ta hiểu tại sao L.M. Thạch Sơn-Nguyễn Huy Tưởng viết như sau:

"Ngôn ngữ Du Tử Lê về tôn giáo, nói riêng về đạo Chúa rất chuẩn... Những ngôn ngữ về tôn giáo của ông dùng là những câu kinh chỉ có người có đạo dòng mới hiểu được... và hiểu tận tình..."

L.M. Thạch Sơn có phỏng đoán về sự kiện ngoại đạo mà hiểu kinh điển tận tình của Du Tử Lê, không những thế, Du Tử Lê đã được ông so sánh với nhiều nhà thơ Thiên Chúa Giáo... "Nhưng Du Tử Lê đã dùng những từ tôn giáo bình dân nhất, nhưng cũng nên thơ nhất"...

Vẫn theo L.M., vì có bạn thân theo đạo Chúa nên "những từ về tôn giáo đã đến với ông tự nhiên như hơi thở".

Thực ra theo tôi lập luận trên đây của L.M. Thạch Sơn sẽ đầy đủ hơn nếu chúng ta ghép chúng với những khám phá kể trên của Cao Thế Dung, vì ở mỗi trạng huống tình cảm riêng biệt đau thương nào, Du Tử Lê cũng dùng cái bản chất Việt Nam, cái hồn hậu tự tại của lòng Mẹ tiếp nhận và trân quý ấp ủ. Nhận xét của L.M. Thạch Sơn và Cao Thế Dung cũng áp dụng y hệt như trong các bài thơ nói đến Bồ Tát, (thí dụ: "Vì em tôi làm Sa-di", "Nhớ em chánh điện", "Lỡ mai xa khuất tay Bồ Tát...")

Nhìn dưới một góc cạnh khác, Tam Thanh trong bài "Cõi tôi nơi Du Tử Lê", (TGTP, III, tr.131) đã viết:

"... Du Tử Lê còn đúng ở thể hiện thực... Ngôn ngữ địa phương hàng ngày được ông sử dụng một cách tự nhiên, không thắc mắc, rất hiện đại" Theo Tam Thanh, thơ Du Tử Lê lừng lẫy hơn cả là do... "Ngày càng phong phú, xuất sắc, thâm thúy trong ngôn ngữ, cú pháp..." và mặc dù "... ngay cả bút hiệu cũng lấy từ một bài thơ của Bạch Cư Dị (?) nhưng không hề, trong các tác phẩm của ông, dùng tới một điển tích nào của Tầu cả".

Cuối hết mà cũng bao khắp hết được công lao sáng tạo thơ của Du Tử Lê lại do một giáo sư Y Khoa Đại Học Wright State, Ohio, Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn đã viết trong bài "K. Khúc / Thế giới của Lê": 

"Có thể mượn câu nói của Chế Lan Viên để nói về Du Tử Lê, 'vừa làm thơ, vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước.' Từng bài thơ đều mang dấu bức phá của thi sĩ, từ chữ nghĩa, tiết điệu, hình tượng và cấu trúc. Tất cả hầu như là một sự tái sinh của tiếng Việt trong ngôn ngữ thơ". (Bán Nguyệt san Ngày Nay, Houston, Texas, số 426 ngày 1 tháng 1- 2000.) 

Tới đây tôi xin mở ngoặc nhắc lại ý kiến của vài ba tác giả tìm hiểu nghệ thuật sử dụng từ ngữ tài tình của Du Tử Lê.

Trước hết Bùi Bảo Trúc viện dẫn thi sĩ tượng trưng trứ danh Pháp Valery cho rằng sự thành công của ngôn từ trong thơ do các sự khủng bố chữ nghĩa của mỗi nhà thơ đêm khuya thanh vắng. Nguyễn Anh Văn viết trong TG&TP, tập II, (tr.146,) không đồng ý với Valery về trường hợp Du Tử Lê.

Theo ông, Du Tử Lê lọc chọn lời thơ như một người yêu hoa lựa một giò thủy tiên rồi công phu gọt tỉa ra cho tới khi mang một hình dáng toàn mỹ. Theo tôi cả hai bạn đều không sai khi đề cập tới Valery và chơi hoa thủy tiên. Nhưng thú vị nhất là gần đây, trong một quán cà phê Nguyễn Đình Toàn, bạn thân của Du Tử Lê, một nhà văn đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc cùng năm với Du Tử Lê, đã vừa cười vừa dí dỏm bảo tôi:

 "Du Tử Lê đúng là ghè chữ ra nghĩa."

Khi tôi kể chuyện này với Du Tử Lê, không biết nhà thơ có đồng ý hay không. Chỉ thấy chàng cười cười. Cái cười cũng dung dị như lời thơ của chàng. 

3.- Lục bát cách tân của Du Tử Lê. 

Tương đối khá nhiều tác giả viết về những khai phá mới của Du Tử Lê trong nghệ thuật ngắt nhịp, ngắt đoạn, đổi luật bằng trắc và nhất là sự du nhập thêm những gạch chéo, những chấm câu giữa từng câu lục hay bát mà Du Tử Lê gọi là phương thức hoán vị. Các tác giả này thường chia ra hai nhóm: một viết về phương thức hoán vị lục bát do Du Tử Lê khởi sự từ 1994, nhóm kia viết về các canh tân ngoài hoán vị mà Du Tử Lê đã sử dụng từ khi thoạt in thơ trong 2 tập đầu 1964 và 1966.

Cũng tác giả Lê Huy Oanh năm 1974 đã nhìn nhận hơi thơ lục bát Du Tử Lê theo cách ngắt nhịp, ngắt đoạn, đổi luật bằng trắc, chấm câu của Du Tử Lê phải chờ một thời gian từ khi xuất hiện tới năm ông phân tích thơ Du Tử Lê mới coi như được chính thức công nhận, ngoài tính cách mới lạ còn đem lại những rung động, hình ảnh nhất là khi đọc lên, ngâm lên, âm điệu phong phú thêm và diễn đạt được trung thành cảm hứng của nhà thơ. 

Về cách tân lục bát với các dấu gạch chéo gạch ngang, chấm giữa hàng..., những tác giả tán thưởng và khuyến khích chiếm đa số. Tiêu biểu là các tác giả Bùi Bảo Trúc, Trần Văn Thế, Cung Trầm Tưởng, Toàn Phong, Vương Thành coi bài viết các tác giả này trong TG&TP, tập II)... Riêng Vương Thành, (TG&TP, II, tr.213,) viết khá đầy đủ về tiến triển canh tân / cách tân trong thơ Du Tử Lê từ 1958 tới nay.

Điều sâu sắc trong phân tích của Vương Thành là... sự loại bỏ âm trắc ở câu sáu, cắt vụn nhịp đi của thơ lục bát nói riêng và các thể thơ khác nói chung... đã phản ảnh được những đặc tính sau đây của thời đại hiện tại...

Đó là:

a/ Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy vỡ vụn, đầy bất trắc...

b/ Tính lạnh lùng, chủ nghĩa cá nhân được tôn trọng triệt để...

c/ Riêng những bài Du Tử Lê kết thúc bằng câu sáu có mục đích mời độc giả tham dự vào bài thơ trở thành đồng tác giả với Du Tử Lê khi chính độc giả có thể thêm câu tám vào bài thơ. 

Du Tử Lê gặt hái được từ những tác giả viết phê bình thơ văn chàng những bông hoa ưu ái ngọt ngào sắc hương, tất cả hầu như đồng thuận trong thưởng ngoạn, hầu như không có khác nhận định, khác chính kiến ở mọi lãnh vực, ngoại trừ, điều này có thể là bất ngờ mà cũng có thể dễ hiểu thôi, có vài ba tác giả nói lên sự dè dặt và một vị còn minh thị vạch ra cái bất lợi của lục bát Slash... cách tân.

Lam Nguyên trong bài "Biểu Cảm Cách Tân", (TG&TP, II, trang 223,) đã cho thấy vô hình chung Du Tử Lê đã là biểu tượng của "Tân kỳ biệt chí / mới mẻ độc đáo," lời của tác gia Trung Hoa Tiết Bảo Thoa, khi bàn về tác phẩm "Hồng Lâu Mộng" của Tào Tuyết Cần. Lam Nguyên cũng trích dẫn lời của Lưu Hiệp, trong tác phẩm "Tâm Điêu Long" với ghi nhận: "...sự nghiệp văn học mỗi ngày mỗi cách tân mới giữ lâu dài được và có thông đạt mới khỏi bị khô cạn." (Xin xem thêm Lam Nguyên, sđd, tr. 225.)

Cái thâm nho trong văn học sử Tầu của tác giả Lam Nguyên cũng gióng lên một tiếng chuông dè dặt "... cách tân phải đạt đến nghệ thuật..." và một thời gian ngắn không thể xác định được. (Sđd., 225.)

Cũng trong chiều hướng phát biểu dè dặt về nỗ lực cách tân thơ lục bát của Du Tử Lê, trong bài "Cõi tôi nơi Du Tử Lê", (TG&TP, III, tr.131,) Tam Thanh sau khi ghi nhận những nỗ lực đóng góp những thay đổi lớn lao nhất trong canh tân thể lục bát, cũng đã trích dẫn 2 câu thơ tám chữ:

"gió /nhấm nhẳng /cất chưng mùa hẹn, hết... / tình, lở, bồi /mưa /tróc vỏ /ta /trôi;" để phê bình quả thật Du Tử Lê đã đi quá xa trong đổi mới, đưa người đọc... đôi khi đi loanh quanh, luẩn quẩn không thấy lối ra, trong cái bẫy chữ nghĩa và bố cục của cú pháp.

Đào sâu hơn và cũng lập luận đầy đủ hơn trong sự dè dặt đón nhận lục bát cách tân của Du Tử Lê là nhà giáo nhà văn NinhHạ / Nguyễn Đức Tâm trong TG&TP, III, tr. 65.

Ngoại trừ sự dè dặt này, phải nói ngay trong toàn bài tác giả không tiếc lời khen tặng thơ Du Tử

Lê về mọi mặt. Cả ở trong vài ý kiến bất đồng về kết quả nghịch ứng với mong đợi của Du Tử Lê, Ninh Hạ vẫn mong mỏi cho ước vọng của Du Tử Lê về quan niệm hoán vị được thành công. Ninh Hạ đã không vòng vo khi viết:
"... Thơ Du Tử Lê bây giờ để nhìn và đọc...Không ngâm được nữa vì... giữ vần thì không hết ý... Trúc trắc, trục trặc..."

Phê bình cái lợi ích của cách đọc thơ hoán vị, Ninh Hạ dẫn câu thơ: 

"rừng /tôi /sâu /thở nốt chân trời." 

Rồi áp dụng 3 lối đọc hoán vị để kết luận...

Riêng tôi, chỉ đọc không thôi cũng đủ "oải" rồi.

Chưa hết, Ninh Hạ cũng còn vạch ra sự kiện "tùm lum" của các dấu chấm và "lạ đời khó chịu của các slash/gạch chéo". (Xem thêm: Ninh Hạ-Nguyễn Đức Tâm, sđd., trang 65-78.) 

Ở trên tôi có định tính cho những hồi chuông báo... động là bất ngờ nhưng cũng dễ hiểu. Thật vậy bất ngờ vì cho tới khi đọc mấy tác giả này, chúng ta hầu như không gặp bất đồng ý kiến nào trong suốt các tập TG&TP. Dễ hiểu bởi lẽ những người làm văn học nghệ thuật VN ở hải ngoại, theo tôi, đã ở mức trưởng thành và lương thiện trí thức đủ để nói lên sự thực về cái nhìn, cái cảm của họ đối với một tác phẩm văn nghệ hoặc một sáng tạo tân kỳ về một thể loại văn chương, một hình thái nghệ thuật nào đó, dù tác giả có là bằng hữu thân thiết của họ. Âu đó cũng là sự may mắn và niềm hãnh diện cho tiền đồ văn hóa dân tộc. 

C.- Ý THƠ VÀ NGƯỜI THƠ DU TỬ LÊ. 

Trong văn chương thường nói văn là người, theo tôi nghĩa rộng hơn là "Le style, c'est l'homme" của Pháp, vì bao gồm luôn cả nội dung của thơ văn. Do đó ta nhìn thấy nhiều hình ảnh Du Tử Lê qua thơ văn chàng. 

1- Người thơ của quê hương. 

Không riêng các tác giả Việt Nam hải ngoại mà cả trong nước, có 2 nhà văn hóa, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong bài "Vài cảm nhận văn học VN hải ngoại" (Hợp Lưu 8/9-94) và Phạm Xuân Nguyên trong bài "Hình dung một bức tranh hoàn chỉnh về văn học dân tộc" (Hợp Lưu 4/5-95) đã trích dẫn 2 bài thơ của Du Tử Lê: "Vỡ lòng cho một người con gái Mỹ," " và "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển" để gạt bỏ chính kiến chính trị ra ngoài mà công nhận tinh thần yêu nước mãnh liệt nơi Du Tử Lê. 

2- Người thơ của tình yêu nói chung và tình yêu lứa đôi nói riêng. 

Có thể nói tới trên hai phần ba thơ Du Tử Lê viết về tình yêu và được hầu hết quảng đại độc giả ưa thích vì họ cảm thấy Du Tử Lê đã ít nhiều nói hộ cho mỗi người những cảm xúc riêng tư từ mỗi trạng huống tình yêu chân thực, hạnh phúc đấy mà cũng bi thảm đấy, éo le, oan trái do những mâu thuẫn, những nghịch cảnh xuất phát từ một xã hội chiến tranh, từ những luồng giao lưu văn hóa truyền thống đương thời, đông và tây, từ tiến trình giải phóng toàn diện con người nói chung và ở VN ta, có lẽ khởi đi từ "Loan" trong "Đoạn Tuyệt" được thấu cảm sót xa và phản kháng trường kỳ qua những vần thơ cực tả nỗi chịu đựng hy sinh vì nếp sống cổ hủ:

"Anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi".

Từ những tập thơ tình đầu tiên thập niên 60 cho tới những cuốn xuất bản từ 1989 tới 1999, lấy những câu thơ làm nhan sách, chứa đựng nhiều ý nghĩ, cảm xúc sâu thẳm mà đầy những bí ẩn huyền nhiệm: "Ở chỗ nhân gian không thể hiểu", "Đi với về cũng một nghĩa như nhau", "Chấm dứt luân hồi: em bước ra", "Chỉ như mặt khác tấm gương soi," "Hoa nào tim quả đắng đến không ngờ" Có lẽ Du Tử Lê đã được Thượng Đế chọn làm một thứ "Tử vì đạo", cái đạo của tình yêu, cái lẽ sống vĩnh hằng của nhân loại nơi thế gian. 

3- Người thơ của bằng hữu. 

Chứng minh cho khía cạnh này chỉ cần độc giả để ý hầu hết mỗi bài thơ của Du Tử Lê đều có ghi dành tặng bạn hữu dù thân hay sơ (nếu là sơ hẳn phải có một đặc tính nhân bản nào đó), số lượng bằng hữu được Du Tử Lê nhớ tới đó dài tới chóng mặt. Chỉ cần trích dẫn hai tác giả sau cũng đủ đại diện cho nhiều vị khác đã phát biểu về tính cách này của Du Tử Lê. Nguyên Sa viết:

"Mỗi lần nghe Trên Ngọn Tình Sầu, tôi liên tưởng đến một Du Tử Lê khác biệt. Lần gần đây tôi thấy Du Tử Lê ở quán LUP. Con chim sẻ nhảy nhót vui tươi, đứng gần cửa đón bạn bè thân hữu, con dế mèn trên sân khấu giới thiệu chương trình. Nhà thơ ngồi ở bàn Mai Thảo, rồi bay sang bàn Cò Dzu, dừng lại với những người sáng tác trẻ, những Trần Duy Đức, Trầm Phục Khắc,... Thứ Bảy nào cũng có họp mặt đón Trần Văn Trạch từ Pháp qua, ... ngâm thơ Tô Thùy Yên, trên sân khấu có Cao Đông Khánh... Quỳnh Như nhiều lần đến LUP ngâm thơ. Có cả Hùng Cường, Vũ Khanh, Tuấn Vũ... Lup đóng vai trò một "Club littéraire", mang đậm sâu dấu vết Du Tử Lê." (Sđd. trang 62.)

Ở một bài khác cũng trong TG & TP, I, (tr.153,) Nguyên Sa gặp cả những người bạn của Du Tử Lê: "Những Bành Nho, những Đào Quý Châu, những Kiểm, những Tư Cóc, Minh Dê, Hồng Trố..."

Và một trong những bài thơ tuyệt vời nói lên tình bạn bất hủ nơi Du Tử Lê là: "Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi" (Ai đọc rồi cũng cảm thấy đỡ bi quan vì trên đời này, trong tâm thức quằn quại của con dân Việt, vẫn còn có thể quên đi những nhăng nhố, tráo trở, thấp hèn thường thấy, để vượt lên và nhập vào thanh khí bằng hữu an lành trong thơ Du Tử Lê.)

Nhà báo và cũng là họa sĩ Khánh Trường, rút từ kinh nghiệm bản thân với Du Tử Lê khi chân ướt chân ráo định cư trên đất Mỹ, cộng tác với nhà thơ qua tờ Tay Phải 1987, đã phân tích và tìm hiểu Du Tử Lê qua thơ văn và đời sống trong một bài giá trị: "Nghĩ rời, khởi từ ở chỗ nhân gian không thể hiểu", ông viết:
"Sống gần Du Tử Lê, tôi có dịp tìm hiểu thêm nhiều mặt khác của người thơ này. Nhạy cảm và chí tình với bạn bè. Chưa bao giờ tôi nghe Du Tử Lê phê phán chê bai một đồng nghiệp nào, dù đó là những người đi trước, cùng thời, hay đến sau. Khám phá ra một tài năng mới, ông mừng như chính mình đã thành công."

Một trong những tài năng mới đó, nay đã thành danh theo Khánh Trường, kể cho ông nghe về chính bản thân tác giả khi gửi đăng báo của Du Tử Lê, rất được Du Tử Lê trân trọng, khuyến khích nên tài năng mới đó coi như "một động cơ lớn giúp thêm tự tin khi chọn thi ca như một nghiệp dĩ". (Sđd., trang 30.)

Tấm lòng đó của Du Tử Lê không chỉ với thi sĩ kia, mà còn với rất nhiều người khác. Ghi nhận này của Khánh Trường giúp ta hiểu rõ thêm cái "chân dung hồn hậu" mà Cao Thế Dung đã tặng cho Du Tử Lê. 

4- Người thơ với tinh thần nhân bản. 

Một trong những phương châm của nền giáo dục văn hóa quốc gia là nhân bản. Hiểu theo nghĩa: một hệ thống suy tư và hành động theo những quan thiết, giá trị và nhân phẩm con người nói chung. Về phương diện này rất ít có nhận xét hoặc phân tích trực tiếp từ phía các tác giả, mặc dầu ngoài tinh thần nhân bản bàng bạc trong thơ Du Tử Lê kể cả thơ tình thuần túy, vẫn có một số bài thơ đề cập tới các khát vọng chính đáng của tuổi thơ, tuổi trẻ, của khối người yếu kém vì màu da, vì nơi chốn họ sinh ra, của những cặp tình nhân kẹt trong khuôn thước, luật lệ lỗi thời của tôn giáo, luân lý, của những ảnh hưởng tai hại do các tranh đua khám phá và áp dụng khoa học đối với môi sinh kể cả môi sinh ngoài không gian.

Lã Huy Quý viết:

"Nhìn vào nếp sống tình cảm có vẻ bất cần dư luận, nhiều người chắc nghĩ Du Tử Lê phải là con người hướng nội mãnh liệt, sự thực qua thơ anh, tôi vẫn thấy anh là người hướng ngoại. Vậy Du Tử Lê hướng thơ mình về đâu: bằng hữu, đồng bào, tha nhân, con người và thế gian nói chung?" (Sđd. trang 81.)

Đây cũng là nhận xét của Nguyễn Mạnh Trinh:

"Phần thứ hai của 'Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu,' thi sĩ đã chuyển đến những đối tượng khác, cho nhiều người và chẳng chỉ một người." (Sđd., trang 89.)

Lê Huy Oanh phân tích và tìm thấy ở một số thơ Du Tử Lê có thể gọi là "Phúc Âm Buồn" và, cần được rao giảng "để chữa cho hàng triệu triệu con súc vật người, tâm hồn chai đá, tàn nhẫn, hung bạo không còn biết buồn trong cái ý thức về thân phận mình trong vũ trụ."

Ông viết tiếp về cái khía cạnh nhân bản đó của Du Tử Lê:

"Trong cái xã hội suy đốn cùng cực của thế giới hôm nay, may thay cũng còn có một số người -rất ít người- trong đó có thi sĩ Du Tử Lê vẫn cố gắng bảo vệ những tình cảm quý báu của con người, kêu gọi nhân loại phục hồi lại những giá trị tinh thần đó." (Sđd., trang 17-21.)

Theo tôi, chỉ cần đọc tất cả những bài thơ trong tập "Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi", ta sẽ thấy rung động với nhịp đập của con tim "nhân bản" Du Tử Lê với một Homeless Mỹ trắng, một nữ văn sĩ thời danh Mỹ đen, với "Phi Châu Ấn Độ, vẫn còn những đứa trẻ chết đói;" với linh hồn có các màu đen, vàng, trắng; với "Thư dặn dò con chưa có mặt", với "Robot và tình yêu" của thi sĩ. 

5- Người Thơ Của Di Truyền Giòng Giống Với Hệ Luận Nhỏ:

Khía cạnh tình dục trong thơ Du Tử Lê. 

Về phương diện thơ Du Tử Lê mang tính chất "di truyền nòi giống", và "phản hồi về nguyên thủy vũ trụ", (đọc thêm: Lê Vương Ngọc: "Thử Áp Dụng Quan Niệm..." TG&TP, III, tr. 237 - 250;) đặc biệt xin ghi lại một khám phá thú vị của L.M. Trần Cao Tường viết trong Bán nguyệt san Ngọc Lân, số đề ngày 1-1-2000 liên quan tới câu thơ "Hoa nào tin quả đắng đến không ngờ" đã được minh triết bánh dầy bánh chưng của Việt tộc diễn thành một công thức đạo sống do Hoàng tử Tiết Liêu thể hiện. Linh Mục viết:

"Khi nhiều quả đắng quá xuất hiện thì tưởng là không ngờ, chứ thực ra tổ tiên mình đã thấy được hậu quả đó từ lâu". 

- Khía cạnh tình dục trong thơ Du Tử Lê 

Tôi nhớ có được đọc từ một văn hào Tây Phương đại ý:

"Lịch sử nhân loại, rút lại, là sự đương đầu giữa hai phái nam và nữ", nói cách khác các biến thiên trong nhân loại phần lớn do tình dục nắm một phần nguyên nhân, gia dĩ kho tàng văn chương bất thành văn của dân Việt thật phong phú và hấp dẫn với các truyện kể và ca dao thật phong tình, nhẹ nhàng nhưng đôi khi cũng rất mãnh liệt và hiện thực. Không khác gì trong thơ Du Tử Lê khi đa số đồng ý Du Tử Lê là một nhà thơ của quê hương dân tộc.

Trong những tập thơ đầu, nếu Du Tử Lê có đề cập tới tính dục, thường rất là tế nhị, hoặc có rõ rệt thì cũng được thi vị hóa tối đa để trở nên rất nhẹ nhàng, được tiếp nhận không những dễ dàng mà còn gây thích thú cho người đọc. Thí dụ như trong bài "Tình Sầu": 

"Ta như sương cao mà người như hoa sâu
....................................
"Người đã vì ta tan ước mơ
"Phấn son chửa ngát thịt da ngà
..........................
"Cỏ xanh áp má những đêm buồn
"Dế giun còn tiếc mùa ân ái..."
 

Hoặc như trong bài "Vọng động tôi": 

"Rừng tôi có luống ngô đồng
"Có hương tóc cũ, có giường chiếu xưa
"Có chăn gối lạnh..."
 

Hay trong "Ai nhớ ngàn năm một ngón tay" 

"Tháng tư chăn gối nồng son phấn
"Thịt xương đã trộn như sông núi..."
 

Rồi như trong bài thơ rất phổ biến với tiếng nhạc lênh đênh, tha thiết "Ơn Em": 

"Ơn em ngực ngải môi trầm...
"Cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan
 

Hay trong một bài khác:

"Ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về" 

Trong những bài thơ viết sau này khi đã mang nhiều vết thương lòng, những vần thơ nặng về gợi dục cảm bắt đầu sống động nóng bỏng hơn như trong bài: "Thấy trăm năm chỉ tựa một đôi giờ":

"... Em nhan sắc chưa một lần ố bẩn
"Ôm tôi đi bằng tay Phật Thích Ca
"Ghì tôi đi bằng ý Chúa Ngôi Ba
"Son phấn nữa khắp lòng nhau thơm ngát..."
 

Kịp tới khi tuổi đã luống, các cuộc tình đã xa, các vết thương lòng đôi khi tấy mưng trở lại, những "Đôi khi ký ức ta như sáp" của Du Tử Lê quyến chặt lấy thần trí chàng và những chua xót của mất mát, của lãng quên nơi con tim còn chưa hết thao thiết đã cho ta những vần thơ đầy dục tính hiện thực như trong tập thơ "Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ": 

" Đồng ý chúng ta không còn cơ hội gác chân, tay lên bụng nhau
"nhưng, cách gì, trái tim tôi
"cũng vẫn an lành ngủ giữa đôi nhũ hoa em..."
 

Hoặc ở trang 181: 

"Người đàn ông mới nào
"cũng nhìn ngắm thân thể em
"như bức tranh chờ được
"khám phá và hoàn tất
"dù cho dưới bụng em
"đầy vết nứt
"(và chính tôi
"cũng góp phần...)"
 

Tuy nhiên phải chờ tới hoặc trở lại tập thơ "Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà", ta mới thấy giòng thơ tình dục băng trôi cuồn cuộn, hầu như bao khắp khoảng không gian và thời gian nào mà trí nhớ và tưởng tượng của Du Tử Lê còn tìm thấy được. Thí dụ như ở những trang 81, 82, 93, 102, 106, 107, 128, 154.

Trước khi sang phần kế tiếp tôi chỉ nhắc lại Du Tử Lê mang bản chất di truyền giòng giống, dĩ nhiên gói trọn luôn cả cái tính dục đa diện của dân tộc như trong ca dao phong tình, một rừng thơ truyền khẩu phóng khoáng đến độ nhiều khi rẽ hẳn sang bên lề của luân lý đương thời. 

PHẦN HAI

Thử Đối Chiếu Thơ Du Tử Lê với Thơ Ngoại Quốc: Pháp 

Trong số các tác giả viết về thơ Du Tử Lê có người cho rằng một số thơ Du Tử Lê mang tính cách tượng trưng, ấn tượng và siêu thực như Bùi Bảo Trúc (TG & TP II, tr. 55, 56,) hoặc có tính chất "rất siêu thực" ghi nhận bởi Trần Thu Miên, hoặc "những câu thơ/hát như mộng vừa thực, như lạc vào cõi hư vô siêu hình," bởi Bác Sĩ nguyễn Văn Tuấn (Bns. Ngày Nay, Houston, TX, số 426, 1-1-2000.) Cuối cùng Giáo sư Chu Văn Hùng viết trong Bán nguyệt san Ngọc Lân số 77, 1-100, dưới nhan "Du Tử Lê, Linh Hồn":

"Đến nay, anh đã có 42 năm sinh hoạt, đi từ tượng trưng, đến ấn tượng, đến siêu thực."

Trong bốn tác giả kể trên ngoài Bùi Bảo Trúc là một nhà báo, nhà văn, ba vị còn lại là giáo sư các Đại học Mỹ ở Boston, Ohio và Concordia, Louisiana).

Tôi sẽ sơ lược ghi lại những nét chính về các trào lưu thơ Pháp và sẽ trích dẫn phân tích và phê bình của các vị trên cùng vài nhận xét của riêng tôi liên quan tới các khuynh hướng trong thơ Du Tử Lê. 

A. THƠ PHÁP TỪ LÃNG MẠN TỚI CẬN ĐẠI.

Theo G.S Louis Cazamian viết trong cuốn "A history of French literature" (Oxford xb 1964).

- Phái Lãng Mạn (1820 - 1850) xác định một nguồn cảm hứng văn chương mới với các tính chất: Ưa thích cảm xúc, cảm tính từ thế kỷ 18 kết hợp với khích động mạnh của tưởng tượng: - nguồn cảm hứng rút từ thời Trung cổ, các vùng đất xa lạ, bí ẩn, tàn lụi của vạn vật, thiên nhiên trong nguyên trạng (huy hoàng, trong sáng, dịu dàng.) Còn cảm xúc gồm các ao ước, bản năng, cả các ý tưởng cũng được thể hiện tự do hấp dẫn khác thường (Ảnh hưởng một phần do cách mạng Pháp 1789).

-Phái Hiện Thực (1850 - 85) do ảnh hưởng của tiến bộ khoa học về thiên văn, vật lý, hóa học nhất là về nhân chủng qua cuốn "Origin of Species" của Darwin (1859) và "Tự nhiên thuyết" (Naturalism) phối hợp quan niệm thực chứng về bản chất con người và cái nhìn thực nghiệm về vạn vật. Balzac Stendhal, Merimée thuộc hệ phái này. Cả Baudelaire cũng là một nhà thơ hiện thực trong cuốn "Les Fleurs du Mal".

- Phái Tượng Trưng (1885 - 1914.)

* Tính chất: mơ hồ, dễ tan biến trước cả tế vi nhậy cảm của một nhà quán tịnh; ít nhiều là lãng mạn với cường độ khai thác tối đa những môi trường tế nhị, tranh tối tranh sáng; nhìn thi ca như một khám phá những bí ẩn của thực tại lẩn trốn sau thế giới hiện tượng.

* Các thi sĩ phái tượng trưng (Baudelaire, Mallarmé, Rimbaud, Valery...) sử dụng nhạc tính và biểu tượng trong thơ. Do hồi âm trực giác, rung cảm tìm thấy chân lý và sự hiện hữu của hình ảnh thoát ra từ ngoại giới. Sự gợi ý và vang vọng của ý nghĩa thay thế cho sự xác quyết trực tiếp và phương thức so sánh cùng nội quan thay thế cho lý luận.

* Phái tượng trưng tự khoác cho mình cái "định mệnh tinh thần" (spiritual destiny) có tính cách giải thoát, đã ảnh hưởng cả Âu Châu khi mọi người hào hứng tìm đọc Verlaine, Valery... Thơ của những thi sĩ này được coi là "supreme examples of a beauty!"

- Phái siêu thực - Cuối Thế chiến I và đầu Thế chiến II.

* Phản ứng xã hội và chính trị đi tới giai đoạn chót của giải thoát tâm hồn: Khai thác cái bản năng sâu kín của tâm linh ("Rối loạn đẹp hơn trật tự mục nát") Yếu tính của phái này là sức mạnh từ khởi thủy vô nhiễm của con người (untainted power in man, his primitive force).

* Bắt đầu với khuynh hướng Dã Thú (di cư từ Thụy Sĩ) kiếm tìm biểu tượng cho sự khinh mạn và hận thù các cố gắng thực hiện của trí tuệ và chủ trương độc đoán, chống hợp lý - nhưng phong trào này không có nhiều kiện tướng. Ngược lại một số chủ trương sát nhập với siêu thực (đại diện cho Tristan Tzara viết tuyên ngôn 7 bản (1924), vì lẽ chính: An art of negation cannot survive.

- Phái tượng trưng còn nổi tiếng cả trong lãnh vực Hội Họa, Văn chương. Thoạt tiên Apollinaire tự hiến làm trung tâm thanh toán và yểm trợ cho phong trào tinh thần mới (Esprit nouveau) với các khuynh hướng Futurisme, Cubisme mà sau đó ô. Hàn Jean Cocteau tiếp tục siển dương. Những thi sĩ siêu thực tên tuổi gồm Baudelaire, Corbière, Rimbaud, La Forque, Apollinaire. Từ Dada có Cubists. Picaso, Braque; thi sĩ có Reverdy, Char, Eluard, Apollinaire trở thành lý thuyết gia của Lập thể với cuốn "Les Feintres Cubists", còn thi sĩ André Breton viết tuyên ngôn "Manifeste du surrealisme".

- Sau thế chiến II có một phong trào văn chương khác, tương đối có giá trị qua thời gian là triết lý Hiện sinh của J. Paul Sartre, biểu hiện mạnh mẽ qua văn chương, ca nhạc và lối sống nhưng cũng chỉ náo nhiệt được vài ba chục năm rồi im lìm dần. Nét đặc thù:

* Con người tự quyết định và trách nhiệm về chọn lựa hành động.

* Tâm lý hiện sinh: buồn nôn trước vũ trụ vô chủ đích, vô nghĩa. 

B. PHONG CÁCH RIÊNG THƠ DU TỬ LÊ.

- Bao gồm mọi khuynh hướng từ Đông sang Tây?

Vấn đề đặt như trên có thể quá rộng hoặc thiếu khiêm tốn nhưng nếu nghĩ Du Tử Lê là một sản phẩm đặc biệt của VN thì từ vị trí địa lý của đất nước, tới những biến chuyển chính trị mang tới cho VN các nền văn hóa tươi tốt nhất của nhân loại, đại diện cho trời Tây là văn hóa Pháp và phương Đông là văn hóa Trung Quốc, được hòa hợp với văn hóa gốc VN, thành thử cái "Phong cách riêng thơ Du Tử Lê" có thể vô hình chung là một sự hài hòa dễ thương của nhiều sắc thái văn hóa Đông và Tây.

Ngay chính G.S James T.Y Liu dạy môn "Văn chương Trung Hoa" tại Đại học Chicago, viết trong một cuốn sách về môn ông phụ trách xuất bản 1962, có đối chiếu thơ văn TH với các khuynh hướng chính trong thơ văn Tây Phương và công nhận ngoài một số dị biệt vẫn có nhiều điểm tương đồng giữa các khuynh hướng Lãng mạn, Tượng trưng, Hiện thực, Siêu thực Tây Phương với một số thơ Trung Hoa.

Thực ra vấn đề đòi hỏi nhiều sưu khảo dẫn chứng nhiều khám phá, phê bình khác nhau. Cho nên ở đây, tôi chỉ xin "thử" đối chiếu mà thôi.

- Tính cách lãng mạn - Cảm hứng lãng mạn như rút từ thời xa xưa, các vùng xa lạ bí ẩn, sự tàn phai tiếc nuối, thiên nhiên nguyên sơ hầu như có mặt đầy đủ trong bài "Còn thơm tay Quý Phi" (Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu, trang 2. Nhân Chứng, Calif., 1989.) 

"Tìm nhau mưa bụi trên đầu núi
"Thiên đàng trong mỗi bước em đi
"Mắt thơ lên ngút mùa hoa dại
"Khăn áo còn thơm tay quý phi.
...........................
"Tìm nhau thao thiết hồn chim biển
"Chở hết mùa đi, đợi tái sinh
"Dáng em công chúa lìa cung điện
"Nên lãm-ca buồn mắt thiếu niên.
............................
"Tìm nhau. Mẹ đứng triền tan tác
"Gội tóc ngày mưa thả xuống nguồn
"Ta đi mấy kiếp còn trông lại
"Lồng lộng trần gian một cõi riêng."
 

Hầu như có thể thấy chất lãng mạng trong các thơ Du Tử Lê phần nhiều hòa hợp với các tính chất khác như hiện thực, tượng trưng, siêu thực v.v...

- Tính cách hiện thực: Khi nói thơ Du Tử Lê đôi lúc dùng chữ "sần sượng" chính là tính cách hiện thực đã biểu lộ: Tỷ như trong bài "Bình minh nhân loại mới" (Thơ Tình Du Tử Lê 1984, tr.29): 

"Hãy hình dung hộ tôi
"Tóc người trôi đầy biển
"Xác trẻ vữa như vôi
"Những tiệc người của cá..."
 

Hoặc như trong bài "Chào buổi sáng" (Thơ Tình Du Tử Lê / Love Poems;" (Nhân Chứng, California, 1984): 

"Đừng nhìn tôi...
"Bởi vì tia nhìn của bạn
"Chỉ khiến tôi thêm rõ
"Màu da tôi quá vàng
"Tròng mắt tôi quá đen
"Và những vết thương thầm kín
"Trong tâm hồn tôi
"Lại một lần thêm chảy mủ."...
 

- Tính cách lãng mạn chung với hiện thực: như trong bài "Khi trở lại làm việc tại đài Collins Radio," cũng trong "Thơ Tình Du Tử Lê," tr.20: 

"Tôi ngồi nghe máu lao xao
"Những hương mưa cũ lối dào dạt cây
"Tôi ngồi nghe gió đâu đây
"Nhớ em tháng Chạp buồn ngây phố chiều
"Tôi ngồi lưng mỏi thân xiêu
"Nhủ tôi cơm áo còn nhiều đắng cay."...
 

- Tính cách tượng trưng

Tính cách này được hai tác giả Bùi Bảo Trúc và Chu Văn Hùng đề cập tới nhưng chỉ có bài viết của Bùi Bảo Trúc là phân tích có chứng dẫn bằng những đề thơ như: "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển" và "Đêm, nhớ trăng Sàigòn". Nhưng đọc kỹ bài "Khi tôi chết..." ta thấy ý thơ và lời thơ đầy tính chất hiện thực, không hề có hình ảnh mơ hồ, tranh tối tranh sáng, cũng không nặng về nhạc tính và cuối cùng là những xác quyết bao gồm luôn cả lý luận cho nỗi xúc cảm. Có thể bạn Bùi Bảo Trúc đã bắt mạch trúng tính cánh tượng trưng trong bài "Đêm, nhớ trăng Sàigòn" mặc dầu nhiều biểu tượng trong thơ vẫn phảng phất chất lãng mạn.

Trong tập thơ " Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu" (Tủ sách Văn học Nhân Chứng, Calif. 1989,) ngay từ một số bài thơ mở đầu đã có rất nhiều tính cách tượng trưng.

Như "Bài Nhân gian thứ nhất": 

"đôi mắt người hồ như biển đông."
"mái tóc người hồ như rừng cây."
"tôi có người hồ như vết thương."
"tôi có người hồ như tấm gương."
"......... hồ như tiếng chim"...
 

Hay "Bài nắng mưa thứ nhất": 

"này yêu dấu thiệt không hồn luống tuổi
"gió hai hàng cây lá đuổi theo nhau
"em ở lại trông chừng tôi góc phố
"những ngọn đèn xanh đỏ đã bao lâu."

"này yêu dấu thiệt không bờ tóc thả
"tội chim trời còn lạc lối chiêm bao
"rừng thổi mãi mối tình ai nhiệt đới
"thịt xương tôi trong xích đạo kẻ nào?"...
 

Hoặc "Bài nắng mưa kế tiếp": 

"bỗng chai sương thấy hình ai ở đó
"lược gương xưa thức dậy mối nghi ngờ
"ta mất tích giữa đường ngôi thứ nhất
"rẽ bên nào cũng chỉ lấp chôn nhau
 

Và: 

"nói rất nhỏ nghĩ thầm em sẽ hiểu
"đi với về cùng một nghĩa như nhau."
 

- Tính cách ấn tượng.

Được đề cập thoáng qua bởi các tác giả nêu trên, nên tôi sẽ chỉ lướt qua tính cách này, vì trước hết khuynh hướng ấn tượng áp dụng rõ và nhiều trong lãnh vực hội họa hơn là văn chương. Theo định nghĩa ấn tượng "một thể loại nhấn mạnh tới các ấn chỉ về những trạng huống tinh thần và cảm nhận, ta dễ thấy tính chất này bàng bạc phảng phất giữa các tính chất trội yếu khác."

- Tính cách siêu thực. Do sự hỗn hợp giữa một thiểu số khởi đi từ phong trào dã thú với đa số theo siêu thực chính danh, tính chất của siêu thực là giải thoát tâm linh bằng cách khai thác các sâu kín nhất của tâm hồn, tìm về cái sức mạnh con người nguyên sơ, khinh mạn và chống báng các thực hiện của trí tuệ. Theo Bùi Bảo Trúc với hai tập thơ "Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau," (Nhân Chứng, Calif., 1991;) và "Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra," (Nhân Chứng, Calif., 1993,) Du Tử Lê đã ngả sang khuynh hướng siêu thực, khẳng định này của nhà văn Bùi Bảo Trúc khá xác đáng và những câu thơ mang nét siêu thực không hiếm trong hai tập thơ này.

Lược trình về khía cạnh siêu thực trong thơ Du Tử Lê tôi cảm thấy thú vị khi đọc các nhận xét và phê phán của hai giáo sư Trần Văn Thành tức Nhà văn Trần Thu Miên và Nguyễn Văn Tuấn.

G.S Trần Văn Thành viết trong bài "Hành trình sáng tạo của Du Tử Lê" đã phân tích câu thơ "Đi với về cũng một nghĩa như nhau" như là chính hành trình sáng tạo thơ Du Tử Lê từ chỗ chối bỏ bản ngã để rồi trở về với chính mình. Câu thơ đó, theo ông có thể hiểu như :

"Một tuyên ngôn về ý nghĩa và định mệnh đời sống".

Hoặc:

"Là sự khẳng định về cảm nghiệm cô đơn..."

Và khi Du Tử Lê trở về được "với chính bản thể mình "Du Tử Lê đã diễn tả sự cô đơn một cách rất siêu thực."

G.S Nguyễn Văn Tuấn cũng giao hưởng với nhận xét của G.S Trần Văn Thành dưới một dạng thức khác hơn, gần với tuyên ngôn của siêu thực Tây Phương hơn, khi ông viết: "Hành trình thơ của Du Tử Lê là Một Cuộc Chinh Phục Trí Tuệ Tự Do để cuối cùng đạt tới cái chính mình."

Trong một vài trích dẫn khác, ông nhận định thơ Du Tử Lê "có độ siêu hình cao" (K.Khúc của Lê) - hoặc Du Tử Lê viết "những vần thơ có tính cách thoát ly thực tại để đi đến cõi siêu hình ("Hãy bảo tôi", "Dòng suối trăm năm"). Cuối cùng ông viết:

"Những câu thơ / hát như vừa mộng vừa thực ấy, như lạc vào cõi hư vô siêu hình đã làm nên một phong cách rất Du Tử Lê." (Bán nguyệt san Ngày nay, bđd.)

Thành thật cám ơn G.S Nguyễn Văn Tuấn đã, "khủng bố" (Valery, dẫn theo Bùi Bảo Trúc) ra được cụm từ "Một Phong Cách Rất Du Tử Lê" mà tôi mượn để làm tiêu đề cho phần này. 

KẾT LUẬN 

Để chấm dứt bài lựa lọc và kiểm điểm khá dài về những tác giả đã viết về Du Tử Lê, người và thơ, tôi nghĩ hầu hết những điều đáng tìm kiếm, đáng vạch ra, đều đã được đề cập tới, nhiều và quá đầy đủ. Thành thử ở đây tôi chỉ xin nói thêm chút ít về một vài khía cạnh tế nhị, khó phân định nơi Du Tử Lê.

Du Tử Lê theo đạo nào hoặc ngả về đạo nào? Qua những bài thơ viết về Thánh Nữ, thấy những danh từ và điển tích chàng dùng tự nhiên và chính xác như một người bổn đạo, ta có thể cho chàng thuộc Thiên Chúa giáo. Ngược lại khi đọc những bài viết cho một người yêu dưới danh xưng "Bồ Tát"; ta lại thấy chàng dường như biết nhiều và biết đúng Phật thuyết, ở nhiều nơi khác, Du Tử Lê sống với bằng hữu và tha nhân với một tấm lòng đầy nhân nghĩa hệt như

một người quân tử của đạo Khổng, và sau hết thiếu gì thơ Du Tử Lê có cái bát ngát an nhiên, không so đo, tranh đua hẹp hòi, cái khao khát "quy kỳ căn" của Lão Trang!

Lại cũng đúng với cái "bản chất dân tộc" của Du Tử Lê, chàng đã chỉ phản ảnh cái văn hóa của ông cha từ lâu đời cộng với sự du nhập của Thiên Chúa Giáo nhiều thế kỷ nay để trở thành một nhà văn hóa nhân bản đích thực. Để chứng minh cho khẳng định trên, xin đọc bài tứ tuyệt sau: 

"Thiên đàng địa ngục hai hay một
"Ta với em là không với không
"Chân đi tiếng động vô hình tích
"Cũng về trong một cửa quên chung".
 

Câu một thuộc giáo lý Ky Tô, câu hai rõ ra Phật thuyết, còn hai câu chót tự nhiên như tiếng gió thổi, lá bay, như giờ phút này đang qua đi trong cái thanh tịnh của Đạo học.

Cũng như Du Tử Lê thường nghĩ thơ của mình không thích hợp cho một đối chiếu nào với các trào lưu Tây Phương. Sự thực không phải vậy, chỉ cần trích ra một bài trong nhiều bài, đủ cho thấy thơ Du Tử Lê nhiều khi ngay trong một bài thật ngắn bao gồm luôn nhiều khuynh hướng thơ Tây Phương. Tỷ như trong bài "Em thụ thai niềm hiu quạnh tôi" trong tập "Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà / Your Sented Garden, My Nostalgia": 

"Chuyến xe chở nốt bình minh cũ (Tượng trưng.) 

"Mặt khác thời gian: những miếng trời (Siêu thực.) 

"Cây dang tay đỡ bầu mưa sữa (Dã thú.) 

"Em thụ thai: (Hiện thực + Tượng trưng) Niềm hiu quạnh tôi (Trữ tình.) 

(Sđd., trang 82.) 

Ở một phần trên, tôi có viết từ đau khổ tột độ trong tình yêu, Du Tử Lê đã vươn lên cái thanh khí của trời cao và dường như tới ngưỡng cửa của huyền nhiệm. Điều nhận xét có vẻ quá đáng này may mắn thay lại được sự cộng hưởng của Linh mục Thạch Sơn-Nguyễn Huy Tường, (TG&TP, tập III, tr.120.) Chỉ những vị tu hành gần tới đắc đạo mới tìm ra chân lý trong huyền nhiệm và các nhà văn nghệ sĩ thì phải được chịu ơn Thiên Khải. Tỷ như đại nhạc gia Beethoven nhờ ơn Thiên Khải mà có những hợp xướng khúc tuyệt diệu, nhất là bản Christmas Joy.

Cố thi hào Vũ Hoàng Chương, như nhiều người khác không tránh được đụng chạm với những phần tử phức tạp bất hảo trong xã hội đã gây cho ông nhiều buồn phiền, ông dùng thơ để giải tỏa và đứng ở một quan điểm cao ngạo và siêu thoát: 

"Nói chi thua được với đời
"Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu
"Tâm hương đốt nén linh sầu
"Nhớ quê là thế ta cầu đó thôi..." 

Nhưng ở Du Tử Lê, người thơ dung dị, hiền lành và nhũn nhặn này, chàng cũng dùng thơ để bày tỏ những ai oán do cái nhìn cổ lỗ của một số đạo đức thiệt và không ít đạo đức giả về những mối tình ngang trái của chàng. Ta hãy nghe thi sĩ than van trong "Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu": 

"Sông núi cũ rủ tôi về với đất
"Bốn mươi năm ngơ ngác làm người
"Trên thân xác đã mọc đầy móng vuốt
"thì có gì sai, đúng với ai đây?" 

May mắn ở xã hội VN. Có nhiều ngàn năm văn hóa còn có nhiều thức giả giải oan và đồng tình với Du Tử Lê, ngoài Khánh Trường, tôi xin trích dẫn Nguyên Sa: 

"Đúng thế. Có gì sai đúng với ai đây? Du Tử Lê đã tìm ra nó. Đã tìm ra nó ở bên ngoài những phán xét của nhân gian, bên ngoài chân lý, vô luân lý và phi luân lý. Đã tìm ra nó. Sự sống. Cũng như anh đã tìm ra trái tim cho thơ." (Sđd. trang 157.)

Nhận dịnh trên đây của Nguyên Sa theo tôi, có tính cách xác quyết. Nó cũng phù hợp với một nhận định khác mà tôi dùng để kết thúc bài này. Đó là Tạ Tỵ: 

"Thơ Du Tử Lê là một sợi giây nối dài từ VN, quê hương yêu mến qua nước Mỹ. Nói đến thơ Du Tử Lê là nói đến khám phá trong mỗi từ, mỗi ý. Khen hay chê đã vượt khỏi mức của một tài hoa phong phú, trong một con người đa dạng" (sđd.)

 Garden Grove, 5-15-00

(Trích "Du Tử Lê Năm Mươi Năm". Nhiều tác giả. Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam, Houston, USA, Xuất bản năm 2007) 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Sáu 20241:40 CH(Xem: 4917)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
31 Tháng Mười Hai 202310:10 SA(Xem: 1683)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
07 Tháng Mười Một 20233:47 CH(Xem: 2172)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
19 Tháng Mười 20231:33 CH(Xem: 2085)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
05 Tháng Mười 202312:00 SA(Xem: 23397)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
02 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 14869)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
23 Tháng Sáu 202310:46 SA(Xem: 2099)
Luận văn Thạc Sĩ/ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam của Vũ Thị Lê Duyên
04 Tháng Sáu 20232:03 CH(Xem: 2382)
Du Tử Lê nổi tiếng nhất với tư cách một thi sĩ.
30 Tháng Năm 20235:35 SA(Xem: 7881)
Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ.
10 Tháng Năm 20239:33 SA(Xem: 7584)
Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20748)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15719)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17364)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10065)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18475)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4917)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1683)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2172)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2085)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23397)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19921)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8728)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9743)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9169)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12118)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31656)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21450)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26431)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23877)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22666)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20769)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18869)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20025)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17613)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16729)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25685)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33018)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35533)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,