Cùng với tài năng chính trị, vua Minh Mệnh là người thích văn chương. Giống như vua Lê Thánh Tôn, mặc dù bận rộn với công việc trọng đại của triều đình và đất nước, Minh Mệnh đã dành thời gian cho việc trước tác. Vua Minh Mệnh đã để lại cho hậu thế 4 tập thơ "Ngự chế thi" và "Ngự chế văn"... Nhà vua từng nói về thơ văn của mình: "Những bài thơ ta làm phần nhiều là tự răn dạy mình về đạo kính trời, yêu dân..., không có lời chải chuốt... cũng không tranh hay với các văn nhân, mặc khách... Vua chúa không phải lấy thơ hay làm chức vụ... ".
Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, vua Minh Mệnh có 142 người con (78 hoàng tử và 64 hoàng nữ). Vua đã viết 11 bài thơ cho con, cháu của mình để đặt tên. Trong đó, có bài "Đế hệ thi" và "Phiên hệ thi". Mỗi bài thơ có 4 câu, 20 từ. Vua dùng những từ có ý nghĩa tốt, uyên bác để bày tỏ hoài vọng tốt đẹp, bền vững cho thế hệ con cháu của Người.
Bài thơ "Đế hệ thi" như sau:
"Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh
Bảo, Quý, Định, Long, Trường
Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật
Khế, Thụy, Quốc, Gia, Xương".
Theo phép đặt tên đôi nầy, tất cả các con trai của vua Minh Mệnh đều phải có từ "Miên" đặt trước tiên ghép với tên của gia đình đặt. Con của thế hệ "Miên" là Hồng... cứ thế tiếp tục đặt tên. (Cụ thể như vua Thiệu Trị có tên là Nguyễn Phúc Miên Tông... Vua Tự Đức có tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm... Bảo Đại có tên là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy...).
Vua Minh Mệnh có nhiều con trai trở thành những nhà thơ tài danh. Trong đó có: Nguyễn Phúc Miên Bửu (1820 - 1854), được phong Tương An Quân Công, hiệu Khiêm Trai, Nguyễn Phúc Miên Tông (1807 - 1847) tức vua Thiệu Trị, Nguyễn Phúc Miên Thanh (1830 - 1877) hiệu là Quân Đình được phong tước Trấn Biên Quân Công, Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819 - 1870) tước Tùng Thiện Vương, Nguyễn Phúc Miên Trinh (1820 - 1887) tước Tuy Lý Vương, Nguyễn Phúc Miên Định (1808 - 1885) hiệu Đông Trì).
Trong những hoàng tử của vua Minh Mệnh thì sự nghiệp thơ văn của Miên Bửu (Tương An Quân Công), Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương) và Miên Trinh (Tuy Lý Vương) là nổi bật hơn cả, được người đời tôn vinh là "Tam Đường".Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát được tôn vinh là "Tứ kiệt" trên văn đàn.
"Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng,Tuy thất thịnh Đường".
Hai câu thơ trên của người đời ca ngợi văn tài của Tứ Kiệt và được truyền tụng trong dân gian từ xưa mãi đến ngày nay. Thơ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương là những đỉnh cao, nếu không muốn nói là cao nhất trong dòng thơ chữ Hán của nước ta thời bấy giờ.
Riêng các công chúa con Minh Mệnh có 3 người cũng có tài thơ như những người anh của mình. Đó là Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1824 - 1892), tự là Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình; tác phẩm chính: Nguyệt Đình thi thảo; Nguyễn Phúc Trinh Thuận (1826 - 1904), tự là Trúc Khanh, hiệu là Diệu Liên, Mai Am; tác phẩm chính: Diệu Liên thi tập và Nguyễn Phúc Tỉnh Hòa (1830 - 1882), tự Quý Khanh, Dưỡng Chi, hiệu là Huệ Phố; tác phẩm chính: Huệ Phố thi tập. Ba người được người đời tôn là "Tam khanh" (Cả 3 là em gái của Tùng Thiện Vương). Về thơ nổi bật hơn các chị em của mình là Mai Am. Các danh sĩ đương thời như Trương Đăng Quế, Bùi Ân Niên, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Thuật, Nguyễn Trọng Hợp đã không ngần ngại xếp Mai Am có thể "ngồi chung chiếu" với các nhà thơ đời Đường, đời Tống.
Hậu duệ vua Minh Mệnh, những người có tên bắt đầu từ "Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh"... đều có nhiều người có tài văn chương. Ở bài viết nhỏ bé này, chúng tôi không thể thống kê đầy đủ, chỉ xin giới thiệu những tài thơ nổi bật trong thời cận đại và hiện đại như: Nguyễn Phúc Hồng Y (1833 - ?), tước Thụy Quân Công, tác giả của các tập thơ: Hậu uyển thi tập, Thị học tụng. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (1829-1883) tức vua Tự Đức. Tài lãnh đạo đất nước và Triều đình, Tự Đức không bằng các vua trước , nhưng là hoàng đế có tài thơ văn. Tác phẩm chính của ông gồm :Ngự chế thi tập,Cơ dư tự tình thi tập,Việt sử tổng vịnh, Luận ngữ diễn ca, Thập điều diễn ca…Vua Tự Đức viết nhiều đề tài, từ lịch sử, cảnh vật, đến nhân tình…rất đa dạng, phong phú . Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877 - 1961), bút hiệu Thúc Gia Thị (Ông là cháu nội của nhà thơ Tuy Lý Vương). Ưng Bình Thúc Gia Thị có gia tài sự nghiệp văn chương thật đồ sộ. Sở trường của ông là văn thơ chữ Hán và ông viết nhiều thể loại. Các tác phẩm chính của Thúc Gia Thị gồm có: Lộc Minh thi tập (chữ Hán), tuồng: Lô Địch, Tuồng tào lao, Tình Thúc Giạ, Đời Thúc Giạ, Bán buồn mua vui, Tiếng hát sông Hương. Ngày ông qua đời, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã cảm niệm:
"Tình Thúc Giạ như thơ Thúc Giạ
Đằm hai mái tuyết đổi cao sâu
Hơn ai người đẹp, ai khanh tướng
Chẳng dám cùng xuân hẹn bạc đầu
...
Thiên Mụ chùa xa chuông hãy rót
Cho tươi thắm lại cánh hoa nhàu."
Nguyễn Phúc Bửu Đình (1898 - 1931) có bút hiệu là Hà Trì. Ông là người có tài thơ, văn; nổi danh như một nhà báo ở Nam Kỳ; suốt đời hoạt động yêu nước, chống Pháp và chống cả triều đình phong kiến. Năm 1931, ông bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Khi cùng bạn tù cùng chí hướng tổ chức vượt biển, bị mất tích. Ông để lại cho đời những tác phẩm chính: Thể loại tiểu thuyết: Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ, Giọt lệ tri âm, Sông hồ Ba Bể.
Trong thời hiện đại, có nữ văn sĩ Minh Quân, nhà thơ Kim Tuấn, Hải Bằng và Tôn Nữ Hỷ Khương, Trần Hoàng Phố (Nguyễn Phúc Bửu Nam)...
Nhà văn Minh Quân (1928 - 2009), tên thật là Công tằng Tôn nữ Bích Lợi. Bà khởi đầu sự nghiệp văn chương bằng làm thơ từ năm 1951, sau chuyển sang chuyên viết văn xuôi và dịch các danh tác nước ngoài bằng tiếng Pháp sang tiếng Việt. Bà đã xuất bản trên 40 tác phẩm. Trong đó có những tác phẩm tạo được tiếng vang, thu hút được nhiều bạn đọc như: Trời Âu qua mắt Việt, Những ngày cạn sữa... Văn Minh Quân thấm đẫm tính nhân văn.
Tôn Nữ Hỷ Khương, tên thật Công tằng Tôn nữ Hỷ Khương, sinh năm 1937, con gái của Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Bà bắt đầu sáng tác thơ từ năm 1954. Đến hôm nay đã xuất bản được những thi phẩm: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2005) và Hồi ức về cha tôi (Năm 1996, tái bản 2002).
Tôn Nữ Hỷ Khương là một tâm hồn thơ giàu cảm xúc. Thơ bà nhẹ nhàng, tình cảm, thể hiện tình yêu con người và cuộc đời.
Hải Bằng (1930 - 1998), tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Tôn. Thơ Hải Bằng chân thật, gắn bó với cuộc sống và những miền quê mà ông đã sống. Hải Bằng đã xuất bản những thi phẩm: Sóng đôi bờ, Mưa Huế, Thơ tình Hải Bằng, Hát về ngọn lửa, Đè lên năm tháng, Mưa lại về, Tuổi Huế trong ta, Trăng đợi trước thềm, Độc hành.
Kim Tuấn (1938 - 2003), tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Khuê. Ông là hậu duệ đời thứ 5 của Miên Thẩm - Tùng Thiện Vương. Kim Tuấn là một tên tuổi lớn trong làng thơ hiện đại. Nhiều người yêu mến thơ Kim Tuấn. Thơ Kim Tuấn thấm đẫm tình cảm, sang trọng, điêu luyện, giàu nhạc điệu. Có những nhà phê bình đã nhận xét: "Kim Tuấn là chiếc cầu nối giữa thơ ca và âm nhạc". Thơ Kim Tuấn được nhiều nhạc sĩ tài danh phổ nhạc như: Phạm Duy, Y Vân, Nguyễn Hiền, Trương Quang Tuấn, Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương, Trúc Sơn, Thanh Trang. Bài thơ "Nụ hoa vàng mùa xuân" của Kim Tuấn được Nguyễn Hiền phổ thành nhạc phẩm "Anh cho em mùa xuân" và thơ ông được nhạc sĩ Y Vân phổ thành nhạc phẩm "Những bước chân âm thầm" đã làm lay động bao con tim từ khi mới ra đời cho mãi đến hôm nay. Thơ Kim Tuấn xoay quanh chủ đề: "Thiên nhiên, chiến tranh, tình yêu và cuộc sống". Nhà thơ đã để lại cho đời những thi phẩm: Hoa mười phương, Ngân thương, Dấu bụi hồng, Thơ Kim Tuấn, Tuổi phượng hồng, Tạ tình phương Nam...
Nhìn chung, là hậu duệ của vua Minh Mệnh, dù sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ, họ là những nhà thơ có nhiều đóng góp cho kho tàng và dòng chảy của nền văn học nước ta nhiều thêm nhiều hương sắc , phong phú.
LÊ NGỌC TRÁC
La Gi, Tháng 3/2017
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
- Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam
(NXB Văn hóa Thông tin - 1999)
- Tùng Thiện Vương - Nhất đại thi ông
(Lê Ngọc Trác - NXB Văn Nghệ - 2008)
- Mai Am Công Chúa
(Vũ Ngọc Khang và Nguyễn Ngọc Bích - NXB Văn hóa Thông tin - 2008)