NGUYỄN HỒNG - Đừng sợ, đấy là cha tôi

26 Tháng Mười Hai 20183:17 CH(Xem: 4317)
NGUYỄN HỒNG - Đừng sợ, đấy là cha tôi


Tôi đã được gặp cha tôi. Trong mơ.

Ban đầu, tôi tưởng đó là bộ xương nhựa ánh quang phát sáng vẫn được bán ngoài cửa hàng. Hồi còn sinh viên, trong cơn mê ngủ, tụi cái Na, cái Lê đã buộc dây thả từ giường tầng xuống hù tôi. Tôi chết ngất tại chỗ. Huyết áp tụt. Mồ hôi vã đầm đìa. Nhịp tim đảo đột ngột. Nửa đêm trực ban ký túc xá bế một đứa con gái còn không mặc áo ngực chạy từ K4 về phòng y tế của trường. Trời gần về sáng đứa con gái đó trùm mền từ phòng y tế trường lội ngược về K4 trước sự lo lắng đầy ăn năn của mấy gương mặt còn lại. Kể chuyện này để biết tôi là đứa sợ ma nhường nào. Nhưng hôm gặp cha, không gian chung quanh hắt sáng vào cha tôi ma mị. Tất cả đều bị bao bọc bởi thứ ánh sáng trắng mạnh. Chỉ có cha tôi, bộ khung xương đã khô lại là màu đen. Tôi không thấy sợ. Tôi lồm cồm bò dậy, trân trối nhìn. Nửa tin nửa ngờ.

Là cha, là cha đúng không cha?

Bộ xương không trả lời. Tôi chỉ thấy sự gục gặc nhẹ ở hộp sọ. Hai hốc mắt sâu hoắm. Không có tiếng động nào. Có lẽ là cha đã gật đầu trả lời tôi. Tôi tự mặc định vậy và yên tâm với ý nghĩ đó là cha. Chỉ có thể là cha tôi thôi, không ai khác khiến tôi mạnh mẽ được đến vậy. Tôi không vồ vập ôm chầm, tôi không rối rít nhung nhớ. Tôi bình thản đối diện với cha như ngày trước vẫn thường lặng yên bên cha uống trà hoặc lan man cùng cha đôi ba câu chuyện vừa nhặt được. Tôi không thể lý giải được tâm lý này, mặc dù đã có lúc tôi nhớ cha thắt ngực. Nỗi nhớ lẫn với dày vò và sự ân hận muộn màng. Tôi đã cúi đầu trước ban thờ tạ lỗi với cha mỗi ngày. Vậy mà khi được gặp cha, tôi đã không hề nôn nóng tháo lỗi. Tôi vẫn bó gối trên giường. Phía ánh sáng là cha tôi, bây giờ là một bộ khung xương. Tôi cũng không khóc. Mặc dù tôi xa xót. Sáu năm rồi, tôi đã chấp nhận cái chết là có thật. Với cha, nó đánh dấu sự trưởng thành của tôi.

Khi còn nằm trên giường bệnh, kề cận với cái chết, cha đau đáu mong tôi chấp nhận cái chết đến với cha là có thật. Nhưng tôi không chịu nghe. “ít hôm nữa khỏe lại, cha lại đi đọc thơ, lại trộm mẹ vô nhà vệ sinh hút thuốc thôi mà”. Cha cười. Nụ cười khó nhọc. Má cha đã khô và teo tóp lại. Chỉ khác với cái hộp sọ bây giờ là cha còn có thêm lớp da mỏng dính bọc bên ngoài. “Con nghe cha. Cái chết là một quy luật”. Cha đọc thêm cho tôi bài thơ nữa. Rồi cha đi.

Có mùa hương ngọc lan rớt vào đêm sâu thoang thoảng. Tôi hít một hơi thật sâu. Mùi ngọc lan tỏa hương trong cơ thể tôi ngọt dịu. Tôi định với tay mở cửa để gió lùa hương vào nhiều hơn nhưng cha tôi ngăn lại. Đúng ra là những chiếc xương bàn tay ngọ nguậy như muốn ngăn lại. Hồi còn sống, cha tôi thích hoa ngọc lan lắm. Loại cây thân gỗ này cũng dễ trồng. Nên vườn nhà tôi quanh năm quấn quýt hương ngọc lan. Đến ngày cha đi, cây ngọc lan bỗng nhiên đổ hoa rực rỡ, mùi ngọc lan át cả mùi nhang đen hắc nồng tiễn ma mới, át cả những tiếng khóc hờ hững và mệt mỏi của người ở lại. Anh trai tôi vịn vào cây gậy trúc ngủ gật, chị em tôi lăng xăng mâm bát cúng cha, mẹ tôi đi đi lại lại thẫn thờ hết châm nến lại thắp hương…. Đại loại vậy, trong ký ức tôi chỉ lưu lại được chừng ấy hình ảnh. Tất nhiên có thêm những hình ảnh khác nữa, như hình ảnh anh trai tôi đổ cả bì chè mạn vào quan tài cho cha. 4 bì hay 5 bì gì đó.

Cha nằm giữa mênh mông chè trà. Anh trai tôi nói nhỏ vào tai thầy cúng là đã chọn mua được loại chè ngon nhất. Em gái tôi thở hắt ra. Hồi còn sống, cha chỉ thèm lượng chè vụn từ tay con trai thôi mặc dù cha thích uống chè gì con gái cũng chiều. Mà thôi, những hình ảnh lan man như vậy không nên nhớ. Vì nhớ cũng chẳng để làm gì, chỉ tội hại não. Rất nhiều lần cha dặn tôi thế. Nên thôi, tôi lờ đi hết. Chỉ nhớ những gì đáng nhớ thôi. Trong đám tang cha, mỗi người một việc. Cây Ngọc lan cũng thế. Có thể nó đã nở nốt những bông còn lại như là sứ mệnh. Hết mệnh rồi thì thôi. Nên những năm sau, chẳng thấy cây cho bông nữa. Anh trai tôi bảo chặt đi, mai mốt đổ móng rồi cũng chặt. Bây giờ anh thích làm gì thì làm, mẹ tôi còn không ngăn được thì lời mấy chị em tôi còn có vị gì.

Tôi thở dài. Đến ngày tuần, con sẽ kiếm Ngọc Lan cho cha, được không cha? Hai hốc mắt lấp lánh. Không biết là do ánh sáng lọt vào khe rỗng hay nước mắt tự rỉ. Tôi lại tự mặc định đó là nước mắt. Những giọt nước mắt hạnh phúc. Có thể cha đã đồng ý cho tôi làm vậy. Lâu nay, ngày tuần, tôi chỉ mua cúc vàng theo thói quen. Chả cần biết những người đã khuất có thích hay không, tôi mua vì lệ thường là thế. Ngày tuần chợ chỉ bán hoa cúc, hoa huệ để thắp hương. Đám đông chen lấn xô đẩy nhau lựa những trái cây ngon nhất, đẹp nhất, một cơi trầu, 3 nhánh hoa. Thế thôi. Để chưng lên bàn thờ trước lúc thắp hương. Chẳng biết người chết có nhận được gì không nhưng tôi thấy những người chung quanh tôi (trong đó có tôi) thao tác như cái máy. Trong lúc cúi lạy, chẳng biết người ta có nghĩ được gì về những người đã khuất trong đầu.

Tôi mỉm cười nhìn cha tôi, ấm áp và thân thiện hơn lúc đầu. Trong tâm thức, tôi muốn xích lại gần cha tôi hơn chút nữa nhưng cơ thể tôi nặng trịch và không tài nào di chuyển được. Tôi vẫn ngồi bó gối tại chỗ. Phía ánh sáng, bộ khung xương vẫn lặng lẽ ở đó. Có thể người cũng đang quan sát tôi.

Con đã bớt đau vai gáy rồi cha. Tôi buột miệng vậy. Mặc dù trong đầu tôi đang rất muốn kể với cha những rắc rối xảy ra trong gia đình. Ngôi nhà ọp ẹp từ ngày cha đi. Gió mưa có thể xô đổ bất cứ lúc nào. Mẹ ở một mình trong đó. Cùng di ảnh cha. Mẹ có chịu theo chúng con đâu cha. Người già trái tính trở nết, cuối cùng thì chỉ con gái mới đủ kiên nhẫn để chiều chuộng mẹ. Phúc nhà ta mỏng, con dâu ngoài việc đến ngày tuần lóp ngóp mua hoa quả, tiền vàng chưng bàn thờ có làm được gì cho người còn sống đâu cha. Mà thôi, con không kể thì cha cũng biết. Bây giờ cha đã là người âm. Người âm thấu thị tâm can người sống. Có thể vì thế người sống mới sợ hãi cúi lạy nhiều đến thế. Bao nhiêu hương vàng đốt đi cũng chỉ để che đậy tâm địa đang run rẩy sám hối. Mà người ta sám hối được bao lâu đâu khi tham sân si cứ trĩu nặng tâm hồn.

Bản di chúc cha để lại là giọt nước làm tràn ly rắc rối trong gia đình mình đó cha. Là tôi nghĩ thế. Tôi không dám nói. Tôi sợ cha buồn. Nhưng từ hốc mắt cha, hai dòng lệ đen chảy không ngăn được. Đó là lệ máu. Tôi đoán thế. Nước mắt của người âm chảy ra từ máu. Dòng máu chảy trong tâm thức của người ở lại, biết đâu lại là sợi dây vô hình chằng chuộc sự sống. Tôi nghẹn lòng, chắc là cha đã thấu thị tâm can tôi. Tôi thấy có lỗi. Mắt tôi cụp xuống, vụng về giấu cha những giọt nước mắt.

Nhưng nếu cha không lập di chúc, bây giờ chắc mẹ đã phải ra đường ở rồi. Anh trai đã tính toán xây nhà riêng. Mẹ thì chẳng chịu ở với đứa nào hết. Những đứa con vô ơn và bội nghĩa. Có bao giờ cha mẹ ân hận vì đã sinh ra chúng con không? Tôi thấy đắng ngắt ở cổ họng. Nhà mình có mỗi anh trai, không di chúc thì đất này cũng thuộc về anh hết. Cha đã phải chia đôi mảnh vườn trong đau đớn. Có phải vì quá đau đớn mà thành ra chia tạm, khoảng cách chỉ là tương đối. Hôm rồi anh bảo phải dỡ căn nhà cũ đi thì đất vườn của anh mới đủ một nửa theo di chúc đó cha. Nhưng mẹ không muốn dỡ ngôi nhà. Chúng con cũng không muốn dỡ ngôi nhà. Có thể cha cũng thế. Bài toán này cha tính đáp án sai mất rồi đó cha.

Không kiềm chế được, tôi lại khóc nấc lên. Ngày xưa mỗi lần khóc luôn có cha dỗ dành. Nước mắt tôi chảy ướt vai áo cha. Bây giờ, tôi khóc. Cha vẫn lặng yên đó. Cha không lau nước mắt cho tôi được nữa. Tôi buộc mình phải lớn. Những giọt nước mắt chảy được thì phải tự ngăn được. Tôi quyệt nước mắt, ngẩng đầu. Phải thế chứ, mạnh mẽ lên con gái. Tôi thấy cha ngúc ngắc đầu, giá như cha cử động linh hoạt được đôi bàn tay, cha sẽ làm dấu like cho tôi ngay tắp lự. Tôi cười khanh khách. Tôi ước có thể lại gần để bày lại cho cha cách làm dấu like. Ngày trước, tôi đã phải bày mãi, bày mãi. Rồi cha cũng làm được. Đó là lúc tôi được đăng báo bài thơ đầu tiên. Cha giơ ngón tay làm dấu like khi tôi hồ hởi đặt trước mặt cha tờ báo. Tôi bất ngờ. Niềm vui đã chuyển từ tờ báo sang dấu like trên tay cha tôi trong tích tắc. Tôi cứ ngẩn ngơ mãi.

Con đã thuyết phục được anh rồi. Mảnh vườn này rồi cũng của anh thôi. Bất đắc dĩ mà cha phải di chúc. Vì cha tiên liệu được những va chạm chồng chất giữa anh và mẹ. Thôi thì anh chịu khó. Anh cứ đổ móng bất cứ nơi nào trong mảnh vườn rộng rinh này. Chỉ trừ lại ngôi nhà cũ cho mẹ.

Thế thôi cha, cho nhẹ lòng. Giữ lại ngôi nhà để an ủi mẹ. Mấy chị em con theo chồng cả rồi. Một ngày nào đó mẹ cũng sẽ theo cha. Đời người ngắn ngủn, sân si chi rồi cũng bỏ hết lại ở cõi tạm này thôi, đúng không cha.

Cha bằng yên ở đó, giống như muốn cười cùng tôi. Là tôi sắp đặt cho cha thế khi cơn buồn ngủ ập đến. Ngày xưa, sau mỗi cơn nư tôi ngủ gục trên vai cha. Trong giấc chập chờn, tôi vẫn cảm nhận được đôi bàn tay cha rón rén đặt tôi xuống giường, đắp chăn và hôn vào trán tôi. Bây giờ, tôi chỉ muốn gối đầu vào bộ khung xương đang bằng lặng, ngay ngắn trước mắt tôi để ngủ một giấc. Tôi nhắm mắt, tựa khẽ vào khoảng không trước mặt, dịu dàng để đôi bàn tay cha chìa ra đỡ lấy đầu tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)
24 Tháng Ba 20235:39 CH(Xem: 41)
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ.
22 Tháng Ba 20233:29 CH(Xem: 51)
Lâu lắm rồi Ngần mới lại khóc, những giọt nước mắt buồn đến tê dại.
12 Tháng Ba 20231:11 CH(Xem: 112)
Khải nói qua điện thoại, từng chữ một nhả chậm.
23 Tháng Hai 202310:06 SA(Xem: 395)
Ừ! Nó phải trở lại thôi. Nợ trần chưa dứt. Cõi nhân gian đang đợi nó về...
07 Tháng Hai 20239:28 SA(Xem: 265)
Và cuối cùng sau một tuần dò la, săn đón, sáu Liên nhờ hai cô gái là Huế và Nhạn, đã dụ được Thơm để làm mồi tế thần cho ông Phiêu.
04 Tháng Hai 20231:37 CH(Xem: 434)
Cô ngước nhìn mảnh trăng trên đồi, nghe như trăng đang thầm thì kể chuyện
26 Tháng Giêng 202310:52 SA(Xem: 238)
Trên vách tường bóng cha cúi xuống, tiếng đàn bầu lại rung lên trong đêm, khắc khoải, đợi chờ...
23 Tháng Giêng 202310:45 SA(Xem: 204)
Hãy nhìn dương thế của chúng ta mà xem. Thật đáng tởm.
22 Tháng Giêng 202312:20 CH(Xem: 172)
Sau hơn sáu mươi năm, kể lại chuyện xưa, tôi chỉ còn biết mỉm cười!
11 Tháng Giêng 20239:04 SA(Xem: 325)
Tôi thầm gọi: Hoàng Sa ơi, hẹn ngày về lại Hoàng Sa!
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 7648)
Người đầu tiên hăm hở xắn tay áo, bước vào lãnh vực xuất bản, giai đoạn sơ khai, là ông Đỗ Ngọc Tùng, nhà Đại Nam
(Xem: 8637)
Tôi không rõ thời gian ở VN trước tháng 4-1975, nhà báo Ngọc Hoài Phương có làm thơ nhiều không?
(Xem: 18131)
Nếu không kể những nhà xuất bản chuyên nghiệp như nhà Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai, Nguyễn Đình Vượng, hay Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn, Trí Đăng…thì, những nhà xuất bản được điều hành bởi các nhà văn, nhà thơ cũng đã tạo được ít, nhiều tiếng.
(Xem: 5853)
Trong sinh hoạt âm nhạc tại miền nam VN, 20 năm (1954-1975) rất nhiều người biết tên tuổi nhạc sĩ Ngọc Chánh.
(Xem: 8421)
Họ Phạm còn được nhìn nhận là người khai sáng môn Thể dục Khí công Hoàng Hạc, ở miền nam California.
(Xem: 4571)
Ông chọn làm chiếc lá thu đầu tiên bay vào không gian mùa Thu tuyệt đẹp vừa chớm ở Cali.
(Xem: 216)
Thơ Du Tử Lê sang trọng, giàu hình tượng, điển tích cùng với mối liên tưởng phong phú đi sâu vào tầng lớp sinh viên, trí thức.
(Xem: 9933)
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
(Xem: 10088)
“Ngay sau khi gặp ông, tôi đã bước sang “chặng đường ngỡ ngàng.” Không ngỡ ngàng sao được khi mà đứng bên ông
(Xem: 4555)
Thi ca lan tỏa không chỉ trong từng ngóc ngách của căn nhà ông ở
(Xem: 15799)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 5627)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 5513)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 5922)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 6113)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 26427)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 18295)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 21642)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 19583)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 18051)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 15475)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 14579)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 14767)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 13797)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 13587)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 20676)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 27874)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 32123)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,