Nguyễn Thị Liên Tâm là cây bút nổi trội trong số những nhà thơ nữ hiếm hoi hiện nay ở tỉnh Bình Thuận.
Sinh sống bên dòng sông Cà Ty (Phan Thiết) bốn mùa lộng gió, vừa dạy học, vừa làm thơ viết văn, đến hôm nay, Nguyễn Thị Liên Tâm đã xuất bản được 7 đầu sách. Trong đó, có đến 5 tập thơ, gồm: Đa đoan (2003), Khắc khoải những câu Kiều (2005), Người đàn bà trong đêm dạ lan (2008 - 2010), Và ta quét dọn nỗi buồn (2012), Đêm thơm lựng mùi sen (Tháng 8/2017).
Từ những tập thơ đầu tiên, đến thi phẩm "Đêm thơm lựng mùi sen" , Nguyễn Thị Liên Tâm đã đi từ truyền thống đến hiện đại. Qua thơ, người đọc nhận ra nét sắc sảo, đằm thắm, câu từ và ý tứ mới hơn trong thơ của Nguyễn Thị Liên Tâm. "Đêm thơm lựng mùi sen", Nguyễn Thị Liên Tâm có nhiều bài thơ viết về sen. Đây là chủ đề nổi bật nội dung của tập thơ. Người đọc nhận thấy "sen" trong thơ Nguyễn Thị Liên Tâm không chỉ là sắc hoa đơn thuần, bình dị, mà sen còn là cuộc đời, sự sống, tri kỷ, tình yêu với những vui buồn, niềm hy vọng của một đời người thiếu nữ. Sen như hơi thở gần gũi, gắn chặt với cuộc sống cõi người, thơm ngát yêu thương:
"Nhan sắc tươi hồng của những búp sen
Cứ lúp xúp, lô xô giữa bồng bềnh xanh ngắt
Mặc ngoài kia là hoang mạc
Mặc ngoài kia là đồi... đồi, cát... cát.
Có tiếng sen đang hát lời gió hát
Sen líu ríu mạn thuyền, sen lơi lả cùng sen
Đêm xanh này, ta nhấp những giọt men
Nghe ngòn ngọt mùi đất trời thơm lựng.
Có bước chân ven hồ, lững thững
Đưa tay ngắt lá làm thuyền
Bẻ một cành sen, hát câu lý đưa duyên
"Hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo"
Đồi cát chập chùng đêm mộng ảo
Lừng lững, áo bay,
thơm ngát mùi sen
Trên thuyền con, ai đã tắt đèn?
Hồng lạp cháy, đĩa đầy đêm... thần thánh
Một bóng lá gầy, mảnh khảnh
Gói tình riêng vào thơm lựng miền sen."
Dĩ nhiên, còn có những bài thơ tình cô đọng viết về tình yêu. Thơ tình của Nguyễn Thị Liên Tâm không có nét đam mê cháy bỏng dữ dội như những cây bút cùng thời với chị. Thơ tình Nguyễn Thị Liên Tâm đằm thắm, nhẹ nhàng, đầy thiết tha:
"Hương ở lại
mà người không ở lại
Ta hoài xưa
nằm mộng với ca dao
Áo khăn xưa đứt chỉ, phai màu
Đêm sấp ngửa, cồn cào khuôn yếm nhỏ
Hương ở lại,
yếm vờn bay theo gió
Ta mệt nhoài
bíu lấy hư hao
Đêm lung linh, mơ tiếng hát ả đào
Phù vân một chén, chiêm bao cả đời".
("Phù vân một giấc chiêm bao")
Những đợi chờ khắc khoải, thủy chung trong tình yêu:
"Đợi.
Để nghe nỗi buồn xắt xéo
Để đêm dài
giường chiếu thênh thang
Đợi.
Để ngóng mùa đi,
mùa lại cũ càng
Người không đến,
suốt đời ta vẫn đợi".
(Trích bài thơ: "Đợi")
Đợi chờ. Cô đơn với nỗi nhớ mềm môi, liêu xiêu bóng đời:
"Ta ngồi giỡn với bóng ta
Tìm đâu một chút mặn mà... hôm xưa
Lối thông ướt đẫm cơn mưa
Xa rồi, nắng rát.
Bóng trưa, một mình.
Giận hờn trong cõi nhân sinh
Thôi thì thôi nhé. Chút tình thế thôi.
Thông reo quanh chỗ ta ngồi
Cà phê giọt đắng.
Mềm môi, nhớ người.
Có tiếng khóc trong tiếng cười
Có ai biết. Đỏ con ngươi. Những chiều.
Lạnh đồi. Sương núi đìu hiu.
Cành thông lắt lẻo.
Liêu xiêu bóng mình..."
("Ta ngồi giỡn với bóng ta")
Đi qua những mùa yêu. Cô đơn thương nhớ. Mênh mông lạnh buốt đồi sương đìu hiu, trong thơ Nguyễn Thị Liên Tâm vẫn rực hồng giấc mơ đời hạnh phúc trong tình yêu:
"...
Trạng nguyên đỏ,
lá khúc khích cười, trên vòm ban công trắng
Anh ước mình bỗng chốc hóa giàu sang
Mua tặng em cả rừng hoa đỏ bạt ngàn
Cho em hát và làm thơ trong ngôi nhà sơn trắng
...
Em bước qua hàng cây màu đỏ ấy
Những chiếc lá trạng nguyên
vẫn da diết thắm nồng
Lửa vẫn cháy trong tim người ngây dại
Dẫu ngoài kia là giá buốt đêm đông".
(Trích bài thơ: Tự khúc màu lá đỏ)
Một câu thơ, một bài thơ hay một tập thơ sau khi đọc xong để lại ấn tượng trong lòng người đọc là người viết đã thành công. Với tập thơ "Đêm thơm lựng mùi sen" của Nguyễn Thị Liên Tâm cũng là trường hợp như vậy. Khi khép lại tập thơ, chúng ta còn nghe thơm lựng một mùi sen thánh thiện, huyền hoặc, gần gũi với những giấc mơ xanh ngát hương đời:
"... Trăng đã chín một vầng thơm.
Người vẫn phương trời biền biệt.
Sen nở ngọc ngà. Tình ơi có biết.
Đáo hạn mấy mùa trăng.
Khép lá mộng xanh ngời".
(Trích bài thơ: "Bên bờ ao sen trắng")
Phố biển La Gi, 8/9/2017
LÊ NGỌC TRÁC