*Ngày 9 Tháng Mười, 2019
Buổi sáng anh Nguyễn Lương Vỵ nhắn tin ra quán cà phê gặp. Mắt mũi kèm nhèm, lại thêm tính xớn xa xớn xác nên đọc chữ được chữ mất. Bắt cái thang lên hái vài trái hồng giòn cho anh Vỵ, bụng bảo không biết chú Lê có thích ăn hồng hay không để tiện hái luôn. Cầm bịch hồng ra gặp các anh, nhưng lại không thấy chú. Các anh đang nói chuyện về một người nào đó vừa từ giã cõi đời, mình cũng ngớ ra. Một hồi mới hỏi là ai, anh Vỵ quát: anh nhắn cho em từ sáng rồi mà! Mở tin đọc lại thì dòng tin ngắn như biết nhảy múa.
Các tháng gần đây, dường như mỗi tuần đều được thấy chú và có khi được ngồi cạnh chú. Ba ngày trước còn ngồi chung buổi tiệc ra mắt sách của anh Trịnh Y Thư và chị Khánh Minh. Hôm nay thì chú đã hoá thân làm chim bói cá, lang thang ra biển lớn để “lặn tìm vuông đời mình”.
Chú có nói:
“khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới”.
Không chắc chú mang được những gì “về bên kia thế giới”, nhưng chắc rằng chú đã để lại bên này thế giới: ngoài những tuyệt phẩm, còn là sự trân quý ngưỡng mộ, cùng bao nỗi tiếc thương vô hạn của hàng triệu độc giả thính giả, người đời.
Bàn cà phê mỗi lúc mỗi đông và kéo giãn thêm với bàn với ghế. Mỗi người ôn lại vài câu chuyện, kỷ niệm về chú. Vẫn có ly cà phê dành cho riêng chú, những điếu thuốc lần lượt được châm và nằm lặng yên, như sự lặng yên của chú.
Chiếc nón thân quen vẫn còn ấm hơi người, và gói thuốc còn hơn phân nữa, vẫn nằm lặng trên bàn, như chú vẫn chưa từng đi vắng.
Chú đã về với rạng tre xưa nơi quê cũ
“bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì”
Kẻ hậu bối xin cúi đầu kính tiễn vong linh chú! Và xin nguyện cầu cho những nỗi niềm lưu vong đau đáu của chú cũng kịp tan theo bọt biển
“Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.”
*Ngày 30 Tháng Mười, 2019
Như bao người mến mộ tác giả của dòng nhạc Trịnh, dù như chỉ mới ngày hôm qua, nhưng đã cách đây hơn 18 năm. Tôi lái chiếc xe Vespa ET8 theo sát chiếc xe chở thi hài người nhạc sỹ tài hoa, từ đầu hẻm đường Phạm Ngọc Thạch lên đến tận nơi thiên hạ thả hoa và thả đất xuống huyệt mộ.
Hai ngày trước theo dòng người tiễn biệt, tôi cũng thả cành hồng trắng xuống huyệt mộ cho tác giả của những giòng thơ mà “nếu con kiến biết nghe tiếng người cũng sẽ chui ra khỏi cái hang sâu thẳm để được thưởng thức” (theo lời nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ).
Hai nhân vật, cùng là một trong những đại diện văn hóa nghệ thuật cho một thời đại, một thời kỳ Nam Bắc phân tranh đằng đẳng mấy mươi năm. Đều trước sau về với cõi vô thường, theo trật tự sinh ký - tử quy.
Một đám táng tôi từng đưa tiễn cùng rầm rập những đoàn người cùng khá nhiều nước mắt; và một đám táng tuy cũng khá nhiều khách viếng nhưng cũng khá lặng lẽ, cùng không ít lời ca, nụ cười vui vì ông giã từ cõi tạm rất thanh thản.
Mọi so sánh, xầm xì của các loại người phiếm chuyện (trong đó có tôi) đều khập khểnh và khiếm nhã. Khi các ngón của bàn tay cùng duỗi ra, và đôi tay đã buông thõng - thì người đang say giấc ngủ triền miên trong huyệt mộ kia còn chấp nê gì đến chuyện:
“Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?”
Cứ nhìn các cành hoa dù sắc trắng hay đỏ, vàng hay hồng, khi đã lìa tay người cầm nắm nó ở một phần giây đồng hồ trước đó, tỷ như từ bàn tay người sáng tạo nên ca từ bên trên, các sắc màu dù kiêu sa hay khiêm cung đều nhanh chóng bị cuốn hút vào lòng đất theo quy luật tự nhiên, luật hút của quả đất. Chỉ còn các mùi hương là vẫn mãi còn lan tỏa.
Xin cúi đầu tiễn biệt vong linh ông, một trong những tài hoa đất Việt.