Đêm sâu hút vì không gian tuyệt đối thinh lặng. Những tán lá phong đứng yên không động cựa và ánh trăng mênh mang, lạnh lẽo, như một nỗi buồn hóa đá… Hoa ơi, có biết lòng ta nhớ người? Hóa ra, âm nhạc là tiếng nói của thân phận. Khi phóng chiếu về tương lai, nó vẽ ra những giấc mơ thần tiên. Khi la đà quay về vùng trời quá khứ, nó là một thứ hồi quang làm sống lại một kỷ niệm, một quãng đời nào đó gắn bó với người nghe. Cho nên, âm nhạc là một hạnh phúc ngọt ngào, một khổ đau êm ái được hát lên và không thể thiếu trong đời sống nhân gian. Tuổi nào cũng yêu mê và đón đợi âm nhạc. Của một bắt đầu long lanh huyền thoại. Của một kết thúc dù buồn vui cũng đẹp như cổ tích. Âm nhạc sống giữa loài người và sống lâu hơn đời người. Nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác làm nên tuổi xuân bất tận của âm nhạc. Nhiều thế hệ người hát nối tiếp nhau thắp ngọn lửa không bao giờ tàn của âm nhạc. Hí viện không bao giờ ngưng bán ra những lượt vé và “những con ma trong nhà hát” không bao giờ thôi ám ảnh người nghe.
Vợ chồng nhạc sĩ Trần Duy Đức - Nguyệt Hạnh.
Tuần lễ trước đến chơi với con cháu, cô con gái hào hứng hỏi mẹ: “Mẹ đã nghe Tùng Dương hát bao giờ chưa?” Lục lọi thật nhanh trong trí nhớ, không thấy tí tăm hơi nào về hai chữ Tùng Dương, con người hay chỉ nghệ danh. Lắc đầu. Cô càng hào hứng: “Mẹ chờ chút, con cho mẹ xem.” Lúc sau này, tôi hơi lấn cấn về hai chữ “nghe” và “xem” khi ai đó nói với tôi về âm nhạc. Loay hoay mãi mới nghiệm ra câu trả lời cho mình. Người ta thường nói “Đi xem đại nhạc hội” và “Đi nghe nhạc thính phòng.” Rất rõ ràng. Đi “xem” phải mở to hai mắt nhìn tả hữu, thưởng thức ngoại hình, trang phục, các động tác của người trình diễn kể cả người phụ diễn và cảnh trí sân khấu. Đi “nghe” hát thì nghe là chính. Mỗi thính giả là một ốc đảo, có khi mắt nhắm lại để tâm hồn nương theo tiếng hát, tìm về một không gian, một cuộc tình, bốn mùa xuân hạ thu đông, một ngày nắng, một chiều mưa, một bến tàu, một sân ga, một gặp gỡ, một chia tay, ôi thôi, biết bao cảnh ngộ trong đời mà người nhạc sĩ sáng tác đã sống qua, đã sống giùm để thể hiện giùm, để người ca sĩ hát lên những riêng tư mà cũng rất chung ấy, những khoảnh khắc thời gian mong manh mà cũng thiên thu ấy, để cái sân khấu nhỏ của mỗi thính chúng buông màn đã lâu, sống lại trên cái sân khấu lớn ấm áp đèn màu và giai điệu… Nhạc sĩ và ca sĩ được nhân quần ưu ái vì sự hy sinh chấp nhận mình bị tan biến trong cảm xúc tuôn trào của người nghe. Họ không là ai cả nếu không là những nốt nhạc, là tiếng hát đem theo nó những ve vuốt, những thổn thức, những nhớ thương tràn trề như cơn giông mùa hạ tắm gội ký ức; như cơn mưa mùa thu nhỏ giọt hàng hiên xoáy vào kỷ niệm; như cơn lũ cuốn trôi mọi ưu phiền sau một thời kinh Bát Nhã hay một buổi dọn mình xưng tội và được giải tội trước tòa.
Một hôm, chuông điện thoại reo. Đầu giây bên kia là tiếng nói của Nguyệt Hạnh kèm với tiếng cười nhẹ: “Chị H. ơi, chị tệ thì thôi, làm sao mà chị không nhớ tác giả của bản nhạc “Hoa ơi có biết lòng ta nhớ người?” Tôi thấy ngực nhói khẽ, thảng thốt: “Vậy là anh Đức ư?” Nguyệt cười thành tiếng, có chút mãn nguyện: “Anh Đức phổ thơ Nguyễn Dũng Tiến đó chị!”
Tôi biết nhạc sĩ Trần Duy Đức, chồng Nguyệt Hạnh và Nguyệt Hạnh ngoài 20 năm, cũng từ một buổi nhạc thính phòng ấm cúng chia sẻ với bằng hữu những bản nhạc sáng tác hoặc phổ thơ nổi tiếng một thời của anh: Khúc Mưa Sầu, Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời, Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau, Nếu Có Yêu Tôi và nhiều nhiều nữa. Tất nhiên có cả Hoa Ơi Có Biết Lòng Ta Nhớ Người…
Tuy không thực sự có nhiều dịp gặp gỡ nhau nhưng vài lần gặp hiếm hoi để lại trong tôi ấn tượng khó quên. Anh tiếp đón bạn bè khiêm cung, giản dị nhưng trau chuốt từng lời nói, cử chỉ, của một người cầu toàn, có lẽ cùng một cung cách thận trọng như khi anh chọn một bài thơ để hát lên với những âm giai lộng lẫy nhất. Anh không có một gia tài sáng tác đồ sộ nhưng những gì anh có thể hiện trọn vẹn tình yêu cái đẹp không chỉ của người nhạc sĩ, người nghệ sĩ vui chơi giữa cuộc đời mà của một điêu khắc gia say mê khắc chạm cảm hứng của mình lên đá quý.
Trong căn nhà nhỏ có khung cửa sổ đong đưa những nhánh hoa leo, bên người bạn đời cùng sống giấc mơ âm nhạc không biết đến phai tàn, ngày tháng về chiều của lứa đôi dệt bằng cảm xúc chứa chan trong thinh lặng. Của những thanh âm, những tiếng hát vẫn mãi vút cao, vẫn mãi chìm sâu, lồng lộng bay lên, ngậm ngùi lan tỏa, đâu đó, là màu nắng lạ, cơn mưa lạ, vầng trăng lạ, trong một không gian như có giây tơ, bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu, êm êm chiều ngẩn ngơ chiều, mênh mông, không còn một thứ gì hiện hữu ngoài âm nhạc ru lòng tan chảy…
Giữa cuộc sống nhọc nhằn, cảm ơn Thượng đế đã ban cho loài người tiếng nói, cho hàng cây tiếng chim hót, cho vũ trụ tiếng suối reo, tiếng gió vi vu, tiếng mưa thì thầm, tiếng biển vỡ trên ghềnh đá…để trái tim người nhạc sĩ rung động viết thành giai điệu ngợi ca cuộc sống. Thời gian bào mòn mọi thứ ngoại trừ tiếng nói đẹp nhất của trái tim nhân loại ở tuổi hai mươi được hát lên, được đóng khung trên năm giòng kẻ You told me you love me, when we were young one day…
Riêng tôi, ở tuổi không còn nhớ gì nhiều, vẫn còn một thanh âm ở lại bền chặt trong ký ức, được nghe lại, rất xa xăm, mỗi đêm trước giờ đi ngủ: tiếng con chim từ quy gọi bạn đến khàn hơi từ bên này rừng chiều Bạch Mã bay về bên kia rừng và chỉ gặp lại chính nó lúc hừng đông, cho một ngày chờ đợi khác.
Bùi Bích Hà
(Việt Báo ngày 20 tháng 7-2016)
________
Ghi Chú:
Chiều Nhạc Thính Phòng Trần Duy Đức & Bằng Hữu: Kỷ Niệm 45 Năm Tình Ca với những tình ca lãng mạn, đậm tình nghĩa yêu thương… qua sự trình diễn tuyệt vời của các danh ca: Lệ Thu, Lê Uyên, Trần Thái Hòa, NS Vũ Thành An, Diễm Liên, Y Phương, Minh Phượng, Hàn Phúc, Mai Thanh Thúy, Nguyễn Cao Nam Trân… lúc 2:30 PM Chủ Nhật 21 tháng 8, 2016 tại Majesty Restaurant., 5015 W. Edinger Ave, Santa Ana, CA. 92704 Tel(714) 775 - 5161. Vé bán tại NS Tú Quỳnh & NS Tự Lực - Đồng hạng $45 - Bảo Trợ $75 (mỗi bàn 10 người - Bao Giải khát -Không ẩm thực)