mỗi chúng ta, một miền (riêng) tưởng niệm.
giữa buổi ban trưa da diết nắng sài-gòn, cô Hạnh Tuyền nhắn: chú mất rồi.
*
trong biết bao nhiêu lần âm thầm nói lời chia biệt từng thân thương, gia đình, bằng hữu,… chú đâu biết lần nào là thật.
giờ này, Cô Tuyền nương tựa vào từng tờ ghi chú, từng thân cận dặn dò, từng mỏng manh làn hương tâm tưởng, để hiểu: từ nay sẽ phải xa người, xa hơi
thuốc cay, xa biển lớn ân tình. con bé Orchid LQ & thằng Hân nương tựa lẫn nhau, để hiểu: từ nay, chúng không còn nghe, không còn thấy Bố Lê mở cửa
về nhà với chúng nữa. lũ nhóc Rock & Roll nương tựa miền thơ ấu hồn nhiên để chẳng thể nhận ra, rằng: từ nay, sẽ không còn ông Ngoại. và, Con Trang nương tựa vào vách ngăn mầu nhiệm, dựng lên từ xa cách địa lý, trong lòng sài-gòn, để hiểu: chú mất rồi.
chẳng có cách gì mà đòi một thác ghềnh giữa đỉnh cao nắng hạn; chẳng có cách gì mà trái tim kia lại tiếp tục gọi về những lượng máu tươi hồng và cũng
chẳng có cách gì mà giữ được con người ta ngay lúc họ cần thiết phải ra đi (dù đó là điều chẳng hề muốn).
chú biết mà, phải không?!
*
trong biết bao nhiêu lần âm thầm nói lời chia biệt từng thân thương, gia đình, bằng hữu,… chú đâu biết lần nào là thật.
người yêu chữ hay tặng chữ cho nhau, để chạm và giữ nhau mãi trong một cảm tình nhất định. chú Lê đã tặng cho Con Trang rất nhiều chữ trong suốt
quãng đường nhân thế, với nhau. hơn cả chữ, chú đã hết mực ưu ái cho Con Trang vào thơ, vào hoạ, vào tình thương mến gia đình. vậy mà… giờ này, lần
đầu tiên (cũng là lần cuối cùng) Con Trang muốn thể hiện lòng ưu ái dành cho chú thì nó cũng chỉ còn duy nhất một miền (riêng) tưởng niệm hòng phó thác cái thứ chữ nghĩa mỏng như hương, chóng tan như sương và mơ hồ như hư ảnh để mà nặng lòng, cúi đầu trong chia biệt. viết chữ để đưa-nhau-đi là khó lắm.
chú hiểu mà, phải không?!
*
trong biết bao nhiêu lần âm thầm nói lời chia biệt từng thân thương, gia đình, bằng hữu,… chú đâu biết lần nào là thật.
giờ này, lúc ngôi đền ươm giữ và xiển dương tình yêu (của chú) thôi sáng những ngọn nến lung linh ơn nghĩa, ruột thịt, gia đình, bằng hữu thì ở nhân thế
ngoài kia đã đồng loạt thắp lên biết bao ngọn nến tưởng niệm chú, từ những ngôi đền ươm giữ và xiển dương tình yêu (của riêng mình).
nơi cõi giới nào đó, chú có thấy không: người ta yêu quý du tử lê biết bao nhiêu. mỗi người còn ở lại đều có cho mình hơn một giác quan để mà phủ
nhận, để mà chối bỏ cái sự gọi là: chú mất rồi.
mất hình, mất ảnh chú thì vẫn còn lại đó biết bao nhiêu di phẩm, di hoạ, di vật, di “notes” của chú, ở tại ngôi nhà Lucille, ngôi nhà Catherine, ngôi nhà Tara yên ả,… và ở tại những miền hồi ức (riêng) của những người đã có với thi sĩ du tử lê một-ngày-nào.
mất tiếng nói, tiếng cười của chú thì vẫn còn lại đó biết bao tiếng thơ, tiếng đồng âm, tiếng chia sẻ,… vang lên từ 77 tác phẩm du tử lê, đến với ký ức
nhiều thế hệ.
mất chú trên những chuyến bay (định kỳ) xuyên đại dương dài đằng đẵng, lâu dăng dẳng để về với cà-phê vỉa hè, với bờ kè sài-gòn,… thì vẫn còn lại đó một du tử lê của mưa buồn khắp Thị Nghè, của nắng Trương Minh Giảng, của lá hè Tự-Do và của những đêm nhớ trăng sài-gòn lạc nhau cuối phố, sương
quàng cổ cây.
mất một xác thân tứ đại ông lê cự phách thì vẫn còn lại ở nhân thế này vô số bến tâm hồn để thi sĩ du tử lê ghé đến và ở lại, mặc kệ ý niệm nhị không, tam thế, tứ thời.
bởi vậy: mất hay còn, chưa hẳn khác nhau đâu.
chú thấy mà, phải không?!
…
vậy thì, chú hãy tinh tấn chọn lấy chọn cho mình điều chú muốn, đường chú đi, nơi chú đến,… bất chấp ảo vọng, xiềng xích, khung cấm, ranh giới và hết thẩy những khái niệm lề/ biên, phải/ trái, chấm/ phẩy rườm rà của nhân thế.
chú rõ mà, trong biết bao nhiêu lần âm thầm nói lời chia biệt từng thân thương, gia đình, bằng hữu,… lần này là thật.
sài-gòn, tháng 10, 2019.
zennie trang nguyễn