Tập thơ “Ngôi sao” chia làm hai phần: phần thứ nhất gồm những bài sáng tác vào khoảng 1945-1949, phần thứ hai gồm những bài sáng tác vào khoảng 1951-1955. Tất cả những sự việc lớn của dân tộc từ Cách mạng tháng tám cho tới nay đều được Xuân Diệu lấy làm đề tài: lòng yêu nước, chí căm thù, thiếu nhi anh dũng, gương anh hùng bất khuất, tình hữu nghị, phát động quần chúng, yêu hòa bình đấu tranh cho thống nhất… Thật là đầy đủ. Chúng ta chờ đón những rung cảm nồng nàn mãnh liệt của một nhà thơ trước kia đã có một thời “yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ”.
Xuân Diệu quan niệm rất đúng về vai trò của thi sĩ là có
Nhiệm vụ vẻ vang
Vần thơ tiếng mẹ võ trang tinh
thần
(tặng nhà thơ Pa-thét Lào)
Chúng ta chờ đợi những vần thơ mới của Xuân Diệu viết bằng tiếng mẹ đẻ, có tác dụng “võ trang tinh thần”, góp phần bồi dưỡng tình cảm cho hàng triệu quần chúng nhân dân trong công cuộc đấu tranh và xây dựng gian khổ nhưng vinh quang này.
Tác dụng của thơ là vấn đề cảm xúc và thể hiện cảm xúc. Muốn phục vụ quần chúng thật đắc lực, thi sĩ dùng ngôn ngữ văn tự của dân tộc sáng tạo những hình ảnh, âm thanh thể hiện cảm xúc của tâm tư mình, kết tinh cảm xúc của hàng triệu tâm tư quần chúng nhân dân. Cảm xúc sâu sắc và nồng nhiệt ấy làm cho người ta yêu ghét đúng hơn, mạnh hơn, đẩy xã hội tiến mau hơn. Với cách đặt vấn đề như vậy tôi hân hoan bước vào thế giới tình cảm của tập “Ngôi sao”.
Từng câu lại từng câu, từng bài lại từng bài… thế mà giấy trắng mực đen vì sao vẫn chưa làm vang dội âm hưởng gì trong lòng tôi chỉ chờ rung động? Thi sĩ đã nói với tôi bằng rất nhiều lý trí. Lý trí ấy được phô diễn bằng những tiếng, những lời, những hình ảnh mà quần chúng khó cảm thông, nhiều khi có tác dụng bất ngờ làm nẩy những nụ cười khôi hài không đúng lúc.
Trong nhiều bài, nhất là ở phần đầu, Xuân Diệu đã vận dụng trí tuệ tạo nên những hình ảnh không thật, có khi rất ngây ngô.
Còn gì tha thiết bằng tình yêu đất nước. Thế mà Xuân Diệu (trong bài “Việt muôn đời”), cho ta biết, trước cảnh núi sông tươi đẹp, anh thấy:
Răng thánh tha như hai lượt phím đàn.
Tình cảm ấy có thật hay không, hình ảnh ấy có đúng hay không, tôi thiết tưởng chúng ta dễ tìm thấy câu trả lời. Nói đến miền Nam yêu dấu, tác giả tìm thấy một hình ảnh khá… lạ lùng:
Dáng em Nam mềm mại chiếc chân giò
Giả sử ta yêu thật thắm thiết một người nào, khi tả người yêu đó, ta không thể làm cho người khác buồn cười. “Chiếc chân giò” gợi cho người đọc một ý nghĩ gì? một tình cảm gì? một hình ảnh gì? Hay chỉ để người đọc thấy miền Nam yêu quý của chúng ta là một cái chân giò?
Để nói nước trời hòa hợp với nhau, Xuân Diệu tả:
Nước bông bống họa với trời se sẻ
Và chú thích: bông bống là cá bống, se sẻ là chim sẻ.
Thật là bí hiểm thay! Tứ thơ ấy, lời thơ ấy, không phải ở một vài bài đặc biệt: Lượm lặt khắp tập thơ, chúng ta thấy khá nhiều những tình ý kiểu cách giả tạo như thế. Đây là tả cảnh chiến sĩ đổ máu để tô thắm mùa xuân vĩnh viễn của dân tộc:
Ngừng tay lại, thấy sắc xuân
còn nhạt
Rót máu thêm, cho đến lúc toàn
hồng
(Xuân Việt Nam)
Đây là ca ngợi thiếu nhi anh dũng:
Thân bé cũng đăng hàng cứu
quốc,
Các em để thẹn lắm đàn ông!
(Đàn chim dân tộc)
Người Việt Nam muốn hiểu câu này - mới nói là hiểu, chưa nói rung cảm vội - có lẽ phải dịch qua một thứ ngoại ngữ (tiếng Pháp chẳng hạn) may ra mới hiểu được rằng: các em anh dũng lắm, người lớn cũng phải thẹn vì thua kém các em. Tôi hiểu thế chưa chắc đã đúng. Vì người lớn thì gồm cả đàn ông và đàn bà. Thơ làm ra là để ai đọc? Có phải chỉ để cho một số người Việt hiểu tiếng Pháp đọc đâu. Lối nói ấy cũng không phải biểu hiện tinh thần quốc tế. Tấm lòng yêu dân tộc gắn liền với tinh thần quốc tế. Tiếng nói của dân tộc là một phương tiện truyền cảm rất mầu nhiệm đối với quảng đại quần chúng. “Chỉ có bằng hình thức dân tộc mới có thể phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa. Đời sống tương lai là đời sống nẩy nở phồn thịnh các dân tộc, các ngôn ngữ và mọi nền văn hóa dân tộc” (thơ ca Liên Xô, báo cáo của Vuốc-gun ở Đại hội lần thứ II các nhà văn Liên Xô).
Tất nhiên ngôn ngữ của dân tộc không phải là một cái gì đời đời cố định.
Nhà thơ, nhà văn nói tiếng nói của dân tộc đồng thời làm cho ngôn ngữ dân tộc phong phú thêm lên nhưng không làm lệch lạc cái bản sắc của ngôn ngữ dân tộc. Những thi hào cổ điển của dân tộc đã cho chúng ta một kinh nghiệm. Nguyễn Du, Hồ xuân Hương học chữ Hán rất sâu mà đã viết những tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ - thật là tiếng mẹ đẻ - làm cho quần chúng ham thích hàng trăm năm nay. Tất nhiên người ta yêu, nhớ thơ Nguyễn Du, Hồ xuân Hương không phải chỉ vì vấn đề ngôn ngữ.
Còn chuyện hình ảnh tất nhiên là một phần quan trọng trong hình thức biểu hiện của nhà thơ. Mà hình thức gắn liền với nội dung, “gắn liền với nhân sinh quan của nghệ sĩ. Nếu ý tưởng không sáng sủa, hình thức không thể sáng sủa” (Vuốc-Gun - tài liệu trên). Nhà thơ luôn luôn sáng tạo, tìm tòi, không thể nào bằng lòng với một số hình ảnh công thức, nhưng chỉ có cảm xúc thật mới làm ra những hình ảnh rung động được lòng người. Người con gái thời xưa khi yêu đến cao độ thì:
Ước gì sông ngắn một gang
Bắc cầu giải yếm cho chàng
sang chơi
Người con gái thời nay không mặc yếm nữa, có thể tìm thấy một hình ảnh khác rất hay mà rất dân tộc, nếu người ấy thật sự yêu. Những hình ảnh lý thú còn có tác dụng giáo dục mỹ cảm cho mọi người. Nói tóm lại, ngôn ngữ, hình ảnh nghĩa là hình thức biểu hiện chỉ đạt khi nào nội dung đạt.
Thời gian qua, Xuân Diệu đã cố gắng rất nhiều. Phần thứ hai của tập thơ chứng tỏ rằng: trong thực tế công tác, anh đã gần gũi quần chúng nhiều, bỏ lối nói kiểu cách, học tập tiếng nói quần chúng, ý thức phục vụ thật rõ ràng.
Lập trường tư tưởng nếu thấm sâu vào con người thi sĩ, ắt phải biến thành tình cảm; khi phô diễn thành vần điệu, không giữ nguyên hình thức lý luận. Tình cảm đó sẽ đi sâu vào lòng người và có tác dụng mạnh mẽ biết bao!
Song le có một điều đáng tiếc là thơ của anh vẫn còn quá nặng về lý trí.
Ta thử đọc:
Hăm ba tuổi trẻ sáng trong
Chị Cúc
“Người con gái quang vinh nước
Việt”
Máu của chị chúng tôi mang
bất diệt
Giết quân thù cho đến lúc
thành công
(Chị Cúc)
Kháng chiến còn gian khổ
Nhưng mở đường thắng lợi
bao la
(Ta chào Vôn-ga Đông)
Càng đấu tranh thảo luận
Tình thân mến càng sâu
Không hiểu sao lúc trước
Chúng mình thành kiến nhau
Ấy vì tư tưởng cũ
Đem hồn ta trát bùn
Chui mình trong vỏ cứng
Ta tự phụ rằng khôn
(Tặng đồng chí tâm giao)
Những mong Người hơn trăm
tuổi dài lâu,
Bền như núi, lãnh đạo toàn
thế giới
(Thương tiếc Sta-lin)
Máy bay đưa tận ngang trời
Đường xe lửa phóng liên hồi
ngày đêm
(Đi tới Mạc-tư-Khoa)
Thông ngâm, sông cũng long lanh
Nước non rất đỗi an lành
Một buổi trưa của Mẹ
Hoa giam ríu rít trong mành thời
gian.
… Sương uống mãi chẳng bao
giờ hết sáng
Của trời cao chói lói mỗi
triều ngày
(Việt muôn đời)
Họ đứng lên giật lấy núi
ngàn xuân
Sông vĩnh viễn, họ ùa vào
cướp được
Xuân trời đất xây bằng hoa
bằng lá
Người Việt-nam xây bằng súng
bằng gươm
(Xuân Việt Nam)
“Đây là Tiếng Nói Việt-nam…”
Sáng tinh sương đã dậy làm
triêu dương
“Đây là tiếng nói Việt-Nam…”
Nước non chưa đủ, còn tham
biển trời
(Tiếng nói Việt-Nam)
Cụ Hồ, ấy Việt Nam sinh đẻ
Nên nghìn xưa còn lại vẻ nhà
nho.
Còn nhiều nữa. Đọc thơ như vậy, tôi có cảm tưởng đọc xã luận diễn ca. Xuân Diệu khuyên ta, dạy ta, khái luận về cái này cái khác, bằng cách giảng thuyết khô khan bí hiểm. Không hiểu sao viết đến đây, tôi chợt nhớ tới những bài thơ của cụ trạng Nguyễn bỉnh Khiêm. Nhất là đọc hai câu sau đây trong bài “Chiếc gối”:
Kháng chiến có ai dùng đến
gối
Miễn sao sinh hoạt gọn và
nhanh
Thơ làm như vậy thì chắc cũng “gọn và nhanh” lắm.
Qua những câu thơ trích dẫn trên đây, ta thấy lề lối biểu hiện khi thì cầu kỳ kiểu cách, khi thì nhạt nhẽo khô khan. Hai trạng thái đó bề ngoài tuy có vẻ khác nhau nhưng chỉ là kết quả của một nguyên nhân chung: thiếu cảm xúc. Chỉ khi nào người thi sĩ yêu thương tha thiết mới có giọng nói tha thiết làm chúng ta rung cảm nhất. Tôi yêu mến xiết bao bài thơ: “Tặng làng Còng”
… Hạt cơm ăn của bà con
Là tình, là nghĩa, là ơn thấm
nhuần.
Tay anh tôi nắm, tôi cầm,
Khổ xưa gạn kể, đau ngầm
phanh phơi;
Khóc chung nước mắt ngẹn
lời,
Cười chung sung sướng với
người nông dân
Thuộc đường, thuộc ngõ,
quen chân
Ớt cay, mắm mặn là dân làng
rồi.
Mẹ nhìn con bước xa xôi,
Con nhìn mẹ khuất trên đồi
lá xanh.
Sớm nay xa cách lều tranh
Tưởng như khúc ruột còn
quanh làng Còng.
Người nông dân nào đọc những câu đó chẳng cảm thấy thấm thía rằng Xuân Diệu yêu mình, chia sẻ nỗi vui buồn với mình. Đó mới thật là thơ của đại chúng và dân tộc. Nhưng tiếc rằng những bài như thế lại ít có trong tập Ngôi sao.
Thơ của cá nhân thi sĩ làm ra, khi đã ra đời là của chung của quần chúng, quần chúng có quyền phê phán, phê phán xây dựng để kiện toàn cái của báu của mình. Để kết luận bài nhận xét nhỏ này, tôi lại xin mượn lời của Vuốc-gun:
“Tác phẩm do thi nhân sản sinh ra, nhưng nó bắt đầu sống trong ký ức của nhân dân. Một tác phẩm không được nhân dân ưa chuộng không thể sống lâu. Thế mà các nhà thi sĩ của chúng ta thường quên cái sự thật lớn lao và cao quý đó.”
Hà-nội ngày 15-4-56
________
L.T.S. Giải thưởng văn học Hội
Văn nghệ Việt Nam 1954-55 đã lựa chọn được nhiều tác
phẩm có giá trị. Tuy nhiên một vài tác phẩm còn gây
nên những thắc mắc nhất là tập thơ “Ngôi sao” của
Xuân Diệu. Bản báo nhận được nhiều bài của bạn đọc
gửi tới phê bình tập thơ đó. Trên đây là ý kiến của
bạn Trần lê Văn. Chúng tôi đăng lên để phản ảnh một
trong những ý kiến phê bình xây dựng của quần chúng
đối với tập “Ngôi Sao”.
(Nguồn Nhị Linh)
Trong "muônvàn đạo lý làm người” có “Đao lý về tình yêu tra gái”.
Không có Đạo lý về tình yêu Trai Gái cho mọi thời đại, mà mỗi thời đại có “Mầu Đạo” riêng.
Xuân Diều đã không viết được về “Đạo Yêu” đó với bất ký “Model” nào đặc sắc.
Ngôn ngữ Thơ của Ông chẳng có gì “Độc đáo”, chỗ “Độc đáo” thì chẳng Đẹp tý nào.
Hãy khen ông vừa vừa thôi
Lê Sỹ Thiệp 14-1-2019