Tôi không viết chiếc áo tơi mà cái áo tơi là nó có lý của nó.
Nguyên ở quê tôi, một làng nhỏ của Bình Định, cách xa Qui Nhơn hơn 40 cây số, điện đóm không có mãi cho đến thập niên 60. Ánh sáng văn minh hút bóng, heo hắt, èo uột trên quê tôi. Cả làng không có được một chiếc xe “bịch-bịch” (xe gắn máy) như cái thị trấn kề bên. Dăm ba nhà có được một cái Radio là hách lắm rồi. Giao tiếp với văn minh ánh điện rất hạn hẹp nên ngôn ngữ cũng rất nghèo nàn. Chữ “cái” mạo từ chỉ giống (gender) được sử dụng trong hầu hết mọi trường họp. Thiếu hẳn bóng dáng chữ “chiếc”. Ngoại trừ một vài trường hợp có vẻ đã thành thông lệ như “chiếc chiếu”…
Tôi viết cái áo tơi theo cái ý như vậy. Nghèo khổ thành thêm ra nghèo chữ.
Thời đó cái áo mưa là tiếng để chỉ chiếc áo đi mưa làm bằng nylon, dài quá gối, cổ bẻ, có kèm dây thắt lưng và có cả chiếc mũ trùm đầu, trông rất văn minh, rất nhà giàu. Nhưng vì nghèo và nhất là nó không được ấm và rất dễ rách nên cả làng chỉ có mấy đứa học trò con nhà giàu và một số rất ít khác sử dụng nó để đi chợ. Còn lại dân trong làng đều dùng áo-tơi-lá. Áo-tơi-lá được chằm (may) bằng lá cọ.
Người ta lên rừng cắt lá cọ đem về lựa những lá tốt, lành lặn để sử dụng. Áo tơi rất dễ làm nên bất kỳ ai cũng có thể làm được sau một lần quan sát người khác làm. Họ đóng một cái khung chữ nhật, thường bề ngang hai mét bề cao một mét rưỡi. Trên chiều đứng người ta cột dây mây đã được chuốt, trau kỹ lưỡng và ngâm nước đôi ba ngày cho dai, dẻo. Mỗi đường dây cách nhau khoảng từ năm phân ở phần trên cùng, càng xuống phía dưới càng cách thưa dần đến khoảng một tấc. Lá cọ trước khi chằm được phơi nắng rồi hứng sương cho lá mềm, dịu và chắc; xong họ gấp đôi lá theo chiều gốc, ngọn, xỏ vào đường dây mây sẵn trên khung. Ở trên là phần cổ áo nên nó được xếp nhặt lại và bện dây mây thật kỹ để tránh bị rách khi va chạm. Trên cùng người ta dùng dây mây chuốt nhỏ và mảnh. Phần lá trên cùng được xỏ xuyên suốt một sợi vải mềm để cột lại khi bận (mặc). Thường áo-tơi-lá chỉ dài đến gối để người nông dân dễ hoạt động.
Áo-tơi-lá được cái tiện là rất ấm. Trời mùa đông, miền Trung mưa dai dẳng suốt ngày đêm, mưa đến thúi đất và lạnh căm căm; làm lụng ngoài đồng ruộng, đi vào rừng đốn cây làm rẫy vào mùa mưa thì mặc áo-tơi-lá là tiện nhất. Ngoài ra, nó có thêm một chức năng làm áo ấm nữa. Người chăn vịt, kẻ chăn bò khi gặp mưa như trút nước, cứ việc để dựng đứng cái áo tơi, lấy nón lá ụp lên, ngồi thụp trong lòng áo tơi, thế là có được một không gian trú ẩn khá ấm áp.
Chuyện cái áo tơi cũng kỳ. Kỳ là vì nó cũng có giai cấp (?) giàu, nghèo của nó! Nãy giờ tôi trò chuyện với quý bạn chỉ về cái áo-tơi-lá của giai cấp nghèo còn cái áo tơi của nhà giàu hay giới quan lại (không có kiệu) là loại áo tơi khác. Cái áo tơi nhà giàu có hai cánh tay đàng hoàng, gọi là áo-tơi-cánh. Để chằm (may) loại áo tơi này cần nhiều công đoạn rắc rối hơn. Nhà giàu thì phải khác chứ! Đầu tiên người ta chằm một thân sau và hai thân trước rồi mới chằm hai cánh tay ngắn tới khuỷu tay (dài quá khuỷu tay thì người mặc không thể gập tay được). Loại áo này ít người làm do rất khó khăn ở phần ráp nối, tốn công rất nhiều; hơn nữa nó cũng rất bất tiện cho việc cử động, mặc vào cứ đơ ra như người máy. Dần dần áo-tơi-cánh biến mất khá lâu trước khi cái áo-tơi-lá đi vào dĩ vãng.
Áo-tơi-lá có sức bền đến bốn, năm năm là chuyện thường, không như chiếc áo mưa nylon chỉ ít lâu là rách te rách tét. Tuy nhiên vì hoàn cảnh thay đổi, chúng ta không thể mặc áo-tơi-lá để cỡi xe gắn máy, để làm việc hay đi lại trong thời đại văn minh này. Áo-tơi-lá đã đi vào quên lãng. Mãi mãi. Bây giờ “áo tơi” trở thành áo mưa.
Nhưng chữ áo tơi vẫn chưa chịu chết hẳn! Nó đã ẩn náu vào tục ngữ từ thời còn thịnh hành và còn sống được đến bây giờ chính là nhờ cái thế mạnh của ngôn ngữ. Đấy là câu nói “nghèo rớt mồng tơi” đó các bạn ạ. Vậy “mồng tơi” là cái gì nhỉ? Có phải là cây rau mồng tơi xanh mướt, xanh dờn dùng để nấu canh với tôm khô ngọt lịm không? Thưa không.
Bàn chuyện “nghèo rớt mồng tơi” ở đây thì ta phải kết hợp với cái áo tơi vì mồng tơi là một phần của áo tơi đó bạn. Số là, cổ áo tơi là nơi được chằm chắc chắn hơn cả vì nó là phần dễ rách nhất. Do đó người ta phải đi nhiều đường chằm gần sát nhau hơn phần dưới của chiếc áo, để chắc chắn hơn và cũng để nó cong lại, ôm được phần bờ vai của con ngườ. Muốn thế thì phải vót mây cho nhuyễn, cho nhỏ. Nhưng dễ gì cọng mây mà nhuyễn như sợi chỉ cho cam, vì cái đốt chai cứng của sợi mây oan nghiệt nên nó không thể nằm sát lớp lá áo ở cổ được. Thế thì đành phải để sợi chỉ mây này nó làm nũng, nghĩa là cứ để nó gồ ghề ngang bỉnh một chút; thay vì đường chỉ mây cong đều đặn thì thỉnh thoảng nó lại nhọn như đỉnh núi hoặc lồi lõm khiến cả vùng cong này trông sù sì, lộm cộm giống như cái mồng con gà, con vịt xiêm cục mịch, hay là cái loại hoa mồng gà xấu xí. Rốt cuộc, người ta gọi cái vòng ôm bờ vai áo tơi là cái “mồng của áo tơi”, rồi gọi tắt thành “mồng tơi” cho nó khỏe. Mà vì có người nghèo quá, khi cái áo tơi rách, chưa sắm kịp cái áo khác thì cái mồng tơi còn sót lại trên vai cũng rớt nốt đi, nên đúng là “nghèo rớt mồng tơi” vậy.
Ái chà! Ban đầu tôi chỉ định viết về cái áo tơi nhằm ghi lại cho các bạn thuộc các thế hệ sau biết thêm những cái hiếm hoi đã trôi vào quá khứ nhưng rong ruổi thế nào mà tôi lại rơi vào vó câu chữ nghĩa, cái phạm trù ngôn ngữ, ngữ ngôn phức tạp mồng mồng. Thôi chạm một chút rồi rút chân, nhưng cũng kịp giúp các bạn nào đã lỡ hiểu “nghèo rớt mồng tơi” là nghèo đến không có lá mồng tơi để nấu canh; hoặc như anh chàng hàng xóm cách cô hàng xóm “cái giậu mồng tơi xanh dờn” kia của ông thi sĩ Nguyễn Bính. Nói gọn cho nó đúng phép thì “mồng tơi” ở đây chính thị là cái mồng của Áo-tơi-lá chứ không hề là chiếc lá mồng tơi nấu canh giải nhiệt, hay làm hàng giậu chia cách chàng nàng.
Than ôi cái tật sa đà của tôi, nói chuyện áo tơi nhưng kết thúc thành ra chuyện nghèo rớt mồng tơi. Thật rách việc!
24.4.2021
Nguyên ở quê tôi, một làng nhỏ của Bình Định, cách xa Qui Nhơn hơn 40 cây số, điện đóm không có mãi cho đến thập niên 60. Ánh sáng văn minh hút bóng, heo hắt, èo uột trên quê tôi. Cả làng không có được một chiếc xe “bịch-bịch” (xe gắn máy) như cái thị trấn kề bên. Dăm ba nhà có được một cái Radio là hách lắm rồi. Giao tiếp với văn minh ánh điện rất hạn hẹp nên ngôn ngữ cũng rất nghèo nàn. Chữ “cái” mạo từ chỉ giống (gender) được sử dụng trong hầu hết mọi trường họp. Thiếu hẳn bóng dáng chữ “chiếc”. Ngoại trừ một vài trường hợp có vẻ đã thành thông lệ như “chiếc chiếu”…
Tôi viết cái áo tơi theo cái ý như vậy. Nghèo khổ thành thêm ra nghèo chữ.
Thời đó cái áo mưa là tiếng để chỉ chiếc áo đi mưa làm bằng nylon, dài quá gối, cổ bẻ, có kèm dây thắt lưng và có cả chiếc mũ trùm đầu, trông rất văn minh, rất nhà giàu. Nhưng vì nghèo và nhất là nó không được ấm và rất dễ rách nên cả làng chỉ có mấy đứa học trò con nhà giàu và một số rất ít khác sử dụng nó để đi chợ. Còn lại dân trong làng đều dùng áo-tơi-lá. Áo-tơi-lá được chằm (may) bằng lá cọ.
Người ta lên rừng cắt lá cọ đem về lựa những lá tốt, lành lặn để sử dụng. Áo tơi rất dễ làm nên bất kỳ ai cũng có thể làm được sau một lần quan sát người khác làm. Họ đóng một cái khung chữ nhật, thường bề ngang hai mét bề cao một mét rưỡi. Trên chiều đứng người ta cột dây mây đã được chuốt, trau kỹ lưỡng và ngâm nước đôi ba ngày cho dai, dẻo. Mỗi đường dây cách nhau khoảng từ năm phân ở phần trên cùng, càng xuống phía dưới càng cách thưa dần đến khoảng một tấc. Lá cọ trước khi chằm được phơi nắng rồi hứng sương cho lá mềm, dịu và chắc; xong họ gấp đôi lá theo chiều gốc, ngọn, xỏ vào đường dây mây sẵn trên khung. Ở trên là phần cổ áo nên nó được xếp nhặt lại và bện dây mây thật kỹ để tránh bị rách khi va chạm. Trên cùng người ta dùng dây mây chuốt nhỏ và mảnh. Phần lá trên cùng được xỏ xuyên suốt một sợi vải mềm để cột lại khi bận (mặc). Thường áo-tơi-lá chỉ dài đến gối để người nông dân dễ hoạt động.
Áo-tơi-lá được cái tiện là rất ấm. Trời mùa đông, miền Trung mưa dai dẳng suốt ngày đêm, mưa đến thúi đất và lạnh căm căm; làm lụng ngoài đồng ruộng, đi vào rừng đốn cây làm rẫy vào mùa mưa thì mặc áo-tơi-lá là tiện nhất. Ngoài ra, nó có thêm một chức năng làm áo ấm nữa. Người chăn vịt, kẻ chăn bò khi gặp mưa như trút nước, cứ việc để dựng đứng cái áo tơi, lấy nón lá ụp lên, ngồi thụp trong lòng áo tơi, thế là có được một không gian trú ẩn khá ấm áp.
Chuyện cái áo tơi cũng kỳ. Kỳ là vì nó cũng có giai cấp (?) giàu, nghèo của nó! Nãy giờ tôi trò chuyện với quý bạn chỉ về cái áo-tơi-lá của giai cấp nghèo còn cái áo tơi của nhà giàu hay giới quan lại (không có kiệu) là loại áo tơi khác. Cái áo tơi nhà giàu có hai cánh tay đàng hoàng, gọi là áo-tơi-cánh. Để chằm (may) loại áo tơi này cần nhiều công đoạn rắc rối hơn. Nhà giàu thì phải khác chứ! Đầu tiên người ta chằm một thân sau và hai thân trước rồi mới chằm hai cánh tay ngắn tới khuỷu tay (dài quá khuỷu tay thì người mặc không thể gập tay được). Loại áo này ít người làm do rất khó khăn ở phần ráp nối, tốn công rất nhiều; hơn nữa nó cũng rất bất tiện cho việc cử động, mặc vào cứ đơ ra như người máy. Dần dần áo-tơi-cánh biến mất khá lâu trước khi cái áo-tơi-lá đi vào dĩ vãng.
Áo-tơi-lá có sức bền đến bốn, năm năm là chuyện thường, không như chiếc áo mưa nylon chỉ ít lâu là rách te rách tét. Tuy nhiên vì hoàn cảnh thay đổi, chúng ta không thể mặc áo-tơi-lá để cỡi xe gắn máy, để làm việc hay đi lại trong thời đại văn minh này. Áo-tơi-lá đã đi vào quên lãng. Mãi mãi. Bây giờ “áo tơi” trở thành áo mưa.
Nhưng chữ áo tơi vẫn chưa chịu chết hẳn! Nó đã ẩn náu vào tục ngữ từ thời còn thịnh hành và còn sống được đến bây giờ chính là nhờ cái thế mạnh của ngôn ngữ. Đấy là câu nói “nghèo rớt mồng tơi” đó các bạn ạ. Vậy “mồng tơi” là cái gì nhỉ? Có phải là cây rau mồng tơi xanh mướt, xanh dờn dùng để nấu canh với tôm khô ngọt lịm không? Thưa không.
Bàn chuyện “nghèo rớt mồng tơi” ở đây thì ta phải kết hợp với cái áo tơi vì mồng tơi là một phần của áo tơi đó bạn. Số là, cổ áo tơi là nơi được chằm chắc chắn hơn cả vì nó là phần dễ rách nhất. Do đó người ta phải đi nhiều đường chằm gần sát nhau hơn phần dưới của chiếc áo, để chắc chắn hơn và cũng để nó cong lại, ôm được phần bờ vai của con ngườ. Muốn thế thì phải vót mây cho nhuyễn, cho nhỏ. Nhưng dễ gì cọng mây mà nhuyễn như sợi chỉ cho cam, vì cái đốt chai cứng của sợi mây oan nghiệt nên nó không thể nằm sát lớp lá áo ở cổ được. Thế thì đành phải để sợi chỉ mây này nó làm nũng, nghĩa là cứ để nó gồ ghề ngang bỉnh một chút; thay vì đường chỉ mây cong đều đặn thì thỉnh thoảng nó lại nhọn như đỉnh núi hoặc lồi lõm khiến cả vùng cong này trông sù sì, lộm cộm giống như cái mồng con gà, con vịt xiêm cục mịch, hay là cái loại hoa mồng gà xấu xí. Rốt cuộc, người ta gọi cái vòng ôm bờ vai áo tơi là cái “mồng của áo tơi”, rồi gọi tắt thành “mồng tơi” cho nó khỏe. Mà vì có người nghèo quá, khi cái áo tơi rách, chưa sắm kịp cái áo khác thì cái mồng tơi còn sót lại trên vai cũng rớt nốt đi, nên đúng là “nghèo rớt mồng tơi” vậy.
Ái chà! Ban đầu tôi chỉ định viết về cái áo tơi nhằm ghi lại cho các bạn thuộc các thế hệ sau biết thêm những cái hiếm hoi đã trôi vào quá khứ nhưng rong ruổi thế nào mà tôi lại rơi vào vó câu chữ nghĩa, cái phạm trù ngôn ngữ, ngữ ngôn phức tạp mồng mồng. Thôi chạm một chút rồi rút chân, nhưng cũng kịp giúp các bạn nào đã lỡ hiểu “nghèo rớt mồng tơi” là nghèo đến không có lá mồng tơi để nấu canh; hoặc như anh chàng hàng xóm cách cô hàng xóm “cái giậu mồng tơi xanh dờn” kia của ông thi sĩ Nguyễn Bính. Nói gọn cho nó đúng phép thì “mồng tơi” ở đây chính thị là cái mồng của Áo-tơi-lá chứ không hề là chiếc lá mồng tơi nấu canh giải nhiệt, hay làm hàng giậu chia cách chàng nàng.
Than ôi cái tật sa đà của tôi, nói chuyện áo tơi nhưng kết thúc thành ra chuyện nghèo rớt mồng tơi. Thật rách việc!
24.4.2021
Gửi ý kiến của bạn