LỮ MAI - Chiều mắt xanh

12 Tháng Mười Một 20237:45 SA(Xem: 1004)
LỮ MAI - Chiều mắt xanh

         Tôi tỉnh dậy, thấy quanh mình toàn màu trắng. Một đốm hồng tươi pha xanh rõ dần đóa hoa hồng đặt trên chiếc bàn nhỏ. Tôi láng máng nhớ vì sao mình phải vào bệnh viện, biết cả hoa kia là của Du.

- Tớ đặt chai nước hoa Aqva Pour Homme tại cửa hiệu này, cậu tới nhận và chuyển giúp tớ đến địa chỉ ghi sẵn đây nhé!

- Ừ, Aqva Pour Homme, “một ngày trời xanh, em vì anh mà dừng lại”...

- Gì thế?

- Không gì cả...  
  

Tôi đã cố chết đến ba lần nhưng bất thành, bởi sự xuất hiện của Du. Tỉnh dậy, điện thoại báo lịch, đúng ngày sinh nhật Đông, không cảm nhận nổi điều gì ngoài chông chênh, thương tổn. Loại nước hoa tôi tặng anh có màu xanh của biển, gợi nhớ đến đám tảo thơm, hương muối và cuộc tình ái mê mải tận phía chân trời. Tôi ngửi thấy hương cam quýt, tuyết tùng, hổ phách và đơn sâm quyện vào nhau. Thi thoảng còn hắt mùi bông vải, mùi của những cánh đồng chiều ngoại ô xao xác cỏ lau hai đứa từng rong ruổi. Đông dắt tôi ngồi lên đám cỏ, đầu gối vào ngực anh. Khoảnh khắc ấy, trời chiều từ xanh chuyển dần sang tím sẫm. Ai ngờ được, khoảng trống bình yên này cách trung tâm thành phố chưa đến một giờ chạy xe.

Tôi hận Đông, người hết lần này tới lần khác khiến tôi đau đớn, nhưng cũng yêu Đông vô hạn. Yêu như lúc này, khi vừa qua cơn nguy kịch, tay còn băng vì vết cắt mạch máu, tôi vẫn nghĩ mãi về mùi hương anh thích, về cuộc tình lúc nào cũng như ngập chìm trong chếnh choáng hơi men.

- Cậu sẽ ổn thôi, thế mới là cậu...

         Du luôn nói vậy mỗi khi tôi gặp chuyện gì đó bất trắc. Cậu chẳng bao giờ quên tặng hoa hồng và lặng lẽ làm tất cả những điều tốt cho tôi. Chúng tôi lớn lên bên nhau, ở ngôi làng ven chân núi. Bố mẹ Du công tác ở tỉnh xa, gửi Du cho ông bà nội trông nom. Nghe đâu, gần một tuổi mẹ cậu đã cai sữa, đưa đứa cháu đích tôn về quê. Đó là niềm vui, cũng là nỗi an tâm, an ủi lớn nhất đối với ông bà cậu.

- Mình đã ở bên nhau bao lâu rồi?

- Ba mươi năm, bốn tháng, mười hai ngày...

- Cậu tính từ ngày được bố mẹ đưa về ở với ông bà à?

- Không, từ ngày tớ nhận biết được mình có một người bạn đặc biệt như cậu và tự hứa chúng ta sẽ không bao giờ rời nhau.

- Lúc đó bọn mình mấy tuổi nhỉ?

- Gần sáu tuổi, thế mà nhiều lần cậu định bỏ tớ đi. Nghĩ ngợi gì kì cục thế, Nhiên?

         Tôi không biết nên coi câu nói của Du là an ủi hay trách móc. Chỉ thấy tim mình đã nhói lên, đau điếng. Nhà tôi và nhà ông bà Du cách nhau một khoảnh vườn hoang có ngôi nhà ngói cũ kỹ lúc nào cũng như sắp sụp đổ. Bố tôi bảo, khu đất ấy đã qua nhiều đời chủ. Đầu tiên của một gia đình người trong làng, định cư vào Nam nên bán đi. Mảnh đất sang tên dễ cả chục lần mà tịnh không thấy ai về ở. Cũng chẳng rõ chủ nhà bây giờ đã là ai. Tôi và Du hay tha thẩn chơi trong khu vườn đầy cây bụi, chim chóc, những con bướm khế to bằng bàn tay lấm chấm đốm nâu và hoa văn kỳ quái lũ trẻ lấy đó mà dọa ma nhau. Đám trẻ làng nhặt cành xoan khô, tàu cau rụng, dựng thành lều. Cả lũ chơi trò đám cưới cổ tích. Tôi làm cô dâu. Một đứa con trai nào đó được chọn làm chú rể. Chưa bao giờ người được chọn là Du. Đám con gái xúm xít cài hoa, buộc tóc, đính váy lá cây xanh rờn, lộng lẫy cho tôi. Bọn con trai làm kiệu rước hoàng tử. Hoàng tử sẽ ngồi trên kiệu ấy tới lâu đài cỏ rước công chúa về dinh. Tất cả đồng thanh hát: “Hoàng tử là gió/ Công chúa là mây/ Lâu đài ở đây/ Đón nhau về nhé/ Có đàn se sẻ/ Có chú ong ve/ Tất thảy lắng nghe/ Chúng tôi về hát.” Mỗi lần đưa tay vén tấm voan trước mặt lên, tôi luôn thấy Du đứng cách mình một quãng, gương mặt sáng trong. Cậu không cười mà thần thái lúc nào cũng ánh lên niềm ân cần, nhẹ nhõm.

.

         Đông nói với tôi rất nhiều dự định. Anh muốn thuê những căn chung cư cũ ở trung tâm thành phố làm homestay. Cũng lại muốn mua chiếc ô tô hạng vừa, sau giờ làm chạy thêm grap. Anh gợi ý tôi có thể đầu tư thêm bất động sản ở thành phố xa lạ ấy, anh sẽ giúp tôi trông nom, giao dịch. Những cuộc bàn bạc, đối thoại giữa chúng tôi thường không có hồi kết bởi sự khác biệt trong cách nghĩ, cách làm. Nhưng tôi yêu anh. Với tôi đó mới là điều quan trọng nhất. Bên Đông, tôi hoàn toàn chìm đắm vào tình ái. Đông hơn tôi ba tuổi, sở hữu cơ thể đầy sức hút, tính cách thì hệt chàng trai chưa lớn với đủ sự vô ưu, phiền toái.

Tôi quen Đông trong lần đi công tác. Anh chở tôi trên chiếc xe cà tàng về trạm xá địa phương, nơi bà con được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và nhận quà của nhà tài trợ. Anh là dân công trình, nay đây mai đó. Thời điểm ấy, đội thi công của anh đang cắm lều bạt tạm bợ cạnh mấy công trình dang dở.

         -Cán bộ xã còn bận họp nên nhờ anh em nào đó đón cô. Họ kháo nhau, giám đốc truyền thông phía nhà tài trợ trẻ lắm, xinh lắm nên tôi mượn xe đi đón cô ngay đấy!

         Tôi trút tràng cười sảng khoái sau câu nói của Đông. Có thể là bông đùa, nhưng nghe rất thật. Anh tự giới thiệu tên tuổi, cả trích ngang chưa vợ vì... nghèo và hèn, lại thêm lần tôi cười ngặt nghẽo. Anh từng nói chuyện ấy với nhiều người, không ai cười như tôi cả.

         Xong công việc, đêm đến liên hoan lửa trại. Tôi thay bộ vest ra, xỏ giày vải, khoác lên người bộ đồ thể thao và nhập cuộc. Mọi người đều uống nhiều, có vẻ chẳng ai say. Hơi men chỉ góp thêm nồng nàn, quyến luyến. Tôi đi nhiều vùng miền, hình ảnh trẻ em bản địa luôn neo lại trong lòng bằng niềm yêu thương thật gần gụi. Chúng chìa tay ra để tôi nắm lấy và tạo thành vòng tròn quanh đống lửa, nhập vào điệu nhảy sôi động đến quên mình.

         Đông đưa cho tôi chiếc khăn thấm mồ hôi, hỏi khẽ: “Vui nhưng chắc cô mệt, hôm nay cô bận rộn mà. Khi nào tan cuộc để tôi đưa cô về.” Chúng tôi quen nhau như thế. Buổi sáng tạm biệt để mỗi người về một ngả, tôi trả lại Đông chiếc khăn, anh chìa tay nhận, áp nhẹ lên mặt và reo lên như đứa trẻ: “Thơm quá, người cô lúc nào cũng tỏa hương thơm như thế à, tất cả đồ trong tay tôi toàn mùi đất đai, xăng dầu và rượu.”

.

Du pha nước cam cho tôi, còn tôi thơ thẩn cầm bình tưới mấy chậu cây bon-sai ngoài ban công. Tất cả đời sống tinh thần của Du như dồn hết nơi này. Ban công rộng rãi, nhiều cây cối, có cả những chiếc tủ nhỏ xinh, mặt gỗ nâu trầm lên vân bóng loáng, kính thì trong veo, không chút bụi bặm. Tất cả như thể được chăm chút từng giờ. Nhiều lúc, tôi không hiểu làm sao Du để mắt được hết từng chi tiết nhỏ cho căn hộ luôn hoàn hảo khi công việc bận bịu tối ngày lại không ai sống ở bên, không người giúp việc. Đang nghĩ lan man, bất giác, đập vào mắt tôi là hình ảnh Aqva Pour Homme, chai nước hoa màu xanh tôi nhờ Du nhận và chuyển tới Đông nhân ngày sinh nhật. Tôi gào lên thất vọng: “Tại sao? Tại sao cậu làm chuyện này?” Du sững sờ nhưng vẫn đủ bình tĩnh đặt ly nước cam xuống mặt bàn, bước tới choàng tay giữ chặt tôi, bất biết tôi chỉ muốn vùng khỏi, đập phá, la hét và khóc lóc cho thỏa.

- Bình tĩnh lại đi Nhiên. Cậu nghe này, tớ đã cố gắng, nhưng chưa thể chuyển tới Đông. Anh ta đang ở rất xa và việc gặp gỡ, đôi bên đều không quyết định được. Xin lỗi vì tớ chưa kịp nói điều này với cậu.

- Anh ấy ở đâu? Người yêu tớ ở đâu?

- Trong tù!

.

         Chúng tôi đến vùng đất xa xôi. Xe của Du lướt băng băng trên con đường ven biển, len lỏi vào từng con đường nhỏ. Bên ngoài trời nắng to, cạnh cát trắng là cơ man những mẹt cá khô ngân ngấn vệt muối trắng.

Người đàn bà trạc tuổi bốn mươi ra tận ngõ đón tôi và Du. Ngoài khoảng sân, dưới gốc cây vông vang nở hoa đỏ rực, ba đứa trẻ con đang chụm đầu nghịch cát. Chúng buộc sợi chỉ vào thân một loài côn trùng và chăn dắt, hò reo. Chị ta rót nước, mời khách bằng hai tay, khí nhà váng vất, oi nồng, sực mùi biển mặn. Du xách túi quà, bước về phía lũ trẻ. Người đàn bà rụt rè, ngước nhìn tôi, giọng run run:

- Cậu ấy đã đối đãi rất tốt với mấy mẹ con tôi. Gia đình tôi có lỗi và mang ơn cô cậu nhiều lắm. Mọi lỗi lầm của anh ấy, tôi không dám đòi hỏi được tha thứ, chỉ mong cô vơi bớt tổn thương...

         Tôi không hiểu mẹ lũ trẻ huyên thuyên trình bày, bộc bạch những gì nhưng tròng mắt cứ cay dần khi đối diện gương mặt gầy mòn, lốm đốm tàn nhang đang nhòe nhoẹt nước mắt.

- Sức khỏe cô ấy chưa ổn định, chuyện gì cũng để nói sau. Nhiên, tớ đưa cậu đi loanh quanh chút nhé!

Lời Du ấm áp, lịch thiệp cắt ngang cuộc chuyện trò không đầu không cuối. Muốn quên ai đó, người ta hay chọn một chuyến đi xa, một vùng đất mới. Đơn giản là để kết thúc bằng chính sự khởi đầu. Nhiều lần, tôi khẳng khái nói với Du, rằng tôi không thể quên Đông và cũng chẳng muốn quên Đông, đừng cố công vô ích. Cậu bạn cười khì khì, vừa nhìn gương chiếu hậu vừa đáp: “Tớ chưa bao giờ khuyên cậu phải quên điều gì, mà chính tớ cũng không muốn thế.”

.

         Nhà tôi rời khỏi ngôi làng ven chân núi khi tôi vào đại học. Tôi có trái tim không khỏe mạnh và suốt cuộc đời này luôn phải mang theo một vết thương, chẳng thể chữa trị dứt điểm. Tôi sống chung với từng cú sốc, cơn đau như cơm bữa. Những cơn đau bất thình lình và dai dẳng của tôi đã đưa Du chạm tới ước mơ làm bác sĩ tim mạch. Du thậm chí còn vươn xa hơn rất nhiều so với cái đích ban đầu. Cậu trở thành một trong những giám đốc bệnh viện trẻ nhất. “Nhiên còn nhớ cái lần cậu ngã kiệu và ngất đi không?” Du quay lại hỏi tôi vừa lúc đám trẻ con chơi trò rước kiệu chạy ngang qua con đường cát bỏng. “Sao quên được. Sau đận ấy mới phát hiện tớ mắc bệnh tim. Mẹ tớ ngất lên ngất xuống. Còn cậu cứ nắm chặt tay tớ bảo đừng lo, sau này nhất định cậu trở thành bác sĩ, sẽ chữa khỏi bệnh này.”

Xa xa, những người đàn bà miền biển đội nón mê lúi húi dồn cá đã khô vào thúng mủng và mau mắn phơi lên mẹt những đợt cá tươi ròng nước biển còn đẫm tay. Tôi nhớ Đông. Nhớ từng bữa ăn với canh rau đắng, cá kho tộ, thịt chân giò luộc chấm mắm nêm. Chúng tôi yêu nhau, lao vào nhau như một kết cục không thể khác. Nhiều lần, tôi rời khách sạn, đứng trước phòng trọ nhỏ bé của anh rồi cười sảng khoái trước vẻ mặt Đông đang ngây ra, ngạc nhiên, khờ khạo. Mỗi lần như thế, tôi không mặc váy áo xa xỉ, không xức nước hoa, không mang giày cao gót. Trong mắt Đông, tôi tận tụy, lành hiền như người vợ vẫn đợi chồng trở về mái ấm. Bát đĩa đựng đồ ăn được đặt trên giấy báo. Nền nhà Đông lau sạch sẽ còn hơi loáng nước có chiếc quạt máy quay đều đều xua cơn nóng nực đang rịn mồ hôi dưới từng lớp áo. Tôi yêu không gian nhỏ hẹp và nồng nã đó. Yêu cách ăn uống mê say, vồn vã của Đông. “Mọi thứ đều ngon tuyệt,” “Anh thích cá kho có nhiều ớt xanh thế này,” “Em xem, tỏi ớt nổi đều trên mặt bát nước chấm, trông thật thích mắt,” “Lẽ ra em nên làm đầu bếp, à không, nên làm vợ anh sớm hơn”... anh hào hứng, ấm nồng tán dương, còn tôi, chỉ nhìn anh thôi đã đủ đầy hạnh phúc.

         Nằm bên nhau, Đông thủ thỉ, trông tôi thật mâu thuẫn. Vẻ ngoài kiêu sa nhưng đôi tay và đầu gối thô, đầy sẹo. Tôi áp đầu vào ngực anh nghe tim đập, chân gác nhẹ lên cửa sổ. Tôi kể cho anh nghe, thời sinh viên, tôi đã làm không thiếu việc gì, từ đóng gói hàng, bồi bàn, rửa bát thuê, đánh máy trong hiệu photocopy... để có tiền ăn học. Suốt những năm tháng ấy, tôi không thể cho mình quyền sống hồn nhiên mặc bố tối ngày chạy xe ôm, mẹ làm thuê trong quán phở và em gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Ngày đó, Du học trường Y tới bảy năm, ở một thành phố khác. Chúng tôi vẫn đều đặn thư từ, tin nhắn điện thoại và mỗi chiều thứ bảy là cậu bạn thân xuất hiện trước khu gia đình tôi ở trọ, tay đầy những gói ô mai, đưa lên vẫy vẫy.

.

         Du từ chối nói về lý do khiến Đông phải ngồi tù. Cậu từ tốn bảo, rồi dần dần tôi sẽ hiểu, hoặc để anh ta tự nói thì hơn. Một tai nạn ngoài ý muốn khiến một phần trí nhớ của tôi trở nên khiếm khuyết. Tôi đòi Du đưa tôi tới phòng trọ Đông từng ở. Căn phòng khóa ngoài, vài bộ áo quần trên dây phơi chưa kịp cất. Từ phòng bên cạnh, hai cái đầu trọc ló ra, có tiếng xì xào, dăm phút sau đã lại thêm những cái đầu từ vài căn phòng khác. “Mình đi đã, Nhiên.” Một tay Du giữ chiếc ô che nắng, tay kia đỡ hờ phía sau lưng tôi.  

         Bãi cỏ lau hoang vu chúng tôi vừa lướt qua là một trong những nơi đầu tiên tôi và Đông hò hẹn ở thành phố này. Sau đêm lửa trại và buổi sáng kịp chào nhau chớp nhoáng, chúng tôi kịp lưu số điện thoại của nhau. Đông luôn nhắn nhủ: “Khi nào cô vào đây công tác, nhớ gọi cho tôi, tôi mong được đón cô như lúc trước.” Lời nhắn thật dễ thương, đủ sức hút để tôi khước từ mọi cuộc hẹn cà phê, ăn tối, vui chơi từ bạn bè và đối tác. Sau cuộc họp, tôi nhắn cho Đông: “Tôi đã ở đây rồi, nếu anh không đi công trình thì gặp nhau chút nhé”. Lần ấy, anh chở tôi trên chiếc xe máy SH. Anh ngoái cổ lại, khoe: “Tôi mượn của cậu làm cùng đấy. Chở người đẹp thế này, chẳng có xe sang thì chí ít cũng nên như vậy. Sau này, khi có thể mua chiếc xe thật đẹp, tôi sẽ chở cô đầu tiên”. Tôi lại bật cười trước thái độ cởi mở, hồn nhiên của Đông. Lâu lắm tôi mới ngồi xe máy. Thời vừa tốt nghiệp đại học và đi làm, tôi cứ lặng lẽ gắn bó với chiếc xe máy cũ mua lại của người chị học khóa trên. Chính tôi cũng không nghĩ, sau những ngày tháng làm việc đến quên mình, tôi từ chiếc xe ấy bước lên ô tô và bây giờ, cứ mỗi năm, đúng dịp sinh nhật, tôi đều đổi xe.

         Sinh nhật đầu tiên khi tôi có Đông, tôi không gọi Du đi nhận xe cùng mình nữa. Đơn giản là bởi người yêu tôi nói thẳng, anh không thích cậu bạn thuở ấu thơ cứ kè kè bên tôi, những dịp quan trọng thế này, Đông mới là người cần có mặt. Anh đáp chuyến bay đến thành phố tôi ở để kịp đưa tôi đi nhận xe và tổ chức sinh nhật. Tôi kéo cặp kính xuống, khấp khởi nhấp ngụm cà phê, chờ Đông bước ra sảnh sân bay. Điện thoại báo tin nhắn của Du: “Mừng sinh nhật nàng công chúa của tớ. Tớ đã gọi đến hãng, sẽ có bất ngờ chào đón hai người. Hãy cười thật tươi vào nhé!” Đông gọi tôi tới ba lần chỉ vì tôi mải nhắn cho Du. Giữa đám đông, anh không lẫn đâu được, vẫn dáng vẻ bụi bặm, phong trần như khi ở công trình, khi về nhà trọ. Ngồi trên xe rồi, Đông vẫn bực dọc cằn nhằn: “Đầu óc em toàn để đẩu đâu. Chắc lại thằng Du, lúc nào cũng Du.” Tôi mở nhạc, hạ nhiệt độ xe, quay sang chạm nhẹ môi vào má anh. Cơn dỗi của anh tan biến nhanh chóng. Đông xiết mạnh tay lên đùi tôi, kề mặt vào cổ tôi và trượt dần xuống. “Để em lái xe nào, hâm quá!” Chỉ cần chạm nhẹ là hết dỗi nhau.

         Màn chào đón, tặng quà của hãng xe khiến Đông choáng váng. Không chỉ là bó hoa từ nhân viên nào đó trao tay, chụp ảnh check-in như thông lệ ai đó vẫn nhận xe. Người đại diện đích thân bắt tay chúc mừng, tặng hoa cho tôi và món quà đặc biệt đề sẵn tên Đông, như chính Đông mới là chủ thực sự. Đông cười thật rạng rỡ. Mà nghĩ cho cùng, anh là chủ cũng đúng thôi. Đông là người yêu tôi, sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ kết hôn, về chung một nhà. Mấy cậu nhân viên thoáng ngạc nhiên khi thấy tôi cầm chìa khóa mở xe, ngồi ghế lái, Đông lặng lẽ bước theo sau.

.

         “Anh nói anh vay thì sẽ trả, làm gì em cứ đùng đùng lên thế, làm ăn thua lỗ là chuyện thường. Em mua cái xe vài tỷ, nhẹ như lông hồng, nay tiền anh cầm của em để làm ăn còn chưa đến nửa chỗ đó...,” Đông nổi cáu khi tôi truy vấn anh về khoản đầu tư để anh làm homestay, nay báo lỗ đau lỗ hại. Chưa kể, anh vẫn hậm hực việc tôi chưa đồng ý để anh mua ô tô. Thực lòng, tôi luôn muốn Đông từ bỏ nghề xây dựng, bám trụ công trình, muốn anh sớm ổn định sống bên tôi. Tôi quyết định đầu tư cho Đông cũng bởi lẽ đó. Nhưng có lẽ tôi đã chủ quan, hời hợt trong giai đoạn anh khởi đầu mới dẫn tới chuyện làm ăn thất bát. Đêm ấy, chúng tôi to tiếng, tôi vùng vằng rời khởi chỗ anh.

Đông gọi, tôi không nghe máy. Điện thoại báo tin nhắn mới, tôi không mở đọc, không hồi đáp. Tôi đã uống khá nhiều, đã khóc vì Đông, đã nhớ lại tất cả kỷ niệm từ ngày đầu gặp gỡ. Thấm thoắt, ngót hai năm rồi. Chuyện làm ăn không như ý muốn, có đáng để chúng tôi dằn vặt nhau không, khi cả anh và tôi đều đang cố vun đắp cho cái đích gọi chung là mái ấm. Có lần, Đông xoa hai bàn tay vào mà nói: “Anh thật kém cỏi, bắt đầu gây dựng phải dựa vào em. Em bước trước anh cả chặng rất dài, lắm khi anh mặc cảm. Yêu em, vượt qua được nỗi mặc cảm thôi đã chẳng dễ dàng gì...” Mỗi lần như thế, tôi sà vào lòng anh, bé nhỏ, ngoan hiền. Tôi luôn động viên Đông: “Giàu hay nghèo, trước hay sau nào quan trọng gì, giờ chúng ta đang bước cùng nhau đấy thôi.”

         Đông gọi ráo riết, tới năm, sáu cuộc tôi mới bắt máy. Giọng đàn ông lạ lẫm, sắc lạnh: “Thằng Đông đang trong tay bọn tao. Nợ nần không thanh toán thì xử đến người. Mày còn muốn nhìn mặt nó thì mang tiền đến bãi lau, báo công an hay đi cùng ai khác, đừng trách...”

         Tôi thấy tai mình ù đi, toàn thân tê cứng. Định gọi cho Du rồi bất giác hoảng loạn cho điện thoại trở lại túi xách. Nhằm hướng bãi lau vùng ngoại ô, tôi lái xe theo quán tính, tâm trí chỉ toàn hình ảnh Đông. Tôi mặc sức khóc, ân hận. Giá không có cuộc cãi vã, giá tôi đừng truy vấn anh vì sao để việc kinh doanh thua lỗ, cụ thể các khoản ra sao... thì đâu đến nông nỗi.

.

         “Chắc chắn cô đã ngủ với thằng Du. Không dưng cô hờ hững thế.” Nhiều bận, nửa đêm, Đông nổi cơn thịnh nộ khi tôi gạt khẽ tay anh ra vì mỏi mệt. Dầu gì, tôi đều không cho phép ai đụng vào người bạn thời thơ ấu của mình. Thế rồi, chúng tôi cãi vã. Đông lao vào tôi như kẻ điên, đưa tay xộc vào tóc tôi và quấn chặt mấy vòng trong tay anh. Mỗi cú Đông xiết tay, đầu tôi quay cuồng, đau đớn như có ngàn mũi kim đâm mạnh. Phút chốc, Đông biến thành con người khác hẳn, sỉ vả, hành hạ tôi tàn bạo. Quá sức chịu đựng, tôi hét thật to.

         Thì ra, tôi đang trên chiếc giường quen thuộc, trong căn hộ của mình. Có vẻ Du đã ở đó rất lâu, trông chừng tôi, cậu ngủ quên, tay còn cầm cuốn sách. Trời vừa chuyển tiết sang hè, chỉ qua vài ngày mưa lay phay gói trọn cái rét nàng Bân nữa là nắng đầu mùa sẽ tới. Trên con đường Du thường chở tôi đi dạo, hoa ngũ sắc nở dày đặc. Vì sao chúng tôi lại chưa từng yêu nhau. Tôi mang niềm mông lung đó nói với Du. Du bảo, sao tôi biết là chúng tôi chưa từng yêu nhau và tại sao lại định nghĩa tình yêu chỉ đến thế thôi. Có những tình cảm mênh mông, vô hình đến mức người ta không nỡ chạm vào, người ta chỉ đứng ngây ra nhìn bằng hồi ức trong veo. Bao nhiêu năm qua, nhiều lần, tôi ngất đi trên tay Du, Du bế tôi thẳng vào phòng cấp cứu. Nhiều lần, hễ tôi mở mắt tỉnh dậy, đều gặp dáng vẻ lặng lẽ quen thuộc bên cạnh đóa hoa hồng.

Từ lúc ở bệnh viện trở về, giấc mơ tôi đều chập chờn màu trắng cỏ lau trong đêm, và máu đỏ. Tôi láng máng nhớ mình đã hoảng loạn tột độ, tay run lập cập bấm vào tên Du trong danh bạ. Lúc đó, Đông đã ở đâu. Lúc đó, đám thanh niên vằn vện sau khi cầm tiền, đòi thêm trang sức vẫn xông vào tôi xâu xé. Tôi không nhớ rõ mình phản kháng thế nào để kịp vào xe, nhấn ga và lao như điên dại cho đến lúc một tiếng động lớn vang lên, những dòng máu lạnh lẽo rỉ thấm khắp cơ thể làm tôi buốt xót.

.

         Không báo cho Du, tôi tự tìm về ngôi làng ven biển, nơi có lần tôi và Du gặp người đàn bà không chồng và lũ trẻ con. May ra, chỉ họ mới cho tôi biết phần ký ức khuyết thiếu trong tôi là thế nào. Vẫn dáng vẻ khắc khổ, cần mẫn, người đàn bà xua lũ trẻ ra sân rồi cúi đầu rót nước.

- Thú thực, tôi từng căm hận vô cùng khi biết cô định cướp anh ta khỏi tay tôi và đám trẻ. Nhưng cậu Du đã nói với tôi đầu đuôi câu chuyện. Cô không hề biết anh ta có vợ con, chính cô còn là nạn nhân các vụ lừa tiền, tống tiền do chồng tôi sắp đặt. Tất cả những kẻ lừa đảo, làm tổn hại đến cô, khiến cô suýt mất mạng lúc lái xe bỏ chạy đều đã ở tù...

- Thế chị là...

- Tôi là vợ anh Đông! Cậu Du nói, kẻ có tội phải đền tội, không thể khác, nhưng tôi và bọn trẻ vô can, cậu ấy giúp đỡ mẹ con tôi rất nhiều. Đành rằng việc làm xuất phát từ lòng nhân hậu, nhưng hình như, cậu ấy làm thế cũng là để cô Nhiên được an lòng nếu một ngày nào đó cô nhận ra ký ức...

         Du đợi và đón tôi ngay trước cổng căn nhà ấy. Cậu không nói gì, một tay vẫn lặng lẽ che ô, tay kia đỡ hờ phía sau lưng tôi. Trong ý niệm của tôi, chưa bao giờ Du là chàng hoàng tử ngồi chung kiệu hoa từ đám rước dâu cổ tích ngày xưa cho tới mãi sau này. Trên đường trở về, tôi hỏi mãi Du, không biết vì sao trong khoảng ký ức tôi đã quên, phần thuộc về Du vẫn luôn nguyên vẹn. Du đáp, là bởi Du thuộc một phần tôi, gần gụi đến mức không thể tách biệt ra làm thành ký ức. Tôi đồng tình với Du, nếu tôi quên cậu ấy, có lẽ tôi cũng lãng quên chính bản thân mình.

- “Một ngày trời xanh, em vì anh mà dừng lại...” là gì vậy?

- Là câu thơ thuộc về loại nước hoa này. Không phải sáng tạo từ hãng đâu nhé, do tớ tự ý nghĩ linh tinh ra thôi!

- Giờ thì chúng ta không cần đến nó nữa, tớ giữ lại phần cậu nghĩ linh tinh đủ!

- Chắc chứ?

- Đồ trẻ con!

Giây phút ấy, Du không cười nhưng gương mặt nhẹ nhõm hệt thuở ngày xưa mỗi lần nhìn tôi được cài hoa, buộc tóc, đính váy lá cây giả làm công chúa. Tôi chưa từng biết cậu nghĩ gì vào những giờ khắc ấy, chỉ biết lòng mình dấy lên niềm tin cậy, êm đềm.

Sau này, mỗi lần ghé nhà Du, tôi vẫn thấy chai nước hoa nguyên chỗ cũ. Du không bỏ nó đi. Màu xanh biển găm vào một góc ban công như ánh mắt xanh lơ len lỏi, mơ hồ và tội lỗi. Có những buổi chiều, tôi ngồi duỗi dài trên ghế mây, nghĩ về những vùng ký ức đã đau đớn mất đi, đã trở lại bàng hoàng rồi lặng lẽ hoen mờ dần như làn sương chiều đang vất vơ phía Tây thành phố. Tôi mơ mộng gọi đó là những buổi chiều mắt xanh. Quan trọng là, bất cứ hoàn cảnh nào, Du vẫn luôn ở đó bên tôi, chưa bao giờ mảy may mình có là hoàng tử hay không./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 970)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 869)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 570)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 940)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
20 Tháng Mười Hai 20239:28 SA(Xem: 765)
Ở nhà quê không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, của cải, ruộng cả ao liền...
15 Tháng Mười Hai 20234:38 CH(Xem: 918)
Răng khểnh là chiếc răng thừa hay răng duyên,
07 Tháng Mười Hai 202310:08 SA(Xem: 921)
Ngày thứ bảy ấy, mẹ tôi đưa tôi ra xe hỏa để trở về Ngoạn Mục. Mặc dầu có lời khuyên bảo của bác sĩ chuyên môn, tôi biết tôi đã vĩnh viễn đi vào cuộc đời mới, đời của kẻ mù lòa.
05 Tháng Mười Hai 20233:20 CH(Xem: 724)
Thế là hết thật. Chị nhủ thầm một lần nữa, thờ ơ ngắm cái đốm lửa lẻ loi sắp lụi tàn...
28 Tháng Mười Một 20235:09 CH(Xem: 935)
Anh chỉ có mỗi một quả mìn. Anh không thể đánh hụt.
28 Tháng Mười Một 20233:00 CH(Xem: 1120)
Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8864)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17197)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12396)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19130)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9301)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 708)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1082)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1251)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22548)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14084)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19235)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7944)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8876)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8547)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11120)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30776)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20851)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25569)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22951)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21791)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19847)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18092)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19303)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16963)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16143)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24563)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32024)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34959)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,